“Có những thứ hạnh phúc được sơn phết bên ngoài để che giấu sự mục ruỗng bên trong.”
***
Buổi chiều, mấy mẹ con đang chuẩn bị ăn cơm thì thím Bảy tôi, lôi mẹ tôi ra sân thì thào. Tôi nghe mẹ kêu lên thảng thốt như con gà bị lạc bầy: “Không, không. Chị nói bậy”. Tiếng thím Bảy gằn gằn điều gì đó, rồi mẹ tôi bật khóc. Buông chồng chén xuống mâm. Tôi và anh Hai chạy nhanh ra cửa. Thế nhưng thím Bảy đã xua: “Tụi bây đứng đó không được ra đây”. Mẹ tôi cùng nín lặng, hức hức trong họng. Quay về phía chúng tôi, mẹ nói: “Vô nhà đi”, rồi kéo thím Bảy ra nói chuyện tận hàng rào. Khi trở vào, mẹ giống như một người khác hẳn. Xám xịt, hốc hác với đôi mắt không còn sinh khí, mẹ bảo mà không nhìn chúng tôi: “Đi theo thím Bảy, coi ba ở đâu thì về nói cho mẹ biết”.
***
Thím Bảy dắt chúng tôi ra ngõ, kêu một chiếc xe ba gác máy,
biểu người tài xế chở ra bến đò. Qua bên kia sông, chúng tôi đi quanh co theo mấy
rặng dừa rồi quẹo vào một con lộ nhỏ, hai bên trồng đầy rau mùng tơi. Dúi chúng
tôi đứng vào một góc khuất, thím Bảy nói: “Thấy cái nhà có giàn bông giấy kia
không? Ba tụi bay ở trỏng: Đứng đây chờ. Chừng nào thấy ổng đi ra với ai thì nắm
lại, kêu to lên. Nhớ đó. Đừng có thụt ra thụt vô, ba bay trốn là tụi bay ăn
đòn. Nghe chưa?”. Thế là hai anh em tôi cứ đứng mãi như vậy. Chiều sẫm xuống thật
nhanh rồi bóng tối vây quanh. Tiếng ếch nhái gọi nhau đã nổi lên tứ phía. Gió từ
bến sông thổi lùa vào, lạnh buốt. Ba đang làm gì trong kia mà chưa chịu ra
ngoài? Hai anh em tôi co ro dựa vào nhau, ngủ ngồi trên đất từ lúc nào không biết.
Thốt nhiên, tai tôi cháy bỏng vì một cú véo khiến tôi quáng quàng bật dậy. Anh
Hai tôi có lẽ cũng bị véo tai y như thế, đang lồm cồm đứng lên. Thím Bảy, hai
tay chống nạnh trước mặt chúng tôi, nhiếc: “Đồ ăn hại. Biểu dòm chừng mà lo ngủ.
Ổng đi mất biệt rồi. Về!”. Ba tôi, nói theo kiểu sách vở, là một người phong
lưu tài tử. Ngày xưa, ông bà nội tôi không muốn cậu con trai duy nhất theo nghề
làm nông của mình, đã gửi cậu lên huyện học hành. Đẹp trai lạ lùng, không giống
con nhà nông dân một chút nào, cậu còn hát hay và đàn giỏi. Vì thế, có rất nhiều
con gái say mê. Cũng vì thế, cậu chẳng học được gì nhiều mà chỉ chơi là chính.
Thấy tiền bạc cứ đội nón ra đi hoài mà cậu con trai vẫn lông bông, không hứa hẹn
một tương lai tốt đẹp, ông bà nội tôi liền đi chọn vợ cho cậu, đúng kiểu người
quê tính việc: “Lập thê, an cư, lạc nghiệp”. Mẹ tôi không phải là người hiền
lành. Là con gái quê nhưng bà nói năng sắc sảo và có phần đáo để. Đây chính là
mẫu người ông bà nội tôi cần để làm cái gông, kèm thằng con trai lại. “Phải có
con vợ dữ, thằng đàn ông mới nên người”, ông tôi tuyên bố như vậy. Kêu ba tôi đứng
trước bàn thờ tổ tiên, ông tôi bảo: “Một là mày cưới vợ. Hai là tao từ mày. Chọn
đi! . Thế là đám cưới ba mẹ tôi được cử hành. Mười năm trôi qua dưới sự quán
xuyến của vợ, ba tôi trở thành người” như ý muốn của ông bà nội: đàng hoàng, biết
lo lắng cho vợ con, chăm chỉ làm ăn. Cho đến khi xảy ra một chuyện đau lòng… Ba
tôi yêu người phụ nữ khác. Đó là một phụ nữ góa chồng, có đứa con trai nhỏ ở
huyện kế bên. Mẹ tôi xem đó như một sự sỉ nhục. Phải chi ba tôi yêu một cô gái
hơ hớ, nõn nà. Đằng này, bà Khuyên cũng khoảng tuổi mẹ, làm nghề thêu may. Theo
người ta kể, vẻ bề ngoài của bà trông còn kém hẳn mẹ vài phần.
***
Mẹ tôi gọi bà Khuyên là “con hồ ly tinh”. Trong những trận
cãi nhau đến vỡ cả nhà của ba và mẹ, những chữ “hồ ly tinh” ấy cứ dộng vào tai,
dộng vào tim tôi thình thình. Bất chấp lời năn nỉ của ba tôi: “Đừng để tụi nhỏ
biết chuyện”, mẹ tôi vẫn gào, hét, đập phá, khóc lóc ầm ĩ. Nép sau cánh cửa tủ,
hai anh em tôi run như thằn lằn đứt đuôi, cố gắng bịt hai tai lại. Thế nhưng mười
lần như một, mẹ tôi sẽ xông đến, lôi chúng tôi ra trước mặt ba: “Giết tôi đi.
Giết chết tụi nó đi rồi muốn làm gì thì làm!”. Mẹ điên tiết vì ba tôi đã đưa tình
nhân đi nơi khác ở. Đêm đó, khi hai anh em tôi lủi thủi theo chân thím Bảy về
nhà, mẹ đã hất đổ mâm cơm xuống đất từ lúc nào. Con Vện nhà cậu Chín hàng xóm
đang hùng hục nhai nuốt. Mẹ ngồi một đầu đi văng, hai con mắt long lên trong
ánh đèn nê-ông xanh nhợt. Ba ngồi ở đầu kia, hai vai trĩu xuống. Ông vừa xác nhận
chuyện ngoại tình của mình: Tôi thương mình và con, nhưng tôi yêu người ta”. Về
sau, khi lớn lên, tôi hiểu chính câu nói này làm mẹ vĩnh viễn không tha thứ cho
ba được. Ranh giới giữa hai từ “yêu”, “thương” thật quá mỏng manh, nhưng cũng
quá rạch ròi. Ba tôi lấy người vợ do ông bà nội tôi chọn để tròn chữ hiếu. Tuy
nhiên, trong suốt mười năm qua, ông không yêu vợ. Ông rầu rĩ bảo: “Mình giỏi và
tốt lắm, tôi không dám chê trách gì mình. Chỉ có điều tôi thấy người đó hợp với
tôi hơn”. Mẹ tôi lịm đi tức nghẹn. Trong uất ức, bà lập tâm trả thù. Mãnh lực
tình yêu thật ghê gớm. Ba tôi mặc kệ những trận cãi nhau với mẹ, vẫn tiếp tục
qua lại với bà Khuyên. Mẹ liên tục đi bắt ghen, nhưng chưa lần nào bắt được. Chỗ
ở của bà Khuyên và ba luôn dời đổi. Thím Bảy đi lùng sục mãi với mẹ cũng nản,
xoay qua khuyên mẹ: “Hãy thôi đi. Kệ. Ông mèo chuột chán rồi về. Mình vợ kèo
con cột, mất đi đâu mà sợ?”. Thím Bảy không đi thì mẹ lôi chúng tôi đi. Mẹ đã
biến thành người khác rồi. Ốm nhách, gân mặt lộ ra sau những cái nghiến răng,
hai con mắt long sòng sọc, mẹ là hiện thân của một cơn bão dữ. Cơn bão ấy không
nề hà gì, sẵn sàng cuốn trôi mọi thứ trong tầm tay. Đó là một ngày mùa hạ. Hai
anh em tôi đang đùa nghịch trên cây nhãn thì mẹ gọi xuống. Nhìn hai con mắt của
mẹ, anh Hai tôi kêu lên: “Con không đi với mẹ nữa đâu”. Tôi nép sau lưng anh:
“Con cũng không đi đâu”. Mẹ tôi nhìn sững hai đứa con rồi cười nhạt: “Không đi
hả? Không đi tao chém chết tụi bay rồi chết theo”. Trong tay mẹ, con dao xắt
chuối ánh lên màu xám lạnh lùng. Anh Hai tôi vòng hai tay ra sau, ôm chặt tôi,
thất thanh kêu: “Đừng, đừng mẹ ơi. Tụi con đi mà”. Chúng tôi ríu ríu theo chân
mẹ. Mẹ đã tìm ra chỗ ở của bà Khuyên. Khi mẹ dắt hai anh em tôi tới, ba tôi
đang ngồi ăn cơm trên chiếc phản gỗ. Một người đàn bà nhỏ bé có gương mặt dịu
dàng ngồi bên cạnh ba. Nhìn thấy cái bụng lum lúp của bà, mẹ tôi gào lên một tiếng,
xộc vào. Những gì xảy ra sau đó như một cuốn phim kinh dị mà tôi chỉ muốn quên
đi. Hình như mẹ tôi vung con dao lên. Hình như người đàn bà đó ngã bật xuống đất.
Hình như ba tôi đánh mẹ tôi một bạt tai. Hình như máu chảy chan hòa. Tôi thấy
anh Hai tôi nhảy choi choi, cố sức cắn vào tay ba. Tiếng anh hét nghe như tiếng
còi lanh lảnh, lanh lảnh mãi, nhận chìm tôi vào một vô thức đen đặc và ngạt thở.
***
Đứa em cùng cha khác mẹ của tôi đã không còn. Sau khi rời bệnh
viện, bà Khuyên bỏ đi đâu, không ai biết. Ba tôi về nhà, lặng im như một người
câm. Anh Hai tôi đã phát điên. Bác sĩ bảo rằng anh bị sốc, rằng anh là người
quá nhạy cảm và không chịu nổi những chấn động tinh thần. Ông nội tôi lên cơn
đau tim khi thấy đứa cháu đích tôn lâm vào tình trạng mất thần trí. Trong suốt
nhiều năm sau đó, ông không hề nhìn mặt ba tôi. Đối với những oán trách của gia
đình, ba tôi không một lời cãi lại. Ông chỉ cố gắng chạy thầy chạy thuốc cho
anh Hai tôi, mong con mình có ngày hồi phục. Với mẹ tôi, ông tỏ ra kính trọng
và nhún nhường. Bà muốn ông làm điều gì, ông cũng chấp nhận, trừ chuyện ngủ
chung. Bệnh tình của anh tôi không thuyên giảm. Cứ mỗi khi mùa hè đến thì anh lại
nổi cơn điên. Đã mười năm trôi qua tiếng hét của anh vẫn lanh lảnh như thời còn
bé. Anh đá, đạp, cắn, cấu. Còn ba tôi nước mắt ròng ròng. Những lúc đó, mẹ tôi
lại ra vườn sau đứng khóc. Tôi không hiểu mẹ có hối hận vì những việc mình làm
không? Thế nhưng, tôi không thấy cảm xúc trước những giọt nước mắt của bà. Trái
lại, tôi thấy thương xót ba. Tôi đã có người yêu và hiểu thế nào là sự đau khổ
khi phải sống với một người mình không chút yêu thương. Tôi cũng hiểu sự day rứt
của ba trước thái độ cư xử của bà Khuyên. Dù bị mẹ tôi hại đến sẩy thai và suýt
chết ở bệnh viện, khi tỉnh lại, bà Khuyên nhận hết lỗi về mình và xin tòa xóa tội
cho mẹ tôi. Thuở đó, tôi chưa đủ suy nghĩ để nhận thức những gì vừa xảy ra trước
mặt. Nhưng tôi vẫn thấy mẹ tôi ác quá. Khi bà Khuyên cam chịu thiệt thòi, bỏ xứ
ra đi, thốt nhiên, tôi sẵn lòng tha thứ cho tội dám yêu người có vợ của bà. Mười
năm qua. Bên cạnh đứa con trai điên dại, ba mẹ tôi sống với nhau bằng mặt chẳng
bằng lòng. Ba tôi già đi thật nhanh. Những nét phong lưu, lãng tử hoàn toàn biến
mất. Còn lại là những dấu vết khắc khổ hằn sâu trên gương mặt với mắt nhìn xa vắng,
mông lung. Có những buổi chiều, cha con tôi dắt nhau đi câu cá. Đó là khi anh
Hai tôi không lên cơn hiền như một đứa trẻ. Anh ngồi tỉ mẩn móc mồi vào cần câu
và reo hò khi có một con cá bị giật lên. Cũng có lúc anh nằm ngủ thật hồn nhiên
ngay trên bờ ruộng, đầu gối lên một gờ cỏ mịn màng. Những lúc ấy ba tôi lại
nhìn sững anh rồi quay đi lén chùi nước mắt. Ngồi sau lưng ông, nhìn rõ bờ vai
rung lên những tiếng nấc cố nén, lòng tôi nghẹn ngào chỉ muốn gọi lên hai tiếng
“ba ơi!”. Mẹ tôi còn khổ hơn. Tôi nghĩ vậy. Lòng hận thù và tự ái khiến bà làm
đủ cách để nắm giữ cả linh hồn và thể xác của chồng, dù chỉ là con tim khô héo
và một xác thân không còn cảm xúc. Ba tôi làm theo lời bà như cái máy. Đám cưới,
đám tiệc, cả hai luôn sánh bước bên nhau. Ba tôi lịch sự. Mẹ tôi tươi cười. Còn
ai dám bảo đó không phải là một cặp vợ chồng hạnh phúc? Vậy là được rồi. Có ai
để ý nhìn vào đôi mắt mẹ và đôi mắt của cha tôi lúc ấy để nhìn thấy tâm tình thật
sự của họ đâu?
***
Thế rồi, một buổi sáng, mẹ sai tôi sang xóm bên mua chai rượu,
ít lá trầu. Khi tôi mang về, mẹ cũng đã thổi xong nồi xôi, luộc xong con gà trống.
Bà lặng lẽ bày ra đĩa đặt lên bàn thờ ông bà nội rồi sai tôi ra ruộng, mời ba về.
Anh trai tôi ngồi bệt trên thềm, tay cầm con châu chấu bện bằng lá dừa, cười
ngu ngơ, hiền lành. Ba tôi đứng bên cạnh, im lặng nhìn xuống đất. Mẹ nói, giọng
âm thầm như vọng lên từ đáy mồ: “Mình lên phản ngồi đi”. Đứng nép sau cánh cửa,
tôi nhìn sự việc xảy ra trước mắt mình, bàng hoàng, đau nhói tâm can. Mẹ thắp
nhang, vái bốn vái trước bàn thờ ông bà nội, rồi quay sang ba, bà chậm chạp quỳ
xuống: Ba xấp nhỏ, xin tha thứ cho tôi. Tội lỗi tôi nhiều quá. Tôi lạy mình ba
lạy, xin phép mình cho tôi vô chùa”. Ba tôi rớt nước mắt, gật đầu. Như vậy, mẹ
tôi đã chọn cách ăn năn sám hối ở chùa, ngày ngày chuông mõ, kinh kệ để răn
mình. Trái tim non nớt của tôi lúc đó cũng hiểu rằng đây chính là giải pháp tốt
nhất để cha mẹ khỏi phải sống giả dối bên nhau. Thỉnh thoảng, nhớ mẹ, tôi lén
lên chùa, nắp sau những góc cột, bờ tường để nhìn bà thấp thoáng phía xa. Ba
tôi đã dặn: “Đừng quấy rầy mẹ. Đừng dắt anh con lên đó kẻo mẹ nhìn thấy, không
yên lòng, nghe con”. Tôi làm theo lời dặn đó với một chút giận hờn trong lòng.
Sao ba lại có thể bình thản với chuyện đi tu của mẹ như vậy? Nói gì thì nói, ba
cũng là nguyên nhân tội lỗi của mẹ mà. Ngày tôi đi lấy chồng, khi bánh xe lăn
êm trên đường nhựa, nhìn xa xa trên triền đê, thấy bóng cha đứng hẩm hiu bên đứa
con trai điên trong bóng chiều sắp tắt, nước mắt tôi chảy dài. Chưa bao giờ tôi
thấy làm người khổ như vậy. Cha đã tha thứ cho mẹ, đã để mẹ đi tu, nhằm giúp bà
gác bỏ chuyện đời, tìm quên trong câu kinh, tiếng kệ. Còn cha, ngày ngày đối diện
với đứa con tàn tật, ông đã chọn cho mình cách trừng phạt lớn nhất: Đối diện với
lỗi lầm nhưng không thể sửa đổi lỗi lầm ấy cho đến chết.
Phạm thị Ngọc Liên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét