Từ ngày ra trường, Trung sống và làm việc ở Los Angeles, một thành phố đông đảo, ồn ào, và nhộn nhịp nhất của tiểu bang California, không thích hợp với tánh tình trầm lặng của Trung. Thế cho nên khi hãng có mở chi nhánh ở Quận Cam, miền nam của tiểu bang, thì Trung là người đầu tiên xin chuyển về nơi đó. Hầu hết nhân viên trong hãng không muốn bị chuyển đi nơi khác bởi vì họ đã có gia đình và cư ngụ lâu năm ở Los Angeles. Thế cho nên, đơn xin của Trung được hãng chấp thuận ngay lập tức, cho dù ông trưởng phòng không muốn mất đi một nhân viên giỏi giang và siêng năng như Trung.
Hãng cho Trung nghỉ phép một tuần để tìm nơi cư ngụ mới. Vì hãng đã chuẩn bị kỹ càng cho chi nhánh mới, nên đã liên lạc với một văn phòng địa ốc địa phương để giúp nhân viên di chuyển dễ dàng về trụ sở mới. Vì chi nhánh của hãng ở một khu vực kỹ nghệ mới phát triển, chung quanh đều là nhà và chung cư rất mới. Theo lời của nhân viên địa ốc thì khu vực này chưa tới năm tuổi, nên giá thuê hơi cao, bởi vậy Trung đồng ý với Jim, một anh bạn độc thân cùng sở và cùng "cảnh ngộ", để chia nhau ở trong một căn chung cư hai phòng khang trang, mỗi phòng đều có phòng tắm và phòng vệ sinh riêng biệt, ở từng thứ tư của một khu chung cư rất mới, có đầy đủ tiện nghi như phòng tập thể dục, hồ bơi, và cả một khu sinh hoạt chung có bán thức ăn nhẹ, nước giải khát cũng như cà phê và bia.
Một tháng trôi qua thật nhanh, Trung và Jim đã bắt đầu quen thuộc với văn phòng mới cũng như tiện nghi của nơi ở. Trung có máu văn nghệ, hồi còn đi học ở tận tiểu bang Minnesota vẫn nghêu ngao đàn hát với bạn bè. Sau khi ra trường, vì tìm được việc làm ở Los Angeles nên đã tặng hầu hết các vật dụng cũng như quần áo ấm và cả cây đàn guitar cho những đứa bạn còn ở lại cái vùng băng giá đó. Thằng Jim thì chỉ mê chơi video game, thế cho nên Trung muốn tìm mua một cây đàn guitar để giải khuây.
Trung có ghé qua Guitar Center để thử một vài cây đàn guitar, thế nhưng cái nào "nghe được" thì giá lại "không được", thế cho nên cả mấy tuần vẫn chưa thể quyết định mua. Một hôm, tình cờ đọc thấy trên trang "rao vặt" của một tờ báo có đăng bán cây đàn guitar cũ, thuộc hãng chế tạo đàn danh tiếng của Mỹ, nhưng không cho biết giá bán là bao nhiêu. Không hiểu vì lý do gì, có thể là do sự tò mò, khiến Trung nảy ra ý định muốn xem và nếu có thể sẽ mua, dù là đàn cũ. Người trả lời điện thoại khi Trung gọi là tiếng của một người đàn ông, giọng có vẻ là người lớn tuổi, yếu ớt. Qua một vài câu chào hỏi xã giao, bỗng người đàn ông ở đầu dây bên kia hỏi:
- Anh là người Việt Nam hả?
Trong khoảnh khắc ngạc nhiên, Trung chỉ trả lời với một chữ "Dạ" cộc lốc.
Có tiếng cười nhẹ bên đầu dây:
- Tên anh là Trung thì chắc là người Việt Nam rồi. Tôi tên là Thạch.
Trung đã lấy lại được bình tĩnh:
- Dạ, chào... bác Thạch. Bác đoán đúng rồi, cháu là Trung, người Việt Nam.
Sau đó thì cuộc đàm thoại trở nên vui vẻ, thân mật hơn. Cuối cùng thì Trung lấy giấy bút ghi địa chỉ của nhà ông Thạch, và hẹn chiều thứ Sáu, sau giờ làm việc, sẽ ghé qua để xem cây đàn. Ông Thạch cho biết vì có chút việc bận, nên muốn hẹn gặp Trung sau 9 giờ chiều.
Ngày giờ qua nhanh, chiều thứ Sáu, Trung theo sự chỉ dẫn của bản đồ đến gặp ông Thạch để xem cây đàn. Căn nhà của ông Thạch ở một góc khuất, cuối đường hơi thiếu ánh sáng vì có nhiều cây lớn, bên cạnh là một miếng đất trống nên có vẻ như riêng biệt. Thời đó chưa có Google Map, nếu không có quyển bản đồ thì chưa chắc đã dễ tìm ra.
Vừa gõ được vài tiếng thì ông Thạch đã mở cửa, mời vào. Trong nhà có vẻ nghèo nàn, cũ kỹ, có lẽ vì tiết kiệm nên đèn chỉ vừa đủ sáng để chủ và khách nhận ra nhau. Ông Thạch lên tiếng:
- Tôi ở một mình nên bừa bộn và tối tăm, chắc cậu không phiền...
Trung cười nhẹ, trấn an:
- Có sao đâu bác...
Ông Thạch mời Trung ngồi ở chiếc ghế ở bàn ăn, rồi bước vào phía trong, mang ra một cây đàn guitar đưa cho Trung. Vừa cầm đàn trên tay, tim Trung bỗng dưng đập mạnh, có lẽ vừa nhìn thấy tên Martin Co. bằng khảm xà cừ ở chỗ lên dây đàn. Trung dùng ngón tay lướt qua sáu dây đàn thì âm thanh quả là trong trẻo, khi vỗ nhẹ vào thùng đàn và gảy nốt trầm thì âm thanh thật ấm áp tuyệt vời; cây đàn được lên dây đúng nốt, tim Trung dường như rung theo tiếng đàn và đập mạnh hơn. Trung buột miệng:
- Đàn đã được lên dây... vậy là bác biết chơi đàn... sao lại bán?
Ông Thạch mỉm cười:
- Không, tôi chả biết đàn địch gì cả... một nốt nhạc cũng không.
Rồi ông giải thích:
- Cây đàn này của con gái tôi. Nó không còn ở với tôi nữa, nên chẳng lẽ để đó mà phủi bụi, nên muốn bán nó đi...
Đột nhiên ông Thạch hỏi:
- Cậu có biết hát không?
Trung hơi ngạc nhiên, nhưng cũng thẳng thắn trả lời:
- Cháu cũng biết đàn hát đôi chút, nhưng mấy năm rồi không sờ đến cây đàn hoặc hát hò gì cả.
Ông Thạch gật đầu:
- Vậy bây giờ với cây đàn này đây, cậu hát thử một bài cho tôi nghe được không?
Trung đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nhưng bỗng dưng cảm thấy hứng thú:
- Nếu thế thì cháu hát thử bài “Cây Đàn Bỏ Quên” cho bác nghe nhé...
Có lẽ vì âm thanh ngọt ngào của cây đàn và nguồn cảm hứng bất chợt nên Trung đã say sưa đưa tiếng hát quyện vào với tiếng đàn nhịp nhàng, trầm bổng. Sau khi Trung ngưng hát thì ông Thạch có vẻ như rớm nước mắt, cảm động:
- Hay quá, cậu hát hay quá, ước gì...
Ông Thạch bỏ lửng câu nói, và Trung thì cảm thấy như có một điều gì khác lạ, ấm áp, êm đềm phủ xuống chung quanh hai người.
Tay vẫn ôm chặt cây đàn vào lòng như sợ nó tuột mất, sau vài giây ngần ngừ, Trung nhìn thẳng vào mắt ông Thạch:
- Thưa bác, theo như cháu biết thì cây đàn này là loại đắt tiền, bác nên đem ra tiệm đàn để người ta định giá cho, nếu không thì sẽ bị lừa đấy...
Ông Thạch đưa tay ngắt lời Trung:
- Cậu quả là thật thà. Tôi không biết đàn, nhưng tôi biết giá trị của cây đàn. Không ai lừa gạt được tôi đâu. À mà cậu có thích cây đàn này không?
Trung gật đầu:
- Dạ thích, thế nhưng có lẽ bác nên đem ra tiệm đàn để họ định giá cho đúng, vì xem chừng bác cũng cần có thêm một số tiền để đỡ vất vả đấy chứ...
Ông Thạch cười ra tiếng:
- Hà... hà... người xưa có nói “Vật tìm chủ” quả là như thế này đây. Cây đàn này đã tìm ra chủ mới của nó rồi đấy. Vậy thì “vật đi theo chủ” là đúng chứ sao? Tôi tặng cây đàn này cho cậu đấy. Cậu có nhận không?
Sự việc xảy ra quá bất ngờ, khiến Trung nghẹn lời và tim đập liên hồi tưởng chừng như người ngoài có thể nghe được. Trung ấp úng:
- Nhưng... nhưng mà...
Ông Thạch ngắt lời:
- Cậu không phải nói thêm điều gì nữa cả. Cậu chỉ cần nói cho tôi biết là tôi tặng cậu cây đàn này thì cậu có nhận hay không mà thôi?
Trung lắp bắp, nói trong hơi thở và nhịp tim đập thình thịch:
- Dạ... nhận...
- Thế mới phải chứ!
Ông Thạch lập đi lập lại hai ba lần, rồi ngước mặt và giơ hai tay lên như phân trần với trời đất, hay một kẻ vô hình nào đó: “Cây đàn tìm được chủ mới rồi đấy... ha... ha... ha... Tốt lắm... tốt lắm... Bằng lòng chưa? Bằng lòng chưa?... ha... ha... ha...”
Đột nhiên ông Thạch quay sang Trung:
- Hôm nay tôi vừa trải qua nhiều việc nên hơi mệt, cần đi ngủ sớm. Thôi cậu hãy mang cây đàn này về nhà đi, và đừng nghĩ ngợi, thắc mắc gì nhiều. Chúc cậu tìm được nguồn vui trong âm nhạc với cây đàn này.
Trung chỉ biết cảm ơn rối rít trong khi ôm chặt cây đàn vào lòng như sợ ông Thạch đổi ý. Và chỉ cảm thấy yên tâm khi đã về đến phòng.
Ngày hôm sau, Trung vào trang web của hãng sản xuất đàn Martin, rồi đánh số thứ tự của cây đàn để tìm hiểu thêm, và được biết là cây đàn này đã được làm cách đây hơn năm năm, vì được chế tạo bằng loại gỗ đặc biệt của Phi châu nên số lượng chỉ có hơn hai trăm cây đàn được bán ra thị trường, và trị giá thời bấy giờ là ba ngàn năm trăm đô-la.
Sau khi được biết về chi tiết của cây đàn, Trung lại càng cảm thấy áy náy với cảm giác không công bằng với ông Thạch. Sau nhiều ngày dằn vặt, thứ Bảy tuần sau, Trung quyết định lái xe đến nhà ông Thạch một lần nữa. Đến nơi, Trung hết sức ngạc nhiên vì thấy trước sân nhà có cắm bảng "For Sale". Trung ghi số điện thoại của nhân viên địa ốc rồi gọi và theo lời chỉ dẫn, Trung ghé đến văn phòng địa ốc gặp người đứng bán căn nhà, để tìm hiểu thêm về người chủ nhà, ông Thạch, người mà một tuần trước đây đã tặng Trung cây đàn guitar quý giá, nay lại bán nhà đi đâu, chẳng rõ.
Người nhân viên địa ốc giải thích với Trung:
- Theo luật của địa ốc, để tránh thưa kiện có thể xảy ra sau này chúng tôi, nhân viên bán nhà, phải tiết lộ cho người mua tất cả những gì liên hệ đến ngôi nhà đang được rao bán. Ngôi nhà này trước kia chỉ có hai cha con ở chung, và cả hai đều chết trong nhà. Cô con gái 18 tuổi, nghe nói là một nhạc sĩ, bị tai nạn xe cộ, bác sĩ tưởng không có gì nguy hiểm nên cho về nhà. Qua sáng hôm sau thì chết vì ra máu trong não. Người cha của cô ta, vì quá đau lòng, nên lên cơn đau tim và gục chết ngay cạnh cô con gái. Vì căn nhà vẫn còn nợ nhà băng nên phải rao bán để lấy lại vốn, thế nhưng đã hơn một năm vẫn chưa bán được, vì hàng xóm đồn rằng căn nhà đó có ma. Theo tôi thì chỉ là lời đồn đại vẩn vơ vì ngôi nhà bị bỏ hoang cả năm trời, trông có vẻ tối tăm, cũ kỹ, thuộc loại "fixer upper", thế nhưng rất tốt cho người mới mua căn nhà đầu tiên, vì vị trí của nó rất tốt, đất đai rộng rãi, có cả vườn sau, sân trước, và giá thì rất rẻ... Ông có muốn tôi chở đến đó để xem bên trong nhà hay không?
Bùi Phạm Thành
Ngày 4 tháng 6 năm 2022
Bữa Cơm Trưa.
Cánh cửa hé mở lộ ra khung trời bên ngoài. Vào mùa này mặt trời lên muộn. Đã gần sáu giờ sáng rồi mà mây vẫn xẫm, không khí mới mờ mờ trắng đục mầu sữa loãng. Hơi sương quện theo trong gió lùa qua cửa sổ, phả vào người bà Mùi, làm ớn lạnh hai bả vai, chạy dài suốt sống lưng. Bà rùng mình, kéo vội chiếc chăn len đắp kín người. Suốt cả đêm, bà trằn trọc, ngủ không đầy giấc. Có mệt lắm chỉ chợp đi được một lát, rồi lại thức chong mắt ra. Tới bây giờ trời đã bắt đầu vào ngày thì suốt người bải hoải, đau nhức từng khớp xương, cứ như kẻ bị đánh đòn thù ấy. Bà thầm nghĩ: “Thì ra tinh thần và thể chất liên hệ mật thiết thật!”
Câu chuyện xảy ra từ bữa cơm trưa hôm qua, nó còn “hành” bà tới giờ. Bà nghĩ đến con gái lớn của bà, cô Bích đang còn ngủ với chồng con ở căn gác ngoài.
“Không biết đêm qua nó có ngủ được không, có còn “đau đớn” vì thấy mẹ bị chồng “khinh miệt” không?”
Lúc xảy ra câu chuyện vào bữa cơm trưa, ăn xong, bà buông đũa lên ngay đây nằm khóc thầm. Hình như con gái bà nói gì với chồng nó ở phòng ngoài. Cô Bích cố sức nói nhỏ giọng như sợ bà nghe. Nhưng thằng chồng nó chốc chốc lại lớn tiếng:
- Tôi xử đến vậy thôi chứ, bộ muốn tôi phải lạy nữa hả…
Yên lặng một lát, nhưng bà biết trong phút giây yên lặng đó cô Bích vẫn cằn nhằn chồng, vì tiếng thằng Sâm con rể bà lại cất lên:
- Bảo bà ấy ở đây một mình đi, nếu có phải “cung phụng” thì tôi cũng chỉ “cung phụng” bà ấy thôi, chứ bắt tôi phải nuôi “lũ kia” thì không khi nào.
Nghĩ tới đây bà lại ứa nước mắt! Lũ kia là con người chồng sau của bà, thằng Ái và con Ly. Chúng là em khác cha với cô Bích. Hồi Bích mới ba tuổi đã mồ côi bố, bà tái giá và sinh thêm hai đứa này đây. Chúng nó đang nằm kia, trên mảnh chiếu trải trên sàn gỗ của căn gác nhỏ, cất thêm trên mé nhà bếp. Từ một năm nay, cha chúng nó mất, bà buôn bán thua lỗ, nên phải về ở với con gái lớn và con rể. Mấy tháng đầu còn “dễ thở”! Lần lần mỗi ngày một chuyện, nay thì không khí trong nhà đặc quánh lại rồi! Mỗi ngày một chút, những chuyện gì ở đâu, cứ bất ngờ xảy ra thật ngột ngạt hết sức. Bà đã cố gắng nhẫn nhục, trong khi con rể bà cố tình gây. Thằng Ái và con Ly luôn luôn là “đề tài” của mọi chuyện. Bà có mình Ái là con trai nên rất thương yêu. Thấy Ái và Ly bị hất hủi, bà lại càng xót, đem hết tình thương để bao bọc cho hai đứa.
Ái mới có mười lăm tuổi, nhưng người cao tồng ngồng. Chân tay dài quá khổ. Đã nhiều lần bà xót xa khi bắt chợt Sâm “lườm lườm” nhìn Ái, lẩm bẩm nói:
- Bất thành nhân dạng, thứ này chỉ sớm thành du đãng chứ gì.
Bà không hiểu sao rể bà lại ghét thằng Ái đến thế. Hình như cái vóc người cao “lêu nghêu” của nó mỗi khi ra vào làm vướng cả gian nhà này. Chắc Ái cũng cảm thấy thế, nên nó ít dám xuống nhà, cả ngày cứ ngồi thu mình trên căn gác “xép”, hoặc lỉnh ra phố. Có hôm nó về vào lúc cả nhà đang ăn cơm, bà đã thoáng thấy nó, nhưng nó không dám vào ngay. Đợi lúc ăn xong, anh chị nó đi ngủ trưa, mới len lẻn về, xúc chén cơm chan nước mắm lên gác ngồi ăn. Bà trông mà ứa nước mắt nhưng chả biết làm sao.
Bà cũng biết cô Bích vì bênh vực bà mà hàng ngày vẫn ngấm ngầm gây gổ với chồng. Từ ngày bà về đây, gia đình này cũng mất cả nếp sống bình thường, mọi thứ, mọi chuyện, đều thay đổi. Trước kia cô Bích vẫn mua gạo “Nàng Hương” cho chồng con ăn. Giờ phải đổi ăn thứ gạo Mỹ hạt tròn cho đỡ tốn. Cả thức ăn nữa chứ, mọi thứ mọi giảm. Phần tại lúc này quá đắt đỏ, phần nhà đông miệng ăn, cô Bích cố sức tằn tiện. Tô canh nho nhỏ ngọt chất thịt, trước kia cô vẫn nấu cho chồng con ăn, nay thành tô canh rau lớn, những đĩa xào thơm ngút, không còn được “trình diễn” thường xuyên trên bàn ăn nữa, mà chỉ còn là đĩa đồ kho cho mặn miệng. Cốt sao cả nhà ăn cho no bụng, qua bữa là được. Bà Mùi cũng không mong gì hơn thế. Nhưng khổ nỗi không khí trong nhà các bữa ăn cứ nặng chịch.
Như vừa mới trưa hôm qua, cả nhà đã ngồi quanh bàn ăn, cơm đã xới ra bát rồi, mà rể bà cứ cố tình đi ra đi vào, rót chén nước, rửa cái tay. Cô Bích có vẻ tức cất tiếng giục thì chồng cô nói:
- Ai muốn ăn trước thì ăn đi, việc gì phải đợi.
Thế nhưng lúc con Ly mới cầm đũa gắp miếng đậu rán, bà Mùi chưa kịp đưa mắt cản thì nó đã bỏ vào mồm. Vừa đúng lúc Sâm ra tới, Sâm nói trống không:
- Cứ như đồ mất dạy.
Con Ly biết Sâm nói nó, đã mười hai tuổi rồi nên cũng biết tủi thân, nó cúi gằm mặt xuống chén cơm, mắt rưng rưng, miệng ngậm miếng đậu, nhai trệu trạo. Bà Mùi thắt cả ruột lại, ngây dại như kẻ mất hồn. Cô Bích cất tiếng cố gắng làm ra vẻ bình thường để xóa không khí căng thẳng:
- “Cụ” ăn cơm đi chứ, hôm nay chị Ba “trổ tài” nấu món cà bung, cụ thử coi có ngon không?
Bà Mùi gượng cười:
- Ừ… thì… cứ ăn đi, hôm nay ta chóng mặt quá, nó làm như muốn cảm.
Chị Ba “người làm” biết bà Mùi buồn, cầm bát cơm đặt hẳn vào tay bà Mùi:
- Bà ăn đi mà, con mới học bà Kim nấu cà bung lối Bắc đấy.
Cô Bích lại tiếp giọng có vẻ van lơn:
- Mẹ ăn đi, hay nếu mẹ mệt để con bảo nấu cháo mẹ húp cho khỏe.
Bà Mùi bắt chợt ánh mắt của cô Bích nhìn bà, nửa thương xót, nửa an ủi, làm bà suýt bật khóc. Bà cầm vội bát cơm cười cười:
- Nào thì ăn, nấu cháo… làm gì…
Giọng bà nghẹn lại, bà cầm đũa đưa mấy hạt cơm lên miệng cố nuốt cho trôi tủi cực. Trong khi đó Sâm ngồi ăn như không cần biết có sự hiện diện của mẹ vợ, không cất được một tiếng mời, thản nhiên nói với bé Ánh:
- Con chan canh không? Đưa bố chan ăn cho mau nào.
Không khí trong bữa cơm dù nặng nề đến đâu rồi cũng phải qua. Sau đấy bà lên nằm vùi trên này, lấy cớ là “ốm” bỏ bữa cơm chiều không xuống. Thằng Ái và con Ly cũng ở luôn với bà. Chiều tối cô Bích đem lên cho mẹ và các em mấy miếng bánh mì chả. Cô bùi ngùi bảo mẹ:
- Hay… mẹ tìm chỗ cho các em… ở đỡ đâu ít ngày. Để con “tính” với Sâm… cho ngã ngũ ra. Con thật hết chịu được rồi… Muốn ra sao thì ra chứ.
Bà cố khuyên con gái:
- Thôi con, một đời người rồi cũng qua đi mau lắm. Con cố gắng chịu đựng cho con con nó hưởng. Con đừng trách chồng con, cũng tại mẹ tới đây làm xáo trộn cho các con.
Cô Bích chậm nước mắt:
- Gì thì chứ, con có một mẹ mà anh ấy xử như vậy, con đâu có chịu. Mẹ còn nhớ hôm tuần trước cái vụ con chó con đấy không? Mỗi ngày mỗi gây, mình có muốn nhịn cũng không được mà…
Bà Mùi ậm ừ… Bà quên sao được cái chuyện ấy chứ. Hình như Sâm cố tình gây không cho mẹ con bà ở thêm ngày nào nữa. Một hôm Sâm đi xin đâu được con chó con mới sinh. Suốt đêm suốt ngày con chó kêu ăng ẳng “làm xấu” vung vít đầy nhà. Mẹ con cô Bích cố nhịn, được hai ngày, hết chịu nổi cô Bích bảo chồng:
- Anh đem con chó về nuôi làm gì, nhà đã chật, lại có mình chị Ba dọn dẹp sao cho hết việc…
Sâm quắc mắt, ngắt lời vợ:
- Á… à, nhà chật hả, nuôi một con chó không có chỗ hả…
Sâm tiếp cười khan:
- Thế mà tôi tưởng nuôi đến ba bốn con cũng còn được cơ đấy…
Biết chồng ám chỉ mẹ và em mình, cô Bích giận. Bất chợt, cầm tách nước đang uống dở ném vào Sâm, không kể phải trái, cô hét lên:
- Đồ khốn, ăn nói đểu cáng thế mà nghe được à! Tôi nói cho mà biết dù tôi có nuôi mẹ tôi đi nữa, cũng không ai có quyền nói tôi. Đã “ai” nuôi tôi ngày nào đâu. Hay lại chính tôi phải làm nuôi “báo cô” bao nhiêu năm rồi. Giờ có phải anh “ghen” ăn với mẹ tôi không, thì anh nói trắng ra đi!
Bốp… Bốp… Hai cái tát như trời giáng vào mặt. Cô Bích sợ mẹ chạy xuống trông thấy lại khổ cho mẹ. Cô cắn răng nhịn, một vệt máu rỉ ra bên khóe môi cô. Sâm buông vợ vào túm lấy con chó thẳng tay đập, con chó trước còn kêu ăng ẳng, sau lịm dần. Con Ánh còn nhỏ quá mới sáu tuổi đầu, phải chứng kiến chuyện này nó đứng chết run ở kẹt cửa, không khóc nổi, mắt mở lớn nhìn bố đánh con chó. Trên căn gác xép, thằng Ái và con Ly đang quýnh lên lay bà Mùi. “Mẹ ơi… Mẹ… Mẹ ơi…” Bà Mùi từ từ mở mắt nhìn hai con ứa nước mắt:
- Mẹ không sao đâu đừng sợ.
Nghĩ đến đây bà Mùi thở dài nói nho nhỏ:
- Người thương người phải xa nhau cũng khổ. Mà người ghét người, phải ở với nhau lại càng khổ hơn.
Nguyễn Thị Vinh
Một ngày đi khám bệnh.
Tôi
đẩy cửa bước vào phòng khám của bác sĩ. Đã có đông người ngồi chờ, tôi liếc mắt
nhìn quanh ba dãy ghế xếp thành hình chữ U, không còn chỗ nào trống cả
. Hầu hết bệnh nhân đều là người Việt Nam, họ đang râm ran nói chuyện trong khi
bác sĩ chưa đến.
Cái hẹn của tôi là 11 giờ trưa, tức là ngay đầu giờ khi bác sĩ bắt đầu làm việc,
thế mà những người này còn đến trước cả tôi, chẳng biết họ có hẹn vào giờ nào
mà sẵn sàng đến sớm thế?
Một chị bế đứa con đang ngồi ghế bên cạnh lên lòng mình và chỉ cho tôi cái ghế
vừa trống đó:
- Chị ngồi đây đi.
Tôi ngồi xuống cạnh bà mẹ trẻ, chị ta có hai đứa con, độ lên 5 lên 3. Ba mẹ con
chị chiếm 3 ghế, nên chị nhường một ghế cho tôi.
- Em trông chị quen quen, hình như có gặp chị ở đâu rồi thì phải? Bà mẹ trẻ bắt
chuyện.
Tôi cố moi trí nhớ, vẫn không biết chị ta là ai.
- Nếu vậy thì chúng ta đã từng gặp nhau ở chợ Việt Nam chứ ở đâu khác nữa?
Tuần nào chúng ta chẳng đi chợ, hết tháng nọ đến năm kia, thì ai cũng “quen
quen” hết.
Bà mẹ trẻ reo lên:
- Đúng rồi, chị nói em mới nhớ, em hay gặp chị đi chợ Việt Nam.
Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, đã 11 giờ mà bác sĩ chưa đến. Tôi thông cảm, bác sĩ
cũng là người Việt Nam nên có quyền đi trễ theo “truyền thống” của đồng hương
mình
. Mỗi lần lấy hẹn đi bác sĩ này là tôi đã chuẩn bị cả thời gian lẫn tinh thần,
vững lòng chờ đợi, và an ủi rằng mình lang thang trong shopping mall cả vài giờ
còn được, huống chi là đi gặp bác sĩ để khám bệnh thì sự đợi chờ không có gì là
phí phạm.
Nhưng bà mẹ trẻ bên cạnh thì có vẻ không kiên nhẫn như tôi, chị ta chép miệng
than:
- Giờ này mà bác sĩ chưa đến!
- Thì cũng phải du di cho bác sĩ chút đỉnh, con người chứ có phải máy móc đâu
mà đúng y chang cho được?
Một bà to mập bên ghế đối diện vọng sang, như một trọng tài bênh vực cho bác
sĩ.
Bà mẹ trẻ phân bua:
- Nhưng em chỉ sợ hai đứa trẻ không chờ đợi được thôi.
Bà to mập có vẻ nao lòng, xuống giọng thông cảm:
- Thế hai đứa nó bệnh gì mà đi khám?
Dạ, không có đứa nào đau bệnh gì cả…
Bà mẹ trẻ ngừng lại vì phải hắt xì hơi, làm bà kia tò mò hơn, sốt ruột hơn:
- Vậy mang tụi nó đến đây khám cái gì chớ?
Hèn gì nãy giờ thấy hai đứa chạy đùa, nghịch như qủy, phá như giặc!.
Bà mẹ trẻ đủng đỉnh tiếp:
- Em bị bệnh, cảm cúm cả tuần nay chưa khỏi, em mới là người cần gặp bác sĩ
. Nhưng không mang tụi nó theo thì ai trông cho?
Thì ra thế, những người có mặt ở đây biết đâu một nửa là đi theo người bệnh, chồng
chở vợ, con chở cha mẹ gìa đi bác sĩ?
Bên cạnh tôi là một bà sồn sồn, nãy giờ ngồi im nghe chuyện người khác chắc đã
chán chường, bèn mở túi xách lấy ra cái cell phone bấm lia lịa:
- Hello! Hello!
Giọng bà lên cao, chắc để đầu dây bên kia nghe cho rõ. Bà nói chuyện rổn rảng,
thoải mái như đang ở trong bếp nhà bà, toàn là kể chuyện Việt Nam, nào gía tôm,
gía thịt, cá, xăng dầu, bà nói vanh vách y như bà mới ở Việt Nam ngày hôm qua
. Qủa thế, bà mới từ Việt Nam về, lại khoe ba tháng nữa sẽ trở lại Việt Nam dự
đám cưới con cháu, rồi Tết này về chơi. Tính sơ sơ bà tốn bộn tiền vé, nền kinh
tế nước Mỹ đang khó khăn, ngành hàng không đang ế ẩm, chắc cũng phải mang ơn bà
khách này.
Nói xong chuyện đường dài, đóan là tôi ngồi bên đã công khai nghe trọn gói, nên
bà tiếp tục kể thêm cho đã:
- Nhà tui quanh năm suốt tháng có đồ Việt Nam, cá khô, tôm khô, mắm cá, mắm
tôm, cho đến trà, cà phê, không thiếu món gì, vừa rẻ vừa ngon.
- Nghe nói đồ ăn Việt Nam có nhiều món độc hại lắm mà chị?
- Nói vậy thì cả mấy chục triệu dân Viêt Nam lâm nguy hết sao?
Chỉ vài món thôi, thiệt hại không đáng kể. Về Việt Nam thấy người ta vẫn chen
chúc đầy đường đó.Tôi thắc mắc:
- Nãy giờ nghe chị nói chuyện phone đường dài thấy vui ghê, nhưng hôm nay ngày
thường phone chị còn phút không?
Coi chừng họ tính gía mắc đó.
- Không sao, bên kia cũng dùng cùng hãng cell phone của tui nên free bất kể
ngày đêm.
Bởi thế đi đâu tui cũng mang theo cell phone để gọi chơi.
Sau vài câu, bà sồn sồn đã có vẻ thân với tôi, bà tâm sự:
- Tui qua Mỹ diện con lai, mấy đứa con tui tuy không ăn học bắng cấp gì, nhưng
tụi nó mỗi đứa đều làm chủ một tiệm nail cũng sống ngon lành.
Tui ở nhà trông con cho tụi nó, hàng tháng có tiền hậu hỉ, nên đi đi về về Việt
Nam thường xuyên.
Chúc mừng các con chị có công việc tốt, có gia đình đàng hòang. Đâu phải cứ ăn
học có bằng cấp này nọ mới là thành công.
- Vậy mà về Việt Nam ai cũng hỏi con tui có bằng cấp gì không. Làm như sang Mỹ
ai cũng phải trở thành bác sĩ, kỹ sư vậy đó.
Sau phần tự khai, bà phỏng vấn tôi:
- Còn chị sang Mỹ diện gì? Mấy con rồi? Có đi làm không? Hay là ở nhà trông con
như cái chị có hai đứa con mang theo kia?
Chẳng phải mình bà sồn sồn mà hình như mấy bà khác nãy giờ hóng chuyện, cũng
đang đợi câu trả lời của tôi
. Theo như người Mỹ thì đó là những câu hỏi đi vào đời tư, nhưng người Việt Nam
vốn hồn nhiên thân thiện, hỏi thăm nhau chuyện gia đình con cái, chuyện công ăn
việc làm là thường tình, những điều này đâu phải chuyện quốc phòng mà cần giữ
bí mật.
Nghĩ thế nên tôi đáp đầy đủ như tờ khai lý lịch cho các bà khỏi mất công hỏi
thêm chi tiết:
- Tôi đi diện bảo lãnh anh chị em, có một chồng hai con, hiện nay đi làm hãng xưởng,
con thì gởi baby sit người Việt Nam gần nhà vừa rẻ vừa tiện, kiếm thêm đồng nào
hay đồng ấy.
Một bà khen nức nở:
- Chị biết nghĩ vậy là hay đó, chồng con được nhờ.
Bà bác sĩ bước vào phòng khám lúc đồng hồ chỉ 11 giờ 20.
Mọi người tươi tỉnh hẳn lên và im lặng chờ đợi cô nhân viên gọi tên:
- Lê thị Lý.
Bà mẹ trẻ vội vàng đứng dậy, nói với tôi:
- Chị làm ơn để mắt trông hai đứa con giùm em một lát, khám xong em ra ngay.
Khỏi phải hứa hẹn, khám xong thì chị ra ngay chứ ở trong ấy làm gì
. Ai mà không biết thế. Nhưng tôi vẫn phải từ chối vì giờ hẹn của tôi là người
đầu tiên:
- Tôi cũng vô khám bây giờ mà.
Bà trọng tài hồi nãy vội hứng:
- Để đó tui coi cho, cứ vô khám cho thoải mái đi, ông nhà tui đi bác sĩ chứ
không phải tui, nên rảnh lắm.
- Dạ, cám ơn bác. Thôi em vào đây, hai con ngồi chơi coi ti vi, ngoan đợi mẹ
nhé.
Nói xong chị Lý tất tả đi vào.
Nếu bên ngoài là cảnh đợi chờ phần 1 thì bên trong là cảnh đợi chờ phần 2.
Sau khi cô y tá cho tôi lên bàn cân, đo áp suất máu, tôi vào một phòng trống,
ngồi đợi bác sĩ.
Ngồi một mình trong phòng, tôi chưa kịp buồn chán thì đã được nghe tiếng bà bác
sĩ và bệnh nhân ở phòng bên vọng sang:
- Bác sĩ khám tổng quát và chích ngừa cho em để em về Việt Nam.
Bà bác sĩ cũng tò mò như tất cả những người đàn bà khác:
- Ủa! Về Việt Nam làm gì mà năm nào cũng về?
Giọng kia nói như rên rỉ và trách móc:
- Bác sĩ quên rồi sao?
Năm ngoái bác sĩ cũng hỏi em câu này, em nói rồi mà. Tại thằng chồng em nó về,
nên em phải về theo canh chừng
. Bỏ nhà, bỏ công việc đi Việt Nam em rầu lắm. Nhưng không về thì trước sau gì
cũng… mất chồng,
Bà bệnh nhân thật thà chẳng hiểu sự đời, một ngày bác sĩ khám và nói chuyện vặt
với bao nhiêu người khách, về nhà bà còn chồng con, còn bao chuyện đời thường,
thì giờ đâu mà nhớ hết những chuyện tào lao nơi phòng khám trong suốt một năm
trời?
Mười lăm phút sau bác sĩ mới sang phòng tôi, hay đau bụng ngâm ngẩm là đau bao
tử nhẹ, nên tránh suy nghĩ, lo âu, phiền muộn.
Bác sĩ vừa hí hoáy viết toa thuốc vừa dặn dò thế sau khi đã khám bệnh cho tôi.
Bước ra ngoài tôi thấy ba mẹ con chị Lý đã ra về, còn bà to mập làm trọng tài đột
xuất lúc nãy vẫn ngồi đợi chồng, các ông bà gìa về hưu thế mà hạnh phúc, đi đâu
cũng có nhau
. Bà rảnh rang nên thoải mái và bao dung ngồi đợi bác sĩ bao lâu cũng được, còn
những người như chị Lê thị Lý kia, bận chuyện con cái, chuyện nhà, người ta xót
xa từng giây từng phút đợi chờ là phải rồi.
Tôi chào thầm:
“Thôi, bà ở lại thêm tí nữa nhé, thấy ai cần thì giúp đỡ, làm phước”.
Khách ngồi đợi vẫn đông, bác sĩ tha hồ làm việc và đồng thời tha hồ hốt bạc.
Hèn gì ai cũng ước mơ con cháu mình học làm bác sĩ.
Tôi lái xe đến nhà thuốc tây của một người Việt Nam làm chủ, cách phòng khám
bác sĩ không xa.
Tôi luôn ủng hộ đồng hương khi chọn bác sĩ gia đình, chọn nơi mua thuốc.
Ông dược sĩ chủ tiệm là một người trung niên, vui tính. Người ta nói rằng ông
không thích đi làm thuê, dù lương bổng cao, quyền lợi đầy đủ, mà thích làm chủ
công việc của mình, giờ giấc tự do thoải mái.
Cửa hàng thuốc khang trang, rộng rãi, ông chủ tiệm sắm một bộ cờ tướng để qúy đồng
hương ai rảnh cứ việc vô đấu vài ván cờ cho vui, nên luôn có kẻ ra người vào,
luôn râm ran tiếng cười nói
. Nếu khách không đánh cờ thì cũng ngồi rung đùi uống nước trà và tán dóc với
ông chủ những khi vắng khách hàng mua thuốc.
Tôi vào gặp lúc dược sĩ đang bán thuốc, trong khi bàn ngoài có hai ông đang
đánh cờ và mấy ông ngồi coi.
Toàn là những ông tuổi xế chiều, tuổi về hưu, nếu không thì cũng đang bị lay
off chưa có việc gì làm.
Quanh quẩn ở nhà với vợ mãi cũng chán, nên đến đây giải trí cờ tướng hay nói
chuyện trên trời dưới đất, mà không hề bị vợ xía vô, mắng át như ở nhà.
Tôi làm bộ ngây thơ, ngơ ngác hỏi dược sĩ:
- Ở đây vừa là tiệm thuốc tây vừa là hội người gìa hả ông?
- Hội hè gì. Đây là cửa hàng thuốc tây 100%, nhưng ai đến chơi cũng welcome.
Tôi ngợi khen và hứa hẹn:
- Ông chủ thật là vui tính. Mười mấy năm nữa chồng em về hưu, chắc cũng sẽ đến
đây góp mặt, anh ấy thích đánh cờ tướng lắm.
Một ông ngoài bàn cờ kêu lên:
- Mười mấy năm nữa chồng chị mới về hưu thì chúng tôi đã vô viện dưỡng lão hay
ngủm mất rồi.
- Bây giờ khoa học tiến bộ, điều kiện y tế cao, người ta khỏe mạnh và sống lâu
hơn, các bác ạ.
Tôi mỉm cười chào mọi người, ra khỏi cửa hàng thuốc tây.
Ôi, đơn giản, tình đồng hương!
Những người Việt Nam hồn nhiên và thân thiện, dễ dàng chia sẻ những câu chuyện
buồn vui.
Như chị Lý đi khám bệnh mang theo cả hai đứa con, làm như ở đâu có người Việt
Nam cũng đều là hàng xóm của chị, cứ việc an tâm nhờ vả, gởi gấm con cái.
Như bà đi diện con lai kể chuyện gia đình con cái, chuyện làm ăn cho một người
lạ mới quen chưa đầy 5 phút.
Như người đàn bà than thở với bác sĩ chuyện theo chồng về Việt Nam…
Và như ông dược sĩ này, mở nhà thuốc và mở chỗ cho đồng hương ghé chơi.
Tôi cảm thấy lòng mình vui vui khi hòa đồng với những người đồng hương dễ
thương đó.
NT. Thanh Dương
Hoa Nở Sau
Giao Thừa
- Mấy ngày
trước thì chậu vừa vừa khoảng ba, bốn trăm, giờ này chắc chỉ một trăm, trăm rưởi
thôi con nhé. Nhớ lựa búp có chớm vàng mới kịp.
Tiếng “dạ” thật to của hai cô con gái làm ông Hoán yên tâm, ông kéo cái bàn xa cầu thang thêm một chút, nơi ông định sẽ đặt cây mai chưng mấy ngày Tết. Từ ngày bán cái nhà ở quê, cơ ngơi mà vợ chồng ông tằn tiện dựng gầy hơn nửa đời mới có, ông vào Sài Gòn mua một căn nhà, không to, nó chỉ dài hơn cái phòng ăn ở nhà ông một chút, được cái là có thêm lửng và lầu, cũng tạm đủ cho cả gia đình ông ta túc cho ba đứa con gái và một thằng con trai. Năm ngoái có thêm thằng rể rồi đứa cháu ngoại ra đời, lại chuyển nhà, cũng được hai phòng. Gọi là phòng nhưng chỉ đủ cho hai cái nệm thước tư, ở giữa có cái ngăn bằng gỗ.
Cũng may là ông bỏ dậy sớm, ra làm nghề chụp ảnh. Lương của vợ ông một tháng không bằng ông chụp một cuộn phim đen - trắng. Bù qua sớt lại gọi là đủ ăn, có dư ra đôi chục ngàn chơi cái huê cái hụi, để dành khi ốm đau.
Cách nay bốn năm, một cơn đột quỵ đến với ông, tưởng khó qua khỏi, vậy mà đưa vào tới Sài Gòn, hai ba người hàng xóm lên xe theo ông, ông trở về yên ổn, ca phẫu thuật đặt cái “Xì Ten” gọi là thành công. Lúc lên xe, vợ ông lận lưng lối chỉ chín triệu bạc, cầm cái “lắc” vàng mới mua được nhờ tiền hưu. Khi bệnh viện đòi đóng chín chục triệu cho ca phẫu thuật thì cái chết cầm chắc trong tay. Tiền đâu có mà mổ.
Hàng xóm, bạn bè... thông báo cho nhau, tin bay tới bên Mỹ, bên Canada... Rồi như có phép lạ, đứa con lên phòng dịch vụ bệnh viên đóng cái rụp! Hai mươi ngày nằm lại, lúc về, con ông nói còn thừa cả chục triệu, sữa và quà không tính! Toàn tiền giúp của bà con bạn bè, không nợ ai một đồng.
Giờ thì ông đang chuẩn bị đón cái tết nơi cái chốn gọi là đắt đỏ nhì thế giới, sau Hà Nội! Đó là người ta nói vậy chứ ông mới vào chưa tới hai tháng nên cũng chưa biết gì!
Hai đứa con trở về, khi nó thắng xe trước ngõ, nụ cười trên môi ông Hoán tắt hẳn. Hai chậu mai chúng mua về làm ông thất vọng, không có một búp nào ra hồn, búp lá cũng chỉ lèo tèo:
- Hết rồi
hay sao con mua mai gì kỳ vậy? Xấu thế này mà rước tới hai chậu!
Hai cô con
gái cùng trả lời:
- Hết rồi
ba, con có mua bông giả về gắn thêm!
- Thì
thôi, về mua hoa tươi cắm cũng đẹp mà. Mai thế này thì chưng làm gì! Bao nhiêu
vậy?
- Dạ... ba
trăm.
Ông Hoán
buồn rười rượi, giận nữa, nhưng vì cận tết cận nhất, ông im lặng. Ngồi xuống
xoay xoay xem kỹ hết cây mai này tới cây mai kia, ông tính chuyện ghép cả hai
cây làm một chậu!
Từ cái ngày các con ông lớn lên, học ra trường rồi đi làm, gia đình ông cũng qua cái túng thiếu, khỏi nuôi chúng cái ăn cái ở, ông cho chúng tự chi tiêu, nhiều khi ông giật mình vì chúng tiêu pha khá rộng! Có hôm vào thăm, chúng chở ông đi ăn nhà hàng Đại Hàn, trả một triệu ba cho bữa ăn làm ông choáng váng! Khi chúng hỏi “ngon không ba?” Ông cười:
- Nhiều tiền
quá, cho ba tô phở thì ngon hơn!
- Ba, ăn
cho biết thôi mà, mai ăn mì tôm với tụi con ba ạ.
Ông biết con ông rất thương cha thương mẹ. Nhưng từ cái bữa ăn đó, ông hơi lo vì chúng tiêu pha không như ý ông, không như ông muốn! Vợ ông cũng như ông, nhưng thấy ông không vui an ủi:
- Con nó
làm được thì cứ cho nó tiêu pha, ngày còn nhỏ tụi nó khổ rồi!
Có một điều an ủi ông, ngày ông vào thăm con nơi xóm trọ, người ta ai cũng chào ông thân tình. Ông thấy lạ, hỏi các con:
- Sao họ
biết ba mà chào hỏi thế, nghe nói “dân Sài gòn” không ai quan tâm tới ai mà..
Chúng cười:
- Tụi con
cũng sống như ba vậy, quan tâm họ thì họ thương mình. “Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn.”
Chúng lại
nhắc cái câu ông thường nói.
Gặng hỏi
ông mới biết. Tháng lương đầu tiên của mỗi đứa, chúng mua sữa hết, đem biếu cho
người già nghèo khổ trong xóm, rồi sau này thỉnh thoảng chúng mua quà cho họ,
ai ốm đau thì cho tiền mua thuốc ...
Ông thích
lắm, nhưng lâu rồi ông cũng quên. Giờ nhìn hai chậu mai, ý nghĩ “xem nhẹ đồng
tiền” lại lẩn quẩn trong tâm trí ông! Thường thì khi nào thấy ông buồn hay có
điều gì phật ý là các con hoặc vợ ông an ủi, lần này cả mẹ lẫn con im re, có phần
vui hơn nên ông càng buồn!
“Thôi thì
tết nhất, cứ có hoa là đẹp rồi”. Ông cho cả hai gốc vào một chậu rồi đứng ngắm
nghía, gắn thêm vài cái bông, lá, búp giả... Chậu mai tươi lên. Đứa gái út đi
chơi về lôi trong túi ra một nắm những trái cầu xanh, đỏ, vàng... Phúc Lộc Thọ
với tua tua... gắn lên trông cũng rực rỡ tết nhất, tuy có hơi màu mè! Thấy cả
nhà vui ông cũng vơi buồn.
Nhà có lệ thường là sau khi cúng giao thừa, thắp nhang bàn thờ... thì ông lì xì cho các con gọi là tài lộc đầu năm. Năm nay, vợ ông không chuẩn bị gì cả, ông hỏi thì bà nói:
- Mình lớn
tuổi rồi, cứ để con cái nó mừng tuổi mình thôi.
Có lẽ đã chuẩn bị sẵn, sau giao thừa chúng kéo nhau trên lầu xuống, đứa nào phong bì đó, đến trước ông và vợ:
- Chúng
con mừng tuổi ba mẹ.
Ông cảm động lắm, quên hết muộn phiền. Người ta nói: “Nước mắt chảy xuống”. Ông chưa hề đòi hỏi gì các con, cũng chưa khi nào chúng đem tiền về cho ông bà, mặc dù chúng làm ra khá tiền... Nhưng mua chiếc xe, cái máy tính, ông nói với bà: “Cứ cho con đi em...”.
Xong thủ tục mừng tuổi, đứa con gái lớn nói:
- Ba, hai chậu mai không phải giá ba trăm đâu ba!Ông nhăn mặt hỏi:
- Vậy chớ
bao nhiêu?
- Dạ... bảy
trăm!
Ông muốn lớn tiếng la con, nhưng:
- Khoan đã ba, nếu là ba, ba cũng mua giá đó mà có khi hơn, nếu trong túi ba có nhiều tiền... Mai thì vô số chậu đẹp, chỉ giá hai, ba trăm, búp nhiều... nhưng có bà già ngồi với hai cây mai này, bên cạnh là đứa cháu đang bốc cơm ăn. Hai bà cháu ở Tây Ninh, hai gốc mai này là mai nhà, nghe người ta kháo nhau đem mai lên Sài Gòn bán được nhiều tiền nên nhờ người bứng hộ, đem lên bán kiếm tiền về mua thuốc cho ba đứa bé bị bệnh.
Không biết chăm nên không ra búp ra hoa chi cả, bốn ngày rồi không ai mua! Khi con thấy đứa bé vốc nắm cơm đã khô trong cái hộp xốp, con quyết định mua hai gốc mai, hỏi giá, bà nói:
- Một trăm
ngàn cũng được, đủ tiền xe cho nội về Tây Ninh thôi! Nội lỡ dại nghe người ta
nói mà tham...
- Con gởi
bà hai trăm cho hai cây mai, lì xì đứa bé năm trăm. Hai đứa con biết là có thể
bị lừa, nhưng nếu không thế thì chắc chắn là mấy ngày tết cứ ray rứt không yên!
Ông lặng người, mắt ông đỏ lên rồi bên khóe lăn xuống một giọt nước mắt, giọng ông nghèn nghẹn:
- Ba cảm
ơn các con, là ba, ba cũng sẽ như thế, có bị lừa cũng được!
Ông hạnh phúc lắm, trong ông như vừa rộ lên một rừng hoa! Những gì ông dạy con cái bấy lâu nay đã đơm hoa và nở rộ. Ông nhìn chậu mai, nó như đã nở hoa thật, ông lại lẩm bẩm: “Ba... ba cảm ơn các con!”
Trần Hữu Hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét