a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Những triệu chứng ban đầu dễ bị bỏ qua của bệnh suy tim



Suy tim (hay còn gọi là suy tim ứ huyết) là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng tạng phủ này không còn khả năng bơm đủ máu theo nhu cầu của cơ thể.
Suy tim hay còn gọi là yếu tim là chứng bệnh nguy hại cho sức khỏe. Triệu chứng ban đầu thường gặp nhất là ‘Suyễn’. Rất nhiều người hiểu lầm đây là hiện tượng lão hóa thông thường nên bỏ qua mà không ngờ nó ẩn giấu nguy cơ tử vong to lớn. Vậy bệnh có những dấu hiệu cảnh báo nào? Đông y dùng cách nào để nuôi dưỡng và trị liệu?
Đặc trưng của suy tim là khởi phát chậm và ngày càng tăng. Các triệu chứng ban đầu là mệt mỏi sau đó tim đập nhanh, khó thở, hụt hơi, cảm thấy như không còn sức lực. Sau khi nghỉ ngơi, có thể thuyên giảm đôi chút. Cuối cùng, bệnh biểu hiện phát triển thành bồn chồn, tim đập nhanh, thở gấp không thể nằm, tiểu ít, phù nề, miệng môi và móng tay tím bầm cho dù đã nghỉ ngơi.
Một số ít các cơn suy tim là cấp tính, bệnh nhân sẽ đột nhiên thở gấp, không thể nằm thẳng phải ngồi dậy mới thở được, sắc mặt nhợt nhạt, đổ mồ hôi như mưa, môi thâm tím, ho khan, ho ra đờm bọt màu hồng nhạt.
Suy tim là bệnh toàn thân
Nhìn nhận từ góc độ y học cổ truyền, vị trí bệnh suy tim là ở tạng Tâm, nhưng nó liên quan đến Phế, Tỳ, Can và Thận. Do đó, suy tim thực sự là chứng bệnh mang tính toàn thân, là kết quả suy yếu dần của cơ thể.
Nhìn chung, các biểu hiện ban đầu chủ yếu của bệnh là khí hư và dương hư, đôi khi âm hư. Trong quá trình biến đổi, sẽ dẫn tới các trạng thái bệnh lý như huyết hư và huyết ứ ở trong ngoài cơ thể do khí huyết ở tim hư tổn, huyết hành không thông suốt. Sự phát triển tiếp theo là:
Nếu máu không được lưu thông, thì các cơ quan nội tạng không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, khiến khí ở tim trở càng trở nên hư, tình trạng tắc nghẽn thậm chí tồi tệ hơn và lâu dần sẽ dẫn tới phì đại cơ tim.
Triệu chứng ban đầu là mệt mỏi sau đó tim đập nhanh, khó thở, hụt hơi, cảm thấy như không còn sức lực. (Ảnh: epochtime.com)
Tạng Tâm phì đại lâu dài sẽ liên lụy đến Can, huyết ứ đọng tại đây, từ đó làm Can tạng bị sưng và mất đi chức năng sơ tiết chính.
Khí cơ không thông, sẽ ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của Tỳ Vị, dẫn đến trướng bụng, khó tiêu, táo bón hoặc phân lỏng.
Huyết ứ ở Thận tạng, sẽ dẫn đến chứng khó tiểu và phù thũng.
Huyết ứ trong Phế, làm chức năng hô hấp của tạng phủ bị ảnh hưởng, tắc nghẽn gây ho khan và khó thở.
3 yếu tố phổ biến gây suy tim
Căn nguyên của suy tim là do một nhân tố ban đầu nào đó sẽ dẫn đến khí hư ở Tâm, dương hư hoặc âm hư. Những yếu tố này là gì? Nhìn chung, các yếu tố này chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống sinh hoạt không điều độ, căng thẳng, áp lực lâu dài gây ra. Ba yếu tố cụ thể bao gồm:
1. Thường xuyên thức khuya, ngủ muộn
Trường kỳ thức khuya và ngủ muộn, ngoài việc gây ra tình trạng âm hư ở Can và Thận, còn có thể dẫn đến âm hư tại Tâm.
2. Ăn các loại thực phẩm sống, hàn lạnh
Theo học thuyết ngũ hành, Hỏa sinh Thổ, Hỏa là mẫu, Thổ là tử. Nếu Thổ bất túc (thiếu hụt), tử đạo mẫu khí cũng sẽ dẫn đến Hỏa bất túc. Điều đó có nghĩa là, khi dương khí tại Tỳ không đủ, cần hỏa ở tạng Tâm để hỗ trợ. Nếu tình trạng diễn ra lâu ngày, sẽ dẫn đến tình trạng hỏa bất túc ở tạng Tâm, và gây ra chứng dương hư ở đây.
Điều phổ biến dễ dàng làm tổn thương Tỳ Vị nhất là gì? Đó là các loại thực phẩm sống, hàn lạnh. Do đó, những người ăn quá nhiều rau sống, hoa quả và đồ uống lạnh, uống một ly nước lớn (> 300ml) khi bụng đói vào buổi sáng có thể làm tổn thương dương khí ở tạng phủ này. Khi dương khí Tỳ Vị không đủ, chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn sẽ kém, không cung cấp đủ năng lượng cho tạng Tâm, cuối cùng dẫn đến khí dương hư và thiếu khí tại đây.
3. Gặp vấn đề tâm lý kéo dài
Áp lực, căng thẳng, hoảng loạn, lo lắng hoặc làm việc quá sức thời gian dài đều sẽ làm hao tổn khí và âm khí ở tạng Tâm.
Thường xuyên thức khuya là một trong những yếu tố gây suy tim. (Ảnh: xuehua.us)
Cách tốt nhất để bảo vệ trái tim
Cách bảo vệ trái tim tốt nhất cần bắt đầu dưỡng sinh từ sinh hoạt hằng ngày. Có lẽ nên học theo y thư cổ Hoàng đế nội kinhNgười thượng cổ, có nhiều người biết về đạo, bắt chước âm dương, điều hòa với thuật số, ăn uống có mực, khởi cư có thường, không làm quá sức cho nên giữ gìn được cả hình hài và tinh thần, sống trọn số trời tới trăm tuổi mới thác. (Nguyên văn: Thượng cổ chi nhân, kỳ tri đạo giả, pháp vu âm dương, hòa vu thuật sổ, thực ẩm hữu tiết, khởi cư hữu thường, bất vọng tác lao, cố năng hình dữ thần câu, nhi tẫn chung kỳ thiên niên, độ bách tuế nãi khứ).
Nói cách khác, muốn bảo vệ tốt tạng Tâm và lục phủ ngũ tạng cần sinh hoạt điều độ và phù hợp với tự nhiên, chế độ ăn uống chừng mực tiết chế, buổi tối hoạt động làm việc, ban đêm cần nghỉ ngơi đúng giờ, không làm việc quá sức, mới có thể bảo vệ sức khỏe và không mắc bệnh.
Trung y điều trị suy tim như thế nào?
Y học cổ truyền Trung Quốc trong điều trị suy tim chủ yếu là biện chứng luận trị, thông qua chẩn đoán để xác định loại hội chứng nào, sau đó mới nhắm vào đó để trị liệu. Các hội chứng suy tim có thể được chia chủ yếu thành:
1. Tâm khí (dương) hư, dùng phương thuốc Bảo Nguyên thang
2. Khí âm lưỡng hư, dùng phương thuốc Thiên vương bổ tâm đan
3. Dương hư thủy phiếm, dùng phương thuốc Ngũ linh tán kết hợp Chân Võ thang
4. Khí hư huyết ứ, dùng phương thuốc Bổ dương hoàn ngũ thang
5. Dương suy khí thoát, là triệu chứng nguy cấp nên đưa đi cấp cứu và có thể dùng phương thuốc Cấp cứu Hồi dương thang.
Nguyên nhân suy tim căn bản là tâm và huyết mạch bất túc, nguyên nhân ngoại tà, ăn uống, phòng dục không điều độ là yếu tố dẫn phát bệnh. Suy tim có các thể sau:
Suy tim chia theo các thể trạng bệnh khác nhau để có thang thuốc trị liệu phù hợp. (Ảnh: epochtime.com)
1. Thể khí huyết đều hư
Tim hồi hộp, khó thở, mệt mỏi, đầu váng, mắt hoa, hụt hơi, ngại nói, môi nhợt, sắc mặt tối, chất lưỡi nhợt nhạt bệu, rêu mỏng, mạch tế vô lực.
Pháp điều trị: Bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần.
Bài thuốc: Quy tỳ thang gia giảm: Đẳng sâm 15g, Hoàng kỳ 20g, Chích cam thảo 5g, Phục thần 12g, Toan táo nhân 12g, Mộc hương 6g, Viễn chí 10g, Bạch truật 15g, Đương quy 20g, Long nhãn 15g. Sắc uống ngày một thang.
2. Thể tâm thận hư
Khó thở, hồi hộp, khó ngủ, miệng khát họng khô, hai gò má đỏ, tai ù, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.
Pháp điều trị: Bổ tâm thận âm, dưỡng tâm an thần.
Bài thuốc: Thiên vương bổ tâm đan gia giảm: Sinh địa 12g, Huyền sâm 12g, Đan sâm 15g, Thiên đông 12g, Mạch đông 12g, Đương quy 12g, Bá tử nhân 12g, Toan táo nhân 12g, Ngọc trúc 12g, Cát cánh 12g, Ngũ vị tử 5g. Sắc uống ngày một thang.
3. Thể tâm huyết ứ
Người mệt mỏi, vô lực, hồi hộp, nhịp loạn, suyễn thở, khó thở khi nằm, mặt tối, môi tím, đầu ngón tay xanh tím. Lưỡi ánh tím có ban huyết ứ. Mạch tế hoặc kết đại.
Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ.
Bài thuốc: Đào nhân hồng hoa tiễn gia giảm: Đương quy 15g, Đan sâm 15g, Uất kim 10g, Hồng hoa 6g, Đào nhân 15g, Long cốt 15g, Mẫu lệ 15g, Diên hồ sách 12g, Quế chi 10g, Xuyên khung 10g, Cam thảo 5g. Sắc uống ngày một thang. 
4. Tim đập nhanh
Phù thũng toàn thân, người gầy, ăn kém, đại tiện nhão, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế vô lực.
Pháp điều trị: Ôn tỳ bổ thận, thông dương lợi thủy.
Bài thuốc: Chân vũ thang gia giảm: Phụ tử chế 6g, Tang bạch bì 12g, Bạch truật 15g, Phục linh 20g, Quế chi 10g, Sinh khương 5 lát, Trạch tả 15g, Bạch thược 15g, Sa tiền tử 15g. Sắc uống ngày một thang. Cho 750ml nước vào sắc còn 250ml, chia uống 3 lần trong ngày khi thuốc còn nóng.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

10 bài thuốc dân gian trị tiêu chảy cực nhạy cho trẻ nhỏ


Hệ tiêu hóa của trẻ rất non yếu nên thường dễ bị tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên để điều trị cho bé cần hết sức cẩn trọng vì dễ làm hỏng đường tiêu hóa của trẻ. Một vài bài thuốc dân gian dưới đây có thể mang lại lợi ích cho các bà mẹ đang nuôi con.
Nguyên nhân dẫn tới tiêu chảy ở trẻ nhỏ
1. Nhiễm trùng đường ruột: Là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là virus Rota. Loại virus này gây ra bệnh viêm dạ dày, viêm ruột và một số bệnh nhiễm trùng khác.
2. Không dụng nạp lactose: Trẻ thiếu một loại enzym cần thiết để tiêu hóa lactose, khiến cho hàm lượng lactose bị tích tụ ở ruột, gây nên các vấn đề về đường ruột trong đó làm cho bé bị tiêu chảy.
3. Rối loạn tiêu hóa: Do hệ tiêu hóa của bé còn quá non nớt nên bất kỳ một sự thay đổi nào cũng có thể khiến bé bị tiêu chảy, chẳng hạn khi bé đang bú sữa mẹ nhưng chuyển sang sữa công thức hay một vài món ăn lạ trong thực đơn của mẹ hoặc thực đơn ăn dặm. Mẹ cần nhanh chóng thực hiện các cách trị tiêu chảy để bé không bị mất nước.
Một số cách điều trị tiêu chảy ở trẻ nhỏ
1. Gạo và cà rốt rang
Bài thuốc này khá hiệu quả đối với trẻ nhỏ khi bị tiêu chảy liên tục.
Thực hiện: Lấy một nhúm gạo và cà rốt thái nhỏ rang lên, sau đó nấu nước và thêm vào chút muối cho bé uống để cầm tiêu chảy. ( Đối với bé lớn tuổi có thể cho dùng cả cái sẽ có hiệu quả hơn)
2. Hồng xiêm xanh
Hồng xiêm xanh là trái cây có vị chát, là phương thuốc hiệu quả thường được người dân áp dụng chữa tiêu chảy, kiết lỵ.
Thực hiện: Mẹ cắt quả hồng xiêm xanh thành nhiều lát mỏng, phơi khô, sao vàng để dùng dần. Mỗi lần sử dụng, lấy khoảng 10 lát sắc với nước uống, lượng nước phải ngập hồng xiêm. Tiếp đó, mẹ đổ ra lấy nước, nhớ là không để nước đặc quá và cho bé uống mỗi ngày 2 lần.
3. Gạo lứt rang
Ảnh: nutrideli.vn
Mẹ có thể mua gạo lứt, về lựa hạt gạo xấu ra, không vo mà đem đi rang cho vàng, khi thấy thơm thì tắt lửa để vào lọ dùng dần, giúp bé uống nhanh khỏi bệnh tiêu chảy. Mỗi lần các mẹ lấy khoảng 100g gạo rang nấu với 2 lít nước và chút muối, nấu đến khi hạt gạo chín mềm là được. Chỉ cần cho bé uống từ 3 – 5 ngày là khỏi.
4. Gừng tươi
Gừng tươi: 100g (hoặc gừng khô 30 g). Lá chè khô: 5 g.
Thực hiện: Mẹ đun chung hai thứ này với 800ml nước cho đến khi còn 2/3 số nước chia uống 3 lần/ngày.
5. Lá mơ
Mẹ hái một nắm lá mơ tía khoảng 100g (mơ tía thì tốt và thơm hơn lá mơ trắng) rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng 5 phút, vớt ra để ráo nước. Tiếp đó, mẹ giã lá mơ thật nhỏ rồi cho vào bát và đập 1 quả trứng gà, đồng thời thêm một chút muối (cho vừa miệng), trộn đều. Mẹ nhớ trở đều hai mặt cho trứng và rau mơ chín đều, sau đó cho bé ăn 2 lần/ngày nhé.
6. Nụ sim và lá mơ
Với các bé tiêu chảy và biểu hiện đi ngoài liên tục, mất nước, khát nhiều, sốt nhẹ, nước tiểu vàng, bụng đau quặn và đầy hơi, hậu môn nóng rát, mẹ có thể đun 16g lá mơ, 8g nụ sim sắc cùng với 500ml nước còn 200ml, chia làm hai lần uống trong ngày. Dù bé hết tiêu chảy, mẹ vẫn nên tiếp tục cho bé uống khoảng 2 ngày để ổn định tỳ vị đồng thời cho bé ăn với chế độ cắt giảm chất béo.
7. Chuối tiêu xanh
Ảnh: tintuc.vn
Mẹ có thể gọt mỏng vỏ chuối tiêu xanh, để lại lớp vỏ xanh bên trong (hoặc tước vỏ cũng được), xay nhuyễn trộn với cháo sau đó nấu chín cho bé ăn trong khoảng 3 ngày.
8. Cỏ sữa
Cây cỏ sữa 2 nắm; nấm mèo 5 tai; đậu đen xanh lòng 50 g (loại đậu vỏ màu đen nhưng khi các mẹ cắn ra thì thấy ruột bên trong màu xanh).
Thực hiện: Rửa sạch cỏ sữa; nấm mèo ngâm cho nở ra rửa sạch sau đó thái dài và mỏng. Bắc song song 2 chảo ở 2 bếp: 1 bếp sao đậu đen, 1 bếp sao nấm mèo, xong sau đó sao cỏ sữa. Mẹ cho cả 3 thứ sau khi sao vào 1 cái nồi, lấy 3 bát nước sắc nhỏ lửa còn 0,5 bát cho bé uống trong 1 ngày, không được để qua ngày hôm sau.
9. Súp cà rốt
Ảnh: aFamily
Cà rốt được xem như một loại thuốc quý được dùng để điều trị một số bệnh, có cả tiêu chảy. Lượng lớn chất pectin có trong cà rốt khi vào ruột sẽ trương nở thành một dạng keo có khả năng làm dịu nhu động ruột, giúp hạn chế được tiêu chảy. Dưỡng chất này còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn nội sinh phát triển, lấn át các vi khuẩn ngoại lai và các vi khuẩn lên men thối ở ruột già. Hơn nữa, chất pectin trong cà rốt còn giúp niêm mạc ruột nhanh chóng hồi phục. Trong cà rốt còn nhiều muối khoáng, đặc biệt là kali có thể bù đắp được lượng chất điện giải bị mất trong quá trình tiêu chảy.
Cách làm súp cà rốt: Mẹ lấy 500 gam cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, cắt khoanh mỏng, đun nhỏ lửa với 2 lít nước trong 1 giờ đến khi cạn còn 1 lít, sau đó vớt cà rốt ra, nghiền kỹ, lọc qua vải thưa, loại bỏ bã và cho thêm 3 gam muối sau đó đun sôi lại để dùng.
Cho bé ăn súp cà rốt là một trong những cách trị tiêu chảy cho trẻ sơ sinh hiệu quả.
10. Uống nước lá ổi
Mẹ có thể cho bé uống nước lá ổi và ăn chuối tiêu xanh xay nhuyễn trộn nấu với cháo. Thực hiện bằng cách sắc búp ổi lấy nước cho bé uống, mỗi lần đổ 1 tí vào cái chén, cho bé uống 1 ít để không bị sặc. Cứ thỉnh thoảng mẹ lại cho bé uống, uống cả ngày và uống trong 3 ngày.
Minh Nguyên t/h

Ly kỳ cột sắt “Ngàn năm không gỉ” tại Ấn Độ

Ly kỳ cột sắt "Ngàn năm không gỉ” tại Ấn Độ

Một cột sắt “ngàn năm không gỉ” tại Ấn Độ là một ẩn đố lớn đối với giới khoa học ngày nay.
Cột sắt Delhi là một trong những di tích cổ nổi tiếng của Ấn Độ. Nó được đúc vào thế kỷ thứ 5, và nằm ở trung tâm của đền thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam Mosque ở Delhi, Ấn Độ. Cây cột sắt khổng lồ này ban đầu được bảo tồn trong ngôi đền Thần cổ của Ấn Độ. Nó có chiều cao 7,2 m tính từ mặt đất và tổng trọng lượng khoảng 10 tấn. Mấy trăm năm trước nó đã được chuyển đến vị trí hiện tại. Nó đã trải qua hơn 1.600 năm dầm mưa dãi nắng nhưng lại không hề rỉ sét. Những dòng chữ lưu lại trên thân của nó cho thấy người ta đã dựng nó để ca tụng vị thần của đạo Hindu và vua Chandra – một vị vua bí ẩn mà tới nay vẫn là bài toán đố với giới sử học.
Ly kỳ cột sắt "Ngàn năm không gỉ” tại Ấn Độ
Trụ cột sắt của Delhi. (Ảnh: thevintagenews.com)
Cột sắt cổ xưa “Ngàn năm không gỉ”
Tại sao cột sắt cổ đại ngàn năm bất diệt này lại có thể trường tồn cùng thời gian? Các nhà khoa học đã phân tích thành phần cấu tạo của nó, và phát hiện thấy bên trong cột sắt chứa hàm lượng sắt lên đến 99,7%. Nó được pha trộn bởi một loại hợp kim với tỉ lệ độc đáo, vô cùng đặc biệt và phức tạp. Xem ra kỹ thuật luyện kim của nền văn minh cổ đại tại Ấn Độ có trình độ không hề thua kém trình độ kỹ thuật tại Ấn Độ ngày nay.
Tuy đã dùng nhiều phương tiện kỹ thuật khác nhau, các nhà khoa học vẫn không thể đo được chính xác niên đại hình thành cột sắt. Do đó, các nhà khoa học hiện chỉ có thể thông qua bề ngoài đặc thù của cột sắt mà suy đoán sơ bộ rằng nó được đúc trước đây ít nhất 1600 năm, hoặc sớm hơn. Vậy rốt cuộc ai đã tạo ra nó? Tại sao nó lại có một trình độ công nghệ luyện kim cao siêu đến vậy? Cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng nào.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học Ấn Độ đã tiến hành nghiên cứu các bản khắc bằng tiếng Phạn ở phần giữa cột sắt cổ Delhi. Họ đi đến kết luận rằng cột sắt này chính là sản phẩm của nền văn minh tiền sử còn di lưu lại cho đến ngày nay.
Ly kỳ cột sắt "Ngàn năm không gỉ” tại Ấn Độ
(Ảnh: thevintagenews.com)
Chandra – hiện thân của vị thần Hindu cổ đại
Nền văn minh cổ đại của Ấn Độ có nhắc đến một vị vua tên là “Chandra”, và lãnh thổ cai trị của ông vượt quá cả Ấn Độ hiện tại, bao trùm cả vùng biển phía nam Ấn Độ, vượt xa cả vùng lãnh thổ của vị vua Ashoka (A Dục Vương) – một vị hoàng đế kiệt xuất được ghi chép trong lịch sử Ấn Độ.
Trong các cổ thư Ấn Độ có ghi ghép lại danh hiệu của vị quốc vương này. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sử thi “Ramayana” là một tác phẩm vào thời kỳ thượng cổ của Ấn Độ, còn được gọi là “Bài thơ thuở ban sơ”. Trong tác phẩm, nhân vật chính được cho là vị vua Ấn Độ vĩ đại nhất vào thời thượng cổ hoặc thời tiền sử. Trong các cổ tự còn lưu lại tên ông, và “Tiền Đức Lặc” (Chandra) là danh hiệu cho dòng họ của ông.
Ly kỳ cột sắt "Ngàn năm không gỉ” tại Ấn Độ
(Ảnh: thevintagenews.com)
Tương truyền ông là hóa thân của Thần. Ở nhân gian ông nắm giữ quyền năng của Thần. Hiện thân của ông là một vị anh hùng, cũng như một vị quân vương. Ông đã từng vượt Ấn Độ Dương thẳng đến khu vực ngày nay là Sri Lanka, đánh bại đội quân ma đã thống trị khu vực Ấn Độ trong rất nhiều năm. Khi đó ông đã thiết lập lại các tiêu chuẩn đạo đức cho người dân nơi này. Người Ấn Độ cổ thời đó đã tôn kính ông là vị quốc vương, hóa thân của vị Thần vĩ đại nhất. Giai đoạn được đề cập là một thời kỳ xa xưa trước khi Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện.
Các nhà nghiên cứu nói rằng, hiện nay Ấn Độ vẫn còn lưu giữ được rất nhiều tài liệu lịch sử cổ đại, bao gồm các di tích cổ điêu khắc và các văn vật được khai quật, cho thấy rằng Ấn Độ đã từng tồn tại một nền văn minh tiền sử có trình độ kỹ thuật phát triển cao vượt bậc. Nếu quả thật cột sắt không gỉ này còn sót lại từ thời tiền sử, thì hẳn chỉ có nền văn minh cao cấp thời tiền sử mới có thể giải thích được kỹ thuật chế tạo nên cột sắt.
Ly kỳ cột sắt "Ngàn năm không gỉ” tại Ấn Độ
Dòng chữ cổ trên cây cột trụ tại Delhi. (Ảnh: Wikipedia)
Trên cột sắt còn được khắc một dòng chữ Phạn cổ. Bản dịch chính xác là như sau:
“Ngài như thể đã mệt mỏi, và rời bỏ thế gian này, ngài ra đi – mang theo cả nhục thân đến một thế giới khác, vì trước đó ngài đã tích rất nhiều công đức – Tuy rằng ngài đã rời khỏi thế gian này, nhưng những chiến tích, công đức và danh tiếng của ngài vẫn mãi mãi được lưu truyền ngàn năm”.
Bởi vì đoạn nội dung được khắc trên cây cột sắt rất giới hạn, cho nên rất khó kiểm chứng được việc liệu cột sắt này có thật sự bắt nguồn từ thời vua Chandra hay không. Nhưng câu nói, “ngài ra đi – mang theo cả nhục thân đến một thế giới khác” có thể khiến người đọc phải suy nghĩ sâu sắc, bởi lẽ nó rất tương hợp với câu chuyện được ghi chép vào thời Trung Quốc cổ đại kể về vị Hoàng Đế đã thăng thiên sau khi tu hành đắc đạo. Cần phải nhớ rằng, Ấn Độ cũng là một quốc gia có nền văn hóa tu luyện mang nội hàm sâu sắc. Sử sách Trung Quốc có ghi chép, Lão Tử cuối cùng ở núi Nhạc Lộc Sơn ở Lâm Thao đã “bạch nhật phi thăng” (ban ngày bay lên Trời) [1]. Đây là chỉ người tu luyện sau khi đắc Đạo, ban ngày bay lên Thiên giới thành Tiên. Lão Tử cưỡi phượng hoàng bay lên trên đám mây hoa, thân hiển hiện ánh vàng kim, chiếu sáng khắp 10 phương, mây ngũ sắc còn tụ lại rất lâu không tan. Ngày hôm đó, các con sông trào dâng, núi sông rung động, có ánh sáng ngũ sắc chiếu lên Trời, sao Thái Vi chiếu khắp bốn phương. Người đời sau đã xây “Phi thăng đài” ở nơi Lão Tử đã phi thăng, cũng gọi là “Phượng đài” hoặc “Siêu nhiên đài” để kỷ niệm Lão Tử.
Cho dù “Bạch nhật phi thăng” có phải là truyền thuyết hay không thì khoa học ngày nay chưa kiểm chứng được, cũng không dám kiểm chứng nó, dù con người ngày nay có tin hay không thì nó vẫn là một nét đẹp trong văn hóa tu luyện thời tiền sử. Cũng như cái cột sắt này, các nhà khoa học chúng ta không có câu trả lời cho nó, cũng không đủ sức lý giải nó nhưng nó vẫn đang tồn tại và đứng sừng sững ở đó.
Từ cách tạo hình cho đến kiểu dáng của cột sắt, cũng như hàm nghĩa trong bối cảnh văn hóa cổ xưa, chúng ta có thể suy đoán rằng dân chúng thời đó đã muốn lưu lại quá trình vị Thánh Vương thời cổ đại thăng thiên, khi nhục thân ông được thăng hoa và tiến vào một không gian khác. Nó được lưu lại để tưởng nhớ đến sự huy hoàng và vinh diệu của ông. Bởi vì trên cột có khắc dòng chữ “Thế giới này” và “Một thế giới khác”, với rất nhiều “chiến công và uy đức” nên ông mới có thể đi đến một thế giới khác. Danh tiếng của ông đã vang xa khắp nơi. Điều này đối với nền văn hóa tôn giáo của Ấn Độ là có sự liên hệ, chứ không hẳn là việc ngồi vào phi thuyền bay vào không gian vũ trụ.
Vấn đề có liên quan đến nền văn minh tiền sử này cũng góp phần giúp mở rộng tư tưởng con người hơn lên, hàm nghĩa của dòng chữ khắc trên cột sắt kết hợp với những phân tích vật lý, những sách cổ ghi chép là hoàn toàn phù hợp, vì vậy cột sắt cổ Delhi chính là tồn tại từ thời kì văn minh tiền sử đã được ngày càng nhiều người công nhận.
Ly kỳ cột sắt "Ngàn năm không gỉ” tại Ấn Độ
Đỉnh cột sắt Delhi. (Ảnh: Wiki / Dennis Jarvis )
Ý nghĩa lịch sử của Cột sắt Delhi
Như vậy, cột sắt này rốt cuộc có ý nghĩa gì? Trong những năm đầu, các nhà nghiên cứu đã ghi lại nhiều hình dạng và cấu tạo của nó: đỉnh cột sắt có màu hoàng kim, ở giữa có một chỗ lõm vào dường như dùng để cố định phần điêu khắc phía trên, mà hình dáng bên trên không còn cách nào nhận biết được. Nếu như có thể xem nhiều phong cách điêu khắc của những bức tượng cổ Ấn Độ thời kỳ xưa, thì cột sắt cổ này có cấu tạo và hình dạng tương tự cột tưởng niệm bên tôn giáo mang phong cách Ấn Độ cổ đại: tươi sáng và rực rỡ. Và có lẽ nghệ thuật sau này cũng dựa trên các phong cách cổ xưa này mà truyền thừa lại.
Công nghệ kỹ thuật vô cùng tuyệt vời ngàn năm không gỉ này, không chỉ giữ cho cột trụ còn vẹn nguyên mà còn lưu giữ dòng chữ một cách rất rõ ràng và hoàn mỹ, hầu như rất ít bị bào mòn, thậm chí cho đến nay vẫn còn thấy rõ. Nó đã để lại cho chúng ta một thông điệp cổ xưa hiếm có.
Nếu cột sắt không gỉ này thực sự là phần còn sót lại của nền văn minh tiền sử Ấn Độ cổ, thì trải qua biết bao biến đổi của thời gian, nó vẫn luôn đứng sừng sững ở đó, chứng kiến và lưu giữ lại từng khoảnh khắc thăng trầm của lịch sử. Vậy nên có thể xem nó là một kỳ tích hiếm gặp. Cây cột này nhắc nhở chúng ta về sự tồn tại chân thực của những điều mà thời thượng cổ còn ghi chép lại và chu kỳ phát triển của nền văn minh nhân loại, cũng như các nền văn minh cổ đại từng có thời kỳ huy hoàng trên trái đất, từ đó khai sáng cho chúng ta những nhận thức mới để chúng ta có thể nghĩ đến bản thân mình, lịch sử và mối liên hệ với vũ trụ. Trong thời đại quan trọng ngày nay, hết thảy đều là những điều đáng trân quý.
Mặc dù theo thời gian cột sắt Delhi vẫn luôn phải hứng chịu mọi gió táp mưa sa, nhưng nó vẫn đứng sừng sững sáng bóng rực rỡ như lúc ban đầu. Không có một chút dấu hiệu nào bị gỉ sét, đây là một hiện tượng không giải thích được đối với người hiện đại.
Các nhà khoa học trên thế giới đã từng muốn khám phá sự mê hoặc kì diệu của cột sắt Delhi. Nhưng họ đều bất lực, bởi nó là một thứ siêu việt, một kỳ tích xuất hiện giữa thời kỳ văn minh lần này. Rốt cục sự huyền bí đặc thù của nó đã chinh phục giới khoa học ngày nay.
Chú thích:
[1] Bạch nhật phi thăng: nghĩa là ban ngày bay lên trời. Chân nhân đắc Đạo của Đạo gia sau khi tu luyện thành công, nhục thân đã tu thành Đạo thể, có thể đem theo thân thể bay lên Trời. 
Nhã Liên biên dịch (theo soundofhope)

Các tác phẩm kim loại bí ẩn của Ấn Độ mà công nghệ hiện đại không thể sánh kịp


Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Điểm đáng kinh ngạc về Cột Sắt Delhi là, mặc dù đã có tuổi thọ ít nhất 1.500 năm tuổi và có thể cổ hơn nhiều nữa, nhưng nó vẫn đứng vững trước sự ăn mòn của thời tiết mà ngay cả những công nghệ hiện đại ngày nay cũng không thể sánh kịp.
Theo giáo sư A.P. Gupta, trưởng Khoa Khoa học ứng dụng và nhân văn thuộc Viện Công nghệ và Quản trị ở Ấn Độ, cây cột cao 7,3m này có thành phần sắt nguyên chất lên đến 99,72%.
Ngày nay, sắt có thể được rèn với độ nguyên chất lên đến 99–99,8 %, nhưng sẽ chứa mangan và lưu huỳnh, nhưng hai chất này lại không tìm thấy trong cây cột. Cột sắt Delhi cũng được phủ một lớp oxit bảo vệ. Nó khác với bất cứ thứ gì chúng ta chế tạo ngày nay.
Nó đã trải qua hơn 1.000 mùa mưa mà không bị gỉ sét. Đoạn văn tự cổ trên thân cột có niên đại từ khoảng 400 sau Công nguyên, nhưng thời đó người ta hay dựng lại các cột cũ để khắc văn tự mới tuyên bố thắng trận hay chiến thắng khác.
John Rowlett đã biên soạn tư liệu “Một nghiên cứu về thợ thủ công trong các nền văn minh trung cổ và cổ đại cho thấy tầm ảnh hưởng của quá trình đào tạo của họ đến phương pháp giáo dục thương mại ngày nay.” Trong đó, ông nói rằng rằng cột trụ sắt này đã được tạo ra “400 năm trước khi xưởng đúc lớn nhất thế giới từng được biết đến có thể tạo ra một sản phẩm tương tự.”
Ông cũng lưu ý rằng pho tượng Phật Sultanganj, làm bằng đồng đổ khuôn nguyên chất và nặng hơn một tấn, có tuổi thọ khoảng 1.500 năm tuổi và “chưa có một lời giải thích khoa học cho việc làm sao đúc được bức tượng như thế ở một thời kỳ sớm như vậy.”
Một tờ rơi giới thiệu tại Bảo tàng Nghệ thuật Birmingham nơi bức tượng được trưng bày có ghi như sau: “Bức tượng Phật Sultanganj này đã lành lặn gần như nguyên vẹn trong khoảng 1.500 năm, điều đó làm nó trở nên độc nhất trên thế giới.”
Bức tượng Phật Sultanganj. (Wikimedia Commons)
Tara MacIsaac, Epoch Times

Cách loại bỏ trầm cảm cho nhóm người ‘theo chủ nghĩa hoàn hảo’



Theo kết quả của một nghiên cứu tại Úc, cách tự dằn vặt bản thân sau thất bại của những người cầu toàn có thể dẫn đến bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực này có thể khắc phục nếu áp dụng phương pháp dưới đây.
Thế nào là người quá cầu toàn?
Claude Monet là họa sĩ nổi tiếng người Pháp, một trong những người sáng lập trường phái ấn tượng. Ông cũng là người theo chủ nghĩa hoàn hảo với câu nói: “Cuộc đời tôi không có gì ngoài thất bại”. Monet từng thẳng tay tự hủy hoại nhiều tranh vẽ trong cơn tức giận, bao gồm 15 bức tranh cho một buổi triển lãm.
Theo một nghiên cứu công bố năm 2016 trên tạp chí Tâm lý học lâm sàng Hoa Kỳ, người cầu toàn, tuân theo chủ nghĩa hoàn hảo sẽ luôn đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho bản thân, thậm chí là phi thực tế. Và nếu không đạt được chỉ tiêu ngoài tầm với đó, họ cảm thấy vô cùng xấu hổ, có lỗi với bản thân. Tâm lý này lại dẫn người cầu toàn đến việc cố né tránh sai sót hết mức có thể, không “đâm đầu” vào những trường hợp nhiều rủi ro. “Khi người cầu toàn gặp thất bại, họ không chỉ thất vọng về những gì họ đã làm mà còn thất vọng về bản thân mình” – Amanda Ruggeri từ trang BBC Future cho biết.
Người quá cầu toàn luôn theo chủ nghĩa hoàn hảo. Họ luôn nỗ lực để đạt đến sự hoàn mỹ và đòi hỏi bản thân cũng như những người khác phải như vậy. Họ cũng rất hà khắc và thường có phản ứng tiêu cực đối với lỗi lầm nên hay tự trách bản thân rất nhiều. Nhóm người này cũng thường hoài nghi về năng lực của bản thân và mọi người.

Người cầu toàn dễ mất đi sự sáng tạo trong công việc. (Ảnh: new.ebc.net.tw)

Tại sao quá cầu toàn dễ trầm cảm?
Một nghiên cứu do Giáo sư, nhà tâm lý học lâm sàng Simon Sherry và cộng sự thực hiện có sự tham gia của 25.000 người Anh, Mỹ và Canada ở độ tuổi thừ 15 – 49 cho thấy: Kể từ năm 1990 tới nay, số người trẻ quá cầu toàn đã tăng lên rất đáng kể. Để hiểu hơn về những người quá cầu toàn, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Dalhousie đã thực hiện phân tích từ 77 nghiên cứu.
Các nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu đặc điểm của những người này cũng như cách khắc phục ảnh hưởng của sự cầu toàn tới cuộc sống của họ. Kết quả cho thấy giới trẻ ngày nay có xu hướng theo chủ nghĩa hoàn hảo nhiều hơn so với thế hệ trước. Nhóm người này thường không cho phép bản thân thể hiện con người thật của mình vì lo lắng họ có thể trông không ổn hoặc không toàn diện. Họ thường cố “hoàn hảo” trước mặt mọi người nhưng lại có một cuộc sống cá nhân không hề dễ dàng bên trong. Họ thường sợ mắc sai lầm nên khó có thể cảm thấy thư giãn hoặc không đủ can đảm để sáng tạo và bắt đầu những điều mới mẻ.
Việc theo đuổi cầu toàn thái quá là vấn đề rất đáng lo ngại bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và thể chất. Ban đầu có thể làm xuất hiện cảm giác lo âu, căng thẳng, trầm cảm hay rối loạn trong ăn uống. Trong tình huống tiêu cực nhất, thậm chí có thể dẫn đến tự tử. Đáng chú ý hơn, phân tích cho thấy những ai càng cầu toàn, không chịu đối diện với thất bại thì vết thương tâm lý càng khó chữa lành.
Từ bi với bản thân là liều thuốc trị lành hữu hiệu
Cầu toàn là một tính cách đặc trưng được thể hiện bởi sự đánh giá bản thân quá cao, thường xuyên tự phê bình và luôn bị chi phối bởi những đánh giá của người khác. Mặc dù không có gì sai khi thiết lập hoặc theo đuổi các tiêu chuẩn cao, nhưng điều quan trọng là nó sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm cho bản thân bạn. Chúng có thể là các triệu chứng như mệt mỏi mãn tính, tự hủy hoại bản thân, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, mất ngủ, lo lắng và trầm cảm.
Mối liên hệ giữa chủ nghĩa hoàn hảo và bệnh trầm cảm là tâm điểm của một nghiên cứu gần đây của Đại học Catholic ở Úc. Nghiên cứu được công bố vào tháng hai trên tạp chí PLOS One cho thấy rằng, lòng từ bi với bản thân là một công cụ để thúc đẩy sự chữa lành về mặt tâm lý cho những người cầu toàn để trở nên hạnh phúc và khắc phục được các vấn đề về sức khỏe.

Từ bi yêu thương bản thân mình là phương pháp tốt nhất loại bỏ trầm cảm. (Ảnh: sohu.com)

Tiến sĩ Madeleine Ferrari, tác giả chính của nghiên cứu và là một giảng viên về tâm lý học lâm sàng tại trường đại học đã theo dõi 500 người trẻ và 500 người trưởng thành ở Úc. Bà phát hiện ra rằng lòng từ bi với bản thân đã làm giảm tần số suy nghĩ của người cầu toàn hoặc thậm chí là thay đổi hoàn toàn nhận thức của họ.
Ferrari cho biết: “Lòng từ bi với bản thân có thể kiểm soát sự tin tưởng của người cầu toàn giúp họ tránh rơi vào tình trạng bị trầm cảm. Ngày nay, người lớn và vị thành niên đều phải chịu áp lực rất lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn cao đặc biệt trong cuộc sống cá nhân như ở trường học và nơi làm việc. Khi họ trở nên quá chú trọng tới những sai lầm, thất vọng, chán nản và khó chịu với chính bản thân mình vì không đáp ứng đúng theo kỳ vọng thì sẽ gia tăng rủi ro mắc bệnh trầm cảm”.
Theo Jackie Chan, một chuyên gia tâm lý tại Trung tâm tư vấn tâm lý Hồng Kông, người cầu toàn thái quá là thái độ, niềm tin sẽ không xảy ra bất cứ sai sót gì trong việc thực hiện của một người nào đó. Ông Chan chia sẻ: “Trầm cảm ảnh hưởng đến cách nghĩ và hành xử. Nó liên quan đến một loạt các triệu chứng như mất hứng thú trong sở thích, cảm giác vô dụng, kém tập trung, không có khả năng đưa ra quyết định, tự cô lập và dễ bị kích động”.
Ông cho biết thêm, có các cách giải quyết vấn đề khác nhau giữa những người có lòng vị tha với bản thân và những người hay lên án bản thân. Ví dụ, người có lòng bao dung với bản thân sẽ hiểu rằng khó khăn là một phần của cuộc sống. Vì vậy sẽ đối mặt với tâm thái bình thản, chứ không coi thường hay bị cuốn theo những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực.
Thay vì né tránh lỗi lầm, bạn hãy xem đó là cơ hội để học tập và tích lũy kinh nghiệm. Thay vì tự trách mình thì hãy tự thương thân và suy nghĩ một cách khách quan nhất.
Nếu bị mắc trầm cảm, thì lòng từ bi có thể giúp bạn trong quá trình điều trị. Ngoài ra, các kỹ năng đối phó hiệu quả và sự hỗ trợ của xã hội cũng quan trọng trong việc chữa bệnh.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: hellobacsi


Chúng ta phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần?


Đây là môt câu chuyện vô cùng cảm động về tình cảm chị em, được lược dẫn từ “Những mẩu truyện sưu tầm của Latdat”. Xin được chia sẻ lại cùng quý độc giả.
– Các con phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần… – Cô giáo trường Chủ Nhật đọc to luôn câu trả lời cho cả lớp nghe: “70 nhân 7 lần! “
Lisa kéo tay cậu em trai Brent:
– Thế là bao nhiêu lần…
Brent viết số 490 lên góc vở Lisa.
Brent có vóc người nhỏ bé, vai hẹp, tay ngắn, đeo cặp kính quá khổ và tóc rối bù, nhưng năng khiếu âm nhạc của cậu bé thì ai cũng phải nể phục. Cậu học piano từ năm lên 4, kèn darinet năm lên 7 và giờ đây cậu đang chinh phục cây đèn Oboa. Lisa chỉ giỏi hơn em trai mình mỗi một thứ: bóng rổ. Hai chị em thường chơi bóng rổ sau giờ học. Brent thấp bé lại yếu ớt, nhưng nó không nỡ từ chối vì đó là thú vui duy nhất của Lisa giữa những bảng điểm chỉ toàn yếu kém của cô.
Các con phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần…- 70 nhân 7 lần! (Ảnh minh hoạ)
Sau giờ học, hai chị em thường chạy ra sàn bóng rổ. Khi Lisa tấn công, Brent bị khuỷu tay Lisa huých vào cằm. Lisa dễ dàng ghi điểm. Cô hả hê với bàn thắng cho đến khi nhìn thấy Brent ôm cằm.
– Em ổn cả chứ… Chị lỡ tay thôi mà!
– Không sao, em tha lỗi cho chị
Cậu bé gượng cười, nói tiếp:
Phải tha thứ 490 lần và lần này là 1. Vậy chị chỉ còn 489 lần nữa thôi nhé!
Lisa cười. Nếu nhớ đến những gì Lisa đã làm với Brent thì hẳn 490 lần đã hết từ lâu lắm rồi.
Hôm sau, hai chị em chơi bắn tàu trên giấy. Vì sợ thua nên Lisa đã nhìn trộm giấy của Brent và dễ dàng chiến thắng. Brent nhìn Lisa nghi ngờ:
– Chị ăn gian!  
– Chị xin lỗi! – Lisa đỏ mặt:
– Được rồi, em tha lỗi cho chị- Brent cười – Thế là chỉ còn 488 lần nữa thôi, phải không…
Sự độ lượng của Brent làm Lisa cảm động. Tối đó, cô bé kẻ một biểu đồ với 490 hình vuông:
– Chúng ta dùng cái này để theo dõi những lần chị sai và em tha lỗi. Mỗi lần như vậy, chị sẽ gạch chéo 1 ô.
Lisa đánh dấu 2 ô. Rồi cô bé dán tờ biểu đồ lên tường.
Mỗi khi nhận ra mình sai, Lisa luôn xin lỗi rất chân thành. Tất nhiên Brent luôn rộng lượng bỏ qua tất cả cho cô (Ảnh minh hoạ)
Mỗi khi nhận ra mình sai, Lisa luôn xin lỗi rất chân thành. Tất nhiên Brent luôn rộng lượng bỏ qua tất cả cho cô, và 1 ô vuông lại được Lisa đánh dấu gạch chéo.
Ô thứ 211: Lisa giấu sách Tiếng Anh của Brent khiến cậu bị điểm 0.
Ô thứ 394: Lisa làm mất chìa khoá phòng Brent
Ô thứ 417: Lisa dùng thuốc tẩy quá nhiều làm hỏng áo Brent
Ô thứ 489: Lisa mượn xe đạp của Brent và đâm vào gốc cây.
Ô 490: Lisa làm vỡ chiếc cốc hình quả dưa Brent rất thích.
– Thế là hết – Lisa tuyên bố – Chị sẽ không có lỗi gì với em nữa đâu.
Brent chỉ cười: “Phải, phải”
Nhưng rồi vẫn có lần thứ 491.
Lúc đó Brent là sinh viên trường nhạc. Cậu được cử đi biểu diễn tại đại nhạc hội New York. Đó là giấc mơ đã ấp ủ bao năm và cả gia đình đều đặt rất nhiều hi vọng ở lần này.
Ban tổ chức gọi điện đến thông báo lịch biểu diễn nhưng Brent không có nhà, Lisa cầm máy: ” Hai giờ chiều ngày mùng 10″. Lisa tự nhủ khi nào sẽ nhắc với Brent khi nào cậu bé về nhà.
– Brent này, khi nào con biểu diễn?- Mẹ hỏi.
– Con không biết, họ chưa gọi điện báo ạ! 
Lisa cuống cuồng:
– Ôi!… Hôm nay ngày mấy rồi ạ…
– 12, có chuyện gì thế…
Lisa bưng mặt khóc nức nở:
– Biểu diễn…lúc 2 giờ… mùng 10… Ban tổ chức gọi điện… tuần trước…
Brent ngồi yên. Mặt cậu thẫn thờ, không dám tin vào nhữnng gì Lisa nói.
– Có nghĩa là… buổi biểu diễn đã qua rồi……… – Brent hỏi.
Lisa gật đầu, lắp bắp:
– Brent… Chị xin lỗi… Xin lỗi em…
Brent ra khỏi phòng, không nói thêm lời nào. Lisa về phòng, ngậm ngùi khóc. Cô đã huỷ hoại giấc mơ của em cô, làm cả gia đình thất vọng. Cô thu xếp đồ đạc, lén bỏ nhà đi ngay đêm hôm đó, để lại 1 mảnh giấy dặn mọi người an tâm. Khi đó Lisa mới 19 tuổi.
Lisa hối hận vì đã huỷ hoại giấc mơ của em trai. Cô đã bỏ đi và quyết định sẽ không bao giờ trở về nữa. (Ảnh minh hoạ)
Lisa đến Boston và thuê nhà sống ở đó. Cha mẹ nhiều lần viết thư khuyên nhủ nhưng Lisa không trả lời: “Mình đã làm hại Brent, mình sẽ không bao giờ về nữa”.
Rất lâu sau, cô vô tình gặp lại bà Nelson – một người hàng xóm cũ.
– Tôi rất tiếc về chuyện của Brent… – Bà Nelson mở lời.
Lisa ngạc nhiên:
– Sao ạ? Em cháu có chuyện gì sao bà?
Bà Nelson nhanh chóng hiểu rằng Lisa không biết gì. Bà kể cho cô nghe tất cả: xe chạy với tốc độ quá cao, Brent đi cấp cứu, cậu bé không qua khỏi… Ngay trưa hôm đó, Lisa quay về nhà.
Cô ngồi lặng yên trước chiếc hộp. Cô không thấy tờ biểu đồ kín đặc các gạch chéo của ngày xưa mà chỉ thấy có 1 tờ giấy lớn:
“Lisa yêu quý,
Em không muốn đếm những lần mình tha thứ, nhưng chị lại cứ muốn làm điều đó. Nếu chị muốn tiếp tục đếm, hãy dùng tấm bản đồ mới em làm cho chị.
Yêu thương,
Brent”
Mặt sau là 1 tờ biểu đồ giống như Lisa đã làm hồi bé, với rất nhiều ô vuông. Nhưng chỉ có 1 ô vuông đầu tiên có đánh dấu và bên cạnh là dòng chú thích bằng bút đỏ: “Lần thứ 491: Tha thứ, mãi mãi! “
Thiện Nam (ST)