a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2021

MỘT BÀI THI TUYỂN KỲ LẠ !

 

Một chàng trai vừa tốt nghiệp đại học thuộc loại xuất sắc. Anh tự tin dự tuyển vào vị trí quản lý tại một công ty lớn. Anh vượt qua các vòng đầu tiên và đến vòng cuối cùng, đích thân giám đốc phỏng vấn anh để đưa ra quyết định tuyển dụng.
Khi xem qua hồ sơ xin việc của chàng trai, vị giám đốc nhận thấy trong suốt các năm học, anh luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Từ trường trung học cho đến khi vào đại học và thi tốt nghiệp, không năm nào chàng trai này không đạt danh hiệu xuất sắc.
Vị giám đốc hỏi,
- “Trong bốn năm đại học, anh có đi làm thêm không?”.
“Dạ không thưa ông”, chàng trai trả lời.
- “Vậy là cha anh đã trả toàn bộ học phí cho anh phải không?”.
- “Cha tôi mất từ năm tôi một tuổi, vì vậy toàn bộ tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác”.
- “Mẹ anh đang làm công việc gì?”
- “Mẹ tôi giặt quần áo thuê cho người ta.”
Vị giám đốc nghe vậy bèn đề nghị chàng trai trẻ đưa bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay của anh khá đẹp và mềm mại.Ông hỏi
- “Anh đã bao giờ giúp đỡ mẹ trong việc giặt quần áo chưa?”.
“- Chưa bao giờ”, chàng trai thẳng thắn đáp.
“Tôi cần tập trung học cho thật tốt. Hơn nữa, mẹ tôi giặt thì nhanh hơn tôi chứ.”
Nghe vậy, vị giám đốc nói,
- “Tôi có một yêu cầu nhỏ. Hôm nay về nhà, anh hãy rửa hai bàn tay cho mẹ. Rồi sáng hôm sau anh đến đây gặp tôi”.
Chàng trai trẻ cảm giác cơ hội trúng tuyển của mình rất cao. Anh vui vẻ về nhà gặp mẹ và đề nghị rửa tay cho mẹ. Người mẹ cảm thấy khó hiểu trước yêu cầu của con trai nhưng vẫn đưa hai tay ra cho con rửa.
Chàng trai chầm chậm rửa sạch bàn tay của mẹ mình. Từng giọt nước mắt của anh rơi xuống khi anh rửa tay cho mẹ. Lần đầu tiên, anh nhận ra đôi bàn tay của mẹ không chỉ nhăn nheo, mà còn chằng chịt những vết sẹo và chai sạn. Những vết sẹo này hẳn là rất đau đớn vì anh cảm nhận được mẹ khẽ rùng mình mỗi khi anh nhúng tay mẹ vào nước.
Đó cũng là lần đầu tiên chàng trai nhận ra chính đôi bàn tay này đã ngày ngày cần mẫn giặt quần áo để có thể trang trải tiền học phí cho anh. Những vết sẹo trên đôi bàn tay mẹ cũng là cái giá cho những bảng điểm xuất sắc của anh.
Sau khi rửa sạch đôi bàn tay mẹ, chàng trai trẻ lặng lẽ giặt nốt chỗ quần áo còn lại trong ngày.
Tối hôm đó, mẹ con anh đã trò chuyện với nhau rất lâu.
Sáng hôm sau, chàng trai quay lại công ty.
Vừa nhìn thấy anh, vị giám đốc hỏi,
- “Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được gì trong ngày hôm qua không?”.
- " chàng trai khóc và trả lời: Tôi đã rửa tay cho mẹ và cũng giặt nốt chỗ quần áo còn lại”.
- “Cảm giác của anh như thế nào?”, vị giám đốc hỏi.
Chàng trai trả lời trong nước mắt tầm tã,
- “Thứ nhất, tôi hiểu rằng nhờ có mẹ mà tôi mới có được ngày hôm nay.
- Thứ hai, tôi hiểu mọi người kiếm tiền vất vả thế nào.
- Và thứ ba, tôi đã nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình đối với mình”.
Vị giám đốc nói,
“Đó cũng chính là điều tôi cần tìm ở một quản lý. Tôi muốn tìm những ứng viên biết ơn khi được người khác giúp đỡ, thấu hiểu công sức lao động của người khác và không xem tiền bạc là mục đích sống duy nhất. Anh đã hiểu được những điều đó, vì vậy chúc mừng anh gia nhập công ty chúng tôi”.
Đằng sau sự thành công của mỗi người là mồ hôi , nước mắt có khi cả máu thịt của mẹ cha !!!
Sưu tầm.

Cưới nhau thì dễ - Sống hạnh phúc bên nhau mới khó.

CƯỚI NHAU THÌ DỄ, SỐNG HẠNH PHÚC BÊN NHAU MỚI KHÓ...!!!

 

Khó nhất không phải chuyện xây nhà mà là biến ngôi nhà ấy thành mái ấm. Khó nhất không phải chuyện dựng vợ gả chồng mà là sau bữa tiệc cưới linh đình ấy, cả hai có thể sống hạnh phúc bên nhau. Nhiều người cứ ngỡ rằng, khi yêu nhau, khi coi nửa kia là tất cả thì chỉ cần ở bên nhau thì hạnh phúc tự khắc sẽ có. Hôn nhân không hề đơn giản. Chỉ những ai bước vào rồi mới nhận thấy nó thực sự là một “cuộc chiến”.

 

Kết hôn đơn giản lắm. Nếu có điều kiện thì mâm cao cỗ đầy, còn không có nhiều tiền thì một bữa tiệc ấm áp, giản đơn là đủ. Nhưng cuộc sống hiện tại, nhiều người vẫn ra sức tổ chức cho mình một đám cưới thật lớn, thật hoành tráng như để ngầm minh chứng cho thiên hạ thấy tình yêu và hạnh phúc của mình. Thế nhưng, có một đám cưới thật linh đình, thật xa hoa chưa chắc vợ chồng đã có thể sống đi cạnh nhau đến suốt cuộc đời.

 

Khi bước vào hôn nhân, không chỉ có tình yêu mà còn là bổn phận và trách nhiệm. Sẽ không còn là những buổi hẹn hò lãng mạn, chỉ cần nhìn thấy nhau, nắm tay nhau là đã thấy hạnh phúc. 

 

Trước khi cưới, ai cũng nghĩ rằng chỉ cần sống một nhà với người mình yêu, được ăn cơm cùng nhau, tối ngủ chung giường thì chẳng còn hạnh phúc nào bằng. 

 

Nhưng hôn nhân còn là nước mắt, còn là những tổn thương, những gánh nặng của mưu sinh, những giây phút cám dỗ ngoài vợ ngoài chồng. Mái ấm nhỏ tựa như con thuyền giữa dòng nước, nếu cả hai vợ chồng không đồng tâm, đồng lòng thì con thuyền ấy sẽ chìm nghỉm.

 

Hôn nhân, buộc con người ta phải sống khác đi, dẹp bỏ cái tôi ích kỉ và to lớn của mình. Lắng nghe tiếng nói của người bạn đời, học cách chấp nhận và yêu thương nhiều hơn. Hôn nhân cũng khiến con người ta bớt mơ mộng và sống thực tế đi rất nhiều. Cả vợ và chồng sẽ không còn là hình bóng hoàn hảo của những ngày yêu nhau. Mà thay vào đó là người bạn đời với muôn vàn thói hư tật xấu. Hôn nhân giúp con người ta trưởng thành lên từng ngày.

 

Có những giai đoạn mà hôn nhân dễ đổ vỡ nhất: Lúc vợ mang thai chồng không được giải tỏa sinh lí, khi sinh con đầu lòng, khi thiếu thốn tiền bạc, khi có sự xuất hiện của người thứ ba… Bao nhiêu cám dỗ, bao nhiêu tổn thương cũng khiến người trong cuộc hoài nghi về người bạn đời của mình. Hôn nhân đâu phải chỉ có ấm êm, có những buổi tối màu hồng mà còn là sự dằn vặt và day dứt giữa việc nên ở hay nên đi, nên tha thứ hay là buông bỏ.

 

Để sống hạnh phúc với nhau thật sự rất khó. Cuộc đời ngoài kia có muôn vạn điều có thể làm tổn thương gia đình nhỏ bé của chúng ta. Cả vợ và chồng, cần có bản lĩnh, cần đủ tin tưởng, đủ bao dung, mới có thể đi qua năm dài tháng hạn cùng nhau.

 

Một cái nắm tay của tuổi già là vượt qua bao sóng gió của tuổi trẻ.

 

Cuối cùng gia đình vẫn là gia đình với tình yêu thương không bao giờ kết thúc.Hôn nhân chỉ dành cho người biết trân trọng giá trị của một gia đình.

 

Ngọc Thảo ST



HÃY THONG THẢ SỐNG

Suy ngẫm.

“Thượng Đế khi đem mình vào đời, có hỏi ý kiến mình đâu. Nên chắc chắn là khi Ngài gọi mình đi cũng chẳng cần thông báo trước.”
Trần Mộng Tú

 
Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào. Ta hối hả sống, vui, buồn, khỏe, yếu, ta cứ lướt qua rồi không ngoái đầu lại nhìn chuỗi ngày tháng ta đã tiêu hao của một đời người.
Cho đến khi có một người bạn vừa ngã bệnh, bệnh nặng, không biết sẽ mất đi lúc nào, lúc đó ta mới xa, gần, hốt hoảng gọi nhau.
Tưởng như chưa từng có người bạn nào “Chết” bao giờ...
Hay ta có một người thân trong gia đình, đang rất khỏe vừa báo tin bị bệnh hiểm nghèo. Gia đình, họ hàng cuống lên, sợ hãi như chưa nghe đến ai nói về cái chết bao giờ, chưa chứng kiến cảnh vào bệnh viện, cảnh tang ma bao giờ.

Cả hai người trên có thể đã ngoài 70 tuổi. Lạ thật ! Cái tuổi nếu có chết thì cũng đã sống khá lâu trên đời rồi, sao những người chung quanh còn hoảng hốt thế.
Hóa ra người ta, không ai muốn nghe đến chữ “Chết”, dù chữ đó đến với mình hay với người thân của mình.
Hình như không ai để ý đến mỗi sáng chúng ta thức dậy, nhìn thấy mặt trời mọc (nếu còn để ý đến mặt trời mọc) là chúng ta đã tiêu dùng cái ngày hôm qua của đời sống mình 
Có người vì công việc làm ăn, cả tuần mới có thời giờ ngửng mặt nhìn lên mặt trời.
Buổi sáng còn tối đất đã hấp tấp ra đi, buổi chiều vội vã trở về lúc thành phố đã lên đèn, làm gì nhìn thấy mặt trời. Nhưng mặt trời vẫn nhìn thấy họ, vẫn đếm mỗi ngày trong đời họ. Họ tiêu mất cái vốn thời gian của mình lúc nào không biết.

Tiêu dần dần vào cái vốn Trời cho mà đâu có hay. Rồi một hôm nào đó bỗng nhìn kỹ trong gương, thấy mình trắng tóc.
Hốt hoảng, tiếc thời gian quá! Khi nghe tin những người bạn bằng tuổi mình, bệnh tật đến, từ từ theo nhau rơi xuống nhanh như mặt trời rơi xuống nước, họ vừa thương tiếc bạn vừa nghĩ đến phiên mình.

Thật ra, nếu chúng ta bình tâm nghĩ lại một chút, sẽ thấy “Cái chết” nó cũng đến tự nhiên như “Cái sống” .
Đơn giản, mình phải hiểu giữa sống và chết là một sự liên hệ mật thiết, vì lúc nào cái chết cũng đi song song từng ngày với cái sống. 
Dẫu biết rằng, đôi khi có những cái chết đến quá sớm, nhưng ta cũng đâu có quyền từ khước chết.

Tôi biết có người mẹ trẻ, con của bạn thân tôi. Chị bị ung thư, chị cầu xin Thượng Đế cho sống đến khi đứa con duy nhất của mình vào Đại Học.

Chị không cưỡng lại cái chết, chị chỉ mặc cả với Thượng Đế về thời gian vì con chị lúc đó mới lên 3 tuổi.
Thượng Đế đã nhận lời chị. Ngày con chị tốt nghiệp Trung Học, chị ngồi xe lăn đi dự lễ ra trường của con và tuần lễ sau chị qua đời.

Trong suốt mười mấy năm trị bệnh, chị vẫn làm đủ mọi việc: chị đội tóc giả đi làm, đến sở đều đặn, lấy ngày nghỉ hè và ngày nghỉ bệnh đi trị liệu.

Những bạn làm chung không ai biết chị bị ung thư, ngay cả xếp của chị. Khi họ biết ra, thì là lúc chị không đứng được trên đôi chân mình nữa.
Chị sửa soạn từng ngày cho cái chết với nụ cười trên môi. Vẫn vừa đi làm, vừa cơm nước cho chồng con, ân cần săn sóc cha mẹ, hiền hòa giúp đỡ anh em trong nhà, chị mang niềm tin đến cho tất cả những người thân yêu của mình.
Sau ba năm chị mất, cậu con trai mỗi năm vẫn nhận được một tấm thiệp sinh nhật mẹ viết cho mình (Mẹ đã nhờ qua người dì gửi hộ).

Hôm sinh nhật 21 tuổi của cậu cũng vào ngày giỗ năm thứ ba của Mẹ, cậu nhận được tấm thiệp mừng sinh nhật mình, với dòng chữ nguệch ngoạc, chị viết cho con: “Mừng sinh nhật thứ 21 của con. Hãy bước vui trong đời sống và nhớ rằng mẹ luôn luôn bên cạnh con. “
 
Tôi đọc những dòng chữ mà ứa nước mắt.
 Tôi nghĩ đến chị với tất cả lòng cảm phục. Chị là người biết sống trong nỗi chết.
Khi không thắng được bệnh tật, chị biết hòa giải với nó để sống chậm lại với nó từng ngày cho con mình. Chắc “Cái chết” cũng nhân nhượng với chị, thông cảm với chị như một người bạn.
 
Một chị bạn kể cho nghe về một bà bạn khác. Bà này mới ngoài sáu mươi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và tính nết vui vẻ, yêu đời.
Nhưng khi nào đi ra khỏi nhà bà cũng mang theo một bộ quần áo đặc biệt, đủ cả giầy vớ bỏ vào một cái túi nhỏ riêng trong va-li.
Hỏi bà, sao lại để bộ này ra riêng một gói vậy, bà thản nhiên nói:“Nếu tôi chết bất thình lình ở đâu, tôi có sẵn quần áo liệm, không phiền đến ai phải lo cho mình.”
Bà mang theo như thế lâu lắm rồi, tôi không biết có khi nào bà ngắm nghía mãi, thấy chưa dùng tới, bà lại đổi một bộ mới khác cho ưng ý không?
Giống như người phụ nữ sắp đi dự tiệc hay cầm lên, để xuống, thay đổi áo quần sao cho đẹp. Đi vào cái chết cũng có thể coi như đi dự một đám tiệc.
 
Tôi nghĩ đây là một người khôn ngoan, sẵn sàng cho cái chết mà bà biết nó sẽ đến bất cứ lúc nào. Bà đón nhận cái chết tự nhiên, giản dị như đi dự tiệc, hay một chuyến đi xa, đi gần, nào đó của mình. Nhưng không phải ai cũng nghĩ về cái chết giản dị như vậy. Phần đông muốn được sống lâu, nên bao giờ gặp nhau cũng thích chúc cho nhau tuổi thọ.


Thích hỏi nhau ăn gì, uống gì cho trẻ trung mãi. Loài người nói chung, càng ngày càng thích sống hơn chết.
Họ tìm kiếm đủ mọi phương thuốc để kéo dài tuổi thọ. Người ta ức đoán, trong một tương lai rất gần, loài người có thể sống đến 120 tuổi dễ dàng với những môn thuốc ngăn ngừa bệnh tật và bồi dưỡng sức khỏe.
Rồi người ta sẽ còn tạo ra những bộ phận mới của nội tạng để thay thế cho những bộ phận gốc bị nhiễm bệnh. Gan, ruột, bao tử v.v, sẽ được thay như ta thay những phần máy móc của một cái xe cũ. Chúng ta, rồi sẽ sống chen chúc nhau trên mặt đất này.
 
Chỉ tiếc một điều là song song với việc khám phá ra thuốc trường thọ người ta cũng phải phát minh ra những người máy (robot) để chăm sóc những người già này, vì con cháu quá bận (chắc đang chúi đầu tìm thuốc trường sinh) không ai có thời giờ chăm sóc cha mẹ già.
 
Theo tôi, ngắm nhìn hình ảnh một cụ ông hay một cụ bà lưng còng, tóc bạc, đang cô đơn ngồi trong một căn buồng trống vắng, được một người máy đút cơm vào miệng, thật khó mà cảm động, đôi khi còn cho ta cái cảm giác tủi thân nữa.
 
Nhưng sống như vậy mà có người vẫn thích sống.
Một người đàn ông ngoài bẩy mươi, bị bệnh tim nặng, đang nằm trong phòng đặc biệt (ICU) lúc mơ màng tỉnh dậy, nhắn với các con cháu là khi nào vào thăm không ai được mặc áo mầu đen. Ông kiêng cữ mầu của thần chết. Ông quên rằng thần chết, đôi khi, có thể đến với chiếc áo mầu hồng. Thật ra, chính nhờ “cái chết” cho ta nhận biết là “cái sống” đẹp hơn và có giá trị hơn, dù có người sống rất cơ cực vẫn thấy cuộc đời là đẹp.
 
Những bậc thiên tài, những nhà văn lớn đã tự tìm về cái chết khi họ bắt đầu nhìn thấy cái vô vị trong đời sống như nhà văn Ernest Hemingway, Yasunari Kawabata và họa sĩ Vincent van Gogh, v.v… Chắc họ không muốn sống vì thấy mình không còn khả năng hưởng hết vẻ đẹp của “cái sống” nữa.
Họ là một vài người trong số nhỏ trên mặt đất này sau khi chết để lại tên tuổi trên những trang sử, lưu lại hậu thế, còn phần đông nhân loại, sau khi chết một thời gian, không để lại một di tích nào Con cháu có thờ cúng được một hai thế hệ, sau đó tên tuổi mờ dần, mất hẳn theo ngày tháng, vì chính những kẻ thờ phụng đó lại tiếp theo nằm xuống cùng cát bụi.
 
Ðời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích.(Thánh Vịnh)
 
Thượng Đế khi đem mình vào đời, có hỏi ý kiến mình đâu. Nên chắc chắn là khi Ngài gọi mình đi cũng chẳng cần thông báo trước. Chúng ta cứ thong thả sống từng ngày, khi nào chết thì chết, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, bông hoa nở rồi bông hoa tàn, thế thôi.
 
Tại sao ta phải cay cú với cái chết? Hãy dùng trí tưởng tượng của mình, thử hình dung ra một thế giới không có cái chết(*)
 Chắc lúc đó chúng ta sẽ không còn không khí mà thở chứ đừng nghĩ đến có một phiến đất cho bàn chân đứng.
 
Trần Mộng Tú


Ngày xưa, ở ngôi làng nọ của Ấn Độ, có anh chàng gánh nước bằng hai chiếc bình, một chiếc bị nứt, còn chiếc kia thì nguyên vẹn.
Khi gánh nước, anh treo mỗi chiếc bình vào một đầu đòn gánh. Chiếc bình nguyên vẹn không bao giờ để rơi một giọt nước nào trên đường về. Còn chiếc bình nứt thì dẫu có đổ đầy đi chăng nữa, khi về đến nhà cũng chỉ còn lại một nửa.
Chiếc bình tốt luôn tỏ vẻ hãnh diện, tự hào về sự hoàn hảo của mình. Còn chiếc bình nứt lúc nào cũng thấy vô cùng xấu hổ, luôn mang trong mình cảm giác thất bại.
Một ngày nọ, ở bên bờ sông, chiếc bình nứt đau khổ nói với người gánh nước: “Ông chủ ơi, con cảm thấy rất xấu hổ và có lỗi với ông”.
Người gánh nước hỏi: “Tại sao con lại nghĩ như vậy? Con xấu hổ vì điều gì chứ?”.
Chiếc bình nứt bèn trả lời: “Suốt hai năm qua, vì vết nứt bên hông mà con chỉ đem về được một nửa bình nước, nhọc công phí sức của ông mà thôi”.
Người gánh nước bình thản đáp: “Hôm nay, trên đường về nhà, con hãy nhìn sang hai bên vệ đường nhé”.
Khi người gánh nước quẩy bình trên vai về nhà, chiếc bình nứt đã nhìn thấy những bông hoa tươi đẹp dưới ánh nắng mặt trời ấm áp. “Những bông hoa thật đẹp”, chiếc bình nứt nhủ thầm, tự cảm thấy vui hơn một chút.
Nhưng khi về đến nhà, nó lại vô cùng xấu hổ vì thấy một nửa bình nước đã bị rò rỉ dọc đường.
Người gánh nước liền nói với nó: “Con có nhìn thấy những bông hoa bên vệ đường không? Và con có nhận thấy những bông hoa chỉ nở ở bên đường phía con không? Thật ra, ta đã sớm biết về vết nứt của con, nên đã chủ tâm gieo một số hạt hoa ở vệ đường phía bên con. Mỗi ngày khi ta gánh nước về nhà, con đã tưới tắm cho chúng bằng những giọt nước rơi ra từ chỗ rò rỉ của con mà con không hề hay biết. Suốt 2 năm qua, trong nhà ta không bao giờ thiếu những bông hoa đẹp cắm trên bàn. Nếu như không phải vì vết nứt của con thì ta cũng chẳng thể có được những bông hoa đẹp để trang trí trong nhà mình”.
Vậy đấy, việc trên đời chẳng bao giờ là hoàn mĩ.
Người trong đời cũng nào có hoàn hảo được đâu?
Nhưng đôi khi nhược điểm lúc này lại trở thành ưu điểm lúc kia.
Đôi khi, nỗi đau mà bạn phải chịu lại trở thành sức mạnh truyền cảm hứng.
Vậy nên, chớ gặp việc đau buồn mà nản chí, chớ gặp cảnh đau thương mà tự hủy hoại chính mình.
Bởi mỗi việc đến với ta trong đời đều là nhân duyên, an bài tốt nhất.
Nguồn bài và ảnh: Sưu tầm.




Không có nhận xét nào: