a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

HOÀI NIỆM



Thời còn đi học, tôi có thói quen viết nhật ký.Tôi viết về quê hương, gia đình, tình thầy trò và những người thân yêu khác. Quê nhà tôi luôn là nơi tôi yêu thương nhất, đi đâu tôi cũng nhớ. Sau này ra trường rồi đi làm tuy không còn viết nhật ký nữa nhưng tôi vẫn thích viết những chuyện gần gũi với đời sống mà mình đã trải nghiệm. Với tôi, viết về những chuyện nhỏ như vậy tôi rất hứng thú.
Tôi lớn lên tại Sóc Trăng , tuy là tỉnh lỵ nhưng Sóc Trăng vào đầu thập niên 1960 chỉ là một tỉnh lỵ nhỏ, cách Cần Thơ khoảng 60 km. Đến Sóc Trăng, đầu tiên là gặp bến xe đò, gần đây là Hồ Nước Ngọt với những hàng dương đầy bóng mát. Trước khi vào trung tâm tỉnh gặp một dòng sông chảy ngang qua trung tâm tỉnh lỵ, phải qua một cây cầu xây dựng theo kiểu Pháp gọi tên là Cầu Quay. Đi qua Cầu Quay là vào trung tâm tỉnh, có vài con phố nhỏ, một rạp chiếu bóng tên Nhị Trưng nằm trên con đường chính tên là Hai Bà Trưng, dân địa phương thường gọi con đường này là Đường Giữa vì nó nằm ngay giữa trung tâm tỉnh lỵ, những cửa hàng nằm dọc trên con đường này nên con Đường Giữa chẳng khác nào trung tâm thương mại vào thời đó .
Toàn cảnh tỉnh lỵ trông rất êm đềm. Những dãy nhà dân thấp và một vài ngôi biệt thự kiểu Pháp. Chợ Sóc Trăng là nơi đông đúc nhất tại tỉnh lỵ, ghe thuyền đậu tại bờ sông để buôn bán khá tấp nập. Đi về hướng Bạc Liêu, có một Bưu điện, bến xe đi Bạc Liêu, xa hơn là một ngôi chùa tên Vĩnh Hưng và phi trường Sóc Trăng.
Một kỷ niệm mà tôi yêu thích nhất khi nhớ về Sóc Trăng thời đó là xem phim chớp bóng tại rạp Nhị Trưng. Mỗi khi có phim mới, để quảng cáo phim, rạp hát có một chiếc xe ba gác, trên xe có một cái trống và những tờ quang cáo phim. Mỗi khi bọn con trai chúng tôi nghe tiếng trống đùng...đùng nổi lên ngoài phố, chúng tôi chạy ùa theo ... vừa chạy …vừa reo hò ...vừa nhặt những tờ quảng cáo mà người ta rải ra tung bay theo gió. Cầm trong tay tờ quảng cáo phim, chúng tôi rất vui và cùng nhau đọc rồi hẹn nhau để đi đến rạp hát xem.
Ngôi trường tiểu học của tôi nằm lặng lẽ bình yên trên con đường vào trung tâm tỉnh lỵ. Tôi yêu ngôi trường tiểu học của tôi vì có nhiều kỷ niệm của thời niên thiếu.Tôi vẫn không quên những người thầy đã dạy dỗ chúng tôi nên người. Bây giờ các thầy cô có người không còn nữa.
Thỉnh thoảng, tôi gặp lại thầy hiệu trưởng. Đó là thầy Lâm Văn Dung, năm nay đã gần 80 tuổi. Ít ai biết thầy hiệu trưởng trường tôi là tấm gương vượt khó thời học trò. Nhờ thầy tôi mới biết tin tức về các thầy cô cũ.
Bạn bè thời tiểu học hiện nay ở trong tỉnh còn lại rất ít. Có lần chúng tôi muốn tổ chức buổi họp mặt nhưng cuối cùng không thể thực hiện được.Tôi không ngờ nhiều bạn bè cũ mất quá sớm. Ngày còn chung lớp sống hồn nhiên nhưng khi ra đời mỗi người có một số phận khác nhau, không ai giống ai cả.
Tuổi học trò là tuổi đẹp nhất đời người với đầy ắp những bài văn bài thơ. Nhắc về thời niên thiếu luôn có nhiều kỷ niệm khó quên. Thời đó, ngôi trường Trung học Hoàng Diệu khá khang trang, có ba dãy lớp học, một vài tấm vách tường rêu phong dảy cuối , những lối đi trơn trợt vào mùa mưa, lớp học chỉ có bảng đen và bàn ghế học trò ...
Nơi đây những người thầy đã truyền đạt kiến thức, đã đào tạo nhiều thế hệ hoc trò từ thập niên 1950, đóng góp cho xã hội những công dân ưu tú trên mọi lĩnh vực. Thời gian đã thay đổi tất cả nhưng hình ảnh mái trường, nơi đó vẫn chan chứa bao nhiêu tình cảm quyến luyến về thầy cô, bạn bè của những người học trò xa xứ Sóc. Một người bạn của tôi đã viết:
" Về đây với nhớ nhung tuổi học trò.
Bao cách xa, quay về mái trường ."
(Trích trong bài nhạc “Trở về mái trường xưa” của ND (Đặc san Hoàng Diệu Khóa 1967-1974)
Chiều nay tôi đi tìm lại hình ảnh yêu dấu của một thuở nào. Tôi dừng chân lại trước ngôi trường cũ nay không còn dấu vết gì của thời chúng tôi còn đi học, một thoáng ngậm ngùi...Tất cả chỉ còn là hoài niệm...! 

Tuấn Ba

Không có nhận xét nào: