Người có trí huệ xưa nay không sống trong miệng của người khác, cũng không sống trong mắt của người khác. Gặp nhau là duyên mà không gặp cũng là duyên. Tương phùng là duyên, biệt ly cũng bởi duyên. Trần thế mênh mông đều là giữa đến và đi. Gặp hay không gặp cần gì phải khổ não luyến thương. Vẫn nở nụ cười dù có gặp hay không.
Cho dù bạn thương hại ai, thì nhìn từ góc độ lâu dài mà xét cũng lại là đang thương hại chính mình. Hoặc có lẽ hiện tại bạn không cảm nhận thấy được nhưng nó nhất định sẽ xoay vần trở lại. Phàm là bạn đối đãi với người khác như thế nào, thì đó chính là bạn đang đối với chính mình vậy. Để cho người phải trải qua điều gì thì có một ngày bạn sẽ tự mình trải qua nó. Trong Phật giáo giảng nhân quả ấy chính là thức tỉnh con người chứ đâu hề có ý hù dọa ai. Chân lý này cho dù bạn tin hay không tin thì nó vẫn là chân lý, thực chất nó vẫn luôn tồn tại ở đó không thêm không bớt, không sai không trật.
Một vị trưởng bối người Ấn độ đã dạy một đứa trẻ: Bên trong mỗi con người đều có 2 con sói, chúng ở đó cùng tương hỗ giao tranh tàn khốc và loại trừ sát hại lẫn nhau. Một con đại biểu cho sự phẫn nộ, tật đố, kiêu căng, sợ hãi và nỗi sỉ nhục; còn con kia đại biểu của ôn hòa, thiện lương, lòng tạ ơn, niềm hy vọng, nụ cười và tình yêu thương.
Cháu bé trai đã vội hỏi: “Ông ơi, vậy con nào mạnh hơn?”
Mục đích học Phật không phải chỉ để đối với khi chết đi có chỗ phó thác, mà để biết cách đối đãi đúng đắn giữa cuộc đời. Nhìn thấu qua “vô thường” của nhà Phật chúng ta hiểu được rằng rất nhiều sự tình tuy rằng đẹp mỹ hảo nhưng không mãi trường tồn. Rất nhiều khi tuy rằng thống khổ nhưng rốt cuộc rồi cũng sẽ đi qua. Cho nên vô thường của nhà Phật là gợi ý tốt nhất của cuộc đời, nó khiến chúng ta trong hoàn cảnh biến hóa đa đoan ấy có thể quan sát, soi xét cùng nhận biết và nâng cao trí huệ.
Tác dụng của Phật Pháp là những gì? Chính là “điều phục tâm mình”. Rất nhiều người đến không phải để tu Phật mà là đến để cầu Phật, chỉ một tâm mong cầu được sống lâu khỏe mạnh, không bệnh tật, đến tu trì cầu mong nắm giữ tài phúc, thần tài phú quý mãi theo bên, hoặc giả tu trì cầu độ sinh quý tử, hầu hết đều là mang tâm thái thế tục (phàm tục) của lợi lộc trước mắt mà đến tu trì, kỳ thực như thế đã hoàn toàn đi trái ngược với Phật Pháp.
Khấu bái không phải chỉ là cong hạ thân thể xuống mà là đặt xuống ngạo mạn; Niệm Phật không phải số mục thanh âm mà là thanh tịnh từ trong tâm địa; Chắp tay không phải chỉ là hai tay khép lại mà còn là cung kính vạn hữu; Thiền định không phải chỉ ngồi lâu không dậy mà còn là tâm ngoại vô vật (ngoài tâm ra không có gì, không bị dao động bởi bên ngoài); Hoan hỷ không chỉ là nhan diện hòa lạc mà còn là tâm cảnh khoan thư; thanh tĩnh không chỉ là vứt bỏ dục vọng mà còn là tâm địa vô tư; Bố thí không phải là gì cũng không giữ mà là chia sẻ tâm yêu thương; Tín Phật không phải chỉ là tìm học tri thức mà còn là thực hành vô ngã.
Nếu một người khi ăn chuyên kén chọn những gì mình yêu thích, ở cũng kén chọn những gì mình yêu thích, kết giao đi lại với người chỉ kén chọn những người mình yêu thích ….., vậy một khi đụng phải những điều mà không yêu thích liền sẽ cảm thấy không cách nào tiếp nhận. Kỳ thực ngoại cảnh không thể vĩnh viễn cho bạn sự thoải mái và dễ chịu, chỉ có học cách thích ứng được với những gì mình không yêu thích mới có thể mãi mãi khiến vui vẻ luôn theo bên.
Sống trên đời không tranh giành chính là từ bi, không tranh biện chính là trí tuệ, không nghe thấy chính là thanh tĩnh, không nhìn thấy chính là tự tại, không tham lam chính là bố thí, đoạn ác chính là hành thiện, sửa đổi khuyết điểm chính là sám hối, khiêm cung (khiêm nhường cung kính) chính là lễ Phật, thủ lễ chính là trì giới, tha thứ chính là giải thoát, thấy đủ – biết thỏa mãn với những gì đã có chính là buông bỏ, lợi người chính là lợi mình.
Rất nhiều khi chúng ta đã nhìn thấy vẻ phù hoa, hào nhoáng nổi bên ngoài nhưng lại không nhìn thấu những dòng chẩy ngầm khác đang xáo động bên trong; Có một vài người biểu hiện bề ngoài nhìn rất hạnh phúc là vì họ đã che giấu đi những lời thống khổ khó nói; có một số người treo đầy những nụ cười hạnh phúc trên gương mặt nhưng trong lòng lại chan chứa những lệ khóc thầm. Người ưa thích khoe khoang kỳ thực tâm linh nhiều hư không.
“Cao xứ bất thắng hàn” thường người trú ở trên cao biết nơi cao lạnh không chịu nổi. Cuộc sống như thế nào thì được thoải mái như thế ấy, người khác bình luận, đánh giá thực sự không có gì là quan trọng, hạnh phúc và vui vẻ không nằm trong mắt nhìn của người khác mà ở tại trong tâm của chính mình.
“Thế thái viêm lương” thói đời ấm lạnh không cần đón trước, nhân tình ấm nhạt, chớ đổ cho tại ý. Thân ở trong vạn vật, tâm ở trên vạn vật. Tĩnh nghe thủy triều lên thủy triều xuống nơi biển lớn, cười ngắm nhạn bay đi nhạn bay về nơi phía trời xa.
Vinh nhục được mất chẳng bận lòng, tùy ý ra đi hay ở lại, để tâm thái bình thường đối đãi với sự vô thường, thản nhiên đối đãi với được mất của cuộc đời cũng như với thành bại cùng vinh nhục. Trong cái rối nhiễu huyên náo của hồng trần, vẫn có thể giản tiện và an nhiên thanh tĩnh hưởng thụ cuộc sống của sinh mệnh.
Xem nhẹ sự vật sự việc sự tình trong nhân gian, tự nhiên khoáng đạt giữa đất trời. Cho dù một cuộc sống hạnh phúc cũng có những chỗ chưa chu toàn, cho dù một cuộc đời thê lương lạnh lẽo cũng có những điều hạnh phúc. Để cuộc đời được tự nhiên khoáng đạt, cần học được xem nhẹ những chỗ chưa chu toàn, tùy cơ nhi hành, tất cả cái ấy gọi là tùy duyên, chính là nghe thiên mệnh mà làm hết mọi việc người có thể làm được. Có tâm thái tùy duyên, mới có thể xem nhẹ được mất, và đưa tinh lực đến nơi bạn có thể nắm bắt được mà đặt. Được mất biến thành nhẹ rồi, thống khổ cũng nhẹ bay; Nắm giữ được nhiều rồi, hạnh phúc tăng thêm giá trị. Cuộc đời tự nhiên khoáng đạt, trong lòng chỉ nguyện bọc toàn niềm vui.
Việc nhỏ không nhẫn, việc lớn sao thành?
Cổ nhân có câu: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” (Việc nhỏ không nhịn được thì sẽ làm hỏng việc lớn). Trong đối nhân xử thế nếu như có thể nhẫn nhục thì chính là biểu hiện của hàm dưỡng kín đáo, của tấm lòng rộng lớn và tầm nhìn cao xa.
Thời Trung Quốc cổ đại, Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật, chịu nhẫn nhục mà có thể phục quốc; Hàn Tín chịu nhục chui háng mà cuối cùng thành tựu đại nghiệp. Không ngừng cố gắng tu dưỡng phẩm đức cá nhân là một trong những đặc trưng nổi bật của văn hóa truyền thống nho gia. Khổng Tử từng nói: “Bách hạnh chi bản, nhẫn chi vi thượng” (Gốc của trăm cái nết, nhẫn là đứng đầu). Trong hết thảy sự nghiệp của đời người, đều rất cần kiềm chế và nhẫn nại.
“Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” là một câu trong sách Luận ngữ, thiên Vệ Linh Công. Nguyên văn câu này là: “Xảo ngôn loạn đức. Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” (Lời nói xảo trá làm rối loạn đạo đức. Việc nhỏ không nhịn sẽ làm hỏng việc lớn). Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện kể về những nhân vật chịu nhẫn nhục mà chẳng oán hận so đo, cũng không khoe sức khoe tài như kẻ hữu dũng vô mưu, nhờ thế mà tránh được tai ương họa hại.
Trương Nhĩ – Trần Dư nhẫn nhục chờ thời, thành tựu sự nghiệp
Trương Nhĩ và Trần Dư là hai danh sĩ của nước Ngụy. Sau khi nước Tần tiêu diệt nước Ngụy, Trương Nhĩ và Trần Dư thay tên đổi họ rồi đi đến huyện Trần kiếm sống bằng nghề canh giữ cổng làng. Một hôm, có một tiểu lại trong làng đi qua, cầm roi đánh Trần Dư. Trần Dư vừa định đứng lên chống trả thì Trương Nhĩ liền giẫm vào gót chân của Trần Dư, ngầm ý rằng hãy để hắn ta tiếp tục đánh. Tiểu lại vừa đi khỏi, Trương Nhĩ liền kéo Trần Dư đến dưới gốc cây dâu và bảo: “Trước đây tôi đã nói với anh thế nào? Ngày hôm nay chỉ vì một cái nhục nhỏ bé mà không nhịn được, lẽ nào anh muốn chết trong tay tên tiểu lại đó sao?”. Ngay lập tức Trần Dư hiểu ra khổ dụng tâm của Trương Nhĩ. Không lâu sau, Trương Nhĩ và Trần Dư đều được phong làm Thừa tướng. Lúc trước nếu như bọn họ không nhẫn nhịn mà tranh chấp với tiểu lại kia thì kết quả đã có thể hoàn toàn khác.
Hàn Kỳ khoan dung nhẫn nại, người người bội phục
Hàn Kỳ là tể tướng triều Bắc Tống, tính tình nồng hậu chất phác, lại có tấm lòng rộng lớn khoan dung. Ông từng nói: “Muốn thành việc lớn phải nhẫn việc nhỏ”. Khi Hàn Kỳ đóng quân ở Định Châu, có một lần ông ngồi viết thơ vào buổi tối nên đã gọi một binh sĩ cầm nến đứng bên cạnh để chiếu sáng. Binh sĩ này mải nhìn đi chỗ khác nên sơ suất làm cây nến bị nghiêng và cháy vào tóc của Hàn Kỳ, Hàn Kỳ lấy tay áo dập lửa rồi lại tiếp tục viết thơ. Một lát sau, ông quay lại nhìn thì phát hiện ra người cầm nến bên cạnh đã được đổi thành người khác. Vì sợ viên quan chủ quản sẽ trách phạt binh sĩ kia nên ông vội vàng gọi viên chủ quản đến và bảo: “Không cần đổi người, anh ta hiện tại đã biết cách cầm nến rồi”. Từ đó về sau, quan binh trong quân đội ai nấy đều bội phục tấm lòng khoan dung độ lượng của Hàn Kỳ.
Lúc Hàn Kỳ lưu lại ở phủ Đại Danh, có người tặng ông hai chiếc chén ngọc vô cùng quý giá thuộc loại cực phẩm trên đời, Hàn Kỳ liền dùng bạch kim để cảm ơn người tặng chén ngọc. Hàn Kỳ vô cùng yêu thích đôi chén ngọc, mỗi khi có tiệc đãi khách, ông đều sai người sửa soạn một chiếc bàn phủ gấm vóc rồi đặt đôi chén ngọc lên trên để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Một hôm, Hàn Kỳ mở tiệc thiết đãi các quan lại quản lý thủy vận. Khi đang chuẩn bị mang đôi chén ngọc ra để rót rượu mời khách thì đột nhiên một người đầy tớ không cẩn thận xô vào chiếc bàn khiến đôi chén ngọc rơi xuống đất vỡ tan. Khách khứa trong nhà thảy đều kinh hãi, còn người đầy tớ kia thì run rẩy phủ phục dưới đất chờ chịu phạt. Hàn Kỳ sắc mặt không đổi, cười bảo các vị quan khách: “Bất luận là vật gì cũng đều có quy luật tồn vong”. Ông lại quay sang nói với người đầy tớ: “Ngươi là do sơ suất mà gây ra, cũng không phải cố ý, đâu phải là tội lỗi gì?”. Các vị quan khách trước sự khoan dung độ lượng của Hàn Kỳ đều bội phục mãi không thôi.
Từ xưa đến nay, dù là nông dân hay trí thức, công nhân hay thương gia, người có thể làm nên nghiệp lớn đều là những người có tâm đại nhẫn. Nhẫn là phương pháp căn bản của đối nhân xử thế, là tinh hoa trong văn hóa đạo đức của con người. Tuy nhiên, nếu một người không được tôi luyện qua những thăng trầm thử thách của cuộc đời, không dốc lòng tu dưỡng bản thân thì rất khó làm được khoan dung độ lượng, cương nhu linh hoạt, vững vàng kiên định. Trên con đường nhân sinh không quên tu tâm dưỡng tính, không ngừng rèn giũa chính mình, như vậy sẽ có thể làm được “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Giàu sang không mê hoặc được, nghèo khó không dời đổi được, quyền thế không khuất phục được).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét