1. Lúc về già mình sẽ tuyệt đối không được chủ quan nghĩ rằng còn khoẻ, còn sung sức để nghĩ và làm những việc như hồi thanh niên. Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, SỨC KHOẺ là của mình.
2. Lúc về già mình nên quan tâm đến BẢN THÂN, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn và thích thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình.
3. Lúc về già mình sẽ SỐNG GẦN CON mà không sống chung với bất cứ đứa nào, chỉ sống với...vợ. Nếu cứ thương con cái, sống với chúng nó thể nào cũng đến lúc mình ở trọ trong chính ngôi nhà của mình. Con không có tiền mua nhà thì thuê, không đủ tiền thuê mình hỗ trợ, quyết không ở chung, trai gái dâu rể gì cũng vậy hết, một tuần đến thăm nhau 1 lần vào ngày cuối tuần là đủ.
4. Lúc về già... rất già, nên đặt một chỗ ở một trung tâm DƯỠNG LÃO nào đó. Tiền ít ở chỗ xoàng, tiền nhiều ở chỗ tươm để được chăm sóc y tế tốt và có nhiều cơ hội vui chơi bên bạn đồng trang lứa.
5. Lúc về già nên và chỉ nói hai chữ "ngày xưa" (đúng hơn là những câu chuyện hoài niệm) với BẠN đồng niên, tuyệt đối không nói với lũ trẻ, vì chúng sẽ cho mình bị dở hơi. Với tụi trẻ chỉ nói "ngày mai" và chỉ trả lời khi chúng hỏi. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già. Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.
6. Lúc về già, mình sẽ dành thời gian đi THĂM QUAN những vùng đất mà chưa bao giờ đặt chân đến.
7. Lúc về già mình phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “CON CHIM BAY LƯỢN”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.
8. Lúc về già đừng bao giờ đến CƠ QUAN CŨ nếu như chưa nhận được một lời mời trân trọng, vào những dịp đặc biệt.
9. Lúc về già cần HIỂU rõ:
- Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.
- Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.
- Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ. Nhà cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, mình phải coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, mà không mong báo đáp, chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
- Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu. Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Vậy nên cần chuẩn bị tài chính để sẵn sàng thuê người chăm sóc để con cái đỡ vất vả vì mình.
- Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống….). Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh). Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh…. Tất cả đều là muộn.
- Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy tích cực là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy lạc quan để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.
- “Hoàn toàn khỏe mạnh” là thân thể, tâm lý và đạo đức đều khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.
10. Lúc về già mình sẽ thực hiện : 3 QUÊN, 4 CÓ, 5 KHÔNGvà 6 VỊ BÁC SĨ .
- 3 QUÊN
* Một quên mình tuổi đã già
Sống vui, sống khỏe, lo xa làm gì.
* Hai là bệnh tật quên đi
Cuộc đời nó thế, việc gì nhọc tâm
* Ba quên thù hận cho xong
Ăn ngon ngủ kỹ để lòng thảnh thơi.
- 4 CÓ
* Một nên có một gia đình
Vì không – homeless – người khinh lẽ thường
* Hai cần phải có nhà riêng
Đói no cũng chẳng làm phiền dâu, con
* Ba là trương mục ngân hàng
Ít nhiều tiết kiệm an thân tuổi già
* Bốn cần có bạn gần xa
Tri âm, tri kỷ để mà hàn huyên.
- 5 KHÔNG
* Một không vô cớ bán nhà
Dọn vào chung chạ la cà với con
* Hai không nhận cháu để trông
Nhớ thì thăm hỏi bà, ông, cháu mừng
* Ba không cố gắng ở chung
Tiếng chì, tiếng bấc khó lòng tránh lâu
* Bốn không từ chối yêu cầu
Ít nhiều quà cáp con, dâu, cho mình
* Năm không can thiệp nhiệt tình
Đời tư hay việc riêng phần của con.
- 6 VỊ BÁC SĨ TỐT NHẤT TRONG ĐỜI :
* Ánh nắng mặt trời
* Nghỉ ngơi
* Thể dục
* Ăn uống điều độ
* Tự tin
* Bạn bè
Cuối cùng luôn xác định TƯ TƯỞNG:
“Sinh - lão - bệnh - tử” là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống đàng hoàng để không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu CHẤM HẾT THẬT TRÒN ●
𝐒𝐮̛𝐮 𝐭𝐚̂̀𝐦
KẺ THÙ CỦA HẠNH PHÚC
Có một cậu bé lúc nào cũng vui vẻ và lạc quan. Một ngày nọ, cậu tìm đến một ông lão và hỏi:
"Thưa ông, điều gì là kẻ thù lớn nhất của hạnh phúc? Cháu luôn vui vẻ, suốt ngày cười nói. Nhưng cháu lo sợ rằng một ngày nào đó, cháu sẽ trở nên buồn bã và đau khổ. Xin ông hãy chỉ cho cháu cách để luôn giữ được niềm vui và sự tích cực mỗi ngày ạ."
Ông lão suy nghĩ một lúc, sau đó gật đầu và nói: "Được thôi, ta sẽ nói cho cháu biết. Nhưng trước tiên, cháu phải đồng ý làm một việc giúp ta."
Cậu bé mỉm cười trước vẻ mặt nghiêm túc của ông lão: "Dạ được, ông cần cháu làm gì ạ?"
Ông lão đáp: "Ở sân sau nhà ta có một cái thùng rỗng. Ta muốn cháu đổ đầy nước vào đó. Ta đã già và yếu quá rồi, không thể tự đi gánh nước từ sông về được. Nếu cháu giúp ta, ta sẽ thưởng cho cháu hai đồng tiền, nhóc con à!"
Nghe đến đây, cậu bé tràn đầy phấn khích và hào hứng, vì cậu rất cần tiền. Cậu lập tức lấy một chiếc xô và nhanh chóng chạy ra sông múc nước. Một lúc sau, cậu quay lại và báo với ông lão rằng mình đã đổ đầy thùng.
Tuy nhiên, ông lão nói: "Ôi, ta quên mất! Trong bếp còn một cái thùng rỗng nữa. Cháu có thể đổ đầy nó giúp ta không? Ta sẽ thưởng thêm cho cháu hai đồng nữa, tổng cộng là bốn đồng! Với số tiền đó, cháu có thể mua được rất nhiều thứ đấy. Bốn đồng, tất cả là của cháu, nhóc con à!"
Cậu bé quyết tâm để có được bốn đồng tiền nên không chần chừ mà vội chạy đi ngay. Chẳng mấy chốc, cậu đã đổ đầy chiếc thùng thứ hai. Nhưng khi quay lại, ông lão lại nói: "Ôi trời ơi, ta đúng là già cả lẩm cẩm! Ta quên mất rằng trong vườn cũng có một cái thùng rỗng nữa. Nếu cháu có thể đổ đầy nó, ta sẽ thưởng thêm hai đồng nữa. Như vậy, cháu sẽ có tất cả sáu đồng. Sáu đồng, tất cả là của cháu, nhóc con à!"
Gương mặt cậu bé sáng bừng lên vì vui sướng. Cậu bắt đầu tưởng tượng ra những thứ mình sẽ mua với số tiền này, không thể kiềm chế được sự háo hức của mình. Cậu lại nhanh chóng chạy đi lấy nước, dù đã thấm mệt. Sau khi đổ đầy chiếc thùng thứ ba, cậu quay lại với vẻ mệt mỏi nhưng đầy mong chờ.
Thế nhưng lần này, thay vì đưa tiền, ông lão lại cau mày và lẩm bẩm:
"Ôi không, ta nghĩ ta là ông già đãng trí nhất thế gian! Ta quên mất rằng ta chẳng có đồng nào cả. Ta nghèo lắm, không thể trả tiền cho cháu được. Ta xin lỗi, nhưng cháu phải về tay trắng thôi! Không có gì cho cháu cả!"
Nghe vậy, nụ cười trên gương mặt cậu bé vụt tắt, thay vào đó là sự bàng hoàng và thất vọng. Niềm vui của cậu hoàn toàn biến mất, thay thế bằng nỗi buồn bực và chán nản.
Bất ngờ, ông lão ôm cậu bé vào lòng một lúc, rồi mỉm cười nói:
"Đừng lo lắng, nhóc con! Sự thật là ta vẫn có tiền cho cháu đây. Nhưng ta đã làm tất cả những điều này để dạy cháu một bài học quý giá về cuộc sống.
Khi cháu hỏi ta điều gì là kẻ thù lớn nhất của hạnh phúc, ta đã nghĩ ra một cách để khiến cháu buồn, để cháu có thể học bài học này một cách thực tế nhất.
Kẻ thù lớn nhất của hạnh phúc chính là SỰ KỲ VỌNG.
Cháu trở nên buồn bã là vì cháu đã kỳ vọng sẽ nhận được sáu đồng tiền từ ta. Khi chúng ta làm điều gì đó cho người khác, chúng ta thường mong đợi được đáp lại một cách tương xứng. Nhưng thực tế, điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra.
Chúng ta kỳ vọng rằng ai đó sẽ yêu thương mình chỉ vì mình yêu thương họ.
Chúng ta kỳ vọng rằng người khác sẽ đối xử tốt với mình chỉ vì mình đã đối xử tốt với họ.
Chúng ta luôn mong đợi mọi thứ xảy ra theo ý mình.
Tất cả những điều này có thể dễ dàng dẫn đến thất vọng, chán nản, căng thẳng, tức giận và oán trách.
Tuy nhiên, nếu cháu biết giảm bớt kỳ vọng vào người khác và hiểu rằng họ không phải lúc nào cũng đáp ứng được mong đợi của mình, thì cháu sẽ có thể sống hạnh phúc hơn."
Theo Life & Lessons
Truyện ngụ ngôn: ĐỪNG TRANH CÃI VỚI LỪA
Một con lừa nói với hổ:
• “Cỏ có màu xanh.”
Hổ đáp:
• “Không, cỏ có màu xanh lục.”
Cuộc tranh luận trở nên gay gắt, và cả hai quyết định đưa vấn đề ra phân xử trước sư tử – Vua của muôn loài.
Trước khi đến khu rừng nơi sư tử ngồi trên ngai vàng, con lừa đã lớn tiếng tuyên bố:
• “Thưa Bệ hạ, có đúng là cỏ có màu xanh không?”
Sư tử điềm nhiên trả lời:
• “Đúng, cỏ có màu xanh.”
Lừa vội vàng tiếp lời:
• “Nhưng hổ không đồng ý với tôi, cứ cãi vã, làm tôi bực mình. Xin ngài hãy trừng phạt nó.”
Nhà vua phán:
• “Hổ sẽ bị phạt 5 năm im lặng.”
Con lừa vui vẻ nhảy cẫng lên và hớn hở rời đi, miệng không ngừng lặp lại:
• “Cỏ có màu xanh!”
Hổ chấp nhận hình phạt, nhưng trước khi rời đi, nó hỏi sư tử:
• “Thưa Bệ hạ, tại sao ngài lại trừng phạt tôi? Rõ ràng cỏ có màu xanh lục.”
Sư tử điềm tĩnh đáp:
• “Đúng vậy, cỏ có màu xanh lục.”
Hổ bối rối hỏi tiếp:
• “Vậy tại sao ngài lại trừng phạt tôi?”
Sư tử trả lời:
• “Hình phạt không liên quan đến việc cỏ có màu xanh hay xanh lục.
Hình phạt là vì một kẻ thông minh và dũng mãnh như ngươi lại đi phí thời gian tranh luận với một con lừa – và còn làm phiền cả ta với chuyện vô nghĩa đó.”
Bài học rút ra:
Điều tồi tệ nhất không phải là sự khác biệt trong quan điểm mà là phí phạm thời gian tranh luận với những kẻ cố chấp, không quan tâm đến sự thật mà chỉ muốn thắng trong ảo tưởng của mình.
Có những người, dù bạn đưa ra bao nhiêu bằng chứng, họ vẫn không thể hiểu được. Và có những người bị cái tôi, sự thù ghét và cố chấp che mắt, chỉ muốn chứng minh rằng họ đúng, ngay cả khi họ không đúng.
Khi sự ngu dốt gào thét, trí tuệ lựa chọn im lặng. Bình yên của bạn đáng giá hơn bất kỳ cuộc tranh cãi vô nghĩa nào.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét