Tấm hình quý giá này có cả 3 thế hệ trong gia đình nhà Bohr của đất nước Đan Mạch. Trong đó có:
1. Người ông là Niels Bohr – nhà vật lý lý thuyết, nhận giải Nobel Vật lý năm 1922;
2. Người con trai là Aage Bohr – nhà vật lý hạt nhân, nhận giải Nobel Vật lý năm 1975;
3. Người cháu nội là Tomas Bohr.
Từ năm 1946, ông nội và bố cu Tomas Bohr đã làm việc cùng nhau ở Viện Niels Bohr (NBI) tại Đại học Copenhagen, với người bố đảm nhận vị trí giám đốc sau khi ông nội qua đời.
Còn chú bé Tomas Bohr ngày nào hiện là Giáo sư Vật lý tại Đại học kỹ thuật Đan Mạch, làm việc trong lĩnh vực động lực học lưu chất. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về vật lý của các hệ thống phức hợp và là một trong những người khởi xướng Trung tâm Nghiên cứu Hỗn loạn và Bất ổn (CATS) tại hai đại học danh giá của Đan Mạch. Hiện đang có hy vọng ông sẽ là người thứ ba của nhà Bohr nhận giải Nobel và sẽ tạo ra kỳ tích là gia đình đầu tiên trên thế giới có 3 thế hệ nhận giải này.
Nhà họ quá có phúc, vì ông, cha và con đều là người giỏi.
TÌM LẠI MỘT ĐỊNH NGHĨA MỚI CHO CHỮ “ NHẠC SẾN”
Quỳnh Giao
LTS: Mời các bạn đọc lại một bài viết từ năm 2008 của cố danh ca Quỳnh Giao, nói về dòng nhạc dành cho đại chúng người Việt mà cô gọi là “nhạc chân quê”, nhưng đã từng bị gọi là “nhạc sến” một cách miệt thị.
—
Nếu có phải giải thích cho người ngoại quốc về nền tân nhạc Việt Nam, có lẽ chúng ta sẽ hơi lúng túng.
Có lần một bà bạn Mỹ (một tay viết opera hiện đại) muốn được nghe thử một số ca khúc Việt Nam… để biết.
Và sau một số bài hát tiêu biểu – không do Quỳnh Giao trình bày trên đĩa dĩ nhiên mà trên đàn dương cầm ở trong nhà – bà bạn người Mỹ gốc Do Thái này hơi ngẩn người khi được nghe “Dòng Sông Xanh”, ấn bản Việt Nam của The Blue Danube của Strauss.
Sau đó, bà ta mới có vẻ nguôi ngoai khi nghe Bến Xuân Xanh của Dương Thiệu Tước!
Lúc đó, mình phải giải thích bằng cách nhắc lại rằng Johann Strauss viết bài này với lời từ của Josef Weyl và là một thất bại trong buổi trình diễn đầu tiên. Thất bại ngay từ hậu trường vì dàn hợp xướng không chịu hát!
May quá, sau đó Strauss được mời qua Paris trình tấu lần đầu và được ban tổ chức yêu cầu trình bày thêm một bản luân vũ trong chương trình. Nhớ lại tác phẩm bị lãng quên, Strauss cho gửi phần nhạc từ Vienna qua và nhạc khúc được nhiệt liệt khen ngợi bên dòng sông Seine. Đêm đó, nhạc sĩ của chúng ta phải trình tấu lại hai chục lần! Từ đấy, sóng xanh trên sông Danube đã chan hoà trên cả thế giới.
Nếu người Việt mình có ưa thích mà hát thành lời thì cũng là chuyện tự nhiên thôi!
Sau đấy mới là phần Quỳnh Giao diễn giải theo kiểu ăn “fast food” về nhạc sử Việt Nam, thời hiện đại…
Thật ra, tân nhạc Việt Nam như chúng ta hiểu ngày nay mới chỉ xuất hiện từ bảy chục năm thôi. Trước đó, chúng ta không xướng và ca như vậy, mà cũng chẳng dùng nhạc cụ đã trở thành phổ thông như ngày nay. Từ khoảng 1938 trở lại, các nhạc sĩ thời tiên phong đó và còn rất trẻ của chúng ta mới thử viết ký âm pháp theo cung bậc Tây phương và dùng các nhạc cụ mới để diễn tả hồn nhạc của mình.
Họ gọi đó là “nhạc cải cách” (xin đừng hiểu lầm là “nhạc cải lương”), hay “tân nhạc” như chúng ta gọi ngày nay.
Từ thời kỳ phôi thai ấy – khi Phạm Duy còn là “teenager” – qua lớp người đi bước đầu như Nguyễn Văn Tuyên, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Xuân Khoát, Thẩm Oánh hay Lê Thương, người ta có thể nghiệm thấy một điều: như món phở mình coi là cổ truyền, tân nhạc Việt Nam xuất hiện trước tiên là… từ thành phố!
Phở là món ăn của thành phố, khác với các loại bún (ốc, riêu, v.v…) là món quà từ thôn quê vào thành phố. Tân nhạc cũng thế. Nó xuất hiện từ thành phần nghệ sĩ tại các đô thị có tiếp xúc với văn hoá và nghệ thuật Tây phương, từ người Pháp.
Nhưng sau đó, cùng sự xuất hiện của một hiện tượng mới khác là đài phát thanh (cũng của Pháp) và các biến động lịch sử khiến người mình phải di chuyển rất nhiều trong nước, nhạc cải cách đã thổi lên những giai điệu mới lạ trên khắp mọi miền.
Ngược lại, các nghệ sĩ cũng tiếp nhận âm hưởng của thôn quê, và tìm cách cải biên hoặc cách điệu hoá dân ca truyền thống của chúng ta. Đấy là thời kỳ xuất hiện loại dân ca cải biên, gần như cùng lúc với các ca khúc khơi dậy lòng yêu nước để vùng lên giành lại độc lập…
Sau đó, giữa hai dòng nhạc – được Tây hoá với lời Việt hay dân nhạc được trình bày trên cung bậc mới của Tây phương – ta thấy xuất hiện một thể loại khác. Đó là những bài ca về nếp sống bình dân tại thôn quê đã từ quê hương đồng nội lặng lẽ chinh phục thành phố.
Chúng ta thật ra chưa biết nên gọi loại nhạc này là gì.
Đặc tính là nhạc bình dân trong ý nghĩa là được đại đa số người miền quê yêu thích khi họ vào sinh sống trong thành phố. Nhưng các ca khúc ấy lại không hẳn là dân ca cổ truyền hoặc được cách tân, và dù là có giai điệu gần gũi với miền quê, chúng lại có nhịp tiết pha trộn giữa boléro với tango habanera!
Đây cũng không hẳn là cổ nhạc mà vẫn gợi nhớ nét nhạc truyền thống và xen vào nhịp phách lẫn tiếng đàn tranh là dàn trống kèn Âu-Mỹ! Quan trọng nhất, lời ca phải giản dị, dễ nghe và dễ nhớ nên dễ hát, và có tính cách kể truyện, và hầu hết được viết trên cung thứ (minor).
Chúng ta có thể tạm gọi loại nhạc này là nhạc miền quê khi vào thành phố, có nét vui buồn tùy tâm trạng của người viết và người hát và cũng tùy theo hoàn cảnh của đất nước vào mỗi thời.
Người tân tiến của thành phố thì phũ phàng gọi đây là “nhạc sến” hay “nhạc máy nước”! Mỗi người có thể giải thích một cách cái lối gọi rất kỳ lạ này.
Nhưng từ “sến” đầy ý miệt thị có lẽ xuất phát từ cách đọc trại để nói về người làm trong nhà, về con sen – một ngôn ngữ đanh đá rất Bắc Kỳ! Ai không tin thì hãy nhớ tới những cách đọc trại khác mà xem: “kẻng”, “mẽo”, “tẩy”, “tẫu”… là phong thái Hà Nội (di cư) nói về Mỹ, Tây, Tầu!… Và loại nhạc đó bị coi là của con sen con đỏ hát hỏng với nhau ngoài máy nước – của thành phố – chứ không phải bên giếng nước trong làng.
Nhìn một cách nào đó thì dân ta hơi ác, và đầy tính kỳ thị!
Chứ về mặt văn hoá xã hội, loại nhạc ấy không xa loại “country” vẫn được dân Mỹ nồng nàn hát ở khắp nơi. Cũng dễ nghe, dễ hát và nội dung là kể truyện…
Thật ra, mình có thể gọi nhạc này là nhạc “chân quê”.
Có lẽ, một trong các bài chân quê đầu tiên ấy là “Lời Người Ra Đi” của Trần Hoàn, khác hẳn các bài dân ca cải biên đầy nghệ thuật thời kháng chiến của Phạm Duy từ mươi năm trước đó. Khác xa, và thua xa về sức mạnh cổ động, vốn là mục tiêu của ca khúc.
Với đa số chúng ta ở trong Nam, nhạc sĩ có nhiều tác phẩm nhất trong thể loại đó chính là Hoàng Thi Thơ. Ông viết theo xu hướng miền quê và gọi tên rất đúng là “tình tự dân tộc”.
Đó là “Gạo Trắng Trăng Thanh”, “Trăng Rụng Xuống Cầu”, hay “Duyên Quê”… Muốn nhắc tới một kỷ niệm tiêu biểu của loại nhạc ấy thì phải nhớ tới cặp Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết trong bản “Trăng Rụng Xuống Cầu”. Sau này, chúng ta có cặp Trang Thanh Lan và Quang Bình là những người nối tiếp.
Trong thể loại chân quê, chúng ta còn có Trúc Phương – nhưng bùi ngùi chứ không vui nhộn như Hoàng Thi Thơ – và cả Lam Phương hay Minh Kỳ, các nhạc sĩ tài hoa có thể viết cả hai loại nhạc bình dân và tân kỳ. Khi chiến cuộc lan rộng, chúng ta có thêm tác phẩm của Trịnh Lâm Ngân hay Lê Minh Bằng và cả Duy Khánh, Trần Thiện Thanh với các ca khúc viết cho người lính, kể truyện lính chiến bằng nhịp boléro và tango habanera.
Ngày nay, khi nhớ lại, chúng ta vẫn rưng rưng nước mắt với các khúc hát của Hoàng Thi Thơ, Trúc Phương hay Lam Phương, của Lê Minh Bằng (tên chung của Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng), Trịnh Lâm Ngân (tên chung của Trần Trịnh, Nhật Ngân), hay Duy Khánh, Trần Thiện Thanh… Đấy mới là những ca khúc đầy tình tự dân tộc, khác hẳn loại nhạc nôm na chịu ảnh hưởng từ phim bộ Hồng Kông hay Đại Hàn đang được trình bày dưới ánh đèn lập loè mà không gợi cảm xúc nào cho người nghe.
Có lẽ, chúng ta phải tìm lại một định nghĩa mới cho chữ “nhạc sến”.
Quỳnh Giao
Phi công 16 tuổi bay một mình vòng quanh thế giới tới Việt Nam
Mack Rutherford, thiếu niên 16 tuổi, mang quốc tịch Anh - Bỉ, khao khát trở thành phi công trẻ tuổi nhất thế giới bay một mình vòng quanh thế giới khi thấy Zara Rutherford, 19 tuổi, chị cậu, lập kỷ lục là nữ phi công trẻ tuổi nhất bay một mình vòng quanh thế giới.
Lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm phi công, Mack Rutherford đã từng bay hàng trăm giờ cùng với cha, trong đó có 2 chuyến bay vượt Đại Tây Dương.
Mack Rutherford đã loan báo ý định bay một mình vòng quanh thế giới vào ngày 15.2.2022 tại phi trường London Biggin Hill không đầy 1 tháng sau khi chị cậu hoàn thành chuyến bay vòng quanh thế giới. Cậu nói: “Tôi luôn biết rằng minh muốn làm một điều thật đặc biệt trong cuộc đời mình trong ngành hàng không, nhưng tôi vẫn chưa biết chắc mình có thực hiện nổi điều ấy không cho tới khi tôi thấy chị Zara làm được điều đó”.
Chuyến bay vòng quanh thế giới của cậu dự kiến sẽ kéo dài từ 2 tới 3 tháng và những nước cậu sẽ hạ cánh là Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico và Greenland.
Mack Rutherford đã từ Winchester (Anh) tới thủ đô Sofia của Bulgaria để bắt đầu chuyến bay vòng quanh thế giới. Cậu lái chiếc máy bay Shark Aero cực nhẹ có thể bay với vận tốc 300 km / giờ.
Ngày 19.7.2022, Mack Rutherford đã hạ cánh tại Đà Nẵng. Điểm dừng chân tiếp theo của cậu sẽ là Philippines.
Huỳnh Duy Lộc
NHỮNG CHIẾC XE MÌ CỦA QUÁ KHỨ…
Sài gòn từ khi hình thành là nơi đất lành chim đậu, là nơi giao thoa các nền văn hoá khác nhau. Đó không chỉ là nơi hội tụ của người Việt từ ba miền Nam, Trung, Bắc mà còn là nơi đón nhận nhiều phong tục, lối sống của nhiều dân tộc khác nhau trên thề giới nữa. Đặc biệt là văn hoá ẩm thực. Ở Sài Gòn ta có thể thưởng thức món gan ngỗng béo ngậy của Pháp, món lẩu chua cay của Thái, mắm bò hóc và chè Kampuchia, món sushi của Nhật, món piza của Ý, món cari của Ấn, món nướng của Hàn, món soup rau của Địa Trung Hải, món cháo ếch của Singapore, món Dim sum Hồng Kông...và đặc biệt không thể không nhắc đến những món ăn của người Hoa Chợ Lớn.
Ẩm thực của người Hoa thì vô cùng phong phú, kể ra cũng vài trang giấy. Ở đây, trong phạm vi những dòng ngắn ngủi đầu xuân, tôi chỉ nói tới món hủ tíu và mì của họ. Những món ăn luôn hấp dẫn tôi từ trước đến nay.
Nhắc tới món ăn này trước hết phải kể đến chiếc xe mì.
Đó là những chiếc xe thường xuất hiện vào lúc xẩm tối, bên vỉa hè, nơi góc chợ, chỗ có đông người qua lại. Đó là những chiếc xe chuyên dụng, chỉ dùng để bán hủ tíu, mì. Trên chiếc xe này được trang bị đầy đủ như một quán ăn, có bếp đốt bằng than củi, có chỗ xài bình ga, lửa xanh lét phì phì, có nồi nước lèo hai ngăn to bự chảng, một bên để trụng hủ tíu, mì, ngăn còn lại chứa nước lèo sôi sùng sục. Nước lèo thường được hầm với xương, củ cải trắng, mực, tôm khô, có nơi còn có cả sá sùng. Bên trên có tủ kiếng chia ngăn để thịt, rau hành. Đặc biệt luôn luôn bên cạnh thùng nước lèo có mặt một cái vịm bằng gốm, trong chứa mỡ nước và những miếng mỡ heo thái hạt lựu đã được thắng vàng.
Tôi có mấy người bạn làm nghề này bảo rằng thứ làm cho tô mì ngon hay dở đều nằm trong cái vịm thắng mỡ này. Theo họ thì cái này không chỉ chứa mỡ mà còn được gia cố thêm bột nêm, bột ngọt và bí quyết riêng của mỗi xe mì. Trụng xong mì hay sợi hủ tíu, bỏ vào tô, cho thịt, xá xíu, hành, rau, lúc đó múc một muỗng mỡ vào rồi mới chế nước lèo lên. Không có cái muỗng mỡ này, tô mì ăn lạt nhách. Hơn nữa, nồi nước lèo nếu nêm nếm gia vị nhiều quá sẽ mau thiu, không thể để lâu được. Còn cái vịm mỡ gia vị đó thì để bao lâu cũng chẳng hư. Âu đó cũng là kinh nghiệm gia truyền.
Ba mặt của xe mì thường có ba tấm thiếc, nhôm hoặc inox hay ván gỗ, mở ra, cài hai cái móc, để thêm mấy cái ghế xếp nữa thành bàn. Trên đó để chai giấm, chai nước tương, hủ ớt dầm giấm và lon guigoz đựng muỗng đũa. Ông bà nào dân Việt thuần tuý đi ăn mì Tàu mà muốn kiếm nước mắm sẽ không bao giờ tìm thấy ở đây. Nếu quán đông khách, người ta kê thêm mấy cái bàn, vài cái ghế đẩu và quán hoạt động đến khuya.
Nhắc xe mì mà không nói đến những tranh kiếng đủ màu trang trí trên xe là một thiếu sót lớn. Đó là những tấm tranh vẽ những điển tích của văn hóa dân gian Trung Hoa. Đó là những cảnh minh họa truyện Tam Quốc như nhân vật Quan Công mặt đỏ râu dài cỡi ngựa đỏ, Trương Phi râu rậm, mắt lồi dữ tợn, Triệu Tử Long múa đao, đó là cảnh Bát tiên phó hội, Bát tiên quá hải, Tôn ngộ không, Thất hiền, rồng phụng tương giao, cảnh sơn thuỷ.....
Tất cả đều tô màu sặc sỡ, với một kỹ thuật đặc biệt và nét vẽ điêu luyện tuy chỉ do những người thợ mỹ nghệ làm ra. Đến nay, nghề này đã bị thu hẹp lại, các nghệ nhân xưa đã già hay đã qua đời, nghề lại ít người theo nên tranh kiếng ngày nay thiếu mất cái hồn, cái uy nghi, vũ dũng trong nét bút của thời xưa. Hồi đó, mỗi lần đi ăn mì, tôi say sưa ngồi ngắm những tranh vẽ đó, về nhà học vẽ theo đầy cả vở, bị ba tôi phạt hoài.
Ngày nay, những xe mì với tranh kiếng vắng bóng dần trên các vỉa hè, đôi khi lại tìm thấy trong các nhà hàng, người ta để như là một biểu tượng. Chiếc xe mì tranh kiếng nằm nơi góc chợ, bên lề đường có vẻ hay hơn, đắc địa hơn, có sinh khí hơn nhiều.
Ngoài những xe mì cố định, còn có xe mì lưu động. Đó là những chiếc xe nhỏ hơn, trang bị gọn hơn, ít khi có tranh kiếng, nếu có cũng vẽ đơn giản, sơ sài hơn. Ông chủ xe thường là tuổi trung niên, mặc cái áo thun ba lỗ, vai vắt khăn. Bên cạnh thường có những đứa bé cầm hai thanh tre đã lên nước nâu bóng gõ theo nhịp điệu muôn đời không đổi sực ..tắc, sực...tắc. Tiếng gõ vang một góc đường, một con hẻm giữa đêm gợi cho ta thèm muốn một bát mì nghi ngút giữa đêm, giúp cho người đi chơi khuya về có bát mì ngon, giúp kẻ lỡ đường với số tiền ít ỏi qua cơn đói. Bởi những xe mì lưu động này bán giá rất bình dân, tuy vậy cũng có những xe mì lưu động rất ngon không khác gì những xe, những quán cố định.
Nhiều người đi xa có lúc nhớ về quê nhà lại nhớ tiếng sực tắc đêm khuya. Có những người đã già, nhớ lại thời bé dại, cũng có lúc lại nhớ tiếng gõ đều đều của hai thanh tre của chiếc xe mì đi qua ngõ quá khứ.
Tô mì hay hủ tíu thường được ăn cùng với xá xíu, những miếng thịt heo nạc màu đỏ xắt mỏng ăn thơm thơm mùi ngũ vị hương, ngòn ngọt của mật ong phết lên lúc quay lúc nướng. Cũng có mì hủ tíu ăn với cật, gan heo và con tôm hồng hào hấp dẫn. Còn có mì hoành thánh, sủi cảo chấm tương ớt hoặc nước tương. Bỏ vào miệng cảm được cái mềm mại của bột, cái dai dai béo béo đậm đà của thịt, cái ngọt lừ của nước lèo, tất cả hoà thành một hương vị đặc biệt khó quên. Người Hoa Chợ Lớn có người Tiều, người Quảng, người Hẹ, Phúc Kiến, người Hải Nam... Người vùng nào cũng có người làm nghề bán hủ tíu mì. Nhưng riêng tô hủ tíu mì của người Quảng thường có miếng bánh tráng mỏng nho nhỏ chiên vàng ươm, trên có một vài con tôm nhỏ để nguyên chân cắng, râu càng. Cắn miếng bánh dòn rụm, húp thêm niếng nước lèo, đưa thêm vài sợi mì, ngon!
Sau này còn có Hủ tíu sa tế, gồm bò hoặc nai ăn với một loại sauce cay cay trộn đậu phụng giã nát. Hình như những quán bán loại này đa phần là người Triều Châu, không biết đúng không bởi món này cũng không phổ biến lắm?
Tô mì ngon ngoài nước lèo ngọt, đậm đà, thịt chế biến giỏi còn có yếu tố quan trọng là sợi mì phải dai, ăn đến muỗng cuối cùng, mì vẫn không nhão nát. Mì được làm từ bột mì, thêm màu vàng óng của nghệ hoặc phầm màu và nghe đâu phải có tro tàu sợi mì mới dai ngon. Có loại sợi mì nhỏ như sợi bún, cũng có loại to dẹp, ngon dở tuỳ khẩu vị mỗi người mà lựa chọn. Khi trụng mì cũng là một kỹ thuật. Có nơi trụng bằng nước sôi, xong lại qua một lượt nước lạnh, rồi trụng sơ lại nước nóng lượt nữa mới cho vào tô. Trụng như thế sợi mì sẽ dai lâu mà không nát. Mì được khoanh từng vắt nhỏ dáng tròn tròn như hột vịt. Có người muốn ăn no, thường kêu ba hoặc bốn vắt một tô. Nhìn tô mì đầy nhóc thấy ớn. Cũng có đôi chỗ bán mì tươi, kéo mì tại chỗ thành những sợi dài, kiểu mì này cũng ít nơi bán vì rất mất thì giờ chở đợi.
Sợi hủ tíu làm bằng bột gạo, sợi hủ tíu ngon là sợi hủ tíu không bị nhão khi ăn, nuốt vào miệng nghe trơn tuột và cũng cần kỹ thuật khi trụng.
Cũng có nhiều xe mì bán thêm món há cảo, bột được bọc với con tôm, đem hấp chín, khi ăn chấm với tương ớt và xì dầu.
Có người thích ăn chung một tô có mì lẫn hủ tíu, cũng là một cái thú vì ăn được hai thứ trong một tô. Thế nhưng có nhiều xe mì không chịu làm thế, hủ tíu là hủ tíu, mì là mì, không thế có thứ hỗn hợp như thế.
Đi năm châu bốn bể, kể cả một thời gian khá dài ở bên Trung quốc, tôi vẫn không thấy đâu ngon bằng tô hủ tíu mì ở Việt Nam, đặc biệt là tô mì ở Chợ Lớn. Họ cũng gọi là mì nhưng thiếu cái hương vị mình đã dùng qua, cái cảm giác mà mình đã hưởng thụ. Ngay khi ra Hà Nội, hay về Đà Nẵng, vẫn thấy tô mì không giống tô mì Chợ Lớn. Bởi tô mì của quá khứ là tô mì quen thuộc, đã theo ta suốt một quãng đường dài của cuộc đời.
Bây giờ ở Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, cũng chẳng khó khăn gì để kiếm một bát mì ngon, nhưng ăn trong quán, trong nhà hàng máy lạnh lại không có được cảm giác thú vị của ngọn gió đêm hiu hiu, ngọn đèn đường hắt hiu và phố xá có người qua, ăn trong âm thanh rộn rã của cuộc sống.
Tìm tô mì dễ dàng nhưng không còn thấy những chiếc xe mì lưu động, thay vào đó là những xe mì gõ mới không như cũ, tiếng sực tắc cũng chẳng còn âm thanh cũ, chất lượng, hương vị cũng đổi thay và tiếc nhất là những xe mì vỉa hè có những bức tranh kiếng. Giờ vẫn còn rải rác đâu đó để kiếm tìm, nhưng chắc chắn mốt mai, nó chỉ còn trong kỷ niệm.
Ai cũng có một món ngon của quá khứ, và chằc hẳn món đó là món ngon nhất trong tâm tưởng của riêng mình.
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét