Hoàng hậu Nam Phương là một hình ảnh tiêu biểu về vẻ đẹp người phụ nữ Việt thời phong kiến và có thể còn có giá trị lâu bền.
Người Việt quan tâm lịch sử, ai cũng biết hoàng hậu Nam Phương là một người đàn bà đẹp. Trong khi đức lang quân của bà - Bảo Đại, ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn, thường bị phê phán bởi sự bất lực trước thời cuộc và lối sống xa hoa giữa lúc đất nước chìm trong bóng đen ngoại xâm, thì hoàng hậu Nam Phương luôn được nhắc tới với sự trân trọng. Bà không phải là một nhân vật lịch sử có công lao với đất nước. Bà được trân trọng vì ngoài ngoại hình đầy quyến rũ của người đẹp đất Gò Công, còn mang những đức tính tốt đẹp một phụ nữ của gia đình theo quan niệm “tứ đức” truyền thống: công, dung, ngôn, hạnh.
Mỗi thời đại, mỗi dân tộc có những quan niệm khác nhau về vẻ đẹp của người phụ nữ. Vẻ đẹp của bà cũng phù hợp với quan niệm dân gian được tích lũy qua những câu ca dao:
Những người con mắt lá răm
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.
Hoặc:
Những người thắt đáy lưng ong
Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.
Và cả vẻ đẹp về tâm hồn :
Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe.
Cũng từ kho tàng văn hóa dân gian, còn có bài ca dao Mười thương đáng chú ý nói về vẻ đẹp của phụ nữ Việt xưa:
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương em ở một mình,
Mười thương con mắt đưa tình với anh.
Dù chưa phải là tổng quan nhưng qua đó ta cũng thấy toát lên quan niệm thẩm mỹ của người xưa đối với phụ nữ. Vẻ bề ngoài ấy trên một cơ thể nhỏ nhắn, đầy đặn, da trắng hồng, lưng ong với đôi mắt lá răm hay mắt bồ câu sắc như dao cau và nụ cười tươi hoa ngâu là nét đẹp cơ bản hình thể của phụ nữ Việt xưa:
Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen
Ngày nay, phụ nữ Việt không còn răng đen hạt huyền, cổ yếm đeo bùa, khăn đội đầu hoặc thiên về tóc bỏ đuôi gà nữa, nghĩa là quan niệm về cái đẹp bề ngoài đã thay đổi theo thời gian. Nhờ sự phát triển của khoa học dinh dưỡng và y tế, chiều cao phụ nữ được nâng lên, thân thể cân đối đầy sức sống cả ba vòng, gương mặt khả ái rạng rỡ. Đặc biệt, với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ thẩm mỹ, vẻ đẹp hình thể phụ nữ hiện đại ngày càng hoàn hảo. Mũi có thể nâng cao cho phù hợp với khuôn mặt . Mắt có thể cắt xẻ cho thêm long lanh “cửa sổ tâm hồn ”. Ngực có thể giải phẫu lớn nhỏ tùy thích để tăng thêm gợi cảm “đôi gò bồng đảo”. Mông có thể luyện tập cho gọn gàng hấp dẫn. Lông có thể được thanh tẩy mịn màng nơi cần thiết. Thậm chí, chiều cao cũng có thể nâng thêm cho thanh thoát, uyển chuyển.
Phẫu thuật thẩm mỹ rõ ràng là hết sức lợi hại và cần thiết cho phụ nữ, nhất là những người chẳng may bị tạo hóa… hơi bất công. Cái lợi thì như trên đã nói. Nhưng cái hại cũng rất nguy nan. Một khi cái giả hòa quyện với cái thật thì dễ chấp nhận, đạt hiệu quả thẩm mỹ. Còn nếu cái giả nhiều hơn cái thật thì trở nên phô và phản cảm. Đó là chưa kể nếu lạm dụng quá mức sẽ chịu những hậu quả khôn lường về sau. Nhìn khuôn mặt biến chứng lúc lớn tuổi do giải phẫu thẩm mỹ của vài người đẹp lẫy lừng giới nghệ sĩ Sài Gòn một thời, các bạn trẻ chắc chắn sẽ thấy “hoảng” mà rút kinh nghiệm cho bản thân mình.
Khác với hình thể bề ngoài, quan niệm của xã hội ngày nay về vẻ đẹp tâm hồn phụ nữ Việt vẫn không không khác xưa mấy. Người phụ nữ đẹp, đáng yêu vẫn phải biết “ăn nói mặn mà có duyên” và “miệng cười như thể hoa ngâu”, cùng với “nết ở khôn ngoan” và cung cách ứng xử thông minh, tinh tế, dịu dàng, khéo léo từ gia đình đến ngoài xã hội. Khác chăng là cái nhìn đối với phái đẹp hiện đại được bình đẳng hơn, tự do hơn, dân chủ hơn và họ có quyền thoát ly gia đình để tham gia mọi hoạt động bên ngoài xã hội, chứ không chỉ chăm chăm lo công việc nội trợ như xưa.
Trở lại với vẻ đẹp bên ngoài. Tạo hóa sinh ra người phụ nữ có cấu trúc thể hình cơ bản giống nhau. Do môi trường sống và chất lượng sống, phụ nữ của mỗi sắc tộc, vùng miền, lãnh thổ, châu lục có sự khác nhau về màu da, vóc dáng, chiều cao và cả những chi tiết trên gương mặt. Quan niệm thẩm mỹ về hình thức phụ nữ từ đó cũng khác. Năm 2014 vừa qua có câu chuyện rất thú vị khi nhà báo Esther Honig, 24 tuổi ở thành phố Kansas, bang Missouri, Mỹ đã gửi một bức ảnh chụp chính cô tới 40 người ở 25 quốc gia kèm theo yêu cầu “Hãy làm sao cho tôi thật xinh đẹp”. Sau đó cô đã nhận lại 40 tấm ảnh được xử lý qua photoshop và đăng tải tất cả trên trang web cá nhân mình. Cũng với khuôn mặt Esther Honig nhưng được chỉnh sửa thành 40 chân dung ấn tượng khác nhau. Một họa sĩ ở Argentina đã làm mỏng đôi lông mày khiến cô trông nữ tính hơn, trong khi ở Ấn Độ và Israel thì lông mày cô được tái tạo dày và sẫm màu hơn mang vẻ đẹp sắc sảo, bí ẩn. Nếu như từ Morocco, bức ảnh cô nhận lại với chiếc khăn xanh trùm kín đầu kín đáo, thì từ đảo quốc Philippines mái tóc vốn búi cao của cô được bung ra trở nên phiêu bồng. Rõ ràng, bên cạnh sở thích cá nhân của những người tham gia chỉnh sửa thì các bức ảnh đó còn phản ánh quan niệm khác nhau về cái đẹp theo nền văn hóa của họ.
Nếu như ví mỗi người Việt Nam là một đại sứ thì mỗi người đẹp khi bước ra “sàn đấu” thế giới là một vị “đại sứ đặc biệt” trong việc quảng bá, tôn vinh hình ảnh đất nước và con người, giúp cho bạn bè hiểu thêm dân tộc ta đã vươn lên mạnh mẽ ra sao từ những bi kịch đau thương của lịch sử. Đây là một sứ mệnh thiêng liêng chứ không đơn thuần chỉ là cuộc thi vì danh vì lợi cho cá nhân hoặc tổ chức riêng lẻ nào. Một khi thấu hiểu được sứ mệnh đó, từ những người có trách nhiệm đến các thí sinh sẽ biết cách chuẩn bị cho mình vốn liếng tri thức, bản lĩnh văn hóa để tự tin bước ra với thế giới hội nhập và rộng mở.
Vẻ đẹp hình thể tất nhiên không thể thiếu trong đua tranh nhan sắc. Nhưng vẻ đẹp hình thể chỉ được tôn vinh khi vẻ đẹp trí tuệ thăng hoa. Đó cũng chính là vẻ đẹp chủ yếu của tinh hoa Việt, bản sắc Việt để tạo nên sự khác biệt của phụ nữ Việt so với bạn bè thế giới.
PHAN HOÀNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét