Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018
- “Anh về mà xem.. Mẹ anh phiền quá..!”
- Anh về ngay đi, em hết chịu nổi rồi, mẹ anh phiền thật.
- Uhm, mẹ anh phiền thật, bây giờ anh đang có cuộc họp quan trọng, tối về anh sẽ giải quyết nha em.
Tiếng đầu dây bên kia dập máy nghe có vẻ rất tức tối, anh buông thõng người ra sau ghế. Ở bên kia cô nhìn ra phía cửa như đang cố nuốt trôi một cái gì đó vào mình.
- Anh nhìn đi, đó, đây này, hôm nay em sắp, ngày mai em xếp, cứ một người dọn, một người lại bày ra như vậy, ai mà chịu nổi. Em sắp điên rồi đây. Cô vò đầu trong 1 trạng thái
vô cùng tức giận, anh lại gần cô, lấy tay xoa xoa 2 bờ vai gầy gầy, cô hất chúng ra.
- Em vào đây – Anh nhẹ nhàng nắm lấy tay cô kéo vào phòng, khép hờ cửa, anh lấy xuống 1 chiếc hộp được đặt trên nóc tủ, lấy tay phủi nhẹ, anh nhìn cô mỉm cười.
- Mẹ phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé, còn bây giờ để anh cho em biết mẹ chúng ta phiền đến mức nào.
Anh mở chiếc hộp ra, bên trong là 1 xấp hình, anh lấy ra 1 tấm đã cũ, nhưng chẳng hề dính tí bụi nào, cô tò mò nhìn vào tấm ảnh.
- Em thấy không, đây là tấm hình mà Dì anh đã chụp lúc anh sinh ra. Dì kể vì mẹ yếu nên sinh lâu lắm, mà sinh lâu chắc là đau lâu em nhỉ, mà mẹ phiền thật, cứ la hét ầm ĩ cả lên, ai mà chẳng sinh. Dì còn nói, mẹ yếu lắm, nếu cứ cố sinh thì sẽ nguy hiểm cho người mẹ, bác sĩ đã nói như vậy rồi vậy mà mẹ vẫn cố cãi ”Không, con tôi phải ra đời, tôi phải sinh”, mẹ anh phiền thật đó.
Cô nhìn tấm hình, bàn tay cô nhẹ bổng, rồi cô nhìn anh, trong mắt anh chứa 1 điều gì đó rất lạ. Anh cẩn thận bỏ tấm hình đó qua 1 bên, lấy 1 tấm khác cho cô xem.
- Em nhìn nè, đây là bức ảnh chụp lần đầu tiên anh bú mẹ, anh chẳng thấy ai phiền như mẹ cả. Bà nội, bà ngoại nói cả rồi, mẹ yếu, không đủ sữa để cho anh, uống sữa bình đi,
ở đó mà dưỡng sức, nhưng 1, 2 mẹ cứ khư khư giữ anh vào lòng ”Không, con con nhẹ cân, phải bú sữa mẹ mới tốt”. Ai nói gì cũng cãi em nhỉ, nếu không anh được uống sữa bình rồi, sữa bình phải ngon hơn chứ, mẹ anh phiền thật.
Bàn tay cô run run, cô thấy ánh mắt của người mẹ trong bức ảnh ánh lên vẻ rất hạnh phúc, 2 bàn tay cô ta cứ giữ chặt đứa bé. Cô nhìn anh không nói gì cả.
- Còn nữa đây này – Anh lại lôi ra 1 tấm khác nhìn vào đó.
- Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, con nít hơn 1 năm ai chẳng chập chững biết đi, mẹ cứ làm như chỉ có con mẹ mới làm được điều đó không bằng. Ba kể mẹ cứ gặp ai là cũng hí hởn khoe ”Thằng cu Tin nhà tôi đi được rồi, nó biết đi rồi đó “. Bộ mẹ không thấy phiền hay sao em nhỉ?
Bờ môi cô như muốn nói một cái gì đó nhưng cổ họng thì ứ nghẹn lại, bức ảnh đứa trẻ con chập chững đi về phía mẹ trong tấm hình, cô nhìn mãi.
- Ba còn kể, từ ngày anh bắt đầu bi bô tập nói rồi gọi được tiếng mẹ thì nguyên những ngày sau là một chuỗi điệp khúc ”Cu Tin gọi mẹ đi, gọi mẹ đi cu Tin”, mẹ phiền quá đi mẹ à,
anh mỉm cười xoa nhẹ vào bức ảnh, mắt anh đang long lanh thì phải.
- Đây nữa, đây nữa này – Anh lôi ra nguyên 1 xấp, nhiều lắm, rất nhiều ảnh
- Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, chụp làm gì mà lắm ảnh vậy không biết, lần đầu tiên anh vào mẫu giáo, có phiếu bé ngoan, rồi tiểu học, trung học, nhận bằng khen, em coi đi,
đủ trò trên đời, coi hình của anh có mà đến tết mới xong, anh phì cười, ”mẹ anh phiền nhỉ “?
Cô nhìn anh, anh không cười nữa, anh cầm 1 tấm hình lên nhìn vào đó rất lâu, cô thấy nó, 1 tấm hình rất đẹp, anh rất đẹp trong bộ áo tốt nghiệp cử nhân, anh lúc đó trông điển trai quá, cao ráo, nhưng…
- Em có thấy không? Tóc mẹ anh đó, rối em nhỉ ? Còn áo quần nữa này, cũ mèm…
Cô nghe thấy giọng anh trở nên khác đi, không đều đều như lúc ban đầu nữa, đứt quãng. Cô nắm lấy tay anh.
- Năm 15 tuổi, ba bỏ mẹ con anh lại, rồi lúc đó, mọi thứ trong nhà trở nên không có điểm tựa, anh đi học, mẹ bắt anh phải học… Em không biết đâu, anh xin nghỉ nhưng mẹ không cho, phiền như vậy chứ. Mẹ cứ sáng sớm đi phụ quán cơm cho người ta, trưa ăn 1 chén cơm thừa trong quán để dư tiền cho anh học thêm ngoại ngữ, rồi chiều đến chạy đi giặt đồ cho những bà mẹ không phiền khác, để họ đi mua sắm, cà phê, giải trí…
Giọng anh lạc hẳn – Còn nữa em ạ, tối đến mẹ lại tiếp tục đi làm lao công đường phố, sáng sớm mới về chợp mắt được 1 tí thôi, vậy đó… Em thấy mẹ anh khỏe không?
”Tách”, 1 giọt nước rơi xuống trên tấm hình, mắt cô cũng nhòe đi, khác thật, 1 bà mẹ trẻ với gương mặt xinh đẹp lúc đứa con mới bi bô tập nói, và cũng với gương mặt phúc hậu đó nhưng giờ làn da đã nhăn đi, khuôn mặt gầy hẳn khi đứng cạnh cậu con trai lúc chuẩn bị ra trường.
- Anh à – Bàn tay cô nắm lấy bàn tay run run của anh.
- Em có thấy tay mẹ rất yếu không, anh chẳng bao giờ kể em nghe nhỉ. Khi 5 tuổi, anh đùa nghịch chạy nhảy lung tung, lúc đuổi bắt cùng cô nhóc hàng xóm anh đã trượt chân ngã từ cầu thang xuống. Lúc đó, anh chẳng thấy đau một chút nào cả, chỉ nghe một tiếng kêu rất thân quen, em có đoán được không, anh đang nằm trên 1 thân thể rất quen… mẹ anh đó.
Cô sững người lại, nước mắt cô trào ra, rơi xuống ướt đẫm tay anh.
- Em à, mẹ anh phiền vậy đó, phiền từ khi anh chuẩn bị lọt lòng cho đến khi anh gần đón đứa con đầu tiên của mình, chưa hết đâu, mẹ sẽ còn phiền cả đời em ạ, bây giờ lớn rồi
mẹ vẫn cứ lẽo đẽo theo anh dặn đủ thứ em không thấy sao, cơm phải ăn 3 chén, đi xe phải chậm thôi, đừng có mà thức khuya quá. Mẹ anh phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến
viện dưỡng lão em nhé.
”Anh“, cô ôm chặt lấy anh, cô òa khóc nức nở, ”Em xin lỗi“, anh ôm lấy cô vỗ về, vỗ về như ngày xưa anh vẫn thường được làm như vậy.
”Choang “ Anh và cô chạy nhanh xuống bếp.
- Mẹ xin lỗi, mẹ nghe con thèm chè hạt sen nên mẹ đi nấu, nhưng…
Giọng mẹ run run không dám nhìn về phía trước, cúi người nhặt những mảnh vỡ vừa rơi.
- Mẹ à – Cô chạy đến nắm lấy bàn tay xương xương của mẹ
– Từ nay mẹ đừng phiền nữa nhé, để con phiền mẹ cho – Cô ôm chặt mẹ, nước mắt thấm đẫm vai áo mẹ, mẹ nhìn anh, anh nhìn cô trong lòng của mẹ.
”Mẹ đã không sinh lầm con và con cũng đã không chọn nhầm dâu cho mẹ, phải không ạ?”
Từ Tâm
(Nhân mùa VU LAN 2013)
(Nhân mùa VU LAN 2013)
DIỄM VYKỷ vật cho người ở lạiChuyện xảy ra gần 20 năm trước, khi tôi còn làm y tá của một bệnh viện trong một thành phố nhỏ ở tiểu bang Arizona.Tối hôm đó, bệnh viện của tôi nhận một nhóm nạn nhân của một tai nạn xe hơi thảm khốc. Trên xe là bốn em học sinh đều ở lứa tuổi 17-18, cùng đi về với nhau sau sau bữa tiệc. Người lái xe 18 tuổi, say rượu và chạy xe quá tốc độ, lạc tay lái tông vào một chiếc xe tải đang đậu bên lề đường. Nhờ có thắt dây an toàn, người lái và em ngồi cạnh tuy bị thương nặng nhưng không nguy hiểm tính mạng. Riêng hai em ngồi sau, 1 nam 1 nữ bị thương rất nặng vì không thắt dây an toàn. Em trai bị chấn thương sọ não và chết ngay sau khi xe chở đến bệnh viện. Em gái hôn mê bất tỉnh phải mổ gấp, không biết có cứu được hay không?Thật đáng buồn, em trai tử vong là một em Việt Nam, 17 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học và đang sắp rời nhà để vào một trường đại học danh tiếng. Các em còn lại đều người ngoại quốc.Lúc đó tôi đang làm tại khu ICU (Intensive Care Unit). Bệnh nhân tôi được giao đêm đó là em gái 17 tuổi của tai nạn vừa kể trên. Một cô bé người ngoại quốc, đẹp hay không thì tôi không biết vì cả khuôn mặt lẫn cái đầu tóc vàng của em đều tím bầm, sưng to như trái dưa hấu vì những cú va chạm kinh khiếp. Em đang được mổ não khẩn cấp trong phòng mổ.Tôi được (hay bị) kêu vào phòng họp gấp để nhận một nhiệm vụ quan trọng.Sau khi được biết nhiệm vụ của mình là gì, tôi nhăn nhó phản đối, “Tại sao lại là tôi? Đây là nhiệm vụ của bác sĩ mà!”“Tôi biết, nhưng người nhà của bệnh nhân không biết tiếng Mỹ rành lắm, cô đi theo thông dịch cho bác sĩ, và ráng van xin họ giúp chúng tôi,” bà y tá trưởng năn nỉ.Sau một hồi bàn qua tính lại, tôi lê bước đi theo ông bác sĩ đến phòng chứa xác của em trai Việt Nam mới tử nạn, với nhiệm vụ là cùng bác sĩ, năn nỉ gia đình người chết hiến tặng những bộ phận còn tốt trong cơ thể của em cho bệnh viện.Một em trai 17 tuổi đang khỏe mạnh nhưng chết vì tai nạn, là một ứng cử viên tuyệt vời để làm người hiến tặng, vì hầu hết các bộ phận trong cơ thể em còn rất khỏe, rất trẻ, rất thích hợp để cứu sống các bệnh nhân đang chờ đợi để được thay các bộ phận trong người. Đó là lý do bệnh viện hết sức cầu xin gia đình.Thời gian đó, đối với người Việt mình, khái niệm hiến tặng bộ phận cơ thể còn rất mới mẻ. Nếu không là cho người thân trong gia đình, hầu như rất ít ai hiến tặng cho những người không quen biết. Huống hồ gì, chuyện cha mẹ đồng ý hiến tặng các bộ phận trong cơ thể của con thì hình như chưa hề xảy ra. Có cha mẹ nào mà nỡ lòng nào làm như thế? Mất con đã đau đớn lắm rồi…Chúng tôi gặp cha mẹ nạn nhân trong phòng đợi, trong khi người con đang được chờ quyết định để rút tất cả ống support bên trong, tôi bắt đầu trình bày lý do. Quả như tôi lường trước, cho dù có van xin, nài nỉ, giải thích cách mấy, bác sĩ và tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu quầy quậy, ánh mắt oán ghét, và những lời xua đuổi.Tôi lắp bắp xin lỗi rồi bước nhanh như chạy ra khỏi phòng.Phòng ICU rất vắng lặng vì ở đây toàn những ca rất nặng. Những y tá cùng trực với tôi đêm đó ai cũng bận rộn với bệnh nhân của mình nên chỉ có một mình tôi ngồi tại nurse station. Thường thì ở ICU, mỗi y tá lãnh hai bệnh nhân trong một ca. Nhưng đêm nay tôi chỉ có một, vì một bệnh nhân mới chuyển sang phòng thường. Bệnh nhân còn lại là cô gái đang trong phòng mổ, nên tôi cũng khá rảnh rỗi, cho đến khi ca mổ xong.Bỗng nhiên tôi thấy hơi nhức đầu nên cúi gục vào lòng bàn tay một chút cho đỡ mỏi mắt. Khi tôi ngẩng đầu lên thì vụt một cái, thoáng có một bóng người mặc áo trắng lướt thật nhanh qua mặt.Tôi đảo mắt nhìn quanh.Không có ai cả!Tôi vẫn thường thấy lao đao như vậy lắm, có lẽ vì tôi bị chứng bịnh thiếu máu kinh niên. Tôi dụi mắt nhìn kỹ lại một lần nữa, lần này thì thật sự có một bóng áo trắng đang từ từ tiến lại gần tôi.Tôi dợm đứng dậy để nhìn cho rõ thì thấy có một cậu thanh niên Á Châu rất trẻ, gương mặt xanh xao mệt mỏi đang đi lại phía tôi ngồi. Cậu đi nhẹ nhàng như lướt trên không vậy, xuất hiện trước mặt tôi mà không gây nên một tiếng động. Cậu nhìn tôi, đôi mắt nâu hiền và ngây thơ đến nao lòng. Có vẻ như cậu đang bị lạc đường. Chắc là cậu đi nuôi người nhà bệnh và lạc từ khoa khác sang.Thấy cậu đứng yên lặng không nói gì, tôi hỏi bằng tiếng Mỹ, “Em cần gì, tôi có giúp được gì cho em không?”Lạ thay, cậu trả lời bằng tiếng Việt, “Em đi kiếm đồ!”Giọng của cậu nhỏ và thanh, nghe văng vẳng như từ một nơi xa xôi nào đó vọng về.“Em bị mất cái gì à?”“Em làm rớt cái ví trong xe. Trong đó có một món đồ rất quan trọng. Chị kiếm dùm em nghe chị. Nhớ nghe chị…”Không đợi tôi trả lời, cậu quay lưng đi thật nhanh và khuất bóng sau góc quẹo.Tự nhiên tôi cảm thấy lạnh buốt, cái lạnh từ trong xương lạnh ra. Tôi rùng mình. Lạ thật, Tháng Sáu Mùa Hè ở cái xứ sa mạc này nóng cả trăm độ. Cho dù máy lạnh có mở cũng chỉ vừa đủ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy lạnh cóng bằng cái lạnh của hiện tại.Đầu óc tôi quay cuồng và tiếp tục nhức. Chắc mình sắp bịnh rồi, tôi tự nhủ. Sao tự nhiên lại cảm thấy lạnh và nhức đầu quá. Tôi đứng lên định đi theo cậu bé nhưng rồi lại choáng váng ngồi phịch xuống một chiếc ghế.Vừa lúc đó, một cô bạn đồng nghiệp từ đâu đi tới. Nhìn thấy sắc mặt tôi, cô la lên, “Oh my God! Trời ơi sao cái mặt cô xanh lè xanh lét thấy ghê quá. Are you OK?”“Tôi thấy lạnh quá, cô lấy dùm tôi một cái áo lạnh được không?”Cô bạn nhanh chóng đi lấy cho tôi một cái áo labcoat mới được giặt ủi và hấp nóng. Tôi mặc áo vào, ngồi co ro mà thấy vẫn còn lạnh, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương.Tôi uống thêm hai viên Tylenol. Một lúc sau, tôi thấy từ từ dễ chịu, và lại nghĩ đến cậu bé hồi nãy. Cậu ta là ai, làm sao biết cậu ở đâu, đi kiếm cái xe gì, và cái ví gì nữa chứ?Cả khu ICU này có 6 phòng. Hiện giờ đang có năm bệnh nhân, mỗi người nằm một phòng. Tôi coi lại danh sách bệnh nhân viết trên bảng treo trên tường. Không có bệnh nhân nào người Việt. Vậy cậu từ khoa nào đi sang đây?Tôi đi lòng vòng với hy vọng gặp lại cậu bé, nhưng hỏi thăm những nhân viên quanh đó xem có ai gặp một cậu bé người Á châu không, ai cũng lắc đầu không biết.Thất vọng, tôi trở về khoa đúng lúc bệnh nhân của tôi đã được giải phẫu xong và chuyển về phòng ICU. Bác sĩ bảo em được cứu sống nhưng đôi mắt sẽ bị mù vĩnh viễn vì chấn thương quá nặng. Chỉ có một hy vọng duy nhất là được thay đôi mắt khác em mới có thể thấy lại ánh sáng.Ba mẹ em ngồi bên giường trong khi em vẫn đang nằm thiêm thiếp. Ông bà yên lặng chắp tay cầu nguyện. Tôi không biết làm gì hơn là ngồi xuống bên cạnh và góp lời cầu nguyện trong lòng.Người mẹ buồn rầu nói, “Tội nghiệp chúng quá. Rồi đây Jane sẽ ra sao khi tỉnh dậy và biết là người yêu của nó đã chết?”“Người yêu của Jane là anh Việt Nam ngồi chung xe hả bà?” tôi hỏi.“Đúng vậy, chúng nó yêu nhau lắm. High school sweethearts mà. Hai đứa đều học giỏi và có tương lai. Thế mà, chỉ qua một đêm, một đứa ra đi vĩnh viễn, một đứa trở nên mù lòa.” Bà sụt sịt khóc.Tôi ngập ngừng, “Bác sĩ nói con bà còn có hy vọng thấy lại ánh sáng, nếu…”“Vâng tôi biết! Nhưng ở đâu ra có cặp mắt để thay kia chứ? Nếu đó là cặp mắt của một người còn sống cho con tôi, tôi biết chắc chắn nó sẽ không chịu nhận. Nó là cô gái rất tốt, không bao giờ muốn làm khổ ai.”“Nhưng nếu đó là cặp mắt của một người vừa mới mất thì hoàn toàn có thể dùng được, chỉ có điều…” tôi bỏ dở câu nói vì tôi biết chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Đừng bao giờ nên hỏi cha mẹ cậu bé Việt Nam thêm một lần nữa.Như đọc được ý nghĩ của tôi, bà mẹ thở dài, “Cô y tá ạ, tôi biết nỗi đau của người mẹ mất con nó khủng khiếp như thế nào. Tôi không dám đòi hỏi gì thêm. Số phận con gái tôi bị mù thì tôi sẽ hết lòng chăm sóc cho nó. Con gái tôi có nghị lực lắm, tôi tin nó sẽ vượt qua…”Xót xa nhưng cũng rất xúc động trước những lời nói của bà, tôi nhẹ nắm lấy tay bà. Vừa lúc đó, một ông cảnh sát đang rảo bước tới, trên tay cầm một bọc giấy. Ông hỏi tôi, “Người ta chỉ cho tôi là có một cô y tá người Việt ở đây. Cô nói được tiếng Việt chứ?”“Dạ được. Ông cần gì không?”“Tôi muốn nhờ cô đi với tôi đến gặp gia đình người tử nạn trong tai nạn xe chiều nay. Chiếc xe bị total lost. Trước khi xe tow kéo xe đi, chúng tôi kiểm tra trong xe và tìm thấy chiếc ví này rớt trong xe. Nó thuộc về người đã chết. Tôi muốn giao lại kỷ vật này cho thân nhân của cậu.”Ví, xe, người tử nạn… những mảnh rời rạc của chiếc hình puzzle tự nhiên ráp nối lại với nhau một cách có trật tự. Tim tôi đập thình thịch và cổ họng tự dưng tắc nghẽn. Chân tôi bắt đầu run lập cập và tay thì nổi da gà. Sao giống y hệt những điều cậu bé kia vừa nói?Không lẽ mình vừa gặp ma sao?Tôi lắp bắp hỏi ông cảnh sát, “Ông có thể cho tôi xem qua chiếc ví được không?”Ông ngần ngừ một chút rồi nói, “Cũng được, nhưng trong ví không có gì quý giá hết, chỉ có tấm bằng lái xe và một ít tiền mặt vậy thôi!”Tôi tần ngần mở chiếc ví ra. Thật vậy, trong ví ngoài một ít tiền nhỏ chỉ có tấm bằng lái xe. Tôi tò mò nhìn vào tấm bằng lái và hoảng sợ làm rơi chiếc ví xuống đất. Trên tấm bằng là hình của cậu bé vừa đến gặp tôi ít phút trước đây. Với gương mặt gầy và cặp mắt nâu trong vắt thơ ngây như đang nhìn xoáy vào tôi, như muốn nói một điều gì.Vậy ra cậu chính là người đã chết đó sao?Một luồng khí lạnh chạy dọc theo sống lưng của tôi. Tôi thầm thì, nhắc lại lời của cậu bé khi nãy: “Trong ví này có một vật rất quan trọng…”“Cô nói gì?”Tôi lượm chiếc ví lên, mở ra xem lại và lật tới lật lui. Quả thật không có gì khác ngoài vài tờ giấy $10 và $5, cùng tấm bằng lái.Tai tôi văng vẳng nghe tiếng của cậu bé, “chị nhớ giúp em nghe chị, nhớ nghe chị…”Tấm bằng lái!Tôi nhìn kỹ lại tấm bằng lái lần nữa. Đây rồi, vật quan trọng mà tôi cần tìm chính là tấm bằng lái này đây.Trên bằng lái có tên, tuổi và hình chụp của cậu bé. Còn nữa, nằm ngay ngắn ở góc phải của tấm bằng là cái sticker nhỏ màu hồng, trên có dòng chữ “DONOR” màu đen in đậm nét.Tim tôi đập thình thịch. Như vậy là, chính cậu đã run rủi cho sở cảnh sát tìm thấy chiếc ví rơi trong gầm xe trước khi xe bị kéo đi; chính cậu đã tìm đến tôi, và đưa đẩy cho ông cảnh sát gặp tôi để mọi người có thể biết được ý nguyện của cậu. Thì ra ngay từ khi mới có bằng lái, cậu đã quyết định là nếu có điều gì xảy ra cho mình, cậu sẽ sẵn sàng hiến tặng những bộ phận còn tốt trong người cho tất cả ai đang cần chúng nên đã tình nguyện ghi tên làm người DONOR. Có phải cậu đến tìm tôi vì biết tôi là người chăm sóc cho người bạn gái thương yêu của cậu đêm nay và muốn nhờ tôi tìm cách để trao tặng cho cô gái đôi mắt của cậu như một kỷ vật cuối cùng?Tôi chỉ vào chữ “DONOR” và nhờ vị cảnh sát xác minh lại với DMV. Sau khi xác nhận là cậu bé Việt Nam chính thực đã ghi danh làm người “DONOR”, nhưng đồng thời vị cảnh sát cũng thông báo rằng theo luật pháp, vì cậu bé mất khi cậu chưa đủ 18 tuổi, nên quyết định cuối cùng, cho hay không, cũng vẫn là quyết định của cha mẹ.Phái đoàn gồm các bác sĩ, cảnh sát cùng với tôi sau khi đưa chiếc ví lại cho cha mẹ cậu và thông báo về tất cả những sự việc trên cho họ. Trong khi chờ gia đình cậu bé bàn thảo với nhau, chúng tôi đều lui ra ngoài đứng chờ.5 phút, 10 phút trôi qua. Một bầu không khí yên lặng đến nghẹt thở.Rồi cha mẹ cậu bé cũng bước ra. Người mẹ ôm mặt khóc, trong khi người cha nghẹn ngào nói với chúng tôi: “Thôi thì con tôi nó đã muốn như vậy, chúng tôi xin nghe theo ý nguyện của cháu. Xin bệnh viện giúp cháu làm tròn tâm nguyện, hãy giúp đỡ tất cả những ai đang chờ được giúp.”Tôi bật khóc vì quá xúc động. Tất cả những người có mặt lúc đó đều khóc và cảm ơn cha mẹ cậu bé đã làm quyết định đau đớn và khó khăn nhưng rất cao cả này. Cảm ơn ông bà, tôi thầm thì. Trên cao kia, tôi biết cậu bé đang nhìn xuống và mỉm cười.Những ngày sau đó, có ít nhất là cả chục bệnh nhân đang chờ thay thận, gan, tim, v.v… đã được cứu sống nhờ được ghép những bộ phận trong cơ thể cậu bé. Cô bạn gái cũng đã nhận được cặp mắt của cậu. Trên gương mặt trắng bóc và mái tóc vàng hoe, đôi mắt nâu trong veo luôn tỏa những tia sáng ấm áp dịu dàng. Đôi mắt như biết nói những lời yêu thương đến mọi người. Cậu bé đã ra đi mãi mãi, nhưng tình yêu quảng đại của em vẫn tiếp tục tồn tại.****Ngay sau cái đêm “gặp ma” trong bệnh viện đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi về bàn với chồng, và vợ chồng tôi đã cùng đi đến quyết định là ra DMV để ghi tên tình nguyện làm người “DONOR.”Nếu một mai có người nào phải ra đi trước, chúng tôi không muốn người thân mình ở lại phải suy nghĩ để làm những quyết định đau lòng thế cho mình.Cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi. Thế thì tiếc làm chi các xác thân tạm bợ này! Nếu sau khi mình ra đi mà vẫn còn có ích cho người khác thì đó chính là một niềm an ủi và hạnh phúc vô biên cho mọi người chúng ta rồi.
Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018
Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018
Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018
Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018
NIỀM TIN
Sau khi cha tôi mất được ba năm, ông ấy đã đến nhà tôi. So với người cha của tôi, ông ấy tầm thường đến nỗi chẳng có ưu điểm gì đáng để nói đến.
Nhưng mà, người mẹ ngoài 50 tuổi của tôi cần có một người bầu bạn, mà yêu cầu của người già đã ngoài 50 đối với một nửa kia chỉ cần phẩm cách tốt là được rồi.
Về mặt này ông ấy có đủ điều kiện, bởi ông là người tốt nổi tiếng gần xa, là người thật thà chất phác. Cái hôm gặp gỡ lần đầu tiên với mẹ tôi, ông rất bối rối.
Bởi ông biết rất rõ rằng mọi phương diện của mình đều không có ưu thế: nhà thì chật hẹp, tiền lương thì ít, ông chỉ là một công nhân phổ thông nghỉ hưu, hơn nữa nhà của cậu con trai vừa mới kết hôn cũng cần đến sự giúp đỡ của ông.
Thật lòng, mẹ tôi cũng chỉ vì nể mặt người mai mối nên mới quyết định đến gặp ông ấy. Và cuối cùng, mẹ đã có thiện cảm với ông ấy bởi tài nghệ nấu nướng của ông.
Sau khi gặp mặt, ông ấy nói: "Bà Hồng này, tôi biết điều kiện của bà rất tốt, không thiếu gì cả, thật tôi không có gì đáng để gửi tặng bà. Nhưng dù thế nào, chúng ta hãy thử quen nhau xem sao, chiều nay bà hãy ở lại nhà tôi dùng bữa cơm đạm bạc nhé!".
Tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi không nỡ từ chối, bà đã ở lại. Ông không để bà động tay đến, thoáng chốc đã làm một bát canh với bốn loại rau, đặc biệt là món bí ngô nấu thịt, mẹ tôi đã ăn ngon đến không nỡ đặt đũa xuống.
Trước khi đi, ông đã nói với mẹ tôi rằng: "Sau này nếu như muốn ăn nữa, thì hãy đến đây. Nhà tôi tuy không khá giả lắm, nhưng chiêu đãi món bí ngô thì không tốn công phí sức chút nào".
Về sau, mẹ tôi lần lượt gặp thêm vài người lão niên khác nữa, tuy điều kiện của mọi người mẹ gặp đều tốt hơn ông ấy, nhưng cuối cùng mẹ tôi vẫn chọn ông.
Lý do thật ra cũng được xem là ích kỷ, bà ấy đã phục vụ và chăm sóc ba tôi hơn nửa đời người rồi, lần này bà muốn một lần được người ta chăm sóc lại.
Cứ như vậy, ông ấy và mẹ tôi đã đến với nhau…
Hôm đó, ông ấy, mẹ tôi, thêm tôi nữa, còn có gia đình ba người của con trai ông cùng dùng một bữa cơm với nhau.
Tôi đặc biệt sắp xếp bữa cơm này trong một khách sạn năm sao sang trọng, bên ngoài thì là bày tỏ sự tôn trọng đối với ông, thật ra là thông qua đó tôi thể hiện đẳng cấp của mình.
Khi rời khỏi khách sạn, ông nhẹ nhàng nói với tôi: "Từ nay chúng ta đã là người nhà với nhau rồi, là hai bố con đấy! Sau này nếu con muốn mời bố ăn cơm thì chỉ việc đi đến những quán ăn bên đường là được rồi, ở đó bố sẽ ăn được thoải mái hơn, lòng không bị đau và cũng không thấy tiếc tiền".
Chính tình cảm chân thành của ông đã làm tổn thương cái tâm hư vinh giả dối của tôi, khiến tôi cảm thấy đấu trí với một người thật thà, giống như một người lớn lấy kẹo để dụ dỗ một đứa con nít vậy, thật là vô liêm sỉ chẳng còn gì để nói nữa.
Ông ấy đã chăm lo cho mẹ tôi rất tốt, bà ấy mỗi lần gặp tôi đều bảo cần phải giảm cân, đó là một giọng điệu hạnh phúc.
Ông ấy nấu ăn thật sự rất ngon. Một lần nọ, khi cùng ăn cơm với mọi người, tôi không nhịn được nói với vợ rằng: "Lần sau khi chú Phúc làm cơm, em hãy ở bên cạnh mà học hỏi một chút".
Tôi thấy sắc mặt của vợ vốn không hề có phần muốn học, trái lại còn có mấy phần tức giận.
Ông vội vàng đứng ra giải vây, ông nói: "Một đời này của bố đều không làm được gì tốt cả, chỉ có chút tài nghệ làm được mấy món ăn, các con đều là những người làm chuyện đại sự, tuyệt đối đừng có học theo ta, nếu như muốn ăn, thì hãy đến đây, đến bất cứ lúc nào cũng được. Nấu ăn, sợ nhất là món ăn mình làm ra không có người ăn".
Hôm chúng tôi ra về, ông ấy đã gói rất nhiều đồ do chính tay ông làm bảo chúng tôi mang về, vừa cầm lấy tay tôi vừa nói: "Đừng có khen cơm bố nấu ngon nữa, nói thật lòng, hễ có người nói đến ưu điểm này thì bố thấy ngại lắm. Một người đàn ông chỉ biết nấu ăn, còn những phương diện khác thì lại không làm được trò trống gì cả, đây đâu thể nói là ưu điểm được".
Trên đường về nhà, tôi đã kể lại cho vợ nghe những lời này của ông. Cô ấy nói: "Người như ông ta, trời sinh là số phải phục vụ người ta, trời sinh chính là bằng lòng cúi đầu đến sát mặt đất. Mẹ chúng ta có phúc khí, già rồi còn làm một hoàng thái hậu".
Tôi vừa lái xe, vừa dùng mắt liếc nhìn vợ, cảm nhận sự khinh thường của vợ đối với ông ấy, trong lòng lại không biện giải gì cho ông. Rốt cuộc, ông trước sau vẫn là một người ngoài mà.
Hôm tôi dọn sang nhà mới, ông ấy và mẹ đã đến giúp tôi cúng đất đai gia trạch cho chúng tôi. Ông đã làm theo tập tục một cách cẩn thận, kỹ càng, đâu vào đấy. Nhưng, đến lúc ăn cơm, ông lại không xuất hiện trên ghế dành cho bề trên, tìm khắp nơi đều không thấy ông ấy, gọi điện thoại cho ông, cũng ở trong tình trạng khóa máy.
Dường như đã tính toán kỹ thời gian, khi khách khứa đi hết cả, ông đã quay trở lại, cẩn thận dọn dẹp đống bát đĩa bừa bộn đó, đem những đồ ăn còn thừa lại đựng trong hộp cơm mà ông đã chuẩn bị sẵn, để mang về nhà ăn.
Mẹ không mong ông làm như vậy, cảm thấy tủi thân cho ông, ông nhỏ tiếng nói thầm với bà rằng: "Buổi tối anh sẽ nấu cơm mới cho em, những cái này anh sẽ tự ăn hết".
Mẹ nói: "Làm gì mà ngày nào cũng phải ăn cơm thừa rau thừa như vậy chứ? Anh có biết rằng em thấy anh làm như vậy, trong lòng rất khó chịu hay không?".
Ông ấy an ủi mẹ tôi rằng: "Em tuyệt đối đừng thấy khó chịu, để anh nhìn thấy lãng phí như vậy, trong lòng anh mới không dễ chịu. Tiền của Tân (tên của tôi) đều rất vất vả mà đánh đổi lấy, chúng ta không giúp con nó được gì cả, vậy thì hãy gắng sức tiết kiệm thay cho nó".
Lời của ông khiến mẹ tôi day dứt, sau đó bà ấy quyết định nói với tôi. Nghe mẹ nói thay cho ông ấy trong điện thoại, cảm giác trong lòng tôi lúc ấy rất phức tạp, đồng thời cũng cảm thấy rất xấu hổ. Dần dần, thiện cảm đối với ông ấy mỗi lúc một nhiều hơn.
Ông ấy âm thầm làm rất nhiều chuyện cho chúng tôi: thay ống nước bị hư trong nhà, mỗi ngày đưa cháu đến nhà trẻ và rước cháu về nhà, khi mẹ nằm viện ông ấy đã không ngủ không nghỉ mà chăm sóc bà, mãi đến sau khi xuất viện mới nói với chúng tôi.
Chỉ là không ngờ có một ngày, ông cũng ngã bệnh, hơn nữa bệnh còn rất nghiêm trọng. Trên đường ông ấy đưa con của tôi đến nhà trẻ thì đột nhiên ngã xuống – bệnh tai biến mạch máu não, bán thân bất toại mà nằm trên giường.
Tôi và con trai của ông ấy, ban đầu đều rất tích cực đối với việc trị liệu của ông, chúng tôi mong ông mau chóng khỏe lại, vẫn có thể chịu mệt nhọc vất vả mà phục vụ cho chúng tôi giống như trước đây.
Nhưng mà, ông đã không bao giờ đứng dậy được nữa. Trước đây ông lúc nào cũng mỉm cười, không ngờ giờ đây đã biến thành yếu ớt như vậy, lúc nào cũng chảy nước mắt.
Mẹ chăm sóc cho ông, ông khóc; chúng tôi đẩy xe lăn dẫn ông đi chơi vùng ngoại ô, ông khóc; nhiều lần nằm viện, nhìn thấy tiền tiêu đi như nước; ông khóc.
Một ngày, ông đã dùng con dao cạo râu ra sức cắt cổ tay của mình. Cấp cứu trong suốt 5 giờ đồng hồ, ông mới từ cõi chết trở về, rất mệt mỏi, cũng rất tuyệt vọng.
Điều thật sự không ngờ rằng, người đầu tiên bỏ ông ấy đi lại chính là con trai của ông. Con trai của ông rất ít khi đến thăm ông, sau này còn không ló mặt đến một lần. Mỗi lần gọi điện thoại, anh ta đều nói rằng mình đang đi công tác, trở về sẽ ghé thăm ông.
Điều khiến tôi không ngờ hơn nữa, mẹ tôi vào lúc này cũng đề xuất với tôi rằng bà muốn chia tay với ông. Hai người vốn dĩ chưa đăng ký, chỉ là chuyện vỗ mạnh một cái mỗi người mỗi ngả.
Mẹ nói với tôi rằng: "Mẹ đã già rồi, không lo nổi cho ông ấy. Mẹ không giúp được gì cho con cả, nhưng cũng không thể mang một người cha tàn phế về, làm liên lụy con được". Đây chính là hiện thực tàn nhẫn.
Tôi không muốn để mẹ tôi làm người ác, thế là tôi đành phải nhẫn tâm đóng vai kẻ ác, quyết định tự mình đến nói ra chuyện chia tay này.
Tôi nói với ông, vẫn đang nằm trên giường bệnh rằng: "Chú Phúc, mẹ con bệnh rồi". Nước mắt của ông lại tuôn trào ra như mưa. Tôi gắng sức nói tiếp những lời tàn nhẫn: "Chú biết đấy, mẹ con cũng đã có tuổi rồi. Những ngày này, bà ấy đối với chú như thế nào, chú cũng đã thấy rồi".
Chú tiếp tục chảy nước mắt gật đầu. Tôi lại nói tiếp: "Chú Phúc, chúng con còn phải đi làm, mẹ con sức khỏe lại không tốt. Chú xem như vậy có được không, sau khi xuất viện, chú hãy về nhà của chú, con sẽ thuê một bảo mẫu cho chú. Đương nhiên, tiền sẽ do con trả, con cũng sẽ thường xuyên đến thăm chú".
Khi nói đến đây, chú không khóc nữa. Chú gật đầu liên hồi, nói một cách cảm kích: "Nếu được như vậy thì tốt quá, nếu được như vậy thật đúng là tốt quá. Không cần mời bảo mẫu, thật sự không cần…".
Tôi bước ra khuôn viên của bệnh viện mà chảy nước mắt, không rõ đó là cảm giác nhẹ nhõm sau khi được giải thoát, hay là trong lòng có nỗi day dứt không nói thành lời.
Tôi thuê một bảo mẫu cho ông ấy, trả trước chi phí trong một năm. Sau đó, tôi đến nhà ông ấy, thuê công nhân tu sửa lại nhà của ông một chút, tôi đã cố gắng trọn nhân trọn nghĩa. Không phải vì ông, chỉ vì an ủi nỗi bất an trong lòng. Cái ngày ông ấy xuất viện trở về nhà, tôi không đến đón, mà bảo tài xế trong đơn vị đến đón ông.
Tài xế sau khi trở về đã nói với tôi rằng: "Chú Phúc nhờ tôi nói tiếng cảm ơn với anh, còn bảo rằng ngay cả con trai ruột của chú, cũng không làm được như vậy".
Những lời này, đã an ủi tôi ít nhiều, khiến tôi nhẹ nhõm phần nào, nhưng loại an ủi này vốn không duy trì được bao lâu.
Ngày Tết không có ông ấy ở nhà, chúng tôi cảm thấy có chút buồn tẻ, không còn một người bằng lòng vùi đầu vào trong nhà bếp, làm đủ các loại món ăn cho chúng tôi.
Chúng tôi ngồi ăn cơm tất niên trong khách sạn năm sao, nhưng lại không cảm nhận được cái hương vị nồng ấm của ngày Tết nữa. Con trai trên đường về nhà nói: "Con muốn ăn món cá chép do ông nội làm".
Vợ tôi nháy mắt ra hiệu cho con trai đừng nói nữa, nhưng con lại càng dữ dội hơn: "Tại sao mọi người không để ông nội về nhà đón Tết, mọi người thật đúng là xấu xa mà!".
Vợ tôi tức giận giáng cho con trai một cái bạt tai thật mạnh. Nhưng cái bạt tai đó như là đang đánh vào mặt tôi vậy, khắp mặt sưng lên đau đớn. Một câu nói của con trai, khiến cho điều chúng tôi tự thấy an ủi đều đã sụp đổ tan tành.
Tôi nhìn qua kính chiếu hậu, nhìn thấy đôi mắt của mẹ cũng đang đỏ hoe. Đó là ngày 30 Tết buồn biết mấy. Tôi thấy rất nhớ năm ngoái, năm mà ông ấy vẫn còn ở nhà chúng tôi, một gia đình ấm cúng hạnh phúc, được xây dựng trong sự lặng lẽ của một người.
Không biết giờ này, chú Phúc đang đón tết với ai? Liệu có nhớ đến chúng tôi chăng? Liệu có vì sự vô tâm của chúng tôi mà cảm thấy tủi thân?
Sau khi đón giao thừa xong, tôi lái xe đi đến chỗ của chú Phúc. Ông ấy bước những bước chân tập tễnh ra mở cửa cho tôi, nhìn thấy tôi, miệng thì nở nụ cười, nhưng mắt lại đẫm lệ.
Đi vào ngôi nhà lạnh lẽo của ông, nước mắt của tôi cũng không thể ngăn lại. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho con trai của ông ấy, sau khi mắng cho anh ta một trận, bắt đầu đồ xôi và kho nồi thịt kho cho ông.
Bảo mẫu đã về nhà đón Tết, trong tủ lạnh đã chuẩn bị sẵn điểm tâm đủ cho ông ấy dùng đến ngày 15, trong lòng tôi cũng thầm trách mẹ.
Những nắm xôi nóng hổi cuối cùng đã giúp nhà ông ấy có được một chút không khí ấm cúng của ngày Tết. Chúng tôi cứ ăn một miếng, nước mắt lại rơi lã chã.
Buổi sáng tinh mơ của ngày mùng một, tôi lảo đảo rời khỏi căn nhà của ông, tôi uống rượu. Tôi đậu xe ngay dưới lầu của nhà ông ấy, một mình đi trên con đường lạnh tanh, trong lòng đầy thê lương.
Điện thoại reo lên, là vợ gọi đến: "Anh ở đâu vậy hả?".
Tôi phát hỏa: "Tôi đang ở trong nhà của một ông lão cô độc, nghe rõ chưa hả? Chúng ta là loại người gì vậy hả? Khi ông ấy có thể đi lại được, chúng ta lợi dụng người ta; bây giờ ông không cử động được nữa, chúng ta lại gửi trả về. Lương tâm chúng ta phải chăng đã bị chó tha mất rồi, vậy mà còn đòi học theo người ta nói nhân nghĩa đạo đức, tôi khinh!".
Ở trên đường cái, tôi mắng chửi bản thân mình thật tệ hại, mắng đủ rồi, mắng mệt rồi, tôi không chút do dự mà chạy trở lại, cõng ông ấy trên lưng rồi đi ra bên ngoài. Ông giãy giụa, hỏi tôi: "Con làm vậy là sao?".
Tôi lấy giọng điệu chắc nịch mà nói với ông rằng: "Về nhà".
Ông ấy đã trở về. Người cảm thấy vui nhất là con trai tôi. Nó vừa ôm vừa hôn ông, luôn miệng đòi ăn món cá chép, đòi ăn món mỳ bò, muốn làm thẻ siêu nhân.
Vợ lôi tôi vào trong phòng, hỏi tôi: "Anh điên rồi sao? Ngay đến cả con trai ông ta còn không lo cho ông ta, anh dẫn ông ta về nhà làm gì vậy?".
Tôi không còn nổi nóng nữa, ôn hòa nhã nhặn nói với cô ấy: "Con trai ông ấy làm chuyện không đúng, đó là chuyện của anh ta, không nên lấy đó làm cái cớ để chúng ta bỏ rơi ông ấy.
Anh không yêu cầu em phải xem ông ấy như bố chồng của mình, nhưng mà, nếu như em yêu anh, nếu như em biết nghĩ cho anh, thì hãy xem ông ấy như người nhà, bởi trong lòng của anh, ông ấy chính là người nhà, chính là người thân, bỏ rơi ông ấy thì rất dễ dàng, nhưng không giấu được nỗi day dứt trong tâm. Anh muốn tâm mình được thanh thản một chút, chỉ đơn giản vậy thôi".
Cùng một lời này, khi nói với mẹ, bà nước mắt như mưa, nắm chặt lấy tay tôi nói rằng: "Con trai à, mẹ thật không ngờ con lại có tình có nghĩa như vậy".
Tôi nói: "Mẹ, mẹ yên tâm đi. Nói hơi khó nghe một chút, cho dù sau này có một ngày, mẹ mà đi trước chú ấy, con cũng sẽ phụng dưỡng chú ấy đến cuối đời, với thu nhập của con hiện giờ, nuôi chú ấy nào là chuyện khó gì? Thêm một người thân, thì có gì không tốt chứ?".
Một lúc sau, con trai tôi đi vào xin tôi: "Bố ơi, đừng có gửi ông nội về nữa. Sau này, con sẽ chăm sóc ông ấy. Sau này bố già rồi, con cũng chăm sóc bố mà!".
Tôi ôm con trai vào lòng, trống ngực đập thình thịch, thật may là vẫn chưa quá muộn, còn may chưa để lại một ấn tượng bất hiếu trong lòng của con.
"Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi được nữa!".
Tôi mở miệng nói đùa với con trai, để củng cố niềm tin vững chắc cho nó…
St
TIỄN CON ĐI LẤY CHỒNG
Tôi là người con gái duyên số muộn màng, nên mặc dù có nhan sắc nhưng mãi đến năm ba mươi tuổi mới có người đi hỏi. Cha mẹ tôi mừng lắm nên gật đầu liền, sau khi đã hỏi ý tôi. Biến cố mới mẻ này đã khơi dậy trong tôi những cảm giác xao xuyến khó tả, bởi vì từ trước tới nay cuộc đời của tôi vẫn bình lặng, tình đầu, tình cuối gì cũng không có, tôi chưa yêu ai, mà cũng chẳng ai yêu tôi, hồ sơ tình ái trắng trơn như tờ giấy mới. Nói như vậy không có nghĩa là tim tôi chai đá, không biết rung động, cũng chẳng phải tôi hay kén cá chọn canh như mẹ vẫn mắng, mà chỉ tại chưa gặp đúng đối tượng mà thôi. Tôi sống hồn nhiên, vô tư, nhưng thấy bạn bè lần lượt lên xe hoa đi lấy chồng cả, lại cứ phải nghe mẹ thở vắn than dài mãi, cũng đâm sốt ruột. Đêm nằm thường hay nghĩ ngợi vẩn vơ, những tưởng xuân qua hè tới, tiếp theo sẽ là những tháng ngày buồn tẻ của mùa thu ảm đạm, và mùa đông băng giá, nào ngờ hạ đỏ có chàng tới hỏi. Lòng tôi xao xuyến, tuy hơi ngại ngần, kinh nghiệm những lần mai mối không thành, vẫn còn để lại cho tôi những cảm giác khó chịu mỗi khi nghĩ tới. Nhưng lần này thì chẳng ai mai mối cả, vì chính “đương sự ” đích thân tìm tới. Đúng là chuyện lạ, tôi nôn nao muốn biết mặt cái anh chàng to gan, dám đơn thân độc mã đi tìm nửa mảnh kia của mình.
Ngày chàng trình diện, tôi lén núp sau rèm để ngắm trộm, thấy chàng mặt mũi tuy có vẻ láu cá nhưng tướng tá cao ráo, sáng sủa thì trong bụng cha mẹ tôi cũng ưng, nên nhận lời cho tìm hiểu. Trời ơi! tưởng ai, hoá ra anh chàng trẻ tuổi mới dọn đến khu phố nhà tôi năm ngoái. Nhà chàng ở cách nhà tôi có một con hẻm nhỏ. Ngày nào đi dạy học, tôi cũng đi ngang ngõ nhà chàng, tôi thong thả đạp xe, mắt nhìn thẳng, vô tình không biết là có người vẫn rình rập, theo dõi. Chẳng biết chàng để ý tôi từ lúc nào, vì có bao giờ chàng ra mặt đâu? Nhưng chàng quả là khôn ngoan, tính nước cờ cao, chẳng thèm đón đường, đón chợ gì cả, ngay từ bước đầu đã đường hoàng đi vào nhà tôi bằng cửa chính. Sau vài tháng tiếp xúc, tôi có cảm tình ngay với lối nói chuyện thẳng thắn, cởi mở, xen lẫn với những câu pha trò duyên dáng, và nhất là ánh mắt của chàng có sức thu hút lạ kỳ làm tôi phải cúi mặt bối rối và tim thì đập loạn xạ. Từ tình cảm đến tình yêu chỉ một bước ngắn, một ngày đẹp trời, chàng cầm tay nói yêu tôi và ngỏ lời xin cưới. Thẹn thùng tôi không đáp, mặc dù tình trong như đã, nhưng mặt ngoài còn e, ai lại gật đầu liền coi kỳ quá. Đợi mẹ dục giã vài lần, tôi làm bộ “em chả, em chả” vài câu lấy lệ, rồi mới cúi mặt nhỏ nhẹ thưa:
- Tùy cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.
Mẹ tôi mỉm cười, cái cười như soi thấu tâm can, làm tôi xấu hổ bỏ chạy.
Chàng không có anh chị em gì cả, cha chàng mất sớm, mẹ chàng cũng qua đời đã bốn năm rồi, thôi cũng tiện vì tôi khỏi phải làm dâu. Chàng là nhân viên hàng không Air France, nên làm việc gì cũng nhặm lẹ như phi cơ lướt gió, được nhận lời, chàng mừng rỡ, vội xin phép được tiến hành ngay những thủ tục, lễ nghi cần thiết. Thế là bốn tháng sau, đám hỏi, và sáu tháng sau, đám cưới, nhanh tới nỗi tôi chưa hết bàng hoàng thì đã trở thành vợ chàng. Nhưng không phải vì không biết nhau từ trước mà chúng tôi không có hạnh phúc đâu nhé? chàng yêu tôi say đắm, và tôi rất sung sướng trong vai trò mới: vai trò làm vợ chàng. Cuộc sống của chúng tôi thật êm đềm, quanh năm bốn mùa hạnh phúc: mùa xuân xanh mầm hy vọng, mùa hè rực rỡ vui tươi, mưa phùn mùa thu không còn ảm đạm thê lương, mà chỉ thấy cảnh vật thêm thơ mộng, giá rét mùa đông càng làm cho hai vợ chồng xích lại nhau hơn, cho hương lửa thêm nồng nàn.
Chàng đúng là một mẫu người đàn ông tôi hằng mơ ước: thủy chung, độ lượng, thương yêu vợ con. Tuy nhiên cái tính láu cá của chàng đôi lúc làm tôi cảm thấy bị “quê một cục”, chẳng hạn như một hôm trong lúc vui vẻ, tôi ngả đầu vào ngực chàng nhõng nhẽo hỏi:
- Tại sao anh cưới em?
Trong thâm tâm tôi muốn chàng trả lời rằng vì chàng bị tiếng sét ái tình, vì tôi rất đẹp và quyến rũ, và chàng mê suối tóc dài của tôi v…v… Nếu không, ít nhất cũng được một câu khen tính nết tôi thùy mị, đoan trang… Ai ngờ chàng choang cho một câu làm tôi chưng hửng:
- Tại vì anh muốn làm phước, thấy em là… gái già…
Tôi nổi cáu ngắt lời:
- Anh già hơn em, tại sao đàn ông ba mươi lăm tuổi vẫn được coi là trẻ, còn đàn bà mới ba mươi đã bị kêu là già?
- Ai biết đâu? Chàng đáp tỉnh bơ, các cụ nói thế chứ đâu phải anh bịa ra? Trai ba mươi tuổi còn soan, gái ba mươi tuổi đã toan về già, em xém chút nữa ế chồng, được anh rước đi, không phải là có phước à?
Tôi tức cành hông, vùng ra khỏi đôi tay của chàng, hét lớn:
- Trả phước cho anh đó, tôi không nhận đâu, tối nay ra phòng khách mà nằm!
Chàng cười hề hề:
- Đùa có một tí mà giận thiệt.
Chàng kéo tôi lại gần, xoay cho tôi đối diện với chàng, rồi cười nịnh:
- Em biết không? lúc em giận trông em càng đẹp lắm!
Nước mắt tôi chảy vòng quanh:
- Còn lúc thường chắc em rất xấu?
- Ai bảo thế? lúc nào em cũng đẹp cả, anh mê nhất đôi mắt của em, nó trong suốt, đẹp như mắt rồng, còn nước da của em…
- Thôi thôi đủ rồi! Tôi vội vã ngắt lời, em không muốn nghe anh ví da của em giống da con nhím!
Nói rồi, tôi hậm hực lườm chàng:
- Chưa ai nói đẹp như mắt rồng, vì mắt rồng giống cái gì anh biết không?
- Không! Chàng lúng túng, ờ mà có, thì… giống như mắt em?
- Không đúng! mắt rồng vừa to vừa lồi giống như con ốc bươu!
Chàng sặc lên cười:
- Em khó tính thế? cái gì cũng bắt bẻ, anh chỉ muốn nói mắt em rất đặc biệt, vừa dịu dàng vừa tình tứ, nhìn vào lúc nào anh cũng mê mẩn cả tâm hồn, chỉ trừ những lúc nó đang long lên sòng sọc như thế kia!
Tôi quơ mấy cái gối ném chàng lia lịa, chàng vừa cười hăng hắc vừa chạy trốn, tôi rượt theo sát nút như mèo bắt chuột. Bất thình lình chàng không chạy nữa và quay lại, tôi lỡ trớn ngã nhào vào đôi tay đang dang rộng của chàng. Chàng ôm tôi chặt cứng, phủ kín mặt tôi bằng những cái hôn nóng bỏng, người tôi mềm đi trong đôi tay của chàng.
Cuối năm đó, chúng tôi cho ra đời một bé gái đặt tên là Nga và hai năm sau một bé trai đặt tên là Duy. Có con rồi, chàng vẫn không đứng đắn thêm chút nào, cái tính nói ngang của chàng mấy phen làm tôi mất mặt. Ai đời đi đám ma mẹ vợ một người bạn, mà chàng nồng nhiệt tay bắt mặt mừng nói với chủ nhà:
- Chúng tôi xin chia vui với anh chị vì bác đã được về với Chúa!
Tôi hết hồn, mặt tái đi vì ngượng. Trước những cặp mắt tròn xoe vì kinh ngạc của hai vợ chồng người bạn, tôi ấp úng khẽ nói:
- Xin lỗi anh chị, nhà tôi say rồi.
Rồi tôi vội vàng kéo chàng đi chỗ khác, chàng cùng vằng cưỡng lại:
- Anh uống rượu hồi nào mà em bảo là say? và tại sao em lại phải xin lỗi, khi anh không làm điều gì sai trái cả?
- Còn không à? Tôi rít lên, anh nói như thế có khác gì chửi người ta là đồ bất hiếu, bà cụ chết đi, con cái thoát nợ nên vui mừng…
- Anh nói thế hồi nào? anh chỉ chia vui với bạn vì bà cụ được về với Chúa.
- Chia buồn chứ sao lại chia vui? Tôi nhìn chàng như nhìn một con quái vật, chẳng lẽ anh ngu tới nỗi không biết dùng danh từ?
- Em ngu thì có! Chàng cau mày nói một cách nghiêm trang, được về với Chúa mà là một tin buồn thì ai còn đi nhà thờ làm gì nữa? Người ta đến nhà thờ không phải để cầu nguyện sẽ được về với Chúa hay sao?
Tôi cứng họng không trả lời được, chỉ nhìn chàng bằng cặp mắt tức tối. Sau này nghĩ lại thấy chàng cũng hơi… có lý. Hàng ngày đọc báo, thỉnh thoảng thấy mục cáo phó có những câu như “ Chúng tôi lấy làm đau đớn báo tin buồn ông A đã được về với Chúa ” hoặc mục phân ưu có những câu như: “Chúng tôi vô cùng thương tiếc, và xúc động trước hung tin bà B đã được Chúa gọi về” v...v… nghe cũng thấy kỳ kỳ thế nào ấy. Tuy công nhận chàng không phải hoàn toàn vô lý, nhưng cái lối phát biểu của chàng nghe rất chướng tai, và không thời hợp cảnh, không phải lúc tí nào.
Ngoài cái tính nói ngang, chàng còn có một cá tính mà tôi không biết nên liệt kê vào loại nào: tốt hay xấu? đó là cái tính “quá thực tế”. Ngày Valentine, tôi nghĩ chàng sẽ tặng tôi một bó hoa thật đẹp. Nhưng chờ mãi gần hết ngày cũng không thấy chàng đả động gì tới, tôi nhắc thì chàng đáp:
- Hoa thiếu gì ngoài vườn sao em không hái? mà lại bắt anh phải mua tặng chi cho rắc rối tốn thì giờ?
Tôi xụ mặt thì chàng dỗ:
- Anh có quên đâu? Valentine là ngày của tình yêu, anh định đêm nay sẽ yêu em thật sâu, yêu em dài lâu…
Và chàng làm những cử chỉ mơn trớn khiến tôi đỏ mặt, chỉ sợ các con trông thấy. Sắp đến sinh nhật của tôi, chàng hớn hở khoe:
- Anh sẽ tặng em một món quà anh cam đoan em sẽ rất thích.
Tôi sung sưóng, nôn nao chờ đợi, háo hức đoán mò đủ thứ: có lẽ là một cái áo dạ hội thật đẹp? một lọ nước hoa đắt tiền, một cái sắc tay, một sợi dây đeo cổ? hay là một bộ đồ trang điểm? Sau cùng thì giây phút quan trọng cũng đã tới, sau mục cắt bánh, chàng âu yếm hôn tôi, rồi long trọng tuyên bố:
- Quà sinh nhật em anh đã mua rồi, để trong garage đó!
- Sao không mang vô nhà?
- Nặng lắm!
- Cái gì thế? Tôi hồi hộp hỏi.
- Thì em cứ ra xem khắc biết.
Chàng nắm tay tôi kéo ra garage, chỉ vào bốn cái lốp xe hơi to tướng chằng giây đỏ hẳn hòi, trên cột một quả bóng bay có đề chữ “Happy birthday” cũng to tướng. Chàng nhìn tôi mỉm cười đắc ý:
- Thích nhé? Có phải em nói với anh rằng bánh xe của em mòn rồi, và em muốn thay bánh mới?
Tôi không biết phải nói gì, nên vui hay nên hờn? Thấy tôi tiu nghỉu nhận quà, các con tôi phá lên cười, còn chàng thì hồn nhiên, vui vẻ, lăng xăng lấy kềm, vít thay luôn bốn bánh xe mới, rồi chở cả nhà đi ăn cơm tiệm.
Hai đứa con của chúng tôi đều học nhạc, Nga học piano còn Duy học violin.. Có lần nhà trường tổ chức một buổi recital cho học trò trình diễn, chàng và tôi cùng đưa các con đi. Mặc dù không biết gì về nhạc cả, chàng vẫn hoa chân múa tay phê bình ỏm tỏi, Nga ngượng quá phải suỵt bố:
- Ba im lặng một chút được không? để mọi người thưởng thức.
- Không được! Chàng quát, mời tao đến đây để nghe, đã nghe thì phải cho tao nói chứ?
- Ba biết gì về nhạc mà dám phê bình? Duy bực mình cũng xen vào.
- Sao không? tao chơi đàn còn giỏi hơn mấy ông nhạc sĩ, giỏi hơn cả thày giáo của mày nữa.
- Ba chơi hồi nào sao tụi con không thấy?
- Tụi bay thấy sao được? Tao chơi hay lắm, hỏi má mày coi!
- Ba chơi đàn gì?
- Tao chơi đàn… bà!
Thấy tôi trừng mắt, chàng chữa lại:
- Tao chơi đàn tỳ bà.
- Là đàn gì vậy ba?
- Tỳ bà là một loại đàn cổ, xưa lắm rồi, các con không biết đâu.
Tôi vội vã đáp thay cho chàng, và lừ mắt cấm chàng nói bậy, chàng cười cười rồi lảng ra ngoài. Tính hay khôi hài, nhưng chàng là một người chồng, người cha rất đầy đủ bổn phận. Mọi người hoà thuận, thương yêu nhau, cái gia đình nhỏ bé của chúng tôi lúc nào cũng tràn đầy những tiếng nói cười vui vẻ. Nga càng lớn lên càng giống tính cha nghĩa là ngang bướng không thể tả. Một cái ngang đã khổ rồi, đàng này hai cái ngang mà đụng nhau thì thế nào cũng toé lửa, hai cha con mà tranh luận thì thể nào cũng có chuyện, ý kiến của người già và người trẻ không bao giờ hạp nhau, ai cũng bảo thủ cho mình là đúng, không ai chịu nhường ai, chàng phùng mang trợn mắt, con nhỏ thì gân cổ lên cãi, ồn ào như họp chợ. Dạo đó là năm 1963, dưới thời Ngô Đình Diệm, có xảy ra nhiều vụ biểu tình chống đàn áp Phật giáo, vì muốn ngăn cản con nhỏ không cho tham gia xuống đường, chàng quát:
- Mày đừng có ngu! xuống đường với xuống phố, mật vụ nó bắt đi tù cả đám đó.
- Ai cũng sợ ở tù như ba thì Phật tử tha hồ bị đàn áp.
- Mấy đứa con nít tụi bây làm sao hiểu được chuyện chính trị? Đừng có ngu, làm công cụ cho người ta giật dây, nguy hiểm lắm.
- Con đâu có nhát gan như ba?
- Vậy chứ mày ở phe nào? nhà mình đâu có theo đạo Phật?
- Đâu phải cứ là Phật tử thì mới xuống đường? Con thấy người ta rủ nhau đi biểu tình đông quá, thì cũng đi theo chơi, cho vui vậy thôi.
- Biểu tình chơi? cho vui? Chàng trợn mắt quát, mất mạng đó nghe con, không thấy người ta nổ súng vào đám biểu tình à?
- Con không sợ!
- Mày không sợ nhưng tao sợ, tao cấm nghe chưa?
- Ba cấm con sao được? Con lớn rồi, đừng coi con như con nít!
Con nhỏ chưa dứt lời thì bốp một cái, một cái tát bay tới làm nó siểng niểng, nó ôm mặt khóc ré lên. Chàng thì la, con nhỏ thì khóc lóc ầm ỹ nhà cửa, tôi bực quá phải can thiệp, tôi xông vào chiến trường, quơ đôi đũa bếp, hét lớn bắt hai đấu thủ phải ngưng chiến. Con nhỏ xưng xỉa bỏ vào phòng riêng khoá cửa lại, chàng hối hận vì đã quá tay, nên nhìn theo nó với một vẻ ái ngại rồi cũng lỉnh mất. Hai cha con giận nhau mấy ngày rồi mới làm lành, chàng nhìn nó, nhỏ nhẹ khuyên:
- Con còn nhỏ nên chưa biết nghĩ, bao giờ lớn lên mới thấy là ba nói đúng. Bây giờ con mới mười lăm tuổi, còn khờ dại lắm…
- Con thấy con khôn hơn ba!
Con nhỏ thản nhiên nói xong nhe răng ra cười, nó hấp háy cặp mắt tinh quái nhìn cha như chế diễu, chàng thừ người ngồi im.
Duy thì trầm tĩnh hơn và rất thương mẹ, một hôm đi học về, nó ghé tai tôi nói nhỏ:
- Con thấy ba chở một cô áo xanh…
Tôi tá hoả tam tinh, thấy đất trời bỗng dưng tối xầm lại, tôi lảo đảo đứng không muốn vững. Trống ngực đánh thình thình, tôi nắm vai nó hỏi tới để biết thêm chi tiết, nhưng thằng nhỏ lắc đầu:
- Con thấy cô đó ôm eo ếch của ba, thế rồi xe vụt qua, chạy đâu mất tiêu. Con chỉ biết có thế.
Suốt ngày hôm đó, tôi đi ra đi vào, ruột nóng như lửa đốt. Buổi chiều chàng đi làm về, vừa ló đầu vào nhà đã bị tôi chụp ngay tại cửa, không nói không rằng, tôi ghé mũi vào áo chàng, hít lấy hít để khắp nơi từ trước ra sau, không chừa chỗ nào. Chàng để yên cho tôi hít ngửi xong, rồi mới từ từ gỡ tay tôi ra, nhỏ nhẹ hỏi:
- Em làm gì vậy? ngửi hơi tìm chứng cớ à?
- Phải! Tôi òa lên khóc, áo anh có mùi nước hoa đàn bà… Thôi đúng rồi, anh có nhân tình, anh vừa đi với con ngựa nào?
- Em nói cái gì? anh có con ngựa nào đâu?
- Lại còn chối? Thằng Duy trông thấy rõ ràng anh chở con ngựa bà mặc áo màu xanh, nó ôm eo anh chặt cứng.. .
Chàng bật lên cười sặc sụa, cười chảy cả nước mắt, sau cùng chàng mới nói:
- Em đừng ghen ẩu, đó là bà giám đốc của anh, bả đáng tuổi mẹ anh. Xe của bà bị hỏng phải để ở tiệm sửa xe, bà nhờ anh chở đi lấy.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn nhìn chàng bán tín bán nghi:
- Anh có nói dối em không đấy?
- Anh nói thiệt, không tin, mai em đến sở hỏi xem có đúng không? Anh mà nói dối cho xe mười bánh cán anh đi!
Tôi sợ hãi vội vã bịt miệng chàng:
- Đừng nói bậy xui xẻo!
Nhẹ nhàng gỡ tay tôi ra, chàng nhìn thẳng vào mắt tôi, nói một cách nghiêm chỉnh:
- Anh thề độc vì anh không có tội. Chàng kéo tôi lại gần, ghé tai thì thầm, có người vợ xinh đẹp dễ thương như em, ngu gì lại đi mèo mỡ?
Nói xong, chàng nheo mắt nhìn tôi cười tủm tỉm:
- Còn em, có phải em yêu anh lắm nên em mới ghen?
Tôi mắc cở gật đầu:
- Còn phải hỏi? Em tưởng trời sắp xập, sắp tận thế rồi, em rụng rời cả chân tay, và tim em đau nhói...
- Tội nghiệp chưa! Mắt chàng ngời lên những tia lửa nồng ấm, chàng ôm tôi thật chặt, anh sẽ đền bù cho em gấp đôi, chịu chứ?
- Anh khôn thấy mồ! cứ vờ giả nhân, giả nghĩa. Tôi ngúng nguẩy nói, có đúng là chỉ vì em thôi sao?
Chàng cười ngỏn ngoẻn không đáp. Hai đứa nhỏ thấy tình hình chiến sự coi mòi êm dịu, bèn lẳng lặng chuồn đi chỗ khác, để cha mẹ chúng tha hồ tâm sự. Chàng lườm theo tên chỉ điểm một phát, rồi mới quay sang cười với tôi.
Thời gian thấm thoát trôi, biết bao nhiêu thăng trầm biến đổi. Năm 1975, gia đình tôi sang định cư ở Mỹ, chúng tôi chọn miền nam California nắng ấm làm nơi cư ngụ mới. Chàng xin được việc làm ở sở bưu điện, tôi theo nghề cũ là nghề dạy học, nhưng vì không có bằng cấp của Mỹ nên chỉ được làm teacher - aid, hy vọng sau này có thì giờ đi học lại, tôi sẽ trở thành teacher thực thụ, bây giờ còn phải đi làm để nuôi hai đứa con học đại học. Nga học dược còn Duy thì học kỹ sư điện toán, cả hai đều chăm học và học rất giỏi. Nga bây giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh dẹp dịu dàng, không còn ngang bướng như hồi mới lớn. Hai mươi sáu tuổi, Nga có bạn trai, hôm nó hẹn sẽ đưa Tuấn, bạn trai của nó về ra mắt cha mẹ, tôi sửa soạn trang hoàng nhà cửa thật đẹp, mua cả hoa tươi về chưng nơi phòng khách. Chưa hết, tôi còn làm một bữa cơm thịnh soạn để đãi cậu con rể tương lai. Chàng thấy tôi lăng xăng, bận rộn thì chỉ cười:
- Em khéo vẽ chuyện, sao không để tự nhiên?
Nói xong chàng đi thay quần áo thể thao, bỏ đi chơi đá banh. Quá giờ hẹn, chàng mới lò dò trở về, đầu tóc bù xù tơi tả, quần áo nhàu nhè, người thì bụi bặm và nhễ nhại mồ hôi, chàng thản nhiên vắt chân chữ ngũ ngồi trên xa lông tiếp khách. Khi bạn trai của Nga về, tôi trách:
- Sao anh ăn mặc cẩu thả thế? Đã biết trước rồi mà, sao không về sớm để sửa soạn?
- Sửa soạn cái gì? Chàng nhướng mày hỏi, mắt vẫn không rời tờ báo đang đọc dở, tại sao anh lại phải sửa soạn?
Tôi bực mình:
- Sửa soạn cho tề chỉnh, không thấy cậu ta mặc complet ca vát hẳn hòi, lại đem theo môt bó hoa rất đẹp, như thế mới trịnh trọng.
- Nó ra mắt cha mẹ vợ thì nó phải trịnh trọng là đúng rồi, còn anh đâu có ra mắt ai?
- Anh ẩu tả quá! Tôi cằn nhằn, ai đời ông bố vợ tương lai mà quần áo bèo nhèo như một đống giẻ rách?
Chàng không giận, chỉ cười hề hề:
- Bộ quần áo đâu có làm nên thầy tu? Nó muốn lấy con gái anh thì nó phải kính trọng anh dù anh có hay không mặc quần áo…
Thấy tôi cau mặt, chàng biết không phải là lúc nói nhảm, bèn sửa lại:
- Dù anh có mặc thế nào đi nữa.
Nói vậy nhưng chàng vẫn chiều tôi, khi cha mẹ Tuấn đến chơi, chàng ăn mặc thật tề chỉnh ra tiếp đón.
Năm sau, Nga lấy chồng, đám cưới tuy nhỏ thôi, nhưng thật trang trọng với đầy đủ lễ nghi. Nhìn con gái xinh đẹp trong áo dài cô dâu, đầu cài vương miện và khăn voan trắng, e lệ khoác tay cha bước vào nhà thờ, lòng tôi rộn lên một niềm cảm xúc khó tả.
Chú rể Tuấn đứng chờ ngay dưới bục thờ. Đưa con gái trao vào tay cho chú rể và nói vài câu nhắn nhủ xong, chàng trở lại chỗ tôi đứng, nắm lấy tay tôi, chàng thì thầm giọng cảm động:
- Có con đi lấy chồng, chúng mình già rồi, em nhỉ? Thời gian qua nhanh thật, mới ngày nào các con còn nhỏ xíu, thế mà bây giờ Nga đã có chồng, còn Duy… em nhìn kìa! anh chàng Duy đang đứng cạnh cô gái mặc áo xanh, coi đẹp đôi ghê chưa? Duy cũng đến tuổỉ có bạn gái rồi đó.
Tôi nhìn theo tay trỏ của chàng, gật gù:
- À, con nhỏ này em biết, là em một đứa bạn của con Nga, thỉnh thoảng vẫn hay đến nhà mình chơi. Hình như Duy có vẻ thích con bé lắm, cứ chở đi chơi hoài..
- Vậy hả? thế có giống như anh chở “ cô áo xanh ” ngày xưa không?
Hai vợ chồng cùng bật lên cười, và cùng giật mình vì sợ người chung quanh chú ý. Dìu tôi ngồi xuống ghế, chàng nắm lấy tay tôi, dịu dàng:
- Cầu mong cho các con cũng được hạnh phúc như chúng mình. Anh cám ơn em đã đi bên anh suốt cuộc đời, và cho anh một cuộc sống gia đình thật vui vẻ, đầm ấm.
Tôi ngước nhìn chàng với ánh mắt dịu dàng:
- Em cũng vậy, cám ơn anh đã cho em tình yêu, và hạnh phúc lứa đôi, em rất sung sướng được làm vợ anh.
Trên kia, cha xứ đang làm phép cưới và đôi tân hôn đang trao đổi nhẫn. Nhìn chú rể Tuấn rất trí thức và rất điển trai trong bộ quần áo tuxedo màu đen cổ thắt nơ đỏ, đang lồng nhẫn cưới vào ngón tay cô dâu, tự dưng tôi nhớ lại chuyện hai vợ chồng hồi mới cưới, cảm động nhìn chàng, tôi mỉm cười nhắc lại câu nói của chàng khi xưa:
- Anh nhìn xem! cô dâu chú rể trông đẹp đôi quá. Con gái chúng ta thật có phước mới được anh chàng Tuấn rước đi, phải không mình?
Chàng đỏ mặt cười ngượng nghịu, âu yếm khoác tay tôi, theo sau con gái và con rể cùng bước ra khỏi nhà thờ, bước vào cuộc sống lứa đôi đầy mật ngọt, yêu đương và hạnh phúc.
PHƯƠNG - LAN
Tôi là người con gái duyên số muộn màng, nên mặc dù có nhan sắc nhưng mãi đến năm ba mươi tuổi mới có người đi hỏi. Cha mẹ tôi mừng lắm nên gật đầu liền, sau khi đã hỏi ý tôi. Biến cố mới mẻ này đã khơi dậy trong tôi những cảm giác xao xuyến khó tả, bởi vì từ trước tới nay cuộc đời của tôi vẫn bình lặng, tình đầu, tình cuối gì cũng không có, tôi chưa yêu ai, mà cũng chẳng ai yêu tôi, hồ sơ tình ái trắng trơn như tờ giấy mới. Nói như vậy không có nghĩa là tim tôi chai đá, không biết rung động, cũng chẳng phải tôi hay kén cá chọn canh như mẹ vẫn mắng, mà chỉ tại chưa gặp đúng đối tượng mà thôi. Tôi sống hồn nhiên, vô tư, nhưng thấy bạn bè lần lượt lên xe hoa đi lấy chồng cả, lại cứ phải nghe mẹ thở vắn than dài mãi, cũng đâm sốt ruột. Đêm nằm thường hay nghĩ ngợi vẩn vơ, những tưởng xuân qua hè tới, tiếp theo sẽ là những tháng ngày buồn tẻ của mùa thu ảm đạm, và mùa đông băng giá, nào ngờ hạ đỏ có chàng tới hỏi. Lòng tôi xao xuyến, tuy hơi ngại ngần, kinh nghiệm những lần mai mối không thành, vẫn còn để lại cho tôi những cảm giác khó chịu mỗi khi nghĩ tới. Nhưng lần này thì chẳng ai mai mối cả, vì chính “đương sự ” đích thân tìm tới. Đúng là chuyện lạ, tôi nôn nao muốn biết mặt cái anh chàng to gan, dám đơn thân độc mã đi tìm nửa mảnh kia của mình.
Ngày chàng trình diện, tôi lén núp sau rèm để ngắm trộm, thấy chàng mặt mũi tuy có vẻ láu cá nhưng tướng tá cao ráo, sáng sủa thì trong bụng cha mẹ tôi cũng ưng, nên nhận lời cho tìm hiểu. Trời ơi! tưởng ai, hoá ra anh chàng trẻ tuổi mới dọn đến khu phố nhà tôi năm ngoái. Nhà chàng ở cách nhà tôi có một con hẻm nhỏ. Ngày nào đi dạy học, tôi cũng đi ngang ngõ nhà chàng, tôi thong thả đạp xe, mắt nhìn thẳng, vô tình không biết là có người vẫn rình rập, theo dõi. Chẳng biết chàng để ý tôi từ lúc nào, vì có bao giờ chàng ra mặt đâu? Nhưng chàng quả là khôn ngoan, tính nước cờ cao, chẳng thèm đón đường, đón chợ gì cả, ngay từ bước đầu đã đường hoàng đi vào nhà tôi bằng cửa chính. Sau vài tháng tiếp xúc, tôi có cảm tình ngay với lối nói chuyện thẳng thắn, cởi mở, xen lẫn với những câu pha trò duyên dáng, và nhất là ánh mắt của chàng có sức thu hút lạ kỳ làm tôi phải cúi mặt bối rối và tim thì đập loạn xạ. Từ tình cảm đến tình yêu chỉ một bước ngắn, một ngày đẹp trời, chàng cầm tay nói yêu tôi và ngỏ lời xin cưới. Thẹn thùng tôi không đáp, mặc dù tình trong như đã, nhưng mặt ngoài còn e, ai lại gật đầu liền coi kỳ quá. Đợi mẹ dục giã vài lần, tôi làm bộ “em chả, em chả” vài câu lấy lệ, rồi mới cúi mặt nhỏ nhẹ thưa:
- Tùy cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.
Mẹ tôi mỉm cười, cái cười như soi thấu tâm can, làm tôi xấu hổ bỏ chạy.
Chàng không có anh chị em gì cả, cha chàng mất sớm, mẹ chàng cũng qua đời đã bốn năm rồi, thôi cũng tiện vì tôi khỏi phải làm dâu. Chàng là nhân viên hàng không Air France, nên làm việc gì cũng nhặm lẹ như phi cơ lướt gió, được nhận lời, chàng mừng rỡ, vội xin phép được tiến hành ngay những thủ tục, lễ nghi cần thiết. Thế là bốn tháng sau, đám hỏi, và sáu tháng sau, đám cưới, nhanh tới nỗi tôi chưa hết bàng hoàng thì đã trở thành vợ chàng. Nhưng không phải vì không biết nhau từ trước mà chúng tôi không có hạnh phúc đâu nhé? chàng yêu tôi say đắm, và tôi rất sung sướng trong vai trò mới: vai trò làm vợ chàng. Cuộc sống của chúng tôi thật êm đềm, quanh năm bốn mùa hạnh phúc: mùa xuân xanh mầm hy vọng, mùa hè rực rỡ vui tươi, mưa phùn mùa thu không còn ảm đạm thê lương, mà chỉ thấy cảnh vật thêm thơ mộng, giá rét mùa đông càng làm cho hai vợ chồng xích lại nhau hơn, cho hương lửa thêm nồng nàn.
Chàng đúng là một mẫu người đàn ông tôi hằng mơ ước: thủy chung, độ lượng, thương yêu vợ con. Tuy nhiên cái tính láu cá của chàng đôi lúc làm tôi cảm thấy bị “quê một cục”, chẳng hạn như một hôm trong lúc vui vẻ, tôi ngả đầu vào ngực chàng nhõng nhẽo hỏi:
- Tại sao anh cưới em?
Trong thâm tâm tôi muốn chàng trả lời rằng vì chàng bị tiếng sét ái tình, vì tôi rất đẹp và quyến rũ, và chàng mê suối tóc dài của tôi v…v… Nếu không, ít nhất cũng được một câu khen tính nết tôi thùy mị, đoan trang… Ai ngờ chàng choang cho một câu làm tôi chưng hửng:
- Tại vì anh muốn làm phước, thấy em là… gái già…
Tôi nổi cáu ngắt lời:
- Anh già hơn em, tại sao đàn ông ba mươi lăm tuổi vẫn được coi là trẻ, còn đàn bà mới ba mươi đã bị kêu là già?
- Ai biết đâu? Chàng đáp tỉnh bơ, các cụ nói thế chứ đâu phải anh bịa ra? Trai ba mươi tuổi còn soan, gái ba mươi tuổi đã toan về già, em xém chút nữa ế chồng, được anh rước đi, không phải là có phước à?
Tôi tức cành hông, vùng ra khỏi đôi tay của chàng, hét lớn:
- Trả phước cho anh đó, tôi không nhận đâu, tối nay ra phòng khách mà nằm!
Chàng cười hề hề:
- Đùa có một tí mà giận thiệt.
Chàng kéo tôi lại gần, xoay cho tôi đối diện với chàng, rồi cười nịnh:
- Em biết không? lúc em giận trông em càng đẹp lắm!
Nước mắt tôi chảy vòng quanh:
- Còn lúc thường chắc em rất xấu?
- Ai bảo thế? lúc nào em cũng đẹp cả, anh mê nhất đôi mắt của em, nó trong suốt, đẹp như mắt rồng, còn nước da của em…
- Thôi thôi đủ rồi! Tôi vội vã ngắt lời, em không muốn nghe anh ví da của em giống da con nhím!
Nói rồi, tôi hậm hực lườm chàng:
- Chưa ai nói đẹp như mắt rồng, vì mắt rồng giống cái gì anh biết không?
- Không! Chàng lúng túng, ờ mà có, thì… giống như mắt em?
- Không đúng! mắt rồng vừa to vừa lồi giống như con ốc bươu!
Chàng sặc lên cười:
- Em khó tính thế? cái gì cũng bắt bẻ, anh chỉ muốn nói mắt em rất đặc biệt, vừa dịu dàng vừa tình tứ, nhìn vào lúc nào anh cũng mê mẩn cả tâm hồn, chỉ trừ những lúc nó đang long lên sòng sọc như thế kia!
Tôi quơ mấy cái gối ném chàng lia lịa, chàng vừa cười hăng hắc vừa chạy trốn, tôi rượt theo sát nút như mèo bắt chuột. Bất thình lình chàng không chạy nữa và quay lại, tôi lỡ trớn ngã nhào vào đôi tay đang dang rộng của chàng. Chàng ôm tôi chặt cứng, phủ kín mặt tôi bằng những cái hôn nóng bỏng, người tôi mềm đi trong đôi tay của chàng.
Cuối năm đó, chúng tôi cho ra đời một bé gái đặt tên là Nga và hai năm sau một bé trai đặt tên là Duy. Có con rồi, chàng vẫn không đứng đắn thêm chút nào, cái tính nói ngang của chàng mấy phen làm tôi mất mặt. Ai đời đi đám ma mẹ vợ một người bạn, mà chàng nồng nhiệt tay bắt mặt mừng nói với chủ nhà:
- Chúng tôi xin chia vui với anh chị vì bác đã được về với Chúa!
Tôi hết hồn, mặt tái đi vì ngượng. Trước những cặp mắt tròn xoe vì kinh ngạc của hai vợ chồng người bạn, tôi ấp úng khẽ nói:
- Xin lỗi anh chị, nhà tôi say rồi.
Rồi tôi vội vàng kéo chàng đi chỗ khác, chàng cùng vằng cưỡng lại:
- Anh uống rượu hồi nào mà em bảo là say? và tại sao em lại phải xin lỗi, khi anh không làm điều gì sai trái cả?
- Còn không à? Tôi rít lên, anh nói như thế có khác gì chửi người ta là đồ bất hiếu, bà cụ chết đi, con cái thoát nợ nên vui mừng…
- Anh nói thế hồi nào? anh chỉ chia vui với bạn vì bà cụ được về với Chúa.
- Chia buồn chứ sao lại chia vui? Tôi nhìn chàng như nhìn một con quái vật, chẳng lẽ anh ngu tới nỗi không biết dùng danh từ?
- Em ngu thì có! Chàng cau mày nói một cách nghiêm trang, được về với Chúa mà là một tin buồn thì ai còn đi nhà thờ làm gì nữa? Người ta đến nhà thờ không phải để cầu nguyện sẽ được về với Chúa hay sao?
Tôi cứng họng không trả lời được, chỉ nhìn chàng bằng cặp mắt tức tối. Sau này nghĩ lại thấy chàng cũng hơi… có lý. Hàng ngày đọc báo, thỉnh thoảng thấy mục cáo phó có những câu như “ Chúng tôi lấy làm đau đớn báo tin buồn ông A đã được về với Chúa ” hoặc mục phân ưu có những câu như: “Chúng tôi vô cùng thương tiếc, và xúc động trước hung tin bà B đã được Chúa gọi về” v...v… nghe cũng thấy kỳ kỳ thế nào ấy. Tuy công nhận chàng không phải hoàn toàn vô lý, nhưng cái lối phát biểu của chàng nghe rất chướng tai, và không thời hợp cảnh, không phải lúc tí nào.
Ngoài cái tính nói ngang, chàng còn có một cá tính mà tôi không biết nên liệt kê vào loại nào: tốt hay xấu? đó là cái tính “quá thực tế”. Ngày Valentine, tôi nghĩ chàng sẽ tặng tôi một bó hoa thật đẹp. Nhưng chờ mãi gần hết ngày cũng không thấy chàng đả động gì tới, tôi nhắc thì chàng đáp:
- Hoa thiếu gì ngoài vườn sao em không hái? mà lại bắt anh phải mua tặng chi cho rắc rối tốn thì giờ?
Tôi xụ mặt thì chàng dỗ:
- Anh có quên đâu? Valentine là ngày của tình yêu, anh định đêm nay sẽ yêu em thật sâu, yêu em dài lâu…
Và chàng làm những cử chỉ mơn trớn khiến tôi đỏ mặt, chỉ sợ các con trông thấy. Sắp đến sinh nhật của tôi, chàng hớn hở khoe:
- Anh sẽ tặng em một món quà anh cam đoan em sẽ rất thích.
Tôi sung sưóng, nôn nao chờ đợi, háo hức đoán mò đủ thứ: có lẽ là một cái áo dạ hội thật đẹp? một lọ nước hoa đắt tiền, một cái sắc tay, một sợi dây đeo cổ? hay là một bộ đồ trang điểm? Sau cùng thì giây phút quan trọng cũng đã tới, sau mục cắt bánh, chàng âu yếm hôn tôi, rồi long trọng tuyên bố:
- Quà sinh nhật em anh đã mua rồi, để trong garage đó!
- Sao không mang vô nhà?
- Nặng lắm!
- Cái gì thế? Tôi hồi hộp hỏi.
- Thì em cứ ra xem khắc biết.
Chàng nắm tay tôi kéo ra garage, chỉ vào bốn cái lốp xe hơi to tướng chằng giây đỏ hẳn hòi, trên cột một quả bóng bay có đề chữ “Happy birthday” cũng to tướng. Chàng nhìn tôi mỉm cười đắc ý:
- Thích nhé? Có phải em nói với anh rằng bánh xe của em mòn rồi, và em muốn thay bánh mới?
Tôi không biết phải nói gì, nên vui hay nên hờn? Thấy tôi tiu nghỉu nhận quà, các con tôi phá lên cười, còn chàng thì hồn nhiên, vui vẻ, lăng xăng lấy kềm, vít thay luôn bốn bánh xe mới, rồi chở cả nhà đi ăn cơm tiệm.
Hai đứa con của chúng tôi đều học nhạc, Nga học piano còn Duy học violin.. Có lần nhà trường tổ chức một buổi recital cho học trò trình diễn, chàng và tôi cùng đưa các con đi. Mặc dù không biết gì về nhạc cả, chàng vẫn hoa chân múa tay phê bình ỏm tỏi, Nga ngượng quá phải suỵt bố:
- Ba im lặng một chút được không? để mọi người thưởng thức.
- Không được! Chàng quát, mời tao đến đây để nghe, đã nghe thì phải cho tao nói chứ?
- Ba biết gì về nhạc mà dám phê bình? Duy bực mình cũng xen vào.
- Sao không? tao chơi đàn còn giỏi hơn mấy ông nhạc sĩ, giỏi hơn cả thày giáo của mày nữa.
- Ba chơi hồi nào sao tụi con không thấy?
- Tụi bay thấy sao được? Tao chơi hay lắm, hỏi má mày coi!
- Ba chơi đàn gì?
- Tao chơi đàn… bà!
Thấy tôi trừng mắt, chàng chữa lại:
- Tao chơi đàn tỳ bà.
- Là đàn gì vậy ba?
- Tỳ bà là một loại đàn cổ, xưa lắm rồi, các con không biết đâu.
Tôi vội vã đáp thay cho chàng, và lừ mắt cấm chàng nói bậy, chàng cười cười rồi lảng ra ngoài. Tính hay khôi hài, nhưng chàng là một người chồng, người cha rất đầy đủ bổn phận. Mọi người hoà thuận, thương yêu nhau, cái gia đình nhỏ bé của chúng tôi lúc nào cũng tràn đầy những tiếng nói cười vui vẻ. Nga càng lớn lên càng giống tính cha nghĩa là ngang bướng không thể tả. Một cái ngang đã khổ rồi, đàng này hai cái ngang mà đụng nhau thì thế nào cũng toé lửa, hai cha con mà tranh luận thì thể nào cũng có chuyện, ý kiến của người già và người trẻ không bao giờ hạp nhau, ai cũng bảo thủ cho mình là đúng, không ai chịu nhường ai, chàng phùng mang trợn mắt, con nhỏ thì gân cổ lên cãi, ồn ào như họp chợ. Dạo đó là năm 1963, dưới thời Ngô Đình Diệm, có xảy ra nhiều vụ biểu tình chống đàn áp Phật giáo, vì muốn ngăn cản con nhỏ không cho tham gia xuống đường, chàng quát:
- Mày đừng có ngu! xuống đường với xuống phố, mật vụ nó bắt đi tù cả đám đó.
- Ai cũng sợ ở tù như ba thì Phật tử tha hồ bị đàn áp.
- Mấy đứa con nít tụi bây làm sao hiểu được chuyện chính trị? Đừng có ngu, làm công cụ cho người ta giật dây, nguy hiểm lắm.
- Con đâu có nhát gan như ba?
- Vậy chứ mày ở phe nào? nhà mình đâu có theo đạo Phật?
- Đâu phải cứ là Phật tử thì mới xuống đường? Con thấy người ta rủ nhau đi biểu tình đông quá, thì cũng đi theo chơi, cho vui vậy thôi.
- Biểu tình chơi? cho vui? Chàng trợn mắt quát, mất mạng đó nghe con, không thấy người ta nổ súng vào đám biểu tình à?
- Con không sợ!
- Mày không sợ nhưng tao sợ, tao cấm nghe chưa?
- Ba cấm con sao được? Con lớn rồi, đừng coi con như con nít!
Con nhỏ chưa dứt lời thì bốp một cái, một cái tát bay tới làm nó siểng niểng, nó ôm mặt khóc ré lên. Chàng thì la, con nhỏ thì khóc lóc ầm ỹ nhà cửa, tôi bực quá phải can thiệp, tôi xông vào chiến trường, quơ đôi đũa bếp, hét lớn bắt hai đấu thủ phải ngưng chiến. Con nhỏ xưng xỉa bỏ vào phòng riêng khoá cửa lại, chàng hối hận vì đã quá tay, nên nhìn theo nó với một vẻ ái ngại rồi cũng lỉnh mất. Hai cha con giận nhau mấy ngày rồi mới làm lành, chàng nhìn nó, nhỏ nhẹ khuyên:
- Con còn nhỏ nên chưa biết nghĩ, bao giờ lớn lên mới thấy là ba nói đúng. Bây giờ con mới mười lăm tuổi, còn khờ dại lắm…
- Con thấy con khôn hơn ba!
Con nhỏ thản nhiên nói xong nhe răng ra cười, nó hấp háy cặp mắt tinh quái nhìn cha như chế diễu, chàng thừ người ngồi im.
Duy thì trầm tĩnh hơn và rất thương mẹ, một hôm đi học về, nó ghé tai tôi nói nhỏ:
- Con thấy ba chở một cô áo xanh…
Tôi tá hoả tam tinh, thấy đất trời bỗng dưng tối xầm lại, tôi lảo đảo đứng không muốn vững. Trống ngực đánh thình thình, tôi nắm vai nó hỏi tới để biết thêm chi tiết, nhưng thằng nhỏ lắc đầu:
- Con thấy cô đó ôm eo ếch của ba, thế rồi xe vụt qua, chạy đâu mất tiêu. Con chỉ biết có thế.
Suốt ngày hôm đó, tôi đi ra đi vào, ruột nóng như lửa đốt. Buổi chiều chàng đi làm về, vừa ló đầu vào nhà đã bị tôi chụp ngay tại cửa, không nói không rằng, tôi ghé mũi vào áo chàng, hít lấy hít để khắp nơi từ trước ra sau, không chừa chỗ nào. Chàng để yên cho tôi hít ngửi xong, rồi mới từ từ gỡ tay tôi ra, nhỏ nhẹ hỏi:
- Em làm gì vậy? ngửi hơi tìm chứng cớ à?
- Phải! Tôi òa lên khóc, áo anh có mùi nước hoa đàn bà… Thôi đúng rồi, anh có nhân tình, anh vừa đi với con ngựa nào?
- Em nói cái gì? anh có con ngựa nào đâu?
- Lại còn chối? Thằng Duy trông thấy rõ ràng anh chở con ngựa bà mặc áo màu xanh, nó ôm eo anh chặt cứng.. .
Chàng bật lên cười sặc sụa, cười chảy cả nước mắt, sau cùng chàng mới nói:
- Em đừng ghen ẩu, đó là bà giám đốc của anh, bả đáng tuổi mẹ anh. Xe của bà bị hỏng phải để ở tiệm sửa xe, bà nhờ anh chở đi lấy.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn nhìn chàng bán tín bán nghi:
- Anh có nói dối em không đấy?
- Anh nói thiệt, không tin, mai em đến sở hỏi xem có đúng không? Anh mà nói dối cho xe mười bánh cán anh đi!
Tôi sợ hãi vội vã bịt miệng chàng:
- Đừng nói bậy xui xẻo!
Nhẹ nhàng gỡ tay tôi ra, chàng nhìn thẳng vào mắt tôi, nói một cách nghiêm chỉnh:
- Anh thề độc vì anh không có tội. Chàng kéo tôi lại gần, ghé tai thì thầm, có người vợ xinh đẹp dễ thương như em, ngu gì lại đi mèo mỡ?
Nói xong, chàng nheo mắt nhìn tôi cười tủm tỉm:
- Còn em, có phải em yêu anh lắm nên em mới ghen?
Tôi mắc cở gật đầu:
- Còn phải hỏi? Em tưởng trời sắp xập, sắp tận thế rồi, em rụng rời cả chân tay, và tim em đau nhói...
- Tội nghiệp chưa! Mắt chàng ngời lên những tia lửa nồng ấm, chàng ôm tôi thật chặt, anh sẽ đền bù cho em gấp đôi, chịu chứ?
- Anh khôn thấy mồ! cứ vờ giả nhân, giả nghĩa. Tôi ngúng nguẩy nói, có đúng là chỉ vì em thôi sao?
Chàng cười ngỏn ngoẻn không đáp. Hai đứa nhỏ thấy tình hình chiến sự coi mòi êm dịu, bèn lẳng lặng chuồn đi chỗ khác, để cha mẹ chúng tha hồ tâm sự. Chàng lườm theo tên chỉ điểm một phát, rồi mới quay sang cười với tôi.
Thời gian thấm thoát trôi, biết bao nhiêu thăng trầm biến đổi. Năm 1975, gia đình tôi sang định cư ở Mỹ, chúng tôi chọn miền nam California nắng ấm làm nơi cư ngụ mới. Chàng xin được việc làm ở sở bưu điện, tôi theo nghề cũ là nghề dạy học, nhưng vì không có bằng cấp của Mỹ nên chỉ được làm teacher - aid, hy vọng sau này có thì giờ đi học lại, tôi sẽ trở thành teacher thực thụ, bây giờ còn phải đi làm để nuôi hai đứa con học đại học. Nga học dược còn Duy thì học kỹ sư điện toán, cả hai đều chăm học và học rất giỏi. Nga bây giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh dẹp dịu dàng, không còn ngang bướng như hồi mới lớn. Hai mươi sáu tuổi, Nga có bạn trai, hôm nó hẹn sẽ đưa Tuấn, bạn trai của nó về ra mắt cha mẹ, tôi sửa soạn trang hoàng nhà cửa thật đẹp, mua cả hoa tươi về chưng nơi phòng khách. Chưa hết, tôi còn làm một bữa cơm thịnh soạn để đãi cậu con rể tương lai. Chàng thấy tôi lăng xăng, bận rộn thì chỉ cười:
- Em khéo vẽ chuyện, sao không để tự nhiên?
Nói xong chàng đi thay quần áo thể thao, bỏ đi chơi đá banh. Quá giờ hẹn, chàng mới lò dò trở về, đầu tóc bù xù tơi tả, quần áo nhàu nhè, người thì bụi bặm và nhễ nhại mồ hôi, chàng thản nhiên vắt chân chữ ngũ ngồi trên xa lông tiếp khách. Khi bạn trai của Nga về, tôi trách:
- Sao anh ăn mặc cẩu thả thế? Đã biết trước rồi mà, sao không về sớm để sửa soạn?
- Sửa soạn cái gì? Chàng nhướng mày hỏi, mắt vẫn không rời tờ báo đang đọc dở, tại sao anh lại phải sửa soạn?
Tôi bực mình:
- Sửa soạn cho tề chỉnh, không thấy cậu ta mặc complet ca vát hẳn hòi, lại đem theo môt bó hoa rất đẹp, như thế mới trịnh trọng.
- Nó ra mắt cha mẹ vợ thì nó phải trịnh trọng là đúng rồi, còn anh đâu có ra mắt ai?
- Anh ẩu tả quá! Tôi cằn nhằn, ai đời ông bố vợ tương lai mà quần áo bèo nhèo như một đống giẻ rách?
Chàng không giận, chỉ cười hề hề:
- Bộ quần áo đâu có làm nên thầy tu? Nó muốn lấy con gái anh thì nó phải kính trọng anh dù anh có hay không mặc quần áo…
Thấy tôi cau mặt, chàng biết không phải là lúc nói nhảm, bèn sửa lại:
- Dù anh có mặc thế nào đi nữa.
Nói vậy nhưng chàng vẫn chiều tôi, khi cha mẹ Tuấn đến chơi, chàng ăn mặc thật tề chỉnh ra tiếp đón.
Năm sau, Nga lấy chồng, đám cưới tuy nhỏ thôi, nhưng thật trang trọng với đầy đủ lễ nghi. Nhìn con gái xinh đẹp trong áo dài cô dâu, đầu cài vương miện và khăn voan trắng, e lệ khoác tay cha bước vào nhà thờ, lòng tôi rộn lên một niềm cảm xúc khó tả.
Chú rể Tuấn đứng chờ ngay dưới bục thờ. Đưa con gái trao vào tay cho chú rể và nói vài câu nhắn nhủ xong, chàng trở lại chỗ tôi đứng, nắm lấy tay tôi, chàng thì thầm giọng cảm động:
- Có con đi lấy chồng, chúng mình già rồi, em nhỉ? Thời gian qua nhanh thật, mới ngày nào các con còn nhỏ xíu, thế mà bây giờ Nga đã có chồng, còn Duy… em nhìn kìa! anh chàng Duy đang đứng cạnh cô gái mặc áo xanh, coi đẹp đôi ghê chưa? Duy cũng đến tuổỉ có bạn gái rồi đó.
Tôi nhìn theo tay trỏ của chàng, gật gù:
- À, con nhỏ này em biết, là em một đứa bạn của con Nga, thỉnh thoảng vẫn hay đến nhà mình chơi. Hình như Duy có vẻ thích con bé lắm, cứ chở đi chơi hoài..
- Vậy hả? thế có giống như anh chở “ cô áo xanh ” ngày xưa không?
Hai vợ chồng cùng bật lên cười, và cùng giật mình vì sợ người chung quanh chú ý. Dìu tôi ngồi xuống ghế, chàng nắm lấy tay tôi, dịu dàng:
- Cầu mong cho các con cũng được hạnh phúc như chúng mình. Anh cám ơn em đã đi bên anh suốt cuộc đời, và cho anh một cuộc sống gia đình thật vui vẻ, đầm ấm.
Tôi ngước nhìn chàng với ánh mắt dịu dàng:
- Em cũng vậy, cám ơn anh đã cho em tình yêu, và hạnh phúc lứa đôi, em rất sung sướng được làm vợ anh.
Trên kia, cha xứ đang làm phép cưới và đôi tân hôn đang trao đổi nhẫn. Nhìn chú rể Tuấn rất trí thức và rất điển trai trong bộ quần áo tuxedo màu đen cổ thắt nơ đỏ, đang lồng nhẫn cưới vào ngón tay cô dâu, tự dưng tôi nhớ lại chuyện hai vợ chồng hồi mới cưới, cảm động nhìn chàng, tôi mỉm cười nhắc lại câu nói của chàng khi xưa:
- Anh nhìn xem! cô dâu chú rể trông đẹp đôi quá. Con gái chúng ta thật có phước mới được anh chàng Tuấn rước đi, phải không mình?
Chàng đỏ mặt cười ngượng nghịu, âu yếm khoác tay tôi, theo sau con gái và con rể cùng bước ra khỏi nhà thờ, bước vào cuộc sống lứa đôi đầy mật ngọt, yêu đương và hạnh phúc.
PHƯƠNG - LAN
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)