Để tiện lợi cho vận chuyển nước mắm bán đi các nơi, các nhà sản xuất xài cái Tĩn bằng đất nung được tráng men bên trong, mỗi Tĩn đựng áng chừng năm lít nước mắm.
Khi thời gian ủ chượp đã hoàn thành, lúc này họ chiết nước mắm ra cái Tĩn để tiện lợi cho vận chuyển và buôn bán.
Nắp đậy của cái Tĩn cũng bằng đất nung, họ nặn ra cái nắp có dạng hình tròn dẹp dẹp vừa khít miệng của cái Tĩn, sau đó họ lấy hỗn hợp vôi để niêm phong cái nắp lại cho kín , sau đó dán miếng giấy vuông vuông có in tên của nhà sản xuất . ( bên ngoài cái Tĩn nước mắm, họ quét một lớp vôi trắng dầy, có pha với a dao để lớp vôi bám chặt vô bên ngoài cái Tĩn, họ dùng dây lá Buông đan lại thành cái quai xách cái Tĩn chắc chắn cho dễ khiêng đi )
Mua cái Tĩn này về nhà xong, khi muốn xài thì ta cứ lấy sóng lưng con dao phay gõ nhẹ chung quanh cái nắp, vôi trám nắp sẽ nứt ra, dĩ nhiên có một ít bụi vôi nhuyễn rơi vô nước mắm bên trong nhưng không có hại gì, khi ta giở cái nắp Tĩn nước mắm thì mùi thơm ngào ngạt bay ra thơm lừng, lúc này lấy cái vá nhỏ thọt vô múc ra một ít vô chén, các bạn chỉ cần bới một tô cơm nóng chan lên đó một ít nước mỡ heo, rồi rưới ít nước mắm vô tô cơm trộn đều lên, đơn giản chỉ có vậy mà tô cơm đó mấy đứa con nít con nhà nghèo ngày xưa ăn một cách ngon lành.
Tui nói sơ về cái Tĩn để cho bà con mình nhớ lại, cho thế hệ sanh sau này biết lịch sử của cái Tĩn nước mắm như thế nào bởi vì hồi đó chưa xài bình Nylon và chai thủy tinh như bây giờ.
Nãy giờ nói về nước mắm, nhưng cái chính là tui sẽ kể câu chuyện về cái "Tĩn nước mắm làm phép" của bà Mười, một người trong xóm của tui ngày xưa...
Xóm tui ngày đó là xóm lao động nghèo, nhà Bà Mười ngày xưa thuộc hàng khá giả, vì chỉ cần nhìn vô căn nhà của bà cũng đủ biết.
Nhà bà thuộc loại nhà xây kiểu thời Pháp thuộc, kiến trúc căn nhà cũng đơn giản, nhưng tường nhà được xây dầy hai mươi ( Bề dài của viên gạch thẻ nằm ngang), bên ngoài được tráng bằng lớp vôi vữa trộn với hỗn hợp "Ô Dước" rất chắc chắn và được quét vôi màu vàng đất.
( Năm Tết Mậu Thân 1968, bà con trong xóm thường chạy qua nhà bà Mười trú ẩn để tránh đạn lạc khi chiến tranh lan tỏa đến đây, vì tường nhà bà rất dầy, đã vậy bà còn lấy bộ ván gỗ Mun dầy hơn mười phân làm nóc hầm "Trảng xê", nên mọi người thấy rất an toàn).
Bà Mười vào những năm này đã lớn tuổi lắm rồi, với dáng người nhỏ nhắn, hay nhai trầu với đôi môi móm mém, bà Mười tánh cũng khó giàn trời, suốt ngày tui thấy bà cứ quanh quẩn ngoài vườn để làm cỏ , trồng cây, chăm sóc những ngôi cổ mộ bằng đá Ong, một hôm nọ trời nắng chang chang, tui thấy bà ngồi nghỉ mệt và uống nước dưới gốc cây khế cổ thụ trong vườn, tui với thằng Thành con ông Chín Tắc xi lân la đến nói chuyện với bà, vừa cầm cái nón lá phe phẩy quạt mát, bà thấy hai đứa tui vừa trờ tới bà liền hỏi:
-Chèn ơi cũng hai đứa bây nữa hả, lọ mọ vô đây hôm nay tính hái trái gì nữa vậy, hôm qua mấy cây ổi sẻ trái chín oằn cây, đứa nào vô hái thiếu điều hết ráo, bây nói tao nghe coi.
Nghe bà Mười truy vấn, tui với thằng Thành tái mặt tưởng bà đã biết "đạo chích" là ai rồi, Thành lật đật khai luôn:
-Tại tụi con thấy ổi chín nhiều quá bà Mười ơi, tụi con không hái thì mấy con chim, con sóc nó cũng ăn hết.
Bà Mười nghe vậy bà la nó liền:
-Bây nói giả ngộ ghê, con chim con sóc nó ăn thì theo lẽ tự nhiên của trời đất, hơn nữa nó không biết tiếng người, còn bây muốn hái thì vô nhà hỏi bà Mười một tiếng thì bà đâu có tiếc rẻ gì, bây tự tiện vô vườn hái vậy bà hông vui chút nào.
Biết mình làm phiền lòng bà Mười hai đứa tui xin hứa lần sau không dám làm vậy nữa .
Chưa hết bực dọc, bà Mười hỏi vặn lại:
- Bà Mười hỏi thiệt, hai đứa bây hôm nay vô vườn tính "đại náo" gì nữa, đâu nói thiệt một bữa bà nghe coi.
Cái thằng quỷ Thành thay vì trả lời cho bà Mười, nó lại đưa mắt ngó lên nhánh cây khế với gương mặt thèm thuồng, những chùm khế ngọt của bà Mười nó chín vàng ươm đang đong đưa trước gió.
Bà Mười đoán ra ý định của hai thằng tui, bà nói:
-Thì ra hai đứa đang rình rập mấy chùm khế chứ gì, bữa kia thằng Năm ( Chú Năm con bà) hái cho bây cả rổ rồi, ăn chưa đã họng hả bây, đợt khế này cô Ba Huê lò bánh Ú dặn rồi, để cổ hái về "sênh mứt" bán tết, chờ đợt sau nó chín rồi bà cho bây mặc sức mà hái.
Nghe bà Mười nói vậy, không hiểu tại sao gói muối ớt đang cuộn trong lưng quần "Tà lỏn" của thằng Thành rớt xuống đất.
Bà Mười thấy vậy bà cười ngất rồi nói :
- Cha chả đi hái trộm khế mà còn chuẩn bị sẵn muối ớt để chấm nữa hả hai ông con, Kiểu này tao méc chú Chín với chú Năm mới được.
Nghe bà Mười hăm méc tía của mình, tui với thằng Thành sợ tái mặt, vì hai ông già tía này ông nào cũng có cây roi giắt trong vách lá ở nhà, nếu biết tụi tui làm điều xằng bậy thế nào cũng được ăn "Bánh tét nhưn mây" ê cả đít.
Thấy diện mạo thất thần của hai thằng tui, bà Mười nói:
-Tao mới hù bây chút xíu mà bây sợ dữ thần ôn vậy hả, mơi mốt đừng phá phách nữa nghe hai ông con, thôi dìa đi.
Hai đứa cám ơn bà rối rít, không chậm trễ giây nào, hai đứa tui nhanh chóng chạy ra khỏi khu vườn của bà Mười tức thì .
Đã nhiều hôm trôi qua, khi cả đám tụi tui cùng chơi đùa trước sân nhà bà Mười, tuyệt nhiên tụi tui không thấy bà Mười xuất hiện xua đuổi như mọi lần, thắc mắc trong lòng nên khi gặp chú Năm đi uống rượu mới về, tui chận chú lại hỏi thăm:
- Chú Năm ơi, bà Mười đi đâu mấy bữa nay tụi con không gặp.
Với cái giọng lè nhè do say rượu, chú Năm nhướng mắt lên hỏi:
- Bây là thằng Phương con anh Năm phải không?, bà Mười bịnh mấy bữa rồi, nằm trong nhà kia chứ đâu, mà mấy đứa nè chịu khó xích ra gần đồng mả mặc sức chơi, để yên tĩnh cho bà Mười nghỉ ngơi tụi con, chừng nào bà Mười khỏe tụi con vô đây chơi nha .
Mấy đứa bạn tui đồng thanh:
- Dạ , tụi con nghe lời chú Năm.
Thấy đám con nít trong xóm dễ thương, chú lấy tay cản lại trước khi tụi tui cùng nhau đi ra phía đồng mả, chú nói:
- Vậy phải dễ thương hông, chú thổi một bản nhạc tặng cho mấy đứa nè, nghe xong rồi hẳn đi.
Nói xong chú rút trong lưng quần cây kèn "Ác mô ni ca" đưa lên miệng, chú bắt đầu thổi bản cầu "sông Kwai" nghe mê ly vô cùng, chú vừa thổi kèn, tay vừa biểu diễn bấm các lổ kèn cho ra những âm thanh thật lảnh lót và kiêu hùng, hết bản nhạc đó hình như hứng chí chú tặng thêm bài nữa, "Tình anh lính chiến" nghe cũng oai hùng không kém, khi chú vừa dứt tiếng kèn thì cả đám bạn tui vỗ tay tán thưởng rần rần, chú Năm hoảng vía vì thấy đám nhỏ vổ tay lớn quá có thể làm kinh động đến bà Mười, chú Năm ra hiệu cho tụi tui mau chóng giải tán để trả lại sự yên tĩnh cho bà Mười dưỡng bịnh ...
Dạo ấy trò chơi của con nít cũng đa dạng lắm rồi, nào là tạt hình ( Những hình ảnh được in trong tấm giấy khá dầy, đủ thứ hình ảnh như zoro, Batman, hoặc hình ảnh chim chóc , cây cảnh, hoặc cao bồi, một tờ giấy cỡ A4 như bây giờ cắt ra được khoảng hai mươi bốn tấm hình đều nhau, rồi bó lại từng cọc để dành chơi với nhau, ví dụ như vích hình cho tờ ngửa chồng lên tờ nằm sấp là ăn, rồi tạc hình cùng nhau đậu vô bao nhiêu tấm, rồi chồng vô một cọc bỏ chính giữa cái vòng hình vuông được vẽ dưới đất hoặc nền xi măng, cách đó chừng mười bước chân có kẽ một đường làm cái vạch, đứng ngay chỗ mức này dùng chiếc dép cao su "tạt" vô đống hình kia, ai tạt được nhiều hình ra ngoài thì được hưởng phần đó )
Mấy tay "Xì Thẩu" ở Chợ lớn ngày xưa cũng nhanh nhạy với thị trường đồ chơi cho con nít lắm, để có lợi nhuận họ liên tục ra những mẫu mã đồ chơi, lần nọ họ ra làm những hình người, hình thú bằng nhựa màu sắc rất đẹp khiến đám tụi tui cũng thích thú vô cùng, có hôm chơi thua hết cả bọc hình ( đựng trong bịch nylon, giắt vô lưng quần) , tui và vài đứa phải ngồi ngoài coi chúng bạn chơi mà lòng buồn vô hạn, mỗi bữa đi học được hai ba cắc bạc, phần uống nước phần mua đồ chơi, nên khi thua sạch thì tiền đâu để mua đồ chơi để chơi tiếp với đám bạn.
Câu thiên hạ nói tui thấy y chang
" Bần cùng sanh đạo tặc", bí tiền mua đồ chơi quá, mà xin tiền thêm dễ gì ở nhà cho, để có tiền nên đêm nọ khi con trăng hạ tuần leo lét trên bầu trời, tui rủ rê thằng Thành làm chuyện "Động trời" vô cùng....
Bà Mười nằm bịnh gần chục ngày, bà Hai đồ chay là chị em cùng xóm ghé qua thăm, không biết hai bà bàn bạc với nhau điều gì mà sáng hôm sau, thím Năm con dâu của bà Mười qua nhà ông Tư Tĩn (ông chuyên mua ve chai lông gà lông vịt, Tĩn nước mắm ông cũng mua luôn, khi Tĩn nhiều gần đủ xe Cam nhông, ông Tư bán lại cho các chành ve chai lớn khác để họ bán cho các lò nước mắm ngoài Phan thiết tận dụng lại, Tĩn còn nắp sẽ mua giá cao hơn Tĩn không nắp) để mua một cái Tĩn nước mắm đã xài rồi, thím Năm đem về rửa sạch sẽ đem ra gần bàn ông thiên úp xuống cái cọc do chú năm đóng sẳn, chiều đến bà Hai đồ chay mời một ông Thầy ở một chùa nào đó vùng chợ Cây Thị đến làm phép, nghe bà Hai nói cái Tĩn này dùng để trấn ếm vong nào đó đang làm bà Mười bị bịnh, thời gian làm phép phải nửa tuần trăng mới linh nghiệm..
Vậy mà cái Tĩn nước mắm không cánh mà bay mất tiêu sau vài ngày làm phép, thím Năm lo âu sợ mất cái Tĩn kia bà Mười khó hết bịnh, bà Hai đồ chay thì rủa xả cái quân nào bất nhơn "Thỉnh" mất cái Tĩn kia...
Rinh cái Tĩn qua bán cho ông Tư được hai đồng, tui được một đồng, thằng Thành một đồng, vậy là có tiền để mua đồ chơi, tuy vậy khi mua cái Tĩn, ông Tư cứ ngắm nghía lật tới lật lui, làm như cái Tĩn này quen mắt với ông lắm, vì ông hỏi :
-Cái Tĩn này ở đâu bây có, sao giống cái Tĩn tao bán cho cô Năm Dâu bà Mười lắm nghe.
Điếng hồn khi bị ông Tư "Điểm huyệt" , hai đứa cố giữ vững lập trường, Tui nói:
-Nhà con mua lâu rồi ông Tư ơi, nay hết nước mắm nên má con cho đem bán.
Chắc thấy đôi co với hai thằng nhóc chẳng ăn thua gì, ông Tư rút hai đồng trả cho xong.
Ông Tư đem cái Tĩn nọ ra úp chung lên đống Tĩn ông để bên hông nhà.
Mất cái Tĩn đang làm phép Thím Năm buồn lắm, thím qua nhờ bà Hai đồ chay mời thầy về làm phép lại khi thím mua cái Tĩn khác.
Thím Năm đứng bên hông nhà ông Tư để lựa cái Tĩn nào đẹp như cái Tĩn hôm rồi, tự nhiên như có thần linh xui khiến thím bốc trúng ngay chóc cái Tĩn mà ông Tư mua của hai thằng tui bán cho ông.
Thím Năm cầm trên tay săm soi cái Tĩnh, chợt thím thấy dấu vết nhà sư làm phép còn lưu lại trên hông cái Tĩn, thím vô nhà hỏi ông Tư liền:
- Ông Tư, cái Tĩn này hôm rồi con mua của ông nè, đang làm phép cho má chồng con mà đứa nào nó thỉnh mất tiêu, con nhìn được là nhờ dấu làm phép đây nè.
Đến phiên ông Tư:
- Chèn ơi ! Thằng Phương với thằng Thành bán cho tui đó cô Năm, tui nghi hỏi tụi nó rồi vậy mà tụi nó cứ một hai là của nhà nó, thím coi quá lắm hông.
Khỏi nói các bạn cũng biết đoạn kết câu chuyện ta sao rồi, nhưng để tui kể luôn cho tròn câu chuyện.
Thím Năm bỏ ra hai đồng chuộc lại cái Tĩn đang làm phép, chiều đó thím Năm ghé nhà hai thằng tui méc, ba tui với ông Chín giận run, thế là hai cây roi mây tha hồ liếm đít hai tên trộm đau thấy tía luôn.
Mấy đứa bạn trong xóm biết chuyện này , tụi nó xúm lại ghẹo hai đứa tui thiếu điều muốn độn thổ .
Hai đứa được gia đình dắt qua nhà để xin lỗi bà Mười và thím Năm, bà Mười gặp hai ông "Thần nước mặn" bà liền nói :
- Chèn ơi. Bây hôm nay dám hái luôn "Cái Tĩn làm phép" của bà nữa hả, thiệt quá lắm rồi, mơi mốt cấm tiệt không cho qua vườn tao chơi nữa.
Hai đứa tui cúi mặt trong lòng rất hối hận, tay lỡ nhúng chàm thì tiếng xấu sẽ theo mình muôn đời, qua lần đó về sau tụi tui không còn dám tái phạm và quyết tâm học hành để trở thành người tốt sau này, bà Mười tuy hăm he tụi tui mẻ răng, nhưng rồi bà cũng để cho qua vườn nhà bà chơi với chúng bạn, qua đó tui thấy lòng vị tha của bà Mười to lớn vô cùng .
Mấy chục năm dài đăng đẳng trôi qua, vậy mà câu chuyện "Cái Tĩn nước mắm làm phép" nó thỉnh thoảng vẫn len lén đưa tui quay về bến mộng ngày xưa.
Hai Hùng Sài Gòn
Bạn Nhậu Cũ
Hắn chịu thiệt là mình mê chơi, ham vui, và vì thích chơi vui nên khoái nhậu. Còn gì buồn bằng việc phải về nhà sớm vào những buổi chiều cuối tuần dìu dịu nắng, gió nhẹ hiu hiu, phải ngồi một mình trong những buổi trưa trời mưa rả rích. Có gì vui bằng được ngồi trong một cái quán nào đó, hơi ồn ả, phức tạp một chút. Ở đó, mỗi người mang tới một màu sắc mùi vị, một tính cách khác nhau, đa dạng như cuộc đời tươi đẹp này. Họ có thể không có lý do gì rõ ràng hết, cũng có thể vì gặp người bạn cũ lưu lạc lâu rồi, một hợp đồng kinh tế mới ký, buồn do thất tình, vui vì mới cưới vợ xong... và niềm tự hào duy nhất của hắn khi ngoái lại nhìn nửa đời bia bọt là có lúc hắn đi quán chỉ vì nhớ cha, nhớ quá trời.
Ngày xua, cứ năm ba bữa hắn lại chở cha đi nhậu. Đó là những bữa hắn bỏ rơi đám bạn bè mà không đứa nào dám giận, có đứa còn ngồi tấm tắc, ước gì tao còn ông già, đứa khác nghe lòng thẹn thùa, lâu rồi mình không về thăm, ăn một bữa cơm với ba, chỉ đoàn tụ được mấy bữa giỗ nhưng hôm đó, ông già khề khà chung mâm của ông già, con ngồi cụng ly với đám bạn cùng cơ quan, nhậu nhẹt vốn là chuyện ít câu nệ nhất, xuề xào, hòa đồng nhất mà hai ba con còn không thể sánh vai ngồi, nói chi... Nên hắn được bạn thương lắm, nể nhiều, tụi nó tò mò theo hỏi: "Nhậu với ông già, vui hôn mậy?"
Hắn nói vui, vui lắm, ít ai kiếm được một ông bạn nhậu quý như vậy. Khi đi hắn chở cha, lúc về, cha sợ hắn say, nên cha giành chở. Ngồi lâu nhưng uống không nhiều. Cha hắn thường bảo, uống ít còn nhiều, còn bạn bè, còn tự chủ, còn nhân cách, còn là mình, uống nhiều mất hết. Rượu bia là thứ để thưởng thức chứ không phải nốc vô tội vạ để khoe tài. Cái thức uống này là để rạng rỡ lòng chứ không phải tiêu sầu. Nên hắn vô chừng hai ly là có thể nói chuyện cởi mở với cha như một người bạn đồng niên. Có bữa, hắn ngà ngà say nên nổi hứng đọc bài thơ con cóc, cha cười, "vậy là cha biết làm sao con thích la cà quán nhậu rồi, để hứa hẹn như đinh đóng cột với mọi người cái chuyện mình không bao giờ làm được, gõ cái chén ca bằng cái giọng tệ... không chịu được, nói cho hả hê những ấm ức trong lòng... tất cả nhũng chuyện đó, lúc tỉnh, con không bao giờ làm". Hắn cũng cười, "Nhậu cũng khổ lắm cha ơi, đầu tháng có tiền, nhậu toàn món sang. Cuối tháng, còn chừng mười ngàn trong túi đành ngồi nhậu với đậu phộng luộc, cá khoai khô. Lúc nầy kể ra thì xấu hổ đây, đi ngang quán quen chạy thiệt chậm coi có thằng bạn nào ngoắc lại không, ngoắc nhẹ mình tự ái chạy luôn, ngoắc mạnh mình ghé lại, tình bạn nhiệt thành vậy, con phụ sao đành". Cha cười ha ha, cái thằng...
Hắn giống cha, giống nhất là nhiều râu. Râu cha xồm xoàm, cứng tua tủa, ngả màu bạc, râu con cạo sạch nhưng vẫn xanh rì dưới làn da. Hắn càng uống càng đỏ mặt, cha càng uống càng xanh. Hắn nói với cha về những khó khăn trong công việc, về con bạn hắn thương sắp lấy chồng (đặc biệt chuyện này lúc tỉnh dễ gì hắn mở miệng), cha ờ ờ, hồi trẻ cha cũng bị thất tình hoài. Hắn ngạc nhiên, "cha nói chơi, "cứng" như cha, từng vào sinh ra tử với quân thù, cũng biết cảm giác buồn nẫu ruột khi mất người yêu như đám thanh niên bây giờ sao?" Tự nhiên hắn thấy giữa mình và cha hình như không còn khoảng cách nào hết, vì có thể nói và nghe nhau. Có lần: hắn còn kêu cha lấy vợ đi, lấy cô giáo già thương cha hoài, chờ cha hoài đó. Cha cười, "cha già rồi". Hắn gạt ngang, "Già đâu mà già, cha còn "ngon" lắm, lần nào cha con mình nhậu con cũng say trước...". Cha hắn bật cười, cái thằng uống rượu như xe bồn mà dám giả đò say. Nhưng có điều chắc cha chưa biết, hắn làm vậy để được cha che chở, dìu dắt như ngày còn bé. Đàn ông lớn xác vậy nhưng đôi lúc vẫn thèm, đời ngoài kia trần trụi và khốc liệt quá mà...
Rồi một ngày hắn đến quán một mìmh, ngồi chỗ cũ, gần song cửa đóng bằng thẻ tre bù xè đã ăn thủng lỗ chỗ, phấn rắc lấm tấm mặt bàn. Hắn đòi hai cái ly, một dĩa đậu phộng rang, run rẩy rót rượu tràn ra bàn rồi đau đáu nhìn về chiếc ghế trống trước mặt. Cha hắn đi rồi, đi xa lắm, cô phục vụ xinh đẹp rụt rè ngồi xuống chỗ cha thường ngồi, cô bảo:
-Hôm rồi xe tang đi qua, em thấy giống bác, em đã ngờ ngợ... Hỏng ngờ...
Hắn không nói gì hết, sợ mở miệng ra sẽ bật khóc. Đàn ông đàn ang ai khóc trước mặt con gái, kỳ.
Sau này gặp lại, cô phục vụ cười:
- Chừng nào em lấy chồng, em sẽ chọn một người y hệt anh, một người có thể chở cha mình đi nhậu. Bây giờ ít người làm vậy lắm - Rồi cô nghẹn ngào - Sao thấy anh em nhớ bác quá, anh à.
Người tri kỷ xưa vừa đi, người tri kỷ khác lại đến.
Cha mất hai năm, cô phục vụ nọ thành vợ hắn, người vợ duy nhất không cằn nhằn khi chồng đi nhậu, vì cô biết, có lúc chồng mình cũng bỏ mặc đám bạn bè để một mình đến quán cũ, ngồi nhớ thương người bạn nhậu cũ. Nói cho cùng, la cà ở quán nhậu cũng hỏng phải là chuyện xấu lắm..
Nguyễn Ngọc Tư
Những Ổ Bánh Mì Ngày Xưa Ấy
Một trong những hình ảnh về nếp sống, ẩm thực nhanh gọn của người xưa, người miền Nam lưu giữ trong ký ức sâu đậm là hình ảnh cái bội cần xé tre đựng bánh mì nóng, cột ở yên sau chiếc xe đạp của người bán, họ rong ruổi đạp xe khắp các phố, các đường quê, ngang cùng ngỏ hẻm, suốt bốn mùa bất kể chuyện nắng sớm mưa chiều kể cả ngày lẫn đêm.. Làm sao quên được hình ảnh cái bội cần xé làm bằng tre, phủ một lớp bao bố chỉ xanh giữ hơi nóng của bánh mì mới ra lò để khi bán lẻ bánh mì cho khách, khi cái hương thơm của nó tỏa ra, kích thích sự thèm ăn, kích thích cảm giác yêu quí đời sống yên bình hay trong thời loạn...! Làm sao tôi quên được hình ảnh thằng bạn học ngồi chung bàn năm lớp Nhất, vì hoàn cảnh nghèo, phải bỏ học sớm, để rồi ngày ngày lúc tờ mờ sáng đã đội cái thúng tre cũ lê la gần trường, xóm chợ để bán bánh mì, khi gặp các bạn học trong lớp, nó đều đỏ mặt, mắt ngấn lệ vì mặc cảm...! Thuở còn nhỏ, được Má dẫn đi Chợ Lớn, ở bến xe, lúc nào cũng đông người bán dạo. Bánh mì là một đặc sản, đặc trưng nơi đây, tiếng rao mời vang lên không ngớt. Cũng như nhiều người khác, Má tôi cũng mua gần chục ổ to chảng về làm quà cho các con! Lòng tôi rộn lên một niềm vui khó tả...
Vậy đó, chỉ là bánh mì không mà người nghèo, người giàu ai cũng thích. Với trẻ con ở quê thì khỏi phải nói, người lớn cầm ổ bánh mì ngắt từng khúc, chia cho từng đứa thì coi như người lớn đó, thiệt đáng nể hết sức....!
Ngay cả chuyện cúng giỗ ngày xưa ấy, dâng cúng lên bàn thờ, chỉ cần lấy vài ổ bánh mì để lên cái dĩa, sang trọng hơn là kèm thêm một con vịt quay, đốt ba nén nhang thơm là coi như đã tròn lễ nghĩa với hương linh của ông bà về chứng giám, người dự giỗ cũng phải một phần xuýt xoa...! Làm sao trong tiềm thức mỗi người lớn, bé quên được tiếng rao: “Bánh mì nóng giòn đây! Bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây!”....
Làm sao quên được những lần thèm bánh mì nóng mới ra lò, bên bếp than củi thật lớn, hơi nóng tỏa ra khắp không gian, hòa quyện cùng mùi bột, mùi bánh chín thật là lạ, được đứng xem những người thợ đang làm bánh. Họ chia nhau từng công đoạn, bên cái nồi to đựng bột mì đã ủ sẵn, tay ngắt thật đều những cục bột no tròn, thải vào cân rồi đem ra vò tròn to, như cái bánh bao. Người khác se bột cho dài ra, hai tay vũ bột, tiếng kêu vang lên phành phạch, rồi lại se, vũ tiếp..., thật là hay, trong chớp mắt cục bột đã đổi dạng ra ổ bánh, tay cầm que tre vót mỏng, thoăn thoắt gạch vài nhát... người khác xếp bột vào lò, lửa vẫn cháy hừng hực... vĩ bánh chín vàng ươm được lấy ra, cuối cùng là việc dùng cọ quét bơ lên bánh, những chiếc bánh trông thật đẹp, vàng bóng mang hương thơm và hơi nóng tỏa ra ... đúng là "bánh mì mới ra lò...!" Làm sao tôi quên được hình ảnh tôi lò mò xuống garde manger lục lọi được tô tôm rang thơm ngấy, đỏ chót để bỏ vào ổ bánh mì thơm phức rồi nhai ngấu nghiến...
Làm sao quên được có chén nước mắm ngon, vài muỗng mỡ heo, rắc tiêu vào rồi cùng vài ba đứa nhỏ xé bánh mì nhỏ ra chấm vào để ăn, cùng thưởng thức cái hương, cái vị cay của tiêu, cái mặn của nước mắm, cái béo của mỡ, cái thú vui vừa ăn vừa nói chuyện trên trời dưới đất...! Có những khi cái thố mỡ có vẽ con gà trống xanh, đuôi cong vút trong tủ garde manger của Bà cạn đáy, thôi thì lấy cái hộp sữa ông Thọ đã khui sẵn, cho dòng sữa đặc sệt chảy vào chén... kiếm chỗ nào “thanh tịnh”, một mình xé nhỏ ổ bánh mì ra, chấm đậm tay vào sữa vàđưa vào miệng thưởng thức... ôi cái thơm của bánh, cái ngọt ngào của sữa, cái mùi thơm của cả hai, chúng nó hòa quyện vào nhau mà nghe tê tái, lâng lâng cả cõi lòng...!
Thật đã làm sao không diễn tả nỗi...!
Ngày nay, những ổ bánh mì không còn mộc mạc đơn sơ như ngày xưa nữa. Nó mang trong lòng bánh những nguyên liệu cao cấp như paté, jambon, xíu mại, mayonnaise, rau dưa các loại... rất ngon, rất hấp dẫn... Chúng không còn quanh quẩn ở bến xe, bến tàu, chợ quê, xóm chợ nữa mà đã tìm đường vượt ra các Châu lục xa xôi. Nó đã có thương hiệu nổi tiếng của thức ăn nhanh... Được vinh danh xếp vào hàng thứ Sáu của Thế giới...!
Những ổ bánh mì ngày nay không còn khoác trên mình chiếc áo vàng sạm thuần túy như xưa, chúng đã được con người sáng tạo may cho những chiếc áo đen, hồng... để càng làm tăng thêm cái hương, cái sắc của ổ bánh mì càng sinh động, hấp dẫn cái thị giác và réo rức cái bao tử khi nhìn thấy chúng..!
Nhắc để nhớ ký ức ngày xưa, để hoài niệm những hình ảnh, những kỷ niệm của tuổi thơ xưa trong cái không gian, thời gian đã qua hơn nửa thế kỷ...! Thỉnh thoảng, tôi vẫn làm chén nước mắm ngon, ít thôi, rồi tưới mỡ, rắc tiêu và xé bánh mì chấm... mỗi lần ăn như thế ký ức ngày xưa lại bỗng tái hiện rõ như ngày nào...!
Tôi đã có cách tìm và được một vé trở về tuổi thơ...!
Đinh Trực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét