a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Thăm cung điện hoàng gia dát hàng triệu lá vàng ở Thái Lan

 

Nằm trong top 10 cung điện hoàng gia xa hoa nhất thế giới, đại hoàng cung Grand Palace là điểm tham quan nổi tiếng, thu hút du khách hàng đầu Thái Lan. Cung điện càng lung linh hơn khi vô số lá vàng dát trên các ngọn tháp phản chiếu ánh nắng mặt trời.

Một góc của đại hoàng cung Grand Palace

Còn cách Grand Palace (Bangkok) một quãng khá xa, chúng tôi đã thấy lóa mắt bởi sức phản chiếu của hàng triệu lá vàng dát trên các ngôi tháp. Hoàng cung không phải là một tòa nhà đơn lẻ mà là tổ hợp các công trình kiến trúc nguy nga, tráng lệ, nổi bật ở mọi góc nhìn.

Hoàng cung tráng lệ

Grand Palace là một khu phức hợp với 3 cung điện (Chitralada, Hoàng gia và Huy Hoàng) cùng Chakri Mahaprasad và chùa Phật ngọc Wat Phra Kaew. Cung điện được bảo vệ nghiêm ngặt bởi lực lượng lính Hoàng gia tinh nhuệ. Cổng chính có vọng gác lớn; muốn vào tham quan, du khách phải ăn mặc chỉnh tề, không hút thuốc lá, không mang dép lê, không mặc trang phục hở hang.

Bên trong chùa Phật ngọc

Theo lời hướng dẫn viên, sau khi dời kinh đô từ Thonbari ở bên bờ Tây sông Chao Phraya sang bờ Đông, vua Rama 1 cho xây dựng đại hoàng cung này vào năm 1772. Từ năm 1782, Grand Palace trở thành nơi ở của các hoàng đế Xiêm; sau đó, là nơi ở, làm việc của các vị vua và Hoàng gia Thái Lan.

Dãy tượng thần bằng vàng

Từ năm 1946, vua Rama 9 chuyển về cung điện Chitralada gần đó, tuy nhiên đến tận bây giờ, đại hoàng cung vẫn là nơi diễn ra các sự kiện lớn như tổ chức các yến tiệc quốc gia, lễ đăng quang hay các nghi thức hoàng gia hàng năm.

Nơi linh thiêng nhất của đại hoàng cung là đền Phật ngọc, nơi thờ bức tượng Phật bằng ngọc, Quốc bảo đệ nhất của Thái Lan. Tượng được tạc từ ngọc bích nguyên khối với kích thước 48cm x 46cm, đặt trên bệ cao 2m.

Tượng Phật ngọc

Các Phật tử tin rằng bức tượng linh thiêng này đặt ở đâu thì nơi đó có nhiều may mắn, mọi chuyện hanh thông. Tượng được đặt trong hoàng cung thì hoàng gia phát đạt, đất nước phồn vinh. Ai viếng thăm ngôi chùa, nơi có bức tượng Phật ngọc này sẽ nhận được phước lành.

Có lẽ vì vậy mà phật tử từ khắp nơi trên thế giới hành hương về chùa này rất đông, chiêm bái, cầu nguyện trước tượng Phật ngọc và các tác phẩm điêu khắc khác về Phật giáo.

Một số bức tượng đặc sắc

Trong quần thể kiến trúc của hoàng cung, Phra Sri Rattana là ngôi tháp lớn nhất, mang hình một ngọn núi, được bao bọc bởi hàng triệu lá vàng dát mỏng chuyển về từ Italia; xung quanh là tượng những chú voi linh thiêng của Thái Lan. Khi ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào các ngôi tháp, hoàng cung vàng rực, tỏa sáng lấp lánh cả một vùng.

Tháp Phra Sri Rattana

Cạnh tháp Phra Sri Rattana là thư viện Phra Mondop cổ kính, nơi bảo quản hầu hết kinh Phật của Thái Lan và những bộ kinh tiêu biểu trên thế giới, đặc biệt có bộ kinh hàng ngàn năm tuổi. Bên ngoài cửa là tượng những vị thần bảo vệ cho các bộ kinh lâu đời, quý giá.

Du khách tấp nập tham quan cung điện

Các nhà nghiên cứu nhận định đây là quần thể kiến trúc cổ với quy mô lớn, được bảo tồn qua các triều đại và cũng là vương cung có tính dân tộc đặc sắc nhất, hoàn mỹ nhất, qui mô lớn nhất ở Thái Lan. Khách tham quan thì không ngớt trầm trồ về quy mô đồ sộ cũng như sự tinh xảo, cầu kì tới từng chi tiết nhỏ của các công kiến trúc và tượng cổ ở đại hoàng cung này.

Kim Anh

Kinh ngạc vị Pharaoh 3.500 tuổi: Bị gãy cổ, ướp xác tới 2 lần!

Khi khám phá xác ướp Amenhotep I, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp 'mở quan tài kỹ thuật số' và phát hiện ra vị pharaoh này bị ướp xác tới 2 lần.


Amenhotep I là vị pharaoh thứ hai của Vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại. Ông được cho là đã qua đời vào khoảng năm 1506-1504 trước Công nguyên và được bảo quản cẩn thận tại thời điểm đó.

Sau 3.500 năm yên nghỉ, pharaoh Amenhotep I nổi tiếng của Ai Cập đã được "đưa ra thế giới" lần nữa qua những hình ảnh độc đáo bằng cách sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT).


Pharaoh Amenhotep I được cho là qua đời khi còn khá trẻ, trong triều đại của mình, ông đã khởi xướng những chương trình xây dựng quy mô lớn nhằm mở rộng nhiều ngôi đền. Không ai biết ông đã chết thế nào hoặc đâu là nơi chôn cất ban đầu.

Chiếc quan tài nổi tiếng của ông đã được tìm thấy vào thế kỷ thứ 19, tuy nhiên xác ướp của Amenhotep I được bọc rất tinh tế và trang trí công phu bằng nhiều vòng hoa nên các nhà khoa học đã do dự chưa mở xác ướp ra.

Vì vậy nhờ công nghệ chụp CT, các nhà khoa học đã hé mở bí mật lịch sử mà không cần tác động trực tiếp vào xác ướp. Họ đã tạo ra các bản tái tạo 3D của người đàn ông bên dưới lớp băng.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Sahar Saleem từ Khoa Y Đại học Cairo (Ai Cập) cho biết, Amenhotep I được chôn cất với một chiếc vòng độc đáo quanh eo, làm từ các hạt vàng và khoảng 30 chiếc bùa hộ mệnh nằm bên trong các lớp vải liệm.

Nhưng có vẻ, chiếc vòng vàng đã được đặt lên cơ thể ông... 5 thế kỷ sau khi qua đời. Bên trong quan tài là một người đàn ông thấp nhỏ hơn so với chiếc quan tài, nhưng vẫn có chiều cao rất ấn tượng so với thời đó: 1,69m, qua đời khi 35 tuổi.

Ông có hàm răng tốt đều tăm tắp cho thấy một sức khỏe còn tráng kiện, đã cắt bao quy đầu và không rõ nguyên nhân qua đời.

Điều đáng buồn là trên cơ thể vị pharaoh là dấu tích của một vụ trộm mộ thảm khốc, khiến chiếc cổ của xác ướp bị gẫy, nhiều bộ phận cơ thể bị hư hại.

Các linh mục Vương triều thứ 21 vào thế kỷ 11 trước Công nguyên từng mở xác ướp của Amenhotep I ra để phục hồi và cải táng. Họ đã cải táng ông tại Deir el-Bahari ở miền Nam Ai Cập - nơi ông được phát hiện cùng với một số xác ướp hoàng gia khác vào năm 1881.

Cũng chính họ đã đặt lên cơ thể xác ướp chiếc vòng vàng và các lá bùa hộ mệnh và trang hoàng cho xác ướp rất tinh tế như những gì chúng ta thấy ngày nay.

Các đồ tùy táng cũ của Amenhotep I có thể đã bị kẻ trộm mộ cổ đại lấy đi. Sau đó, ông được cải táng vào một lăng mộ mới. Đây là một nghi lễ hiếm thấy ở Ai Cập, cải táng theo phương thức như một lần "ướp xác" thứ 2, với đầy đủ nghi lễ cho các xác ướp bị hư hại.


Ai Cập phát hiện thêm kho báu cổ đại với hơn 100 quan tài chứa xác ướp 2.500 năm. Nguồn: VTV

Thùy Dung (T.H)

Phát hiện 6 loài khủng long cùng hơn 500 loài mới trong năm 2021

Các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (NHM -Anh) phát hiện 552 loài mới trong năm 2021, trong đó có những loài đã tuyệt chủng, như khủng long.


Đối mặt với lệnh hạn chế di chuyển đến các điểm thực địa vì Covid-19, các nhà khoa học tại NHM tập trung xác định bộ sưu tập hóa thạch sẵn có về các loài đã tồn tại cách đây hàng triệu năm.

"2021 là một năm tuyệt vời đối với nỗ lực tìm hiểu các loài khủng long mới, đặc biệt là ở Anh. Mặc dù chúng tôi biết về di sản khủng long của Anh trong suốt hơn 150 năm, việc áp dụng kỹ thuật và dữ liệu mới từ khắp nơi trên thế giới đang giúp chúng tôi khám phá ra sự đa dạng tiềm ẩn của các loài khủng long ở Anh " – bà Susannah Maidment, một nhà nghiên cứu cấp cao tại NHM, chia sẻ.

Theo đài CNN, trong số 6 loài khủng long mới được phát hiện vào năm 2021, có 4 loài đến từ Anh - gồm 2 loài Spinosaur, 1 loài Iguanodontian và Pendraig milnerae - loài khủng long ăn thịt được biết đến sớm nhất ở Anh.

Ảnh mô phỏng Brighstoneous simmondsi, thuộc loài khủng long Iguanodontian ăn thực vật, với cái miệng có hình thù khác thường. Ảnh: NHM

Ảnh mô phỏng Welsh "thân nhỏ", thuộc loài khủng long ăn thịt Pendraig milnerae được biết đến sớm nhất ở Anh. Ảnh: James Robbins

Hai loài Spinosaur là những kẻ ăn thịt khổng lồ, có hộp sọ giống cá sấu giúp chúng săn mồi dưới nước lẫn trên cạn. Cả 2 sống trên đảo Wight cách đây 125 triệu năm, có cơ thể dài đến 9 m với hộp sọ dài 1 m. Chúng được đặt tên là Ceratosuchops inferodios và Riparovenator milnerae.

Các nhà khoa học Anh đặt tên 2 loài Spinosaur vừa được phát hiện là Ceratosuchops inferodios (trái) và Riparovenator milnerae. Ảnh: Anthony Hutchings

Hóa thạch ở những quốc gia khác tiết lộ 1 loài khủng long ăn thực vật Ankylosaur được biết đến sớm nhất từ châu Phi và 1 loài khủng long cổ dài Sauropod từ Trung Quốc.

Theo báo The Guardian, hơn 50% sinh vật mới được phát hiện tại NHM trong năm 2021 là các loài giáp xác, những sinh vật nhỏ giống tôm được tìm thấy trong các vùng nước mặn và nước ngọt.

Là một phần to lớn trong nhóm động vật phù du – vốn là nguồn thức ăn của các loài nhuyễn thể, cá và động vật không xương sống, chúng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và chu trình carbon của trái đất.

Eurythenes atacamensis, một loài giáp xác mới được phát hiện từ rãnh Atacama ngoài khơi Peru và Chile. Ảnh: Weston

Những loài khác được phát hiện trong năm nay gồm 52 loài ong bắp cày, 13 loài bướm đêm, 7 loài cua, 6 loài ruồi và 5 loài giáp xác mềm.

Ngoài ra, các nhà khoa học tại NHM còn phát hiện 90 loài bọ cánh cứng mới, bao gồm một cặp có màu xanh lá và tím từ Ấn Độ, 1 loài đơn sắc có cặp hàm lớn từ Philippines và 1 loài thích sống ở đầm lầy được đặt theo tên mèo Larry, "tổng quản bắt chuột" cho văn phòng nội các Anh.

Tabwecala robinsoni, một trong những loài bướm mới được phát hiện trong năm nay. Ảnh: Zilli

Cặp bọ cánh cứng Donaciolagria regia đực (tím) và cái (xanh lá) được phát hiện từ Ấn Độ trong năm 2021. Ảnh: Telnov

Caccothryptus larryi, loài bọ cánh cứng mới được phát hiện và được đặt tên theo mèo Larry, Tổng quản bắt chuột cho văn phòng nội các Anh. Ảnh: Matsumoto

Các nhà khoa học phát hiện thêm 5 loài thực vật từ miền Đông của châu Phi, được gọi là Jewelweed. Chúng thường có hoa màu hồng hoặc trắng. Tuy nhiên, cũng có một số ít ra hoa màu đỏ để thu hút chim thụ phấn, thay vì bướm.

Impatiens versicolor, một trong năm loài Jewelweed vừa được phát hiện từ miền Đông của châu Phi. Ảnh: Fischer

Ngoài cây cối, các nhà khoa học tại NHM còn phát hiện thêm 8 loài tảo, 6 loài giun ký sinh và 3 loại tảo silic đơn bào.

Neanthes goodayi, một loài giun mới được phát hiện trong năm 2021. Ảnh: Drennan

Các nhà khoa học cũng xác định được 10 loài bò sát và lưỡng cư mới, trong đó có một loài rắn được gọi là "tay đua của Joseph".

Rhabdophis bindi, còn được gọi là "tay đua của Joseph", là loài rắn mới được phát hiện từ Ấn Độ và Bangladesh. Ảnh: Abhijit Das

Thật không may, một số loài vừa được phát hiện cũng có nguy cơ tuyệt chủng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc nhận biết và hiểu biết mọi sinh vật trên hành tinh của chúng ta.

Crinitostella laguardai, một loài sao biển mới được phát hiện từ Vịnh Mexico, sinh sống nhờ gỗ ở đáy đại dương. Ảnh: Martin Cao Romero

Cao Lực









































































Không có nhận xét nào: