a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

NHỮNG CHIẾC XE MÌ CỦA QUÁ KHỨ


Sài Gòn từ khi hình thành là nơi đất lành chim đậu, là nơi giao thoa các nền văn hoá khác nhau. Đó không chỉ là nơi hội tụ của người Việt từ ba miền Nam, Trung, Bắc; mà còn là nơi đón nhận nhiều phong tục, lối sống của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới nữa. Đặc biệt là văn hoá ẩm thực. Ở Sài Gòn, ta có thể thưởng thức món gan ngỗng béo ngậy của Pháp, món lẩu chua cay của Thái, mắm bò hóc và chè Kampuchia, món sushi của Nhật, món pizza của Ý, món cari của Ấn, món nướng của Hàn, món soup rau của Địa Trung Hải, món cháo ếch của Singapore, món Dim sum Hồng Kông... và đặc biệt không thể không nhắc đến những món ăn của người Hoa Chợ Lớn.
Ẩm thực của người Hoa thì vô cùng phong phú, kể ra cũng vài trang giấy. Ở đây, trong phạm vi những dòng ngắn ngủi đầu xuân, tôi chỉ nói tới món hủ tíu và mì của họ. Những món ăn luôn hấp dẫn tôi từ trước đến nay.
Nhắc tới món ăn này trước hết phải kể đến chiếc xe mì.
Đó là những chiếc xe thường xuất hiện vào lúc xẩm tối, bên vỉa hè, nơi góc chợ, chỗ có đông người qua lại. Đó là những chiếc xe chuyên dụng, chỉ dùng để bán hủ tíu, mì. Trên chiếc xe này được trang bị đầy đủ như một quán ăn, có bếp đốt bằng than củi, có chỗ xài bình ga, lửa xanh lét phì phì, có nồi nước lèo hai ngăn to bự chảng, một bên để trụng hủ tíu, mì, ngăn còn lại chứa nước lèo sôi sùng sục. Nước lèo thường được hầm với xương, củ cải trắng, mực, tôm khô, có nơi còn có cả sá sùng. Bên trên có tủ kiếng chia ngăn để thịt, rau hành. Đặc biệt luôn luôn bên cạnh thùng nước lèo có mặt một cái vịm bằng gốm, trong chứa mỡ nước và những miếng mỡ heo thái hạt lựu đã được thắng vàng. Tôi có mấy người bạn làm nghề này bảo rằng thứ làm cho tô mì ngon hay dở đều nằm trong cái vịm thắng mỡ này. Theo họ thì cái này không chỉ chứa mỡ mà còn được gia cố thêm bột nêm, bột ngọt và bí quyết riêng của mỗi xe mì. Trụng xong mì hay sợi hủ tíu, bỏ vào tô, cho thịt, xá xíu, hành, rau, lúc đó múc một muỗng mỡ vào rồi mới chế nước lèo lên. Không có cái muỗng mỡ này, tô mì ăn lạt nhách. Hơn nữa, nồi nước lèo nếu nêm nếm gia vị nhiều quá sẽ mau thiu, không thể để lâu được. Còn cái vịm mỡ gia vị đó thì để bao lâu cũng chẳng hư. Âu đó cũng là kinh nghiệm gia truyền.
Ba mặt của xe mì thường có ba tấm thiếc, nhôm hoặc inox hay ván gỗ, mở ra, cài hai cái móc, để thêm mấy cái ghế xếp nữa thành bàn... Trên đó để chai giấm, chai nước tương, hủ ớt dầm giấm và lon guigoz đựng muỗng đũa. Ông bà nào dân Việt thuần tuý đi ăn mì Tàu mà muốn kiếm nước mắm sẽ không bao giờ tìm thấy ở đây. Nếu quán đông khách, người ta kê thêm mấy cái bàn, vài cái ghế đẩu và quán hoạt động đến khuya.
Nhắc xe mì mà không nói đến những tranh kiếng đủ màu trang trí trên xe là một thiếu sót lớn. Đó là những tấm tranh vẽ những điển tích của văn hóa dân gian Trung Hoa... Đó là những cảnh minh họa truyện Tam Quốc như: nhân vật Quan Công mặt đỏ râu dài cỡi ngựa đỏ, Trương Phi râu rậm, mắt lồi dữ tợn, Triệu Tử Long múa đao, đó là cảnh Bát tiên phó hội, Bát tiên quá hải, Tôn ngộ không, Thất hiền, rồng phụng tương giao, cảnh sơn thuỷ...
Tất cả đều tô màu sặc sỡ, với một kỹ thuật đặc biệt và nét vẽ điêu luyện tuy chỉ do những người thợ mỹ nghệ làm ra. Đến nay, nghề này đã bị thu hẹp lại, các nghệ nhân xưa đã già hay đã qua đời, nghề lại ít người theo nên tranh kiếng ngày nay thiếu mất cái hồn, cái uy nghi, vũ dũng trong nét bút của thời xưa. Hồi đó, mỗi lần đi ăn mì, tôi say sưa ngồi ngắm những tranh vẽ đó, về nhà học vẽ theo đầy cả vở, bị ba tôi phạt hoài.
Ngày nay, những xe mì với tranh kiếng vắng bóng dần trên các vỉa hè, đôi khi lại tìm thấy trong các nhà hàng, người ta để như là một biểu tượng. Chiếc xe mì tranh kiếng nằm nơi góc chợ, bên lề đường có vẻ hay hơn, đắc địa hơn, có sinh khí hơn nhiều.
Ngoài những xe mì cố định, còn có xe mì lưu động. Đó là những chiếc xe nhỏ hơn, trang bị gọn hơn, ít khi có tranh kiếng, nếu có cũng vẽ đơn giản, sơ sài hơn. Ông chủ xe thường là tuổi trung niên, mặc cái áo thun ba lỗ, vai vắt khăn. Bên cạnh thường có những đứa bé cầm hai thanh tre đã lên nước nâu bóng gõ theo nhịp điệu muôn đời không đổi sực... tắc, sực... tắc. Tiếng gõ vang một góc đường, một con hẻm giữa đêm gợi cho ta thèm muốn một bát mì nghi ngút giữa đêm, giúp cho người đi chơi khuya về có bát mì ngon, giúp kẻ lỡ đường với số tiền ít ỏi qua cơn đói. Bởi những xe mì lưu động này bán giá rất bình dân, tuy vậy cũng có những xe mì lưu động rất ngon không khác gì những xe, những quán cố định.
Nhiều người đi xa có lúc nhớ về quê nhà lại nhớ tiếng sực tắc đêm khuya. Có những người đã già, nhớ lại thời bé dại, cũng có lúc lại nhớ tiếng gõ đều đều của hai thanh tre của chiếc xe mì đi qua ngõ quá khứ.
Tô mì hay hủ tíu thường được ăn cùng với xá xíu, những miếng thịt heo nạc màu đỏ xắt mỏng ăn thơm thơm mùi ngũ vị hương, ngòn ngọt của mật ong phết lên lúc quay lúc nướng. Cũng có mì hủ tíu ăn với cật, gan heo và con tôm hồng hào hấp dẫn. Còn có mì hoành thánh, sủi cảo chấm tương ớt hoặc nước tương. Bỏ vào miệng cảm được cái mềm mại của bột, cái dai dai béo béo đậm đà của thịt, cái ngọt lừ của nước lèo, tất cả hoà thành một hương vị đặc biệt khó quên. Người Hoa Chợ Lớn có người Tiều, người Quảng, người Hẹ, Phúc Kiến, người Hải Nam... Người vùng nào cũng có người làm nghề bán hủ tíu mì. Nhưng riêng tô hủ tíu mì của người Quảng thường có miếng bánh tráng mỏng nho nhỏ chiên vàng ươm, trên có một vài con tôm nhỏ để nguyên chân cẳng, râu càng. Cắn miếng bánh dòn rụm, húp thêm niếng nước lèo, đưa thêm vài sợi mì, ngon!
Sau này còn có Hủ tíu sa tế, gồm bò hoặc nai, ăn với một loại sauce cay cay trộn đậu phụng giã nát. Hình như những quán bán loại này đa phần là người Triều Châu, không biết đúng không bởi món này cũng không phổ biến lắm?
Tô mì ngon ngoài nước lèo ngọt, đậm đà, thịt chế biến giỏi còn có yếu tố quan trọng là sợi mì phải dai, ăn đến muỗng cuối cùng, mì vẫn không nhão nát... Mì được làm từ bột mì, thêm màu vàng óng của nghệ hoặc phầm màu và nghe đâu phải có tro tàu sợi mì mới dai ngon. Có loại sợi mì nhỏ như sợi bún, cũng có loại to dẹp, ngon dở tuỳ khẩu vị mỗi người mà lựa chọn. Khi trụng mì cũng là một kỹ thuật. Có nơi trụng bằng nước sôi, xong lại qua một lượt nước lạnh, rồi trụng sơ lại nước nóng lượt nữa mới cho vào tô. Trụng như thế sợi mì sẽ dai lâu mà không nát. Mì được khoanh từng vắt nhỏ dáng tròn tròn như hột vịt. Có người muốn ăn no, thường kêu ba hoặc bốn vắt một tô. Nhìn tô mì đầy nhóc thấy ớn. Cũng có đôi chỗ bán mì tươi, kéo mì tại chỗ thành những sợi dài, kiểu mì này cũng ít nơi bán vì rất mất thì giờ chờ đợi.
Sợi hủ tíu làm bằng bột gạo, sợi hủ tíu ngon là sợi hủ tíu không bị nhão khi ăn, nuốt vào miệng nghe trơn tuột và cũng cần kỹ thuật khi trụng.
Cũng có nhiều xe mì bán thêm món há cảo, bột được bọc với con tôm, đem hấp chín, khi ăn chấm với tương ớt và xì dầu.
Có người thích ăn chung một tô có mì lẫn hủ tíu, cũng là một cái thú vì ăn được hai thứ trong một tô. Thế nhưng có nhiều xe mì không chịu làm thế, hủ tíu là hủ tíu, mì là mì, không thế có thứ hỗn hợp như thế.
Đi năm châu bốn bể, kể cả một thời gian khá dài ở bên Trung Quốc, tôi vẫn không thấy đâu ngon bằng tô hủ tíu mì ở Việt Nam, đặc biệt là tô mì ở Chợ Lớn. Họ cũng gọi là mì nhưng thiếu cái hương vị mình đã dùng qua, cái cảm giác mà mình đã hưởng thụ. Ngay khi ra Hà Nội, hay về Đà Nẵng, vẫn thấy tô mì không giống tô mì Chợ Lớn. Bởi tô mì của quá khứ là tô mì quen thuộc, đã theo ta suốt một quãng đường dài của cuộc đời.
Bây giờ ở Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, cũng chẳng khó khăn gì để kiếm một bát mì ngon, nhưng ăn trong quán, trong nhà hàng máy lạnh lại không có được cảm giác thú vị của ngọn gió đêm hiu hiu, ngọn đèn đường hắt hiu và phố xá có người qua, ăn trong âm thanh rộn rã của cuộc sống.
Tìm tô mì dễ dàng nhưng không còn thấy những chiếc xe mì lưu động, thay vào đó là những xe mì gõ mới không giống như cũ, tiếng sực tắc cũng chẳng còn âm thanh cũ, chất lượng, hương vị cũng đổi thay và tiếc nhất là những xe mì vỉa hè có những bức tranh kiếng. Giờ vẫn còn rải rác đâu đó để kiếm tìm, nhưng chắc chắn mốt mai, nó chỉ còn trong kỷ niệm.
Ai cũng có một món ngon của quá khứ, và chằc hẳn món đó là món ngon nhất trong tâm tưởng của riêng mình.

1.3.2018
DODUYNGOC


Bức phù điêu tại ngôi đền cổ: Ấn Độ đã có xe đạp từ 2000 năm trước?

Trong một ngôi đền có lịch sử 2.000 năm ở Ấn Độ, người ta đã tìm thấy một bức chạm nổi hình một người đàn ông đang đi xe đạp. Phát hiện này đã thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Những chiếc xe đạp xuất hiện trong bức tranh phù điêu tại ngôi đền
Bức phù điêu tại ngôi đền cổ: Ấn Độ đã có xe đạp từ 2000 năm trước?
Bức phù điêu chạm nổi hình người đàn ông trên chiếc xe đạp trong ngôi đền cổ Ấn Độ 2000 năm tuổi. (Ảnh: renminbao.com)
Tại thành phố Tiruchirapally, Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ, có một ngôi đền không hề hoành tráng và cũng chẳng có gì quá đặc biệt. Tuy nhiên, kể từ tháng 7 năm 2018, nhiều du khách đã lũ lượt đến thăm ngôi đền này, bởi sức hút từ một bức phù điêu (tranh chạm nổi) trong tu viện. Bức phù điêu này nằm ở phần dưới cùng của một cây cột trong tu viện. Người đàn ông được miêu tả trong bức phù điêu là một người đàn ông Ấn Độ với chiếc khăn quàng cổ và bộ ria mép. Người đàn ông ngồi trên ghế xe đạp, tay cầm hai đầu tay lái, chân thì đang đặt trên bàn đạp.
Bức phù điêu tại ngôi đền cổ: Ấn Độ đã có xe đạp từ 2000 năm trước?
(Ảnh: YouTube)
Như được dạy trong sách giáo khoa, chiếc xe đạp đầu tiên được phát minh ở châu Âu vào thế kỷ 19, như vậy cho tới nay mới chỉ được 200 năm. Còn ngôi đền này lại được đề cập trong các tài liệu cổ từ thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên (SCN). Tư liệu cổ này được gọi là “Balam”, và được viết bằng tiếng Pamir. Không chỉ vậy, nhà thiên văn học và nhà địa lý học nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại Ptolemy cũng từng đề cập đến tu viện này.
Như vậy, các tư liệu lịch sử cùng các nhân vật lịch sử đã chứng minh rằng ngôi đền này được xây dựng từ cách đây 2.000 năm trước, nhưng nền lịch sử chính thống lại cho chúng ta biết rằng xe đạp mới chỉ được phát minh trước đây có 200 năm trước. Vậy làm sao giải thích cho điều này?
Những ví dụ như vậy cũng không phải quá hiếm.
Như chúng ta đã biết, phi hành gia Yuri Gagarin từ Liên Xô cũ là người đầu tiên đặt chân lên vũ trụ. Ông sinh ngày 9 tháng 3 năm 1934, và vào lúc lúc 9:07 sáng giờ Matxcơva ngày 12 tháng 4 năm 1961, Gagarin có chuyến bay thế kỷ trên con tàu vũ trụ Phương Đông (Vostok). Tàu Vostok 1 từ địa điểm phóng Baiknuer đã bay quanh Trái Đất trên một quỹ đạo với độ cao tối đa 301 km. Chuyến bay kéo dài trong 1 giờ 48 phút và trở về an toàn vào lúc 10:55 sáng. Tàu đã hạ cánh ở Smeito, Saratov. Tại ngôi làng Lovka, chuyến bay vào vũ trụ có người lái đầu tiên trên thế giới đã hoàn thành, hiện thực hóa mong muốn khám phá không gian vũ trụ ngoài kia của nhân loại. Vào ngày 27 tháng 3 năm 1968, Gagarin và huấn luyện viên bay Vladimir Seryogin đã gặp tai nạn và bị rơi máy bay khi quặt tay lái để tránh một vật thể lạ trên bầu trời trong một chuyến bay huấn luyện thường lệ. Cả hai đã qua đời trong vụ tai nạn.
Bức phù điêu tại ngôi đền cổ: Ấn Độ đã có xe đạp từ 2000 năm trước?
Gagarin, người đầu tiên đặt chân lên vũ trụ. (Ảnh: delfi.lt)
Tuy nhiên, mấy ai biết rằng, tại Nhà thờ Salamanca ở Tây Ban Nha có một bức phù điêu phi hành gia rất bí ẩn. Bên cạnh các loài động vật truyền thuyết và vị thánh được khắc họa trên bức phù điêu, còn có một chi tiết vô cùng thú vị. Đó chính là hình chạm nổi rất rõ ràng của một phi hành gia trong bộ trang phục thường lệ.
Bức phù điêu tại ngôi đền cổ: Ấn Độ đã có xe đạp từ 2000 năm trước?
Nhà thờ Salamanca có một bức phù điêu phi hành gia bí ẩn. (Ảnh: renminbao.com)
Nhà thờ này được xây dựng vào năm 1513 và hoàn thiện vào 1733. Nếu tính từ thời điểm hoàn thiện việc xây dựng nhà thờ, thì “phi hành gia vô danh” được chạm khắc tại nhà thờ này cũng đã tiến vào không gian ít nhất 228 năm trước Gagarin.
“Điều này không ăn khớp với lịch sử nhân loại!” Nhiều người có thể suy nghĩ như vậy. Nhưng đúng ra phải nói là, nó không phù hợp với nền lịch sử nhân loại mà chúng ta khám phá ra hiện nay. Nhưng liệu có khả năng nhận thức của chúng ta về lịch sử nhân loại phải chăng vẫn còn nhiều điều thiếu sót. Rốt cục thì cũng không thể nói rằng nhận thức ban đầu của chúng ta về lịch sử nhân loại là tuyệt đối chính xác. Nếu nó sai hoặc có thiết sót, thì vẫn cần chỉnh sửa thêm để cho hoàn thiện hơn.
Mà trên chỉ là một trong vô số các phát hiện khảo cổ có ý nghĩa chấn động tương tự. Từ những phát hiện này, một số nhà khoa học dũng cảm đã đề xuất giả thuyết cho rằng nền văn minh nhân loại tiên tiến như hiện nay không chỉ từng tồn tại một lần (từ thời kỳ mông muội sơ khai phát triển cho đến hiện đại như bây giờ), mà đã từng tồn tại vô số lần trong quá khứ.
Cũng giống như con người phải trải qua “sinh, lão, bệnh, tử”, các nền văn minh theo chu kỳ trong quá khứ cũng phải trải qua một quá trình gọi là “thành, trụ, hoại, diệt”. Một biến cố tai nạn hoặc thảm họa mang tính hủy diệt nào đó có thể xuất hiện, giống như vụ thiên thạch va Trái Đất vào 65 triệu năm trước, đã hủy diệt cả một nền văn minh rực rỡ thành đống tro tàn, để rốt cuộc mọi thứ bắt đầu phát triển trở lại từ con số 0. Những chu kỳ văn minh cứ lặp lại nối tiếp nhau như thế trong vòng tuần hoàn lâu dài của lịch sử nhân loại.
Bức phù điêu tại ngôi đền cổ: Ấn Độ đã có xe đạp từ 2000 năm trước?
(Ảnh minh họa: New Scientist)
Tuy vậy, sau mỗi lần xảy ra những đại thảm họa như thế, dẫu rằng gần như toàn bộ nền văn minh đã bị phá hủy, vẫn còn sót lại một số văn vật được lưu lại, như bằng chứng về một thời kỳ “tiên tiến” thời xa xưa. Và bức phù điêu hình người đàn ông lái chiếc xe đạp trên có thể là một ví dụ điển hình, rõ nét. Và phát hiện trên cũng làm dấy lên một câu hỏi:
Phải chăng chúng ta chỉ đang tái phát minh lại những “thành tựu văn minh trước đây của con người cổ đại”?
Theo renminbao.comQuang Khánh biên dịch
  

Không có nhận xét nào: