Vào khoảng cuối thập niên 70 lúc mới định cư tại Sydney, người viết có dịp xem một phim hình sự đấm đá do tài tử gạo cội của Hongkong lúc đó, Vương Vũ, thủ vai chính cùng với tài tử Úc George Lazenby (đã có một lần đóng vai James Bond trong phim On Her Majesty’s Secret Service). Người viết chợt để ý tên Vương Vũ viết theo tiếng Anh là Wang Yu - hay Jimmy Wang Yu để dễ tiếp thị với người Âu Mỹ. Viết Wang Yu thay vì theo suy đoán từ tiếng Việt phải là Wang Wu!
Thế rồi vào năm 1980, người viết có dịp đi học thêm một hai lớp tối, như một thú tiêu khiển, tiếng Nhật và tiếng Quan Thoại. Người Nhật gọi Việt Nam là Beto-namu, tức là gần với cách đọc của người Nam bộ Yiệt Nam hay Bdiệt Nam, chứ không phải Veto-namu. Người Tàu gọi Việt Nam là Yue-Nan, gọi mây là Yun, theo Hán Việt là Vân, như họ gọi tỉnh Vân Nam là Yun-Nan. Hoàn toàn không có âm V như kiểu tiếng Pháp. Thời gian học tiếng Nhật tiếng Tàu đó kéo dài chừng 2-3 năm rồi ngừng luôn.
Sau đó trong thời gian đi dạy học, trong trường có một cộng sự người Ấn Độ. Ông này có đứa con trai cưng tên Vivek, một tên rất phổ thông đối với người Ấn, như tên Tuấn tên Minh của Việt Nam. Người viết lại ngạc nhiên một lần nữa thấy ông gọi con Vivek trong cách phát âm như Uuy Uék hay cùng lắm là Wiwek, âm W hơi nhẹ hơn tiếng Anh một chút. Âm V theo kiểu Pháp lại vắng mặt, mặc dù ký âm biên ra là Vivek. Người viết chợt nhớ lại hồi còn nhỏ có nghe một số cụ người Nam Bộ cố gắng phát âm chữ V theo kiểu người Bắc Hà, tỷ như họ gọi Anh Vương họ sẽ phát âm như Anh Uương hay cùng lắm là Anh Wương chứ rất khó “bắt” họ gọi được như Anh Vương theo kiểu người Bắc. Mặc dù rằng nếu họ biết tiếng Pháp họ có thể phát âm “vers le soleil”, hay “vertigo” theo kiểu Tây đàng hoàng. Lối phát âm V trong tiếng Việt của mấy cụ người Nam bộ giống y hệt như phát âm của ông giáo sư Ấn Độ đó gọi con tên Vivek.
Vấn đề khá ngộ và khá hay này sau đó nằm vào một góc kẹt trong đầu của người viết trong suốt gần 20 năm, và chỉ chợt loé lên gần đây trong lúc sưu tầm đọc lại tài liệu sử học và ngôn ngữ học cần thiết cho bài ‘Thử đọc lại Kim Dung II: Nguồn Việt và Kim Dung”. Và thật ra phần lớn của bài này ban đầu nằm ngay trong bài Kim Dung-2, nhưng nó đã làm cho bài Kim-Dung-2 quá dài và loãng ý, nên đã bị người kiểm duyệt trong nhà ra lệnh cắt xén toàn diện. Phần ngữ học chữ V này liên hệ đến Kim-Dung-2 ở chỗ chứng minh ranh giới của nước Văn Lang xưa bằng ngôn ngữ học so sánh qua công trình nghiên cứu của nhà ngôn ngữ Việt Nam Hoàng Thị Châu - do Keith Weller Taylor trích dẫn trong quyển luận án tiến sĩ của ông “The Birth of Vietnam” (Buổi chào đời của nước Việt Nam), University of California Press xuất bản 1983. Thật ra Taylor chỉ ghi lại một đôi dòng tóm tắt giả thiết dựa vào khoa ngữ học này, chung quanh từ Văn-Lang và từ kẻ và quan sát địa bàn của những nơi chốn đã dùng hai từ cổ này để vạch ra ranh giới của nước Văn Lang. May mắn cho người viết trong nhà có quyển “Thời đại Hùng Vương” của một số tác giả Việt Nam do Văn Tân chủ biên (1973) mua được ở một tiệm sách cũ trong chuyến đầu tiên về thăm Việt Nam hồi đầu thập niên 90. Quyển “Hùng Vương” có trích lại khá đủ giả thiết của Hoàng Thị Châu (HTC), Taylor đã đề cập đến trong quyển luận án của ông (“Nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ” trong “Nghiên Cứu Lịch Sử số 120 (1969).”
Giả thiết này trước hết khảo sát một từ Việt Nam khá cổ bị biến mất kể từ khoảng thế kỷ 18. Đó là từ kẻ dùng để chỉ làng hay xã thôn của Việt Nam thời xưa. Kẻ trong Kẻ Noi dùng để gọi làng Nhuế, tức Cổ Nhuế. Cổ do đó là một từ Hán Việt tương đương với Kẻ. Kẻ có trong tự điển Việt-Bồ-La (1651) của Alexandre de Rhodes (A-lịch-Sơn Đắc Lộ) qua câu: “Mày ở kẻ nào?” (Latinh: Patria tua quaenam est?) nghĩa “Quê mày ở đâu?” Tiếng Mường ở vùng Hoà Bình có một từ đồng nghĩa với “kẻ”, đó là KUEL mang nghĩa một đơn vị xã hội của người Mường. Quyển “Việt Ngữ chánh tả Tự Vị” của Lê Ngọc Trụ xuất bản ở Sàigòn có ghi kẻ chỉ chỗ, nơi, như trong kẻ Chợ (dùng để chỉ thành Thăng Long ngày xưa). HTC nhận xét rằng trong rất nhiều tên làng ở Việt Nam từ kẻ tiếng Nôm đã được biến chuyển phiên âm ra tiếng Hán Việt thành Cổ (như Cổ Nhuế, Cổ Chiên). Ở Lưỡng Quảng những địa danh có chữ “Cổ” đứng đầu rất phổ biến, rất tập trung. Nhìn rộng ra toàn Trung Quốc, địa danh có từ “Cổ” còn có thể thấy rải rác ở Cam Túc, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam (tức Đại Lý trong Kim Dung), nhưng tập trung nhất vẫn là ở vùng Lưỡng Quảng.
Trở lại âm W của chữ V. Cũng theo giả thiết đó, chữ cái V trong từ Văn của Văn Lang trong tiếng Việt cổ và tiếng Hán cổ có âm gần gần với w hay uuy. Âm W, tức V ngày cổ xưa, là một phụ âm môi-môi có bộ vị cấu âm rất gần với các nguyên âm tròn môi như ô, u đến nổi có người còn gọi phụ âm này là bán nguyên âm u. Do đó những âm này hoàn toàn có khả năng biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái kia. Thí dụ từ Vàng của tiếng Việt bây giờ thời cổ thượng gọi là Uàng tương đương với Wàng trong tiếng Mường. Từ Voi chỉ con voi, ngày trước gọi là Uoi và tiếng Mường gọi Woi. Theo kiểu phát âm V theo như U hay W nhẹ đó, tên Văn Lang trong thời cổ đại có thể được phát âm na ná giống như urang trong tiếng Chăm, arăng trong tiếng Ê-Đê, ôrang theo tiếng Mã Lai, tất cả đều có nghĩa là “người”. Lang trong tiếng Tàu có nghĩa “đàn ông” (nương, đàn bà) tức “người”. Thành tố “-lang” có mặt trong những tộc danh của những sắc tộc sống từ miền Nam sông Dương Tử cho đến miền Trung Bộ Việt Nam. Còn những danh từ chung chỉ “người” có dạng tương tự: lang, đranglô, ôrang lại bao chiếm một địa bàn lớn hơn, các đồng bằng ven biển và các hải đảo bao quanh biển Nam Hải. Qua sự phân bố của từ kẻ (hay Cổ) và thành tố lang trong các tộc danh quan sát, nước Văn Lang với một xác suất cao chỉ bao gồm một phần tỉnh Quảng Tây, Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ ngày nay. Đọc lại Phạm Văn Sơn (“Việt Sử Toàn Thư”), người ta sẽ thấy một danh sách 15 bộ quận của nước Văn Lang trong thời đại Hùng Vương kéo dài từ “một phần” của Lưỡng Quảng đến vùng Quảng Bình Quảng Trị.
Theo thiển ý, lối phát âm V là V như trong tiếng Tây tiếng Anh chỉ bắt đầu thịnh hành ở đàng Ngoài sau khi các giáo sĩ Tây Phương đến Việt Nam và ghi âm tiếng Việt để tạo ra chữ quốc ngữ từ thế kỷ 16-17. Có thể nói hầu hết ngữ ngôn cổ của các nước Á Châu không có âm V theo kiểu Âu Tây. Ở Ấn Độ ta có thể nghe người Ấn phát âm tên phổ thông dành cho con trai Vivek như là Uuy-Uék. Tiếng Nhật gọi Việt Nam là Be-to-na-mu, và cả tiếng Quảng Đông hay tiếng Quan Thoại đều gọi “Việt” là Yue, không có âm V kiểu latinh. Người Mường gọi Hùng Vương là vua Yịt Yàng tức vua Việt, Yịt tức là Việt hay “Yiệt”, cũng không có V-Latinh. Tên tài tử Hongkong nổi tiếng Vương Vũ chuyên đóng các phim kungfu thời 70 gọi theo kiểu phiên âm Anh ngữ hay pinyin là Wang Yu, chứ không phải Wang “Wu”. Tỉnh Vân Nam tức Đại Lý xưa gọi theo Anh ngữ hay quan thoại là Yun-Nan. Âm V từ các ngôn ngữ Tây Phương do đó đã được các giáo sĩ Âu Châu dùng để phiên âm một lượt hai âm thuần Việt là Y (như trong Anh Ngữ YES) hay Bd (kiểu Nam) như trong Yân Nam (tức Vân Nam hay Yun Nan theo quan thoại) hoặc Yũ (tức Vũ, lông chim) và âm gần giống W như trong Wăn Wõ (tức Văn Võ hay Wen Wu theo quan thoại) hoặc Wương (tức Vương hay Wang theo quan thoại). Tiêu biểu cho sự sai trật so với tiếng Việt cổ giữa người Nam Bộ ở miệt tỉnh và người Bắc Hà nói chung có thể nằm trọn trong tên tài tử Vương Vũ. Trong khuôn khổ tình bắc duyên nam, một anh chồng người Bắc hỏi cô vợ người Nam rằng: “Chiều nay anh muốn dẫn em đi xem phim “Kiếm Khách một tay” do tài tử Vương Vũ đóng, em thích không?” Cô vợ trả lời: “Sao không, tưởng gì chớ phim Yương Yũ em mê lắm”. So với tiếng Việt cổ chắc hẳn có âm gần giống tiếng quan thoại Wang Yu, cả chồng lẫn vợ đều phát âm mỗi người sai đi (xin nhấn mạnh so với tiếng Việt cổ) một nửa, tức 50%. Anh chồng “sai” từ Yũ, cô vợ “trật” từ Wương - so với tiếng Việt thế kỷ 17.
Cũng theo thiển ý, sở dĩ có sự sai trật này (so với tiếng “Yiệt” cổ) là vì trong các chữ cái alphabet của ngôn ngữ các giáo sĩ “Tây” quen thuộc ở Nam Âu Châu (thường gọi Romance languages) dùng để phiên âm tiếng nói của người Việt cổ hoàn toàn không có âm của chữ cái W như trong Anh ngữ. Chỉ có âm chữ gần giống với W là V như trong tiếng Pháp. Thành ra tiếng Việt mất hẳn âm chủ yếu W để phiên âm gần đúng hơn V cho một số từ như Vương trong tên Vương Trùng Dương, Văn, Võ, v.v. Tiếng Tàu, tiếng Nhật, và tiếng Inđônêsiên chẳng hạn, khác với chữ quốc ngữ Việt Nam, được chuyển sang phiên âm pinyin dùng mẫu tự Latinh alphabet qua sự giúp đỡ của người Anh hoặc người Hoà Lan với những ngôn ngữ có âm W. Tiếng Tàu đầu tiên được phiên âm sang alphabet do ở Sir Thomas Wade ở đại học Cambridge (Anh quốc) vào năm 1859 rồi sau đó được người thay thế ông là giáo sư Herbert Giles hoàn chỉnh. Hệ thống phiên âm này mang tên Wade-Giles, hệ thống của người Anh làm ra nên có âm W như trong Wang hay Wong. Vào lúc thế chiến thứ hai, người Mỹ cũng khai triển một lối phiên âm tiếng Tàu thích hợp với lối đọc của người Mỹ hơn tại đại học Yale, mang tên lối phiên âm Yale. Và sau khi Mao Trạch Đông chiếm được toàn cõi Trung Hoa lục địa, người Trung Quốc dựa vào các hệ thống sẵn có phát triển lối phiên âm pinyin cho tiếng quan thoại dùng đến ngày nay. Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông đọc theo kiểo Wade-Giles là Teng Hsiao Ping, Mao Tse Tung và đọc theo pinyin là Deng Xiao Ping, Mao Ze Dong. Tiếng Nhật có âm W theo alphabet như Watashi (Tôi) hay tên phổ thông Watanabe. Tiếng In-Đô cũng có âm W như trong tên rất phổ thông Widjaja, mà mấy ông Tây đã phiên âm một vị thần của nước Chăm là Vijaja (lại dùng V thay cho W!). Chỉ có tiếng Việt Nam cổ bởi được các giáo sĩ - đa số người Pháp - phiên âm để tạo ra chữ Quốc Ngữ mà không dùng một mẫu tự W nằm ngoài tiếng Pháp và các tiếng miền Nam Âu Châu, nên hoàn toàn vắng bóng W khả dĩ có thể phiên âm gần sát với âm của những từ như: Vương (quan thoại Wang), Văn (Wen), Vũ (như Vũ khí, quan thoại Wu), Vô (Vô thừa nhận, Wu), Vật (động vật, Wu), Vãng (vãng lai, Wang), Vạn (10 ngàn, quan thoại Wan), vân vân. Đa số những từ bắt đầu bằng V đáng lẽ được ký âm bằng W thường là tiếng Hán Việt, chứ không phải tiếng Nôm.
Tương tự, ta để ý chữ Pháp và các ngôn ngữ Nam Âu Châu rất ít khi dùng âm Y bắt đầu một từ như tiếng Anh trong YES, YOU, YELL, v.v. và cho nên âm Y cần để ký âm những âm thực sự dùng Y như Yu (đọc theo tiếng “Yiệt” cổ có lẽ là Yũ chỉ “lông chim” - như trong tên tài tử Wang Yu), hay Vân (“Yân” theo như quan thoại Yun, nghĩa là Mây), Vũ (hay Yũ theo như quan thoại Yu chỉ Mưa), Viên (Yuan như trong Công Viên - Gong Yuan), Và (quan thoại Yi), v.v. mà lại dùng luôn chữ cái V cho những từ đang khát khao mẫu tự Y. Một số từ cũng đáng lẽ dùng Y họ dùng D theo kiểu đọc người Nam. Đó là những từ như Dầu (quan thoại: You), Dễ (quan thoại: Yi), Dì (Yi, chị hay em gái của mẹ), Dược (như Dược Sĩ, quan thoại Yao), v.v. (Dùng D thay cho Y rồi lại dùng Đ, một chữ cái của tiếng nước Iceland (nước Băng đảo, ở phía Bắc Anh quốc), thay cho D-tiếng-Tây hình như thỉnh thoảng làm vấn đề thêm phức tạp. Nhất là cho những ai mang tên đẹp như Dũng hay Mỹ Dung đang ở những xứ nói tiếng Anh tiếng Mỹ hiện nay. Lý do viết Dũng hay Dung không dấu khi đọc sẽ trở thành DUNG, tiếng Anh mang một nghĩa “rất hôi hám”! Do đó khuynh hướng thông thường hiện biến Dung thành Dzung, hoặc một đôi khi: Yung.)
Hai câu hỏi kế tiếp tất nhiên sẽ là: (1) Tại sao người miền Bắc tống hết các âm bắt đầu bằng W và Y vào thành ra V, và người miền Nam lại nhét hết các âm Y và W thành Y hay Bd trong lối đọc chữ V? và (2) Tiến trình biến đổi ngôn ngữ này có vẻ rất nhanh và tại sao lại nhanh như vậy? Nhanh đến nổi những người tiếp tục các giáo sĩ người Pháp, phát triển chữ quốc ngữ như Petrus Ký có vẻ cũng không “phát hiện” được sự khác biệt phát âm của hai kỳ Bắc và Nam bắt nguồn từ việc “tạm dùng” V - do ở sự thiếu thốn hai âm W và Y trong các ngôn ngữ Nam Âu Châu - để ký âm tiếng Nôm tạo ra chữ quốc ngữ.
Theo thiển ý, chỉ có một câu trả lời cho hai câu hỏi trên. Ngôn ngữ rất dễ khoác vào mình một vài lối phát âm mới trong một thời gian ngắn, rất ngắn. Để ý người Bắc vào Nam sau hiệp định Geneve 1954, khi trở về Bắc thăm quê hương xưa sau năm 1975, và nhất là sau 1990 đều cảm thấy giọng người Hànội ngày nay có đôi phần khác biệt với lối phát âm trước 1954. Nhiều nhà văn ở Mỹ về thăm Hànội rồi trở ra đều có viết những nhận xét như vậy. Có người còn viết rằng giọng Hànội hiện nay cao hơn giọng Hànội thời 1945 cả một “bát độ” (octave)! Giọng người Sàigòn ngày nay cũng vậy. Có vẻ nhọn và rõ hơn, giống như giọng miền Nam của các xướng ngôn viên đài phát thanh, đài truyền hình, và cao hơn ngày trước cũng “nửa” octave là ít. Khác giọng nói ở lý do thứ nhất phải do ở việc sống chung của một số người có giọng nói khác nhau. Ở Hànội cũng như ở Sàigòn, sau chiến tranh, người cũ di tản đi chỗ khác, người mới thường là quân nhân hay người miền quê từ chỗ khác dọn đến trám vào chỗ trống người cũ bỏ đi. Họ hoà trộn chia xẻ phương tiện sinh nhai, và . . . giọng nói với nhau và vô hình chung không để ý đến điều đó. Thí dụ ở từ CHÚ trong “Chú ơi chú”.
Theo nhận xét của người viết, người Bắc ngày trước phát âm như “Chúú” (môi chu lại hơn người Nam), người Hànội nhất là các cô bé, ngày nay đọc như là “Chùủúú” thật nhanh và bao gồm âm “ủ” nho nhỏ.
Lý do thứ hai nằm ở chỗ nhiều khi ký âm dù có biên ra sai, nhưng có thể biến luôn cách đọc nguyên thủy, trở thành ra âm mới. Đó là lý do tại sao người miền Bắc sau khi các giáo sĩ dùng chữ V để ký âm cho W và Y đọc luôn hai thứ là V. Người miền Nam tức là người Bắc di cư vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn mang luôn vào đó các từ cổ và các lối đọc cổ, sẽ giữ nguyên vẹn lối dùng các từ và giọng nói xa xưa, và trong tiến trình đó đọc luôn hai âm Y và W thành một thứ Y (hay Bd) do ở lý do chỉ có 1 ký âm V cho hai thứ. Thí dụ về từ cổ, nhiều người vẫn cho rằng người Nam gọi Hoa là Bông vì người Nam bắt chước gọi Bông theo người Mã Lai (Bunga). Thật ra Bông xuất xứ từ miền Bắc! Người Bắc di cư theo chúa Nguyễn đã mang luôn và giữ luôn từ Bông cho đến ngày nay. Bình Nguyên Lộc trong quyển “Nguồn gốc Mã Lai” đã trích dẫn một bài thơ của một thi sĩ Bắc Hà vào thế kỷ 17 rõ ràng dùng từ Bông chứ không phải Hoa! Bình Nguyên Lộc còn viết có thể việc đóng quân của trên 50000 lính Tàu ở Bắc Hà trong cuối thời Minh sang qua Thanh đã ảnh hưởng đến việc Hoa-ngữ hoá một số từ thông thường ở đàng Ngoài. Giả thiết này được tăng thêm sức thuyết phục mạnh mẽ nếu tra ra từ Bông trong bản so sánh các từ tiếng Nôm với các ngôn ngữ thuộc nhóm Nam-Á do Hồ Lê cung cấp trong quyển kỷ yếu “Tiếng Việt và các Ngôn ngữ Dân Tộc phía Nam” xuất bản 1992 tại Sàigòn. Theo đó tiếng Mường (ở ngoài Bắc) gọi Bông là Pông, tiếng Xơđăng là Bông, tiếng Chăm, Bangu. Tương tự, người Việt di tản ra nước ngoài sau trên hai mươi năm về lại Việt Nam sẽ bỡ ngỡ trước một số từ khá mới rất thông dụng tại Việt Nam, như phản ảnh, khẩn trương, phát hiện, dân tộc ít người, v.v. Trong khi họ vẫn giữ cách dùng các “cụm từ” như thời “xưa”, trước 1975, như suy nghĩ kỹ, nhanh lên, tìm ra, đồng bào thiểu số, v.v. Đó là chỉ trong vòng một thời gian tương đối ngắn, khá ngắn.
Ở giọng nói, nhiều khi không cần đến ký âm ra chữ, chỉ cần có một ký âm “quốc tế” gần giống nó là người ta sẽ có khuynh hướng sẽ dùng theo kiểu quốc tế luôn.
Đó là trường hợp vì V dùng thay cho W và Y, miền Bắc tống hết cả hai qua V, trong khi người Bắc đã di cư vào đàng Trong trở thành người Nam nhét hết vào âm Y mà họ còn nhớ mỗi khi được học chữ quốc ngữ với âm V ký âm cho Y và W. Thí dụ về khuynh hướng “quốc tế” có thể áp đảo khuynh hướng cổ truyền hiện đang diễn tiến trong lối đọc âm PH như trong “phương pháp, phàm phu, Phạm Thăng, v.v... Âm ph nguyên thủy đọc bằng hai môi chụm lại nhau đọc như P trong “ngầu pín” nhưng nhẹ hơn nhiều và phát gió, chứ không phải như âm F trong từ fan (cái quạt, người hâm mộ) như Kim Dung’s fan, hay funny Châu Bá Thông, do ở hàm răng trên chụm với môi dưới, theo khuynh hướng hiện nay. Tương tự người Nhật đọc Fuji-san tức Phú Sĩ Sơn (núi Phú Sĩ), đọc âm F bằng hai môi chụm chụm lại như thổi thức ăn nóng cho mau nguội, nhưng thổi mạnh hơn. Lối phát âm PH theo kiểu Việt xưa thay vì F hiện còn tồn tại ở Việt Nam nhất là ở miền quê Nam bộ, nhưng đang trên đà biến thành F trong các cộng đồng ở ngoài Việt Nam. (Thí dụ “Phở” thay vì đọc PHở đang bị biến thành Fở). Ngay như trong tiếng Nhật (Fuji - Phú Sĩ) nó cũng đang trên đà bị biến thành F như F của Tây Phương!
Thay Lời Kết: Trong phát triển và biến đổi của ngôn ngữ, nếu nói một cách chính xác không bao giờ có chuyện ngôn ngữ này hay lối phát âm này sai, lối phát âm kia đúng. Điển hình, tiếng Anh nói tại Tân Tây Lan khác tiếng Anh nói ở Úc, khác tiếng Mỹ, khác tiếng Anh ngay tại Anh Quốc. Rất nhiều từ có cùng một cách đọc gần giống nhau nhưng được viết khác đi một chút. Lại có rất nhiều từ mang nhiều nghĩa khác nhau tùy ở mỗi nước. Thí dụ rõ rệt nhất là người miệt dưới như Úc và Tân Tây Lan gọi thức ăn mang đi là “Food to Take Away” trong khi ở Bắc Mỹ người ta nói “Food to Go”, hàm ý tránh dùng Take Away mang nghĩa “cướp giựt mang đi”!. Tiếng Tàu cũng vậy, tiếng Quảng Đông khác tiếng Quan Thoại, Quan Thoại khác tiếng Thượng Hải, Thượng Hải khác Phúc Kiến, khác Hải Nam. Ngày nay, có thêm một nạn mới cho ngôn ngữ là nhiều ngành nghề chuyên môn tuy dùng một số từ như nhau nhưng các từ này lại mang nghĩa khác nhau. Thí dụ động từ inform theo lối dùng thông thường có nghĩa thông báo, cho biết. Tôi cho anh biết thế này thế kia, tôi cho anh biết tôi sẽ lấy chồng vào tháng sau, v.v. Nhưng trong ngành luật nó chỉ mang nghĩa “mách báo” với cảnh sát, với toà án.
Từ Việt trong Việt Nam đáng lẽ theo Quan thoại, Quảng đông, Nhật, Mường, v.v. phải được ký âm là Yiệt. Vô hình chung lối ký âm Việt theo chữ quốc ngữ đã dùng hai ba thế kỷ qua có thể theo với giòng thời gian khiến Việt Nam tách rời khỏi các nhóm Yuế (Việt) mà người Tàu từ thời cổ đại đã gọi một cách “vơ đũa cả nắm” tất cả các sắc tộc sống ở phía Nam sông Dương Tử. Trong đó có nước Văn Lang với nền văn minh Đông Sơn chưa chắc đã là một giống mang chủng tộc Yue như người Tàu đã gọi?
Easter
NGUYÊN NGUYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét