Nói đến Nguyễn Bính, nhà thơ hương đồng gió nội, dường như người Việt Nam thuộc thế hệ chúng tôi trở về trước, không ai là không thuộc dăm ba câu thơ của ông. Nhiều câu thơ của ông đã ru vào lòng người, làm cho nhiều người tưởng đó là ca dao. Cuộc đời của ông cùng khổ, phiêu bạt giang hồ. Có thể nói, đời ông là một tấn bi kịch gắn liền với xã hội đương thời.
Nguyễn Bính sinh năm 1918 tại Nam Định, mất năm 1966 tại quê nhà. Ông chỉ thọ có 48 tuổi, nhưng ông đã để lại cho đời hàng ngàn bài thơ, hầu như bài nào cũng hay, cũng rung động lòng người. Ông viết rất nhiều thể loại, từ kịch, truyện ký, truyện thơ. Song có lẽ hay nhất là những bài thơ ông viết về nông thôn, về đồng quê.
Năm tháng tuổi trẻ của ông gắn liền với Nam Bộ với Hà Tiên, nơi có những nhà thơ Kiên Giang, Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết. Họ là những người bạn thân tình, giúp đỡ ông từ vật chất cho đến tình cảm trong những năm tháng phiêu bạt giang hồ. Những ngày lang bạt, giang hồ ấy, đã gây cho ông nhiều cảm hứng viết nhiều bài thơ thật cảm động và đau thương.
Tiêu biểu cho những cuộc chia ly đứt ruột xé lòng này, tôi cho rằng “Những bóng người trên sân ga“ là một trong những bài thơ hay nhất nói về sự chia ly của thi ca Việt Nam, kể từ khi xuất hiện thơ mới đến nay.
Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.
Có lần tôi thấy hai cô bé
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.
Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở sân toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
Không có gì đau khổ day dứt bằng sự chia ly. Sự chia ly của tình yêu, chia ly của tình mẹ con, chia ly của tình chị em cho đến sự chia ly của tình bạn. Đôi khi là sự chia ly của chính bản thân mình. Nguyễn Bính đã lấy sân ga, con tầu để diễn tả những cuộc chia ly. Những sân ga, con tầu ấy là thực và có khi là sân ga trong lòng ông, trong lòng người đọc. Mở đầu bài thơ bằng vài nét chấm phá, nhà thơ cho chúng ta thấy những cuộc chia ly đau đớn đến xé lòng.
Ông đã dùng hình tượng đàn đứt dây để nói lên những cuộc chia ly này (đàn đứt dây thì làm sao nối lại được, có khác chi sự chia ly đau đớn này, còn có gì bù đắp nổi). Bắt đầu từ sân ga này (là thực) hay sâu thẳm của những trái tim (nghĩa bóng). Những cuộc chia ly đã và đang diễn ra dường như bất tận…
“Những cuộc chia lìa khởi từ đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày…”
Vào bài, ta bắt gặp hình ảnh hai cô bé tiễn biệt nhau ở sân ga. Hai cô bé, chắc chắn nhỏ tuổi hơn nhà thơ. Bài thơ này, Nguyễn Bính viết năm 1937, khi ông 19 tuổi. Hai cô bé còn tuổi học trò. Nhưng tại sao họ phải xa nhau? Có người cho rằng, họ còn rất trẻ với tình cảm thơ ngây, còn non nớt, có thể phải bỏ trường học để đến trường đời, chưa biết nơi nào sắp phải đến… Nhưng tôi nghĩ, phải chăng họ là hai chị em? Cô em tiễn cô chị đi làm ăn xa hoặc về nhà chồng? (năm 1937, ngày đó còn tảo hôn quả thật là những lời ru buồn).
“Có lần tôi thấy hai cô bé
Áp má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
Hình ảnh áp má, chung lưng gợi lên một cảm giác vô cùng lưu luyến, day dứt thơ ngây khi họ phải tiễn đưa nhau. Tình cảm ấy, tuy là hai nhưng đã quyện thành một. Sự giằng xé đó, làm cho cả hai trái tim non nớt phải chơi vơi, khi con tầu kia sẽ đưa một trong hai cô về đâu, về đâu?
Rồi đây nữa, với phép điệp ngữ, từ “Một“ được lặp lại tới ba lần, lời thơ trầm buồn, đâu đây mang hơi hưởng của âm nhạc, Nguyễn Bính đã dựng lại toàn bộ một cuộc chia ly của một người tình với một người tình. Với nỗi buồn man mác, bùi ngùi đơn lẻ đó, chúng ta thử đọc lại đoạn thơ trên:
“Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một sân ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu…”
Buổi chiều là sự báo hiệu sắp kết thúc một ngày, cũng như cuộc tình của họ sắp đi qua chăng? Họ có những chuỗi ngày sống bên nhau thật êm đềm, hạnh phúc, có lẽ nào ngày vui đã hết, giờ chia ly đã đến. Hình ảnh chiều tà, là thời gian, không gian như nghẹt lại, gợi cho ta cuộc chia ly thật nặng nề. Lại một đại từ (phản thân) được lấy lại (nhấn mạnh) “Họ cầm tay họ“ trong cái bóng liêu xiêu ấy, sao mà thấy mong manh đến vậy. Và dường như tình yêu đã vuột ra khỏi tầm tay họ chăng?.
Cũng trên sân ga ấy, Nguyễn Bính cũng bắt gặp đôi bạn thân tiễn đưa nhau. Họ quyến luyến như không muốn rời xa nhau. Người đi đã yên vị trên tầu, người tiễn muốn kéo thời gian lại (chắc nhà người tiễn cũng cách xa sân ga và có thể tầu chạy muộn giờ?). Người đi lo lắng cho bạn, nên giục bạn về ba bốn lần. Nhưng người tiễn đưa lo lắng, lưu luyến cũng không kém. Để rồi trời đã tối, bóng nhòa trong bóng, nhùng nhằng chưa chịu cất bước:
“Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tầu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu…”
Hình ảnh họ nhòa trong bóng tối như hòa quyện trong chung rượu đầy để cùng nhau uống cạn. Ôi! Tình bạn rất đời thường, nhưng có gì đẹp hơn thế không nhỉ?
Một lần khác, trên nẻo đường giang hồ của mình, nhà thơ đã bắt gặp một cặp vợ chồng, tiễn biệt nhau trên sân ga. Họ thẹn thùng, không dám cùng nhau sánh bước. Dường như họ sợ ai nhìn thấy, kể cả người lạ. Do vậy người chồng đi trước người vợ bẽn lẽn theo sau, “Thẹn thùng đưa nhau bóng chạy dài“. Người vợ cởi khăn trầu, lấy tiền đưa cho chồng, người chồng thắt khăn lại không lấy. Họ cứ đùn đẩy cho nhau. Hình ảnh đó, bật lên cái tình yêu, tình vợ chồng, rất dân dã, đời thường.
Trong cuộc tiễn đưa còn có một người thứ ba, đó là người mẹ, nhưng bà không xuất hiện trên sân ga này. Đưa tiền lại cho vợ người chồng nói: “Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi…“ Một sự lo lắng hiếu thảo, đầy tính nhân văn của người nông dân Việt Nam, dưới ngòi bút của Nguyễn Bính:
“Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn đưa nhau bóng chạy dài
Chị cởi khăn trầu anh thắt lại
Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi…”
Một buổi chiều tà với đôi guốc mộc, bộ quần áo nâu nhàu nát, chếnh choáng men say, Nguyễn Bính khật khưỡng trên sân ga. Trước mắt ông một cuộc chia ly thật cảm động, xót xa. Bức tranh đó đã được ông chép lại:
“Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tầu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ xuống bóng sân ga…”
Có lẽ không có hình ảnh nào từ xưa đến nay làm xúc động chúng ta bằng hình ảnh người mẹ già tiễn con ra trận. Trấn ải xa, là nơi biên thùy xa xôi, đầy nguy hiểm. Tầu đã đưa người con trai đi rồi, nhưng bà cứ đứng như trời trồng. Bà nhìn theo mãi con tầu đầy quyến luyến. Sự đau khổ tột cùng đã làm bà gục ngã xuống sân ga.
Hình tượng ấy, vừa thực lại vừa như ảo. Lưng còng đổ xuống bóng sân ga. Lưng bà còng xuống, hay bà cứ đứng từ lúc bóng ban trưa cho đến xế chiều tối, khi ánh nắng làm bóng bà đổ xuống. Dưới cái nhìn, quan sát tài tình, nhà thơ cho ta thấy rõ tình cảnh đau khổ của người mẹ, khi người con phải đi xa.
Có sự cô đơn, lẻ loi nào hơn, khi mình phải đưa tiễn chính bản thân mình. Đã lâu lắm rồi, chúng tôi có được nghe nữ sĩ Anh Thơ nói chuyện về bài thơ này. Tôi nghĩ, có lẽ nữ sĩ đã nói về cuộc chia ly của bản thân và Nguyễn Bính, khi ông đến thăm bà tại Bắc Giang chăng? Rồi ông cô đơn, lặng lẽ ra sân ga, không người đưa tiễn:
“Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng hiểu về đâu nghĩ ngợi gì?
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly…”
Thi sĩ thấy chính mình lẻ loi với cõi đời này, khi xung quanh trống vắng, với đường đi vô định. Những từ bóng lẻ, hững hờ, tôi cho rằng là những từ đắt, hay khi miêu tả tâm trạng trong cái tận cùng của sự cô đơn. Và đâu đây, dường như có lời ca vọng về: “Còi tầu xé nát trái tim…“ Con tầu lăn bánh báo hiệu một sự chia cắt, phân ly. Có những cuộc chia ly có ngày gặp lại và những cuộc chia ly không bao giờ gặp lại. Phải chăng con tầu lăn bánh, như đang lăn chính trong lòng người thi sĩ. Và nhà thơ đang thả hồn vào từng câu thơ đó:
“Những chiếc khăn mầu, thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở nơi đâu hơn chốn này…”
Trước đây có một số đánh giá, phê bình, khen chê ở mức độ khác nhau, nhưng không ai có thể phủ nhận cái mới và sự trong sáng của từ ngữ trong thơ, dù nó được Nguyễn Bính viết cách nay đã trên bảy mươi năm. Bài thơ không được viết theo thể lục bát, loại sở trường của Nguyễn Bính và nó như là những thước phim lặp lại nhiều lần, nhưng người đọc, người xem, vẫn cảm thấy hay và đầy cảm xúc.
Do vậy, tôi hoàn toàn đồng ý với nhà thơ Vũ Quần Phương, khi ông cho rằng: “Thơ tả tới 6 cảnh, hầu hết đều mở đầu bằng bốn từ: “Có lần tôi thấy”… dễ đơn điệu lắm. Nhưng đọc xong bài thơ không hề cảm thấy điều đó, bởi mỗi cảnh ngộ tác giả lại phát hiện một trạng thái tâm lý mới…”
Đỗ Trường
Hắn bỏ hai chiếc vali to đùng lên xe rồi kêu cậu Tuấn lái xe kiểm tra xe một lần cuối trước khi khởi hành. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng bảy âm lịch là cả nhà hắn lại về quê để giỗ Mẹ. Năm nay, hắn quyết định về sớm hơn mọi lần hai ngày.
Cậu tài xế và vợ hắn có vẻ thắc mắc nhưng không dám hỏi. Chiếc ô tô chạy chậm chậm trên con đường ngoằn ngoèo, băng qua những quả đồi nhấp nhô đang mùa thu hoạch gỗ tràm. Xe đang lăn bánh bất ngờ hắn bảo dừng…..dừng lại. Cậu lái xe tên Tuấn
vội đạp thắng cho xe dừng lại nhưng chưa kịp hiểu chuyện gì. Hắn mở cửa bước xuống, ngước mặt nhìn lên trời xanh một thoáng rồi bước về phía sau nơi có một người phự nữ đang lui cui gom nhặt những cây củi bên đường. Nghe tiếng chân, người phụ nữ ngước lên, chị ta tầm ngoài 40 tuổi, nước da sạm nắng. Phía xa hơn một chút có hai đứa trẻ, đứa lớn khoảng 10 – 12 tuổi, đứa kia nhỏ hơn. Hắn nở một nụ cười nhìn chị rồi tiến lại gần nhỏ nhẹ hỏi: “Chị ơi, củi này thì mình bán bao nhiều tiền một bó?” Đang làm mệt nhưng có một người lạ hoắc hỏi nên chị miễn cưỡng trả lời: “Tùy lúc chú ơi, mà chú hỏi để mua hay làm gì vậy?” Hắn lắc đầu không nói mà cúi xuống giúp chị sắp xếp lại những cây củi cong queo rồi phụ chị bó lại, dựng sát vào vệ đường.
Hắn quay lại xe lấy ra mấy lon nước ngọt giơ tay vẫy hai đứa trẻ lại để đưa cho tụi nó. Hai đứa nhỏ mắt tròn xoe ngạc nhiên vì được cho quà, nhưng cái nhìn nghiêm khắc của mẹ làm chúng khựng lại. Có lẽ bản năng người mẹ đã buộc chị phải làm thế để bảo vệ con mình trước sự đường đột của một người khách lạ. Như hiểu được suy nghĩ của người phụ nữ, hắn nhỏ nhẹ nói; em cũng là người ở đây nhưng em đi làm xa mới về, nhà em ở thôn Hạ đó chị. Đến lúc này thì gương mặt người phụ nữ mới giãn ra kèm theo cái gật đầu và nụ cười thân thiện. Ngồi trên xe vợ hắn hơi thắc mắc và có chút bực mình vì hành động của hắn có vẻ kì lạ nên chị ta mở cửa cùng hai đứa con bước xuống. Hắn giới thiệu với người phụ nữ đó đây là vợ và con em, tiện thể hắn buột miệng hỏi thế anh làm việc gì mà không phụ giúp chị? Chị lắc nhẹ đầu, bất chợt hai giọt nước mắt rớt ra giọng chị nhỏ lại; anh ấy mất rồi, hắn xin lỗi vì thấy mình hỏi một câu quá ngốc! Hắn nhỏ nhẹ hỏi mình chị nuôi hai đưa chắc vất vả lắm chị ha? Như được trút cõi lòng người phụ nữ nói tiếp: “Anh ấy đi để lại hai đứa nhỏ mình chị lo cho chúng ăn học. Nhà có hai sào ruộng mỗi khi gieo sạ xong là chị rảnh rỗi, những lúc như vậy hễ ai kêu gì chị làm nấy để kiếm tiền, không có ai kêu làm thì ba mẹ con đi mót củi để bán. Sắp tới khai giảng rồi mà...” Nói đến đó, giọng chị ta nghẹn lại những giọt nước mắt lại rơi xuống đất.
Sau một khoảng lặng thinh, hắn quay lại xe mở túi xách lấy ra một xấp tiền, cẩn thận cho vào một chiếc phong bì rồi quay lại chỗ người phụ nữ. Cái này em cho hai cháu để chị mua sách vở và vài bộ đồ, chị cầm đi đừng ngại. Quá bất ngờ, người phụ nữ cương quyết không nhận. Chị không nhận một phần vì lòng tự trọng và một phần nữa, đó là sự nghi ngờ vì chẳng có ai lại tốt bụng đến thế! Hắn đưa mắt cầu cứu vợ, như hiểu ý, vợ hắn bước tới đặt tay lên vai người phụ nữ, giọng thân thiết: “Cái này là tụi em thấy thương hai đứa nhỏ, năm học mới sắp đến rồi chị cầm lấy đi tụi em không có ý gì đâu.” Vừa nói, vợ hắn ý tứ luồn chiếc phong bì qua tay bỏ vào chiếc túi áo đã cũ, người phụ nữ đẩy ra nhưng bàn tay chị đã bị giữ lại. Sau vài câu trò chuyện, vợ chồng hắn chào người phụ nữ và hai đứa nhỏ rồi lên xe, còn người phụ nữ kia không quên cúi đầu và liên tục cảm ơn trong nước mắt.
Xe chạy, cô vợ hỏi hắn anh quen chị ấy hả? Không, hắn trả lời kèm theo cái lắc đầu. Không khí trên xe trở nên nặng nề, vì vợ hắn và cả cậu lái xe có quá nhiều thắc mắc nhưng nhìn gương mặt lạnh tanh của hắn chẳng ai dám hỏi gì thêm. Về đến nhà, hắn được vợ chồng cậu hắn cùng mấy đứa em ra tận ngõ đón. Vừa xách vali, cậu hắn vừa bảo: “Cậu dọn sạch sẽ hết rồi, chỉ còn mấy cây cỏ trên mộ mẹ con cậu để cho con về nhổ thôi.” Hắn cảm ơn cậu và theo bước vào nhà. Sau bữa cơm tối, vợ hắn lấy quà ra phân phát cho mọi người trong gia đình và một số người bà con xa. Ngoài ra vợ hắn cũng không quên những phần quà cho những nhà láng giềng, vì mỗi khi vợ chồng về họ đều tới thăm.
Mới hơn 9 giờ tối nhưng ở vùng quê tưởng chừng như khuya lắm, khách đã ra về hết, cậu mợ chuẩn bị đi ngủ, hắn pha ấm trà mới rồi rủ cậu lái xe cùng ngồi uống. Như để giải đáp cho hành động ban chiều nhằm giải tỏa cho cậu ta và cũng là một cách để chia sẻ nổi lòng, hắn chậm rải kể: Ngày đó nhà hắn nghèo lắm, bố hắn là một gã đàn ông chỉ có công duy nhất là tạo ra hắn trên cõi đời này, còn sau đó là mất hút. Hắn được một tay mẹ hắn tần tảo nuôi lớn với sự giúp đỡ lúc có, lúc không của những người cậu và bà con bên ngoại. Hắn khá thông minh, học giỏi và năng động nên dễ hòa đồng và luôn được Thầy yêu, bạn mến.
Ngày hắn đỗ đại học, mẹ hắn làm hẳn một mâm cơm to mời bà con đến chia vui và mọi người đều có một chút quà dành cho hắn. Món quà không to nhưng chứa đựng tất cả những chân tình cũng như nổi vất vả của người dân nơi vùng quê nghèo ấy. Hôm đó mẹ hắn rất vui, nhưng đằng sau niềm vui ấy là một nỗi lo toan đang lớn dần, phải làm thế nào để có tiền lo cho 5 năm đại học của hắn? Nhưng lúc đó hắn đang sung sướng với niềm vui dâng trào, nên đâu thấy những giọt nước mắt của mẹ.
Ngày hắn nhập học, mẹ hắn bảo: ”Con nhớ ăn uống đầy đủ để có sức mà học, cố gắng học cho giỏi để sau này không phải khổ như mẹ nghe con.” Nói đến đó, mẹ hắn lặng im vì tiếng nấc đã chặn lại tất cả. Trong những năm hắn học đại học, mẹ hắn làm mọi việc để có tiền nuôi hắn. Từ rửa chén bát thuê đến đi phụ giúp việc nhà. Lúc lên rừng kiếm củi, khi xuống ruộng gặt thuê v.v.v.. Thậm chí vay mượn nhiều nơi để cho hắn kịp đóng tiền học phí, để không phải chịu kêu tên mà xấu hổ với bạn bè.
Năm thứ tư, hắn được đi thi cùng đội tuyển của trường, may mắn hắn giành được giải nhất. Để thể hiện một chút với bạn bè, hắn lấy số tiền thưởng cùng với ba triệu đồng mà mẹ mới gửi ra mời bạn bè một bữa thịnh soạn. Sau khi gọi bia kèm theo các món ăn hải sản, cả đám cùng nâng li với những tiếng dô dô ầm ĩ. Bữa tiệc đang cao trào thì hắn ra chỗ dựng xe để lấy món quà vào tặng cô bạn gái. Đúng lúc chiếc tivi đặt bên ngoài đang phát lại chương trình “NHỮNG CÁNH CÒ ĐI QUA GIÔNG BÃO”, hắn nhìn lên hình ảnh người phụ nữ gầy gò, đen nhẻm đang ngồi tựa vào ghế vừa nói vừa thở không nổi kia không ai khác hơn chính là mẹ hắn. Mẹ hắn đang run run nhận lấy một số thuốc và số tiền 3.000.000đ của những nhà hảo tâm, lúc đó hắn mới biết lâu nay mẹ hắn bị bệnh lao phổi nhưng giấu không cho hắn biết. Phải chăng số tiền ấy là số tiền hắn mới nhận chiều nay, để giờ đây hắn đang ung dung cùng bạn bè nâng những cốc bia và nhấm nháp những con tôm càng béo ngậy. Nghĩ đến đó, tai hắn như ù đi, mắt hoa lên và bất chợt những tiếng nấc tuôn ra khỏi cổ. Vội vàng thanh toán bữa tiệc, hắn xin phép đi về, trước cái nhìn ngơ ngác của nhóm bạn.
Ào vào kí túc xá, hắn gom vội mấy bộ đồ, tài liệu và chiếc máy tính rồi leo lên xe phóng vội trong đêm vì linh tính có một điều gì đó khủng khiếp đang chờ hắn. Gần sáng, hắn cũng về tới nhà. Thấy mọi người lao nhao, hắn chột dạ. Vừa nhìn thấy hắn, Dì hắn đã khóc và nói với ai đó: “Hắn về đây rồi, đừng gọi điện nữa.” Hắn lao vào nhà. Mẹ hắn nằm trên giường, thở dốc, cố ngước đôi mắt lên nhìn nó và nói: “Mẹ thương cho con quá, còn một năm nữa mà mẹ đi như vầy không biết ai lo cho con, con ơi...!” Tiếng mẹ hắn nấc nghẹn theo từng cơn ho sặc sụa, hắn bật khóc òa như một đứa trẻ, hắn khóc như chưa từng được khóc.
Như cố lấy chút sức lực cuối cùng, mẹ hắn kề tai nói nhỏ: “Chương trình “NHỮNG CÁNH CÒ ĐI QUA GIÔNG BÃO” họ mới cho mẹ năm triệu nữa, mẹ cất dưới gối đó. Con nhớ cất rồi ráng tiện tặn xin thêm ai đó, không thì mượn đỡ sau này đi làm rồi trả để mà ráng học cho đến tốt nghiệp nghe con.” Nói đến đó, mẹ hắn lặng im, nước mắt ứa ra nhìn hắn lần cuối, cổ họng nấc lên vài tiếng rồi hai tay buông thõng. Hắn rống lên: “Mẹ…ơ……i”, rồi chết lặng! Dãi nắng dầm mưa lên rừng xuống biển làm kiếm tiền nuôi hắn, lại không dám ăn uống đủ chất để bồi dưỡng cơ thể nên căn bệnh lao lực đã cướp đi mẹ hắn khi mùa lễ Vu Lan đã gần kề. Mẹ hắn ra đi khi ánh bình minh vừa ló rạng và một ngày mới đang về. Đó cũng là ngày bắt đầu hắn chịu cảnh mồ côi!
Sau khi mẹ mất, hắn tưởng như ngã quị, nhưng nhờ sự động viên của người thân và bè bạn, hắn đủ sức tiếp tục học. Cũng từ đó hắn trở nên ít nói, hay suy tư và thơ thẩn mỗi chiều. Hắn hối hận vì giá như hắn biết quan tâm đến mẹ hơn, biết chăm sóc và tằn tiện, có lẽ mẹ hắn không ra đi sớm như vậy.
Để rồi chiều nay trên đường về giỗ mẹ, hắn bắt gặp lại hình ảnh ngày nào. Cái hình ảnh đã cho hắn sự lớn khôn và có được ngày nay trên đôi cánh cò run run của mẹ hắn. Chính vì cái hình ảnh ấy nên hắn muốn được chia sẻ với người phụ nữ đó như một cách tạ lỗi với Mẹ, một sự sẻ chia mà lẽ ra hắn đã phải làm từ lâu lắm!
Có tiếng nấc nhẹ phát ra từ sau lưng. Thì ra nãy giờ vợ hắn đã nghe hết câu chuyện, những suy nghĩ vu vơ bao thắc mắc khi chiều đã bay đi hết. Choàng tay qua ôm vợ, hắn nghe môi mình mặn chát. Cậu tài xế cúi đầu như cố giấu một điều gì đó. Có tiếng chó sủa vu vơ ngoài đầu xóm. Đêm miền quê tĩnh mịch đến lạ thường. Những giọt sương đêm rơi lộp độp. Có tiếng trẻ con khóc thét bên nhà hàng xóm. Rồi tất cả rơi vào im lặng. Tiếng gió lào xào. Đêm chầm chậm trôi...!
Truyện ngắn của Nguyễn Đặng Hà Anh