a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

“Khi thức dậy, không thấy tôi, mình đừng khóc!” – câu chuyện xúc động về tình già



“Khi không có tôi bên cạnh, mình vẫn phải chăm sóc bản thân và sống vui vẻ. Nếu mình cảm thấy cô đơn quá, thì có thể về ở với thằng cả. Vợ chồng nó sẽ thay tôi chăm sóc mình”.Ông cụ quay sang nhìn người bạn già đi bên cạnh mình, ông mỉm cười:
– Bà này, mỗi buổi sáng, dậy sớm, đi tập thể dục, nghe chim hót, ngắm mặt trời lên, có bà bên cạnh, với tôi cứ như là đã chờ đợi từ lâu lắm rồi.
– Thì ông công tác xa, lại được giữ lại làm cố vấn, tôi ở xa ông cũng quen rồi. Có khi bây giờ ông về, tôi lại chưa quen ấy chứ!
– Cái bà này, tôi kể cả là ở xa, nhưng khi ở bên bà, tôi có thấy lạ gì đâu? Tôi vẫn thấy lòng mình thanh thản lắm.
– Thì giờ già rồi, chỉ mong thanh thản thôi.
Ngày nào họ cũng cùng nhau đi như thế, dưới con mắt ngưỡng mộ của cả người trẻ và người già. Người trẻ nhìn ông bà mà ước: “Ước gì già mình cũng được như thế!”. Người già thì ghen tị vì có người còn có người bạn đồng hành, có người thì không. Nhưng nhiều khi già rồi, lại trái tính, trái nết, mấy ai mà được tình cảm như hai ông bà. Tình già vẫn còn vương, nhất là cụ ông, cũng xấp xỉ bảy mươi tuổi nhưng vẫn phong độ, nhanh nhẹn lắm. Đúng là quân nhân có khác, được rèn luyện qua gian khổ nên mới được như vậy. Cụ bà có vẻ yếu đuối hơn, lưng bà cũng đã không còn thẳng nữa, nhưng khuôn mặt phúc hậu khi nào cũng lấp lánh ánh cười.
Ông kéo ghế cho bà ngồi xuống bên cạnh, còn mình thì ngồi chiếc ghế gỗ nhỏ. Ông chăm chú nhìn nồi cháo đang sôi, thỉnh thoảng lại lấy muôi khuấy cho cháo đỡ bị dính dưới đáy nồi. Bà bảo để bà làm cho, nhưng ông nhất định không chịu, ông cười:
– Bao nhiêu năm, chỉ toàn bà nấu cháo cho các con tôi, cho bố mẹ tôi, bây giờ, tôi có nấu cho bà ăn tới hết đời cũng chưa thỏa lòng mà!
Bà nhìn ông, đôi mắt nâu đã nhạt màu vì thời gian ngân ngấn nước, mấy sợi tóc bạc trắng của bà phất phơ trước mặt. Bà vén mấy sợ tóc cho gọn rồi nhìn ông:
– Thứ tôi nuối tiếc duy nhất là khi còn trẻ chúng ta không được sống gần nhau. Ông là một người đàn ông dịu dàng. Nhưng bây giờ, ông về rồi. Với tôi thế là đủ!
Ông nhìn bà, ánh mắt lấp lánh niềm vui và ngập tràn yêu mến. Đúng là khi già, người ta mới cần người làm bầu làm bạn, có người sớm tối bên nhau, câu chuyện câu trò thì cùng nhau ăn bát cháo trắng cũng ấm lòng biết mấy.
Bà nhìn giàn mướp trổ đầy hoa vàng, những con ong mật từ đâu kéo về bay vo vo trước hiên nhà. Ánh nắng buổi sáng chưa gắt, chút gió mát thổi lại khiến không khí thoáng dịu vô cùng. Bà nhắc ông:
– Thằng cả nó bảo hôm nay nó cũng nghỉ phép đưa cả vợ con nó về đấy. Ông tính mua cái gì về làm cơm bây giờ?
– Ôi dào, bà kệ chúng nó, nó về khắc biết mua gì mà ăn. Bà chăm nó mấy chục năm, phải để nó chăm lại bà chứ?
– Nhưng mà chúng nó về đây, biết cái gì mà mua.
Ông nhìn bà, ánh mắt cười vẫn không đổi.
– Thì mua được cái gì, ăn cái đó!
Bà cũng cười nhìn ông:
– Vậy thì nghe ông!
Ông bưng hai bát cháo để lên chiếc bàn nhỏ ở góc sân, hai ông bà ngồi ăn cháo và nói chuyện gì đó rất vui, khiến bà cứ nhìn ông rồi tủm tỉm cười hoài. Những nếp nhăn trên mặt cứ xô vào rồi lại giãn ra, như dấu bước của thời gian, cứ im lìm, lặng lẽ nhưng không thể xóa nhòa.
***
Khi còn trẻ, hai ông bà cùng mệnh Kim nên người ta nói, ở với nhau rất hay va chạm. Bà là người phụ nữ thông minh, lại chịu thương chịu khó, nhưng cũng khá bướng bỉnh, nên khi nào ông cũng là người nhường nhịn bà. Ông cười:
– Thua ai mới sợ, chứ thua vợ là đương nhiên! Này nhé: Tôi làm sao mà đẻ được hai đứa con vừa ngoan ngoãn như bà, làm sao mà một lúc chăm cả bốn đứa trẻ (ý ông nói là cả bố mẹ chồng, các cụ xưa chả có câu: “Một già, một trẻ bằng nhau” mà). Bà lại còn biết sửa điện, biết tháo lắp các đồ điện trong nhà bị hỏng. Bà biết nấu những món ăn ngon mà chỉ về nhà, tôi mới được ăn. Nói chung là vì bà vĩ đại như thế nên tôi thua là cái chắc.
Có lẽ suốt cuộc đời bà, chưa khi nào phải cãi nhau với ông, vì ông lúc nào cũng yêu thương và tôn trọng bà.
Trong thâm tâm bà cũng vậy, khi còn trẻ, lấy ông vì yêu ông, và cho tới tận bây giờ, tình cảm đó vẫn không thay đổi. Ngày ấy trẻ, những lần ông về, khi nào hai ông bà cũng nằm tâm sự tới khuya, có lần bà ôm ông nói:
– Sau này chúng mình già, anh không được chết trước em, em không muốn sống cô đơn một mình. Em đã sống cô đơn một mình nhiều rồi, nay mai anh về, em không muốn mình lại phải một lần nữa sống như thế. Vì vậy, nhất định anh phải sống lâu hơn em đấy! Em sẽ rất sợ nếu một sáng nào đó em tỉnh dậy và chỉ còn lại một mình. Em sẽ khóc đến hết nước mắt! Em không muốn sống cô đơn không có anh lần hai. Anh nhớ nhé!
Từ đó, bà thấy ông ít uống rượu hơn, nghe nói, ông còn bỏ cả thuốc lá mặc dù ông nghiện nặng. Không phải vì ông muốn sống lâu hơn bà, mà vì ông muốn, khi về già, ông phải khỏe mạnh hơn bà để có thể chăm sóc bà, và cũng có thể, để sống bên bà tới cùng thì thôi. Ông cũng sợ phải sống một mình, nhưng ông sợ bà phải sống một mình hơn. Nhưng nỗi niềm ấy, ông không nói cho bà biết. Đàn ông thường là thế. Yêu ai yêu hơn cả tính mạng của mình, nhưng vẫn cứ lặng lẽ mình mình biết, mình mình hay.
***
Từ ngày có ông về nhà, bà vui vẻ lên nhiều, sức khỏe cũng tốt hơn, bệnh huyết áp thấp của bà cũng đỡ nhiều. Sáng nào ông cũng dậy sớm hơn, đánh thức bà và họ lại nắm tay nhau đi tập thể dục. Vậy mà đột nhiên mấy hôm nay, khi nào bà tỉnh dậy cũng chỉ thấy có một mình trên giường, ông thức từ khi nào? Ông đã đi tập thể dục một mình sao? Bà thầm nghĩ: “Cái ông này, làm gì cũng được vài bữa”. Thật ra, cái “vài bữa” bà nói ấy cũng đã hơn ba năm rồi.
Bà dậy, mặc thêm cái áo len, trời sang thu nên buổi sáng hơi lạnh. Bà thấy ông từ đằng xa, tay xách túi đồ ăn sáng, khuôn mặt có vẻ đăm chiêu, nhưng vừa nhìn thấy bà, ông lại mỉm cười ngay được. Bà nhìn ông, người đàn ông cao lớn, đẹp trai ngày nào, rồi cũng thành một ông già, thời gian trôi cứ ngỡ mới là hôm qua. Thời gian cũng thật khắc nghiệt với con người và với cả tình yêu.
Thấy vẻ mặt suy tư của bà, ông cười:
– Bà lại đang nghĩ gì thế?
– Tôi chỉ nghĩ không biết ông đi đâu?
– Tôi đi mua bánh khúc của bà Dần đấy. Món này bà thích nhất mà. Bà ấy làm bánh khúc cũng ba, bốn chục năm rồi ấy nhỉ?
– Bánh khúc của bà ấy thì chẳng ai làm ngon được bằng ông ạ. Từ ngày hai đứa con nhà mình mới hai, ba tuổi đã ăn bánh của bà ấy rồi. Mà ăn bánh khúc của bà ấy rồi thì đi ăn ở đâu cũng không thấy ngon nữa.
– Nhưng vừa rồi bà ấy bảo, bà ấy bán nốt tuần này thôi. Bà ấy thấy mệt rồi.
Bà thở dài, nhìn ông:
– Thì chúng ta già cả rồi mà. Mà sao dạo này không thấy ông đánh thức tôi dậy cùng thế?
Ông nhìn xa xa, rồi quay lại nhìn bà, ánh mắt vẫn âu yếm như thế:
– Tôi thấy bà ngủ ngon quá, nên không đánh thức bà dậy.
– Lần sau, ông cứ đánh thức tôi dậy đi cùng ông!
Ông biết tâm tình của bà. Ông đưa tay nắm lấy tay bà, bảo:
– Thôi, tôi với bà về ăn bánh khúc nào!
Nhưng rồi tất cả những buổi sáng sau nữa, ông vẫn không đánh thức bà. Khi nào tỉnh dậy trên giường, bà cũng chỉ thấy có một mình. Lúc đầu bà có chút hốt hoảng, nhưng sau vài buổi sáng, bà biết, ông không đi đâu xa, ông chỉ đang ngồi ở ngoài sân hoặc lại đi mua đồ ăn sáng, nên bà vẫn thấy an lòng. Bà chỉ thấy thắc mắc, dạo này nhiều lúc vắng bà, ông lại trâm ngâm đến lạ. Có lần bà về rồi, nhưng ông không biết, khuôn mặt ông nặng trĩu suy tư. Chợt bà thấy lòng mình có chút bất an.
Ông đang ngồi nấu cháo bên chiếc bếp than nhỏ quen thuộc ở góc sân, nhưng nồi cháo đã trào cả ra ngoài mà ông không biết. Bà cầm chiếc áo khoác lên người ông rồi mở vung nồi cháo cho đỡ trào. Giọng bà vẫn dịu dàng như mọi khi:
– Buổi sáng cuối thu rồi, trời sắp chuyển lạnh đấy ông ạ. Mà dạo này, tôi thấy ông gầy đi!
Ông đưa mắt nhìn bà, miệng nở một nụ cười:
– Bà yên tâm, tôi ốm sao được!
– Nhưng dạo này, tôi thấy ông cứ suy nghĩ đi đâu ấy!
– Tôi thì nghĩ đi đâu được ngoài bà.
***
Mấy tháng sau, người ta không còn thấy hình ảnh hai vợ chồng già dắt tay nhau đi dạo nữa. Mà chỉ thấy có một mình bà cụ đi vào mỗi buổi sáng. Khuôn mặt bà không còn rạng rỡ như ngày nào. Đôi mắt dường như mờ đục hơn, như được phủ mờ bởi một lớp sương mỏng. Bà đi quanh một vòng rồi lặng lẽ về nhà, nấu cháo, múc hai bát và đặt trên bàn. Bà ăn cháo và ánh mắt bà lại lấp lánh ánh cười.
Một năm sau, đúng ngày ông mất, bà cũng ra đi. Khi con gái dọn dẹp đồ đạc của cha mẹ mới phát hiện ra lá thư của ông viết cho bà, nét chữ run run, nhòe ướt, không biết vì nước mắt của ông khi viết hay của bà mỗi khi đọc, cô chỉ thấy những nếp gấp gần như bị rách ra:
Mình à!
Tôi muốn được sống lâu hơn mình để có thể nấu cháo cho mình ăn mỗi sáng, đánh thức mình dậy mỗi sáng và để mình không phải sống cô đơn một mình những năm tuổi già. Khi trẻ, tôi đã để mình sống cô đơn như vậy. Tôi muốn bù đắp lại cho mình.
Những ngày tháng này là những tháng ngày hạnh phúc nhất đời tôi. Khi được sống bên mình, được chăm sóc cho mình để bù đắp những tháng ngày tôi không làm tròn trách nhiệm của một người chồng. Nhưng ông trời không chiều lòng người rồi.
Tôi biết, nếu đột ngột một sáng nào đó mình tỉnh dậy và không còn thấy tôi ở bên cạnh nữa, chắc hẳn mình sẽ không chịu nổi đâu. Nên khi tôi biết tôi bị ung thư giai đoạn cuối, tôi biết tôi sẽ chẳng sống được lâu nữa. Tôi đã hết sức lo lắng bởi tôi lại thất hứa với mình rồi. Sáng nào tôi cũng tỉnh giấc trước mình và để mình lại đó. Tôi muốn mình quen cảm giác ấy đi. Để sau này khi tôi đi rồi, mình không quá hụt hẫng. Không biết mình đã quen chưa, nhưng dù sao, khi thức dậy một sáng nào đó, không có tôi bên cạnh, mình cũng đừng khóc đấy!
Khi không có tôi bên cạnh, mình vẫn phải chăm sóc bản thân và sống vui vẻ. Nếu mình cảm thấy cô đơn quá, thì có thể về ở với thằng cả. Vợ chồng nó sẽ thay tôi chăm sóc mình.
Tôi vẫn chưa nói câu này với mình: Tôi yêu mình!.
Bức thư trên tay cô gái chữ đã nhòe gần như không đọc được nữa. Lau nước mắt, cô gái lặng lẽ đặt bức thư của bố dưới bức ảnh của mẹ trên bàn thờ. Dù không thể cùng đi với ông, nhưng cuối cùng bà cũng đã thỏa nguyện được về gần ông. Cô gái thấy tự hào về bản thân mình, vì cô được sinh ra từ chính tình yêu sâu đậm, đẹp đẽ của cha mẹ mình. Và cô tin, ở một nơi nào đó, chắc hẳn, bố cô lại sáng sáng đánh thức mẹ dậy, hai người cùng nhau thong dong đi tập thể dục mỗi sáng, trong ánh mắt mờ đục vì thời gian của họ, hạnh phúc vẫn cứ hiện lên rạng ngời hơn cả ánh bình minh!
Tiêu đề do ĐKN đặt
Không có mô tả ảnh.
TRÁNH CHIẾC ÁO TỪ BI

GN- Chuyện xưa kể rằng, có một hiệp khách bôn tẩu giang hồ. Người này rất giỏi võ công, lại có tâm trừ gian diệt bạo, bênh vực kẻ yếu thế. Ngày nọ hiệp khách đi ngang qua ngôi làng, gặp lúc bọn cướp đang cướp bóc của dân lành liền ra tay trừ bạo.
Với thanh kiếm quý trên tay, anh ta chiến đấu và lần lượt hạ gục nhiều tên cướp. Sau cùng tên đầu sỏ bỏ chạy vào một ngôi chùa ở cuối làng. Hiệp khách đuổi theo, đến chùa anh tra kiếm vào vỏ rồi thận trọng đi vào chùa. Tới chánh điện, anh đảnh lễ Phật và sau đó đi tìm tên cướp.
Nhưng thật lạ hắn biến đâu mất. Hiệp khách đi vào hậu liêu, đến trai đường thì thấy một người mặc áo nhà sư đang ngồi quay mặt vào trong. Anh bước vào, định hỏi thăm, thì bất ngờ người này rút thanh kiếm giấu dưới gầm bàn, quay phắt lại phạt ngang một đường, tiếng kiếm rít trong gió nghe rợn người. Nhưng thật may, với võ công tuyệt đỉnh, hiệp khách ngả người ra sau, tránh được nhát kiếm chí mạng ấy.
Ngay tức thì, hiệp khách nhảy ra ngoài sân chùa rút kiếm giao đấu với tên cướp. Và lát sau dân làng cũng kéo đến rất đông để chứng kiến trận so tài. Họ thấy một điều rất lạ là người hiệp khách chỉ tránh những đường kiếm hiểm ác của tên cướp. Còn khi tấn công, anh ta chỉ cố đưa mũi kiếm của mình vào những vị trí nút thắt của chiếc áo cà-sa mà tên cướp đang mặc… Với tuyệt kỹ của mình, người hiệp khách cũng lần lượt phạt đứt những chiếc khuy vải của áo cà-sa. Và đường kiếm sau cùng thay vì kết liễu tên cướp, hiệp khách dùng mũi kiếm hất tung chiếc áo cà-sa ra khỏi người tên cướp.
Chiếc áo bay lên, sáng ngời không gian và khi rơi xuống lại phủ đúng lên thân thanh kiếm và người ta chỉ còn thấy chiếc mũi kiếm đang gí ngay yết hầu của tên cướp. Tên cướp buông kiếm đầu hàng và dân làng liền ùa vào trói gô hắn lại…
Một bô lão trong làng, chắp tay cảm tạ người hiệp khách và hỏi: Tráng sĩ võ công cao cường như vậy sao không hạ hắn sớm mà cứ vờn hắn làm dân làng lo quá? Người hiệp khách nói rằng: Dù hắn là tên cướp, nhưng tôi cố tránh chiếc áo từ bi nhà Phật mà hắn đang khoác trên người, mặc dù trước đó hắn đã dùng chiếc áo để bẫy tôi…
Chuyện của ngày xưa nhưng vẫn còn nguyên giá trị với hôm nay. Hiện tại, rất có thể có ai đó lợi dụng chiếc áo để bẫy người khác, dù đó là cá biệt. Chiếc áo nhà Phật và kẻ xấu là hai chuyện rất, rất khác nhau, không thể đánh đồng với nhau được.
Phật pháp muôn đời bất ly thế gian pháp. Thế gian đầy sân si mộng ảo, không việc chi mà không có tội. Vì vậy nên như hiệp khách kia cần hết sức cẩn thận với những hành động cũng như phát ngôn của mình, nhất là với chiếc áo từ bi của nhà Phật. Nếu bên trong chiếc áo tu là một kẻ bất thiện, thì trước tiên hãy đánh bật chiếc áo ra khỏi người kẻ xấu, tránh làm tổn hại đến biểu tượng tốt đẹp của những bậc chân tu nói chung...
Hoàng Dũng Hùng.
( GIÁC NGỘ Online )

"BỎ QUA ĐI TÁM"










Người Sài Gòn thuở xưa (kéo dài cho tới trước năm 1975) ưa nói câu "Bỏ qua đi Tám".
Sao không nói "Bỏ qua đi Hai / Ba / Năm / Chín...", một thứ tự nào đó bất kỳ, mà phải là "Tám"?
Theo tìm hiểu, người Sài Gòn định danh cho nghề nghiệp, chức vị một người trong xã hội bằng thứ bậc và nó dính chặt vô thứ bậc luôn, nghe rất ngộ nghĩnh.
* HAI: Để chỉ dân có học, làm việc trong các công sở.
Tỉ dụ "Thầy Hai thơ ký", "Thầy Hai thông ngôn"...
* BA: Để chỉ giới thương gia người Hoa, tạo thành một thế lực dễ nể. Nghe gọi "Chú Ba", biết ngay đó là người Hoa.
* TƯ: Tức các đại ca trong giới giang hồ, tuy kiếm sống bằng nghề đâm thuê, chém mướn nhưng cũng có "đạo nghĩa" chớ không tạp nhạp, thiếu nghĩa khí như các băng nhóm "trẻ trâu" bây giờ.
Người Sài Gòn gọi là "Anh Tư dao búa", giới bình dân và kể cả một số tiểu thơ khuê các coi bộ cũng có nhiều thiện cảm với các "Anh Tư dao búa" này.
* NĂM: Để chỉ giới lưu manh móc túi, cò mồi mại dâm..., nên gọi bằng "Anh Năm đá cá lăn dưa".
* SÁU: Để gọi giới Cảnh sát, người Sài Gòn hay nói "Thầy Sáu phú lít", "Thầy Sáu mã tà".
* BẢY: Khi cần vay vốn làm ăn thì gặp các "Anh Bảy Chà và", hồi xưa người Ấn Độ qua Sài Gòn, họ thường buôn bán vải và nhứt là làm nghề kinh doanh tín dụng (cho vay).
* TÁM: Đây là thành phần đông đảo nhứt trong xã hội thời bấy giờ, họ làm đủ thứ nghề thuộc về lao động chân tay như: (bốc vác, gánh nước, phu xe, con sen...), tức là chỉ giới bình dân.
* CHÍN: Dùng chỉ giới chị em kinh doanh "vốn tự có", gọi bằng "Chị Chín Bình Khang".
(Trên đây có hai thứ bậc được gọi bằng "thầy": "Thầy Hai", "Thầy Sáu phú lít".
Làm nghề Cảnh sát, người Sài Gòn tuy gọi là "Thầy" nhưng xếp dưới cả dân đâm thuê chém mướn là "Anh Tư dao búa", "Anh Năm đá cá lăn dưa").
* Trở lại với thành ngữ "Bỏ qua đi Tám":
Thứ bậc "Tám" thuộc về giới bình dân, họ không ăn trắng mặc trơn như "Thầy Hai", giàu có như "Chú Ba", "Anh Bảy Chà và", bặm trợn như "Anh Tư dao búa" hay "Anh Năm đá cá lăn dưa", thành thử họ yếu thế hơn. Mỗi khi đụng chuyện chẳng lành, họ ưa khuyên nhau đừng để ý tới làm gì cho nhức đầu: thôi "Bỏ qua đi Tám"!
Riết rồi, câu nói này cũng lan qua các thành phần xã hội khác, thay vì nói chữ nghĩa "dĩ hòa vi quý" để khuyên nhau, người Sài Gòn nói gọn bâng, "Bỏ qua đi Tám", cho thấy cách sống hiếu hòa được ưa chuộng hơn hết.

(Nguồn: Sài Gòn Xưa)





Bí ẩn về ngôi nhà của người “khai sinh” Đà Lạt

Ngôi nhà của người tìm ra Đà Lạt, bác sĩ Alexandre John Émile Yersin (1863-1943), nay không còn nhưng mới đây, một nhà nghiên cứu về Đà Lạt đã công bố tấm ảnh được xác định là nhà của Yersin, tọa lạc ngay khu vực trung tâm TP. Đà Lạt ngày nay.
Người đang lưu giữ tấm ảnh về ngôi nhà của ông Yersin ở Đà Lạt là nhà nghiên cứu về kiến trúc Đà Lạt - Lê Phỉ. Ông Phỉ cho biết, đây là tấm ảnh cực kỳ quý hiếm bởi ngôi nhà này đã bị phá hủy cách đây từ rất lâu.
Tấm hình trên không phải do ông chụp mà được một người bạn bên Pháp gửi về tặng ông cách đây ít năm. Dưới chân tấm hình có chú thích “Dr. Yersin’s house in dalat” (Nhà của bác sĩ Yersin tại Đà Lạt). Trong tấm hình là một ngôi nhà cấp 4, được xây dựng lưng chừng trên một quả đồi với nhiều cây bụi bao quanh cho thấy không gian chung quanh thời bấy giờ vô cùng hoang vắng. Ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ, có sân, cửa chính hướng xuống phía dưới thung lũng.
Điều đặc biệt, phía hông trái có một lán nhỏ có thể được lợp bằng lá cỏ tranh, một vật liệu phổ biến của cư dân bản địa dùng lợp nhà thời bấy giờ, không rõ gian mái tranh này được dùng để làm gì.
Theo ông Lê Phỉ, đây là ngôi nhà mà bác sĩ Yersin ở lại Đà Lạt để giúp viên toàn quyền Đông Dương Paul Doumer quy hoạch, phát triển Đà Lạt thành nơi nghỉ dưỡng cho quan chức và quân đội Pháp.
Căn cứ vào những tài liệu lịch sử và hồi ký của chính bác sĩ Yersin, ông Phỉ khẳng định ngôi nhà này được xây dựng trong khoảng thời gian 1900 - 1910.
Địa điểm của ngôi nhà được ông Phỉ xác định là khu vực gần nhà thờ Tin lành, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 1, TP Đà Lạt ngày nay. Hiện vẫn không rõ ngôi nhà này bị phá vào thời điểm nào.
Theo một số tài liệu ghi lại, sau ba cuộc thám hiểm liên tiếp vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, bác sĩ Yersin tìm ra Cao nguyên Lâm Viên. Ngày 21/6/1893, đứng trước phong cảnh hùng vĩ ở độ cao cách mặt biển 1.500 thước, ông bày tỏ cảm nghĩ của mình tại cuốn hồi ký như sau: “Cảm tưởng của tôi rất sâu xa khi vượt khỏi rừng thông; tôi đối diện với một cao nguyên mênh mông, không cây cối và hoang vu, có dáng như một vùng biển xao động mãnh liệt bởi một loạt sóng cồn ba động màu xanh biếc. Dãy núi Lâm Viên đứng sừng sững ở phía chân trời tây bắc cao nguyên, làm cho phong cảnh tăng thêm vẻ đẹp và nổi bật trên một hậu cảnh mỹ lệ”.
Theo hồi ký ông viết, lúc ông đặt chân đến vùng này, thì ở đây chỉ có rải rác vài làng của thổ dân người Lát tụ họp dưới chân núi, dân cư thật là thưa thớt.

# Dalat Xưa và Nay
# Dalat Bác sĩ Yersin
Nguồn st

Góc thư giãn...



+ Alô ! Con chim nhỏ của anh đấy à ?
- Không ! chim bố đây.
- Ấy chết ! Cháu xin lỗi bác!Bác có khỏe không ạ ?
- Khỏe để đánh nhau với ai?
- Dạ ... cho cháu hỏi Trang có nhà không ạ ?
- Nó không có nhà thì là dân vô gia cư à ?
- Dạ, dạ ... ý cháu là Trang có ở nhà không ạ ?
- Nếu không thì sao ?
- Thế ... Trang đi đâu ạ ?
- Ðến cơ quan rồi.
- Bác cho cháu số điện thoại của Trang được không ạ ?
- Nó có nhiều số lắm!
- Bác cho cháu xin một số thôi ạ !
- 8...
- 8 rồ i... mấy nữa ạ?
- Thì cậu bảo chỉ cần một số thôi mà .....
- Dạ bác cho cháu xin nốt mấy số còn lại luôn ạ
- 5 7 3 6 8 2, còn sắp xếp sao thì tùy cậu .
Lời bình: Thái độ của người khác đối với mình là do cách sống của ta. Hãy học ăn, học nói, học gói học mở để người khác khỏi coi thường mình.
+Hai người bạn thân ở chung một phòng trong lúc rảnh-rỗi ngồi nói chuyện với nhau, như sau:
-Hôm qua, tao vừa rủ người em bé nhỏ đi chơi mà trong túi không có được đồng xu teng nào hết, thế có sợ không cơ chứ. Nhưng, tao vẫn quyết-định cứ rủ nó đi.
Người bạn kia, hứng chí vỗ vào đùi rồi bảo:
-Ông thật là can-đảm!
Chẳng mấy chốc, người này lại được kể tiếp câu chuyện hơi lạ, rằng:
-Cũng chẳng can-đảm gì đâu. Chả là, khi tới nơi, tao mới biết là trong túi quần mình mặc lại có một đống tiền, thế là hai đứa bọn tao tha hồ xài cho hết số tiền ấy, chẳng thắc mắc, bận-tâm gì hết.
-Thế đấy. Ông Trời thường vẫn không phụ lòng người tốt bụng, ấy mà.
-Chưa hết. Khi về đến nhà, mới phát-giác ra rằng: tao lỡ mặc nhầm quần của mày đấy. Thế có chết không?”
Lời bình: xài tiền chùa bao giờ cũng dễ. Nhưng bạn nên nhớ cái gì cũng có luật bù trừ nhé
Chúc cả nhà một ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ

SƯU TẦM





Trong vụ cướp ngân hàng một tên cướp hét lên: "Tất cả nằm xuống, nên nhớ Tiền thuộc về nhà nước, còn mạng sống thuộc về các người". Mọi người trong ngân hàng nghe xong liền im lặng nằm xuống....!!!!!!
👉 Điều này gọi là "Cách thức khai tâm - thay đổi những suy nghĩ theo lối mòn".
📌Có cô nhân viên nằm trên bàn trong tư thế khêu gợi, một tên cướp hét lên: " Làm ơn cư xử văn minh, chúng tôi là cướp chứ không phải những kẻ h.i.ế.p d.â.m!".
👉 Điều này gọi là "Hành xử chuyên nghiệp - chỉ tập trung vào công việc mà bạn được huấn luyện !".
📌 Khi tên cướp quay lại, một tên cướp trẻ hơn ( có bằng MBA ) nói với tên cướp già hơn ( kẻ mới tốt nghiệp phổ thông ): " Đại ca, có phải đếm xem chúng ta cướp được bao nhiêu tiền không ?". Tên cướp già gằn giọng : " Mày ngu lắm, bao nhiêu tiền, đếm thế nào được ? Đợi đi, tối nay TV sẽ nói chúng ta cướp được bao nhiêu !".
👉 Điều này được gọi là: "Kinh nghiệm - ngày nay thì kinh nghiệm quan trọng hơn bằng cấp sách vở"
📌 Sau khi băng cướp rời khỏi, giám đốc chi nhánh định gọi báo cảnh sát. Kế toán trưởng vội vã chạy đến, thì thầm vào tai ngài. "Đợi đã, hay để số tiền chúng ta biển thủ vào trong số bị băng cướp lấy mất !".
👉 Điều này được gọi là: "Bơi theo dòng nước - chuyển đổi những tình huống bất lợi thành thuận lợi"
📌 Người giám đốc tự nhủ: " Vậy thật tuyệt nếu cứ mỗi tháng lại có một vụ cướp !".
👉 Điều này được gọi là :" Hãy loại bỏ những điều khó chịu - Hạnh phúc là điều quan trọng nhất "
📌 Ngày hôm sau TV đưa tin 100 triệu đã bị cướp ở nhà băng. Những tên cướp đếm đi đếm lại thì chỉ có 20 triệu. Chúng rất giận dữ. " Chúng ta đã mạo hiểm mạng sống của mình chỉ để lấy 20t, bọn chó đó chỉ ngồi chơi mà cướp được 80t. Đúng là học hành, có bằng cấp thì chúng nó được ngồi cái ghế ấy, cướp tiền siêu đẳng hơn chúng ta!".
👉 Điều này giải thích tại sao: "Kiến thức giá trị như ...vàng

SƯU TẦM



CHÁU VÀ ÔNG.
-Ông ơi,một năm có bao nhiêu tháng?
-Một năm có 12 tháng.
-Sao người ta không gọi tháng 1 mà gọi là tháng giêng?
-Ơ...
-Ông ơi ,1 tuần có mấy ngày?
-Một tuần có 7 ngày.
-Sau không có ngày thứ 1 mà bắt đầu từ thứ 2 rồi đến chủ nhật mà không gọi là thứ 8 ?
-Ơ...
x X x
-Ông ơi,cho con xin mười "nghìn" mua bánh ăn.
-Sao là mười nghìn.Con phải nói là mười ngàn chứ.
-Vậy ông đưa tiền cho con đi.
-Đây nè...
-Ông đọc đi...
-Mười nghìn đồng...Ơ...
x X x
-Ông ơi, ông dạy không được nói dối phải không?
-Đúng rồi.
-Sao ông nói dối.
-Ông nói dối cái gì ,?
-Hôm qua ông khen bà đẹp quá.
-Ơ..

Bầu Tèo.

Hai quả trứng gà và ông hàng xóm - Bảo Huân


image

Tháng 11 trời Connecticut bắt đầu lạnh, cái lạnh làm se cả lòng người xa xứ. Tôi bước đi chậm rãi, ngắm vội vài lá vàng rơi rụng. Trời trong xanh thì thầm gọi chào buổi sáng. Lần đầu tiên, tui được nhìn thấy mùa thu xứ Mỹ. Đã quá thu rồi! Ừ, vậy mà, thu vẫn đi êm đềm nhẹ nhàng vào lòng người thật khó tả!

 image

Tui nghe tiếng má tui gọi ơi ới “Khanh ơi”. Tui giật thót mình, hồn thu đang dạt dào tự nhiên... bay mất. Tui lật đật quay đầu trở lại, thấy má tui đang đứng lớ ngớ bên ngoài cửa apartment (chà! có chuyện gì đây?) Má tui trả lời gọn lỏn “Cửa đóng rồi, cứng ngắc không mở được. Đang luộc 2 trứng gà, không vặn lửa lớn, nhưng để lâu cháy nhà.” Trời đất, tui nghe tới đây, hồn vía như lên tới tận mây xanh, mới qua Mỹ có 3 ngày đâu biết tiếng Anh tiếng em gì? Réo gọi ai đây, điện thoại cũng không có, tui phải làm sao bây giờ? Trời lạnh mà mồ hôi rịn ra ướt cả lưng áo.

 image

Tự nhiên như có phép lạ, một ông già Mỹ trắng lù lù thò cái đầu từ cửa sổ bên cạnh nhà ra (chắc là nghe tiếng động). Má tui đứng mà nhảy tưng tưng, ông bước ra ngoài, rồi hỏi một tràng tiếng Mỹ, tui không hiểu gì hết (biết trả lời lại chết liền!) Tui nhìn qua nhìn lại, má tui nhanh như hỏa tiễn thời chiến tranh VN, xáp tới ổng, giơ hai tay lên làm dấu như 2 quả trứng, ổng lắc đầu. Má tui tiến thêm bước nữa, đưa hai tay lên (cong ngón cái và ngón trỏ lại với nhau) tạo thành hình tròn rồi chỉ vào bộ ngực của má tui (hình như trên đời này, khi không còn cách nào nói cho đối phương hiểu, chỉ còn cách là làm tín hiệu có sẵn ngay trước mắt). Giống như 2 quả trứng, ổng cũng lắc đầu nguầy nguậy.

 image

Quýnh quáng quá, như là phản xạ tự nhiên, má tui tiến sát vào ổng, và chỉ gần phía dưới bụng (chỗ hiểm) ý nói là giống 2 quả trứng (chà! cái này mới là ghê chứ) rồi đưa tay về phía cửa đang đóng kín. Ông già sợ tái xanh cả mặt mày, ổng lui ra, ổng né. Ổng càng né, má tui càng xáp vô, đến khi nào chỉ đúng “mục tiêu” thì thôi. Mắt ông mở tròn xoe, ổng nhìn má tui như thể nhìn người hành tinh xuống, còn má tui nhìn ổng như thể là ông không có thật trên đời! Rồi ông cuống cuồng chạy vào nhà lấy phone, tui hiểu ngay ý má tui, tui cười chịu không nổi, tui cười tới đâu, tui sởn gai ốc tới đó. Tui thấy ông nói xí xô xí xào gì đó trong phone; không đầy năm phút sau, một đoàn hùng hậu 6 chiếc, xe chữa lửa, cảnh sát một toán người tiến đến. Xe hú còi inh ỏi náo động xé toạc bầu không khí đầy thu vàng đang êm ả của xóm tui. Tui tá hỏa tam tinh, má tui thì xụi lơ, teo héo! Tui nghĩ bụng phen này chết chắc, má tui chắc là bị bắt quá vì cái tội xáp vô ông già Mỹ kia.

image

Ngay lập tức police bước tới hỏi một tràng tiếng Mỹ (tui và má tui là dân quê thứ thiệt, đi qua Mỹ mà còn đòi đem theo một cặp gà con trống mái gầy giống cho nó đẻ, thì lấy đâu ra tiếng Mỹ mà học). Mà cũng phải, thử nghĩ lại coi, lúc đó sợ cháy nhà, sợ bị bắt muốn chết giấc, hồn vía mất tiêu lấy đâu ra từ ngữ mà nói lại. Một chữ thank you cũng quên tuốt luốt. Tui trả lời bằng động từ tu quơ, quơ qua, quơ lại, Má tui một lần nữa soạn lại “bổn cũ”. Lần này ngay ông police mà tiến tới, đưa hai tay lên ra dấu như 2 quả trứng chỉ vào “chỗ hiểm”, ông police lùi lại, rồi má tui đến đập cánh cửa. Ngó chừng như ổng hiểu ý, họ nạy cửa bung ra. Má tui te te chạy vào: 2 quả trứng gà sắp sửa nổ tung, vì nồi nước đã cạn queo. Mùi khen khét bốc lên như chờ đợi mời mọc mọi người.

Lúc này ông hàng xóm nhìn má tui từ đầu cho tới chân, ông bỗng cười sặc sụa, cười ngặt nghẽo, cười muốn tắt hơi. Rồi mọi người cùng cười vang. Tui mừng rơn trong bụng. Thoát nạn!

 image

Rồi, mùa Thu đi, mùa Đông lại đến. Ông già hàng xóm ấy trở nên thân thiết hơn, gia đình chúng tôi biết tên ông là David. Mà lạ thiệt, má tui không chịu kêu tên đó mà cứ gọi là ông “ÉT” (egg) cho dễ nhớ mà! Cứ mỗi tuần đều đặn, ông ghé nhà tui, tặng cho gia đình tui một vỉ trứng gà. Có hôm vui thiệt, má tui tản bộ ra đầu ngõ (thèm thịt gà nguyên con nấu cháo), vừa đến cửa tiệm quên mất từ con gà. Má tui đưa hai tay lên làm giống như 2 cánh gà đập phành phạch vào đùi, miệng thì kêu ò ó o o như tiếng gà gáy. Ông Mỹ bán hàng mắt như muốn nổ đom đóm, đứng như trời trồng. Bỗng đâu ông già hàng xóm xuất hiện, tới làm thông dịch, nghe thấy “hiểu liền!” biểu đem ra một con gà cho má tui. Vậy đó, ông còn làm tài xế cho cả gia đình tui, chở đi shopping, đi chợ VN, đi học ESL, có khi ông ngồi đợi cả buổi.

Tui kể đến chuyện ngứa. Đầu mùa Đông tới, da tự nhiên ngứa, ngứa gì mà ngứa gãi muốn điên lên, tụi tui đi ra tiệm thuốc đem theo ông ET hàng xóm (thông dịch viên bất đắc dĩ). Tui chỉ cần ra dấu, cởi áo lạnh ra, xắn tay áo lên, gãi “ rột” một cái, là ông biết ý ngay, mua liền cho 1 chai thuốc ngứa.

 image

Vậy đó, rồi ông vui lây cùng chúng tôi theo năm tháng, cho đến ngày mà má tui biết được bập bẹ vài chữ. Hôm đó, ông đem trứng gà cho nhà tui, má tui không nhận vì trong tủ đầy nhóc trứng rồi, Lần này thì má tui nhẹ nhàng say:  “No, thank you, have a nice day,” gọn ơ, ngọt xớt! Mặt ông cười, nụ cười chất ngất một niềm vui, vui như đón bình minh. Ừ, phải rồi, ông đang đón một bình minh của sự đổi đời của cả một gia đình trước mặt ông mà ông không hề hay biết. Bình minh của những con người mới đang bước đi chập chững để tạo dựng cuộc sống ngay trên đất nước ông... Và ông cùng đồng hành với chúng tôi trong những năm tháng đầu tiên mà không mệt mỏi. Mà mệt mỏi làm sao được chứ, khi mà trái tim ông đang vui sướng san sẻ tình thương cho người đang đón nhận.

 image

Đã bao nhiêu năm rồi, bây giờ hỏi lại má tui, má tui nói nhớ ông “ET” quá chừng luôn. Rồi má tui cười xoà, nụ cười có nhiều kỷ niệm. Sáng nay, hai quả trứng gà “ốp-la” được đứa con gái tui bày ra bàn chờ điểm tâm, tui nhìn mà cười tíu tít, nó hỏi “làm gì mà mom cười vui vẻ quá vậy!” Trời đất, nó đâu có biết. Có một ngày nọ, lâu lắm rồi… hai quả trứng gà như câu chuyện hài đã đi vào lòng người thật đậm đà khó quên. Có diễm phúc nào bằng khi mà tui đang có thêm một quê hương, một quê hương mới, một quê hương không sinh ra tui nhưng ràng rịt bước chân tui đến cuối cuộc đời.

Mùa Thu đến, mùa thu mênh mang ngọt ngào chuyên chở những dòng ký ức xa xôi để lại trong lòng người thêm nhiều nỗi niềm nhung nhớ.

 image

Tui Tạ ơn Trời, tui cám ơn đời, tui cám ơn người, tui cám ơn vùng đất đã ưu ái cưu mang tui trong những ngày khốn khó... Hình như mắt tui cay sè...

Bảo Huân




ĐỨA TRẺ KHÔNG RÕ CHA
Tôi cầm túi đồ ăn ném mạnh vào giỏ rác, nói như hét: "Đã nói má đừng có lên nữa, sao không chịu nghe vậy? Tiền nè, má về đi". Mẹ tôi run rẩy bước tới cạnh thùng rác: "Thôi, con không ăn thì má đem về... Tại má nhớ con quá thì lên thăm chớ má đâu có cần tiền. Mai mốt con về thì hết con nước rồi, má sợ không có cá ngon như vầy nữa...".
Tôi dịu giọng: "Sao má không chịu nhớ? Lâu rồi con đâu có thích ăn cá linh? Cá gì mà xương không...". Mẹ tôi mở giỏ lấy ra túm bông điên điển: "Vậy má để lại cái này cho con nghen? Nước rút rồi nên bông cũng ít. Hôm qua má phải đi hái cả buổi mới được nhiêu đây". Tôi thấy chạnh lòng nên gật đầu: "Má cứ để đó cho con. Thôi, má về đi, con phải đi làm đây".
Tôi đứng nhìn theo mẹ bước thấp, bước cao khuất dần nơi đầu hẻm. Tôi để mẹ đi một mình vì không muốn người trong hẻm biết tôi có một người mẹ tật nguyền...
"Cô Tư què", "bà Tư què"... là những tiếng mà tôi nghe người ta gọi từ khi tôi nhận biết sự bất thường của đôi chân mẹ. Lớn lên một chút, tôi biết mẹ tôi bị tật cả hai chân từ lúc mới lọt lòng. Bà ngoại mất khi mẹ tôi mới 16 tuổi. Sống một mình giữa đồng nước mênh mông, một đêm mưa nọ, mẹ đã bị một gã đàn ông cùng xóm cưỡng hiếp. Kết quả là tôi có mặt trên cõi đời này với bao nhiêu điều tiếng xấu xa.
Thế nhưng với mẹ thì ngược lại. Bà xem đó là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban cho mình. "Má nói thật đi, ai là cha con?". Không phải chỉ một lần, tôi hỏi mẹ câu đó. Nhưng lần nào cũng vậy, mẹ chỉ lặng im. Có lần tôi làm dữ thì mẹ nói: "Con biết thì cũng đâu có lợi ích gì mà còn làm cho gia đình người ta xào xáo. Thật lòng, má phải mang ơn người ta chớ thân má như vầy, ai mà thèm...".
Tôi lớn lên như một cái cây non thiếu ánh sáng. Sau lưng tôi, người ta xầm xì: "Đồ con hoang". Rồi đến những đứa bạn học cùng lớp cũng trêu chọc: "Đồ không cha". Mấy tiếng "con hoang" như một vết chém sâu hoắm vào tâm hồn non nớt của tôi. Không biết từ bao giờ, trong tôi chỉ còn lại sự căm ghét người mẹ tật nguyền của mình. Trong mắt tôi, mẹ là một kẻ tội đồ vì đã sinh ra một đứa con mà không cho nó biết cha nó là ai...
Lên lớp 10, tôi ra thị xã học. Suốt những năm học cấp 3, tôi chỉ về nhà dịp hè và Tết dù từ nhà ra thị xã chỉ mất 30 phút đi xe máy. Thằng Kiên con bác Ba Bảo ở cạnh nhà có nhiệm vụ "tiếp tế" cho tôi mỗi tuần. Có lần nó bảo: "Ê, sao mày không về thăm má mày? Tao thấy tội nghiệp má mày lắm. Hôm trước hình như bả bị bịnh đó".
Tôi có hơi băn khoăn nhưng rồi lại quên ngay. "Mày về nói với má tao là nhớ mua thuốc uống, lúc này tao bận học lắm nên không về được". Thằng Kiên bĩu môi: "Mày đúng là con bất hiếu".
Học hết lớp 12, tôi quyết định lên Sài Gòn. "Lên trên đó dễ kiếm tiền lắm"- chị Thu con bác chủ nhà tôi ở trọ bảo. Chị làm đầu bếp trong một nhà hàng lớn ở Sài Gòn, lương mỗi tháng cả chục triệu. Chị hứa sẽ đỡ đầu nếu tôi muốn lên trên ấy.
Mẹ tôi đã khóc cả đêm khi biết ý định này. "Con lên trên đó làm sao má đi thăm?"- mẹ tôi sụt sịt. Tôi nạt: "Ai cần má thăm? Má cứ ở nhà, con làm có tiền sẽ gởi về nuôi má".
Vậy là tôi đi. 4 năm qua, tôi về thăm nhà đúng 1 lần. Mẹ tôi nhờ thằng Kiên dò la tin tức. Biết chỗ tôi làm, nó gọi điện thoại trách: "Mày đúng là con bất hiếu. Nếu tao không gọi, chắc mày cũng im luôn. Má mày lo tới bịnh luôn đó". Tôi bực vì cái tiếng "bất hiếu" của nó nên nạt: "Mày còn nói cái giọng đó nữa thì đừng có gọi điện cho tao nghe chưa". Nói rồi tôi cúp máy.
Có lẽ nó tức lắm nên dẫn mẹ tôi lên tận Sài Gòn tìm tôi. Dĩ nhiên là nó bị tôi chửi vuốt mặt không kịp. Mẹ tôi cũng bị vạ lây: "Còn má nữa, ai biểu má lên đây?". Thật sự thì đâu có ai biểu mà chỉ có tấm lòng, tình yêu của một người mẹ đã thúc giục mẹ tôi lặn lội đi tìm con. "Tại con không về nên má nhớ..."- mẹ tôi rưng rưng. Thấy vậy, tôi cũng không nỡ rầy la: "Thôi được, má muốn lên thì cứ lên; nhưng con nói trước là con không có về dưới nữa đâu".
Từ đó, cứ vài tháng, mẹ tôi lại lặn lội từ Châu Đốc lên Sài Gòn thăm con. Thỉnh thoảng thằng Kiên rảnh thì lại đi cùng với mẹ. Có lần nó đùa: "Ê, má bà đã hứa gả bà cho tui rồi đó nghen. Bà ở trên này đừng có lộn xộn". Tôi không nhớ nó đã đổi cách xưng hô từ khi nào nhưng vừa nghe vậy đã đổ quạu: "Đừng có mơ. Tui không bao giờ trở về cái xứ đó. Mà ông cũng đừng có ăn nói bậy bạ". Nó cười hì hì: "Giỡn bà thôi chớ cái thứ con cái không ra gì như bà, có cho tui cũng không thèm lấy".
Mọi chuyện sẽ không có gì nếu như tôi không tình cờ quen một người. Anh là trưởng phòng của một công ty lớn. Chân dung của tôi trong mắt anh là một đứa trẻ mồ côi, tự lập, tự bươn chãi vào đời... "Anh yêu em vì những điều đó. Em là một cô gái đầy nghị lực"- có lần anh bảo tôi như vậy.
Tôi gọi điện cho Kiên: "Ông đừng có dẫn bà già lên nữa nghe chưa. Tôi nói với người ta là tôi mồ côi...". Vừa nghe vậy, Kiên đã sừng sộ: "Bà ăn nói gì bất nhơn thất đức vậy? Má bà còn sống sờ sờ đó mà". "Tui nói rồi, ông mà còn dẫn má tui lên là đừng có trách sao tui cạn tình nghen"- tôi nói dứt khoát.
Kiên còn dẫn mẹ tôi lên một lần nữa. Sau đó, hắn mất biệt. Mẹ tôi lại lặn lội đi một mình. Tôi bực bội ra tối hậu thư: "Má đừng có lên đây nữa, con khó ăn khó nói với người ta. Nếu má không nghe lời, con sẽ đổi chỗ ở, không cho biết số điện thoại luôn".
Lần đó về, mãi 4 tháng sau mẹ tôi mới dám lên. Đó chính là cái lần tôi đã vứt giỏ đồ ăn mà mẹ lụm cụm mang từ nhà lên cho tôi. Và vì giận mẹ không nghe lời nên tôi đã đổi chỗ ở và không thèm gọi điện thoại về nhà.
Cho đến một hôm, tôi bỗng thấy ruột gan mình bồn chồn. Tôi lục tìm số điện thoại của Kiên. Nhưng tôi tìm mãi mà chẳng thấy. Bẳng đi một thời gian khá lâu, khi sắp xếp lại đồ đạc, tôi tìm được quyển sổ trong đó có ghi số điện thoại của Kiên. Tôi mừng quýnh vội gọi ngay. Vừa nghe tiếng Kiên, tôi đã líu lo: "Xin lỗi nghen, tui bỏ mất số điện thoại của ông, giờ mới tìm được. Ông sao rồi? Khỏe không? Cưới vợ chưa hay là còn chờ tui?".
Không nghe Kiên trả lời, tôi lại ghẹo: "Ê, bộ còn giận hả?". Bên kia, giọng Kiên thật chậm: "Giận làm gì cái thứ không phải con người như bà". Tôi chột dạ: "Làm gì mà nặng lời như vậy? Ông thấy má tui khỏe không?".
Không có tiếng trả lời. Tôi sốt ruột: "Nói đi chớ, tốn tiền điện thoại của người ta...". Kiên thủng thẳng: "Giỏi lắm thì bà cũng chỉ tốn tiền điện thoại một lần này chớ mai mốt có muốn tốn cũng không được...". Tôi phát bực nên gắt: "Nói gì thì nói lẹ lẹ lên, không thôi tui cúp máy à".
Lần này tôi không phải chờ lâu vì Kiên nói ngay: "Má bà mất rồi". Tôi nghĩ là Kiên nói đùa: "Ê, hết chuyện giỡn rồi sao? Má tui đang mạnh sần, ông trù ẻo hả? Đồ xấu xa". "Còn bà là đồ bất hiếu. Muốn biết thì về. Tui cúp máy đây".
Giọng Kiên cụt ngủn. Hắn cúp máy thật. Tôi gọi lại, chuông vẫn đổ nhưng hắn nhất quyết không nghe máy. Bán tín, bán nghi, hôm sau tôi chạy về...
Kiên không hề nói đùa. Mẹ tôi đã mất cách nay hơn 3 tháng. Trước đó, bà đã bệnh không ăn uống cả tuần... Kiên kể với tôi, hôm đám tang mẹ tôi, trời mưa tầm tả. Những người đưa đám đều khóc khi thấy người đứng ra lo ma chay cho mẹ tôi lại là Kiên. "Tui có nhờ nhắn tin trên truyền hình, cả đăng báo nữa..."- giọng Kiên buồn buồn.
Tôi cúi đầu, không dám nhìn vào ảnh mẹ. Kiên đã nói đúng. Tôi không chỉ là một đứa con bất hiếu mà thậm chí, tôi cũng không đáng làm một con người. Tôi có mẹ mà như một đứa con hoang...


(Nguồn: Diễm Chi/Webtretho)


BIẾT NGƯỜI CÒN NHỚ?