Bảo Huân
Tuấn hồi hộp đợi chờ giờ ra chơi. Cuối cùng, tiếng chuông cũng reo lên inh ỏi, thầy giáo gấp sổ, rời khỏi bàn cùng lúc với các học sinh nam nữ lục tục nhanh chóng chạy ra ngoài cửa lớp. Không ai muốn lãng phí phút giây nào trong giờ ra chơi cả.
Trong chớp nhoáng, lớp học vắng hoe không còn ai ở lại. Tuấn luẩn quẩn bên ngoài nhưng mắt luôn dáo dác ngó những người xung quanh rồi thừa cơ không ai để ý Tuấn quay trở vào lớp của mình.
Ði giữa hai dãy bàn, một bên là nam sinh – một bên nữ sinh, tới bàn của Ngọc Thơ thì Tuấn giả vờ cúi xuống như đang nhặt cái gì đó. Anh chàng nhanh chóng rút từ túi áo, tờ giấy đã được gấp gọn gàng làm tư và nhét vội vào chiếc cặp trong hộc bàn, ngay chỗ của Ngọc Thơ.
Không ai trông thấy hành động của Tuấn, nhất là lũ con gái còn đang mải mê nhiều chuyện ngoài kia. Thế là Tuấn làm bộ thản nhiên bước ra khỏi lớp.
Anh chàng đút tay vào túi quần thong thả đi bộ dưới gốc cây hoa phượng trong sân trường. Gốc cây này từng chứng kiến Tuấn đi tha thẩn giờ ra chơi và nghĩ ra mấy câu thơ được nắn nót trong lá thư tỏ tình vừa lén lút bỏ vào chiếc cặp kia.
Thẩn thơ dưới gốc phượng già,
Anh yêu em lắm nhưng mà tình câm,
Hỏi em có yêu anh không?
Hãy trả lời gấp. Anh mong đây nè…
Ký tên: Tuấn, người si tình ngồi cùng dãy bàn với em và hàng ngày hóng về phía em.
Tuấn vốn nhút nhát, thấy nữ sinh nào đẹp đến gần là bối rối nói không nên lời, nên dù thầm yêu trộm nhớ Ngọc Thơ xinh đẹp suốt từ năm đệ tam đến năm đệ nhị mà Tuấn chưa bao giờ dám mở miệng mời Ngọc Thơ đi ăn chè chứ đừng nói tới chuyện đại sự là tỏ tình.
Hôm nay, Tuấn đã chọn cách tỏ tình là bỏ bài thơ tương tư vào ngăn cặp của nàng và ký tên, chắc nàng sẽ hiểu. Không biết khi nhận và đọc lá thư này, Ngọc Thơ sẽ phản ứng ra sao nhỉ? Tuấn căng thẳng lắm nhưng xen lẫn niềm vui hy vọng. Tuấn đẹp trai, học giỏi, mấy đứa con gái trong lớp luôn nhìn Tuấn bằng ánh mắt ngưỡng mộ lẽ nào Ngọc Thơ lại hững hờ?
Suốt giờ học còn lại Tuấn ngồi dãy bàn bên này mà luôn hướng mắt về dãy bàn nữ bên kia xem thái độ Ngọc Thơ ra sao, nàng đã thấy lá thư chưa?
Tuấn thấy Ngọc Thơ vẫn chăm chỉ nghe thầy giảng bài hay thỉnh thoảng nói chuyện với Thu Diệu bên cạnh. Hai đứa này chơi thân nhau, chưa biết chừng mai mốt Ngọc Thơ sẽ kể cho Thu Diệu chuyện lá thư tình và cả lớp cùng biết thì mắc cỡ lắm nên Tuấn luôn để ý thái độ cả hai đứa nó.
Mọi chuyện vẫn bình yên như thường ngày. Vậy là lá thư chưa được phát hiện, càng may, lát nữa về nhà Ngọc Thơ sẽ thấy lá thư để con nhỏ nhiều chuyện Thu Diệu kia đừng xía vô.
Sáng hôm sau Tuấn đến trường với tâm trạng hồi hộp lo lắng, anh chàng thấy Ngọc Thơ nhìn chàng cười cười, nhưng lại thấy con nhỏ Thu Diệu nhìn chàng với ánh mắt… sầu thương. Ngọc Thơ cười cười vui vẻ thế kia là đắc ý với lá thư tình của Tuấn rồi, còn Thu Diệu mắc mớ gì mà mặt nó buồn thế?
Thật khó hiểu? Tuấn vốn giỏi toán, giỏi suy tính mà ca toán khó này Tuấn đành chịu thua.
Thỉnh thoảng, Tuấn lén nhìn sang dãy bàn Ngọc Thơ và Thu Diệu, lại bắt gặp đứa nhìn Tuấn mỉm cười và đứa rưng rưng buồn. Hai đứa hai tâm trạng ngược xuôi mới lạ.
Thôi, Tuấn đành chờ đợi một lá thư hồi âm.
Quả nhiên giờ ra chơi Ngọc Thơ chủ động đến bên Tuấn và rủ trưa nay tan học, hai đứa ghé hàng chè đá đậu nói chuyện.
Tuấn mừng rỡ trong lòng. Không ngờ Tuấn nhút nhát bao nhiêu Ngọc Thơ lại dạn dĩ bấy nhiêu, nó hẹn hò Tuấn ra quán chè chắc là để trả lời lá thư tình của Tuấn.
Tan học, Tuấn đúng hẹn ra hàng chè đá đậu trước sân trường, giấc này quán chè vắng tanh vì lớp sáng ra về, lớp chiều chưa tới.
Tuấn chọn một ghế ngồi chờ Ngọc Thơ, một lát sau Ngọc Thơ ra tới. May quá nó không dẫn con nhỏ Thu Diệu theo cản mũi kỳ đà, dù hai đứa này đi đâu luôn có đôi.
Tuấn thầm cám ơn “người yêu” đã tế nhị, thật dễ thương. Ngọc Thơ gọi hai ly chè và vào chuyện:
– Tuấn ơi, Thu Diệu không thể đến được.
Tuấn gạt phăng:
– Khỏi cần, cứ để Thu Diệu thảnh thơi, mình nói chuyện đủ rồi.
Ngọc Thơ quậy ly chè đậu xanh bánh lọt nước dừa cho đều và lựa lời nói:
– Thật tình nói ra Ngọc Thơ cũng ngại ngùng lắm, lá thư của Tuấn bỏ trong ngăn cặp…
Tuấn chen vào giọng run run cảm xúc:
– Ừ, lá thư tình của Tuấn đó, mấy câu thơ của Tuấn làm đó.
– Nhưng muộn rồi Tuấn ơi, nhỏ Thu Diệu đã thương một anh bên lớp đệ Nhất rồi.
– Thu Diệu?
– Chứ còn gì nữa! Tuấn đã nhét lá thư tỏ tình trong ngăn cặp của Thu Diệu, nó đưa cho Ngọc Thơ đọc rồi. Ðây nè!
Ngọc Thơ mở cặp, lôi ra tờ thư gấp làm tư của Tuấn, chìa ra trước mặt Tuấn:
– Phải lá thư này không? Nằm trong ngăn cặp Thu Diệu đó.
Trời ơi, bây giờ thì Tuấn đã hiểu nụ cười của hai đứa, Ngọc Thơ cười cười là trêu chọc Tuấn vì biết bí mật một chuyện tình. Còn Thu Diệu buồn buồn vì nó thương hại Tuấn, không thể đáp lại một tình yêu.
Thấy vẻ mặt thất thần của Tuấn, Ngọc Thơ ái ngại an ủi:
– Tuấn đừng buồn, đừng thất vọng mà ảnh hưởng đến chuyện học hành nha. Phải nói lời từ chối Tuấn, nhỏ Thu Diệu cũng khổ tâm lắm.
Tuấn nói nhỏ mà như gào lên:
– Không… không… Tuấn không yêu Thu Diệu.
Ngọc Thơ càng cuống quýt ngắt lời Tuấn và an ủi tiếp:
– Ngọc Thơ biết mối tình si bị từ chối người ta dễ bị cú “sốc” lắm. Tuấn hãy bình tâm đừng giận hờn, nói lẫy hay oán trách Thu Diệu nữa.
Tuấn hạ giọng rên rỉ:
– Tuấn đang nói thật chứ nói lẫy hồi nào. Tuấn không yêu Thu Diệu, Người Tuấn yêu là… là…
Máu nhát gan lại hiện về, Tuấn ấp úng mãi mới nói được:
-Là… Ngọc Thơ đó. Tuấn yêu Ngọc Thơ.
Vừa nghe xong Ngọc Thơ đứng phắt dậy, tự ái đùng đùng:
– Tuấn đừng có cho Ngọc Thơ… ăn đồ thừa, đồ ế nha! Bị Thu Diệu từ chối rồi quay ra nói yêu Ngọc Thơ để gỡ gạc đỡ quê hả? Thua me gỡ bài cào hả? Còn lâu!
Cô nàng xách cặp ngoe nguẩy bước đi. Tuấn vụng về gọi theo:
– Ngọc Thơ ơi còn ly chè ….
– Biết rồi, tôi chưa trả tiền chứ gì. Tuấn trả tiền hai ly chè giùm đi, mai mốt tôi trả lại. Bữa nay tôi mời.
– Ý Tuấn là còn ly chè đầy, Ngọc Thơ ngồi ăn chè với Tuấn và nghe Tuấn nói chuyện tiếp. Lá thư tình Tuấn đã bỏ lộn cặp Thu Diệu thay vì bỏ vào cặp Ngọc Thơ.
Lời phân bày của Tuấn lạc vào gió bay, Ngọc Thơ đã đi khỏi, không biết nó có nghe được gì không?
Tuấn nhớ lại hôm qua lúc lén bỏ lá thư tình vào cặp, vì hai cặp của Ngọc Thơ và Thu Diệu nằm cạnh nhau trong hộc bàn và vì Tuấn hành sự vội vàng nên đã bỏ lộn.
Tuấn thấy từ xa con nhỏ Thu Diệu hiện ra đón Ngọc Thơ, chắc nãy giờ nó núp đâu đó để chờ đợi Ngọc Thơ làm sứ giả đi gặp Tuấn. Hai đứa nó chở nhau về trên chiếc xe đạp, không biết Ngọc Thơ sẽ kể lại những gì.
o O o
Dòng đời trôi chảy, hơn 40 năm sau Tuấn và Ngọc Thơ tình cờ gặp lại nhau trong buổi họp mặt trường xưa tại Mỹ. Cả hai nhận ra nhau, mừng vui chuyện trò, hỏi thăm nhau về thầy cô bè bạn.
Thu Diệu thuở đó yêu anh chàng lớp đệ nhất nhưng nàng đã nên duyên với người khác và hiện định cư ở Úc.
Vợ chồng Ngọc Thơ mới sang Mỹ định cư vài năm nay do con cái bảo lãnh.
Tuấn thoáng trầm ngâm:
– Ai cũng có thời học trò để yêu thương và mộng mơ nhưng cuối cùng lấy người mình không mong mà gặp, không chờ mà đến.
Rồi Tuấn nhắc chuyện lá thư tình ngày xưa:
– Bây giờ tôi với Ngọc Thơ ai có phận nấy, con cháu cả rồi, mối tình si của tôi ngày xưa đã tan vào thời gian từ lâu, nhưng tôi vẫn muốn hỏi lại, Ngọc Thơ đã tin là tôi bỏ lộn lá thư tình và người tôi yêu chính là Ngọc Thơ không?
Ngọc Thơ gật đầu:
– Sao ngày ấy chúng mình trẻ con thế nhỉ? Lúc ở quán chè tôi quyết không tin và chảnh chọe thiếu điều muốn… táng cho Tuấn một bạt tai. Nhưng vài năm sau khi lớn khôn thêm, suy nghĩ lại thì tôi tin và ân hận đã làm bạn buồn lòng.
– Chắc là mình không có duyên với nhau.
Ngọc Thơ mỉm cười:
– Nhưng chúng ta vẫn còn nợ bạn bè, gặp nhau đây là vui rồi. Ở phương trời xa xôi kia Thu Diệu chưa bao giờ biết rằng ngày ấy Tuấn đã bỏ lộn lá thư tình vào cặp nàng. Thế là cả Thu Diệu và Ngọc Thơ cùng giữ kỷ niệm đẹp về một lá thư tình của một người, của một thời học trò ngây thơ và lãng mạn.
Nguyễn Thị Thanh Dương
Tình bạn thời đi học
Có thể nói không gì đáng nhớ và đẹp bằng tình bạn thời đi học. Nó rất hồn nhiên và chân thật. Cho nên ta nhớ mãi người bạn đã chở mình đi học bằng xe đạp mỗi sớm mai. Và ta sẽ không bao giờ quên những miếng bánh người ấy đã chia sẻ cùng ta vào giờ ra chơi. Cũng như ta sẽ còn kể đi kể lại cảnh người bạn đứng lên bênh vực ta khi ta bị một thằng mạnh hơn hiếp đáp. Trong những bông hoa của cuộc sống, bông hoa của tình bạn thời đi học luôn luôn có màu sắc và mùi hương riêng.
Thời còn học trung học, tôi có một thằng bạn cùng lớp tên là Kyle. Nhà Kyle nghèo. Một hôm trên đường tôi bỗng chú ý tới dáng đi nặng nhọc của nó, và có cảm tưởng như nó đang vác trên người tất cả số sách học.
Tôi tự nhủ: «Sao Thứ Sáu rồi mà có người lại mang cả đống sách như thế kia về nhà nhỉ? Thằng này hẳn là một con mọt sách».
Riêng với tôi, tôi đã có hẳn cả một “kế hoạch” cho những ngày cuối tuần (tụ tập với bạn bè và đá banh cùng lũ bạn trong chiều mai), thế là tôi nhún vai mặc kệ nó và tiếp tục đi.
Nhưng khi đi qua Kyle, tôi thấy một lũ trẻ con đang chạy theo nó. Chúng xông vào đánh, đá tung tất cả số sách nó đang ôm trong tay và ngáng chân khiến Kyle ngã xuống đất. Kính của nó cũng bị văng ra tận bãi cỏ cách đó chừng 3 mét. Lúc nó nhìn lên, tôi nhận thấy ánh mắt nó buồn thê thiết khiến tôi thực sự thương cảm. Tôi lại gần và khi nó đang mò mẫm tìm kính, tôi thấy trong mắt nó có ánh nước.
Lúc đưa kính cho nó, tôi bảo: “Những thằng đó chỉ là lũ xuẩn ngốc. Bạn mặc xác chúng đi”. Kyle nhìn tôi và bảo: “Cảm ơn bạn!” rồi trên khuôn mặt nở một nụ cười rạng rỡ. Nụ cười của nó rõ là biểu thị lòng biết ơn thành thực. Tôi liền giúp nó thu lượm sách vở và hỏi nó sống ở đâu. Hóa ra nó ở gần chỗ tôi, tôi hỏi nó sao trước đây tôi không biết điều đó thì nó bảo, trước đây nó học trường tư mà tôi thì lại chẳng bao giờ chơi với bọn học trường tư cả.
Chúng tôi nói chuyện với nhau suốt trên đoạn đường về nhà và tôi nhận vác bớt sách giúp Kyle. Hoá ra nó lại là đứa rất dễ chịu. Tôi hỏi nó có muốn chơi đá banh với chúng tôi hôm Thứ Bảy không, nó đồng ý.
Chúng tôi tụ tập suốt mấy ngày cuối tuần và càng hiểu thêm về Kyle, tôi càng thích nó. Bạn bè tôi cũng nghĩ vậy. Một sáng Thứ Hai nữa tới, tôi gặp lại Kyle với một đống sách trên tay. Tiến tới trước mặt nó, tôi bảo: «Này anh chàng ngốc, bạn sẽ trở thành lực sĩ với đống sách to đùng mỗi ngày như thế này đấy!». Song, nó chỉ nhoẻn cười và đưa tôi ôm giúp nửa chỗ sách.
Bốn tuần trôi qua, Kyle và tôi đã thành đôi bạn thân. Khi lên tới cấp ba, chúng tôi đã bắt đầu nghĩ tới chuyện chọn trường đại học. Kyle quyết định sẽ vào Georgetown còn tôi chọn Duke. Tôi hiểu rằng dù muôn dặm cách trở, chúng tôi sẽ mãi là những người bạn tốt của nhau. Kyle sẽ trở thành bác sĩ còn tôi theo ngành kinh doanh.
Kyle vinh dự được trường chọn là người đại diện cho toàn thể học sinh đọc diễn văn từ biệt khi tốt nghiệp. Lúc nào tôi cũng trêu hắn là một tên mọt sách. Kyle phải chuẩn bị bài diễn văn còn tôi thì mừng vì may mà mình không phải trở thành diễn giả đứng trước bao người.
Ngày tốt nghiệp đã tới, tôi gặp Kyle, hắn trông thật sáng sủa. Hắn là một trong số ít những người biết được sở trường sở đoản của mình trong thời học trung học. Trông hắn lớn hẳn và chững chạc ra với cặp kính. Hắn cũng đã hò hẹn với bạn gái nhiều hơn tôi và có vẻ như tất cả các cô gái đều yêu hắn. Ðôi khi tôi thoáng chút ghen tị với Kyle và hôm nay là một trong số những lần hiếm hoi đó. Tôi nhận thấy hắn hơi hồi hộp về bài phát biểu. Thế là tôi vỗ mạnh lên lưng hắn bảo: «Này, anh chàng mập, yên tâm đi, bạn sẽ làm tốt thôi!». Hắn nhìn tôi mỉm cười, và lần này cũng là một nụ cười đầy vẻ biết ơn. «Cảm ơn bạn», hắn nói.
Bài diễn văn của hắn bắt đầu, sau khi hắng giọng, hắn mở lời: “Lễ tốt nghiệp chính là thời khắc để chúng ta cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ ta trong suốt những năm học hành vất vả. Ðó là cha mẹ, thầy cô, anh em, có thể đó là gia sư của ta… nhưng đặc biệt hơn hết là chính những người bạn tốt của ta. Tôi muốn nói với tất cả các bạn rằng, khi trở thành bạn của ai đó chính là ta đã tặng họ một món quà quý giá nhất. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện của riêng tôi.”
Và rồi tôi đã không thể tin được khi chứng kiến gã bạn kể lại buổi đầu hai chúng tôi gặp nhau. Thì ra khi ấy do cô đơn và quá tuyệt vọng vì hoàn cảnh gia đình khốn quẫn hắn đã nung nấu ý định sẽ tự tử trong những ngày cuối tuần đó. Hắn bảo hắn đã tự mình dọn dẹp tủ sách vở ở trường để mẹ hắn không phải nhọc sức làm gì sau khi hắn chết và nhân dịp ấy hắn cũng đem tất cả đồ đạc về nhà. Tới đây, hắn chăm chú nhìn tôi và mỉm cười nói: «Cảm ơn bạn, mình đã được bạn cứu sống. Tình bạn của chúng mình đã cứu mình thoát khỏi những điều không thể diễn tả được thành lời».
Tôi cảm nhận được những hơi thở dồn nén đầy xúc động trong đám đông người nghe khi gã bạn tôi – một thằng đẹp trai và nổi tiếng – kể với tất cả về giây phút yếu đuối, tuyệt vọng nhất của hắn. Tôi còn thấy bố mẹ hắn đang nhìn tôi và cười với vẻ đầy biết ơn. Cho tới giờ phút cuối cùng này, tôi mới hiểu được hết ý nghĩa của sự biết ơn trong nụ cười hôm ấy của hắn.
Vậy, bạn ơi, đừng bao giờ coi thường những hành động của bạn vì có khi chỉ một cử chỉ rất nhỏ thôi, bạn có thể làm thay đổi cuộc đời người khác, tất nhiên, theo cả chiều hướng tích cực hay tiêu cực.
Như Sao
ĐÀN BÀ LÀ GÌ NHỈ ?
Hồng Thuỷ
Đàn bà là món quà quí giá đặc biệt Thượng Đế tặng cho trái đất. Từ ngày có đàn bà, trái đất sống động vui vẻ hẳn lên. Ngày xưa lúc chưa có đàn bà, đàn ông cảm thấy tâm hồn cằn cỗi chả có đối tượng nào để mà mơ, mà mộng. Cuộc đời chán nản, khô khan. Ăn rồi chỉ muốn nằm chèo queo ở nhà.
Có bóng hồng xuất hiện, mắt các chàng bỗng sáng lên, tâm hồn bỗng phơi phới, yêu đời, đầu óc đâm ra mơ mộng, nghĩ toàn những danh từ thật bóng bẩy ướt át đế tán tỉnh các nàng. Bề ngoài các chàng cũng đẹp trai sáng sủa hẳn ra, vì tối ngày được trau chuốt.
Không đi tán đào, ăn diện làm gì cho mất công, phải không quý vị liền ông? Quên nữa, điều này mới là quan trọng. Có đàn bà các ông sạch sẽ hẳn ra. Ông nào lười biếng không chịu tắm gội, sửa soạn đi gặp đào cũng phải tắm rửa sạch sẽ, đánh răng đánh lợi kỹ càng. Để chắc ăn có ông còn súc miệng thêm bằng Listerine nữa chứ. Tóm lại là nhờ có đàn bà, đàn ông lúc nào cũng phải cố gắng ăn ở hợp vệ sinh thơm tho sạch sẽ. Tưởng tượng ghé vào tai nàng thì thầm mà hơi thở không thơm tho thì các nàng chạy de hết.
Các ông hà tiện không chịu chi tiêu cũng trở nên rộng rãi hào hoa hơn. Đi tán đào thì phải bao các nàng ăn uống. Lâu lâu cũng phải quà cáp đế lấy lòng người đẹp. Thành ra, dù kẹo cách mấy, các ông cũng phải mở bóp chi tiêu. Chi mãi thành quen, tính kẹo đỡ đi được một chút.
Trên đây chỉ là ba cái “công dụng” lẻ tẻ. Cái công dụng có chưởng lực mạnh nhất là đàn bà đã mang lại sự trường tồn cho nhân loại. Không có đàn bà trái đất sẽ vắng hoe. Làm sao loài người có thể sinh sôi, nẩy nở nếu đàn bà không mang nặng đẻ đau? Không có đàn bà chắc chắn loài người sẽ tuyệt chủng.
Như vậy đàn bà xứng đáng được vinh danh là người quan trọng nhất trên trái đất (VIP đấy).
Dù là VIP đàn bà vẫn bị xếp đặt ở một vị trí rất khiêm tốn. Xã hội Việt Nam đặt ra những phong tục tập quán thật bất công với đàn bà. Chắng hạn như “Tại gia tòng phụ.Xuất giá tòng phu. Phu tử tòng tử.”
Về phương diện mê tín dị đoan cũng trọng nam khinh nữ. Hễ ra ngõ gặp trai là hên, gặp gái là xui. Sau khi lập gia đình, người đàn bà phải mang tên của chồng. Tên của mình bị chìm vào quên lãng.
Lớn lên con gái bị lép vế đủ thứ. Trong gia đình, bao giờ người con gái cũng phải làm việc nhiều hơn con trai và không được cưng chiều bằng con trai. Trong việc “bồ bịch” con gái chỉ là người bị động, nghĩa là bị dụ dỗ tán tỉnh. Con trai mới là chủ động, tự mình đi bắt bồ tán gái.
Vậy mà nếu con gái có nhiều bồ vẫn bị coi là đồ gái hư, lăng loàn, trắc nết. Con trai có nhiều bồ lại được khen là “anh chàng “đắt mèo” nhiều gái mê, hào hoa phong nhã.
Khi lập gia đình, ông nào cũng muốn cô dâu phải còn mới toanh trong trắng nguyên vẹn, trong khi các ông đã cũ xì, cũ xịt, xài tới xài lui không biết bao nhiêu lần. Lấy nhau rồi, đàn ông vẫn có quyền “trai năm thê bảy thiếp”, nhưng đàn bà ngược lại “gái chính chuyên chỉ có một chồng.”
Đến lúc có con, đàn bà là người mang nặng, đẻ đau. Thức khuya, dậy sớm, lo cho con cho đến ngày chúng khôn lớn. Người mẹ bao giờ cũng vất vả với con nhiều hơn là bố. Vậy mà hễ cái gì dính dáng đến mẹ thì bị gọi là họ ngoại. Có nghĩa là vòng ngoài, ngoại tộc. Cái gì dính dáng đến bố được gọi là họ nội. Nội là bên trong, gần gũi thân thiết. Bị đối xử bất công như vậy mà đàn bà vẫn chấp nhận vui vẻ, coi đó là cái truyền thống của dân tộc, thử hỏi có tội nghiệp không?
Dù có bất công và theo lối cổ lỗ sĩ, quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” coi thường đàn bà tới đâu đi nữa, cũng không ai có thế chối cãi đàn bà đáng yêu vô cùng. Đọc đến đây, nhiều đấng mày râu bị vợ đì hay bị đào hành hạ sẽ mắng mỏ tôi tới tấp “nhờ chị tí nhé! mấy điều chị nói về đàn bà ớ trên chúng tôi nghe đã ngứa tai lắm rồi, nhưng không cãi được vì chị nói có lý quá. Nhưng còn cái câu chị khen đàn bà đáng yêu vô cùng thì phải xét lại. Chả hiểu mấy mụ bà chằng đang hành hạ chúng tôi, nó đáng yêu cái cái chỗ nào.
Bình tĩnh suy nghĩ lại đi các ông ơi! Khởi thủy đàn bà bao giờ cũng đáng yêu. Không đáng yêu các ông dại gì mà theo đuổi, o bế, tán tỉnh. Hứa nhăng hứa cuội đủ điều, rồi mang xe bông rước về làm vợ. Có ai đi tán một con mẹ đáng ghét để mong được làm người yêu hay làm vợ đâu. Bằng chứng cụ thể là thư tình gửi cho đàn bà bao giờ các ông cũng viết “Em yêu”, “Em yêu quí”, “Em yêu dấu”. Cuối thư bao giờ cũng không quên “yêu em nhiều lắm” v.v.. và v.v…
Vậy nếu em không đáng yêu, các ông điên gì mà yêu em lắm thế? Vậy thì đàn bà đáng yêu là cái chắc chứ còn phải xét đi xét lại gì nữa. Lấy các ông rồi những người đàn bà đáng yêu nếu có thể trở thành bà chằng đáng ghét cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên. Đàn bà vốn thông minh “nhập gia” phải “tùy tục” chứ làm sao hơn được. Ông chồng “quá trời”, cực chắng đã, bà vợ mới phải ra tay. Lý do thật đơn giản, đàn bà vốn mềm dẻo “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Ông chồng “quá xá quà xa” mà vợ hiền khô thì coi “hổng hợp”. Đàn bà phải tập thay đổi cho nó “xứng đôi vừa lứa” với chồng.
Như vậy các ông phải khen đàn bà mới phải. Nỡ lòng nào các ông lại gọi đàn bà bằng những cái tên chẳng êm ái tí nào “cọp cái”, “bà chằng”, “sư tử Hà Đông” v.v… Ăn ở kiểu đó là hổng có “phe” đâu à nghe. Trời phạt chết đó. Muốn lên thiên đàng với niết bàn, các ông nên ăn ở có trước có sau. Nghĩ đến đàn bà, các ông nên nghĩ đến những hình ảnh đẹp đầy mộng mị mà các ông mê mẩn ở những giây phút của thưở ban đầu. Hãy nhớ đến căn nhà các ông sống hồi độc thân nó lạnh lẽo, im vắng, chán nản như thế nào. Đến khi có nàng xuất hiện, tất cả đều biến đổi một cách nhiệm mầu. Trong nhà đầy tiếng cười nói ríu rít của trẻ thơ. Căn bếp lúc nào cũng ấm cúng với cơm dẻo canh ngọt, chiếc giường xưa kia lạnh lẽo vì chăn đơn gối chiếc, nay đã được sưởi ấm bằng ái ân nồng thắm của tình nghĩa vợ chồng.
Nghĩ như vậy các ông sẽ thấy đàn bà không chỉ đơn thuần là những người vợ. Đàn bà là những chiếc đũa thần, đã mang sự sống, niềm vui, hạnh phúc đến cho nhân loại. Tưởng tượng thế giới toàn đàn ông sẽ buồn nản đến thế nào. Tim các ông sẽ không có đối tượng để mà rung động. Hồn các ông sẽ không bao giờ có cơ hội để mà nhung nhớ mộng mơ. Các ông sẽ chẳng bao giờ được hưởng niềm vui nhìn đàn trẻ thơ tung tăng đùa giỡn. Và cuối cùng các ông sẽ chẳng bao giờ hiểu được ý nghĩa của tình yêu.
Tôi nhớ mỗi năm khi ngày “Mother’s Day” đến, các ông thường kiếm cớ “em là vợ anh chứ có phải là má anh đâu mà anh phải mua quà.” (Câu này tôi nghe quen quen quí vị ạ) Dù những người vợ không phải là má cúa các ông, nhưng các nàng đã cho các ông những đứa con xinh đẹp ngoan ngoãn. Những người vợ xứng đáng được tặng một món quà trong ngày Mother’s Day, dù nhỏ bé cũng được, nhưng thể hiện cái tình nồng thắm của nghĩa vợ chồng.
Đàn bà dù là chiếc đũa thần nhưng vẫn thèm được chồng yêu, chồng chiều và nhất là “chồng cho quà.” Các ông đừng bao giờ quên điều đó nhé!
Hồng Thuỷ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét