TƯỚNG HÌNH KHÔNG BẰNG TƯỚNG TÂM
LUẬN TÂM KHÔNG BẰNG LUẬN ĐỨC
Tướng mạo của một người là sự kết hợp giữa “hình” và “thần”
Hình là dung mạo có từ khi sinh ra. Thần thái quyết định bởi quá trình tu dưỡng. Từng ý từng niệm thể hiện trong sinh hoạt thường ngày của mỗi người, qua năm tháng đều ngưng tụ trên gương mặt của họ, gọi là “những gì bên trong sẽ hiện ra bên ngoài”.
Tâm niệm nảy sinh sẽ tác động đến thân thể, nếu tâm bình hòa yên tĩnh, lòng thanh thản bao dung, quang minh chính đại, thì khí huyết hài hòa, ngũ tạng yên định, thân thể sẽ khỏe mạnh, nét mặt nhờ đó bình ổn, thần sắc sáng sủa, khiến người khác nhìn vào cũng cảm thấy dễ chịu, thoải mái, vì vậy mà việc giao tiếp thân thiện, vui vẻ.
Tuân Tử cho rằng: “Tướng hình không bằng tướng tâm, luận tâm không bằng luận đức.” Trong cuốn sách tướng thuật ảnh hưởng nhất thời cổ đại “Thái thanh thần giám” bàn về đức như sau: “Lấy đức làm đầu, biểu hiện trong hành động”, “Đức có trước hình, hình có sau đức”, “Bỏ ác theo thiện, trừ nạn tránh hung”.

Truyện kể rằng, ở Sơn Đông có một người thợ điêu khắc rất giỏi, đặc biệt có sở trường khắc họa hình yêu ma quỷ quái. Ngày tháng trôi qua, công việc làm ăn cũng ngày càng phát đạt giúp anh kiếm được rất nhiều tiền. Tuy vậy anh ta vô cùng buồn phiền vì dung mạo càng ngày càng kỳ quái, khó coi của mình.
Thấy vị thiền sư trong vùng, dung mạo vô cùng đẹp, anh ta bèn tìm đến bày tỏ nỗi mặc cảm trong lòng, xin thiền sư chỉ giúp làm sao để cải biến dung mạo bất thiện của mình.
Thiền sư nói: “Được, nhưng trước tiên anh hãy điêu khắc cho ta 100 pho tượng Phật, sau khi làm xong thì sẽ có cách hóa giải nỗi khổ tâm của anh.”
Thế là anh ta đi thăm tất cả các ngôi chùa trong vùng, quan sát kỹ lưỡng thần thái biểu cảm của từng bức tượng; sau đó về nhà chuyên tâm vào việc điêu khắc. Hơn năm sau, anh đã điêu khắc xong 100 pho tượng Phật mà thiền sư yêu cầu; pho tượng nào cũng trang nghiêm và toát lên vẻ từ bi, thiện lương, bao dung.
Lúc này, người thợ thủ công cũng bất ngờ phát hiện tướng mạo của anh đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Hóa ra, trong hơn một năm miệt mài điêu khắc tượng, anh đã dồn hết tâm sức cảm nhận và biểu hiện cho bằng được thần thái trang nghiêm, từ bi, thánh thiện của những tượng Phật. Thiện tâm trong anh khi dành toàn tâm toàn ý làm các bức tượng đó đã khiến thần thái của anh thay đổi theo. Anh bỗng tỉnh ngộ ra – đó chính là cách mà vị thiền sư giúp anh thay đổi diện mạo, chứ không phải đợi đến khi hoàn tất công việc mới chỉ cách cho anh.

Cổ nhân thường nói: “Tướng tự tâm sinh”, ý là tướng mạo của một người sẽ thay đổi tùy theo ý niệm thiện ác trong tâm của họ. Phúc tướng, thực ra chính là từ tâm hướng thiện lâu ngày tạo ra, vì thiện hữu thiện báo, tâm thiện, hành thiện có phúc tướng, đắc phúc báo.
Tướng mạo không phải sinh ra là cố định, mà nó là phản chiếu của quá trình tu dưỡng tâm tính của một người trong đời.
Người có khuôn mặt hung dữ nếu biết khởi tâm từ bi, nuôi dưỡng thiện quả thì tướng xấu đó chẳng bao lâu sẽ trở thành tướng tốt, vận hung cũng hóa cát tường. Ngược lại, người có gương mặt phúc hậu mà không biết hành thiện tích đức, trong tâm thường khởi dục vọng tham lam, oán hận thì phúc tướng cũng sẽ dần tiêu tan. Trong thế gian luôn lưu truyền câu nói rằng: Tâm sinh tướng, tướng sinh mệnh.
Xưa có hai anh xem sinh đôi là Cao Hiếu Tiêu và Cao Hiếu Tích, cử chỉ lời nói và tài trí thông minh đều giống nhau như chỉ là một người. Đạo sĩ Trần Hi Di sau khi xem tướng mạo hai người, nói: “Hai người có lông mày xanh và đôi mắt đẹp đều là người có trong danh sách đỗ đạt. Huống hồ ánh mắt các ngươi bây giờ màu sắc rực rỡ, tất sẽ đỗ đạt cao.”
Đến kỳ thi Hương, hai anh em liền cùng nhau vào Kinh Thành, sống nhờ tại nhà một người thân thích. Hàng xóm có một quả phụ trẻ tuổi xinh đẹp. Cao Hiếu Tiêu một lòng dốc lòng cầu học, tâm không động. Cao Hiếu Tích không cầm lòng được, nên tư thông cùng thiếu phụ kia. Sau đó bị người khác phát giác, quả phụ xấu hổ quá nhảy sông tự vẫn.
Kỳ thi mùa Thu kết thúc, Trần Hi Di nhìn hai người họ, kinh ngạc nghĩ: “Tướng mạo hai anh em các người thay đổi rất lớn. Lông mày Hiếu Tiêu màu xanh, ánh mắt sáng ngời, nhất định là đỗ cao. Mà lông mày Hiếu Tích có thay đổi, hai con ngươi phù, sống mũi ngắn mà đen, thần sắc chán nản tiều tụy, khí lạnh mà tán, đây nhất định là do làm tổn hại đạo đức mà khiến tướng mạo thay đổi. Cuộc thi này chẳng những không đậu, ngược lại có dấu hiệu chết sớm.”
Sau khi yết bảng, Cao Hiếu Tích thi rớt, hậm hực, ưu phiền mà chết. Cao Hiếu Tiêu trở thành quan lớn, thanh danh hiển hách, con cháu đông đúc.
Trần Hi Di bởi vậy cảm thán: “Nhìn ra tướng mạo một người là dễ dàng! Nhưng vận mệnh một người lại không dễ mà đoán chuẩn xác được, bởi vì mệnh là Trời định, tướng do hành vi của con người tạo nên. Nếu có thể thuận theo Thiên ý, hòa hợp sự việc với người, ắt đời đời hưng vượng.”

Tâm mới là điều then chốt quyết định tướng mạo của một người, vậy nên mới có câu: xem tướng không bằng xem tâm. Người có 36 loại “tâm tướng” này, thì sớm muộn cũng được hưởng phúc báo:
1/ Biết rõ làm quan sẽ vất vả cực nhọc, nhưng lại nguyện ý vì dân mà làm quan để phục vụ nhân dân.
2/ Làm việc có tình có lý, cẩn thận.
3/ Yêu thích làm việc thiện, gần gũi người quân tử.
4/ Có đồ ăn ngon đều chia cho mọi người.
5/ Xa lánh kẻ tiểu nhân.
6/ Thường xuyên tích âm đức, giúp đỡ người khốn khó.
7/ Từ nhỏ đã có thể giúp đỡ làm việc nhà.
8/ Gặp người ăn xin không sinh lòng chán ghét.
9/ Khắc chế bản thân, nhường ích lợi cho người khác.
10/ Không thích sát sinh, không xúi giục làm việc xấu.
11/ Khi gặp chuyện, tâm luôn an tĩnh, không rối loạn.
12/ Cùng người hứa hẹn, không mất chữ tín.
13/ Không dễ dàng thay đổi hành vi và phẩm hạnh.
14/ Trước khi đi ngủ thường tĩnh tâm tự xét những sai lầm của mình.
15/ Dũng cảm tiến lên, không bận tâm chuyện đã qua, cũng không vì chuyện đã qua mà đắc chí.
16/ Không khiến cho người khác sinh ra lòng oán hận.
17/ Không che đậy sai trái, không giấu diếm thiếu sót của mình.
18/ Thái độ làm việc chu toàn, cẩn thận.
19/ Luôn ghi nhớ ơn nghĩa, sự giúp đỡ của người khác.
20/ Có tấm lòng rộng lớn.
21/ Không ức hiếp người hiền, không run sợ trước cái ác.
22/ Thương xót, giúp đỡ những người bơ vơ, nghèo khó.
23/ Không trợ giúp những kẻ ỷ mạnh bắt nạt kẻ yếu.
24/ Không quên bạn cũ tình xưa.
25/ Làm những việc có ích cho dân chúng, xã hội.
26/ Lời nói chân thành, ngay thẳng.
27/ Cảm thấy hổ thẹn khi được người khác khen ngợi không đúng.
28/ Nói năng nhã nhặn, âm thanh nhẹ nhàng dễ nghe.
29/ Khi những người khác đang nói, không ngắt lời.
30/ Thường nói về những điều tốt đẹp và khen ngợi ưu điểm của người khác.
31/ Không chê áo thô cơm dở.
32/ Lúc nào, ở đâu cũng cư xử thỏa đáng, đúng mực.
33/ Thích nghe điều thiện, nói việc thiện, không ngại làm việc thiện.
34/ Hiểu và đồng cảm với sự cực khổ, đói khát của người khác, thường xuyên cứu tế, trợ giúp.
35/ Không ghi nhớ lỗi lầm và hiềm khích trước đây của người khác.
36/ Hết sức giúp đỡ khi bạn cũ gặp khó khăn.
‘Người ta là hoa đất’ – con người là tinh hoa của trời đất, tự trong sinh mệnh đã đồng hóa với đặc tính Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ. Bất luận phúc báo nào đều là có căn nguyên, giống như tài phú sẽ đến từ việc năng làm từ thiện, sự tôn quý đến từ sự khiêm nhường, dung mạo xinh đẹp sẽ đến từ tính ôn hòa thuần thiện … Vậy nên cổ nhân mới có câu “Tâm sinh tướng”.
Lam Khanh
Nguồn: Epoch Times
Sáng nay một bệnh nhân nam 50 tuổi, làm ruộng, quê ở Tiền Giang đến khám bệnh xin thử mỗi đường huyết. Mình mới hỏi:
- Sao chú muốn thử đường huyết?
- Vì tôi sụt cân nhanh, người ta nói do bệnh tiểu đường.
- Đã bỏ công từ quê lên đây, sao chú không khám tổng quát luôn? Giả sử thử máu có kết quả bị đái tháo đường thì cũng phải xem chức năng gan, chức năng thận, và đánh giá biến chứng mới điều trị được chứ.
Mình vừa giải thích vừa nhìn bệnh nhân, và mình hiểu vẻ ngập ngừng đắn đo ấy, có lẽ bệnh nhân nghèo.
- Dạ, thử hết mấy thứ đó bao nhiêu bác sĩ?
- Bệnh viện công giá rẻ lắm. Chú đi thử đi.
Khi mình cầm kết quả phim phổi trên tay, tự nhiên mình nghẹn lời. Dù rằng mỗi ngày mình tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân với đủ loại bệnh tật khác nhau.
- Chú hút thuốc nhiều không?
- Cỡ 1 gói 1 ngày. Bữa nào buồn hút nhiều hơn.
- Chú uống rượu nhiều không?
- Mỗi ngày, nhưng chủ yếu vui chơi với anh em, người vài xị.
- Chú có vợ con gì không?
- Dạ, một vợ, 3 con. Nhưng nhà có vài công ruộng, nên tụi nó bỏ lên Bình Dương làm công nhân hết rồi.
- Cháu nghĩ chú nên qua khám bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
- Tôi bị lao hả bác sĩ.
- Cháu cũng hy vọng là lao. Nhưng ....
- Bác sĩ cứ nói đại đi. Tôi ở quê lên khám bệnh cực lắm.
- Cháu cũng nghĩ đây là khối u. Nhưng chú biết đó, có u lành u ác. Mà u ác bây giờ có thể trị được.
- Ý bác sĩ là ung thư phổi hả?
- Chưa chắc đâu. Phải làm thêm xét nghiệm, sinh thiết ... mới có thể kết luận.
Một khoãng im lặng kéo dài. Mình nhìn khuôn mặt bệnh nhân từ trắng bệch chuyển sang tím tái và khoãng 15 phút sau mới trở lại như bình thường.
- Ung thư phổi thì sống được bao lâu bác sĩ?
- Chưa chắc đây là ung thư. Nhưng nếu là ung thư thì có thể vài tháng, vài năm... Tuỳ vào cơ địa mỗi người, tuỳ vào đáp ứng điều trị.
- Tại sao lại là tôi chứ?
- Tại sao không là chú?
- Tại ....
Lại một khoãng im lặng kéo dài. Mình không nỡ mời bệnh nhân kế tiếp dù sáng thứ hai rất đông.
- Tôi về bỏ thuốc lá và rượu có thể cứu vãn được không?
- Cháu nghĩ, bỏ được thì tốt. Nhưng bây giờ việc này không còn ý nghĩa nữa rồi.
Mình vẫn hay tự hỏi: Rượu bia và thuốc lá có điều gì hấp dẫn đến vậy, nhưng không có câu trả lời.
Lúc trước mình còn ngạc nhiên khi thấy Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia và thuốc lá lớn nhất thế giới, bây giờ thì mình không còn ngạc nhiên nữa. Vì đã hiểu một phần. "Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu", hình như rất đúng khi mô tả con người Việt Nam. Mỗi chiều tối đi làm về thấy quán nhậu nào cũng đông nghẹt khách. Hết chén chú rồi đến chén anh.
Rồi một ngày nào đó bệnh tật kéo đến. Có những bệnh có thể chữa lành, có những bệnh tiền mất rất nhiều nhưng không thể cứu vãn. Dù vẫn biết ung thư là "trời kêu ai nấy dạ", nhưng mình không tin là mỗi ngày mình sống không tác động gì đến nó. Bạn thử nhìn xem, một người béo phì, ăn nhiều lười tập thể dục...làm sao mà không đủ thứ bệnh về chuyển hoá, một người suốt ngày hút thuốc uống rượu làm sao tránh khỏi ung thư phổi, xơ gan? May mắn lắm cơ địa người đó đặc biệt.
- Bây giờ tôi phải làm sao?
- Bây giờ cháu cho thuốc tiểu đường cho chú, còn bệnh phổi chú phải qua bên Phạm Ngọc Thạch, bên đó chuyên hơn.
- Bác sĩ có thể nói cho tôi biết, tôi có thể sống bao lâu nữa không để tôi thu xếp nhà cửa.
- Cháu nói thật, không dám chắc chắn về điều gì. Có những thứ hôm nay đúng, ngày mai lại sai. Có những thứ ngỡ là phước nhưng lại là hoạ. Điều quan trọng bây giờ không phải là chú sống bao lâu, mà sống có thật sự sâu hay chưa?
- Sống thật sâu?
- Đúng rồi. Chú còn rất nhiều thời gian để suy nghĩ về điều đó. Ví dụ như có bao giờ chú đến quỳ bên gối mẹ của chú và thì thầm lời cám ơn? Ví dụ như có bao giờ chú chở ba chú qua con đường làng nơi ngày xưa ba chú dẫn chú đi học? Ví dụ như có bao giờ chú cám ơn người vợ rất mực dịu hiền và chung thuỷ đã đi với chú gần ấy năm mà không một tiếng than van dù chú nát rượu và nghiện khói thuốc?
- Bác sĩ ... Tôi ... Tôi chưa từng nghĩ đến điều đó.
- Chú có bao giờ quan tâm đến những đứa con mình? Chú có nghĩ rằng một lời hỏi han của chú thôi đủ làm họ hạnh phúc?
- Ơ ...
- Vậy đó, sống sâu là sống với những điều nhỏ bé đơn giản như thế đó. Cuộc sống vô thường và con người ai mà không có bệnh có tử. Sau giai đoạn choáng rồi, chú sẽ chấp nhận được thôi. Từ chấp nhận đến quay lại nhìn về chính mình gần trong gang tấc.
- Cám ơn bác sĩ.
----
- Chú ấy là gì của anh?
- Cha ruột.
- Anh có hay đưa chú đi khám bệnh không?
- Bận lắm bác sĩ ơi, với lại ở xa nhau.
- Anh có biết ba anh bị ung thư phổi?
- Dạ....
- Ông ấy hút thuốc nhiều lắm không?
- Chẳng những hút thuốc còn uống rượu. Mỗi khi say sỉn về là đập phá nhà cửa chửi bới vợ con.... Tôi nói thiệt từ nhỏ đến giờ ổng chưa dạy tôi bất cứ điều gì. Anh em tôi chẳng được đi học....
- Anh có hận chú không?
- Không.
- Không?
- Dạ, dù xấu hay tốt ổng cũng là cha mình mà bác sĩ. Đúng hay sai đâu có lỗi do ổng, tại ông bà hay môi trường sống nó thế.
Mình bất ngờ trước cách trả lời của người con, khi mình mời bệnh nhân ra ngoài để gặp riêng.
Anh ta làm công nhân, chắc chắn là ít học. Nhưng học chữ cho nhiều vào làm gì, bằng cấp tiến sĩ giáo sư làm chi mà không biết quan tâm yêu thương cha mẹ già, không biết sống sao cho có tình có nghĩa.
- Bệnh này điều trị tốn kém lắm. Về mua bảo hiểm gấp đi. Được đồng nào hay đồng đó.
- Dạ.
Nhìn hai cha con bước ra khỏi phòng khám mà lòng mình chùng xuống. Mình mong có phép lạ xảy ra, bởi đó là một người con chí hiếu .
- Dù xấu hay tốt ổng cũng là cha của mình. Câu nói ấy theo đuổi mình tới tận giờ này!
P.S: Một bác sĩ nói rằng, nếu mỗi người đọc được thông tin này mà chia sẻ cho 10 người khác được biết, thì chúng ta sẽ cứu được ít nhất 1 người.
* Tôi đã làm tròn phận sự, giờ đến phiên bạn!
Nguồn: BS. Hương Nguyễn
Cuộc gặp xúc động giữa phi công và ân nhân trên máy bay.
Chỉ còn 40 phút máy bay cất cánh, cơ trưởng David Whitson chạy "thục mạng" đến cổng khởi hành để gặp ân nhân, người đã cứu mạng mình 8 năm trước.
Khi Allie Reimold lên chuyến bay mang số hiệu 2223 của hãng hàng không United Airlines ở Houston hồi đầu tháng 12, cô không nghĩ sẽ gặp lại cơ trưởng David Whitson. Lần gần nhất họ gặp nhau là cách đây 4 năm và đã 8 năm kể từ khi Allie cứu mạng David.
8 năm trước, David Whitson khi đó 44 tuổi, bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, loại ung thư liên quan đến tế bào máu và tủy xương. Anh cần được ghép tế bào gốc tạo máu nhưng máu của anh trai David không phù hợp. Đúng lúc đó, anh nhận được sự giúp đỡ từ Allie, người đồng ý hiến tặng để cứu David.
Giữa tháng 12, David vừa hạ cánh chuyến bay từ Dallas đến Houston đã nhận được thông báo Allie cũng đang ở Houston và chuẩn bị lên chuyến bay tiếp theo khởi hành sau 40 phút. David đã vội vã chạy đến cổng lên máy bay, nơi Allie đang đứng.
Nhiều năm trước, khi còn là sinh viên ngành khoa học, Allie đã tham gia gây quỹ cho một bệnh viện nhi ở bang Indiana, Mỹ. Trong sự kiện này, cô đã lấy mẫu máu để tham gia chương trình hiến tủy quốc gia, một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu hỗ trợ ghép tủy xương và tế bào gốc cho những người mắc bệnh ung thư máu.
Khi Allie biết máu của mình phù hợp với một người đang cần, cô đã rất vui mừng. "Tôi thực sự muốn có thể giúp đỡ ai đó theo cách này", cô nói.
Sau khi nhận được cuộc gọi, Allie đến trung tâm máu khu vực bờ biển vịnh Housston để hiến tặng tế bào gốc thông qua phương pháp tách tế bào. Allie đau và mệt sau buổi hiến tặng và được đưa về nhà ngay trong đêm để nghỉ ngơi. Vào ngày 21/12/2016, trùng với ngày đông chí bao phủ bang Texas với hơn 14 tiếng không có ánh Mặt Trời, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Baylor ở Dallas đã tiêm tế bào gốc của Allie cho David. Quá trình điều trị thành công, David có thêm cơ hội sống.
18 tháng sau đó, sức khỏe của anh hồi phục và đủ điều kiện để quay lại lái máy bay. Anh vẫn không biết ai là người đã tặng mình cơ hội sống lần thứ hai này. Tháng 3/2018, lần đầu tiên David và Allie gặp nhau tại Trung tâm Y tế Baylor khi cùng tham gia một sự kiện. Sau buổi hỏi đáp trên sân khấu dành cho bệnh nhân và nhân viên, David nhận ra Allie. "Tôi vẫn thấy choáng váng khi một người lạ lại dành thời gian để cứu mạng mình", David nói. Allie cho biết năm 2018, cô cũng hiến tế bào máu gốc một lần nữa để cứu thêm một người và khuyến khích những người khác xem xét tham gia đăng ký hiến tủy xương.
Để cám ơn cứu mạng, David đã dành cho Allie những đặc quyền khi đi lại bằng máy bay của hãng hàng không anh đang làm việc. "Đó là điều tối thiểu tôi có thể làm", David nói.
David thi thoảng lại bất ngờ đến thăm Allie tại sân bay nơi cả hai tình cờ có mặt. Hiện tại, Allie 30 tuổi, có bằng tiến sĩ và là nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa ung thư tại Đại học California. Cô thường khuyến khích mọi người thường xuyên đi khám sức khỏe, có lối sống lành mạnh.
Allie thường nhắn tin hoặc gọi điện cho David mỗi khi đi máy bay. "Mỗi lần gặp David, anh ấy đều cười. Đó là một người vui vẻ", Allie nói.
Khi Allie chờ chuyến bay khởi hành từ Houston, cô không nghĩ David đang chạy đến để gặp mình. Đến khi cửa máy bay đóng lại và cô đang ngồi yên vị trên ghế, cô bắt đầu nghe thấy tiếng cơ trưởng nói qua hệ thống loa phát thanh. Ban đầu, Allie không chú ý cho đến khi nghe đến tên David.
Trong thông báo gửi đến hành khách trên máy bay, David đã chia sẻ về câu chuyện được Allie hiến tặng tế bào máu gốc. Sau đó, anh bước đến chỗ cô ngồi và nói: "Không phải ngày nào tôi cũng có thể ôm người đã cứu mạng mình. Allie là anh hùng trong câu chuyện này và tôi mừng vì mình còn sống".
Các hành khách trên chuyến bay đồng loạt vỗ tay. Nam phi công cho biết mỗi năm cứ đến ngày 21/12, anh đều cảm thấy rất biết ơn.
"Tôi không nghĩ thời gian trôi nhanh như vậy. Nếu làm lại, tôi vẫn sẽ làm hiến tạng cứu người", Allie nói.
Anh Minh (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét