Lâu nay nói đến võ thuật Trung Hoa, người ta lập tức nghĩ ngay đến Thiếu Lâm vốn được đất nước tỉ dân này quảng bá như một thương hiệu văn hóa quốc gia nên ít người biết rằng, có rất nhiều môn công phu mà khả năng thực chiến hơn hẳn môn phái Thiếu Lâm lừng danh. Hình Ý Quyền là một ví dụ. Là một trong ba loại quyền pháp nổi tiếng nhất thuộc về nội gia quyền, Hình Ý quyền còn được giới võ lâm trung quốc xếp vào danh sách “Tứ đại danh quyền” của võ thuật truyền thống. Từ đầu thời nhà Thanh, khấp một dải đất rộng lớn từ Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc… không ai không biết đến Hình Ý quyền. Đến đầu thế kỷ 20, Hình Ý quyền đã theo chân Hách Ân Quang, một cao thủ Hình Ý quyền hiện đại vượt biển đến Nhật Bản. bắt đầu từ đó, Hình Ý quyền bắt đầu lan rộng ra nhiều quốc gia Đông Nam Á. Nhật Bản thậm chí là cả nước Mỹ xa xôi. Nhưng cũng vì lan truyền quá rộng với quá nhiều các chi phái, càng về sau này, câu chuyện về nguồn gốc của Hình Ý quyền càng trở nên mơ hồ và rối rắm. Và cuộc tranh luận “Anh sai tôi đúng” chẳng ai chịu ai cho đến tận ngày nay vẫn chưa hứa hẹn một ngày kết thúc.
Trên thực tế, những tranh cãi về Hình Ý quyền là hệ quả của hàng loạt sự nhầm lẫn mà nguyên nhân, như đã nói chính là sự truyền bá rộng rãi cùng với việc tách ghép, thành lập nhiều chi phái khác nhau cùng xuất phát từ môn phái này. Câu chuyện có lẽ phải bắt đầu từ sự ra đời của Nội Gia quyền vào những năm cuối của thế kỷ 19.
Theo những gì sử sách còn chép lại thì vào năm 1894, Bát quái quyền sư Trình Đình Hoa (1848 – 1900) (đệ tử Đổng Hải Xuyên, người sáng lập ra Bát Quái chưởng), Hình Ý quyền sư Lưu Vĩ Lan, Lý Tồn Nghĩa (1847 -1921) và Dương gia Thái Cực quyền sư Lưu Đức Khoan (? – 1911) (Đệ tử Dương Lộ Thiền) đề nghị hợp ba môn quyền thuật này lại làm một mô phái riêng biết lấy tên là “Nội Gia quyền”… Chính vì sự kiện lịch sử này, Hình Ý quyền, Thái Cực Quyền và Bát Quái Chưởng mới trở thành ba môn võ tiêu biểu của “nội gia quyền” như ngày nay chúng ta biết đến. Điều đáng nói là, việc hợp thành một môn phái lấy tên là Nội gia quyền đã khiến cho nhiều nhà lý luận và lịch sử võ thuật khi viết về Nội gia quyền đã đánh đồng môn phái Nội gia quyền hiện đại với quyền pháp nội gia quyền của phái Võ Đang do Trương Tam Phong sáng tạo ra. Và cũng từ đây người ta bắt đầu coi Võ Đang và Trương Tam Phong là thủy tổ và Võ Đang là nơi phát nguyên của Nội gia quyền.
Mọi việc càng trở nên rối rấm hơn, khi trong các bộ quyền pháp của Võ Đang, người ta lại tìm thấy một bộ quyền pháp cũng có tên là hình Ý quyền mà ngày nay vẫn gọi là Hình Ý quyền Võ Đang. Điều này đã cũng cố thêm cho quan điểm, Hình Ý Quyền cũng như các môn võ Nội gia khác có nguồn gốc từ Võ Đang, đối lập với môn phái Thiếu Lâm, vốn là đại biểu của trường phái Ngoại gia. Người ta càng tin chắc rằng chính tổ sư phái Võ Đang Trương Tam Phong chính là người đã sáng tạo nên môn công phu nổi tiếng này. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Lục lọi sách vỡ và các câu chuyện kể lưu truyền trong dân gian, người ta còn tìm thấy một bộ quyền pháp cũng mang tên Hình Ý quyền do Nhạc Phi, một danh tướng đời Tống sáng tạo nên. Và hiễn nhiên Nhạc Phi cũng trở thành một thủy tổ của Bộ quyền pháp mà sau này lưu truyền vô cùng rộng rãi.
Một thuyết khác lại cho rằng, Hình Ý quyền thực chất là một môn võ lưu truyền trong dân gian của một bài quyền có tên gọi là Tâm Ý bả. Theo thuyết này thì Tâm Ý bả là một trong những bài quyền xuất hiện rất sớm tại chùa Thiếu Lâm trên đỉnh Tung Sơn, Hà Nam từ khi chùa mới được thành lập vào thời nhà Bắc Ngụy (384 -534) dưới triều Hiếu Văn Đế (471 – 499). Người ta đã tìm thấy rất nhiều điểm tương đông giữa Hình Ý quyền chính tông và bài quyền Tâm Ý Bả trên Thiếu Lâm Tự. Hơn thế nữa, cả hai bộ quyền pháp này đều có nội dung phù hợp với phong thái cũng như nội dung của giáo pháp Thiếu Lâm Quyền, đề cao sự hòa hợp Thân – Tâm trong nội dung giáo lý của Phật giáo Thiền tông.
Thế là một môn tuyệt kỹ có đến tận 3 nguồn gốc với ba người sáng lập khác nhau mà người nào cũng có vô số những tín đồ trung thành sẵn sàng bảo vệ đến cùng cho những tín niệm của mình. Có điều, sự thực, người sáng tạo ra Hình Ý quyền lại hoàn toàn không phải là những vị đại sư danh giá lừng lẫy mà người ta đem ra để tranh cãi.
Truyền thuyết về ông tổ thực sự của Hình Ý quyền.
Người sáng lập ra Hình Ý quền trên sự thực là Cơ Tế Khả, một sư sỹ ở tỉnh Sơn Tây sống vào thời kỳ cuối Minh đầu Thanh. Lần theo những gh chép của các chi phái Hình Ý quyền ở Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, người ta phát hiện ra rằng, dù tồn tại với nhiều tên gọi khác nhau nhưng các bộ quyền pháp hình Ý quyền hiện đại đều có gốc gác từ bộ quyền pháp mang tên Lục Hợp Quyền có nguồn gốc từ Sơn Tây mà ông tổ của bộ quyền pháp này, theo những ghi chép chính xác từ sử liệu chính là Cơ Tế Khả.
Cơ Tế Khả (1602 – 1683), tự là Long Phong, người huyện Bồ Châu, tỉnh Sơn Tây. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Co tế khả đã thích côn quyền cước pháp. Bồ Châu, sơn Tây là một vùng đát chuộng võ thuật nên người luyện cũng như người dạy võ nhiều không kể hết. Từ khi lên 5, Cơ Tế Khả đã được gia đình mời thầy dậy võ nổi tiếng trong vùng về tận nhà chỉ điểm. Thế nên, trong suốt nhiều năm tuổi thơ, cậu bé Cơ Tế Khả vẫn ngày luyện võ, đêm học Thi Thư. Nhờ dụng công học tập, lại thông minh đĩnh ngộ hơn người, không lâu sau đó, Cơ Tế khả đx trở thành một thành niên văn võ song toàn.
Chuyện kể rằng, một ngày, cậu thanh niên cường tráng nhà họ Cơ đang luyện võ bên bờ sông Hoàng Hà thì không biết một ông lão râu tóc bạc phơ từ đâu xuất hiện. Thấy cậu thanh niên trẻ trung, tráng kiện đang hăng say luyện quyền cước, ông lão chống gậy đứng lại chăm chú nhìn từ động tác. Rồi vừa vuốt râu vừa gật đầu mỉm cười, ông lão đã đứng yên ở một góc xem Cơ Tế Khả luyện Chín chín tám mươi mốt lần bài quyền cho đến khi toàn lưng cậu ướt đẫm mồi hôi. Đến khi Cơ Tế Khả dừng lại nghĩ, ông lão mới nhẹ nhàng vuốt chòm râu bạc nói: “Chàng trai trẻ! Ta đứng đây từ nãy xem cậu luyện võ, thấy quyền cước của cậu cũng không tệ đâu, căn cơ cũng có thể coi là chắc chắn rồi. Có điều nhãn thần của cậu thì hơi kém. Tốt nhất là cậu nên vào cái hồ ở trong thôn mà rửa mắt đi rồi hãy luyện tiếp”.
Nghe ông lão nói, Cơ Tế Khả cũng bán tín bán nghi nhưng nghĩ rằng mình luyện tập đã mệt, mồ hôi ướt đẫm cẩ áo nên quyết định làm theo lời của ông lão ra hồ nước của thôn rữa mũi và mắt. Đến khi Cơ Tế Khả quay lại bãi đất ven sông thì ông lão tóc bạc đã đi tự khi nào. Trong lòng chàng trai trẻ Cơ Tế khả bỗng nhiên có chút hoài nghi, Bèn theo lời ông lão thử đi một vài đường quyền. Vừa mới vung tay, Cơ Tế Khả đã cảm thấy quyền pháp của mình trở nên linh hoạt và mạnh mẽ hơ hẳn so với một lúc trước đây. Đến lúc đó, Cơ Tế Khả mới giật mình: “đây chính là dị nhân đã chỉ điểm, dạy cho ta bí quyết luyện quyền pháp rồi!”. Từ đó trở về sau, hàng ngày Cơ Tế Khả vẫn theo thói quen đến bến sông Hoàng Hà để luyện tập võ nghệ. Nhưng khác với trước đây, sau khi luyện công xong, Cơ Tế Khả lại vòa thôn lấy nước hồ rửa mắt. Càng luyện, Cơ Tế Khả càng thấy võ công của mình tăng tiến vượt bậc. không chỉ quyền pháp trở nên mạnh mẽ linh hoạt mà công lực cũng tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đó. Cũng trong thời gian ấy, Cơ Tế Khả luyện thành công phu “Phi mã điểm duyên đầu” (cưỡi ngựa chọc xà nhà) độc nhất vô nhị, khiến nhiều người phải thán phục. Mình cưỡi ngựa, tay cầm thương, Cơ Tế khả phóng như bây trên đường rồi dùng thương chộc vào những xà nhà lộ ra dưới mái hiên. Thương pháp của Cơ Tế Khả tinh diệu đến mức, ông muốn dùng thương đâm vào chiếc xà nào là đâm trúng mà đều là đâm trung tâm của cây xà. Hơn nữa, những chiếc xà bị đâm trúng không chiếc nào còn nguyên vẹn dưới ngọn thương cường mãnh của ông. Cũng nhờ quyền pháp hơn người, thương pháp lại tuyệt luân khó bì,nên những cao thủ trong vòng trâm dặm ai cũng ngưỡng mộ Cơ Tế Khả là “thần thương tiêu tướng”
Là một cao thủ thân đầy võ nghệ thế nhưng Cơ Tế Khả hoàn toàn không phải là kẻ võ phu, hữu dũng vô mưu. Ngày luyện võ, đêm học Kinh Thư, rùi mài kinh sử nên ngoài võ công hơn người, Cơ Tế Khả còn là một người mang nặng ảnh hưởng của nền giáo dục Nho gia truyền thống. Chính vì thế , sinh ra và lớn lên trong thời kì người Mãn tấn ông Trung Nguyên, lật đổ nhà Minh , thành lập nên đế chế Thanh triều của Người Mãn, Cơ Tế Khả là một trong những nhân sỹ Hán tộc mang tư tưởng phản Thanh phục Minh rất mạnh mẽ.
Sau khi thiết lập sự cai trị của chính quyền Thanh triều, tầng lớp quý tộc Mãn tộc đã ra sức bóc lột áp bức những người Hán, Khiến mâu thuẫn dân tộc Hán – Mãn trở nên căng thẳng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những cuộc khởi nghĩa phản Thanh phục Minh trong suốt nhiều chục năm đầu sau khi nhà Thanh được thành lập. Cơ Tế Khả cũng là một người tham gia tích cực trong những hoạt động chống đối triều đình ngoại tộc này. Rời bỏ quê hương Sơn Tây, Cơ Tế Khả đi khắp nơi trong cả nước tìm kiếm kế sách diệt Thanh phục Minh.
Một lần, trên đường đến Hà Nam, khi đến ngọn núi Trung Điều, nơi giáp ranh giữa Bình Lục và Nhuế Thành, Cơ Tế Khả đã gặp phải một khe núi sâu ngăn lối đi. Trời sắp tối không thể quay trở lại được nữa, Cơ Tế Khả quất ngựa phóng lên phía trước định nhảy qua khe núi sâu. Không may, con ngựa sợ bóng tối nhẩy không đủ lực, trượt chân ngã xuống khe núi. Trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc đó, Cơ Tế Khả vẫn không haong mang. Buông dây cương, hai tây chống lên lưng ngựa rồi tung người lên phía trên. Sau cú xoay người ngoạn mục, Cơ Tế Khả đã nắm được một cành cây nhỏ mọc ra trên vách đá cheo leo giữa khe núi sâu, thoát chết chỉ trong gang tấc. Trong đêm đó, Cơ Tế Khả đến Hà Nam bình yên vô sự.
Vào thời điểm đó, Thiếu Lâm Tự ở Tung Sơn Hà Nam là một trong những căn cứ lớn của lực lượng kháng Thanh phục Minh. Thời ấy, do nhu cầu lực lượng cho các cuộc khởi nghĩa, việc chiêu mộ môn đồ của Thiếu Lâm Tự lấy cuộc đấu tranh kháng Thanh làm mục tiêu hàng đầu. Nhưng cũng vì tham gia cuộc kháng Thanh này mà Thiếu Lâm Tự một lần nữa vang danh thiên hạ.
Cơ Tế Khả ở tận Sơn Tây nghe tiếng Thiếu Lâm Tự là nơi những người có chí kháng Thanh thường xuyên lui tới mới không quản ngàn dặm xa xôi tìm đến chốn thánh địa của võ lâm này. Tại đây, Cơ Tế Khả đã quen biết rất nhiều các chí sỹ cùng chí hướng Họ cùng nhau sống ở Thiếu Lâm Tự, bàn chuyện chính sự, giao lưu võ nghệ, mư tính đại sự phục hưng một ương triều đã sụp đỗ mà họ một lòng trung thành. Ở Thiếu Lâm tự, với võ công hơn người, lại am tường kinh sử, Cơ Tế Khả nhận được sự tán thưởng của không ít tăng nhân Thiếu Lâm, các môn sinh Thiếu Lâm Tự cũng như các cao thủ võ lâm thường xuyên lui tới. Sau đó ít lâu, người ta tôn Cơ Tế Khả lên hàng phu tử và yêu cầu ông dạy võ cho những môn sinh tìm đến Thiếu Lâm theo tiếng gọi kháng Thanh phục Minh.
Có cơ hội cọ xát với võ nghệ tinh diệu của Thiếu Lâm Tự, vùng đất thánh của võ lâm cùng rất nhiều các môn phái trên khắp cả nước đã giúp võ công của Cơ Tế Khả một lần nữa đại tiến. Là người có chữ nghĩa, ngoài việc rèn luyện trao đổi võ công, Cơ Tế Khả không ngừng mày mò, tìm hiểu những chổ yếu của bản thân để sửa đổi, bù lấp. Và cuối cùng, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, Cơ Tế Khả đã sáng tạo nên bộ quyền pháp Hình Ý quyền nổi tiếng sau này.
Câu chuyện về sự ra đời của Hình Ý quyền có đôi chút ngẫu hứng và ly kỳ. Người ta kể rằng, sau đó, Cơ Tế Khả nổi tiếng với thương pháp đặc biệt là công phu “Điểm duyên công” (chọc xà nhà), sau gọi là Lục Hợp Thương. Nhưng vì khi đó, phong trào khởi nghĩa kháng Thanh phát triển quá mạnh mẽ, nên triều đình nhà Thanh quyết định ra lệnh cấm không cho người dân cất giữ vũ khí trong nhà, thương pháp tuyệt luân của Cơ Tế Khả trở thành thanh kiếm báu không tìm được đất dụng võ. Không muốn mai một bộ thương pháp tuyệt luân của mình, trong suốt thời gian ở Thiếu Lâm Tự dạy võ, Cơ Tế Khả vẫn trăn trở tìm cách truyền thụ Lục Hợp Thương cho hậu thế.
Một ngày, đang luyện công trước cửa đại điện, Cơ Tế Khả bỗng nhìn thấy ngoài sân có hai con gà trống đang đánh nhau. Nhìn hình tư thế của hai con gà trong trận ác chiến, Cơ Tế Khả như bi mê hoặc, không dứt ra được. Đột nhiên, một linh cảm bỗng đến với Cơ Tế Khả.Ông nghĩ, cổ nhân đã ừng sáng tạo nên Ngũ Cầm hý chẳng phải cũng lấy ý tưởng từ những cuộc ác đấu giành sự sống của các loài chim trong thế giới tự nhiên đó sao? Vì sao ta không thể sáng tạo nên một bộ quyền pháp kết hợp giữa Lục Hợp thương với thế đánh của con gà trống kia? Nghĩ vậy, Cơ Tế Khả bắt đầu quan sát kỹ lưỡng các thế đánh của con gà rồi tìm cách kết hợp với Lục Hợp thương tinh xảo của mình để sáng tạo nên một bộ quyền pháp mới. Sau đó, ông còn kết hợp luôn 5 loại quyền pháp Thiếu Lâm mô phỏng thể đánh của các loài thú trong tự nhiên như Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc và cuối cùng đã sáng tạo nên một bộ quyền pháp độc đáo riêng của mình. Ban đầu, Cơ Tế Khả đặt tên cho bộ quyền pháp này là Hình Ý Lục Hợp quyền, tức “Tâm hợp với ý, ý hợp với khí, khí hợp với lực, vai hợp với hông, hông hợp với chân, tay hợp với chân”.
Sau khi Cơ Tế Khả sáng tạo nên Hình Ý lục Hợp quyền, để truyền bá rộng rãi bộ quyền pháp của chính mình ngay trên mảnh đất thánh của võ lâm Thiếu Lâm Tự là điều hoàn toàn không dễ. Chính vì vậy, khi đó, Cơ Tế Khả đã tuyên truyền rằng, trong tời gian bôn ba khắp nơi, ông ta từng bái sư ở núi Chung Nam và ngẫu nhiên có được cuốn quyền phổ bí truyền của Nhạc Vũ Mục, tức Nhạc Phi, một danh tướng chống Kim nổi tiếng thời Nam Tống. Với danh nghĩa Nhạc Phi, một người được người dân Trung Quốc cũng như những người yêu võ thuật sùng bái như một vị thánh của “lòng tinh trung báo quốc” nên tại thời điểm đó, Hình Ý Lục Hợp quyền của Cơ Tế Khả được rất nhiều người theo học. Đây cũng chính là lý do vì sao, sau này nhiều người lại tìm thấy quyền pháp Hình Ý quyền như một tuyệt kỹ bí truyền của vị danh tướng đời Tống, Nhạc Phi. Ngoài ra, việc Cơ Tế Khả sống và dạy võ suốt một thời gian dài ở Thiếu Lâm Tự cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người ta tìm thấy bộ quyền pháp tướng đối giống với Hình Ý quyền, và cho rằng Hình Ý quyền bắt nguồn từ môn phái Thiếu Lâm.
Cuộc phiêu lưu rắc rối của tuyệt kỷ Lục Hợp quyền.
Hơn 10 năm sống ở Thiếu Lâm Tự với hùng tâm tráng chí về một ngày phục dựng lại vương triều nhà Minh nhưng nhìn cảnh giang sơn nhà Thanh ngày một được củng cố vững chắc, cái hùng tâm tráng hí xưa kia dần tan biến như bong bóng. Chẳng thể nào làm khác được nữa, Cơ Tế Khả đành rời Thiếu Lâm Tự trở về quê hương, ở võ quán thu nhận đệ tử, truyền dạy võ công, sống qua quãng đời còn lại. Hình Ý Lục Hợp quyền cũng từ đây bắt đầu cuộc phiêu lưu rắc rối làm điên đầu nhiều nhà nghiên cứu sau này.
Ngoài truyền dạy Hình Ý Lục Hợp quyền cho 6 người con của mình, Cơ Tế Khả còn truyền môn tuyệt kỹ này cho 2 người ngoại tộc là Tào Kế Võ. Tào Kế Võ là một vị danh tướng làm quan dưới triều Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh. Sau này, Tào đem bộ quyền pháp này dạy lại cho hai anh em Đới Long Bang và Đới Lăng Bang, đều là người tỉnh Sơn Tây và một người Hà Nam khác tên là Mã Học Lễ. Từ hai nhân vật Đới Long Bang và Mã Học Lễ, môn phái Hình Ý Lục hợp quyền bắt đầu phân chia thành nhiều nhánh khác nhau.
Từ Mã Học Lễ, bắt đầu chi nhánh Hình Ý Lục Hợp Quyền Hà Nam, lấy tên là Tâm Ý Lục Hợp Quyền. Mã Học Lễ chỉ lưu truyền môn võ này cho những người theo đạo Hồi. Sau này Lự Khao Cao là người đầu tiên không phải người Hồi được học Tâm Ý Lục Hợp quyền.
Trong khi đó, Đới long Bang dạy Hình Ý Lục Hợp quyền cho hai con là Văn Lương và Văn Huân và một người ngoại tộc là Lý Lạc Năng, còn được gọi là Năng Nhiên. Đới Văn Lương và Đới Văn Huân chỉ truyền dạy cho con cháu, không truyền Hình Ý Lục Hợp quyền ra bên ngoài. Mãi tới Đới Khôi, do không có con trai nên mới chịu truyền môn võ này cho người ngoài. Từ đó, Hình Ý Lục Hợp quyền chi phái Sơn Tây mới phổ biến với tên gọi là Tâm Ý quyền.
Một nhánh khác bắt nguồn từ đệ tử ngoại tộc của Đới Long Bang là Lý Lạc Năng. Lý Lạc Năng vốn là người Hà Bắc, nên sau khi đến Sơn Tây theo học Đới Long Bang, Lý trở về quê thu nhận đệ tử truyền dạy võ công. Từ đó, một nhánh khác của Hình Ý Lục Hợp quyền mới bắt đầu thịnh truyền ở Hà Bắc với tên gọi là Hình Ý quyền. Do truyền bá rộng rãi, môn phái của Lý Lạc Năng được nhiều người biết tới hơn hai chi phái Tâm Ý quyền của Sơn Tây và Tâm Ý Lục Hợp quyền ở Hà Nam. Sau này, nhiều đệ tử của Hình Ý quyền đều là những võ lâm cao thủ nổi tiếng trong khắp cả nước vì vậy, tên gốc của Hình Ý Lục Hợp quyền mà Cơ Tế Khả sáng tạo ra dần dần được nhiều người gọi là Hình Ý quyền theo tên gọi của chi phái Lý Lạc Năng sáng tạo nên. Lý Tồn Nghĩa, người sau này đã “có công” hợp nhất ba môn phái Hình Ý quyền, Bát Quái chưởng và Thái Cực Quyền, sáng lập nên môn Nội Gia quyền chính đồng thời tạo nên sự nhầm lẫn và những cuộc tranh cãi không ngớt sau này chính là đệ tử của Lưu Kỳ Lan, một trong 8 đại đệ tử chính tông của Lý Lạc Năng. Nói cách khác, môn Hình Ý quyền Hà Bắc thịnh truyền ngày nay trên thực tế là một trong ba chi phái của Hình Ý Lục Hợp quyền có nguồn gốc từ Cơ Tế Khả cùng với Tâm Ý quyền ở Sơn Tây và Tâm Ý Lục Hợp quyền ở Hà Nam.
Chiến đấu pháp của Hình Ý quyền có thể tóm gọn trong hai câu: “khoái công trực thủ, hậu phát tiên chí” (tấn công nhanh trên đường thẳng, đi sâu tới trước), “thiếp thân kháo đả, dĩ đoãn chế trường” (đến sát thân ddihj vừa hất vừa đánh, dùng đòn ngắn thắng đòn dài). Những môn đồ của Hình Ý quyền chuyên đánh trên đường thẳng, nhập vào trung môn, nên không cho địch thủ có cơ hội phát triển đòn công và tuy ra đòn sau nhưng đòn lại tới trước. tuy nhiên mỗi chi phái lại có mang một đặc điểm đấu pháp khác nhau.
Chi phái Hà Bắc đòn thế ngắn gọn, đơ giản dựa trên 17 thế căn bản của Ngũ Hành quyền và Thập Nhị Hình quyền. Chi phái Sơn Tây gần với chi phái Hà Bắc hơn. Các bài quyền của chi phái này bao gồm Ngũ Hành Quyền, Thập Đại Hình, Giao Tế tứ bả, Ngũ Thãng hạp thế… chi phái Hà Nam thì khác hẳn hai hệ phái trên, đòn thế rộng hơn, mạnh bạo hơn, căn bản chỉ có Thập Đại Hình quyền, Quyền thuật có những bài như Thập Đại Hình, Tứ Bả trùy…
Điều đáng nói là mặc dù là một môn phái có nguồn gốc từ miền Bắc Trung Quốc, nơi võ thuật rất chú trọng và phát triển cước pháp nhưng Hình Ý quyền lại chủ yếu phát triển quyền pháp với những đòn thế đơn giản và mạnh bạo. Những đòn chân trong Hình Ý quyền thường không cao quá bụng, nhưng chắc chắn và cương ngạnh. Cũng có lẽ vì lý do này Hình Ý quyền vẫn tồn tại trong làng võ như một đóa kỳ hoa hàm chứa nhiều bí ẩn.
SƯU TẦM
Đầu Năm Mới, Mời Đọc: Một Chút Lan Man
Ngẫm lại sự đời, tôi thấy hình như hầu hết chúng ta chẳng bao giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai. Nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ! Hừm! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú! Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại.
Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75! Vậy tại sao ta không nghĩ ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải.... nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!
Còn đối với các vị phụ nữ cũng có khi gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch... Thân thể ta cứ tiến triển theo một "lộ trình" đã được vạch sẵn của nó, không cần hỏi han ta, không cần biết ta có “chịu” không! Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ.
Trái lại, nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn. Từ ngày "thế giới phẳng" thông qua internet, ta còn sống với đời sống ảo. Ta ngồi đây với người nhà nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận dữ, âu yếm với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu chuyện với mọi người bên cạnh thì nhiều khi đã lỡ nhịp!
Hiểu ra những điều tầm thường đó, tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa! Hiện tại với tôi thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai. Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết "enjoy" nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá.
Từ ngày biết thương "thân thể" của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi... cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho thân thể của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá!
Một người bạn tôi mắc bệnh "ăn không được", "ăn không biết ngon" vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương ông quá, mua toàn sữa Mỹ mắc tiền cho uống! Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được?
Giá ông nghèo một chút còn hay hơn! Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn ông ăn thấy ngon, thấy sướng! Tôi cũng biết cho thân thể của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được!
Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! (Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền!) trong bài Cư trần lạc đạo, (ở đời mà vui đạo)! Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp!
Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác!
Nên nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đấu óc bắt đầu kém sắc sảo. Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi! Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe được, không thì đóng lại; mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy được, không thì khép lại. Thế là "căn" hết tiếp xúc được với "trần". Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!
Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là mắt xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành.
Cái mà người xưa gọi là "hoa đốm hư không" chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình! Chính cái "tưởng" của ta nhiều khi làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.
Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả! Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút. Có lẽ như vậy hay hơn cho mình.
BS. Đỗ Hồng Ngọc