a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG VÀ NGƯỜI CON GÁI KHIẾN TÂM THẦN ÔNG KINH LOẠN

 



Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là huyện Mỹ Văn, Hưng Yên) nhưng ông về quê mẹ là làng Tình Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh sinh sống bằng nghề bốc thuốc ngay từ khi còn trẻ. Ông lấy hiệu là Lãn Ông, tức ông già lười.

Tuy nhiên, ông chỉ lười công danh, lười đua chen ở chốn quan trường, còn sự nghiệp y học thì ông rất chăm chỉ nghiên cứu và trở thành danh y bậc nhất thời bấy giờ. Ông có bộ sách y học đồ sộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 65 quyển đúc kết kinh nghiệm 40 năm bốc thuốc chữa bệnh cứu người, một bộ sách y học lớn nhất nước ta từ trước tới nay.

Cũng vì tiếng tăm của ông vang dội đến tận Kinh đô mà năm 1781 chúa Trịnh Sâm triệu ông ra Thăng Long để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán. Ông đã ghi chép lại toàn bộ chuyến đi này trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự (Ký sự lên Kinh). Đây là một tác phẩm văn chương đặc sắc, đề cập đến đời sống sinh hoạt của tầng lớp vua chúa, quan lại và thị dân ở chốn Kinh thành vào cuối thế kỷ XVIII.

Trong chuyến lên Kinh lần này, Hải Thượng Lãn Ông tình cờ gặp lại người xưa, trong một trường hợp rất đặc biệt. Nguyên do là, khi còn nhỏ ở nhà, Lê Hữu Trác đã được bố mẹ hỏi cho một cô gái con nhà quan làm vợ. Các thủ tục dạm hỏi đã hoàn tất, chỉ chờ ngày cưới. Nhưng sau đó do gặp trắc trở, ông từ hôn rồi vào quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) sinh sống.

Hải Thượng Lãn Ông nào có biết rằng, cô gái đó sau này không lấy ai nữa, vì cho rằng mình đã có nơi gá nghĩa rồi. Cô ở nhà chăm sóc cha mẹ. Khi cha mẹ mất, cô gửi thân vào chốn cửa thiền. Hơn 40 năm sau, bây giờ cô gái năm xưa đã trở thành một nhà sư già. Bà đi khuyến giáo thập phương để về đúc chuông chùa làng và rồi gặp ông trong một nhà trọ ở Kinh thành.

Chuyện đó được Hải Thượng Lãn Ông ghi lại trong Thượng Kinh ký sự…

Người xưa tìm lại

Đến Kinh thành rồi, một ngày nọ, có hai lão ni đến chỗ Hải Thượng Lãn Ông ngụ, nói rằng: “Chùa Huê Cầu đúc chuông lớn, công quả chưa thành, chúng tôi đến đây khuyến hoá.”

Thế rồi một lão ni tự giới thiệu mình là trụ trì chùa núi An Tử, còn lão ni kia thì giới thiệu mình là con gái quan tả thừa ty Sơn Nam, quê ở Huê Cầu.

“Tôi nghe nói giật mình như tỉnh giấc mơ”, Lãn Ông viết. Sau đó ông tìm cách “hỏi nhỏ một tiểu cô trong bọn tòng hành mới biết đây là người cũ của mình”.

Rõ ràng một lão ni tìm đến một quan nhân (lúc này Lãn Ông đang làm quan thầy thuốc ở trong triều) để khuyến hoá mà lại xưng cái gốc tích của mình ra như thế, phải có lý do gì chứ. Vì người xuất gia vốn đã phải xa lánh bụi trần, đâu còn vấn vương đến gốc tích của mình. Và đúng vậy, chỉ mới nghe qua địa danh Sơn Nam, Huê Cầu thôi, đã đủ làm cho Lãn Ông choáng váng, “giật mình như tỉnh giấc mơ”.

Chuyện đúc chuông, khuyến hoá chẳng qua là cái cớ để cho người xưa có dịp gặp lại ông. Tưởng tượng mà xem, lão ni đã phải trần tình năn nỉ, thuyết phục sư bà ra sao để sư bà động lòng chịu cùng xuống núi một phen.

Tuy biết khá rõ rồi, nhưng vốn thận trọng, Lãn Ông mới “trắc nghiệm” lại lần nữa, vì biết đâu chỉ là một sự tình cờ, ông bèn kể rõ họ tên quê quán…

Lãn Ông viết tiếp: “Lúc đó chỉ thấy ni cô chùa Huê Cầu mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng, bảo sư bà trụ trì rằng: Thôi, chúng ta đi đi thôi”. Một lão ni nghiêm trang cẩn mật, tuổi tác già nua mà “mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng” rồi phải hối thúc sư bà “đi đi thôi” trong một tâm trạng như là dỗi hờn thì thật là đáng kinh ngạc.

Lãn Ông rất lúng túng, tìm cách “lưu họ lại không được, mới mang ra một ít hương tiền để cúng” rồi hỏi: “Hai lão ni trọ tại nơi nào?” Họ đáp: “Chưa có nơi nào”, rồi vội vàng từ biệt ra đi. Lãn Ông đâu dễ chịu ngồi yên, ông “vội gọi một tên người nhà linh lợi bảo đi theo sau họ, mà không cho họ biết…”

Thế rồi Lãn Ông nhớ lại mối tình xưa. Lỗi tại ông. Ông đã nộp đủ lễ vấn danh, lễ nạp thái, vậy mà rồi vì một lý do riêng, ông hồi cư về Hương Sơn quê mẹ và xa luôn người vợ sắp cưới của mình để bà phải mỏi mòn trông đợi đến hôm nay mới bất ngờ gặp lại.

Rồi người thiếu phụ đó ra sao? Lãn Ông có dò hỏi thì biết bà “thề chung thân ở vậy”. Nhiều người đi hỏi cưới, bà cương quyết từ chối. Sau cùng, bà vào chùa tu.

Lãn Ông viết: “Tôi nghe biết vậy thì tâm thần kinh loạn, than rằng: Vì ta bất cẩn trong việc này. Có thuỷ mà không có chung, khiến cho người mang hận, mà ta mang tiếng là người bạc bẽo. Ta bối rối không biết cách nào để gỡ cái mối ra, mới vội vàng đến Huê Cầu mà tìm hiểu sự việc”. Quả thật, bà đã từ hôn nhiều người chỉ vì lòng bà chỉ có Lãn Ông thôi. Bà thà đi tu chớ không lấy ai khác nữa! Bà nói: “Đã có người hỏi mình làm vợ thì mình (coi như) đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ…” Trách chi Lãn Ông không tan nát cõi lòng, “tâm thần kinh loạn”.

Tha thứ

Để chuộc lỗi mình, và cũng là kính ngưỡng sự tu hành của người xuất gia, ông chỉ xin bà cho ông được coi bà như “cô em gái nhỏ”, bảo dưỡng bà suốt đời từ đây. Vì bà đã đi tu nên ông đề nghị cất cho bà cái chùa nhỏ, trong một cảnh vườn vằng vẻ yên tĩnh: “Mùa đông cũng như mùa hè, lạnh ấm đều sẽ do ta lo liệu, một là để báo ân, hai là để chuộc lỗi…”

Bà cố cầm giọt lệ: “Quan nhân có hậu tình, còn tôi chẳng gặp chồng, cái thân cô khổ cũng là do số mệnh vậy, đâu có dám trách ai… Nay tôi được biết tấm lòng tốt này cũng an ủi cảnh linh lạc vậy”. Và bà đã từ chối.

Rồi Lãn Ông làm thơ. Phải, bởi vì đâu có thứ thuốc nào sắc ba chén còn bảy phân mà chữa được cái bệnh của ông bây giờ! Ông viết: “Tôi lấy làm thương tình, mới giải lòng trong một bài thơ.” Bài thơ đó như sau:

Hán Việt:

Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa,

Kim nhật tương khán khổ tự ta.

Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ,

Song mâu xuân tận kiến hình hoa.

Thử sinh nguyện tác can huynh muội,

Tái thế ứng đồ tốn thất gia.

Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã,

Túng nhiên như thử nại chi hà?

 

Bản Ngô Tất Tố dịch:

Vô tâm nên nỗi luỵ người ta,

Trông mặt nhau đây luống xót xa.

Gượng cười khôn giấu đôi hàng lệ,

Tóc bạc che mờ nửa mặt hoa.

Kiếp này hãy kết làm huynh muội,

Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia.

Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụ,

Dở dang, dang dở biết ru mà?


Bản Bùi Hạnh Cẩn dịch:

 Vô tâm nên nỗi lỡ người ta,

Nay lại nhìn nhau luống thẫn thờ.

Một nụ cười tình, châu lệ lạnh,

Đôi tròng xuân cạn nét tài hoa.

Đời nay xin kết anh em ngãi,

Kiếp tới nên tròn phận thất gia.

Ta chẳng phụ người, người nỡ phụ,

Đành thôi như thế, biết sao mà!

 

Cảm động vì bài thơ “giải lòng” đó mà bà đã tha thứ cho ông. Lãn Ông viết: “Từ đó thời thường qua lại hỏi thăm nhau”.

 Chuyện rồi kết thúc ra sao?

Tuổi hạc ngày càng cao, bà chỉ xin ông mua gỗ ở Nghệ An đóng cho bà một cỗ quan tài. Vâng, phải đúng gỗ ở Nghệ An bà mới chịu, vì đây là vùng Hương Sơn quê mẹ Lãn Ông (Lãn Ông quê gốc Hải Dương, nhưng sống và thành danh ở Hương Sơn). Có lẽ bà nghĩ lúc sống đã không được nên duyên vợ chồng thì lúc chết ít ra cũng được âu yếm nằm trong một cổ quan tài do ông đóng cho bà từ thứ gỗ của quê hương ông.

Đó, chuyện buồn của Hải Thượng Lãn Ông, “Ông Làm Biếng” làng Hải Thượng, một chuyện thuỷ chung, nhân hậu của một thầy thuốc, ông Tổ của ngành Y, làm ta thấy càng gần gũi với ông hơn, càng quý trọng ông hơn.

Tác Giả:  BS  Đỗ Hồng Ngọc. 


Đăng lại có chỉnh sửa từ bài viết “Sầu riêng của Hải Thượng Lãn Ông”

Theo nguyệt san văn hóa dân tộc Hồn Quê 11-2009 (honque.net)

(*) Phiên bản Thượng Kinh Ký Sự sử dụng là bản dịch của Ứng Nhạc Vũ Văn Đình, NXB Văn học, 1993.

Tòa nhà cổ độc đáo ẩn mình trong một ngọn núi.

Được khoét sâu vào sườn núi đá vôi, tòa nhà độc đáo ở Nga gần như cách ly hẳn với thế giới bên ngoài.

Tòa nhà độc đáo ẩn mình trong một ngọn núi, nhìn qua khó nhận ra lối vào

Các kiến trúc đáng kinh ngạc đến từ khắp nơi trên thế giới cho thấy đá là vật liệu xây dựng vô tận, mang đến phong cách trang trọng và tràn đầy năng lượng.

Nga là quê hương của nhiều tòa nhà có họa tiết trang trí phức tạp và đẹp nhất trên thế giới, nhưng rất ít trong số đó có thể gây ấn tượng bằng cách hòa vào môi trường tự nhiên. Một trong những tòa nhà hiếm có như vậy là công trình kiến trúc John the Baptist, nằm trong Khu bảo tồn Divnogorye ở Voronezh, Nga.

Lần đầu tiên được đề cập trong các tài liệu lịch sử có niên đại từ thế kỷ 17, tòa nhà độc đáo này được chạm khắc trên sườn núi, với tháp chuông trang trí trên cao.

Không có nhiều thông tin về nguồn gốc của tòa nhà John the Baptist. Một số người nói rằng công trình kiến trúc độc đáo này có từ thế kỷ 12 và do các nhà sư Hy Lạp Xenophon và Joasaf tạo ra. Trong khi những người khác tin rằng nó là công trình của hai nhà sư Sicilia, xây dựng vào khoảng những năm 1600.


Các công trình được xây dựng theo kiểu hang động này có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới với nhiều ý nghĩa đặc biệt. Tòa nhà John the Baptist xây dựng tại những ngọn núi đá vôi và vì đá phấn rất mềm, dễ chạm khắc.

Những ngọn núi đá vôi và đá phấn mềm rất dễ chạm khắc. Để xây dựng, người ta không cần phải mang theo vật liệu xây dựng vì tất cả các đã có thiên nhiên cung cấp đồng thời cũng không tốn nhiều nhân công.

Trong suốt lịch sử đầy khó khăn, tòa nhà đã đóng cửa và trùng tu nhiều lần. Hiện tại Khu bảo tồn Divnogorye làm nhiệm vụ quản lý tòa nhà. Khu bảo tồn thiên nhiên Divnogorye rộng 11 km2, với nhiều núi đá vôi, độ cao tối đa so với mực nước biển là 181 mét. Hàng năm, nơi này đón hàng ngàn khách du lịch tới tham quan.

Hoàng Dung (lược dịch)

Phát hiện kho báu gồm toàn trang sức bạc giấu dưới lòng đất 900 năm.

Các nhà khảo cổ Nga đã tìm thấy kho báu gồm nhiều trang sức bạc vô cùng tinh xảo được chế tạo vào thế kỷ 12.

Theo Live Science, loạt đồ bạc được phát hiện gần Old Ryazan - một trong những thành phố cổ kính nhất của Nga và là nơi xảy ra cuộc tấn công ác liệt của quân Mông Cổ vào năm 1237.

Địa điểm tìm thấy kho báu. Ảnh: Maxim Pankin, Institute of Archaeology, the Russian Academy of Sciences.

Kho báu được chôn gần một khe núi cách 2 khu định cư nhỏ thời Trung Cổ vài trăm mét. Theo Viện hàn lâm Khoa học Nga (Russian Academy of Sciences - RAS), các nhà khoa học cũng tìm thấy phần còn lại của một chiếc thùng hình trụ có thể làm từ vỏ cây bạch dương, từng dùng để đựng số đồ bạc này.


Các đồ trang sức bằng bạc được chế tạo vô cùng tinh xảo. Ảnh: Maxim Pankin.

Kho trang sức nặng 2,1 kg; gồm nhẫn 7 tia, vòng tay, mặt dây chuyền, tất cả đều bằng bạc và được chế tạo vô cùng tinh xảo. Trong đó, nhẫn 7 tia được cho là du nhập từ Viễn Đông và đã trở thành một nét đặc trưng của đồ trang sức Nga thời Trung Cổ. Một số đồ vật khác như mũ, bát kim loại cũng được tìm thấy.

Các nhà khảo cổ còn tìm thấy một số đồ vật khác cùng với kho trang sức. Ảnh: Maxim Pankin.

Sự đa dạng của chúng khiến các chuyên gia tin rằng đây là kho của cải tích lũy chứ không phải bộ trang sức được sử dụng với mục đích làm đẹp đơn thuần.

Theo các chuyên gia, việc giấu kho báu để quân Mông Cổ xâm lược không tìm thấy dường như khá phổ biến. Họ đã khai quật được hơn 10 kho báu ở khu vực này, bao gồm kho báu Old Ryazan- một tập hợp các trang sức hoàng gia được tình cờ phát hiện vào thế kỷ 19, hiện trưng bày tại một nhà thờ.

Căn cứ vào kiểu dáng trang sức và những đồ gốm được tìm thấy xung quanh các nhà khảo cổ tại RAS nhận định số đồ bạc mới phát hiện có vẻ được giấu trong giai đoạn từ cuối thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12, khoảng 100 năm trước cuộc xâm lược của Mông Cổ.

Như vậy, kho báu này lâu đời hơn kho báu Old Ryazan và bao gồm đồ trang sức làm bằng các kỹ thuật đơn giản hơn, theo phong cách cổ xưa hơn. Nhóm chuyên gia cho biết, những nghiên cứu sâu hơn về từng món đồ sẽ mang lại thêm thông tin về lịch sử của Old Ryazan.

"Những nghiên cứu sâu hơn về các món đồ kho báu, kỹ thuật chế tạo chúng, thành phần của kim loại sẽ bổ sung cho hiểu biết của chúng ta về lịch sử ban đầu của Old Ryazan. Chúng còn có thể tiết lộ bối cảnh lịch sử của việc cất giấu kho báu", nhà nghiên cứu Alexander Morozov từ RAS nhận định.

Minh Hoa (t/h)
























 

Không có nhận xét nào: