a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

BÀ NỘI




- Ối giời ơi, đã bảo bà đừng ra phòng khách nữa cơ mà, khổ tôi không cơ chứ!
Oanh vừa lau sofa vừa la ầm ĩ. Bà Năng lủi thủi vào phòng, lặng lẽ lấy chiếc áo cũ ra lau chỗ mình vừa ngồi.
- Thôi, bà không phải lau, để đấy đi, người đâu mà đi đến đâu bẩn đến đấy!
Oanh thoăn thoắt đi vào phòng bếp:
- Cái gì đây, đường đâu mà đổ tung toé ra chân tủ thế này. Ối giời ơi, kiến bám đen bám đỏ rồi! Chắc lại mọ mẫm ra đây chứ gì, đúng là người đâu mà!
Oanh lấy bình xịt kiến rồi lấy giẻ lau nền nhà, cô tất tả chuẩn bị cơm trưa.
Lan đứng trên cầu thang tầng hai chứng kiến hết toàn bộ những gì mà mẹ đối xử với bà nội, người mẹ mà Lan vô cùng thần tượng, một người phụ nữ hiện đại năng động có địa vị xã hội. Đặc biệt hơn trong cuộc sống hàng ngày mẹ lúc nào cũng là chuẩn mực trong cử xử và dạy bảo hai chị em Lan. Em không dám đi xuống nhà, vội vàng lên phòng đóng kín cửa, em ngạc nhiên và thất vọng vô cùng khi chứng kiến tất cả những sự việc vừa xảy ra. Em sợ phải đối diện với mẹ, sợ để cho mẹ biết em đang ở nhà và nhất là biết việc mẹ vừa làm.
Từ khi ông nội mất, bố mẹ Lan đón bà nội về ở cùng, đến nay cũng gần sáu tháng. Lan và bé Huyền vô cùng yêu quý nội, thi thoảng xuống ngủ cùng nội, nghe nội kể chuyện ngày xưa thời bố Lan còn bé, chuyện chú Hoàng và bố Lan tranh nhau nửa củ khoai nướng rượt nhau ngã gẫy cả răng còn bị ông nội đánh đòn. Bà nội còn là một kho tàng cổ tích tuyệt vời, mặc dù năm nay đã học đến lớp mười một rồi nhưng vẫn muốn rúc vào nách nội cùng với cái Huyền háo hức nghe những câu chuyện ngày xưa và câu chuyện cổ tích như những chai mật ong ngọt lịm. Trước đây, khi ông nội còn sống, một năm Lan chỉ về thăm ông bà được vài ba lần cùng bố mẹ những dịp lễ tết hoặc nhà có giỗ có việc. Hai chị em bận học, hai đứa đều học trường chuyên nên thời gian nghỉ rất hiếm. Mỗi lần được về quê thăm ông bà nội Lan thích lắm, không muốn về thành phố nữa. Lần nào về hai chị em cũng theo nội xắn quần lội ao mò ốc, ra khu ruộng trước nhà nội bì bõm trải nghiệm cảm giác lội chân ngập bùn. Đêm đến kê chõng tre ra sân ngắm trăng uống nước, nghe ông nội kể chuyện ma, vừa thích thú vừa sợ hãi, cho đến khuya ông giục đi ngủ mới thôi, hai đứa lại tranh nhau nằm hai bên bà nội, tranh nhau sờ ti rồi cười rúc rích đến tận lúc mệt rồi ngủ lúc nào không biết.
Bà nội lên ở cùng, Lan vui lắm, cái Huyền cũng vậy, đi đâu hai đứa cũng mua quà về cho bà nội, có món gì ăn lạ và ngon cũng mua về cho bà nội thưởng thức, bà nội vui và yêu hai đứa lắm. Bố Lan là công an, thường xuyên phải đi công tác, đợt này bố đi gần mười ngày, ở nhà chỉ có mấy mẹ con bà cháu toàn phụ nữ. Thời gian này gần cuối năm thi liên tục, cả hai chị em Lan bận rộn với bài vở, cũng không dành thời gian nhiều cho bà. Hai đứa đi học gần như kín lịch. Bà nội hơn một tháng nay bị tai biến nhẹ, tai nghễng ngãng hơn, tay trở nên run rẩy nên hay đánh rơi đồ, bà nội còn bị lẫn lộn trong sinh hoạt cá nhân nữa. Có hôm nội còn đem muối cho hết vào bình nước lọc, Lan uống phát hiện ra mới biết bà nội bị lẫn như vậy.
Lan thương bà nội vô cùng, nghĩ đến gương mặt sợ sệt, dáng đi run rẩy khi bị mẹ quát to mà Lan ứa nước mắt. Đến bữa cơm trưa, hôm nay cái Huyền không về vì lớp đi dã ngoại, còn mình Lan, mẹ và bà nội. Lan ở lỳ trên phòng không xuống, Lan không biết mình sẽ đối mặt với mẹ như thế nào, bà nội cũng không ăn cơm vì bảo mệt. Chút nữa mẹ đi làm Lan sẽ rẽ qua hàng bánh cuốn đầu ngõ mua cho bà nội, món mà bà thích vì rất mềm và dễ ăn.
Tối đến, khi Lan xuống tầng tìm cục sạc dự phòng, đi qua phòng mẹ, Lan bất chợt nghe cuộc điện thoại mẹ nói chuyện với bố: Mẹ bình thường, hơi quên chút thôi, anh yên tâm, sáng nay em vừa cắt thuốc bổ cho mẹ, mẹ đang uống rồi...
Gì cơ, đúng là không thể tin được, mẹ có thể nói những lời ấy với bố sao, còn những lời mẹ quát bà nội trưa nay thì sao, thuốc nào mà bà nội đang uống, mẹ cắt khi nào...hàng ngàn câu hỏi dồn dập trong đầu Lan, mẹ là người như vây ư! Em thất vọng đi về phòng mà quên mất đi tìm cục sạc để ngày mai em đi chụp kỉ yếu với lớp.
Sáng Lan còn chưa dậy mẹ đã lên gõ cửa:
- Lan, dậy chưa con! Lan uể oải:
- Con dậy rồi, có việc gì ạ!
- Sáng nay đi học con cầm mấy ấm thuốc mẹ cắt cho bà ngoại gửi qua chỗ cậu nhé!
-Sáng nay con đi chụp ảnh kỷ yếu, con không đi qua đường nhà cậu!
Thì ra mẹ cắt thuốc cho bà ngoại chứ không phải bà nội. Bỗng nhiên Lan thấy xót xa và thương bà nội rất nhiều.
Bà ngoại Lan là người gốc Hải Phòng, lấy ông ngoại từ năm mười bảy tuổi, ông là người buôn chuyến, ngoại theo ông bôn ba khắp nơi rồi lập nghiệp tại Hà Nội, ông bà rất giỏi mới gây dựng được cơ ngơi khang trang với một chuỗi siêu thị tại sáu tỉnh thành. Năm nay bà ngoại gần bảy mươi tuổi nhưng còn rất nhanh nhẹn và điều hành siêu thị cùng với cậu. Lan không quý bà ngoại như bà nội, bà ngoại cũng ít có thời gian dành cho các cháu, đặc biệt chưa bao giờ bà ngoại kể chuyện cổ tích hay những câu chuyện ngày xưa như bà nội. Nhà ở gần nhưng Lan và Huyền cũng ít sang vì bà ngoại cũng không có nhiều thời gian.
Mặc dù bà ngoại không thiếu thứ gì nhưng mẹ Lan lúc nào cũng mua cho bà ngoại đủ thứ, mẹ đi chơi, đi công tác hay đi chợ thôi có thứ gì hay hoặc thức ăn nào ngon bổ đều mua gửi cho bà ngoại. Từ trước tới nay như vậy nên Lan cũng không mấy quan tâm để ý, nhưng hôm nay thì khác. Nghĩ lại tất cả những gì mà Lan biết em thấy mẹ thật là thiên vị, câu chuyện hôm qua mẹ quát bà nội và một phần nội dung mẹ nói chuyện với bố , Lan thất vọng vô cùng, em cố tìm ra lý do để biện minh cho mẹ, để những việc em chứng kiến chỉ là hiểu nhầm...
Lan xuống phòng, bà nội ngồi trầm ngâm trong góc giường.
- Bà nội ăn sáng chưa, sáng nay mẹ nấu gì vậy!
- Bà nội chưa ra khỏi phòng con ạ, sao hôm nay con đi học muộn vậy?
- Sáng nay con đi chụp ảnh kỷ yếu ạ! Bà nội ra ăn sáng đi!
Lan ra phòng ăn xem sáng nay mẹ nấu gì, không thấy gì, em mở tủ cũng không thấy. Không nhẽ mẹ không nấu đồ ăn sáng cho bà nội sao, Lan thường đi học sớm nên không ăn sáng ở nhà. Bỗng dưng em thấy nóng bừng cả mặt. Em quay vào:
- Bà nội ơi, ra phố ăn sáng cùng con đi!
Em vừa nói vừa cầm tay kéo bà nội đi, bà cười:
- Cha bố mày, bà không đói đâu, đi đi cho kịp giờ!
- Không sao đâu bà !
Lan kéo xe ra chở bà nội đi, cũng lâu rồi hôm nay em mới có thời gian đưa bà ra ngoài, bà ôm cứng lấy em cứ sợ ngã và đụng vào người đi bên cạnh. Lan cười như nắc nẻ, thấy bà thật đáng yêu quá. Lan đùa rủ bà :
- Hay hôm nay bà đi chụp ảnh kỷ yếu với tụi con nhé!
- Cha tổ bố con, bà chụp sao được, chụp về đêm giật mình chết đấy!
- Hihi, thật như vậy sao bà!
- Ừa!
Lan tủm tỉm:
- Kệ bà , con đưa bà đi luôn!
- Ối, thôi thôi, cho bà về không có...
Bà nội bỏ lửng câu nói, Lan gặng hỏi:
- Có sao bà, bà sợ mẹ con nói ạ!
- À, không, bà ra ngoài sợ mẹ con lo lắng!
Lan lặng người, bà thật tốt, mẹ như vậy mà bà vẫn bảo vệ mẹ.
Chợt trong đầu Lan loé lên một ý định, bất ngờ Lan quật tay lái.
- Ơ, con đi đâu đấy, về đường kia chứ!
Lan phì cười:
- Bà cũng nhớ đường quá cơ!
Bà cười:
- Ừ thì bà thấy bên kia đường giống lúc đi hơn.
- Bà ôm chặt lấy con nhé!
- Ơ, nhưng con đi đâu!
- Chút nữa bà sẽ nhận ra, chắc bà sẽ vui ạ!
Lan ra bến xe, gửi xe rồi hai bà cháu bắt xe đi. Bà kinh ngạc:
- Con đưa bà đi đâu!
- Bà yên tâm, con không bắt cóc bà đâu mà lo, ba tiếng nữa bà sẽ biết!
Bà hơi hoang mang gương mặt phảng phất lo lắng:
- Cho bà về thôi, bà mệt!
Hai bà cháu lên xe, Lan chọn cho bà ngồi ngay ghế đầu, em vừa xoa bóp vai cho bà vừa động viên:
- Bà cứ ngồi nghỉ ngơi, con mát xa cho bà chút là đến thôi.
Xe chuyển bánh, bà dường như đã lờ mờ nhận ra sự quen thuộc qua những câu chuyện khách trên xe trao đổi, nhất là hướng tiến đến của xe, con đường về quê. Bà lặng thinh, một chút xúc động khi ngôi làng quen thuộc dần hiện ra, bóng nắng đã đứng, xe đỗ ngay tại bến đầu làng, nơi con đê xuống dốc đi vào khoảng 200m là đến nhà. Con đường bê tông hắt nắng tương đối nóng nhưng nội vui hay sao ấy mà bước đi xăm xăm. Hai bà cháu không hành lý nên cũng rảnh tay mà bước. Mấy người nhìn thấy bà đi qua cổng kêu lên:
- Bà thằng Su về thăm quê à, nắng quá, vào mời nước đã, lâu lắm rồi đấy!
- Chào các bà, tôi về đã, chiều vào chơi nhé!
Lan thấy mắt bà sáng lên, gương mặt rạng ngời. Thêm hứng khởi nên bà bước nhanh hơn, chẳng mấy chốc căn nhà nhỏ đầy màu xanh mát mẻ thân thuộc hiện ra. Chiếc khoá lâu ngày hoen gỉ, ôi không có chìa khoá. Lan trèo cổng vào, em lấy gạch đập bung chiếc khoá cho bà vào. Khoá nhà Lan cũng phải đập, cũng may, lâu ngày bị gỉ nên đập cũng dễ dàng. Nghe tiếng động, mấy nhà hàng xóm chạy sang, em và bà phải nói dối là mất chìa khoá. Mọi người xúm vào quét dọn nhà cửa giúp hai bà cháu. Chú Hùng nấu cơm mời hai bà cháu ăn. Bà vui lắm, như cá gặp nước, quên luôn cả cái ngột ngạt ở Hà Nội.
Đến chiều tối, thấy mẹ gọi cho Lan cuống quýt hỏi bà đi đâu, Lan bảo em không biết, em xin phép mẹ cho em về muộn, nếu muộn quá em sẽ ở lại nhà bạn sáng mai sẽ về. Mẹ bảo Lan về ngay để đi tìm bà nội, Lan bảo: Mẹ gọi cho bố đi!
Lan chợt nghĩ đến cảnh mẹ sẽ rối lên, gọi cho tất cả mọi người, thậm chí cho công an để tìm nội. Kệ, bỗng dưng Lan thấy mình thật chai lỳ. Lan muốn mẹ nếm trải cảm giác lo lắng, bà nội vẫn bình yên vui vẻ không sao là được.
Ngày mai Lan cũng chưa về, bố gọi cho Lan, giọng vô cùng nghiêm trọng, bố phải bỏ dở chuyến công tác để tìm bà, Lan chợt chột dạ, to chuyện rồi. Lan nói cho bố biết nội vẫn an toàn và vui vẻ ở quê. Bố cúp máy khi đang nói dở với Lan. Em gọi lại bố không nghe, Lan lo lắng hoang mang. Em không dám nói cho bà biết, suốt từ lúc bố gọi điện cho đến chiều Lan bồn chồn lo lắng, hết ra lại vào, hết đứng lại ngồi. Thấy thái độ của Lan như vậy, bà nội hỏi:
- Con lo việc ở lớp à, thôi về đi, bà ở lại chơi ít hôm rồi về đón bà . Con đã điện cho mẹ rồi chứ!
- Vâng, bà yên tâm!
Lan bấm bụng động viên bà, thực ra ruột Lan đang như có lửa đốt. Gần đến chiều tối thì xe bố về đến trước cổng, cả bố mẹ và cái Huyền, Lan chạy ra mở cổng, vừa xuống xe bố đã tát cho Lan một cái nổ đom đóm mắt. Lan choáng váng.
- Sao con làm thế, con có biết con làm như vậy hậu quả thế nào không!
Lan bất ngờ, em khóc: Bố hỏi mẹ con ấy!
Bà vội chạy ra:
- Sao thế, chưa về đến nhà đã đánh con, mọi việc là do mẹ đấy, mẹ thấy nhớ nhà nên bảo Lan nó đưa mẹ về.
- Không phải do bà, là do con, con tự ý đưa bà về, bà đừng có cái gì cũng bảo vệ mọi người như vậy rồi khổ!
Lan nói rồi nhìn sang mẹ.
- Con nói vậy nghĩa là sao!
- Con nói rồi, bố hỏi mẹ con ấy!
Nói rồi em chạy vào nhà, bố quay sang mẹ, mẹ cúi xuống tránh cái nhìn của bố , bà cũng không nói thêm gì, cả ba cùng lặng lẽ vào nhà.
Mẹ lặng lẽ làm bữa tối, cả nhà không ai nói với nhau một câu nào. Ăn xong, Lan vào buồng ngủ sớm, mấy bác hàng xóm sang chơi tận khuya mới về. Quá nửa đêm Lan tỉnh dậy, em mở điện thoại có một tin nhắn của mẹ: Mẹ sai rồi, mẹ xin lỗi con!
Lan ứa nước mắt, quay lại ôm bà thật chặt, em hít hà mùi hương lá bưởi từ những lọn tóc trắng như cước của bà. Em yêu bà , em mơ màng chìm vào giấc ngủ cùng với những câu chuyện cổ tích ngọt lịm như những chai mật ong mà bà nội vẫn thường hay kể.
P/s : Hình ảnh chỉ mang tính minh hoạ cho bài đăng.


Tác giả: Đan Thanh .





Qua nhiều năm dạy Piano, tôi nhận ra rằng trẻ em có nhiều cấp độ về năng lực về âm nhạc. Tôi chưa bao giờ hân hạnh có được một học trò thần đồng nào cả, dù cũng có một vài học sinh thật sự tài năng.
Tôi có được cái mà tôi gọi là những học viên “ được thử thách về âm nhạc”. Robby* là một ví dụ. Robby được 11 tuổi khi mẹ cậu bé, một người mẹ độc thân, đưa cậu đến học bài Piano đầu tiên. Tôi thích học viên của mình ( đặc biệt là những bé trai) bắt đầu học ở lứa tuổi sớm hơn và điều đó tôi cũng có giải thích với Robby. Nhưng Robby nói rằng mẹ em hằng ao ước được nghe em chơi Piano. Vì vậy tôi nhận cậu bé vào lớp.
Qua nhiều tháng, cậu bé thì cần mẫn học bài và cố gắng luyện tập, tôi thì cố gắng nghe và động viên cậu. Cứ cuối mỗi bài học hàng tuần, em lại nói: “Một ngày nào đó mẹ sẽ nghe em đàn”. Nhưng dường như vô vọng. Đơn giản là cậu bé không có năng khiếu bẩm sinh. Tôi chỉ nhìn thấy mẹ cậu bé từ xa khi bà đưa con đến hoặc ngồi chờ con trong chiếc xe hơi cũ kỹ. Bà luôn vẫy tay và mỉm cười nhưng không bao giờ vào nói chuyện với tôi.
Rồi một ngày kia, Robby thôi không đến lớp. Tôi có nghĩ đến việc gọi em, nhưng lại thôi, vì nghĩ rằng em đã quyết định theo đuổi một cái gì khác. Thật sự, tôi cũng mừng vì em nghỉ. Robby là một màn quảng cáo tồi tệ cho khả năng dạy học của tôi!
Vài tuần sau, tôi gửi đến nhà các học trò của mình tờ bướm giới thiệu về buổi biểu diễn sắp tới. Thật ngạc nhiên, Robby hỏi em có thể tham gia biểu diễn không. Tôi trả lời rằng buổi diễn chỉ dành cho những bạn còn đang học, trong khi em đã nghỉ rồi.
Robby nói mẹ em bị bệnh nên không đưa em đến lớp được, nhưng em vẫn tiếp tục luyện tập. Em năn nỉ tôi cho em tham gia. Tôi không hiểu điều gì đã xui khiến tôi đồng ý. Có thể vì sự kiên trì của cậu bé, hoặc có thể vì một cái gì đó trong tôi lên tiếng rằng sẽ ổn cả thôi.
Rồi đêm diễn cũng đến. Khán phòng của trường chật ních những phụ huynh bạn bè, thân nhân của các em học viên. 
Tôi xếp Robby ở gần cuối chương trình, trước tiết mục nói lời cám ơn học viên và biểu diễn một bản nhạc kết thúc chương trình của tôi.
 Tôi sắp xếp thế để nếu Robby có làm hư bột hư đường thì tôi cũng có thể cứu vãn bằng tiết mục của mình.
Và buổi diễn đã diễn ra khá suôn sẻ. Rồi đến lượt Robby. Cậu bé bước lên sân khấu với bộ quần áo nhàu nhèo và mái tóc giống như cậu mới vừa dùng máy đánh trứng để đánh bung nó lên. 
Tôi thầm nghĩ sao em không ăn mặc như các học viên khác, sao mẹ em không chịu ít ra là nhắc em chải đầu trước khi đến với buổi tối đặc biệt này.
Tôi ngạc nhiên khi Robby tuyên bố em chọn bản Concerto số 21 của Mozart. Tôi vô cùng bất ngờ với những gì được nghe tiếp theo. 
Các ngón tay cậu bé lướt nhẹ nhàng và linh hoạt trên phím đàn. Tiếng nhạc đi từ cực nhẹ đến cực mạnh, từ rộn ràng đến sâu lắng. Tôi chưa từng được nghe người nào ở tuổi Robby chơi nhạc Mozart tuyệt vời đến vậy. Sau sáu phút rưỡi, em kết thúc bằng một đoạn nhạc mạnh dần lên. 
Mọi người đứng dậy vỗ tay vang dội.
Ngất ngây và giàn giụa nước mắt, tôi chạy lên sân khấu, ôm chầm lấy Robby trong niềm hạnh phúc. 
“ tôi chưa bao giờ nghe em chơi tuyệt như vậy! em làm cách nào thế?”
Qua micro, Robby nói trong xúc động, giọng ngắt quãng:
 “ cô có nhớ em đã nói mẹ em bị bệnh không? Mẹ em bị ung thư và đã mất sáng ngày hôm qua. Mẹ em bị điếc bẩm sinh, vì vậy tối nay em đã cố gắng đến đây vì nghĩ rằng đây là lần đầu tiên mẹ có thể nghe em chơi đàn. Em đã cố hết sức mình vì điều ấy”.
Cả khán phòng hôm ấy không ai cầm được nước mắt.
 Khi những người ở ban công tác xã hội dẫn Robby về để nhận người đỡ đầu, mắt họ cũng đỏ và đầy xúc động. 
Tôi thầm nghĩ cuộc đời mình đã giàu hơn biết mấy khi nhận Robby làm học trò.
Vâng, tôi không có học trò thần đồng nào cả, nhưng tối hôm ấy, tôi trở thành học trò của Robby.
 Em đã dạy tôi ý nghĩa của lòng kiên trì, tình yêu và niềm tin vào bản thân hoặc thậm chí dám đặt cược vào một người khác mà không hiểu tại sao.
Tôi tin rằng luôn có những thiên thần ở quanh chúng ta, bên cạnh chúng ta, và ở trong bản thân ta. 
Có lẽ bạn cũng có một thiên thần trong cuộc đời bạn, chỉ có điều đôi lúc chúng ta không nhận ra mà thôi?
Bé Robby đã bị chết trong vụ nổ bom (khủng bố nội bộ của Mỹ)tại thành phố Oklahoma tháng 4/1995.



Sưu Tầm



MỘT KIẾP NGƯỜI

Ông già Sáu phải đi rồi. Nơi ông đến là nhà dưỡng lão của tỉnh.
Buổi sáng trời âm u càng làm não lòng cảnh chia ly. Lối xóm buồn, già Sáu đau lòng tưởng chết được.
Chỉ người nhà già là vui mừng vì ... đã trút được gánh nặng.
Có tiếng thở dài đâu đây. Chị Út bán xôi đưa già một gói thiệt lớn: “Ông Sáu ăn đi, chừng nào con đi bán ngang qua đó, con ghé thăm ông!”.
Thằng Minh gà nhét vô túi già mấy tờ giấy bạc: “Ông Sáu để dành mua bánh ăn. Ông đi, tụi con buồn quá! Phải chi con có tiền, con đem ông về nhà nuôi luôn!”. Già Sáu rưng rưng nước mắt. Con bé Thư đứng trước rào réo theo: “Ông cố đi chừng nào về? Ông cố đừng đi luôn nghe!”. Bà Sáu đong đưa võng, giọng chanh chua: “Đi đâu đi cho khuất, lải nhải hoài! Con Thư muốn đi theo thì đi luôn!”. Bé Thư sợ sệt quay lại. Mắt nó ngấn nước.
Già Sáu lên xe lôi. Chiếc xe lọc cọc trên đường. Già quay lại nhìn lần cuối nơi chốn mình đã sống bao năm. Đó là cái chòi lá cất trong vườn nhà. Nó ở sát góc đất, cách xa căn nhà lớn.
Từ ngày biết già mang bịnh lao, cả nhà bắt già phải ở riêng (dù lúc còn ở nhà lớn, già cũng chỉ được ngủ ở cái chái để củi). Người ta nói: “Nuôi con nhờ lúc tuổi già”, vậy mà khi mang bịnh, lại trong tuổi đời bóng xế - cả nhà đều xa lánh già.
Bà Sáu là người đàn bà nanh nọc. Người chồng trước chết, bà có đứa con trai. Gặp ông Sáu, bà có thêm đứa con gái.
Mấy năm cuộc sống khó khăn, ông Sáu phải lặn lội theo đám con buôn xuôi Nam ngược Bắc kiếm tiền. Đàn ông ra ngoài trên những chuyến đi dài ngày, không khỏi cảnh “cơm quán canh chợ”. Chuyện tới tai, bà Sáu đùng đùng cơn giận. Bà cấm đứa con gái từ đây không được nhận cha. Mấy lượt về nhà, ông không được ai đón tiếp. Buồn bã, ông lại bỏ đi.
Lần này, đằng đẵng tám năm. Đứa con gái sống bên cạnh người mẹ dữ dằn lại được rót vào tai bao điều tệ bạc về cha mình, nên cũng chẳng chút tình máu mủ với ông.
Hay tin con gái lấy chồng, ông bỏ hết công việc kiếm tiền, trở về cho kịp ngày vui. Ông được vào nhà không phải vì vợ và con nghĩ lại, thương ông. Ông đem về nhiều tiền làm của hồi môn cho con gái và muốn được ở lại trong nhà. Lập tức tiền của ông được nhận.
Ngày cưới, ông cũng được uống ly trà của con rể và sau đó, ông được sống "giống như một người làm vườn "với những công việc nặng nhọc suốt ngày. Biết vợ là người đàn bà độc ác, tham lam, nhưng nghĩ mình cũng có lỗi, ông lặng lẽ làm việc nhà để sống gần con.
Hơn hai mươi năm, người đàn ông rắn rỏi thời nào, bây giờ đã trở thành một ông lão hom hem với căn bịnh lao phổi trong người. Dù được các cơ sở y tế điều trị hẳn hoi, dù già vẫn tuân thủ mọi điều được chỉ dẫn từ cán bộ y tế - già vẫn phải dọn ra sống riêng ngoài vườn trong cái chòi lá chỉ kê được cái giường cá nhân và một chỗ nấu ăn.
Già thui thủi sống (nếu đó còn được gọi là cuộc sống).
Cháu ngoại có chồng, già được làm ông cố. Già thương cháu, nhưng không được đến gần. Ai cũng sợ già lây bịnh (dù xác định của ngành y tế, già đã hết bịnh từ lâu).
Khi bà Sáu đi vắng, già tranh thủ chơi với bé Thư, làm cho nó mấy thứ đồ chơi từ cây lá trong vườn. Một đứa con gái, hai đứa cháu ngoại và một đứa cháu cố là tất cả hạnh phúc cuối đời già. Nhưng xem ra - chỉ có bé Thư thật sự thương mến già. Còn đứa con và hai đứa cháu chỉ cư xử với già bằng thứ tình cảm giả tạm.
*
Thu Cúc đang thao thao kể về chuyến du lịch ở thành phố Đà Lạt. Nhân chỉ nghe bằng một nửa sự chú ý. Một nửa kia, anh cứ ngóng theo ông lão bán vé số vừa quen trong lần đi ủy lạo nhà dưỡng lão của tỉnh.
Vốn là sinh viên khoa Du lịch, Nhân lại là thành viên Ban Chấp hành Đoàn trường, anh rất tích cực trong mọi công tác xã hội. Thu Cúc là cô bạn gái cùng khoa, nhưng sau Nhân hai lớp. Nhân chưa biết nhiều về gia đình Thu Cúc, chỉ biết nhà Thu Cúc khá hơn mình. Gia đình Nhân nghèo. Anh phải làm thêm nhiều việc để có tiền lo cho việc học. Đúng lúc ông lão băng qua đường, một chiếc xe gắn máy trờ tới quẹt phải.
Ông lão ngã xuống. Nhân bỏ mặc Thu Cúc, chạy đi. Thu Cúc giận dỗi: “Làm gì gấp gáp dữ vậy! Ngày nào không có tai nạn. Đi mà không nói với mình một tiếng!”.
Thu Cúc về nhà với tâm trạng hằn học. Nhân đưa ông lão vào bịnh viện kiểm tra. Cũng may chỉ trầy xước nhẹ. “Bữa nay về nghỉ thôi ông Sáu, con đi trả vé giúp ông. Mà thôi! Con sẽ về trường nhờ bạn bè mua giúp. Chiều, con tới thăm ông rồi đưa tiền luôn”. Già Sáu - ông lão đúng là già Sáu - cười móm mém: “Cháu tốt bụng quá! Phải chi ông cũng có được một đứa cháu như vầy thì thiệt là có phước!”.
Nhân vừa nhẩm đếm mấy tờ vé số, vừa cười: “Thì con đã là cháu của ông rồi! Con không còn ông nội ông ngoại, con kêu ông là ông ngoại luôn nghe! Mà ông cực khổ đi bán vé số làm chi! Ở đây, ông vẫn được ăn no mặc ấm mà!”.
Già Sáu lại cười - móm mém cái miệng chẳng còn răng, đó là điều bí mật mà ngay cả Nhân, già cũng chưa hề chia sẻ.
*
Mới đó mà già Sáu đã vào nhà dưỡng lão được hai năm.
Hai năm với nỗi nhớ nhà, nhớ con, nhớ cháu. Già sống bằng những hột cơm nhân nghĩa của người đời, bằng tấm lòng trắc ẩn của chàng trai tốt bụng mà già đã coi nó như cháu ruột của mình. Già Sáu chưa bao giờ cho mọi người biết về những người thân của mình.
Già sợ miệng đời nguyền rủa họ.
Một tuần nay, già bịnh nặng. Người ta đưa già nhập viện.
Gia đình cũng được thông báo nhưng - không ai tới thăm. Nhân vừa tốt nghiệp xong. Niềm vui không trọn vì tin già Sáu bịnh. Nhân lăng xăng suốt ngày ở bịnh viện. Thu Cúc nhắn anh tới nhà để mở tiệc mừng, Nhân không tới vì bịnh già Sáu đã nặng lắm rồi!
Sáng nay, già thều thào tâm sự với Nhân: “Ông nhớ đứa cháu cố lắm! Nó rất thương ông mà bà ngoại với mẹ nó cứ sợ ông lây bịnh. Bây giờ, ông chỉ muốn gặp nó một lần. Ông sắp đi rồi, không gặp nó làm sao ông đi được!”. Rồi ông lặng lẽ khóc.
Nhân nghe nghẹn tức: “Ông nói địa chỉ đi! Con đi tìm giúp ông. Con không tin lại có loại người táng tận lương tâm, tới cha, tới ông mình mà cũng không nhìn”.
Nhân đứng tần ngần với tờ giấy ghi địa chỉ nhà mà già Sáu đã đọc cho anh.
Thu Cúc từ trong nhà bước ra, sững sờ: “Trời đất! Anh tới sao không điện trước cho em? Sao bữa tiệc mừng anh không tới dự?”. Nhân mở to mắt nhìn cô bạn gái của mình. Con bé Thư từ trong nhà chạy ra: “Dì Ba ơi! Con nhớ ông cố quá! Cho con đi thăm ông cố nghe!”. Nhân nhìn con bé với đôi mắt to tròn và gương mặt đẹp như thiên thần, anh lắp bắp: “Ông Sáu đang ở nhà dưỡng lão… có phải là… ông ngoại của em không?”.
Mặt của Thu Cúc bỗng trắng bệch như vừa vớt từ dưới nước lên. Cô nàng chưa hiểu vì sao Nhân lại biết điều bí mật này. Nhân nói bằng giọng trầm trầm mà nghe như uất nghẹn, mắt không nhìn Thu Cúc: “Ông Sáu sắp chết rồi! Ông chỉ mong được gặp con cháu của mình để khi ra đi, lòng không đau xót nữa!”.
Nhìn đứa cháu ngoại dắt đứa cháu cố trong tay, già Sáu dường như có thêm sức mạnh. Già thì thào: “Bé Thư… bé Thư nhớ… ông cố… hông? Ông cố… thương… con lắm! Còn… Thu Cúc… nữa. Con… ráng… xong đại học. Ông ngoại… không… sống được tới ngày con lấy chồng. Ông ngoại có… số tiền… dành dụm… cho con”. Già Sáu run run lôi xấp tiền ông cất trong áo gối.
Nhân bật khóc - Anh biết đây là những đồng tiền ông kiếm được mỗi ngày từ việc bán vé số. Anh nhìn Thu Cúc và bỗng thấy cô nàng xa lạ quá - trong mắt anh.
Già Sáu đang chìm sâu vào giấc ngủ. Già đã trả xong phần nợ của mình. Cuộc đời này, già không còn lưu luyến nữa ...

NGÔ NGUYÊN

Không có nhận xét nào: