Nhiều người tin rằng uống nước trong khi ăn có thể hại đến quá trình tiêu hóa. Vậy liệu chúng ta có nên vừa ăn vừa uống, bất kể đó là rượu, bia, nước ngọt hay nước thường?
70% cơ thể chúng ta là nước. Chẳng có gì phải nghi ngờ về sự quan trọng của việc uống nước đối với cơ thể. Nhưng liệu có thời điểm nào chúng ta uống nước lại giảm lợi ích, thậm chí tạo ra những phản ứng có hại?
“Không nên uống nước trong khi ăn”. Chắc hẳn bạn đã từng nghe về những cảnh báo như vậy. Có một niềm tin rằng vừa ăn vừa uống có thể hại đến quá trình tiêu hóa, lâu dài sẽ gây ra những biến chứng tồi tệ.
Vậy thực hư chuyện này thế nào và liệu ta có nên vừa ăn vừa uống, bất kể đó là rượu, bia, nước ngọt hay nước thường? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề gây tranh cãi này:
Hệ tiêu hóa làm việc như thế nào?
Để hiểu nước và các loại chất lỏng nói chung ảnh hưởng thế nào đến quá trình tiêu hóa, chúng ta phải biết được cách hệ tiêu hóa hoạt động.
Ngay khi bạn đưa thức ăn vào miệng và nhai, các tuyến nước bọt sẽ sản sinh ra enzyme phân hủy thức ăn. Nước bọt cũng có nhiệm vụ làm mềm thức ăn, cho phép chúng đi qua thực quản và xuống dạ dày một cách dễ dàng hơn.
Xuống đến dạ dày, thức ăn được trộn với dịch vị chứa axit, chúng sẽ tiếp tục được phân giải thêm một lần nữa. Cuối cùng, một hỗn hợp được tạo thành với cái tên lạ lùng là nhũ mi trấp. Nhũ mi trấp tiếp tục được trộn với men tiêu hóa từ tuyến tụy và mật xanh từ gan khi nó đi vào ruột non.
Sau khi toàn bộ quá trình này diễn ra, các chất dinh dưỡng được hấp thụ vào máu. Máu sẽ phân bổ chúng khắp cơ thể. Quá trình tiêu hóa kết thúc khi những chất cặn bã được đào thải khỏi cơ thể.
Nếu bạn không uống đủ nước, bạn có thể bị táo bón và quá trình tiêu hóa bị kéo dài thêm.
Đồ uống có thể ảnh hưởng đến nước bọt?
Những người ủng hộ quan điểm không nên uống trong khi ăn lập luận rằng đồ uống, đặc biệt là rượu và những loại có tính axit, sẽ làm cạn nước bọt. Do đó, quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Sự thật rằng các loại rượu mạnh có thể làm giảm tiết nước bọt, nhưng mức độ là không đáng kể với rượu vang hoặc bia. Bạn có thể yên tâm uống những loại đồ uống có cồn ở nồng độ nhẹ mà không sợ vấn đề này.
Các loại đồ uống có tính axit thì ngược lại, thậm chí có thể làm tăng tiết nước bọt.
Uống nước làm loãng axit dạ dày?
Nó chỉ đúng trong điều kiện dạ dày luôn tiết ra một lượng dịch vị nhất định. Trên thực tế, cơ thể chúng ta không làm việc một cách cứng nhắc như vậy.
Sự tiết dịch vị dạ dày cũng đáp ứng theo từng loại thức ăn bạn đưa vào. Uống nước với một lượng vừa phải chắc chắn không pha loãng axit dạ dày và enzyme tiêu hóa.
Đồ uống làm quá trình tiêu hóa nhanh ẩu đoảng?
Ý tưởng này chỉ ra các chất lỏng khi uống vào sẽ đẩy thức ăn rắn rời khỏi dạ dày nhanh hơn. Do đó, chúng làm giảm thời gian tiếp xúc của thức ăn với axit trong dạ dày và enzyme tiêu hóa. Vì vậy mà quá trình tiêu hóa không đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, nghiên cứu phân tích tốc độ làm rỗng dạ dày chỉ ra thực tế rằng chất lỏng đi qua hệ tiêu hóa nhanh hơn so với chất rắn nhưng nó không ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa chất rắn.
Đồ uống có thể cải thiện tiêu hóa như thế nào?
Trái ngược với niềm tin phổ biến rằng vừa ăn vừa uống gây hại quá trình tiêu hóa, thói quen này mang lại khá nhiều lợi ích.
Trước hết, nước và các đồ uống lỏng khác có thể làm cho việc nuốt thức ăn khô dễ dàng hơn. Bạn cứ tưởng tượng xem mình sẽ phải ăn bánh nướng hay bánh quy như thế nào khi không uống nước.
Tiếp đó, chất lỏng có thể phá vỡ các khối lớn của thực phẩm, khiến chúng dễ dàng lưu thông hơn trong đường tiêu hóa. Nhiều loại đồ uống, đặc biệt là nước, hoạt động như một chất bôi trơn tự nhiên cho thành ruột, ngăn chặn đầy hơi, táo bón.
Trên tất cả, bạn nên biết rằng dạ dày phải tiết nước cùng với quá trình tiết axit và các loại enzyme. Nếu không có nước, các enzyme này sẽ không hoạt động hiệu quả.
Như vậy, các loại chất lỏng mà cụ thể là nước là thứ cần thiết cho quá trình tiêu hóa khi được tiêu thụ cùng bữa ăn với lượng hợp lý. Bên cạnh đó còn nhiều lợi ích khác mà bạn nên biết.
Các lợi ích khác
Nếu đang ở trong tình trạng thừa cân, nước sẽ là một người bạn tốt. Nó thực sự có thể giúp bạn cảm thấy no hơn. Vì vậy, bạn sẽ giảm được khẩu phần ăn cho mỗi bữa.
Uống nước trước bữa ăn cũng sẽ đem lại lợi ích. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người uống nửa lít nước trước bữa ăn có thể giảm trung bình 2 kg so với những người không uống. Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng uống 250 ml nước có thể làm tăng tốc độ trao đổi chất của bạn thêm 24 calo.
Tiếp đó, uống nước trong bữa ăn cũng có thể giúp răng khỏe mạnh. Nước máy hay một số loại nước đóng chai có chứa florua giúp phòng ngừa sâu răng.
Sau khi ăn, bạn có thể uống một ly nước hoặc súc miệng. Điều này giúp rửa sạch các axit từ các loại thực phẩm mà bạn tiêu thụ còn sót lại trong miệng.
Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng những tác dụng này tập trung vào nước uống thường chứ không phải các loại nước ngọt, nước giải khát chứa đầy đường. Vậy nên nhớ rằng bạn chỉ nên uống nước thường.
Khi nào thì không nên vừa ăn vừa uống?
Đó là khi bạn bị trào ngược dạ dày. Khi bạn uống nước trong bữa ăn, nó sẽ tạo thêm áp lực cho dạ dày, cũng như một bữa ăn lớn, bạn có thể bị trào ngược axit.
Trào ngược axit dạ dày xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới của bạn không đóng ngay sau khi thức ăn trôi qua đó. Nó khiến axit trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản, gây ra tình trạng đau rát vùng ngực hay chứng ợ nóng.
Ngoài ra, một số loại đồ uống sẽ khiến tình trạng axit trào ngược tồi tệ hơn như rượu, cà phê, trà, đặc biệt là đồ uống có gas.
Kết luận
Chất lỏng là một phần của chế độ ăn uống mà bạn không thể bỏ qua. Mặc dù vậy, bạn nên nhớ rằng đây không phải lý do cho việc bạn lạm dụng đồ uống trong khi ăn.
Tóm lại, chỉ khi bạn gặp vấn đề về tiêu hóa như tình trạng axit trào ngược, hãy hạn chế uống nước trong bữa ăn. Tuy nhiên, bạn vẫn phải đảm bảo cơ thể luôn được bù nước đầy đủ trong cả ngày. Ngoài điều đó ra, hệ tiêu hóa sẽ rất hài lòng khi bạn ăn bữa ăn của mình với một ly nước lọc.
Theo GenK
5 “thần dược” giá bình dân mà bổ như nhân sâm
Dưới đây là danh sách 5 thực phẩm phổ biến nhưng lại sở hữu những tác dụng tốt cho sức khỏe tương tự nhân sâm.
Từ cổ chí kim, nhân sâm được nổi danh với công dụng đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế, sinh tân giải khát, được biết tới với danh hiệu “vua bổ khí” và là thần dược đối với những người thể chất hư nhược.
Tuy vậy, loại thần dược này lại có giá thành tương đối đắt đỏ. Trong khi đó, trong cuộc sống của chúng ta còn có không ít những loại thực phẩm có công năng không kém nhân sâm, nhưng giá thành lại vô cùng phải chăng.
1. Cá chạch – Nhân sâm dưới nước
Theo Trung y, cá chạch có thể tận dung để bổ trung ích khí, dưỡng thận sinh tinh, rất thích hợp với những người thân thể suy yếu, tì vị hư hàn, bị ra mồ hôi trộm, đồng thời còn có công dụng hỗ trợ điều trị viêm gan.
Đánh giá từ góc độ dinh dưỡng hiện đại, cá chạch là loại cá giàu canxi hơn cả. Nếu so sánh với cân nặng như nhau thì hàm lượng canxi trong một con cá chạch gấp 6 lần cá chép và gấp 10 lần so với cá hố.
Bên cạnh đó, loại cá trên cũng rất giàu spermidine và nucleoside. Hai chất này làm tăng độ ẩm và tính đàn hồi của da, đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Các chuyên gia dinh dưỡng kiến nghị: để bảo toàn giá trị dinh dưỡng, ta nên chế biến cá cạch theo phương pháp hầm hoặc hấp; ăn kèm loại cá này với đậu phụ cũng sẽ làm tăng hàm lượng canxi hấp thu vào cơ thể.
2. Giảo cổ lam – Loại sâm của phương Nam
Các chuyên gia nghiên cứu tại Nhật đã chỉ ra rằng: các hợp chất trong loại cây này có thành phần giống hệt với nhân sâm. Đặc biệt, giảo cổ lam còn có chứa rất nhiều saponin – hợp chất phổ biến trong nhân sâm.
Được biết đến với tên gọi “sâm phương Nam”, giảo cổ lam có tác dụng giảm cân, tăng lực, điều hòa huyết áp, bảo vệ gan, hạ mỡ máu, chống lão hóa.
Chưa dừng lại ở đó, loại cây này còn sở hữu khả năng xua tan mệt mỏi, tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của khối u, giúp dễ ngủ, ngủ sâu giấc, tăng cường máu lên não, ngăn ngừa chứng lú lẫn ở người già và nâng cao khả năng giải độc của gan.
Các nhà khoa học Việt Nam cũng đã phát hiện giảo cổ lam ở vùng núi Phanxipăng, Sa Pa. Loại cậy này thường được dùng làm trà uống để tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
3. Nhục thung dung – Nhân sâm sa mạc
Được gắn với biệt danh “nhân sâm sa mạc”, nhục thung dung là loại thảo dược chỉ mọc tại các vùng hoang mạc đầy cát và nắng.
Vị thuốc này đã được sử dụng trong Đông y từ cách đây 2000 năm, đồng thời còn được đưa vào sách “Thần Nông bản thảo kinh” – bộ sách y dược cổ nhất của Đông y học.
Theo Đông y, nhục thung dung có vị ngọt, mặn, tính ấm, vào hai kinh thận, đại tràng. Loại thuốc này có tác dụng bổ thận, ích tinh, nhuận táo, hoạt tràng, chủ trị liệt dương ở nam giới, hiếm muộn ở nữ giới và các bệnh như lưng gối lạnh đau, cơ bắp không có sức, táo bón do huyết khô…
Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, hàm lượng hoạt chất sinh học trong nhục thung dung rất phong phú. Theo Hiện đại dưỡng sinh bảo kiện trung dược từ điển, nhục thung dung có chứa các chất như boschnaloside, orobanin, 8- epilogahic acid, betaine,… Còn chứa nhiều loại acid hữu cơ và trên 10 acid amin..
Như vậy có thể thấy, nhục thung dung là vị thuốc bổ, với nhiều tác dụng quý, và có ích đối với cả nam giới và nữ giới.
4. Củ cải đỏ – Tiểu nhân sâm giá bình dân
Được biết tới với biệt danh “tiểu nhân sâm”, củ cải đỏ nổi tiếng với hàm lượng dưỡng chất phong phú và giá thành phải chăng.
Các phân tích y học đã cho thấy: bên trong loại củ này có hàm lượng vitamin C cao gấp 8 lần so với táo và lê, đồng thời còn rất giàu protein, đường, vitamin B1, B2.
Chưa dừng lại ở đó, enzyme trong củ cải giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn, trị ho và đờm, giải khát, giải độc, đặc biệt là công dụng chống ung thư, lợi mật và hạ lipid.
5. Chim cút – Sâm động vật có lịch sử lâu đời
Thịt chim cút rất giàu protein và chứa nhiều acid amin thiết yếu. Nghiên cứu cho thấy: ăn thịt loài chim này sẽ giúp bổ tỳ, lợi tiểu, bổ gân và xương, điều kinh bổ huyết, bổ gan và thận cùng nhiều công hiệu khác.
Các y văn cổ đã xếp chim cút vào hàng thượng phẩm bởi tác dụng bổ dưỡng vượt trội của nó. So với các sản phẩm khác, chim cút có tác dụng bổ toàn thân vượt trội hơn tác dụng bổ cục bộ.
Bởi vậy, từ ngàn năm trước, cổ nhân Trung Hoa đã nuôi loại chim này vì hàm lượng dinh dưỡng cao, đồng thời còn sử dụng chúng như một loại “sâm động vật” trong Đông Y.
Theo Soha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét