Thích nghi (Adaptogen) là một thuật ngữ y học dùng để mô tả các loại thảo dược có khả năng tự giúp cơ thể thích ứng với stress. Ngày nay, người ta xếp một số loại thảo mộc vào nhóm này, và sâm Siberi là cái tên đầu tiên được nhắc đến.
Một nhà khoa học Liên Xô đã phát minh ra thuật ngữ này vào năm 1947 khi ông nghiên cứu những ảnh hưởng của sâm Siberi trong một cuộc điều tra vào thời Chiến tranh Lạnh để tìm ra loại thảo dược có tác dụng tăng lực cho binh lính Liên Xô. Các nhà khoa học đã thấy được hiệu quả của nó trong quân đội, vì vậy sâm Siberi đã được sử dụng cho các phi hành gia Nga và các vận động viên Olympic của Liên Xô để giúp họ có thể lực ổn định và tăng cường sức chịu đựng.
Sâm Siberi là tên gọi mà nhiều người biết đến, nhưng ngày nay bạn chỉ có thể tìm thấy loại thảo dược này dưới tên khoa học của nó là Eleutherococcus hoặc Eleuthero. Một điều khoản trong Dự luật nuôi trồng (Farm Bill) năm 2002 đã nghiêm cấm các hãng dược phẩm sử dụng thuật ngữ “nhân sâm” trên các nhãn sản phẩm của họ, trừ trường hợp Nhân sâm họ Panax. Sâm Siberi và Nhân sâm mặc dù cùng được gọi là sâm nhưng lại không thuộc cùng một họ.
Sâm Siberi là cái tên được đưa ra khi loại thảo mộc này lần đầu tiên có mặt trên thị trường phương Tây vài thập kỷ trước đây. Nó được tìm thấy trên khắp khu vực Đông Á và đã được sử dụng ở Trung Quốc ít nhất 2.000 năm. Kể từ khi các nghiên cứu hiện đại được tiến hành ở Nga, nó được đặt cho biệt danh là sâm Siberi.
Cái mác “sâm” có tác dụng thu hút người tiêu dùng như một thương hiệu đáng tin cậy. Sâm Siberi cũng có đặc điểm tương tự như Nhân sâm (Panax), với phần củ sâm có hình dáng giống như thân người và đều mang lại sức mạnh và sức sống cho người già hay người suy nhược. Tuy nhiên, Nhân sâm họ Panax là một trong những loại thảo mộc được tôn sùng và đắt tiền nhất trong y học cổ truyền, còn sâm Siberi lại tương đối rẻ và dễ kiếm hơn.
Trong y học cổ truyền, sâm Siberi còn được gọi là “ngũ gia bì”, cái tên này gợi liên tưởng đến chùm năm chiếc lá và phần thân có gai của loại cây này. Tuy ngũ gia bì không có những đặc tính giống hệt như Nhân sâm, nhưng nó vẫn được coi là một loại thuốc có giá trị. Y học cổ truyền sử dụng vị thuốc này để điều trị các triệu chứng liên quan đến lá lách (tỳ) và tình trạng thận dương hư như chán ăn, mệt mỏi, đau lưng, và suy nhược nói chung.
Danh y nổi tiếng thời nhà Minh, Lý Thời Trân, đã sử dụng ngũ gia bì để chữa bệnh thoát vị, gân yếu, và làm chậm quá trình lão hóa.
Các nghiên cứu hiện đại đã tìm ra nhiều công dụng khác của loại cây này. Tại Đức, nó thường được sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân ung thư trong quá trình tiến hành xạ trị và hóa trị. Ở Nga, sâm Siberi đã được cấp cho những người sống gần khu vực xảy ra thảm họa Chernobyl để kháng cự với các tác động của nhiễm độc phóng xạ. Các nghiên cứu khác cho thấy rằng, sâm Siberia rất tốt cho việc ngăn chặn sự bùng phát của bệnh mụn rộp và nhiễm trùng do nấm.
Ủy ban E, một cơ quan điều tiết của Đức có nhiệm vụ đánh giá các loại thảo dược, đã công nhận tác dụng của sâm Siberi đối với tình trạng suy nhược sức khỏe. Thảo dược này thường được sử dụng để giảm thiểu những ảnh hưởng của các bệnh mãn tính như hội chứng suy nhược mãn tính hoặc các căn bệnh với triệu chứng mệt mỏi và kiệt sức. Những người không có bệnh mãn tính có thể sử dụng sâm Siberi để nâng cao chất lượng thể chất và tinh thần, cũng như khả năng miễn dịch.
Mặc dù đôi khi được thêm vào các công thức thảo dược giúp ngủ ngon, sâm Siberi là một chất kích thích có tác dụng từ từ. Không giống như tác động tăng giảm năng lượng nhanh chóng của caffein, để có được năng lượng từ sâm Siberi có thể mất đến vài tuần hoặc vài tháng, nhưng hiệu quả của nó lại có tác dụng kéo dài. Tác dụng từ từ này của sâm Siberi rất hữu ích trong việc điều trị các triệu chứng liên quan đến suy yếu tuyến thượng thận và tuyến giáp.
Sau khi sử dụng sâm Siberi một thời gian, hãy tạm nghỉ trước khi dùng lại. Do tính chất kích thích của nó, các nhà nghiên cứu thảo dược khuyến cáo rằng bạn nên nghỉ vài tuần sau khi sử dụng nó trong vòng một hoặc hai tháng. Ủy ban E khuyên không nên sử dụng loại thảo mộc này liên tục quá ba tháng. Dùng quá nhiều có thể gây bồn chồn, mất ngủ và tăng huyết áp.
Hãy tìm kiếm các sản phẩm tiêu chuẩn có hàm lượng eleutherosides (sâm Siberi) ít nhất 0,8%. Liều khuyến cáo chung là từ 100 mg và 300 mg một ngày, một số trường hợp có thể dùng nhiều hơn trong khuôn khổ an toàn. Giảm bớt liều lượng nếu bạn cảm thấy quá phấn khích.
Tác giả: Conan Milner | Dịch giả: Ngọc Yến
Hình xăm dấu chấm phẩy và ý nghĩa sâu xa của nó
Trên các trang mạng xã hội, bạn có thể bắt gặp nhiều người có những bức vẽ hoặc hình xăm mang ký hiệu dấu chấm phẩy trên cơ thể họ – thường là trên cổ tay hoặc cánh tay.
Có lý do cho điều đó (tuy nhiên không phải là để khuyến khích mọi người dùng dấu này theo đúng quy tắc chính tả).
Ý tưởng sâu xa của trào lưu này, một trào lưu mà mọi người vẫn biết đến với cái tên “Dự án dấu chấm phẩy”, là để thúc đẩy, khuyến khích mọi người về sự lành mạnh về tinh thần. Theo trang The Independent thì ý nghĩa của biểu tượng này là “Dấu chấm phẩy được dùng khi một câu nói/lời văn đáng lẽ đã có thể kết thúc, nhưng trên thực tế là nó chưa kết thúc”.
Người phát kiến ra nó là Amy Bleuel vào năm 2013 sau khi bố cô tự tử. Dấu chấm phẩy được làm để tưởng niệm ông. Phong trào này là “một phong trào phi lợi nhuận để truyền đạt niềm tin, thể hiện hi vọng và tình yêu với những ai đang phải đấu tranh với bệnh trầm cảm, ý muốn tự tử, nghiện ngập hoặc luôn muốn tự hại bản thân”.
Trang này còn cho biết: “Dự Án Dấu Chấm Phẩy tồn tại để khuyến khích, để yêu và để truyền cảm hứng”.
Bleuel nói rằng bạn không cần phải có tôn giáo hay là người tin vào tâm linh thì mới có thể ủng hộ phong trào này.
Alex Bieger, từng là một người nghiện ngập và đang trong quá trình hồi phục, cũng đã có một hình xăm dấu chấm phẩy, anh giải thích lý do tại sao lại xăm ký hiệu này cho trang BuzzFeed: “Nó nhắc nhở tôi rằng tôi đã lựa chọn để chiến đấu cho cuộc sống của tôi thay vì buông tay từ bỏ”.
Tattoo number 6 today. A semicolon as a promise to never end my own sentence. Missing you everyday Mo! pic.twitter.com/C8O0T5gO6a— mck (@mckailie) July 1, 2015
(Nội dung dòng tweet: Hôm nay mình có hình xăm thứ 6. Một dấu chấm phẩy như lời hứa với bản thân không bao giờ kết thúc và từ bỏ cuộc sống. Mỗi ngày đều nghĩ đến Mo!)
Trên trang web Dự Án Dấu Chấm Phẩy (Semicolon Project):
Dự án này bắt đầu từ mùa xuân năm 2013 khi người sáng lập ra Simicolon Project muốn dùng nó để tưởng nhớ đến người cha đã ra đi của cô. Thông qua ký hiệu dấu chấm phẩy rất nhiều người đã liên tưởng nó đến cuộc chiến đấu chống lại bệnh trầm cảm, nghiện ngập, tự làm hại bản thân và tự tử và họ sẽ vẫn tiếp tục cuộc sống. Tiêu đề “Project Semicolon” cũng thể hiện một mục tiêu – đó là, đây không phải là dấu chấm hết mà là một khởi đầu mới.
Thời gian trôi qua và dự án này phát triển xa hơn thì người ta càng thấy rằng ký hiệu này không chỉ nói về một người. Chúng ta biết được nhiều người hơn mong muốn được tiếp tục câu chuyện của chính họ và sống một cuộc sống sao cho có thể thôi thúc những người khác nữa cũng muốn tiếp tục cuộc sống.
Theo thời gian Project Semicolon đã làm được nhiều điều hơn không chỉ là việc tưởng nhờ một người cha. Thông qua sự hỗ trợ của các nhà soạn nhạc và phương tiện truyền thông xã hội, thông điệp của hi vọng và tình yêu này đã đến được với lượng khán giả lớn ở nhiều quốc gia khác nhau, hơn cả những điều mà chúng ta có thể mong đợi.
Project Semicolo vinh dự là một phần của những câu chuyện đang còn tiếp tục và là nguồn động lực cho những ai đang đấu tranh cho cuộc sống.
Chúng tôi không phải là dịch vụ hỗ trợ 24/24, cũng không phải là những chuyên gia được huấn luyện bài bản về sức khỏe tinh thần. Project Semicolon hi vọng đem đến một nguồn cảm hứng tinh thần.
Ở Hoa Kỳ, nếu đây là một trường hợp khẩn cấp hay bạn đang lo lắng hoặc ai đó mà bạn biết đang có nguy cơ muốn tự tử bạn hãy gọi cho cơ quan chức trách (ở Hoa Kỳ là 911), liên hệ với một chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc gọi và nói chuyện với ai đó ở đường dây nóng ngăn chặn tự tử 1-800-SUICIDE (784-2433).
Tác giả: Jack Phillips, Epoch Times | Dịch giả: Jessica
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét