a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

Đi tìm năm sinh và quê quán của Hoàng hậu Nam Phương

 Từ năm 2018 đến nay, Hội quán Các bà mẹ đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm về Hoàng hậu Nam Phương nhưng đôi lúc chúng tôi lúng túng vì thấy các thông tin về ngày sinh cũng như quê quán của bà lại không đồng nhất.

    Ngoài tập sách mỏng bằng tiếng Pháp Souverains et Notabilités d'Indochine ("Tiểu sử vua chúa và thân hào các nước Đông Dương") do Phủ Toàn quyền Pháp tại Đông Dương ấn hành năm 1943, trong đó chỉ có một trang ghi rất vắn tắt tiểu sử Hoàng hậu Nam Phương với ngày sinh 4.12.1914, sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn và xuất bản năm 1995 cũng ghi ngày tháng như trên. Trong khi đó, bia mộ của Hoàng hậu lại khắc ngày sinh là 14.11.1913. Vậy đâu là sự thật?


    Hoàng hậu Nam Phương năm 1934. Ảnh: Tư liệu


    Những bằng chứng giấy trắng mực đen

    Một chiều cuối tháng 3.2023, chúng tôi bấm chuông một căn nhà trên đường Chardon-Lagache, quận 16 Paris, để gặp một nhân chứng đặc biệt.

    Chúng tôi được hân hạnh quen anh Marcel Schneyder từ nhiều năm trước. Anh Marcel mang hai dòng máu Pháp - Việt. Cha anh là René Schneyder, từng là Chánh Văn phòng của Thống đốc Nam Kỳ - thường được xem là nhân vật số hai trong chính quyền thuộc địa tại Nam Kỳ [1]. Mẹ anh là bà Châu Thị Bình, có họ hàng với gia đình thánh Mathieu Lê Văn Gẫm.

    Nhờ mối liên hệ họ hàng đó mà anh đã quen biết từ lúc ở Sài Gòn các chị em trong gia đình Didelot, con người chị của Hoàng hậu. Bà Agnès Nguyễn Hữu Hào kết hôn với Bá tước Didelot năm 1928 và hai người có 5 người con: 4 gái, 1 trai, sinh từ 1929 đến 1941. Sang Pháp, anh vẫn còn giữ liên lạc với hai chị em Monique và Sabine Didelot cũng như với các công chúa Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung.

    Anh Marcel đã cung cấp cho chúng tôi số tư liệu gồm bản sơ đồ gia phả của Hoàng hậu Nam Phương cùng giấy khai tử của bà. Và trong nhiều tháng liền, chúng tôi đã tìm được thêm những bằng chứng chính thức chứng minh Hoàng hậu sinh ngày 14.11.1913:

    1. Bảng chụp sổ khai sanh của Tòa Đốc lý thành phố Sài Gòn năm 1913 trích trong hồ sơ của Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại ở Aix-en-Provence, Pháp. Sổ khai sanh ở số thứ tự 130 ghi:

    Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào sinh ngày 14 tháng 11 năm 1913 lúc 5 giờ 15 phút chiều, tại số 1 đường Rousseau, giới tính nữ, con của Pierre Nguyễn Hữu Hào, 43 tuổi, nghiệp chủ, công dân Pháp nhập tịch, và  vợ là Marie Lê Thị Bình, 34 tuổi, không nghề, cư ngụ tại Sài Gòn, 37 đường Taberd.

    Hôm nay, ngày 17.11.1913 lúc 8 giờ sáng, người cha nói trên đã đem đứa trẻ đến trình diện và khai sinh trước mặt chúng tôi, người lập bản khai sinh này, trước sự hiện diện của Edouard Dussol, kế toán viên hãng Ogliastro, và Gabriel Gueldre, nhân viên Hải quan Đông Dương, cả hai cư ngụ tại Sài Gòn. Hai nhân chứng, sau khi đọc lại, cùng ký bản khai sanh này cùng với chúng tôi, Augustin Foray, Phó Đốc lý thứ nhứt, viên chức hộ tịch, thay mặt Đốc lý.

    Dưới tờ khai có 4 chữ ký: P. Nguyễn Hữu Hào, A. Foray, E. Dussol, G. Gueldre.



    Sổ khai sanh tại Tòa Đốc lý thành phố Sài Gòn 


    2. Bản trích lục sổ Rửa tội tại Thánh đường Sài Gòn năm 1913. Tòa Tổng giám mục Sài Gòn chứng nhận Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan sinh ngày 14.11.1913 tại Sài Gòn, được Linh mục Eugène Soullard rửa tội ngày 18.11.1913 tại Thánh đường Sài Gòn. Cha đỡ đầu là Jean-Baptiste Lê Phát Thanh, mẹ đỡ đầu là Agnès Huỳnh Thị Tài. Giấy chứng nhận do Linh mục Pierre Do Duy Khanh ký, cấp ngày 4.8.2023.

    Bản sao giấy rửa tội do nhà thờ Đức Bà cấp


    3. Bản sao giấy khai tử chứng nhận Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào sinh ngày 14.11.1913, mất ngày 15.9.1963 tại Chabrignac lúc 16 giờ 30 phút. Người khai là Thái tử Bảo Long, 27 tuổi, sĩ quan. Giấy khai tử lập ngày 16.9.1963 lúc 8 giờ 15 phút, do Thị trưởng Henri Bosselut, viên chức hộ tịch, ký cùng với người khai, Thái tử Bảo Long. Bản sao giấy khai tử do Tòa thị xã Chabrignac cấp ngày 20.2.2023.



    Bản sao giấy khai tử


    Giấy khai sanh và khai tử ghi tên họ là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, đúng theo tên chính thức lúc khai sanh. Giấy rửa tội thì ghi tên thánh Jeanne Mariette kèm theo tên Việt Nam là Nguyễn Thị Lan. Cả ba tài liệu đều ghi ngày sinh là ngày 14.11.1913.

    Ngoài ra, sau khi tấn phong Hoàng hậu, hằng năm triều đình đều tổ chức mừng sinh nhật của Hoàng hậu, gọi là lễ Trường Hy vào ngày 17 tháng mười âm lịch (triều đình tổ chức lễ sinh nhật Hoàng hậu căn cứ trên âm lịch, không phải theo dương lịch). Trên mạng có nhiều trang cho phép chuyển đổi tức khắc một ngày dương lịch sang âm lịch và ngược lại. Kết quả là ngày 14.11.1913 theo âm lịch là ngày 17 tháng mười năm Quí Sửu.

    Năm 1935 lễ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 17 tháng 10 năm Ất Hợi, nhằm ngày 12.11.1935. Theo tờ Hà Thành Ngọ Báo: Nhân dịp ngày sinh nhật của Nam Phương Hoàng hậu, Chánh phủ Nam triều có thiết lễ Trường Hy vào ngày 17 tháng 10 ta (12.11.1935). Năm 1936, lễ Trường Hy được tổ chức ngày 17 tháng 10 (năm Bính Tý), tức là ngày 30 tháng 11, 1936. Năm 1938, Hoàng hậu sanh Công chúa Phương Liên ngày 3.11 tại Đà Lạt.

    Lễ Trường Hy 17 tháng 10 (năm Mậu Dần) nhằm ngày 8.12.1938. Năm 1939 Hoàng hậu Nam Phương và các con vừa ở Pháp về đến Huế đầu tháng 11. Tình hình căng thẳng vì Chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa bùng nổ. Lễ Trường Hy nhằm ngày 27.11 (17 tháng 10 năm Kỷ Mão) vẫn được cử hành nhưng đơn giản đến mức tối thiểu.

    Mỗi năm triều đình tổ chức lễ Vạn Thọ để mừng sinh nhật của Hoàng thượng vào ngày 23 tháng 9 âm lịch (ngày sinh của Vua Bảo Đại 22.10.1913 tức là ngày 23 tháng 9 năm Quí Sửu). Nghi thức cử hành lễ Vạn Thọ cũng có chiêm bái tại đình Phụng Tiên, thủ tục vấn an các Thái hoàng thái hậu và Thái hậu, buổi thiết đại triều tại điện Thái Hòa, đình thần đọc biểu tạ, Khâm sứ chúc mừng… Lễ Trường Hy cũng không kém phần long trọng, các cuộc vui còn có phần náo nhiệt hơn lễ sinh nhật Hoàng đế.

    Tất cả những sự việc đó nói lên một điều là triều đình rất coi trọng việc kỷ niệm ngày sinh của Hoàng hậu, đánh dấu bằng một lễ lớn hàng năm.


    Từ trái: hai tác giả khảo cứu (tiến sĩ Vĩnh Đào và Thanh Thuý) bên mộ Hoàng hậu Nam Phương tháng 4.2023


    Quê quán Hoàng hậu không phải ở Gò Công - Tiền Giang

    Trong tình trạng thiếu thông tin chính xác từ những tư liệu lịch sử, nhiều chi tiết về tiểu sử Hoàng hậu Nam Phương được lặp đi lặp lại trong hầu hết các bài viết về Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam: bà là cháu ngoại ông Lê Phát Đạt, một trong bốn người giàu nhất của xứ Nam Kỳ; ông Lê Phát Đạt thuộc một gia đình công giáo lâu đời, người đã xây cất nhà thờ Huyện Sỹ, là cháu chắt của vị thánh tử vì đạo Mathieu Lê Văn Gẫm; thân phụ của bà là ông Nguyễn Hữu Hào, sinh trưởng tại Gò Công - Tiền Giang trong một gia đình đại điền chủ có ruộng đất trải dài hầu hết các tỉnh miền Nam…

    Phần lớn những chi tiết trên đều không đúng với sự thật, nhưng khi một điều sai được nhắc lại liên tục trong một thời gian dài thì có nhiều khả năng nó trở thành sự thật vì không có ai hoài nghi tính xác thực của việc đó nữa.

    Trong mục đích đi tìm nguồn gốc gia đình Hoàng hậu Nam Phương, chúng tôi đã về xứ đạo Thánh Gẫm, quê hương của thánh tử đạo Mathieu Lê Văn Gẫm. Tại đó, chúng tôi khám phá được rằng ông Lê Phát Đạt không có liên hệ họ hàng gì với thánh Mathieu Lê Văn Gẫm, nhưng ông Nguyễn Hữu Hào lại là cháu nội bà Tám, em ruột bà Nguyễn Thị Nhiệm, là mẹ của Thánh Gẫm.

    Vậy, Hoàng hậu Nam Phương có liên hệ họ hàng với thánh tử đạo Mathieu Lê Văn Gẫm nhưng không phải từ gia đình Lê Phát Đạt như nhiều người có thể lầm tưởng, mà do bên gia đình cha, ông Pierre Nguyễn Hữu Hào.


    Nguồn gốc gia tộc thánh Mathew Lê Văn Gẫm (do gia đình ông Lê Văn Bằng ghi)


    Các sách viết về Hoàng hậu Nam Phương cho đến nay đều ghi rằng ông Nguyễn Hữu Hào, thân sinh của bà Nam Phương, "quê ở Gò Công, sinh trưởng trong một gia đình đại điền chủ, có đạo công giáo. Sinh thời, ruộng đất của gia đình ông Hào rải rác khắp các tỉnh Nam Kỳ. Tại quận Long Mỹ thuộc tỉnh Rạch Giá có một nghìn mẫu ruộng thuộc gia đình Nguyễn Hữu Hào". Các thông tin này được lập lại trong nhiều tài liệu viết về Hoàng hậu Nam Phương nên hình như đã được chấp nhận như những sự thật hiển nhiên, không ai chối cãi.

    Tuy nhiên, nếu đối với gia đình Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, ai cũng có thể biết nguồn gốc của gia đình và tài sản được tạo dựng từ đâu. Trong trường hợp Nguyễn Hữu Hào, tuy khẳng định rằng ông sinh ra trong một gia đình đại điền chủ giàu có nhưng không ai biết cha mẹ ông là ai và tài sản gia đình đã có từ lúc nào?


    Hoàng hậu Nam Phương lúc nhỏ và chị gái Agnès bên cạnh cha mẹ - ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình. Ảnh: Tư liệu


    Tiếp theo một bài về Hoàng hậu Nam Phương đăng trên trang nhà Hội cựu học sinh trường Jean-Jacques Rousseau năm 2006 [2], một người trong gia đình Lê Phát Đạt (Pascal Lê Phát Tân, cháu nội ông Nicolas Lê Phát Tân, gọi Hoàng hậu Nam Phương bằng cô), đang sống tại Pháp gởi lời đính chính như sau: "Cha của cô tôi, ông Nguyễn Hữu Hào không phải là điền chủ. Xuất thân từ một gia đình công giáo rất nghèo ở Gò Công, ông đã được Đức ông Mossard, Tổng Giám mục địa phận Sài Gòn, giới thiệu với ông cố tôi (ông Lê Phát Đạt). Cảm động vì tính sùng đạo của ông Nguyễn Hữu Hào, ông cố tôi tuyển dụng ông làm thư ký rồi kế toán viên, và sau giao việc quản lý toàn bộ tài sản của gia đình" [3].

    Và tháng 7 năm 2022, chúng tôi đã về Gò Công – Tiền Giang, gặp và trao đổi cùng nhà nghiên cứu Phan Thanh Sắc. Ông là tác giả của 3 tập sách tập hợp tất cả các công trình nghiên cứu của ông về Gò Công, xác nhận rằng: "Từ năm 1973, sau khi tìm tòi hỏi han khắp miền ở Gò Công, không ai có ký ức về ông đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào nên tôi không tin rằng ông Nguyễn Hữu Hào sanh trưởng từ một gia đình giàu có ở Gò Công" [4].

    Sự thật thì ông Nguyễn Hữu Hào sinh ra trong một gia đình nghèo theo đạo công giáo, nguồn gốc ở xứ đạo Gò Công. Nhưng không phải Gò Công trên đồng bằng sông Cửu Long, mà Gò Công, một địa danh thuộc tỉnh Biên Hòa, gần một con rạch mang tên Gò Công và một con rạch khác tên Trao Trảo. Họ đạo Gò Công nằm ngay trên mảnh đất quê hương của Thánh Gẫm, nay đã đổi tên thành giáo xứ Thánh Gẫm.


    Bản đồ có địa danh Gò Công thuộc vùng phụ cận Sài Gòn năm 1925. Nguồn: gallica.bnf.fr


    Với sự mở mang của đô thị thì khu đất Gò Công cũ, nơi có giáo xứ Thánh Gẫm ngày nay thuộc phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.HCM. Vẫn còn rất nhiều gia đình công giáo sống tại đây, trong đó có nhiều gia đình thuộc dòng dõi thánh Mathieu Lê Văn Gẫm.

    Vì sự lẫn lộn giữa vùng đất Gò Công cũ thuộc hạt hành chánh Biên Hòa và thị trấn Gò Công thuộc tỉnh Định Tường mà đã nảy sinh huyền thoại Hoàng hậu Nam Phương cùng quê hương Gò Công với Hoàng hậu Từ Dụ, một vùng đất đã sản sinh hai hoàng hậu trong lịch sử Việt Nam, một huyền thoại đã sống dai dẳng hơn nửa thế kỷ, bắt nguồn từ một lầm lẫn vì sự trùng hợp giữa hai địa danh!


    Địa danh Gò Công trên bản đồ quân sự trận đánh thành Biên Hòa tháng 12.1861. Nguồn: bienhoadauxua


    Song song với việc tìm hiểu năm sinh thật, chúng tôi dựa trên một tài liệu vắn tắt từ bà Monique Didelot, trưởng nữ bà Bá tước Agnès Didelot, qua anh Marcel Schneyder: ông Pierre Nguyễn Hữu Hào sinh ngày 1.7.1870 tại Tân Hòa, cha là Nguyễn Văn Cường, mẹ là Lê Thị Thương. Ông Hào là con út một gia đình 7 người con, nên được gọi là "ông Tám" theo cách gọi của các gia đình trong Nam. Chị Bảy là Maria Nguyễn Thị Gương, Mẹ Bề trên Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Anh Sáu là Nguyễn Linh Dược, linh mục [5].

    "Linh mục Phêrô Nguyễn Linh Dược sinh năm 1848 trong một gia đình đạo đức ở Thủ Đức. Cha mẹ là những tín hữu hiền hậu, chất phác. Ngài được Đức cha Colombert truyền chức linh mục năm 1876.

    Từ 1876 đến 1882 làm giáo sư Tiểu chủng viện rồi làm thư ký Tòa Giám mục và cha sở Phú Hiệp. Từ năm 1885, lúc 37 tuổi, Cha Dược về làm cha sở Xóm Chiếu, kiêm luôn hai họ Khánh Hội và Tắc Rỗi. […] Điều đặc biệt là từ thuở nhỏ, lúc vừa cắp sách đến trường (khoảng 1859 - 1860), Ngài đã sống tại đây và len lỏi khắp mọi ngõ ngách của vùng đất Xóm Chiếu" [6].


    Ảnh chụp lại từ sách quê quán (gia đình) ông Dược ở Thủ Đức


    Em kế của Linh mục Phêrô Dược và chị của Pierre Nguyễn Hữu Hào là nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Maria Nguyễn Thị Gương ở tu viện Chợ Quán, Sài Gòn.

    Tiểu sử nữ tu Maria Nguyễn Thị Gương được tìm thấy trong tập sách Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán in năm 1970 như sau: "Bà Bề trên Maria Gương sinh năm 1864 tại Xóm Chiếu thuộc gia đình thế gia, đạo đức. […] Bà vào Dòng năm 1880 và khấn hứa năm 1886. Làm Bề trên tu viện Chợ Quán từ năm 1934 đến năm 1940. Sau bao năm tận tụy làm tôi Chúa và giúp chị em trong Dòng, bà qua đời tại tu viện ngày 28.9.1944. Buổi lễ an táng nhằm ngày 30.9.1944, có bà Nguyễn Hữu Hào, em dâu của bà, mẹ của Hoàng hậu Nam Phương, và bà Didelot là ái nữ của bà Nguyễn Hữu Hào, đến dự lễ và đưa linh cữu bà đến nơi phần mộ tại nghĩa trang của tu viện".


    trang sách ghi thông tin bà Nguyễn Thị Gương sinh ở Xóm Chiếu


    Và theo một tài liệu khác là quyển hồi ký Dạo chơi ở Đông Dương của nhà văn – nhà báo Henriette Célarié xuất bản tại Paris năm 1937, chương 10 Một cuộc yết kiến Hoàng hậu có đoạn: “Ngày xưa, ở làng Gò Công, vùng ngoại ô Sài Gòn và cách biển chừng 10 cây số [7], có một người con gái tên Mariette Nguyễn Hữu Hào. Trong dòng họ cô không có ai là vua chúa, quí tộc, hay quan lại. Gia đình chỉ là một gia đình trưởng giả, được nhập tịch Pháp, có đất đai, giàu có bậc nhất ở Nam Kỳ. Và theo đạo công giáo từ nhiều đời”.

    Như vậy, gia đình ông Nguyễn Hữu Hào là một gia đình công giáo lâu đời và rất ngoan đạo; trong số các anh chị em có ít nhất hai người là tu sĩ, riêng ông Nguyễn Hữu Hào đã học tại Tiểu chủng viện Sài Gòn. Người con thứ 5, Linh mục Phêrô Nguyễn Linh Dược sinh năm 1848 tại Thủ Đức, rất có thể trong khu vực Gò Công - Trao Trảo quê hương của Thánh Mathieu Gẫm. Nhưng vào khoảng năm 1859 - 1860, gia đình đã dọn về khu Khánh Hội - Xóm Chiếu, sát với thành phố Sài Gòn, bên kia rạch Bến Nghé. Linh mục Phêrô Dược đã đi học và trải qua thời niên thiếu tại đó. Cũng tại khu Xóm Chiếu này mà người chị thứ 6 - nữ tu Maria Lê Thị Gương sau này - ra đời năm 1864.


    Bút tích trong tờ khai hôn thú của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình ghi: Pierre Nguyễn Hữu Hào sinh tại làng Tân Hoà, Tổng Dương Minh, tỉnh Chợ Lớn (Nam Kỳ)


    Như vậy, không có lý do nào để nói ông Nguyễn Hữu Hào sinh tại/quê quán Gò Công - Tiền Giang được, điều mà gần một thế kỷ nay không có ai đính chính.

    Vĩnh Đào - Thanh Thúy

    (*) Tác giả Vĩnh Đào đã nhận bằng cấp tiến sĩ văn chương từ Đại học Paris IV - Sorbonne với một luận án về nhà văn André Malraux. Ông từng làm việc trong chính phủ Pháp trước khi về hưu vào năm 2008.

    Tác giả Thanh Thúy tốt nghiệp ngành xã hội học, hiện là Hội trưởng - Sáng lập Hội quán Các bà mẹ - nơi đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm về Hoàng hậu Nam Phương.

    Chú thích:

    [1] René Schneyder (1894 - 1973) gia nhập ngạch công chức chính quyền Pháp tại Đông Dương năm 1924, bắt đầu làm Phó Công sứ tại Sơn La rồi Phủ Lạng Thương (nay là tỉnh Bắc Giang). Sau khi người vợ đầu tiên của ông từ trần, ông kết hôn với một phụ nữ Nam Kỳ, và thuyên chuyển sang phục vụ tại Cao Miên, làm Phó Công sứ tại Battambang. Ông trở về Nam Kỳ năm 1935, giữ các chức vụ Tỉnh trưởng Bạc Liêu, Chánh Văn phòng của Thống đốc Nam Kỳ Pierre Pagès, rồi Tỉnh trưởng Gia Định. Chức vụ cuối cùng của ông là Ủy viên Kế hoạch trong Phủ Cao ủy Pháp tại Đông Dương trước khi về hưu năm 1951.

    [2] Georges Nguyên Cao Duc, "L'impératrice Nam Phương", Good Morning n° 65, 10-09-2006.

    [3] http://chimviet.free.fr/25/lephattan.htm (truy cập ngày 24.1.2023).

    [4] Phan Thanh Sắc, Gò Công… lặng thầm hương sắc, NXB Hồng Đức, 2020, tr. 665.

    [5] Marcel Schneyder, điện thơ ngày 4.7.2023.

    [6] Giáo xứ Xóm Chiếu, Giáo phận TP.HCM, Kỷ yếu kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo xứ, Tập Một, 2006, tr. 51.

    [7] Chi tiết này của tác giả Henriette Célarié xác nhận quê quán của gia đình Hoàng hậu Nam Phương không phải ở vùng thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, mà làng Gò Công, "vùng ngoại ô thành phố Sài Gòn", quận 9 ngày nay, cách biển Cần Giờ khoảng 10 cây số.

     BÁO NGƯỜI ĐÔ THỊ




    NỖI KHỔ KHI SỐNG Ở ĐỨC LÀ NHỮNG GÌ?


    Sống trên xứ sở này, cái đau khổ nhất của những người sống lâu năm trên nước Đức, đó là họ không biết mình là ai? muốn gì? hòa nhập thế nào?
    Là Tây hay Việt (dù có người đã vào quốc tịch Tây từ lâu) ...
    Nỗi khó khăn lớn nhất của họ đó là nỗi nhớ mông lung về quê hương thứ nhất, nhớ người thân, xóm làng, ngõ phố, đường làng, con sông ..v..v
    Có một số người cảm thấy không hòa nhập nổi vào xã hội Tây vì nhiều lý do khác nhau, nhưng lại luôn khó chịu khi thấy ai cùng thế hệ như họ hay người quen , con cháu ..v..v lại có vẻ như " hòa nhập " hơn họ ....
    Vì họ cho đó là sự "mất gốc" hay nặng nề hơn thì họ sẽ nói những câu mà chúng ta thường nghe muôn thưở , đó là ..."Dù có làm đủ kiểu đi chăng nữa để chứng tỏ "Tây hóa ", thì các người cũng không thể nào thay đổi được hình dáng da vàng mũi tẹt được đâu " ..vân vân và vân vân
    Niềm vui duy nhất của họ là những nơi tụ tập đông người Việt , là những chiếc vé mua hàng năm để bay về VN.
    Vì ở tuổi này ,mùi nước mắm , mùi phở , mùi khói xe ở quê nhà , hay tiếng ồn ào của phiên chợ sớm , tiếng gọi nhau í ới của người hàng xóm bên nhà ....đó mới chính là một phần không thể thiếu trong cuộc đời họ , vì những cái đó , đã in vào tâm khảm trong họ từ thưở nào.
    Vì khi sang Tây, họ đã dành cả một thời son trẻ để lao vào công cuộc kiếm tiền, cho nên những kỷ niệm đó, chỉ tạm thời bị vùi lấp . Nhưng khi tuổi thanh xuân trôi qua, tuổi xế chiều ập đến , thì những thứ đó đã trỗi dậy một cách mạnh mẽ và luôn ám vào họ trong từng giấc ngủ khó nhọc hàng đêm .
    Sở dĩ họ thường về Việt Nam hay ít khi tiếp xúc với người Đức , đơn giản một điều , là dù họ có nói tốt tiếng Đức, nhưng sự cách biệt về văn hóa và cách suy nghĩ giữa Tây và Ta .
    Cho nên ,dù cố gắng tới đâu, thì cũng khó diễn đạt được cho bạn bè hay hàng xóm người Đức có thể hiểu và thông cảm cho họ ...và thế là cảm thấy cô đơn và lạc lõng từ tinh thần tới thể xác...
    Ngay cả bản thân tôi, tuy chưa già. Nhưng cũng bắt đầu đang và đã sống với quá khứ nhiều hơn. Nhưng tôi vẫn luôn nhận thức rằng , tôi đang sống ở đâu , nơi nào ....dù đôi lúc cũng cảm thấy cô đơn
    Mỗi lần đi công du ở một xứ sở xa lạ khoảng hai tuần, và khi ngồi một mình ở Balkon khách sạn.
    Tôi thường có thói quen nhìn ngắm sao trời khi màn đêm buông xuống, và đôi khi chợt bắt gặp một vì sao sáng nhất trong muôn vàn vì sao đang nhấp nháy trên bầu trời xa thẳm ...thì tự nhiên lại cảm thấy hơi "cô đơn " và cứ nhớ mông lung về một cái gì đó mà bản thân cũng không biết là đang nhớ về điều gì ....
    Vẫn biết rằng trong cuộc đời con người, luôn được chia ra thành nhiều giai đoạn khác nhau.
    Còn tình cảm trong họ ( những người cô đơn) cũng như trong tôi , có thể nói giống như những phím nhạc lúc lên xuống.
    Nhưng ...quá khứ luôn là quá khứ, và tôi ít khi để quá khứ hay hoài niệm kiểm soát cả tâm trí mình , bởi vì đơn giản một điều ..." Người ta đi mãi cũng thành đường và cô đơn mãi cũng thành thói quen ".
    Cái câu ..." Người ta đi mãi cũng thành đường... " là của một cô nhà báo đã từng sống bên Nhật ...và cũng là dòng cuối cùng trong bài viết về sự cô đơn của một số người sống bên Nhật hay viết về chính cô ta cũng không chừng ....
    Cái gì cũng vậy, cô đơn mãi rồi một lúc nào đó trở thành thói quen và có khi là sự tự do và biến thành một góc riêng tư, cũng như sự bình yên lúc nào mà có khi không biết ...để khi giật mình nhìn lại thì đã trở thành thói quen và sở thích từ lúc nào.


    AT - Viết từ nước Đức những ngày cuối năm 2023 




    BỮA ĂN CUỐI CÙNG
    Một sinh viên ra trường thất nghiệp đã lâu, không tìm được việc làm. Sáng hôm đó, anh uể oải thức dậy, lục mãi trong ví chỉ còn 10 dollars cuối cùng. Anh rửa mặt thay đồ rồi lang thang trên phố, hy vọng tìm được bất cứ công việc gì có thể. Nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Đến khi thấy đói, anh ghé vào một quán ăn nhanh để mua một phần ăn cuối cùng và ly soda.
    Anh vừa lấy được phần ăn nóng hổi ngồi xuống bàn, chưa kịp cắn một miếng thì trước mặt anh bỗng xuất hiện một ông lão ăn xin dẫn theo 2 đứa cháu. Trông họ thật tồi tàn dơ bẩn và đói lả. Ông lão van xin anh vì ông cháu họ đã nhịn ăn gần cả tuần rồi. Những đứa trẻ thèm thuồng nhìn cái bánh hamburger anh đang cầm trong tay.
    Chàng thanh niên nhìn lại chiếc bánh, anh cũng đói nhưng anh biết họ còn đói hơn anh. Anh cầm cả khay thức ăn đưa hết cho ông lão. Ông lão ăn xin cảm ơn rối rít, rồi lục trong túi xách rách nát đưa cho anh một đồng xu cổ và nói:
    - Cảm ơn lòng tốt của anh, xin hãy nhận cho lòng biết ơn của chúng tôi.
    Anh chẳng biết làm được cái gì với đồng tiền cổ này, nhưng cũng nhận lấy nhét vào túi cho ông lão yên tâm.
    Chàng thanh niên thất thểu bước ra khỏi quán. Giờ thì anh thật sự đã chẳng còn gì nữa. Không tiền, không việc, không hy vọng cùng cái đói đang gậm nhấm bao tử... Anh đi xuống bờ sông, tìm một chỗ mát dưới gầm cầu, và định nằm đó cho đến khi được lên thiên đàng. Khi loay hoay dọn dẹp xong chỗ nằm, chợt thấy một mẫu báo rách, anh cầm nó lên đọc. Trên báo có mẩu tin: "Một trung tâm mua bán đồ cổ rao thu mua tất cả những đồng tiền cổ với giá cao".
    Anh moi trong túi ra đồng tiền khi nãy ông lão ăn xin đưa cho anh, ngắm nghía một hồi hy vọng biết đâu nó cũng giúp anh mua được vài thứ để nhét vào bụng. Nghĩ vậy nên anh bò dậy và cầm mẩu báo đi tìm địa chỉ. Khi anh đến nơi và chìa tay đưa ra đồng tiền, một chuyên viên trong cửa hàng xem xong gọi ông chủ đến. Ông chủ đem ra một cuốn sách cũ to tướng, rồi cùng anh và người chuyên viên lục tìm mẫu đồng tiền anh đang có. Sau khi tra cứu niên giám kiểm tra mẫu đồng tiền đó, cả ba người té ngửa khi biết nó có giá... 3 triệu dollars.
    Anh mất cả ngày hôm đó để hoàn tất thủ tục mua bán, và sáng hôm sau anh bước ra khỏi nhà với tư cách là người chủ tài khoản ngân hàng với 3 triệu dollars. Anh vui mừng chạy ngay đến quán ăn mà anh đã gặp ba ông cháu ăn xin. Nhưng khi hỏi toàn bộ nhân viên và ông chủ cửa tiệm, không ai biết tung tích của ông lão ăn xin. Chỉ có một nhân viên đưa ra một mảnh giấy, nói là ông lão có viết để lại cho anh.
    Anh mừng rỡ mở ra xem, hy vọng đây là tin nhắn giúp anh tìm được họ. Nhưng trên mảnh giấy chỉ vỏn vẹn có vài hàng: "Cảm ơn lòng tốt của anh bạn trẻ. Anh đã cho chúng tôi tất cả những gì anh có khi anh đã không còn gì nữa. Vậy nên anh xứng đáng để nhận lại phần thưởng từ chủ nhân của Thiên Đường"...
    NH sưu tầm



    18 NƠI CỔ XƯA NHỨT SÀI GÒN..
    1. Ngôi trường xưa nhứt
    Trường Lê Quý Đôn được xây vào năm 1874, hoàn tất năm 1877 do người Pháp quản lý. Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi đổi thành Collège Chasseluop Laubat. Năm 1954, trường mang tên Jean Jacques Rousseau. Năm 1967, trường được trả cho người Việt quản lý mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Từ năm 1975 đến nay đổi tên là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. Hơn một thế kỷ qua trường vẫn giữ được kiến trúc ban đầu.
    2.Nhà máy điện xưa nhứt
    - Nhà máy Điện đầu tiên phải nằm ở: “Địa chỉ số 72 Hai Bà Trưng, bây giờ là trụ sở của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam. Khuôn viên của trụ sở được bao bọc bởi bốn đường, Hai Bà Trưng, Nguyễn Siêu, Thi Sách và Cao Bá Quát. Phía đối diện là Công trường Lam Sơn.
    Trụ sở này hình thành từ năm 1896. Bởi Công ty Điện lực Sài Gòn - Société d’Électricité de Saigon, viết tắt là SEVS, của ông Hermenier. Một năm sau, năm 1897, nhà máy nhiệt điện chạy bằng hơi nước xây dựng trên đất của trụ sở được khánh thành. Đây là nhà máy điện đầu tiên ở Sài Gòn.” (trích tập sách đang gởi để in) – Nhà máy Điện Chợ Quán tới năm 1922 mới hoàn thành.
    3. Nhà thương xưa nhứt
    Nhà thương Chợ Quán được xây vào năm 1826 do một số nhà hảo tâm đóng góp, sau đó hiến cho nhà nước. Năm 1954-1957 nhà thương được giao cho Quân đội và đổi tên thành Viện Bài lao Ngô Quyền. Năm 1974, đổi thành Trung tâm Y tế Hàn-Việt với 522 giường. Tháng 9/1975, mang tên Bệnh viện Chợ Quán. Đến ngày 5/9/1989 chuyển thành Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Hiện nay có 610 Cán bộ-Công nhân viên và 550 giường bệnh. Nhà thương cũng chưa chắc là xưa nhứt. Bởi, cùng năm này có nhà thương Grall, sau này là Nhà thương Đồn Đất, bây giờ là BV Nhi Đồng II, ra đời. Nhưng Nhà thương Grall đã có trước đó, chỉ là chưa có tên chính thức, là bệnh viện phục vụ cho Quân đội Pháp khi đánh chiếm Sài Gòn.
    4. Nhà hát xưa nhứt
    Nhà hát thành phố do kiến trúc sư người Pháp khởi công và hoàn tất vào ngày 17/1/1900. Các phù điêu bên trong được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ XIX. Nhà hát là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem. Năm 1956-1975, Nhà hát được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện cho các chánh phủ Đệ I & II Việt Nam Cộng Hòa; tháng 5/1975 trở thành Nhà hát thành phố với 750 chỗ ngồi. Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn, toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài Nhà hát đã được tu sửa lại như lúc nguyên thủy.
    5. Khách sạn xưa nhứt
    Khách sạn Continental tọa lạc tại 132-134 Đồng Khởi, được xây vào năm 1880 do Kiến trúc sư người Pháp thiết kế, tên khách sạn có ngay từ những ngày đầu. Sau ngày cướp được miền Nam, khách sạn Continental bị Bắc Việt đổi thành Hải Âu. Đến năm 1989, khách sạn được nâng cấp, chỉnh trang và lấy lại tên cũ Continental với diện tích 3430m2, cao 3 tầng, nơi đây đã từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng. Ngày nay, khách sạn Continental là một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là khách sạn sang trọng đầu tiên thôi, chứ trước đó đã có nhiều khách sạn, chẳng hạn như: “Hơn một trăm năm chục năm về trước, miếng đất này là của ông Vương Thái (số 2 Hàm Nghi). Chừng giữa thập niên 1860 ông ta cho xây một ngôi nhà bằng gạch ba từng trên đây. Tòa nhà được được khánh thành vào năm 1867. Khi xây dựng xong, khánh thành thì… Ồ! Nó là một tòa đồ sộ, tòa nhà lớn nhứt, bự khủng khiếp lúc bấy giờ. Và được bàn dân thiên hạ bàn tán, truyền tụng rằng, dinh của ông Thống đốc được đặt từ Singapore đem về, bây giờ chỉ là con tép riu, không đủ “cơ”, không đủ “tuổi” để so sánh…
    … Ông Vương Thái, có một số người gọi là Vương Đại, tên thiệt là Cheung Ah Lum - Trương Á Lâm, hay Zhang Peilin - Trương Bội Lâm, người Pháp thì ghi là Wang Tai. Ông ta là dân làm ăn, người gốc Quảng Đông, có một thời gian sinh sống ở Hồng Kông, rồi tới Sài Gòn vào năm 1858…
    … Cất tòa nhà đồ sộ, một phần ông Vương Thái làm văn phòng, phần còn lại làm khách sạn theo tiêu chuẩn Châu Âu…”
    6. Nhà thờ xưa nhứt
    Nhà thờ Chợ Quán tọa lạc tại số 120 Trần Bình Trọng, P.2, Q.5 được xây vào năm 1674 là nhà thờ cổ nhứt tại Sài Gòn và cổ nhất ở miền Nam. Ngôi thánh đường nằm ở vị trí trung tâm, có kiến trúc kiểu phương Tây, lợp ngói đỏ, có thể chứa khoảng 1000 người. Ngoài việc sinh hoạt tôn giáo, Họ đạo Chợ Quán tích cực tham gia công tác xã hội giúp đỡ người nghèo. Trải qua hơn 3 thế kỷ Nhà thờ Chợ Quán đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, nơi đây có phòng khám và phát thuốc từ thiện dưới quyền quản lý của Hội Chữ thập đỏ [Hội Hồng Thập Tự] Quận 5.
    7. Ngôi đình xưa nhứt
    Một trong những ngôi đình cổ nhất của đất Gia Định xưa và xưa nhất Nam Bộ là đình Thông Tây Hội, được xây vào khoảng năm 1679, là chứng tích còn nguyên vẹn nhất của thời kỳ dân Ngũ Quảng kéo vào khai khẩn vùng Gò đất có nhiều cây Vắp (từ đó trở thành tên địa phương là Gò Vấp). Đình lúc đầu là của thôn Hạnh Thông –thôn khởi nguyên của Gò Vấp, sau đổi thành Thông Tây Hội (do sự sáp nhập của thôn Hạnh Thông Tây (thôn Mới) và thôn An Hội). Đình Thông Tây Hội có vị Thành Hoàng rất độc đáo. Hai vị thần thờ ở đình là hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, do tranh ngôi với thái tử Vũ Đức nên bị đày đi khai hoang ở vùng cực Nam tổ quốc và trở thành “Thủy tổ khai hoang” trong lịch sử Việt Nam; hai vị thần đó là: Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương. Ngôi đình còn giữ được khá nguyên vẹn về quy mô và kiến trúc, kết cấu, với những chạm khắc đặc trưng Nam bộ. Đình Thông Tây Hội thuộc P.11, Gò Vấp.
    8. Nhà văn hóa xưa nhứt
    Cung Văn hóa Lao Động. Năm 1866, với tên gọi Cèrcle Sportif Saigonnais được xây dựng làm sân thể thao cho các quan chức người Pháp với những hồ bơi, sân quần vợt, phòng đấu kiếm và phòng nhảy đầm. Thời Mỹ, sân chơi được mở rộng hơn phục vụ cho cả giới quý tộc. Tháng 11/1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn–Gia Định trao toàn bộ khu này cho Liên đoàn Lao động Thành phố để biến cải thành khu hoạt động văn hóa thể thao và vui chơi giải trí cho công nhân lao động, lấy tên là Câu lạc bộ Lao Động, sau đổi thành Nhà văn hóa Lao Động, và rồi là Cung Văn hóa Lao Động. Diện tích 2.8ha, với 132 năm hình thành và phát triển, Cung Văn hóa Lao Động là Nhà văn hóa cổ và lớn nhứt của Sài Gòn.
    9. Công viên lâu đời nhứt
    Thảo Cầm Viên do người Pháp xây vào năm 1864, nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp Louis Pierre làm giám đốc đầu tiên. Mục đích xây dựng Thảo Cầm Viên để ươm cây giống trồng dọc các đại lộ Sài Gòn, đồng thời là nơi nuôi & trồng những động & thực vật thuộc miền nhiệt đới mà các Thảo Cầm Viên của Pháp lúc bấy giờ chưa có. Năm 1865, chính phủ Nhật đã hỗ trợ khoảng 900 giống cây quý như:
    Chizgnamat, Goyamtz, Acamatz, Coramatz, Kayanoki, Kayamaki, Enoki, Maiki, Asoumaro, Sengni, Momi, Cashi, Kiaki, Inoki… Động vật của Thảo Cầm Viên khá phong phú như: gà lôi, sếu, cu gáy, hồng hoàng, công, hưu, nai, cọp, khỉ, chồn hương, tắc kè, rùa, cọp xám, báo đen, gà lôi xanh, chim cú lợn… Đến năm 1989, Thảo Cầm Viên được trùng tu, mở rộng và nhận thêm nhiều giống thú mới, trồng thêm cây quý. Hiện nay, có 600 đầu thú thuộc 120 loài, 1823 cây gỗ thuộc 260 loài và nhiều loại cây kiểng quý trên diện tích 21.352m2. Năm 1990, Thảo Cầm Viên là thành viên chính thức của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á. Thảo Cầm Viên đã tròn 134 tuổi, số lượng động & thực vật ngày càng tăng, nơi đây đã gắn bó với từng bước đi lên của thành phố và là một trong những công viên khoa học lớn nhứt Đông Dương.
    10. Ngôi nhà xưa nhứt
    Ngôi nhà có tuổi thọ lâu đời nhất còn hiện diện tại Sài Gòn nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, số 180 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3. Năm 1790, Vua Gia Long cho cất ngôi nhà này ở gần Rạch Thị Nghè làm nơi ở cho Linh Mục Bá-Đa-Lộc và làm nơi dạy học cho Hoàng tử Cảnh. Ngôi nhà được xây bên bờ sông Thị Nghè trong địa phận Thảo Cầm Viên bây giờ. Năm 1799, Bá-Đa-Lộc chết, ngôi nhà được giao cho linh mục khác. Từ năm 1811 đến năm 1864 ngôi nhà bị đóng cửa vì chính sách cấm đạo của triều đình Huế. Sau khi vua Tự Đức ký hòa ước với Pháp, ngôi nhà được trao lại cho Tòa Giám Mục và được di chuyển về vị trí đường Alexandre de Rhodes hiện nay.
    Sau đó năm 1900 Tòa Giám Mục được xây cất tại 180 đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) thì ngôi nhà gỗ lại được dời về đây làm nhà thờ của Tòa Giám Mục. Ngôi nhà 3 gian 2 chái, lợp ngói âm dương, sườn, cột bằng gỗ, khung cửa và các khung thờ đều được chạm trổ công phu với hình hoa, lá, chim thú, hoa văn. Trong các di vật còn lại của ngôi nhà có một di vật có giá trị lịch sử lớn, đó là đôi liễn gỗ có tám chữ triện khảm xà cừ là tám chữ vua Gia Long ban tặng giám mục Bá-Đa-Lộc, một bên là “Tứ Kỳ Thịnh Hy”, một bên là “Thần Chi Cách Tư”.
    Ngôi nhà được tu sửa vào năm 1980, cách tu sửa có tính chất vá víu, cốt giữ lại những gì có thể giữ được. Trải qua hai thế kỷ ngôi nhà không giữ được nguyên trạng nhưng đây là một di tích kiến trúc mang dấu ấn lịch sử, tôn giáo và văn hóa nghệ thuật. Đây là một tài sản có giá trị mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta, không chỉ là truyền thống – bản sắc dân tộc mà còn là bộ mặt quá khứ mang tính văn hóa kiến trúc, một khía cạnh văn minh tại một vùng đất mới mọc lên từ đầm lầy, kênh rạch
    11. Ngôi chùa xưa nhứt
    Ngôi chùa có cảnh trí đẹp nhưng nằm ở địa điểm không tiện đi lại nên được ít người biết đến, đó là chùa Huê Nghiêm, tọa lạc ở 20/8 Đặng Văn Bi, Thủ Đức. Chùa được thành lập năm 1721 do Tổ Thiệt Thùy (Tánh Tường) khai sáng. Tên chùa lấy từ tên bộ kinh Hoa Nghiêm. Đây là chùa cổ xưa nhất trong các chùa ở TP Sài Gòn nên còn gọi là Huê Nghiêm Cổ Tự. Những ngày đầu là một ngôi chùa nhỏ được xây cất trên vùng đất thấp cách địa thế chùa hiện nay khoảng 100m. Sau đó, Phật tử Nguyễn Thị Hiên pháp danh Liễu Đạo cúng đất để xây lại ngôi chùa rộng rãi khang trang như hiện nay.
    Qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1960, 1969, 1990 mặt tiền chùa ngày nay mang dáng vẻ kiến trúc của chùa hiện đại nhưng các gian phía trong vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ truyền, mái gian mặt tiền được cấu trúc gồm 3 lớp, nhỏ dần về phía trên. Các đường gờ mái chạy dài xuống cuối đầu đăng đều trang trí bằng hoa văn hình cánh sen đối xứng, giữa là hình bánh xe luân pháp, đặt trên hoa sen. Mái lợp ngói ống màu đỏ, đường viền mái ngói màu xanh.
    Vườn chùa có nhiều cây xanh bóng mát, có 9 ngôi tháp cổ với nhiều kiểu dáng khác nhau như những cánh sen vươn lên. Những hàng cột gỗ trong chùa được khắc nổi các câu đối bằng chữ Hán màu đen kết hợp với việc chạm khắc mô típ “long ẩn vân” dùng trang trí.
    Chùa Huê Nghiêm là một di tích Phật giáo quan trọng, là nơi dừng chân, sống đạo và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật pháp, có đạo hạnh và có đạo đức. Chùa cũng là bằng chứng về trình độ kiến trúc và phong tục tập quán của người Việt trên vùng đất mới khai phá, mở ra nền văn minh trên vùng đất hoang sơ.
    12. Đường sắt đầu tiên ở thành phố
    Tuyến đường sắt đầu tiên ở nước ta là đoạn đường sắt Sài Gòn–Mỹ Tho dài 71km, được xây vào năm 1881. Ga chính trước chợ Bến Thành,..” – Đường sắt đầu tiên thì đi kèm ga đầu tiên luôn thì hay, và ga nằm ở đầu đường Hàm Nghi, gần Cột Cờ Thủ Ngữ, chung ga với đường Xe điện Trên, lúc bấy giờ tuy xe điện cũng chạy bằng hơi nước nhưng kêu là xe điện để phân biện với xe lửa. Năm 1911 mới xây ga mới ở trước Chợ Bến Thành. Xe lửa chạy bằng máy hơi nước phải dùng than củi đốt nồi súp-de nên xe chạy khá chậm. Vì không cạnh tranh nổi với xe đò trong việc chuyên chở hàng hóa và hành khách, đường xe lửa Sài Gòn–Mỹ Tho đã ngưng hoạt động từ lâu. Sau năm 1975, Ga xe lửa Sài Gòn được dời về Ga Hòa Hưng. Vào ngày 8/8/1998, người ta khởi công xây cất Trung Tâm Văn Hóa Thương Mại Sài Gòn trên nền Ga Sài Gòn cũ.
    13. Người Việt đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp
    Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Năm 1859, Pháo hạm Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng và thành cũ Gia Định, triều đình nhà Nguyễn bắt buộc chấp nhận mở cửa đất nước cho tư bản thực dân Pháp xâm nhập. Trong giai đoạn lịch sử mới, người Việt Nam từng bước tiếp xúc với ngôn ngữ và văn minh mới. Trương Vĩnh Ký là một trong những người sớm tiếp xúc và hấp thụ ngôn ngữ văn hóa phương Tây đã trở thành học giả có nhiều sáng tác nhất bằng cả tiếng Pháp và tiếng Hán–Việt. Ông là người Việt Nam đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp. Cuốn “Giáo trình lịch sử An Nam” đã được xuất bản gồm hai tập dày 462 trang. Đây thực sự là một công trình bác học biên soạn công phu dưới ánh sáng của một phương pháp luận khoa học tiến bộ so với đương thời.
    14. Tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên
    Tờ “Gia Định Báo” là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở nước ta ra đời tháng 4/1865. Tờ báo đăng những thông tin nghị định của nhà nước và những tin kinh tế xã hội, lời bàn về thời cuộc, luân lý, lịch sử. Báo ra hằng tháng. Sau 4 năm phát hành, chính quyền thuộc địa cho phép báo phát hành hàng tuần bằng quyết định số 51 ngày 18/3/1869.
    15. Tờ báo đầu tiên của Phụ nữ Việt Nam
    Ngày 1/2/1918 tờ báo chuyên về Phụ nữ đầu tiên ra đời là tờ “Nữ Giới Chung” nhằm nâng cao trí thức, khuyến khích công-nông-thương, đề cao người Phụ nữ trong xã hội, chú trọng đến việc dạy đức hạnh, nữ công, phê phán những ràng buộc đối với Phụ nữ, đánh đổ mê tín dị đoan, động viên Phụ nữ quan tâm đến việc “Nữ quyền”. Muốn có vị trí ngang hàng với nam giới ngoài việc tề gia nội trợ phải am hiểu “tình trong thế ngoài”.
    Chủ bút tờ báo là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, vốn có lòng yêu nước, yêu thương đồng bào như thân phụ nên khi làm báo Bà có ý muốn làm diễn đàn để tỉnh thức lòng yêu nước trong dân chúng. Tuy chỉ tồn tại được hơn 6 tháng nhưng “Nữ Giới Chung” cũng đã gióng lên một hồi chuông nữ quyền còn vang mãi đến ngày nay.
    16. Cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên
    “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” là cuốn từ điển tiếng Việt quốc ngữ La-tinh của Huỳnh Tịnh Của gồm hai tập: Tập I xuất bản năm 1895, tập II xuất bản 1896 tại Sài Gòn. Bộ từ điển chứa nhiều từ ngữ xưa, thành ngữ, tục ngữ, từ ngữ về thảo mộc, cầm thú của Việt Nam và của miền Nam. Bộ từ điển này trở thành Từ điển Bách khoa toàn thư đầu tiên về Nam Bộ.
    17. Người kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên
    Trong lúc ở Sài Gòn, ông Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) đã đứng ra xây cất tu viện dòng thánh Phao-lô (số 4 Tôn Đức Thắng). Đây là công trình xây cất theo kiến trúc Châu Âu do người Việt Nam thực hiện tại Sài Gòn. Công trình được khởi công từ tháng 9/1862 đến 18/7/1864 hoàn thành gồm nhà nguyện với ngọn tháp nổi bật trên cao xây theo kiểu Gô-thic, một tu viện, một nhà nuôi trẻ mồ côi và một tháp chuông. Công trình xây cất này là kết quả nghiên cứu kiến trúc châu Âu của Nguyễn Trường Tộ khi ông ở Hồng Kông. Qua nhiều lần sửa chữa trùng tu, ngày nay tu viện thánh Phao-Lô vẫn giữ được đường nét kiến trúc xưa, chứng tỏ tài năng kiến trúc của Nguyễn Trường Tộ không thua gì các kiến trúc sư người Pháp.
    18. Người Việt Nam đầu tiên vẽ bản đồ địa lý và đồ họa Sài Gòn theo phương pháp phương Tây
    Ông Trần Văn Học, sanh quán ở Bình Dương, giỏi Quốc ngữ, La-tinh và tiếng Tây Dương, được giới thiệu làm thông ngôn cho Nguyễn Ánh. Ông phụ trách việc dịch sách kỹ thuật phương Tây, đồng thời kiêm việc chế tạo hỏa xa, địa lôi và các loại binh khí. Năm 1790, Nguyễn Ánh xây thành Bát Quái. Trần Văn Học phụ trách “phác họa đường sá và phân khu phố phường”.
    Ông rất có tài vẽ địa đồ, họa đồ và kỹ thuật bản đồ như: tỷ lệ, trắc địa, và vẽ gần như chính xác các thành trì và công trình. Ông được coi như là người đầu tiên vẽ bản đồ Sài Gòn-Gia Định theo phương pháp Tây phương.
    Bản đồ Gia Định – Sài Gòn – Bến Nghé do Trần Văn Học vẽ 1815.
    Ảnh : Nhà thờ xưa nhứt ở quận 5
    Đất và Người Nam - Kỳ

    Không có nhận xét nào: