a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

CHÍN BỎ LÀM MƯỜI

 

 

 

Tôi có đọc một câu chuyện. Câu chuyện xảy ra ở một đám cưới. Nhà trai tổ chức nghiêm chỉnh, lễ nghĩa đầy đủ. Các thủ tục diễn ra một cách tốt đẹp. Đại diện đàng trai, đàng gái đều làm cho họ hàng hai bên vừa lòng, mát ruột.

Cô dâu chú rể ra lạy bàn thờ gia tiên. Nữ trang được mẹ chồng trang trọng đeo cho con dâu, mẹ ruột cũng có quà cho con gái. Cô dâu chú rể trao nhẫn trong niềm vui hai họ.

Các bạn biết rồi đó, phong tục cưới hỏi, lễ nghĩa rất rắc rối. Hai họ để ý nhau từng lời nói, bắt bẻ nhau từng cách mời rượu, lên đèn. May quá các thủ tục trọt lọt. Cô dâu chú rể làm lễ gia tiên mời rượu cha mẹ hai bên và họ hàng gia tộc. Hai họ nâng ly chúc mừng hoan hỉ lắm.

Thủ tục xong xuôi, bên họ đàng trai xin làm lễ rước dâu. Trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng đó, mẹ cô dâu bỗng xin có ý kiến. Ông sui gái trố mắt nhìn, hích tay vợ:" Bà tính cái gì nữa đây"  Cô dâu chú rể mở to mắt đầy hồi hộp. Họ đàng trai cũng giật mình đánh thót vì sợ sẽ trễ giờ rước dâu. Mẹ cô dâu bước ra trang nghiêm từ tốn nói:

-Xin thưa với hai họ. Tui cũng không có ý kiến gì lớn lao. Tôi chỉ xin đàng trai cho tôi nhận 90.000$ làm cái duyên cho con gái tui.

Úy trời! Cái gì lạ vậy kìa! Lễ vật đàng trai đã nộp đủ, nữ trang tiền cưới đàng gái đã tặng luôn cho hai vợ chồng mới lấy vốn mần ăn. Hà cớ gì mẹ cô dâu lại xin 90.000$ làm duyên cho con gái. Sao không là 900.000$ hay 9 triệu mà xin chi mấy chục ngàn tiền lẻ. Họ đàng trai còn đang ngạc nhiên và bối rối thì mẹ chú rể bước tới, mở bóp và rút ra đưa cho mẹ cô dâu 9 tờ 10.000$ với một nụ cười.

Không nói không rằng, mẹ cô dâu đưa tay đón nhận. Dưới bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về bà, bà mở bóp lấy ra một tờ 10.000$ mới tinh bỏ chung vào xấp tiền mới nhận. Bà trịnh trọng đưa lại cho bà sui trai:

- Thưa anh chị và hai họ. Hôm nay con gái tôi về làm dâu anh chị. Mong anh chị thương nó như con gái mà chín bỏ làm mười. Tha thứ và bỏ qua cho con khi nó lỗi lầm. Vun quén cho con có một gia đình hạnh phúc. Tui xin trao con gái tui cho anh chị về làm con trong gia đình. 

Sau một lúc trấn tỉnh, bà sui trai ôm chầm bà sui gái xúc động. Cô dâu nước mắt chảy dài, hai họ vỗ tay vang trời. Bà mẹ đã rất khôn khéo gửi gấm con mình trước mặt bao người.

Bà mẹ cô dâu đã nghĩ đến những ngày làm dâu của con gái nếu gặp một bà mẹ chồng khó tính lỗi phải mọi điều thì rất tội nghiệp. Bà đã khéo léo chỉ xin mấy chục ngàn để gửi một thông điệp cho sui gia.

 

Chín bỏ làm mười có nghĩa ngầm là hãy cho qua đi, tha thứ đi đừng chấp nhất. Người miền Nam đã áp dụng câu này trong cuộc sống hàng ngày. Nếu những gì phật ý hay không vừa lòng họ nói ngay trước mặt. Có thể những lời nói ngay thẳng hay lời phê bình không được khéo léo nhưng họ đã thật lòng không đãi bôi ngoài miệng mà trong bụng khinh thầm. Họ nói xong rồi thôi. Giận la đó rồi bỏ qua hết như không có chuyện gì xảy ra.Như cơn mưa rào miền Nam rất lớn nhưng rồi tạnh ngay ráo hoảnh.

 

Người miền Bắc nghĩ rằng "Dâu là con, rể là khách" nên trong cách đối xử có sự phân biệt. Đối với con dâu luôn nghĩ rằng mình đã cưới về, tốn kém biết bao nhiêu nên con dâu phải có bổn phận tuyệt đối với gia nương bên chồng. Phép nép mình trong gia phong lễ giáo bên chồng, làm đẹp mặt chồng và gia đình nhà chồng. Vô hình chung con dâu như là một món hàng hay một vật được mua về. Bổn phận và trách nhiệm đè nặng trên vai cô dâu mới.

Trái lại đối với con rể lại coi như khách. Rất lịch sự ngọt ngào và chiêu đãi hết mình bởi lẽ con gái mình về làm dâu nhà họ. Không chiều con rể thì con gái mình sẽ bị coi thường hay ức hiếp.

 

Miền Nam trái lại. Con dâu cũng là con mà con rể cũng là con. Đã coi như người một nhà thì tấm mẵn có nhau. Con dâu tốt hay xấu vẫn là con dâu nhà mình. Con gái người ta nuôi lớn từng này gã về nhà mình làm con thì mình có thêm một đứa con gái. Cho nên nếu không phải thì la rầy hoặc chỉ bảo rất là nam kỳ. Nghĩa là bộc trực, nói ngay, nói lớn không để ý soi mói ghét bỏ. Con rể cũng là con, tới nhà vợ có gì ăn đó, có việc xăn tay áo vô làm. Có rượu cha vợ con rể cụng ly say quắc cần câu mẹ vợ cũng không trách. Con rể làm điều gì không đúng thì nói ngay, nói thẳng không cả nể quanh co hay ngấm ngầm khinh khi, giàu nghèo khác biệt. Con làm sai thì chín bỏ làm mười tha thứ và xây dựng.

 

Trong đời sống hôn nhân nếu cả hai vợ chồng đều biết tin tưởng nhau, thông cảm và nhường nhịn thì hạnh phúc mới được bền vững. Cha mẹ chồng biết khoan dung  tha thứ cho con dâu thì gia đình trên thuận dưới hòa, con mình không phải khó xử giữa vợ và cha mẹ. 

 

Có nhiều người chồng trong gia đình luôn tỏ ra mình là ông chủ. Lúc nào cũng ra oai với vợ con. Cứ nghĩ mình là người làm ra tiền, mình là trụ cột thì mình có quyền quyết định tất cả. Lúc nào cũng thấy vợ mình chưa làm tròn bổn phận, cứ nhìn những khuyết điểm của vợ mà khó chịu, cảm thấy mình không hạnh phúc, mình bất hạnh. Thấy vợ bạn bè sao tài giỏi hoạt bát làm ra tiền, vợ mình chỉ ru rú ở nhà nấu cơm, coi con cũng không xong rồi đâm ra khinh thường, chê bai và ghẻ lạnh. Tại sao không khoan hòa một chút, tại sao không nhìn thấy cái tốt và sự vất vả của người phối ngẫu để thấy mình hạnh phúc trong niềm vui gia đình.

 

Cũng có những bà vợ đứng núi này trông núi nọ. Thích xa hoa phù phiếm, thích hưởng thụ, ăn sang mặc đẹp. Thấy chồng mình thua sút chồng bạn, làm ít tiền, xấu trai, có nhiều khuyết điểm rồi tiếc đời con gái, tủi thân mình không bằng chị bằng em. Từ đó tư tưởng thoát ly và ngoại tình xuất hiện làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Tại sao những khuyết điểm đó mình chấp nhận trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân mà bây giờ mình thấy khó chịu.

 

Người chồng nhịn vợ vì họ biết "Chín bỏ làm mười" chứ không phải họ nhu nhược hay sợ vợ. Lấn lướt coi thường người chồng là người phụ nữ không biết tôn trọng hạnh phúc gia đình. Không ai khen tặng hay kính phục người vợ ăn hiếp chồng.

Đánh đập hay khinh miệt vợ là người chồng tự đánh giá thấp giá trị đàn ông của mình. Đàn ông vũ phu là loại đàn ông tầm thường, nhỏ nhen và thiếu đạo đức.

Nhiều người đàn ông rất ghét vợ hay nói nhưng nghĩ cho cùng người vợ hay nói là người vợ toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Dọn dẹp hoài vẫn bề bộn, vẫn vất quần áo đồ đạc tứ tung thì phải nói để có ý tứ hơn một chút, căn nhà sáng sủa sạch sẽ ra. Ghét làm gì, cứ phụ vợ một tay thì vợ sẽ hết nói.

Chín bỏ làm mười không phải chỉ dùng để đối xử với bạn bè hay  người ngoài mà phải sử dụng ngay trong gia đình mình để ngôi nhà biến thành  tổ ấm, một nơi để nương tựa và yêu thương.

 

Năm đã hết, vạn vật đang bước vào năm mới. Có nơi tuyết đã rơi, những cơn gió lạnh kéo về. Mọi người ai cũng cần sự ấm áp trong ngôi nhà, trong trái tim. Nếu hai người đang giận nhau thì thôi chín bỏ làm mười. Ôm nhau một cái cho đêm không còn lạnh, cho tay được ấm cho bữa ăn thêm ngon.

 

Đầu năm, kính chúc mọi người, mọi nhà vượt qua mọi trở ngại khó khăn để được niềm vui trong năm mới. Hãy chín bỏ làm mười tha thứ những gì tha thứ được. Tha thứ cho người là lợi ích cho mình. Ít nhất trong trí mình không bực bội phiền muộn hay so đo. Mình thảnh thơi nhẹ nhàng hưởng thụ cuộc sống bình an không tranh chấp. Cho đi là nhận thêm hạnh phúc. Mọi việc tốt đẹp nằm ở phía trước nếu ta bước tới trong tâm trạng vui vẻ và đầy niềm tin.

 

Nguyễn thị Thêm. 

 

 

 

 

 

XIN LỖI.

 

 

Em yêu ơi cho anh xin lỗi

Tối hôm qua đã để em chờ

Họp xong rồi có khách bất ngờ

Người bạn cũ nhiều năm không gặp.

 

Ngẩng lên đi, em đừng cúi mặt

Môi chẫu ra xấu lắm à nha.

Anh phải đâu thích chuyện la cà

Tại, bị, bởi...nên anh lỗi hẹn.

 

Em ngước lên, mỉm cười e thẹn

Giận anh ghê, em đợi thật lâu

Ly cà phê lạnh ngắt lúc nào

Ngóng mỏi mắt, bóng anh biền biệt.

 

Giận thì ít lo cho anh chi xiết

Nước mắt em rơi ướt khăn tay

Anh ham vui nào biết nào hay

Đã thất hứa lại còn chọc phá.

 

Anh xin lỗi tại anh tất cả

Mặt anh nè véo ngắt mặc lòng

Vòng tay anh, em hãy vào trong

"Chín bỏ làm mười' tha anh em nhé.

 

Em nũng nịu nhìn anh thỏ thẻ

"Một lần thôi anh nhé! Em tha

Còn lần sau em chẳng bỏ qua

Đừng hòng gặp mặt em. Xin lỗi.

 

Chuyện tình yêu muôn đời không đổi

Giận, nhớ, thương, xin lỗi, làm hòa

"Chín bỏ làm mười" phải biết thứ tha

50  năm sau nhìn nhau hạnh phúc.

 

Nguyễn thị Thêm


 
Truyện ngắn - trích Những Chặng Đường - 2001

GÓI MẮM TÔM


“Đã là con gái,
“Đến tuổi dậy thì ì..ì..
“Cô nào trông...cũng...đ...đẹp!...ẹp...”

Tôi vừa nghêu ngao ê a, ư ử những câu thơ, vừa cảm phục nghĩ rằng không biết những câu thơ này của ai và tôi đã thuộc lòng từ bao giờ mà hôm nay bỗng nhiên tôi chợt nhớ đến, ngâm nga một cách thích thú và cảm thấy nó đúng vô cùng.  Càng đúng hơn nữa, khi mà lúc này tôi lại hay nghĩ đến Kim, cô bé Gia Long có đôi mắt tròn đen ngây thơ vô tội vạ mà tôi mới gặp hai tuần trước trong chiến dịch quyên góp cứu trợ nạn lụt miền Trung. Thích chí qúa tôi buột miệng:

- Chí lý! chí lý! đã là con gái thì đẹp là cái chắc. Lại đến tuổi dậy thì nữa thì cô nào mà chả đẹp! Thật là đúng! Đúng không thể chê vào đâu được.  Hoan hô nhà ông thi sĩ đại tài!

Nhưng, sau khi thốt ra câu cuối cùng tôi bỗng khựng lại một giây và cảm thấy có một cái gì bất ổn. Vâng, đúng vậy. Ở đời luôn có những cái NHƯNG quái ác, những định luật bất quy tắc vì tôi liên tưởng đến Mai và Tuyết, hai đứa em gái của tôi.

Nghĩ đến hai đứa em tôi, tôi mới thấy rằng cái nhà ông thi sĩ nào đó đã có những câu thơ mà mới vài phút trước đây tôi cho là bất hủ, là chí lý, là đúng thật là đúng thì bây giờ, trong trường hợp này nhà thi sĩ ấy lại sai thật là sai!

Thật ra hai đứa em gái tôi không được đẹp cũng chẳng phải là lỗi của chúng nó mà thật sự là lỗi tại tôi.  Nghe các cụ nói khi người mẹ mang thai nếu nghĩ đến hay thương mến ai thì đứa bé trong bụng sẽ giống người đó. Vậy là khi mang thai các em tôi, mẹ tôi chắc phải thương mến tôi ghê gớm nên bọn nó giống tôi như đúc.

Tôi nghĩ  rằng ông bà cụ nhà tôi không chỉ là những người sành tâm lý mà lại còn biết tiên đoán cả chuyện tương lai và rất giàu kinh nghiệm nên đã “trông mặt đặt tên” cho hai đứa em tôi.   Các cụ biết trước rằng đứa em lớn của tôi sau này nó sẽ rất đồ sộ nguy nga nên đặt tên cho nó là Mai.  Một cái tên thôi, đủ nói lên những kỳ vọng mà cha mẹ đặt để ở con mình.  Đặt tên con gái là Mai, cha mẹ tôi đã hy vọng là khi lớn lên, con mình có cốt cách của một cành mai “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” hay “mình hạc xương mai”. 

Nhờ kinh nghiệm của những năm làm cha mẹ nên điều tiên đoán ấy thật quả không sai một tý nào.  Mai càng lớn càng... sổ sữa.   Đến khi  được mười sáu tuổi thì nó đã sổ sữa đến mức tận cùng.  Thế là điều mong ước mà ông bà cụ nhà tôi ước mong nơi Mai thì đã bất thành.  Chắc là lúc tâm niệm, cha mẹ tôi đã không coi ngày nên chạm phải ngày vía, mất linh.  Vì thế, càng lớn, Mai càng không có chút gì là mình hạc xuơng mai mà ngược lại, nó ... vĩ đại đến nỗi có những ngộ nhận rất thường.  Một hôm, Hảo, người bạn cùng lớp lần đầu đến nhà tìm tôi.  Mai ra mở cửa, Hảo vội vàng cung kính:

- Chào chị ạ, thưa chị cho em gặp Tường.

Thấy Hảo gọi mình bằng chị một cách kính cẩn và còn tỏ ra khép nép thì Mai lại nghĩ là Hảo chọc quê mình nên nó bực lắm.  Mai mở cửa cho Hảo, nguýt dài một cái và xụ cái mặt ra. Vốn đã mát da mát thịt, mặt Mai lúc bình thường đã không nhỏ nay lại xụ ra nên càng “vĩ đại” hơn. Không thèm nhìn Hảo, Mai nói cụt ngủn:

- Đi vắng rồi!

- Thưa chị, chị có biết bao giờ Tường về không ạ?

- Không biết!

Thấy thái độ của Mai như thế, Hảo lại vụng về luống cuống hơn:

       - Vậy... thưa chị.... cho em...

Hảo chưa đứt lời thì bỗng nghe Mai hét tướng lên:

       - Có gì thì nói đi! Thưa thưa với gởi gởi hoài, phát mệt!

Bị bất ngờ đối xử một cách lạnh lùng tàn nhẫn trong khi cố gắng lễ phép hết mình,  Hảo hoang mang và bất nhẫn đứng im chưa biết phải phản ứng ra sao.  Thấy vậy, Mai bỏ vào trong nhà để Hảo đứng bơ vơ ngơ ngác một mình với những thắc mắc là không hiểu mình đã làm gì lầm lỗi để cho bà chị của Tường giận mình như vậỵ

Nghe tiếng Mai hét, bà cụ tôi không hiểu chuyện gì vội từ nhà bếp chạy lên. Thấy nét mặt Mai hầm hầm bực bội đi vào và thấy Hảo đứng trơ vơ ngoài phòng khách, đoán hiểu phần nào, cụ ôn  tồn chữa ngượng cho cả hai:

- Chào cậu. Mời cậu ngồi chơi. Em Tường nó đi với ông nhà tôi chắc đến tối mới về, cậu có cần gì, tôi nhắn lại.

Hảo chưa kịp lấy lại hồn vía sau cuộc gặp gỡ với Mai nên nói không có gì nhắn.  Hắn vội chào mẹ tôi rồi lỉnh mất.

Hôm sau vào lớp, vừa thấy tôi Hảo đã trả thù:

- Trời đất qủy thần ơi, thằng Tường có bà chị kinh khủng qúa chúng mày à!  Bà ấy vĩ đại lắm, lại xấu không chịu được.   Đã thế, bà ấy còn có nghề bán mắm tôm.  Hôm qua, tao đến tìm thằng Tường, bị bà ấy cho ăn mấy gói mắm tôm.  Khiếp qúa! Kinh khủng quá!

Quang thật thà:

 - Thằng Tuờng làm gì có chị? Chắc mày vào lầm nhà thì có!

Lâm chen vào đùa cợt:

- Ông cụ non như mày vào lầm nhà được ăn mắm tôm là phúc lắm đấy con ạ. Ai chứ mày vào lầm nhà tao, tao cho ăn đấm!

Lâm quay lại tôi:

- À, mà bà nào ở nhà mày mà ghê qúa vậy Tường? Sao không báo động cho chúng tao đề phòng với hả?

Tôi ngượng ngùng chậm rãi phân trần:

 - Làm gì có bà nào? Con em tao chứ ai. Nó tức mình vì bị thằng Hảo cung kính gọi nó là chị xưng em lại  còn  khúm  núm thưa  thưa  gởi gởi,  nó nghĩ  là thằng Hảo thấy nó to con rồi chọc quê nó nên nó nổi sùng!

Cả bọn cuời ầm lên. Thế là từ đấy tôi có điều gì không ăn ý với lũ bạn là bọn nó lại lôi chuyện “gói mắm tôm” ra để làm áp lực với tôi.  Vốn bản tính dĩ hòa vi qúi lại nể bạn, thương em, tôi không muốn tụi bạn mình thêm mắm dậm muối nói những điều oan ức cho Mai nên tôi luôn nhượng bộ.  Nhưng tụi nó cũng đâu có để Hảo yên thân, hễ Hảo làm gì không vừa ý thì bọn nó la lên:

 - Tường ơi, mày về xin "bà chị" mày "gói mắm tôm" cho thằng Hảo giùm tụi tao được không?  Nó có vẻ nghiền món mắm tôm của chị mày nặng rồi Tường à. Không tin, đến đây mà xem nó đang lên cơn nghiền nè!

Lúc đầu chúng tôi còn bò lăn ra cười với nhau mỗi khi có dịp chọc ghẹo nhau như thế.  Nhưng sau bị tụi bạn ghẹo  trước mặt cả mấy cô nữ sinh trường bạn đến thăm, làm mấy cô này chả hiểu ất giáp gì cả,  cứ nhìn Hảo và tôi dò hỏi làm Hảo mắc cở, nổi sùng.  Nhất qủi, nhì ma thứ ba học trò, lời các cụ nói thật chẳng sai chỗ nào, càng thấy Hảo nổi sùng thì tụi bạn càng thấy trò chơi của mình thành công và càng làm tới. Trong đó, chỉ vì là anh của Mai,  tôi cũng là nạn nhân của bọn "thứ ba" này.   Sau thấy tức giận không giải quyết được thì Hảo đành phải xuống nước:

- Tao van tụi bay, tụi bay muốn làm gì cũng được nhưng đừng đề cập đến vụ “gói mắm tôm” trước mặt bọn con gái, làm tao muốn độn thổ luôn.


Đứa em gái út của tôi là Tuyết.  Mẹ tôi sanh nó vào đúng đêm Ba Mười Tết.  Thời đó ở ngoại ô chưa có đèn điện nên đêm Ba Mươi đã tối lại tối hơn.  Cả nhà chỉ có một cái đèn dầu le lói nên khi bà Mụ nắm đầu nó lôi ra thì chỉ nghe tiếng khóc oe oe chứ chẳng nhìn thấy nó đâu.  Mẹ tôi nói ước gì nó trắng như cuộn bông gòn Bạch Tuyết để nhìn cho rõ mặt.  Chắc  vì nghĩ thế, mẹ tôi bèn bàn với bố tôi đặt tên nó là Tuyết.  Ông cụ thấy có lý nên bằng lòng ngaỵ  Hôm sau, sáng sớm Mồng một Tết,  bố tôi khăn áo chỉnh tề đến chúc tuổi ông Xã trưởng và làm giấy khai sinh ngay cho nó.

Khác với Mai, Tuyết thì gầy ốm tong teo và đen bóng. Vì gầy qúa, hai mắt của nó trở nên to thao láo và lộ ra như mắt con cá vàng.  Hàm răng của nó vêu vẩu trắng toát khoe ra lúc  nào trông cũng như cười, nổi bật hẳn trên màu da đen thui của nó.  Gía lúc sanh ra mà nó có hàm răng như  thế này thì chắc mẹ tôi đã  nhìn thấy và sẽ đặt tên nó khác đi.  Nhưng Tuyết  lại hiền hơn con chị.  Nếu có ai gọi nó là “cây sậy” hay “chiếc đũa mun” thì nó cũng chỉ “cười” với “nụ cười hàm tiếu sẵn nở trên môi” chứ không hề  giận dỗi ngúng nguẩy như Mai.

Bạn bè Tuyết  còn bảo là Tuyết có tài đóng kịch, nhất là môn cải lương.  Chỉ nghe nói thế thôi, còn thật sự tôi chưa bao giờ được nghe nó ca hát gì cả.  Chỉ có một lần Phúc đến nhà tôi để đi chung xe đạp đến lớp vì xe của Phúc bị hư,  Tuyết ra mở cửa.  Với bản tính vui vẻ cố hữu và “nụ cười trời cho”, Tuyết nói một câu rất...cải lương:

- Chào anh Phúc, nghe anh Tường em nhắc anh hoài, khen anh học giỏi vậy mà hôm nay em mới được gặp anh. Thật là hữu xạ tự nhiên hương!  Mời anh vào, anh Tường em đang chờ anh ở trong nhà ấy!

Tôi đang bỏ mấy cuốn sách vào cái túi da bỗng phì cười. Tôi có nhắc tên của Phúc ở nhà hồi nào đâu.   Hơn nữa, xạ ở đâu ra mà tự nhiên hương như vậy?  Cái con bé này mồm miệng qúa! Giữa trưa tháng Năm oi ả, Phúc như được uống một ly nước dừa xiêm mát lịm, chàng theo chân Tuyết vào nhà ngồi chờ tôi ở chiếc ghế sa lông và lòng thì cứ ngẩn ngơ mãi với “nụ cười muôn thuở” của “chiếc đũa mun”.  Đến khi tôi bước ra, tằng hắng, Phúc mới tỉnh khỏi cơn mê hồn trận. Tôi cười với Phúc:

- Mình đi thôi, Phúc!

Đến giờ nghỉ chuyển môn, Phúc quảng cáo:

- Thằng Tường có cô em gái dễ thương hết sảy tụi bay ơi! Đứa nào muốn nộp đơn làm em rể nó thì phải đứng xếp hàng sau lưng tao đấy nhé!

Hảo vội vàng phản đối:

- Mày điên nặng rồi hả ? Có điên thì điên một mình mày thôi Phúc ơi!

Rồi Hảo gào lớn hơn cho mấy đứa còn chưa chú ý lắm vào câu chuyện:

- Ê! tụi bay đừng đứa nào nghe thằng Phúc xúi dại nghe. Tao hả, thằng Tường mà tình nguyện gả em gái nó cho tao, tao còn kêu lính bắt và đòi bồi thường thiệt hại nữa kià chứ ở đó mà xếp hàng!

Cảm thấy Tuyết bị tổn thương, Phúc cự nự:

- Ê, ăn nói vừa thôi, thời buổi này phát ngôn bừa bãi ở tù đó con ạ! Người ta như thế mà mày chê!  Để tao xem bồ mày đẹp đến cỡ nào cho biết!

- Chả đẹp đến cỡ nào cả, nhưng nếu tao có bồ, tao sẽ không bao giờ chọn một bà mập ú, mặt như cái bánh bao chiều lại còn chanh chua kinh khiếp như em thằng Tường cả!

Quang cười cười:

- Đừng mạnh miệng qúa Hảo, coi chừng ghét của nào trời trao của nấy đó!

Hảo nhún vai trả lời Quang trong lúc Phúc nhìn Hảo ngơ ngác hỏi:

- Mày nói cái gì lạ vậy Hảo?  Em thằng Tường đâu có ghê gớm như vậy đâu?  Cô bé xinh xắn, nước da bánh mật và ngọt như cục đường phèn, dễ thương như chiều chủ nhật!  Có mày lúc nào cũng đòi hỏi tuyệt hảo.  Hèn chi tên mày là Hảo cũng có lý do.

Hảo phá lên cười cay cú:

- Ối giời đất ơi, ối làng xóm ơi, ối tụi bay ơi, em thằng Tường to bằng cái thùng phuy đựng nước.  Mỗi bước chân em đi thì rung chuyển cả ngôi trường Nguyễn Trãi này.  Em mà lườm cho một cái thì dù đang mùa Xuân hoa cũng héo, phán ra câu nào thì câu ấy sặc mùi mắm tôm thế mà thằng con nhà Phúc khen được là xinh xắn ngọt ngào dễ thương thì có chết không cơ chứ!.... Liệu, mày cầm sách vở giùm tao để tao rảnh tay đưa thằng Phúc vào nhà thương Biên Hòa tĩnh dưỡng!


Phúc cảm thấy Tuyết bị xúc phạm một cách nặng nề và chính chàng cũng bị xúc phạm. Chỗ bạn bè với nhau, chàng bị xúc phạm còn có thể châm chế  nhưng Tuyết bị xúc phạm thì không thể nào tha thứ được! Nghĩ thế, mặt cậu đỏ gay, vừa toan phản pháo thì giáo sư đã vào lớp và kêu gọi vãn hồi trật tự.

Sau mùa thi tú tài toàn phần năm đó, lũ chúng tôi đứa thì lên đại học tiếp tục dùi mài kinh sử, đứa thì lên đường nhập ngũ để làm người hùng của em gái hậu phương. Có đứa may mắn hơn được cha mẹ gởi đi ngoại quốc du học. Riêng tôi thì sau hai năm học Khoa học, chán qúa thi vào Hải Quân để dệt mộng hải hồ.  Chúng tôi, sáu đứa ngồi hai bàn liền nhau trong suốt hai năm dài, từ đó, chỉ còn gặp gỡ nhau qua những bì thư nhỏ.


Lần lượt một vài đứa chúng tôi có vợ, có con. Vì hoàn cảnh phải thay đổi chỗ ở luôn luôn, vì bận rộn của công việc, chúng tôi dần dần mất liên lạc với nhau.  Chỉ có Quang và tôi là thỉnh thoảng còn gặp gỡ.  Quang phục vụ ở chi khu Hội An còn tôi sau bốn năm theo Tuần Giang Đỉnh tôi đổi về đất liền, ngay căn cứ Hải Quân Đà Nẵng.

 
Một buổi chiều vừa ở văn phòng về, Trung, đứa con trai thứ hai vừa lên ba tuổi của tôi cầm một phong thư  đưa cho bố.  Cu cậu bập bẹ từng tiếng:

- Bố, thư. Ông nội.  Bà nội.  Mẹ đọc. Bố đọc.

Tôi cởi áo ngoài vắt trên thành ghế rồi ẵm bổng Trung lên hôn vào cổ nó làm Trung nhột cười khanh khách. Sau đó tôi đặt cu cậu ngồi trong lòng tôi và mở thư ra đọc.

 
Gia Định ngàỵ... tháng... năm....

Hai con thương yêu của bố mẹ,

Cu Lớn, cu Nhỏ và bé My yêu qúy của ông bà nội,

Bố mẹ viết thư thăm vợ chồng con và lũ nhỏ.  Gia đình con khỏe mạnh bố mừng.  Bố mẹ mới nhận được thư của vợ chồng con Tuyết hôm kia, sau thư của vợ chồng con hai ngày.  Tụi nó báo tin mừng là đứa con thứ hai của chúng nó sẽ chào đời vào khoảng tháng Hai năm tới. Chồng nó, thằng Lộc mới đổi về tiểu khu Kiến Hòa.

Đặc biệt thư này bố mẹ báo cho các con một tin mừng là bố mẹ đã định ngày cho nhà trai làm đám hỏi con Mai.  Chú rể tương lai của nhà mình có cái tên đẹp lắm: Hảo, Nguyễn Ngọc Hảo. Hảo tốt nghiệp kỹ sư điện ở Nhật về được mấy năm nay và hiện làm Phó Giám Đốc nhà máy điện Thủ Đức.  Kể ra thì cũng là duyên nợ với nhau hay sao ấy chứ con Mai nhà mình từ chối hết đám này đến đám khác, mẹ mày cứ giục giã vì không muốn nó muộn màng.  Cho đến hôm nó đi dự  đám cưới bạn nó, cô giáo Huệ.  Huệ là em họ của Hảo và thế là hai đứa nó gặp nhau.  Chúng nó thư từ qua lại đã bảy tám tháng rồi và nhà trai mới đến xin  hỏi cưới hôm qua.  Nghe nói xưa Hảo cũng học ở Nguyễn Trãi như con, không biết con có biết Hảo không? Vậy nhớ đến ngàỵ... tháng.... các con liệu mà thu  xếp đem bày nhỏ về ăn đám hỏi cô Mai nó.

Bố mẹ chúc các con khỏe mạnh, may mắn, lũ nhỏ hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn.


Bố mẹ


T.B. Ông bà nội nhớ Cu Lớn, Cu nhỏ và bé My lắm. Tụi con nhớ về thăm nội nghen!


Chẳng phải moi móc lâu la trong trí nhớ tôi có thể đoán chắc 99% Hảo, thằng em rể tương lai của tôi chính là Nguyễn Ngọc Hảo, thằng bạn cũ của tôi trong những năm Đệ nhị,  Đệ nhất ở Nguyễn Trãi.  Là đứa bị con Mai đối xử rất ư là tàn nhẫn vô nhân đạo ngày nào và sự tích “mắm tôm” được khai sanh từ đó.  Là đứa mà từng to họng cay cú chê con Mai là thùng phuy, là xấu ghê xấu gớm,  xấu đau đớn không chịu được.  Là đứa đòi kêu lính bắt tôi và đòi bồi thường thiệt hại nếu chẳng may tôi lỡ dại tình nguyện gả em gái tôi cho nó.


Trong sáu đứa chúng tôi chỉ có mình Hảo là được đi du học ở Nhật vì nó học rất giỏi lại con nhà giàu.  Tôi chợt thấy vui buồn lẫn lộn khi nhớ đến đám bạn ngày xưa.  Buồn nhất là khi nghĩ đến Lâm.  Cũng như tôi, sau hai năm học  đại học, Lâm đi lính tàu bay.  Phi cơ thám thính của nó bị bắn rơi ngay trong phi vụ đầu tiên ở biên giới Việt – Lào.  Lâm được ghi là mất tích và đến nay vẫn không ai có tin tức gì về nó.  Liệu  thì hiện làm luật sư ở tòa án Saigon.  Nghe nói Liệu cưới vợ đã mấy năm nay và đã có một con.  Phúc sau khi lấy được bằng Dược sĩ  có đi dạm hỏi Tuyết nhưng không hiểu sao chuyện lại chẳng thành.  Nghe nói giờ này Phúc vẫn còn độc thân vui tính. Quang thì cưới vợ đã hơn ba năm nhưng chưa có con và từ ngày đổi về chi khu Hội An thì cuộc sống của Quang có vẻ an nhàn hơn tất cả.  Nghĩ đến Quang, nhớ đến lời nó nói với Hảo ngày nào: ”Đừng mạnh miệng quá Hảo. Coi chừng ghét của nào trời trao của nấy đó!” tôi bỗng phá lên cười.  Quang hiền lành ít nói thật nhưng nói câu nào linh câu ấy.

Cũng may cho Hảo, sau lần thấy Mai đối xử không phải với Hảo, các cụ tôi bắt Mai ngồi nghe giảng suốt mấy tiếng đồng hồ.  Từ đó, nó đổi tính, chịu khó bơi lội, tập thể thao và đến ngày Mai thành cô giáo thì mọi người mới chợt nhận ra rằng điều ước của ông bà cụ nhà tôi đặt vào nó từ lúc mới sanh đã được bà tiên nào đó dùng đũa thần làm ước mơ biến thành sự thật.  Từ lúc nào không ai nhớ được, chỉ biết rằng Mai bây giờ đúng là một thiếu nữ dù đã qua "tuổi dậy thì" rồi thế mà "trông cũng đẹp", đúng như câu thơ bất hủ ngày xưa.  Không biết rằng sau những tháng thư từ tìm hiểu nhau như thế, Hảo có khám phá được một điều rất quan trọng rằng Mai, hôn thê của cậu ta  chính là cái thùng phuy, là "bà chị", là "gói mắm tôm" năm cũ hay không.


  Ngô Minh Hằng


   Nỗi Buồn Cuối Đời

Huy Phương

Tôi biết trên thế giới Tây phương có nhiều đứa con không dám đi du lịch xa, vì sợ con mèo, con chó hay bầy cá ở nhà không ai cho chúng ăn hay săn sóc, nhưng cha mẹ già thì đã có những nhà dưỡng lão. Thậm chí trong tình vợ chồng, người vợ còn mạnh khỏe, siêng đi lễ hay lên chùa, nhưng chồng thì cô đơn, trên chiếc xe lăn trong một nhà già quạnh hiu nào đó. 

Chúng ta có bao nhiêu lý do để bào chữa, biện minh cho việc bỏ bê cha mẹ già trong một cơ quan y tế, được cho ăn mỗi bữa, áo quần có người giặt, vài ba ngày được đẩy xe vào phòng tắm, trần truồng và được cô y tá hay một nam nhân viên dội nước, xát xà phòng, vo đầu. Những việc săn sóc này dù có mang chút tình người đi nữa thì cũng là những công việc hằng ngày bắt buộc, thương ghét hay xúc động chỉ là những cảm tính vô ích. 

Có những đứa con nại cớ bù đầu với công việc ở sở, và việc con cái bếp núc ở nhà nên không có thời gian dành cho cha mẹ già, đành phải đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão. Gần đây người ta lên tiếng hoan nghênh những người phụ nữ hy sinh lợi tức để ở nhà toàn thời gian chăm nom, săn sóc con cái, nhưng nào có ai nghe chuyện có những đứa con bỏ việc làm vì còn cha mẹ cần sự giúp đỡ lúc về già! Người ta thường kêu than không có thời giờ, “đầu tắt, mặt tối” nhưng còn có thời gian mua sắm trong các cửa hàng thời trang, mất một hai tiếng đồng hồ trong gym mỗi ngày, năm giờ cho một chương trình ca nhạc ở sòng bài, không tính thời giờ đi về. Đó là chưa kể thời gian “bắt buộc” phải ngồi trước máy điện toán, vào Facebook, hay trao đổi tin nhắn với bạn bè. 

Người ta có thể mỗi năm tổ chức những chuyến du lịch bắt buộc, ra ngoài để mở tầm mắt trước thế giới, nhưng “nhắm mắt” làm ngơ về một lần sắp xếp thời gian đi thăm cha mẹ già. 

Ngày xưa một người mẹ nuôi được năm mười đứa con, ngày nay cả năm mười đứa con không nuôi nổi được một mẹ, phải chăng vì vậy mà phải đẩy mẹ vào nhà dưỡng lão, để cho những người xa lạ trông coi. Ở đây có khi mẹ thiếu ăn, cơ thể mất nước, dơ bẩn trong mớ phân và nước tiểu, bị đối xử tàn tệ, cũng chẳng hề ai biết đến. Ngày xưa “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,” không có bậc cha mẹ nào có thể ngoảnh mặt trước cảnh con đói khát hay bị lăng nhục bởi một người khác. 

Con biết giờ đây, “một ông già bằng ba đứa trẻ” cha “lẩm cẩm” bước đi, và mẹ phải nương lưng nhờ gậy chống. 

Xưa kia khi các con còn thơ ấu, thân xác chưa trưởng thành và tâm hồn con yếu đuối, điều một điều hai vẫn là mẹ. Một đứa trẻ có thể biết lạnh, biết nóng, biết đói, biết khát, biết đau, nên khóc la, nhưng chóng quên, khóc đó rồi cười đó. Trái lại, một ông già còn biết buồn, biết tủi thân, biết xót xa mà chỉ biết gậm nhấm mang lấy nỗi buồn của riêng của mình, nên tuổi già cũng cần chăm sóc, gần gũi, ân cần như là một đứa trẻ, có khi còn hơn thế nữa! 

Thói quen của người đời, người ta thường hỏi nhau có được mấy con, mấy ai quan tâm xem song thân còn hay mất! Đối với cha mẹ, con là tất cả, nhưng đối với con, cha mẹ là một thứ quá khứ cần xếp lại. 

Ngày xưa, niềm vui của cha mẹ là nghe tiếng đứa con chập chững bi bô, hay toét miệng cười, ngày nay cha mẹ về già, các con ở xa, chỉ mong nghe tiếng điện thoại reo vui vào những ngày lễ, Tết, và đầu điện thoại bên kia có tiếng nói: “Mẹ ơi!” hay “Mẹ đó hả?” Trong cái tổ ấm cúng ngày xưa, và là cái tổ trống hoác ngày nay, khi các con đã đi xa, những cái phòng của các con vẫn để trống, biết đâu có ngày con về thăm bố mẹ. Con búp bê bằng nhựa, con gấu nhồi bông vẫn còn trên chiếc dương cầm phủ bụi của con gái, tủ sách, nhiều giải thưởng và những lá cờ kỷ niệm của trường đại học vẫn còn gắn trên bức tường trong phòng đứa con trai. Và ngôi vườn kia, đã đầy lớp lá vàng vào Thu hay phủ tuyết mùa Đông, cái ghế xích đu ngoài vườn ngày trước con thích ngồi, vẫn rung khẽ cùng cơn gió nhẹ. 

Nhiều lúc cha mẹ muốn bán ngôi nhà cũ đầy ắp kỷ niệm, nhiều phòng, để đi tìm một cái condo, nhưng cứ nghĩ khi con về, và còn những đứa cháu nữa, sẽ ở đâu? 

Cha mẹ Việt Nam tự an ủi, ru mình bằng bốn tiếng “nước mắt chảy xuôi” là mọi chuyện đều cho qua, nhận thức đời sống một phần cũng cho là duyên, là phước. Phải chi cha mẹ như cha mẹ nơi quê người, không hề lưu luyến, bịn rịn, ngay từ lúc đứa con đã trưởng thành rời mái ấm ra đi. 

Nhưng có lẽ mọi điều không phải như vậy, dù bên trời Tây hay bên phương Đông. 

Chúng tôi vừa được xem một đoạn phim rất ngắn kể chuyện một người già cô đơn ở phương Tây. 

Những ngày lễ lớn năm nay, cô con gái tin cho biết là cô không về thăm cha được vì bận việc. Ông cụ lủi thủi một mình, cô đơn trong căn nhà nhỏ với những bữa cơm lặng lẽ hàng ngày. Nhưng rồi, cô con gái nhận được tin cha mình qua đời đột ngột, cô thu xếp cùng chồng trở về nhà. 

Trên bậc cửa, cô thấy người cha thân yêu của cô hiện ra với tấm lưng còng và mái tóc bạc phơ. Cô bật khóc. Phải chăng vì nghe tin cha chết, cô mới trở về, trong khi còn sống, người cha cần có con, thì không có cô bên cạnh. 

Nhưng cũng còn may. Cách đây mười mấy năm ở Paris, vào mùa Hè, có một trận nóng kinh khủng giết hàng trăm cụ già trong nhà dưỡng lão. Nhà nước thông báo cho những đứa con trở về lo chôn cất. Nhưng chúng, nhiều đứa đành xin lỗi, vì đang kẹt trong chuyến du lịch dài ngày ở xa! 

Huy Phương


Một ngày không có Mễ

Nhã Duy

“Một ngày không có người Mễ Tây Cơ” (A day without a Mexican) là một phim hài phát hành năm 2004, kể về sự xáo trộn của California khi cộng đồng gốc Latino, phần lớn là người Mexican bỗng một ngày kia bị biến mất. Từ trong chính trường, truyền thông, giáo dục cho đến xây dựng, nông nghiệp, chuyện chân tay, công việc đình trệ, mùa màng không thu hoạch. Đến lúc đó người dân cùng các chính khách Cali mới thấy vai trò của những người Mexican.

Người Mexican, tức Mễ Tây Cơ mà người Việt tại Mỹ quen gọi tắt là “người Mễ” hay có người còn gọi kiểu xách mé, xem thường là “dân Xì”, không biết từ “Mexican” hay “Spanish” – tiếng Tây Ban Nha họ nói. Phần lớn thì cũng ít người phân biệt được nhóm này thuộc nhóm Latino – người Mỹ La Tinh hay người Mễ nói riêng, cũng tựa như họ không phân biệt được các sắc dân Á châu vậy.

Chiếm khoảng trên 11% dân số nước Mỹ và khoảng hai phần ba cộng đồng Latino, người Mễ là một cộng đồng lâu đời và khá mạnh trong nhiều lãnh vực tại Hoa Kỳ, với khoảng 37 triệu dân, trong đó hơn 10 triệu người sinh đẻ tại Mỹ.

Cộng đồng người Mễ có thể xem là một cộng đồng di dân, vừa là một cộng đồng bản địa của Hoa Kỳ. Sau cuộc chiến tranh giành biên giới với Hoa Kỳ vào giai đoạn 1846-1848, bị thua trận, Mexico phải ký kết hiệp ước Guadalupe Hildago, đồng ý bán lại một phần lãnh thổ cho Hoa Kỳ vào năm 1848 và về sau. Một phần hay toàn bộ 10 tiểu bang của Mỹ hiện nay là đất của Mexico, từ Texas sang đến California, trong đó phần lớn California ngày nay từng là đất Mexico. Xem bản đồ:


Mỹ với các tiểu bang màu xanh từng là lãnh thổ của Mexico trước đây.

Hiệp ước này cho phép công dân Mexico tại các vùng lãnh thổ bị bán được chọn ở lại để trở thành công dân Mỹ với đầy đủ quyền lợi công dân hay dọn về biên giới thuộc vùng lãnh thổ Mexico. Cộng đồng gốc Mễ ra đời từ đây. Do đó cũng có thể xem họ là người dân bản địa, chính gốc như nói trên tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ như California, Texas, New Mexico, Arizona, Colorado… Làn sóng di dân, tị nạn sang Mỹ bắt đầu ồ ạt hơn từ đầu thế kỷ 20 sau các cuộc chiến tranh rồi lý do kinh tế, sum họp gia đình sau này, tập trung đa số tại California và Texas.

Cộng đồng người Mỹ gốc Mexican tham gia chính trường Mỹ rất sớm, từ năm 1877 đã có dân biểu đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ, rồi đến năm 1928 bắt đầu có thượng nghị sĩ đầu tiên. Hiện nay không kể việc tham gia cấp lãnh đạo trong các cấp chính quyền địa phương, tiểu bang và nội các chính phủ, mà có đến 47 dân biểu Quốc Hội là thuộc cộng đồng Mexican và Latino nói chung, trong đó có sáu thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Đa số các chính khách và cộng đồng gốc Mễ có xu hướng thuộc về đảng Dân Chủ.

Cộng đồng gốc Mễ cũng hiện diện đông đảo và đóng vai trò quan trọng trong các lãnh vực âm nhạc, thể thao, văn hóa nghệ thuật cho đến truyền thông, học thuật, kinh doanh với các tên tuổi không chỉ giới hạn trong nước Mỹ. Quân đội Hoa Kỳ cũng có những tướng lãnh cấp cao và tại NASA đã từng có ít nhất bốn phi hành gia và một trưởng khoa học gia là gốc Mễ.

Điều quan trọng hơn cho nền kinh tế California cùng sự thịnh vượng và phát triển của nước Mỹ là việc đóng góp từ lực lượng nhân công áp đảo trong kỹ nghệ xây dựng, công chánh, nông nghiệp, vận chuyển… của người gốc Mễ. Kỹ nghệ xây dựng và bảo trì nhà cửa, cầu đường, thu hoạch rau quả, dịch vụ sẽ rất khó khăn khi thiếu vắng họ bởi đây là nhóm nhân công đa số.

Nhắc đến cộng đồng người Mễ, có lẽ cũng cần nói sơ qua vấn đề di dân lậu liên quan đến người Mễ. Trong tổng số 11 triệu di dân lậu ước tính ở Mỹ hiện nay, những người Mễ trốn sang Mỹ hay tìm cách ở lại sau khi visa hết hạn, chiếm hơn phân nửa và góp thêm nguồn nhân công cho Mỹ. Điều này luôn được bàn thảo và trong chương trình nghị sự của mỗi đời tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, chính sách di trú và vấn đề di dân lậu là vấn đề lớn của thế giới và nước Mỹ trải qua vài lần cải tổ, dường như vẫn chưa giải quyết tận gốc rễ bởi tính hai mặt của nó.

Trong khi kiểm soát di dân lậu là việc cần thiết thì trên thực tế và theo các nghiên cứu từ chính phủ, các nhóm kinh tế gia cho đến các đại học đã cho thấy, nhóm này phần lớn là những người cần cù, sẵn sàng làm các công việc chân tay, nặng nề mà người Mỹ không muốn làm hay không có người làm.

Họ làm công việc tay chân, lương thấp, giúp cho người tiêu thụ Mỹ hưởng được giá thành sản phẩm và dịch vụ rẻ hơn. Họ cũng đóng thuế và giúp gia tăng kinh tế Mỹ qua việc tiêu xài. Đồng thời các đạo luật cải tổ di dân cũng không cho phép họ được hưởng các quyền lợi xã hội như một số người nghĩ, trong khi tỉ lệ tội phạm không gia tăng so với thủ phạm nội địa, mặc dù vẫn có một nhóm nhỏ liên quan đến các tội phạm khác nhau như bất cứ sắc dân hợp pháp nào khác.

Bài toán di dân lậu cũng từng được các cấp thẩm quyền của chính phủ cân nhắc thận trọng, đặc biệt với California. Cũng nói thêm rằng, theo báo cáo của Bộ Nội An Hoa Kỳ vào năm 2014, Việt Nam cũng nằm trong 10 quốc gia có di dân lậu đến Mỹ đông đảo nhất, vào khoảng 200 ngàn người đã ở lại sau khi hết hạn visa (*). Dẫn số liệu này để thấy, nếu Việt Nam có vị trí địa lý như Mexico, con số này chắc chắn tăng gấp bội và vấn đề di dân lậu với người Việt có lẽ nan giải không kém.

Một số người không có nhiều ý niệm về lịch, sử cùng vai trò, ảnh hưởng của cộng đồng người Mexican, nên khi tiếp xúc với phần lớn những người Mễ không nói tiếng Anh từ các vùng nông thôn Mexico và làm các công việc lao động cấp thấp, đã hình thành một định kiến, có sự kỳ thị và xem thường cộng đồng bạn. Không ít người còn đánh đồng họ như những kẻ di dân lậu, “đầu trộm đuôi cướp”, lặp lại các lời nói của Donald Trump mà không biết rằng, chính họ là chủ nhân vùng đất mình đang sống, chính họ đã góp phần đắc lực vào việc phát triển nước Mỹ cho mình được hưởng nhờ.

Và nếu công bằng nhìn nhận thì cộng đồng gốc Việt muốn đạt được như cộng đồng người Mễ hay các cộng đồng thiểu số khác tại Mỹ là một con đường còn rất xa, vì hầu hết các cộng đồng này có tổ chức và sự đoàn kết. Họ có sức mạnh chính trị cùng thực lực của lá phiếu cử tri để từng bước tạo ảnh hưởng và đưa người của mình vào các cơ cấu chính phủ một cách có tổ chức và sự đầu tư.

Trong khi đó cộng đồng gốc Việt lại là cộng đồng thiếu tính tổ chức, chú trọng các hình thức bề nổi nhiều hơn sự dự phần, cũng như có xu hướng đẩy giới trẻ tài năng gốc Việt xa lánh cộng đồng vì sự nhận thức, quan điểm quá khác biệt. Không ít người Việt còn phản đối, xúc phạm giới trẻ gốc Việt đang đơn độc tham gia chính trường Hoa Kỳ hiện nay, thiếu vắng sự ủng hộ chung từ chính cộng đồng mình.

Nên điều dễ nhận thấy là cộng đồng người Việt tại Mỹ hiện nay chỉ có các thành công cá nhân, mà thiếu vắng sự đại diện cùng sức mạnh cộng đồng tương ứng và cần thiết. Nếu có ai bảo người Mễ đông và đã ở lâu nên mạnh hơn thì hãy nhìn sang cộng đồng Cuba, mới và ít dân hơn cộng đồng Việt để thấy họ hùng mạnh như thế nào. So sánh điều này nhằm điều chỉnh tâm thức với các cộng đồng bạn và nhìn nhận lại vị thế của cộng đồng Việt hiện nay ra sao, sau gần nửa thế kỷ trên xứ người.

Một ngày không có người Mexican có thể sẽ không dẫn đến tình trạng xáo trộn quá mức như cách bộ phim hài “A day without a Mexican” đã thể hiện nhưng quả thật là nước Mỹ sẽ rất khó khăn nếu thiếu vắng họ. Xã hội sẽ bớt phần nhộn nhịp vì sự tươi vui và tràn đầy sức sống của một sắc dân phần lớn là chân thật và chăm chỉ.

Còn một ngày không có người Việt trên đất Mỹ thì sao?





 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào: