a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

CHUYỆN HỌC HÀNH CÙNG KÝ ỨC TUỔI THƠ

 

Ảnh Võ Kỳ Điền chụp bên tượng danh y Lý Thời Trân, Vũ Hán 2009

Sáng nay thức dậy chợt nhớ tới ba tôi và thấy thương ông hết sức Trời đất, mới sáng sớm mà nỡ đành nói một câu khá huề vốn như vầy nè trời, ai mới nghe qua cũng muốn chạy mất dép. Trong cái cõi đời nầy, có đứa con nào mà không thương cha, thương mẹ mình.
Khoan khoan cười chê tôi, bạn ơi. Ba tôi đã mất cách đây trên hai mươi mấy năm rồi. Chuyện thương cha, thương mẹ thì cả đời tôi thương không hết. Nhiều lắm, bạn nào cũng vậy mà. Nhưng tại sao hôm nay, tôi bất chợt lại thương ba tôi thêm một lần nữa.
Số là như vầy. Năm nay tôi cũng đã trên tám mươi, chừng độ tuổi ba tôi thời đó. Cái tuổi già thiệt là già, già ngắc già ngơ, già khú đế, không còn chuyện gì để làm, mà thiệt ra nếu có thì làm... cũng không nổi! Cũng may trời đất cho đầu óc còn minh mẫn y nguyên, chưa sứt mẻ chút nào. Nhờ nó chưa sứt mẻ nên bất cứ chuyện lớn, chuyện nhỏ nào trong đời, thỉnh thoảng được nhớ lại như phim bộ nhiều tập được coi đi coi lại. Có nhiều chuyện nhỏ như con kiến, nhớ tới nhớ lui nó thành con bò, rồi nhớ nữa nó biến thành con voi hồi nào không hay không biết. Vui thiệt là vui. Cái đầu tôi bây giờ như vậy đó. Cũng y như chuyện ba tôi sáng nay được nhớ nhớ lại vây.
Số là như vầy. Khi còn sanh tiền, khi sai tôi là cái gì đó, không nhớ, ba tôi đã nói bâng quơ một câu như vầy: -mầy làm cái gì cũng có chơi trong đó! Rồi ông lẩm bẩm : -cả đời mầy tao chắc, chỉ có chơi mà không có làm. Lúc nghe cha nói, tôi không biết nên buồn hay nên vui và cũng không dám cãi lại. Các bạn cũng biết, ba tôi là một ông già nhà nho, kỹ lưỡng, nghiêm khắc, khó tánh, cả tỉnh nầy nhiều người nghĩ như vậy. Ba đã nói câu gì thì con cái phải nghe câu đó, Anh tôi tuy đã có danh phận rồi mà còn phải sợ ba, còn tôi sức mấy mà dám cãi lai, dù chỉ một lời...
Trở lai câu chuyện sáng nay, ba đã nói đời tôi chỉ có chơi chớ không có làm. Hồi tưởng lại ông già thương yêu nhứt đời tôi đã nói không trật điểm nào. Cũng không biết làm sao mà ổng thấy được rõ ràng như vậy. Từ chuyện học, đến chuyện làm, từ chuyện tình duyên gia đạo tới chuyện giao tiếp bạn bè ngoài xã hội... nhiều lắm, kể sao cho xiết. Tôi xin kể cho các bạn nghe một chuyện nhỏ, rất nhỏ thôi về đời tôi... cho vui.
Có lần, một bạn thân đã hởi tôi : anh học cái học khoa học Tây phương cũng khá, tại sao lại học chi ba cái thứ chữ nho rắc rối mà lại không thực dụng... Không phải một bạn mà rất nhiều, ai thấy tôi học chữ nho cũng đều cười. Có người nói ra và cũng có nhiều người không nói, họ chỉ cười trong bụng. Tôi đoán vậy nhưng không biết tả lời như thế nào.
Vậy đây là câu tôi trả lời sau cả một cuộc đời dài, tổng kết lại và đúng y câu mà ba tôi đã có lần nói. Quả nhiên, lời của ông không trật điểm nào trong cái vụ học hành cửa tôi. Tôi đâu có học chữ nho hồi nào. Nhiều bạn thấy tôi tốt nghiệp ban Việt Hán, học vài chứng chỉ bên Văn Khoa cứ tưởng là tôi biết chữ nho từ các trường đó. Không đúng các bạn ơi, nói cho rõ hơn là có chuyện đúng và có chuyện không đúng.
Sự thiệt là như vầy nè. Tôi biết lỏm bỏm chữ nho từ hồi nhỏ xíu. Ba tôi là một đông y sĩ nên trong nhà tòan là thuốc bắc gồm có các loại củ, rể, lá cây thuốc, các loai đá, (Luu Huỳnh, Thạch Cao, Hoạt Thạch, Hùng Hoàng, Châu Sa, Thần Sa, vv...) cùng các loại xương (Long Cốt, Xuyên Sơn Giáp vv....) được để trong các hộc tủ, trên các kệ, cùng chứa đầy trong nhà kho. Trên các bao bì, hộc tủ có viết các tên thuốc bằng chữ Tàu, rất to và rõ cho dễ đọc. Tôi là phụ tá cho ba tôi lúc con nhỏ xíu. Hằng ngày ông thường sai tôi chạy đi lấy món nầy món kia. Nếu lấy trật thì bị rầy, mắc công phải đi đổi và lấy lại cho đúng. Tôi nhớ rõ là ba tôi không có dạy chữ nào, tự nhiên hằng trăm món chứa đầy trong nhà, tôi chưa hề lấy trật món nào. Chắc do trời sanh.
Không những vây, các bộ sách thuốc của ông như Thương Hàn Luận, Kim Quỷ Yếu Lược của Trương Trọng Cảnh, Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân, để đầy trên bàn viết, tôi lau dọn mỗi ngày. Bộ nào mấy cuốn, phải sắp xếp cho ngay ngắn và theo thứ tự giáp, ất, bính, đinh, cùng quyển thượng quyển hạ.., không được bừa bãi lộn xộn. Rồi tới các đơn hàng mua bán thuốc men với các đại lý ở Chợ Lơn, các giao dịch với xe chở hàng nghĩa là các toa thuốc, toa mua hàng... đều bằng chữ Tàu. Tôi không bao giờ học loại chữ khó khăn nầy, mà không biết tại sao tự nhiên đều biết hết trơn và biết rất rõ. Thấy cười nhứt là đọc trên các bao bố chỉ xanh thuốc xe hàng giao tới nhà với địa chỉ là Thổ Long Mộc Tỉnh. Tôi biết ngay liền danh xưng nầy là tỉnh Thủ Dầu Một yêu quí của tôi, người Tàu họ đã viết như vậy. (bây giờ Cô Bích Tỉnh là Québec tôi đang sống gần nưa đời người)
Nhưng biết nhiều nhứt là do đọc các nhãn hiệu cao đơn huờn tán trong tủ kiếng. Hàng mấy trăm món lớn nhỏ được sắp theo thứ tự trên kệ dài. Vừa có chữ Việt vừa có chữ Tàu, mỗi ngày cứ nhìn qua nhìn lại Tiêu Ban Lộ, Nhị Thiên Đường, Ngoại Cảm Tán, Lục Vị Địa Hoàng Hoàn, Tam Tinh Hải Cẩu Bổ Thận Hoàn, rồi tên các nhà thuốc Đại Quang, Hồi Xuân Đường, Sanh Ký... Vui nhất là hiểu được cách đặt tên thuốc của các đông y sĩ để chọc phá nhau. Vì các nhà thuốc lớn trong cùng một nghề nên có sự cạnh tranh, chắc là khốc liệt lắm.
Ban đầu là do Cụ Võ Đình Dần đặt tên món thuốc của nhà thuốc Nhành Mai là Cửu Long Hoàn, thuốc đại bổ. Tôi thấy không có gì đặc biêt, đúng mà, thưốc đại bổ nầy uống vô mạnh như chín con rồng. Nhưng riêng cụ Võ Vân Vân thì hiểu xa xôi hơn và cảm thấy khó chịu. Vì thành ngữ Trung Hoa thường nói : “Vân tòng long, phong tòng hổ”. Có nghĩa là mây thì theo rồng còn gió thì theo cọp. Câu nầy ai cũng biết. Cụ tên là Vân (mây) còn ông Võ Đình Dần là cọp. Vân tại sao lại theo phò tá cho Long (rồng), cho Dần (cọp) được. Cụ Võ Vân Vân bèn đặt tên thuốc mới sản xuất trị đau nhức, phong thấp là Bá Đả Sơn Quân Tán, có nghĩa là thuốc tán “đấm con cọp môt trăm cái”. Tôi không biết cụ Võ Đình Dần có đau không nhưng riêng tôi thì vui ơi, thiệt là vui. Mỗi lần cầm hộp thuốc lên bán cho khách, tôi đều cười khoái chí.
Cứ như vậy mà tôi biết chữ nho hồi nào không hay. Mỗi lần vô Chợ Lớn mua hàng, tôi đọc tên các bảng hiệu tiệm ngon lành. Vậy tại sao tôi không học ban Việt Hán ở Đại Học Sư Phạm và bên Văn Khoa, bỡi vì chỉ cần học thêm chút xíu nữa với các cụ thì chuyện thi cử cũng dễ dàng mà. Có lần tôi vui miệng nói với bạn - tôi học ở Sư Phạm có sáu tháng thì đọc được Tam Quốc Chí ngon lành. Bạn cho là tôi nói láo vì chữ nho đâu phải chuyện giỡn chơi.
Tôi cũng không biết làm sao trả lời và cứ tưởng mình nói láo thiệt. Sau nầy có lần đọc bài viết của giáo sư Đào Mộng Nam, giáo sư Nguyễn Tôn Nhan, các chuyên viên Hán Học... các vị đó cũng có nói là học sáu tháng đọc được Tam Quốc Chí. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ừ mình không đến nỗi nói bậy để lấy le hàng xóm. Các bạn trong ngành sẽ biết rõ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa được La Quán Trung viết bằng lối văn bạch thoại, rất dễ dàng để đọc và để hiểu. Không khó khăn như Liêu Trai Chí Dị viết bằng cổ thư.
Từ đó cứ mỗi chiều Thứ Sáu tôi vô Chợ Lớn mua báo để coi Anh Hùng Xạ Điêu, Lộc Đỉnh Ký, Ỷ Thiên Đồ Long Ký... bên Hồng Kông qua, sớm hơn báo Việt. Có một chuyện tức mình mà nói hoài không ai nghe. Trương Vô Kỵ thương cô Triệu Mẫn, báo Tàu viết rõ ràng như vậy, vậy mà các dịch giả Viêt Nam mình cứ cho là Triệu Minh, rồi có việc ông tướng Râu Kẽm ước ao sáng nào cũng được vẽ lông mày cho người yêu Triệu Minh của ổng. Triệu Mẫn ông ơi, coi chừng vẽ lộn. Tức hết biết!
Một kỷ niệm không bao giờ quên là cho đến giờ nầy tôi không biết bịnh Phòng Tích là bịnh gì. Buổi trưa đó là giờ dạy của cụ cử Thẩm Quỳnh. Chứng Chỉ Văn Chương Trung Hoa. Trong phòng le que chừng độ một hai chục sinh viên gì đó. Trường ở trên đường Nguyễn Trung Trực Sài Gòn. Giờ trưa dễ buồn ngủ lắm. Bổng dưng trên bục giảng cụ chợt hỏi, giọng sang sảng quen thuộc: -các ông có biết bịnh Phòng Tích là bịnh gì hay không? Cả lớp ngơ ngác, im lặng. Tôi không biết bịnh Phòng Tích có giống bịnh Cam Tích không, ở thôn quê mình con nít thiếu dinh dưỡng, dễ bị bịnh Cam Tích nên cái bụng chang bang. Cụ nhìn cả lớp thấy không sinh viên nào biết, bèn giải thích: -bịnh Phòng Tích là bịnh ăn nằm không coi ngày.
Nghe cụ giải thích xong thì tôi hiểu được liền nhờ hai chữ “ăn nằm”. Nhưng có một bạn nữ vẫn thắc mắc không hiểu. Tôi còn nhớ rất rõ, chị tên là Khưu Liên C.... gốc người Tàu Chợ Lớn, người khá đẹp và xinh xắn dễ thương. Chị khều tôi hỏi nhỏ: -anh, anh ăn nằm là gì? Tôi thấy cười trong bụng và làm bộ ngây thơ không biết, chỉ anh bạn đại đức đầu trọc mặc áo nâu sòng ngồi bàn trên : -chị hỏi đại đức đi, đại đức rành mấy cái vụ nầy lắm, tôi cũng không hiểu... y như chị vậy!
Lớp tôi lúc đó chừng ba bốn bạn đai đức, ba bốn bạn Tàu gốc ở Chợ Lớn, còn lại đa số là ban D cổ ngữ, hình như chỉ có tôi là đi lạc mà thôi. Tôi đi chơi chớ đâu có đi học. Thiệt tình rất nhớ thuơng ba tôi. Cho tới giờ chưa thấy ba nói trật câu nào.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nói lời thương yêu ba tôi.
VÕ KỲ ĐIỀN Brossard QC 13- sep 2022

Võ Kỳ Điền chụp trước nhà Thân Phu ở Laval. QC cùng năm cha 80 tuổi 11-7-1987




Không có nhận xét nào: