Gió thu hiu hiu thổi, Ngân hà một dải chia đôi, mối tình thiên thượng nhân gian, câu chuyện Thất tịch truyền ngàn năm qua. Tấm lòng son sắt bao la, Thất tịch tình ấy đã qua bao đời…
Vậy là Tết Thất Tịch mùng 7 tháng 7 Âm lịch – ngày lễ tình yêu theo quan niệm văn hóa truyền thống người phương Đông cũng đã qua. Hàng năm cứ vào ngày này chúng ta lại bắt gặp những hạt mưa ngâu. Nhớ khi còn nhỏ vào ngày này trời đều mưa tầm tã từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối. Mẹ tôi cười bảo: “Ông Ngâu, bà Ngâu lại được gặp nhau rồi, tình cảm sướt mướt quá!”. Nhưng kỳ lạ là mấy năm trở lại đây, không còn thấy mưa rơi nhiều như trước. Mẹ tôi tặc lưỡi: “Chắc ông Ngâu, bà Ngâu lớn tuổi rồi nên không còn nhớ nhung như hồi trẻ nữa”.
Trở lại với những sự tích xưa, chúng ta cũng bắt gặp câu chuyện tình yêu như vậy, chỉ khác là hai người ấy được gọi với cái tên Ngưu Lang và Chức Nữ. Đó là một câu chuyện tình yêu lãng mãn, đượm buồn giữa một chàng trai chăn trâu và cô gái dệt vải trên thiên đình.
Dòng sông Ngân Hà nhân đôi nỗi nhớ, tình yêu của Ngưu Lang – Chức Nữ
Câu chuyện tình yêu và cuộc hội ngộ giữa Ngưu Lang, Chức Nữ vào ngày Thất Tịch, tức ngày mùng 7 tháng 7 Âm lịch bắt nguồn từ đâu? Vì sao câu chuyện này vẫn được lưu truyền bao năm qua, từ đời này qua đời khác? Tương truyền rằng mối nhân duyên này bắt nguồn từ thời cổ đại. Mỗi năm một lần vào ngày 7/7 hai người lại vượt dòng sông Ngân Hà để gặp nhau. Dẫu trải qua tháng năm đằng đẵng, tấm chân tình của họ vẫn sắt son, không đổi thay.
Hệ ngân hà trên bầu trời phía Nam mà mắt người không nhìn thấy, Đài quan sát thiên văn của Châu Âu, ESO. (Ảnh dẫn theo Epoch Times))
Nhắc tới Lễ Thất Tịch, ngẫm lại những gợn sóng li ti trên mặt nước mênh mang thuở xưa nơi dòng sông Ngân Hà chia cách Ngưu Lang và Chức Nữ, chúng ta như vẫn thoáng nhìn thấy những tia sáng mờ nhạt phía xa xa, lấp lánh… lấp lánh. Dòng sông Ngân Hà mềm mại, uốn lượn như dòng nước dưới hạ giới. Những giọt nước mắt long lanh hóa thành những “hạt mưa ngày Thất Tịch” nhỏ xuống trên cây cầu Ô Thước khi hai người gặp nhau. Thời khắc hạnh phúc mỗi năm một lần phảng phất như mộng, mà sao cái tình cứ mãi giăng giăng đeo bám trong lòng người chẳng thể nguôi ngoai?
Thêm chú thích |
Cội nguồn truyền thuyết câu chuyện tình yêu vào ngày Thất Tịch (mùng 7/7 Hoàng lịch)
Trong những ngôi sao đẹp nhất trên bầu trời mùa hạ, có ngôi sao Chức Nữ (phía bên trái), và ngôi sao Ngưu Lang (ở giữa bên dưới) đang tỏa sáng, nhưng lại cách nhau xa vời vợi (Ảnh của cục Hàng Không Châu Âu)
19 bài thơ cổ thời Hán đã hé lộ cho chúng ta về câu chuyện tình yêu này. Bài thơ “Điều điều Khiên Ngưu Tinh” (Sao Ngưu Lang xa xôi) đã được thái tử Chiêu Minh Tiêu Thống thời nhà Lương biên soạn vào trong cuốn “Chiêu Minh văn tuyển”. Trong đó có ghi lại rằng ngôi sao Hà Hán Nữ và sao Ngưu Lang bị ngăn cách bởi một biển nước mênh mông vời vợi, ngút mắt cũng chỉ thấy vạn trùng mây.
Đoạn viết như sau: “Ngôi sao Ngưu Lang thì xa xăm, sao Hà Hán Nữ lại thanh khiết. Tay thoăn thoắt từng sợi, Khung cửi lách cách kêu. Ngày sau không thành đôi, ngàn lệ mưa tuôi rơi. Sông Hà Hán tuy nông mà trong vắt, hẹn ước bao lần trở đi trở lại. Con nước vời vợi mênh mông, Nghẹn lòng không thốt nên lời”.
Những giai thoại khác về dòng sông Ngân Hà và cây cầu Ô Thước
Vào đêm 7/7 Âm lịch những chú chim Ô Thước bắc cầu cho Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau. (Ảnh: Resources)
Trong tác phẩm nổi tiếng “Phong Tục Thông Nghĩa” cũng có truyền thuyết về chiếc cầu Ô Thước. Trong cuốn “Tuế Hoa Kỷ Lệ – Thất Tịch” nói rằng: “Cầu Ô Thước đã thành, Chức Nữ sẽ băng qua”. Đồng thời còn chú thích: “Phong Tục Thông” nói rằng vào ngày mồng 7/7 Chức Nữ sẽ vượt sông, biến những chú chim Ô Thước thành một cây cầu”. Vào thời Tam Quốc, Ngưu Lang Chức Nữ đã nên duyên vợ chồng.
Trong bài “Yến Ca Hành” của Tào Phi thời Tam Quốc có một câu nổi tiếng như sau: “Dải Ngân Hà chảy về Tây khi trời còn chưa sáng. Ngưu Lang, Chức Nữ đã ngóng trông nhau. Tội chi một mình chẳng được qua sông?”
Trong bài “Lạc Thần Phú” và “Cửu Vịnh” của Tào Thực, Ngưu Lang và Chức Nữ đã kết thành phu thê. Trong “Cửu Vịnh” của Tào Thực ghi lại rằng: “Ngưu Lang là chồng. Chức Nữ là vợ. Sao Chức Nữ và Ngưu Lang mỗi ngôi lại nằm ở một bên của sao Hà Cổ. Ngày mồng 7 tháng 7, hai người mới được gặp nhau một lần”.
Từ diễn biến về truyền thuyết tình yêu của Ngưu Lang và Chức Nữ có thể thấy rằng truyền thuyết về tình yêu, hôn nhân và cuộc hội ngộ giữa chàng Ngưu Lang nơi xa xôi và nàng Hà Hán Nữ vào đêm mồng 7 tháng 7 đã sớm được lưu truyền giữa những năm Tam Quốc. Lúc này Ngưu Lang (cậu thanh niên chăn trâu) và Chức Nữ (cô gái dệt vải) đã vượt qua vạn dặm để nên duyên vợ chồng.
Những tình tiết trong câu chuyện Ngưu Lang và Chức Nữ gặp gỡ nhau, hợp rồi lại tan vào đêm mồng 7 tháng 7 trên cây cầu Ô Thước mà người đời sau truyền lại cũng đã sớm xuất hiện một cách đầy đủ trong cuốn sách khác có tên là “Tiểu Thuyết” triều Đông Bắc.
Câu chuyện “Tiểu Thuyết” được Đoạn Văn thời Nam Lương viết lại như sau: “Nơi phía Đông của dòng Ngân Hà có cô gái dệt vải dung mạo đoan trang, là con của Ngọc Hoàng. Hàng năm cô đều chăm chỉ bên khung cửi, dệt thành những bộ thiên y mỹ miều, trông rất đẹp mắt. Ngọc Hoàng thương con gái một mình cô độc, bèn hứa gả cho chàng trai chăn trâu ở phía Tây sông Ngân Hà. Sau khi thành gia thất Chức Nữ đã bỏ nghề dệt cửi. Nàng Chức Nữ cần mẫn khi xưa chăm chỉ dệt nên những bộ xiêm y hoa lệ trên cung đình nay lại vì tình vương vấn, vì yêu thương bó buộc mà không còn tâm trí tiếp tục dệt vải. Nàng chẳng khác chi Tiên nữ trên thiên thượng bị rớt xuống cõi nhân gian. Vậy nên Ngọc Hoàng phẫn nộ, trách mắng và lệnh cho nàng phải quay về phía Đông dòng sông Thiên Hà. Ngài ra lệnh chỉ cho phép hai người được gặp nhau mỗi năm một lần”.
Câu chuyện hiếu tử Đổng Vĩnh cảm động Ngọc Hoàng và sự xuất hiện của nàng tiên Chức Nữ
Một kịch bản khác cũng được lưu truyền tới ngày nay. Giai thoại này thoát thai từ câu chuyện về lòng hiếu thuận của Đổng Vĩnh đã cảm động các vị Thiên Thần ,và Ngài đã ban cho Đổng Vĩnh được kết hôn với một nữ thần, ngày ngày dệt vải cho chàng. Cuốn “Linh Chi Thiên” trong thơ Lạc Phủ của Tào Thực và trong cuốn “Sưu Thần Ký” của Can Bảo thời Đông Tấn sau này đều viết về câu chuyện hiếu tử Đổng Vĩnh.
Tương truyền, Đổng Vĩnh vô cùng hiếu thuận với song thân, vì cha mà chàng đã phải vay mượn rất nhiều tiền. Sau khi cha mất, chàng đã bán thân để có tiền chôn cất cho cha. Không lâu sau đó, Đổng Vĩnh mơ thấy một thiếu nữ nói với chàng rằng nàng nguyện ý muốn phó thác thân mình cho chàng. Sau 10 ngày kết hôn, nàng đã dệt cả trăm tấm vải giúp chồng trả nợ. Hóa ra người vợ này là tiên nữ hạ phàm. Bởi tấm lòng hiếu thuận của Đổng Vĩnh đã cảm động cả Ngọc Hoàng nên Ngài bèn lệnh cho nàng giáng trần, dùng tài nghệ dệt vải của mình giúp chàng trả nợ. Tiên nữ nói rằng: “Thiếp là cô gái dệt vải trên trời. Bởi chàng tận hiếu nên Ngọc Hoàng lệnh cho thiếp giúp chàng trả nợ.”
Như vậy trong câu chuyện Đổng Vĩnh bán mình chôn cất cho cha đã xuất hiện nàng “Chức Nữ”. Sau này dân gian tương truyền có người đã ghép 2 câu chuyện này lại với nhau. Còn có những tình tiết biến tấu như Chức Nữ là Nàng Tiên thứ bảy và chú trâu của Ngưu Lang là Kim Tinh Ngưu chuyển thế thành con trâu báo ơn cho chàng. Sau đó mới hình thành nên câu chuyện tình yêu vào ngày mồng 7/7 như đang lưu truyền ngày nay.
Chúng ta hãy cùng nhau ôn câu chuyện tình cảm động này nhé.
Dòng sông Ngân Hà cắt đứt mối nhân duyên, ngày Thất Tịch hội ngộ trên cầu Ô Thước
Ngày xửa ngày xưa, từ rất lâu rất lâu rồi, khi trời và đất còn ở gần nhau, dải Ngân Hà và cõi nhân gian vẫn chưa tách rời, có một chàng trai trẻ chăn trâu vô cùng chất phác. Nhưng không may cha mẹ cậu sớm qua đời. Sau khi cha mẹ chàng nhắm mắt thì chàng trai bị huynh trưởng và chị dâu chèn ép. Ngoài việc chia cho chàng một con trâu ra thì họ không cho cậu thêm một đồng xu nào.
Chàng trai trẻ không hề oán hận, từ đó trâu và người thơ thẩn bên nhau, nương tựa vào nhau sống cho qua ngày. Họ đến một nơi rất xa, gần với dòng sông Thiên Hà. Chàng trai vỡ đất làm nương. Mặc dù chàng trai rất chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm, nhưng chàng quá nghèo và không cô gái nào chịu để mắt tới chàng. Nên tới tuổi lập gia thất chàng vẫn cô quạnh một mình.
Một hôm chàng đang nhặt những ngọn cỏ xanh đưa cho chú trâu già nhai sột soạt thì chú trâu đột nhiên giương đôi mắt đen láy nhìn cậu chủ và cất tiếng nói: “Chào cậu chủ”. Chàng trai giật mình, nhìn ngó xung quanh nhưng chẳng thấy ai ngoài mình chú trâu già. Cậu xoay vài vòng rồi bất giác lùi lại vài bước, khắp người nổi đầy gai gốc. Chàng trai ngờ ngợ quay ra nhìn chú trâu già.
Chú trâu cười móm mém: “Là tôi đây mà! Cậu đừng sợ! Cậu đã chăm sóc cho tôi bao nhiêu năm tháng qua. Tôi cũng sắp tận số rồi. Tôi cũng không nỡ để cậu cô độc một mình trên cõi đời này”.
Chàng trai vẫn không tin vào tai mình bèn hỏi: “Sao trước kia ở cùng ta ngươi không hề mở miệng?”. Trâu mỉm cười đáp lại: “Ta là Kim Tinh Ngưu, vốn là vị thần trên thiên thượng. Nhưng vì lơ là để trâu ăn lúa nên bị đọa xuống đây làm kiếp trâu kéo cày trả nợ. Nay nợ đã trả xong ta sẽ đi đầu thai kiếp khác. Tuy cậu không có tiền, nhưng cậu lại có một trái tim nhân hậu, thật thà, chất phác. Tôi cũng không nỡ để cậu cô độc một mình”.
Chàng trai hiểu ra nguyên cớ mới bớt ngạc nhiên. Nhưng chàng lại rầu rầu hỏi trâu rằng: “Nhưng ta nghèo thế này đâu có cô gái nào ưng thuận lấy ta làm chồng?”.
Thế là trâu bày cách cho cậu lấy được vợ Tiên
Chú trâu nói với chàng trai rằng: “Nàng tiên thứ 7, con gái của Ngọc Hoàng thường lui tới dòng sông Ngân Hà bơi lội. Chỉ cần cậu giữ lại quần áo của nàng thì nàng sẽ không thể trở về thiên đình nữa và sẽ ưng thuận thành thân với cậu”. Đột nhiên trâu nghiêm mặt lại: “Nhưng có chuyện này cậu phải nhớ thật kỹ. Khi ta chết đi hãy lột da của ta làm thành một chiếc áo khoác. Ai khoác chiếc áo này vào sẽ có thể bay lên thiên thượng. Sau này cậu sẽ có dịp dùng đến nó!”. Chàng trai lắc đầu nói: “Ta sao có thể xử tệ với ngươi như vậy được. Dù sao chúng ta cũng đã là những người bạn tốt suốt bao năm qua!”.
Trâu cười nói: “Ta hiểu nỗi lòng cậu. Khi linh hồn ta lìa khỏi xác sẽ không còn cảm giác đau đớn chi đâu, chỉ như con ve thoát xác mà thôi. Cậu đừng ngại!”
Quả nhiên chẳng bao lâu sau chú trâu già chết đi, để lại chàng trai một mình thui thủi trong túp lều tranh trống vắng.
Một này nọ chàng trai đang thơ thẩn tới dòng sông Ngân Hà thì đột nhiên nghe thấy tiếng nước quẫy ùm ùm. 7 nàng tiên đẹp tuyệt trần đang vùng vẫy bơi lội. Chàng ngẩn người nhìn 6 nàng tiên đang vây quanh một nàng tiên bé nhỏ. Các cô thi nhau tạt nước vào người cô tiên ấy. Chàng chợt nhớ ra lời trâu dặn: “Nàng tiên thứ 7, con gái của Ngọc Hoàng thường lui tới dòng sông Thiên Hà bơi lội”. Chàng trai rón rén bước tới ngắm những bộ xiêm y mỹ miều đang vắt trên cây. Trong đó có một bộ váy trông trang nhã, xinh xắn và đáng yêu hơn cả. Chàng bèn leo nhè nhẹ lên cây, lấy chiếc áo xuống và giấu đi.
Trời đã xế bóng, các nàng tiên ríu rít rủ nhau lên bờ. Ai nấy nhanh chóng tìm lại xiêm y của mình và khoác lên người. Đột nhiên một đôi cánh trắng muốt hiện ra và các cô lần lượt bay về thiên thượng. Chỉ còn lại một mình cô tiên bé nhỏ vẫn đang loay hoay không tìm được chiếc áo của mình. Khuôn mặt cô lộ rõ vẻ hốt hoảng. Cô cuống quýt tìm khắp nơi nhưng vẫn không thấy. Màn đêm đã buông xuống, giờ thì nàng không kịp trở về nhà cùng các chị được rồi. Nàng ôm mặt khóc vì chẳng biết phải đi đâu về đâu.
Lần gặp nhân duyên đã tạo nên giai thoại tình yêu tại nhân gian. (Ảnh dẫn theo theepochtimes.com)
Lúc này Ngưu Lang mới rón rén bước tới gần nàng tiên và hỏi: “Tiểu thư ở đâu, sao giờ này còn chưa về? Có điều chi phiền lòng mà phải khiến nàng rơi lệ như vậy?”. Cô gái kể: “Ta là Tiên nữ trên trời, là con gái út của Ngọc Hoàng. Chỉ vì ham chơi mà cổng trời đã đóng, ta lại không tìm được áo. Nếu không thấy ta về phụ hoàng và mẫu hậu sẽ vô cùng lo lắng!”.
Ngưu Lang động lòng trắc ẩn, mang bộ xiêm y trả lại cho nàng, thẹn thùng nói: “Xin lỗi nàng, ban nãy ta đã nhìn thấy các nàng chơi đùa dưới dòng sông. Đột nhiên ta nhớ lại lời chú trâu già nói với ta rằng ‘hãy giữ lại xiêm y của nàng tiên thứ 7. Nàng ấy sẽ nguyện ý làm vợ ngươi’. Mặc dù lần đầu tiên nhìn thấy nàng, không phải ngẩn ngơ. Ta cũng không biết ai là nàng tiên thứ 7 và bộ xiêm y nào là của nàng. Ta chỉ chọn theo cảm nhận của riêng ta mà thôi. Xin lỗi nàng vì sự ích kỷ của ta mà khiến song thân nàng phải lo lắng và nàng cũng phải phiền lòng!”
Chàng trai đỏ mặt thẹn thùng nhưng vẫn sợ nàng khoác áo bay đi mất. Chàng đưa mắt nuối tiếc nhìn cô tiên út nói rằng: “Từ khi cha mẹ qua đời ta chỉ còn lại một mình với chú trâu già. Bây giờ chú ấy cũng bỏ ta mà đi, để lại mình ta cô quạnh. Nếu nàng không chê phận ta nghèo hèn, phàm tục, xin hãy ở lại đây bầu bạn cùng ta”.
Nàng tiên út nhìn chàng hồi lâu, lòng nàng rối như tơ vò, ngổn ngang bên hiếu bên tình. Nàng tiên út ngước nhìn Ngưu Lang, đột nhiên trái tim nàng thổn thức trước sự chân thành và lương thiện của chàng. Nàng chợt nghĩ: “Âu cũng là duyên phận. Nếu đã là số trời thì ta xin vâng mệnh!”.
Từ đó hai người kết thành phu thê và sống một cuộc sống yên bình. Chàng trai mua về một cặp nghé ngày ngày chăm bẵm. Chúng cũng không phụ công Ngưu Lang, con nào con nấy béo tròn và thi nhau sinh hết lứa này tới lứa khác. Còn Chức Nữ thì ngày ngày dệt những thước vải đẹp mắt cho chàng mang xuống chợ bán. Chẳng bao lâu sau nàng sinh hạ cho Ngưu Lang một bé trai và một bé gái kháu khỉnh, đáng yêu.
Thi thoảng những hôm trăng sáng vằng vặc Chức Nữ lại ngước lên bầu trời sao nhớ về cố quốc nơi thiên thượng mà mắt đẫm lệ. Thấy vợ chạnh lòng, Ngưu Lang lặng lẽ bước tới, kéo vạt áo lau nước mắt cho nàng và ôm lấy bờ vai bé nhỏ của nàng vào lòng. Chàng muốn dùng hơi ấm của mình để bù đắp lại cho những hy sinh của nàng.
Những ngày tháng yên bình cứ thế trôi qua. Cho đến một ngày….
Có câu rằng: “Một ngày trên trời, nghìn năm mặt đất!”. Trên thiên thượng Ngọc Hoàng thấy 6 nàng tiên chị đã về mà không thấy bóng dáng nàng tiên út xuất hiện. Ngài huơ tay một cái, một chiếc gương trong vắt hiện ra trước mặt. Trong đầu Ngài vừa thoáng hình dung lại hình ảnh nàng tiên út thì đã thấy cảnh gia đình nàng dưới hạ giới hiện ra sờ sờ trước mặt. Ngọc Hoàng nổi trận lôi đình ra lệnh cho Vương Mẫu Nương Nương hạ phàm đưa Chức Nữ trở lại thiên đình.
Trong căn nhà tranh Chức Nữ đang cần mẫn bên khung cửi thì đột nhiên thấy Vương Mẫu Nương Nương xuất hiện. Nàng mừng mừng tủi tủi ôm chầm lấy mẫu thân. Vương Mẫu Nương Nương dịu dàng nói với nàng: “Con gái yêu của ta, hãy trở về thiên thượng thôi. Phụ hoàng đang nhớ con lắm đấy! Phụ hoàng đã biết chuyện của con rồi, Ngài giận lắm đấy! Mọi chuyện trong cõi thế gian chỉ như ảo mộng, chẳng thể bền lâu. Trần Tiên cách biệt, con nên trở về nhà của mình thôi”.
Chức Nữ hiểu rằng nhân duyên giữa hai người đến đây đã dứt, chẳng thể cưỡng cầu. Nàng cúi đầu vâng mệnh, hai người cùng bay về trời.
Vừa lúc đó Ngưu Lang dắt hai con đi chợ về tới nơi. Nhìn thấy vợ bị dắt đi, chàng hốt hoảng chạy theo gọi tên nàng: “Chức Nữ…!!!”. Hai đứa con cũng nức nở gọi: “Mẹ ơi, mẹ về với con!”. Cuối cùng Ngưu Lang và hai con quỳ trên mặt đất khóc nức nở. Chức Nữ không dám quay đầu ngoảnh lại nhìn chàng và các con nhưng khóe mắt đã ướt nhòa bởi những hạt châu.
Lúc này Ngưu Lang chợt nhớ tới lời căn dặn của chú trâu già, bèn vội vàng tìm lại chiếc áo da trâu. Chàng để hai con vào hai cái sọt và gánh lên vai, rồi khoác chiếc áo da lên người. Quả nhiên người chàng nhẹ bẫng như lông hồng và vun vút lao vào không trung, xuyên qua hết tầng trời này tới tầng trời khác. Ngưu Lang sốt sắng đuổi theo, nhưng khi sắp đuổi được Chức Nữ thì Vương Mẫu Nương Nương đưa tay vạch một đường ngăn. Lập tức một dòng sông Ngân Hà mênh mông hiện ra trước mặt, ngăn cách họ thành hai ngả.
Ngưu Lang, Chức Nữ hai người xa cách hai nơi, chỉ biết nhìn nhau mà nước mắt hoen mi.(Ảnh fr.wikipedia.or)
Từ đó Ngưu Lang, Chức Nữ hai người xa cách hai nơi, chỉ biết nhìn nhau đẫm lệ. Ngưu Lang dắt theo hai con muốn tát cạn dòng sông Ngân Hà. Chàng cứ tát mãi tát mãi, dẫu mồ hôi đầm đìa, dẫu bàn tay rớm máu chàng cũng không dừng, mãi cho tới khi Ngưu Lang không thể chịu nổi mà ngất lịm ngay cạnh dòng sông. Tấm chân tình này đã cảm động tới Ngọc Hoàng. Ngài bèn sai chú chim Ô Thước truyền tin rằng hàng năm vào ngày mồng 7/7 đàn chim Ô Thước sẽ bắc một cây cầu ngang qua dòng sông Ngân Hà để hai người được hội ngộ trên cây cầu.
Nếu chim Ô Thước không truyền sai lời của Ngọc Hoàng, thì Ngưu Lang, Chức Nữ đã có thể gặp nhau mỗi tuần!
Cũng có truyền thuyết kể rằng chim Ô Thước truyền sai lời của Ngọc Hoàng. Chúng chót đổi ngày “Thất nhật (7 ngày) gặp nhau một lần” thành ngày “Thất tịch (ngày 7/7) gặp nhau một lần”. Vậy nên Ngưu Lang, Chức Nữ phải xa cách một năm mới được gặp lại nhau. Do đó đàn chim Ô Thước mới phải bắc cầu chuộc tội.
“Gió thu hiu hiu thổi, Ngân hà một dải chia đôi, Mối tình thiên thượng nhân gian, câu chuyện Thất tịch truyền ngàn năm qua. Tấm lòng son sắt bao la, Thất tịch tình ấy đã qua bao đời!”
Hàng năm vào ngày này, những đôi tình nhân lại không khỏi bồi hồi tưởng nhớ tới câu chuyện tình yêu của Ngưu Lang, Chức Nữ và thầm mong mình cũng có được tấm chân tình như vậy. Chức Nữ vâng mệnh trời mà kết duyên với Ngưu Lang, lưu lại cho nhân gian những thước vải mỹ miều, lưu lại cho nhân gian một tình yêu chân thành không màng danh lợi, vinh hoa, phú quý.
Chức Nữ cũng vâng mệnh trời mà trở lại thiên đình. Phải chăng câu chuyện muốn nhắn nhủ chúng ta rằng con người đều đến từ thiên thượng. Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình tại nhân gian thì cuối cùng họ cũng sẽ trở lại cố hương nơi thiên thượng của mình mà thôi!
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hiểu Mai biên dịch |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét