Có những khoảnh khắc đẹp đến kỳ diệu của thiên nhiên khiến ai cũng phải ngỡ ngàng tưởng như hình ảnh thiên nhiên được Photoshop.
Vùng biển Mauritius trông giống như một thác nước giữa đại dương.
Đám mây bất thường xuất hiện trên bầu trời ngỡ như một đĩa bay. Khi một phần đám mây bắt đầu đóng băng, nó sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền, khiến cho hơi nước xung quanh nó cũng đóng băng, rơi xuống và tạo thành lỗ.
Ai cũng sẽ thót tim khi nghĩ 2 đứa trẻ đang nhảy xuống vực. Thực ra, chúng chỉ nhảy xuống vùng biển trong vắt ở Texas, Mỹ
Những đám mây xà cừ thường được nhìn thấy ở Na Uy và vùng cực Bắc khi mặt trời nằm dưới đường chân trời.
Những thân cây khô nổi bật trên nền cát vàng ở Dead Vlei – hay còn gọi là Nghĩa địa cây khô ở Namibia trông giống như một bức tranh.
Mặt trời ảo là hiện tượng hai, ba hay nhiều “mặt trời” xuất hiện cùng lúc, chỉ có 1 mặt trời thật còn lại là hư ảo được gọi mặt trời ảo. Mặt trời thật sáng hơn các mặt trời ảo. Đây là hiện tượng quang học bình thường, diễn ra lúc Mặt trời đến gần chân trời.
Lớp đá trầm tích bị xói mòn qua hàng triệu năm trong sườn núi Coyote Buttes thuộc Khu bảo tồn quốc gia Vermilion Cliffs ở Arizona.
Lớp đá trầm tích bị xói mòn qua hàng triệu năm trong sườn núi Coyote Buttes thuộc Khu bảo tồn quốc gia Vermilion Cliffs ở Arizona.
Người đàn ông này trông giống như đang bước đi giữa ranh giới sống – chết. Thực ra anh ta đang đi dạo ở Công viên quốc gia Glen Canyon, bang Utah, Mỹ.
Vách đá bazan trên đảo Heimaey ở miền Nam Iceland trông giống như một con voi ma mút khổng lồ đang tắm dưới sông.
Những ngọn đồi ở bang Washington, Mỹ như một bức tranh xanh mướt.
Những đám mây được ghi lại trên bầu trời thành phố Lincoln, bang Nebraska, Mỹ hồi tháng 10/2014.
Những tảng đá sa thạch đỏ và mỏ khoáng sản 24 triệu năm tuổi ở công viên địa chất Zhangye Danxia thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc trông như một hành tinh khác.
Khoảnh khắc dòng thác Horsetail ở Vườn quốc gia Yosemite, Mỹ, dội dòng nước đỏ như nham thạch xuống chân thác. Hiện tượng này xuất hiện khi mặt trời lặn ở một góc chính xác với thác nước, ánh nắng chiều chiếu vào dòng nước khiến nó có màu đỏ rực hoặc màu cam.
Hiện tượng “thác máu” ở hồ băng Taylor Glacier là do dòng nước giàu muối chứa nhiều sắt.
Theo Hà Anh/VOV.VN
Y tá không biết bơi sống sót kỳ diệu sau 3 thảm họa chìm tàu chấn động thế giới
Thảm họa Titanic đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và để lại nỗi đau xót cho toàn thế giới. Ít ai biết rằng, có một hành khách đã không chỉ trải qua những phút giây sinh tử trên tàu Titanic mà còn thoát chết một cách diệu kỳ sau hai thảm họa kinh hoàng khác. Người phụ nữ may mắn ấy từng làm việc trên con tàu Olympic khi nó đụng phải tàu chiến Anh và giành lại sự sống từ tay tử thần khi tàu Britannic chìm. Điều đặc biệt ở đây là, Jessop không hề biết bơi!
“Quý cô không thể chìm”
Đó là biệt danh mà người đời đặt cho Violet Jessop – người phụ nữ nổi tiếng vì đã sống sót sau 3 vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng. Có vẻ như, bà đã “kết thân” với may mắn từ thuở bé. Sinh năm 1887 tại Argentina, cô bé Violet Jessop không may mắc bệnh lao khi còn nhỏ và được cảnh báo chẳng sống được bao lâu nữa. Tuy nhiên, cô bé đã kiên cường đương đầu với bệnh tật để được sống tiếp cùng cơ thể khỏe mạnh.
Sau khi cha Violet qua đời, gia đình cô chuyển sang Anh, nơi mẹ cô nhận được công việc làm tiếp viên trên một con tàu. Không may, mẹ cô bị bệnh và để đảm bảo cuộc sống cho các anh chị em, Violet quyết tiếp bước mẹ, trở thành một tiếp viên tàu khi mới 21 tuổi. Tuy nhiên quá trình này không hề suôn sẻ bởi ở thời đó, hầu hết phụ nữ làm nghề này đều ở độ tuổi trung niên. Các nhà tuyển dụng tin rằng tuổi trẻ và ngoại hình của Violet sẽ là một bất lợi đối với cô trong việc. Được biết khi làm việc trên nhiều con tàu, cô đã nhận được ít nhất ba lời đề nghị kết hôn, một trong số đó đến từ hành khách vô cùng giàu có ở khoang hạng nhất. Bởi vậy, Violet đã tìm cách làm cho bản thân mình trông “kém sắc”, gầy gò hơn bằng quần áo cũ và để mặt mộc. Đó chính là “bí kíp” giúp cô vượt qua nhiều cuộc phỏng vấn sau này. Năm 1909, Jessop bắt đầu làm việc trên tàu Jessop Orinoco sau khi được hãng White Star Line nhận vào làm. Năm 1910, Violet được chuyển sang làm việc cho Olympic – một con tàu viễn dương sang trọng bậc nhất lúc bấy giờ. Và sự cố bắt đầu chỉ một năm sau đó. Năm 1911, Olympic va chạm với HMS Hawke (một con tàu được thiết kế để chìm tàu bằng cách đâm chúng). Cả hai tàu đều bị thiệt hại đáng kể nhưng may mắn không xảy ra thương vong. Và điều kỳ diệu là con tàu có thể trở lại cảng mà không bị chìm, và Violet cứ thế lên bờ mà không hề bị xây xước chút nào.
Một vài năm sau, White Star Line tìm kiếm thủy thủ đoàn để phục vụ cho các vị khách giàu có và nổi tiếng nhất thế giới trên tàu Titanic – từng được ca ngợi là một đỉnh cao của kiến trúc hàng hải và đặc biệt là “không thể chìm”. Sau trải nghiệm khó quên trên tàu Olympic, Violet khá ngập ngừng trước lời mời từ người quản lý nhưng sau khi suy nghĩ, cô đã quyết định làm việc cho con tàu này. Và như bạn đã biết, Titanic đã bị đắm sau khi đâm phải một tảng băng trôi khiến hơn 1.500 người tử nạn.
Violet được đưa lên thuyền cứu sinh 16 và thoát khỏi thảm họa. Cô nhớ lại trong cuốn hồi ký: Tôi được yêu cầu lên boong tàu. Tôi đứng ở vách ngăn cùng các nữ tiếp viên khác, quan sát những người phụ nữ bịn rịn ôm lấy chồng trước khi được đưa lên thuyền với con cái của họ. Lát sau, một sĩ quan của tàu đã ra lệnh cho chúng tôi lên thuyền trước…”. Lúc đó, cô được đưa cho một đứa bé để chăm sóc. Khi họ được tàu Carpathia cứu vào sáng hôm sau, một người phụ nữ, có lẽ là mẹ của đứa bé nhanh chóng giằng lấy nó khỏi vòng tay của Jessop và chạy đi, không nói một lời nào.
Chuyến hải trình cuối cùng của tàu Britannic
Chuyến hải trình cuối cùng của tàu Britannic
Có lẽ nhiều cô gái khi rơi vào hoàn cảnh của Violet sẽ không dám bước lên một con tàu nào nữa, nhưng Violet không phải người yếu đuối như vậy. Năm 1916, trong Thế chiến I, hãng White Star Line đã chuyển đổi một số tàu của họ thành tàu quân y. Một trong những chiếc tàu được chuyển đổi là chiếc Britannic, cũng là nơi mà Jessop đang thực hiện một nhiệm vụ khác – y tá tình nguyện cho hội Chữ thập đỏ Anh. Thời điểm đó, cô quyết định làm y tá trên Britannic, một chiếc tàu chị em của Titanic, hoạt động ở biển Aegean. Từng được kỳ vọng sẽ là một phiên bản hoàn hảo của Titanic nhưng con tàu cũng không tránh khỏi số phận bi đát như người chị em của nó. Ngày 21/11/1916, khi đang di chuyển ngoài khơi đảo Kea của Hy Lạp, hai bên mạn tàu Britannic bị nổ và nó nhanh chóng chìm xuống nước. Lần này, Violet không đủ thời gian và may mắn để lên thuyền cứu sinh như những lần trước. Britannic đã chìm trong 57 phút, làm 30 người thiệt mạng và gần như cướp đi mạng sống của Violet. Giây phút sinh tử, cô liều mình nhảy xuống nước, đầu đập mạnh vào thân tàu. Những người trên chiếc xuồng lớn gần đó đã kéo bà khỏi lưỡi hái của thần chết. Theo lời kể của Violet, dù sống sót nhưng nhiều năm sau, khi đến gặp bác sĩ vì những cơn đau đầu triền miên, cô mới biết mình từng bị gãy xương sọ!”.
Điều đáng ngạc nhiên là sự kiện này cũng không đủ để ngăn cản Violet từ bỏ những chuyến đi biển. Thậm chí khi kể lại ký ức về ngày gặp nạn, cô còn nói đùa rằng chính mái tóc dày đã cứu sống cô ấy và lần này, cô đã nhớ lấy bàn chải đánh răng trước khi sơ tán, không giống như trong vụ Titanic. Nhưng thay vì tiếp tục làm nhân viên của hãng White Star Line, cô xin chuyển sang hãng Red Star Line và làm việc trên một con tàu du lịch.
May mắn cho Violet và tất cả hành khách trên các chuyến tàu mà bà phục vụ sau đó, không có một sự cố nghiêm trọng nào khác tái diễn. Những năm cuối đời, bà dành thời gian làm vườn và nuôi gà. Bà mất vào năm 1971 vì suy tim xung huyết ở tuổi 84.
NGÂN HÀ (Theo Biography, Today I found out,…)
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật chủ nhật số 25
10 thành phố cổ xưa đã biến mất hoàn toàn khỏi bản đồ thế giới
Trên thế giới đã từng tồn tại rất nhiều những đô thị cổ với vẻ đẹp kiến trúc cũng như nét văn hóa riêng biệt. Nhưng do những tác động khắc nghiệt từ tự nhiên như lũ lụt, hạn hán cho tới núi lửa phun trào, nhiều thành phố cổ đã không còn tồn tại nữa.
1. Helike: Thành phố cổ của Hi Lạp từng chìm xuống đáy biển sâu
Nếu bạn đã từng nghe tới truyền thuyết về thành phố Atlantis chìm sâu dưới đáy Đại Tây Dương, thì có lẽ Helike chính là minh chứng xác thực nhất cho câu chuyện ấy.
Theo thần thoại Hi Lạp, vì quá giận dữ trước việc những thành viên bộ tộc người Ionia bị trục xuất khỏi thành phố này, vị thần tối cao Poseidon đã quyết định nhấn chìm toàn bộ Helike xuống biển sâu. Trên thực tế, Helike chính thức biến mất vào năm 373 trước Công Nguyên và chìm vào quên lãng kể từ đó.
Phải mất hơn 10 năm, nhờ công sức của 2 nhà khảo cổ học mong muốn khám phá bằng được dấu vết của thành phố một thời này, Helike chính thức được khai quật trở lại vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nhiều người tin rằng sự biến mất của nó là do hậu quả của quá trình hóa lỏng đất đá xuất phát từ một vụ động đất.
2. Skara Brae: Được khai quật nhờ 1 cơn dông lớn
Skara Brae là một trong những khu vực đông dân cư từ thời Đồ Đá còn sót lại và được bảo tồn một cách nguyên vẹn ở Anh Quốc. Tuy không có quy mô đủ lớn để có thể được gọi là thành phố, nhưng đây là vẫn là một địa danh khá thú vị dành cho du khách thập phương.
Nơi đây đã từng bị cát biển chôn vùi qua hàng nghìn năm, trước khi được xuất hiện trở lại vào năm 1850 sau 1 cơn bão lớn. Những công trình của Skara Brae đều được bảo toàn nguyên vẹn bởi lớp cát khổng lồ, thoạt nhìn không ai có thể nghĩ rằng những công trình bằng đá này đã tới hàng nghìn năm tuổi.
Dựa trên phương pháp đo niên đại bằng carbon phóng xạ, người ta dự đoán rằng nơi này đã bị chôn vùi trong khoảng thời gian từ năm 3200 đến 2200 trước Công Nguyên. Nguyên nhân khiến Skara Brae bị bỏ hoang có thể là vì sự xâm thực của cát biển, cộng với đó là lượng rác thải từ cộng đồng dân cư gây ô nhiễm nặng nề.
3. Dvārakā: Thành phố linh thiêng của thần Krishna
Dvārakā là một thành phố nổi tiếng linh thiêng về đạo Phật, đạo Ki-na và đạo Hindu, vừa mới được khai quật gần đây. Nơi đây từng là một trong 7 đô thị tâm linh của Đạo Hồi, thường được gọi bằng cái tên là Sapta Puri. Đây cũng là quê hương của vị thần Krishna nổi tiếng.
Theo truyền thuyết, thành phố này bị phá hủy trong trận chiến giữa thần Krishna và vua Salva. Những đòn tấn công mãnh liệt của hai bên khiến thành phố này bị tàn phá nghiêm trọng. Không lâu sau đó thành phố bị bỏ hoang và dần biến mất dần khỏi bản đồ đất nước.
Phải mất hàng nghìn năm sau, vào những năm 1980, các nhà khoa học đến từ Ý mới khai quật được những tàn tích của khu đô thị dựa trên mô tả trong các câu chuyện truyền thuyết để lại. Ước tính nó được xây dựng cách đây đã 9.000 năm. Nếu điều này là sự thật thì Dvārakā xứng đáng được coi là đô thị cổ nhất mà thế giới từng biết đến.
4. Caral: Đô thị lâu đời nhất từng tồn tại ở khu vực Châu Mỹ
Được coi như thành phố lâu đời nhất từng tồn tại ở khu vực Châu Mỹ, Caral, thành phố được gọi là Caral-Chupacigarro, từng là một đô thị bị lãng quên ở khu vực Super Valley, Peru, cách thủ đô Lima khoảng 200 km về phía bắc.
Được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2009, nơi này được cho là có dân cư sinh sống vào giai đoạn từ năm 2600 đến năm 2000 trước Công Nguyên.
Được coi như thành phố lâu đời nhất từng tồn tại ở khu vực Châu Mỹ, Caral, thành phố được gọi là Caral-Chupacigarro, từng là một đô thị bị lãng quên ở khu vực Super Valley, Peru, cách thủ đô Lima khoảng 200 km về phía bắc.
Với số lượng dân cư ước tính lên tới hơn 3.000 người, Caral được coi như đô thị đông dân nhất của nền văn minh Norte Chico. Năm 1948, Caral chính thức được khai quật trở lại bởi tiến sĩ Paul Kosok cùng cộng sự của mình.
5. Timgad: Một thời là thành phố hưng thịnh dưới thời kỳ đô hộ của đế chế La Mã
Timgad một thời từng là một thành phố hưng thịnh ở Algeria, dưới thời kỳ đô hộ của đế chế La Mã cổ đại. Nó được xây dựng bởi hoàng đế Trajan vào khoảng năm 100 sau Công Nguyên.
Vị trí của đô thị cổ này nằm tại dãy núi Aures và được đặt tên để tưởng nhớ tới phụ mẫu của hoàng đế Trajan, bà Marcia. Nó trở thành một nơi bị bỏ hoang sau khi bộ tộc Vandals và tộc Berbers liên tiếp tàn phá và cướp bóc vào thế kỷ 5 lẫn thế kỷ 7, trước khi bị vùi lấp vĩnh viễn bởi cát từ sa mạc Sahara.
May mắn thay, các nhà khảo cổ vẫn tìm ra và khai quật được một trong những đô thị cổ kính còn sót lại trên thế giới này. Ngày nay nơi này vẫn được biết đến như là ví dụ minh họa tiêu biểu cho khả năng quy hoạch đô thị tuyệt vời của người La Mã cổ. Timgad được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1982.
6. Great Zimbabwe: Một phần của Vương quốc Zimbabwe hùng mạnh
Nằm ở rặng núi phía Đông Nam Zimbabwe, gần thị trấn Masvingo, Great Zimbabwe là tên gọi của một thành phố thời trung cổ bị bỏ hoang từ thời xưa. Trong những năm cuối của thời kì Đồ Sắt, đây chính là thủ phủ của Vương quốc Zimbabwe hùng mạnh.
Tộc người Batu đã xây dựng nên thành phố này trong giai đoạn từ thế kỷ 11 tới thế kỷ 15, và họ cũng là những người đầu tiên làm chủ Zimbabwe trong suốt 300 năm. Người ta ước tính dân số cao nhất mà thành phố này từng ghi nhận lên tới 18 nghìn người.
Sau này, nơi đây trở thành một địa điểm bỏ hoang vì nhiều lý do khác nhau, từ vấn đề giao thương gặp nhiều bất lợi, tình hình chính trị bất ổn, nạn đói triền miên và đặc biệt là tình trạng khan hiếm nước ngọt ngày càng trở nên nghiêm trọng. Lần đầu tiên thành phố này được công nhận và chính thức khai quật trở lại là vào năm 1871.
7. Hattusa: Kinh đô của đế chế Hittite cổ đại
Kinh đô Hattusa của đế chế Hittite cổ đại nằm gần khu vực thành phố Boğazkale, Thổ Nhĩ Kỳ từng bị rơi vào quên lãng trong suốt hàng thiên niên kỷ. Cùng với sự kết thúc của Thời kỳ Đồ Đồng, thành phố này đã chịu cảnh cướp bóc triền miên, kéo theo sự sụp đổ của đế chế Hittite vào năm 1200 trước Công Nguyên.
Tộc người được mệnh danh là “Dân biển” chính là thủ phạm đằng sau sự xâm lăng này, và chính họ cũng là kẻ thù không đội trời chung với dân tộc Ai Cập cổ.
Kể từ sau sự kiện đó, thành phố Hattusa trở thành một nơi bị bỏ hoang và dần chìm vào quên lãng. Thời kỳ hưng thịnh nhất của mình, Hattusa từng là nơi trú ngụ của hơn 45 nghìn người.
Đến thế kỷ 20, các nhà khảo cổ Đức đã có công khai quật lại thành phố. Những gì họ tìm được là cả một gia tài chứa những phiến đá đất sét, trên đó khắc họa những nội dung về pháp luật cho tới văn chương.
8. Taxila: Từng thuộc về Darius Đại Đế trước khi rơi vào tay của Alexander Đại Đế
Taxila, hay còn được gọi với tên đầy đủ là Takshashila, là một thành phố cổ đại mới được khai quật gần đây ở Pakistan. Di tích lịch sử này nằm không xa so với thành phố Taxila ngày nay thuộc tỉnh Punjab, Pakistan, cách thủ phủ Rawalpindi khoảng 35 km về phía tây bắc.
Darius Đại Đế chính là người đầu tiên chiếm được Taxila vào năm 518 trước Công Nguyên, trước khi được dâng lại cho Alexander Đại Đế. Trải qua nhiều đời lãnh đạo và thống trị khác nhau, dần dần Taxila trở thành một địa điểm linh thiêng dành cho người theo đạo Phật.
Nhiều người cho rằng nơi này chính thức được xây dựng vào khoảng năm 1000 trước Công Nguyên, và trở thành đô thị quan trọng bậc nhất trong khu vực nhờ vào vị trí địa lý có phần thuận lợi của nó, gần với đường giao thương Đông-Tây.
Sau một thời kỳ rơi vào suy thoái, cuối cùng Taxila cũng bị tộc người Hung Nô tàn phá và cướp bóc vào thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên. Đến giữa thế kỷ thứ 19, nó lại được khai quật trở lại nhờ công sức của ông Alexander Cunningham.
9. Sigiriya: Thành phố nằm trên đỉnh của một phiến đá lớn
Sigiriya là một thành phố ở Sri Lanka tồn tại từ thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên. Điểm đặc biệt ở chỗ là nó nằm trên 1 phiến đá khổng lồ cao tới 200 mét. Được xây dựng bởi Vua Kasyapa, cách duy nhất để vào được thành phố này là đi qua cánh cổng được làm từ gạch và thạch cao có hình dáng giống với miệng của 1 chú sư tử.
Theo truyền thuyết Sri Lanka cổ, Vua Kasyapa mong muốn tìm kiếm 1 địa điểm mới để xây dựng kinh đô và ông quyết định sẽ đặt cung điện của mình ở trên đỉnh của 1 phiến đá lớn. Xung quanh phiến đá này sẽ được trang trí bằng những bức bích họa với hình thù khác nhau.
Sự thịnh vượng của Sigiriya không kéo dài được lâu, do nó liên tục bị chiếm đóng và quấy phá bởi nhiều thế lực thù địch. Trong một vài năm sau, nó đã từng là một thiền viện của Phật giáo trước khi bị bỏ hoang và chìm vào quên lãng. May thay các nhà khảo cổ tới từ Châu u đã tìm lại được tàn tích của đô thị cổ này.
10. Gordium: Kinh đô của Vua Midas
Gordium, hoặc Górdion trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, từng là thủ phủ của đế chế Phrygia cổ đại. Nằm trong khu vực Tiểu Á, nơi này cách 75 km so với thành phố Ankara về phía tây nam. Nơi này nổi tiếng bởi đã từng thuộc quyền cai trị của một vị hoàng đế tai lừa trong truyền thuyết, vua Midas.
Thành phố bị tàn phá bởi người Cimmeria trước khi trở thành 1 nơi hoang vắng vào năm 800 trước Công Nguyên.
Theo tương truyền, Alexander Đại Đế đã từng tới thăm đô thị cổ này để giải bài toán nút thắt Gordian nổi tiếng. Bất cứ ai có thể tháo được nút thắt này thì sẽ có quyền cai trị toàn bộ Châu Á. Với Alexander, ông chỉ đơn giản là chọn cách rút gươm và chém đứt nút thắt thành 2 nửa.
Thành phố này được Gustav và Alfred Korte khai quật lần đầu vào năm 1900, trước khi được đội ngũ nhà khoa học tới từ Bảo tàng Pennsylvania tìm ra những khu vực còn sót lại vào khoảng thời gian từ năm 1950 tới năm 1973.
Nguồn: Dân Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét