a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

Tò mò diện mạo Nhật Bản những năm 1860 - 1870 qua loạt ảnh độc

 

Hai nhiếp ảnh gia người Áo WiIhelm Burger và Michael Moser đã ảnh về đất nước - con người Nhật Bản những năm 1860 - 1870. Hiện một số bản in phóng to của các bức ảnh phục chế này được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Minato, Tokyo.

Viện Sử học Đại học Tokyo đã thực hiện dự án về phục chế các bức ảnh chụp đất nước, con người Nhật Bản thời xưa bằng công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Trong số này có những bức ảnh do hai nhiếp ảnh gia người Áo WiIhelm Burger (1844-1920) và Michael Moser (1853-1912) chụp ở Nhật Bản những năm 1860 - 1870. Trong ảnh là Giáo sư Toru Hoya kiêm giám đốc Viện Sử học Đại học Tokyo đứng trước một bản in phóng to của bức ảnh cũ chụp Nagasaki. Bức ảnh được treo ở lối vào của viện.

Nhiếp ảnh gia Burger và Moser đến Nhật Bản vào năm 1869 nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong khi ông Burger - nhiếp ảnh gia chính thức của chuyến đi ở Nhật Bản trong vài tháng thì ông Moser (khi ấy 16 tuổi và làm trợ lý cho Burger) ở lại xứ sở hoa anh đào trong 6,5 năm. Hai người đã chụp ảnh và sưu tầm bức hình về Nhật Bản. Sau khi rời Nhật Bản, họ mang theo hàng trăm tấm kính âm bản. Bức ảnh bên trái chụp chân dung nhiếp ảnh gia Moser khi ở Nhật Bản. Tấm ảnh bên phải chụp ông Moser đang thực hiện tráng phim âm bản trong một phòng tối di động.

Ảnh chụp khu vực phía tây núi Atago thuộc phường Minato, thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày nay.

Xe kéo là một trong những phương tiện di chuyển khá phổ biến ở Nhật Bản những năm 1860 - 1870.

Một người đàn ông ngồi trước chùa Sengakuji ở phường Minato, Tokyo.

Cận cảnh người đàn ông Nhật Bản ngồi trước chùa Sengakuji có đeo một chiếc nhẫn và đi ủng kiểu phương Tây.

Trên bức tường gỗ của cánh cổng ngôi chùa có một bức vẽ nguệch ngoạc có thể do trẻ con tạo ra.

Cây cầu gỗ Nihonbashi ở phường Chuo, Tokyo ngày nay. Bức ảnh được cho là chụp vào khoảng năm 1872.

Tâm Anh (theo U-tokyo)


XE ĐẠP LÀ CÁI CHẾT TỪ TỪ CỦA HÀNH TINH

 

Giám đốc điều hành Ngân hàng Euro Exim khiến các nhà kinh tế suy nghĩ rất nhiều khi ông nói:

 ′′ Người đi xe đạp là thảm họa cho nền kinh tế đất nước: anh ta không mua ô tô và không vay tiền để mua. Anh ta không trả tiền cho các hợp đồng bảo hiểm. Anh ta không mua nhiên liệu, không trả tiền cho bảo dưỡng và sửa chữa xe cần thiết. Anh ta không sử dụng bãi đậu xe trả tiền. Anh ta không gây ra tai nạn nghiêm trọng. Anh ta không yêu cầu nhiều đường cao tốc nhiều làn. Anh ta không bị béo phì.

 Người khỏe mạnh không cần thiết cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế. Họ không mua thuốc, không đến bệnh viện hay gặp bác sĩ. Họ không đóng góp thêm gì cho GDP của đất nước.

 Ngược lại, mỗi cửa hàng McDonald's mới đều tạo ra ít nhất 30 việc làm: 10 bác sĩ tim mạch, 10 nha sĩ, 10 chuyên gia dinh dưỡng, và rõ ràng nhất là những người làm việc trong cửa hàng".

 Do đó hãy lựa chọn thật kĩ: một người đi xe đạp hay một cửa hàng Mc Donald?

 Đáng để suy ngẫm.

 Đi bộ còn kinh khủng hơn. Người đi bộ thậm chí còn không mua xe đạp.

Sưu tầm


TRÍ TUỆ NGƯỜI MỸ

 1. INTERNET

 Được phát triển bởi quân đội Mỹ những năm 1960 nhằm kết nối các máy tính của Bộ Quốc Phòng Mỹ. 

Đến đầu những năm 1970, mạng nội bộ này của BQP Mỹ được kết nối với một số các trường đại học và viện nghiên cứu tạo nên mạng đầu tiên mang tên ARPANET. 

Đến những năm 1980 thì bắt đầu thương mại hóa và 1990 trở đi thì bắt đầu phủ kín toàn cầu.

 2. ĐIỀU HÒA NHIỆT ĐỘ

 Chiếc máy điều hòa nhiệt độ đầu tiên được chế tạo bởi kỹ sư người Mỹ Willis H. Carrier năm 1902. 

Hãng điều hòa Carrier tồn tại cho đến ngày nay và là một nhãn hiệu nổi tiếng.

3. CHIP CPU MÁY TÍNH  

 Bất kể chiếc máy tính bạn dùng nhãn hiệu gì, sản xuất ở đâu thì “bộ não” CPU của nó chỉ có thể là sản phẩm của Intel hoặc AMD, hai hãng điện tử của Mỹ.

 4. ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG

 Chiếc điện thoại di động cầm tay đầu tiên trên thế giới là chiếc Motorola DynaTAC 800x được chế tạo năm 1983. Khi đó nó có giá 4000 USD và có thể gọi được 30 phút.

 5. ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH 

 Chiếc Smartphone đầu tiên được hãng IBM chế tạo năm 1992 với tên Simon Personal Communicator, giá 899 USD. 

Chiếc điện thoại này có màn hình cảm ứng đen trắng, ngoài gọi điện thoại có thể dùng để nhận gửi email, fax, và nhắn tin. 

15 năm sau, iPhone mới ra đời.

 6. MÁY BAY

 Chiếc máy bay đầu tiên bay thành công do anh em nhà Wright chế tạo và thực hiện năm 1903. Chuyến bay có động cơ, điều khiển được và đã bay một đoạn dài 6km. Hai anh em nhà Wright được coi là cha đẻ của ngành hàng không thế giới.

 7. BÓNG ĐIỆN 

 Chiếc bóng đèn sợi đốt thương mại đầu tiên được chế tạo bởi Thomas Edison năm 1879. 

Thú vị ở chỗ sợi đốt dùng trong những chiếc bóng đầu tiên là sợi tre được phủ các-bon và có khả năng thắp sáng 1200 giờ.

 8. TRUYỀN HÌNH VÀ TV MÀU 

 Hệ thống truyền hình màu đầu tiên thiết kế bởi công ty RCA (Radio Corporation of America) bắt đầu phát sóng ngày 17.12.1953. Chiếc TV màu đầu tiên cũng được chế tạo bởi hãng này được xuất ra thị trường năm 1954.

 9. MÁY PHOTOCOPY VÀ MÁY IN LASER

 Đều được phát triển bởi công ty Xerox những năm 1950 và 1970.

 10. CÒN NHIỀU SẢN PHẨM KHÁC NỮA 

 Nhưng không thể kể hết ở đây được, thí dụ như : Facebook, Yahoo, Google, Youtube, định vị GPS…

 Nếu kể tới đây mà bạn vẫn ghét Mỹ ? Bạn có thể cho rằng : 

 - “OK, một ông nông dân sáng đi cày, không dùng internet, không có điện thoại, không biết xài máy tính, tối về không xem TV, nhà không có điện, chỉ thắp đèn dầu, ăn cơm rau muống chấm nước mắm, phủi chân rồi đi ngủ thì xài gì của Mỹ ?”.

 Xin thưa ổng vẫn xài đồ của người Mỹ. 

Trước đây các cụ ta chỉ thắp nến và dầu lạc, chiếc đèn dầu xuất hiện ở VN vào những năm 1920 khi các hãng dầu mỏ trong đó có các hãng Mỹ lần đầu vào VN. 

Khi đó, để bán được dầu, họ khuyến mãi và phát không các chiếc đèn đốt dầu có bóng che gió sáng hơn đèn dầu lạc... 

Vì thế các đèn này còn có tên gọi là "đèn Huê Kỳ" hay "đèn Hoa Kỳ".

Xài đèn dầu là xài sản phẩm của Mỹ rồi.

Sưu Tầm

Lời nguyền trên đỉnh đèo Rù Rì

Tôi khom người xuống. Chiếc xe đạp đổ đèo mỗi lúc một nhanh. Đường vắng. Đến gần khúc quẹo đầu tiên, tôi đạp nhẹ chân thắng phía sau, vừa đủ để bẻ một vòng cua thật hách. Xe tiếp tục đổ nhanh, đợi gần đến miếu, tay bóp thắng trước, chân đạp thắng sau, nghe phựt, rồi phựt, bóp mạnh thắng tay, gót chân phải đè xuống thắng chân phía sau. Tất cả đều nhẹ hều, chiếc xe như một mũi tên bắn, cứ lao nhanh về phía trước, tôi gập người xuống đến mức tối đa, lạng xe qua khúc quành, chiếc xe vượt khỏi tầm kiểm soát của tôi, lao thẳng giữa hai bệ chắn, mũi tên đã đạt tốc độ tối đa, vút về phía trước. Bên dưới là thung lũng đen ngòm. Tôi bay, bay, bay... từ trên cao độ gần 50 mét, so với mặt đường bên dưới chân đèo. Tôi nhắm mắt, hét lớn. Vùng dậy... Cả người vã mồ hôi…

Giấc mơ trở đi trở lại nhiều lần, làm cho tôi, dù cố gắng quên đi lời nguyền, nhưng không thể nào thoát khỏi. Vâng, đó là một lời nguyền hết sức cay độc, từ xa xưa lắm, đã được ông Cố tôi đích thân chôn xuống trên đỉnh đèo Rù Rì.

*****

Ba Má tôi quyết định đưa gia đình về sống tại một vùng thôn quê hẻo lánh này từ đầu năm 1970. Từ đỉnh đèo Rù Rì, nhìn về hướng đông bắc, một eo biển nhỏ hiện giữa những đồi núi chập chùng. Eo biển đó là eo biển Lương Sơn, trên đường ra Ninh Hòa. Làng quê đó, chính là làng Lương Sơn như mọi người thường gọi. Đây là một làng nhỏ, cách chân đèo Rù Rì khoảng 3 km và trung tâm thành phố Nha Trang chừng 12 km. Lưng dựa vào núi, mặt nhìn về hướng biển, nên dân trong làng sống chủ yếu vào nương rẫy trên núi và tôm cá ngoài biển khơi.

Từ lúc hiểu được, tôi đã nghe, đã biết về những tai nạn thảm khốc trên đèo Rù Rì. Lên 6, 7 tuổi, tôi đã nghe những lời than khóc buồn bã từ thân nhân của những người mất, bị tai nạn trên vùng đèo này. Lớn lên tí xíu, tôi đã chính mắt nhìn thấy những thân thể đầy máu, sau những tai nạn nơi đây. Khi tôi bắt đầu vào Trung học, mỗi ngày dắt xe đạp lên đèo, xổ đèo, những hình ảnh đó luôn ám ảnh tôi. Tôi lo một, nhưng ba má tôi lo đến mười.

Mỗi năm, ít nhất một vụ tai nạn khủng khiếp xảy ra. Ngôi miếu nhỏ nằm giữa lưng chừng đèo, ở mặt Nam, luôn là nỗi ám ảnh mỗi khi một mình dắt xe đạp đi qua. Tôi sợ, nên thường đi chung với các bạn. Hoặc khi đạp xe đến tận chân đèo, nhưng chưa thấy ai, thế là ngồi chờ. Chờ có người nào đó cùng dắt xe lên đèo. Năm 1983, số tai nạn quá nhiều, mà hai tai nạn thảm khốc, một vào giữa năm, xảy ra ngay miếu thờ, và một vào cuối năm, những ngày cận tết, bên kia dốc đèo, tại hướng ngã ba: một đường lên Thành, và đường hướng kia về Nha Trang. Tai nạn này, đã cướp đi mất một người bạn mà tôi quen biết, học trên tôi một lớp. Có lẽ, nhiều tai nạn quá khủng khiếp xảy ra liên tiếp, và chúng tôi cũng đã khôn lớn, Ba tôi, quyết định kể một chuyện hệ trọng mà ông giấu từ lâu. Câu chuyện đó liên quan đến ông Cố tôi và lời nguyền cay độc ngày xưa ấy.

*****

Ba tôi kể rằng, vào những năm đầu 1900’s, người Pháp mở đường xá từ miền Nam ra tận miền Trung. Mở ra rộng hơn, tạo cho môt vóc dáng mới cho quốc lộ 1. Ông Cố tôi, là một người nhà quê, giỏi chữ nho từ nhỏ, nhưng thi nhiều lần không đỗ nên ông chỉ làm một ông giáo làng. Nhưng điều ngạc nhiên là không biết ông học từ đâu, mà có thể đọc và hiểu được ít nhiều tiếng Pháp. Và khi người Pháp vừa ép buộc, vừa tuyển mộ khắp nơi để mở đường, vì kinh tế gia đình, ông cố tôi quyết định gác nghề dạy học, và tham gia đoàn người đi mở đường này. Thông thạo chữ nho, và hiểu ít nhiều tiếng Pháp, ông được giao cho việc phụ sổ sách. Dần dần, tạo được tín nhiệm với viên sĩ quan Pháp đứng đầu công trình này, ông được giao phó nhiều công việc quan trọng hơn. Cuối cùng, ông được trọng dụng như là một người giúp việc gần gũi và tín cẩn.

Từ thành Diên Khánh, đường được mở rộng xuống Nha Trang. Rồi từ Nha Trang ra Ninh Hòa. Nỗi vất vả của những người mở đường này là đoạn đèo Rù Rì. Đường dốc quanh co. Không ít người đã bỏ mình ở đó. Một hôm, trong lúc đang đào đất, những người phu đã phát hiện một hầm lớn bên chân đèo phía Bắc. Khi ông Cố tôi đến, người ta phát hiện trong hầm này có nhiều lọ cổ. Trong đó có 1 cái lọ lớn và 13 cái lọ nhỏ hơn. Tất cả đều làm bằng sành. Cái lọ lớn, cao hơn nửa mét, màu xanh lá cây đậm, dạng như cái trống, chính giữa phình, hai đầu hơi nhỏ lại. Trên mặt lọ, có cái nắp đậy kín, không một khe hở. Với kích cỡ và hình dáng này, khi tôi còn nhỏ, nghe mọi người gọi là cái “thạp” hay “khạp”. Xung quanh thân lọ, nửa dưới là những hoa văn, phần trên là những hình thù nửa thú, nửa người, trông rất kỳ quái. Mười ba cái lọ còn lại, cùng một kích cở, cao khoảng ba tấc. Dưới chân thật nhỏ, rồi phình ra lớn hơn khi lên cao. Chỗ phình cao nhất khoảng hai phần ba từ chân lọ. Phần trên cùng hơi túm lại, nhưng vẫn lớn hơn phần đáy. Lọ không có hình thù quái gở, nhưng ngược lại là một màu đỏ sẫm, trên khắc những hoa văn tỉ mỉ. Tất cả đều có nắp đậy và dán kín. Không ai biết bên trong lọ có gì. Ông Cố tôi cho trình lên viên sĩ quan người Pháp. Lúc đó, viên quan này đang trên đường từ Phan Thiết ra. Ba ngày sau, vị quan này mới được dịp chiêm ngưỡng những chiếc lọ cổ quái này.

Tối hôm đó, vị sĩ quan cho người mở ra. Có hai người VN được chứng kiến, người thông dịch và ông Cố tôi. Bắt đầu từ cái lọ nhỏ. Thoạt đầu, không làm sao mở được cái nắp lọ. Một chất keo đặt biệt đã dán kín, không một khe hở. Vị quan người Pháp được cố vấn là nên nung nó lên, rồi mới mở, nhưng cũng không thành công. Sau đó, vì nóng lòng, chiếc lọ bị đập bể trên miệng. Bên trong chẳng có gì, ngoại trừ một ít tro xam xám. Cái thứ hai cũng thế. Cái thứ ba cũng thế. Viên sĩ quan Pháp ra hiệu ngừng. Đến lượt chiếc lọ lớn, hai tay cầm hai đầu, y giơ lên rồi rung nhè nhẹ. Bên trong dường như có tiếng gì khua động, nhẹ nhàng. Tuy nhiên, cũng không cách nào mở được nắp lọ. Vị quan Pháp cho dừng tay và sai thủ hạ tìm cách khoan miệng lọ. Khi miệng lọ được mở ra, hai miếng da dày, màu xám đen, chồng lên nhau, cuốn tròn lại. Ngoài ra không còn một thứ gì khác. Mọi người đều ngạc nhiên, nhất là vị quan Pháp. Ông cầm lên ngắm nghía rồi trải hai miếng da thú lên bàn. Mỗi miếng da có chiều dài khoảng gần 1 thước, chiều ngang khoảng 3 tấc. Khó đoán biết được là da dê hay da trâu. Miếng da thứ nhất có nhiều hàng chữ nhỏ dọc ngang. Miếng thứ hai, vẽ những hình thù quái gở. Những hình người nam cụt đầu, những hình người nữ không lành lặn. Đằng sau miếng da thứ hai như có dấu triện, màu đỏ, và bốn con số viết rời nhau. Tất cả nhìn nhau, im lặng. Viên quan Pháp hỏi ông Cố tôi về ý nghĩa của hai tấm da này, vì biết ông Cố tôi thạo chữ nho. Ông Cố tôi lắc đầu. Đó không phải là tuồng chữ nho. Tuy nhiên, trong ông, bừng lên một ý nghĩ. Đó là chữ của người Chăm Pa. Và ông trình bày ý nghĩ của mình. Muốn hiểu, phải tìm cho bằng được những người còn đọc được lối chữ cổ này. Và sau đêm đó, ông Cố tôi xuôi Nam, mang một sứ mệnh quan trọng trong đời.

*****

Những hình nhân kỳ dị không thể là những điềm lành. Biết, nhưng vẫn phải đi. Tôi và bốn người tùy tùng lên ngựa ngay sáng hôm sau, ngược về hướng Phan Rang. Một người mang chiếc bao dày trên lưng, bên trong chứa hai miếng da kỳ dị. Ba người còn lại mang lương thực cho đoàn. Tôi như một người trưởng nhóm. Đi, nhưng trong lòng không chút hy vọng. Ngay ở ngày thứ hai, một chuyện lạ đã xảy ra. Người mang hai tấm da đột nhiên ngã quỵ sau khi nghỉ trưa. Anh ôm bụng, mặt mày tái ngắt. Một hồi sau, anh ngưng thở. Sự việc xảy ra quá nhanh, mà không ai trong đoàn biết lý do tại sao và phải làm gì. Chúng tôi chôn anh ta lại, và chiếc bao được giao lại cho một người khác trước khi tiếp tục lên đường. Chúng tôi đến Phan Rang vào một buổi chiều mưa buồn bã. Mưa rả rích suốt đêm. Sáng hôm sau, vào chợ, gặng hỏi nhiều người. Hầu như ai cũng lắc đầu, không hiểu. Có người chỉ cho chúng tôi đi về những khu xa vắng khác, dò tìm. Chúng tôi đi xa hơn về phía Nam. Lòng vẫn còn mang một chút hy vọng. Qua nhiều ngày tìm kiếm, hỏi thăm, vô vọng, lại một việc kỳ lạ khác xảy ra. Người mang hai miếng da đó, bị tiêu chảy. Chúng tôi kiếm những người thầy thuốc trong khu vực gần đó, vẫn không chữa nổi. Anh ta ra đi mà đôi mắt còn trợn lên một màu trắng dã. Hai người còn lại, không ai dám mang hai miếng da này. Ba chúng tôi đều nghĩ, những chuyện xui xẻo, chắc phải đến từ hai miếng da này. Tối hôm đó, cả ba nhìn chiếc bao đựng hai miếng da mà ngán ngẩm. Ai cũng mang trong lòng những ý nghĩ riêng tư nhưng không nói ra. Tôi quyết định mang hai miếng da này, dù gì mình cũng là trưởng đoàn. Tôi khấn vái thiên địa, thánh thần cùng linh hồn những người đã khuất rằng: chúng tôi chỉ phụng mệnh đi tìm ý nghĩa những gì ghi lại trên hai miêng da này mà thôi. Chúng tôi không có một ý nghĩ gì xấu cả. Xin thiên, địa, thánh thần phù hộ cho chúng tôi được bình an, tai qua nạn khỏi, mà trở về với gia đình. Chúng tôi sẽ cúng tạ trời đất khi an toàn trở về. Vẫn tiếp tục dò hỏi. Vẫn vô vọng. Lương thực cạn dần. Hy vọng đã lùi xa. Chắc phải quay về. Về? Làm sao ăn nói với viên sĩ quan?

Sáng hôm cuối cùng, trước khi trở về, chúng tôi chậm chạp trở ra con đường lớn. Bất ngờ, gặp một bà lão, người khô khốc như một thanh củi đang ngược hướng chúng tôi. Điều ngạc nhiên là khi bà cụ chận chúng tôi lại và hỏi rằng: có phải chúng tôi từ xa đến và đang đi tìm một cái gì đó phải không? Tôi thuật lại cho bà cụ nghe đầu đuôi câu chuyện. Bà nhìn cả ba, rồi nhìn tôi kỹ hơn. Sau đó bảo ba chúng tôi đi theo bà. Bà dẫn chúng tôi qua một đoạn đường khá xa, dẫn tới một quả đồi nhỏ. Trên đồi là một nóc nhà cũ kỹ và có phần xiêu vẹo. Chúng tôi được bảo ngồi chờ phía trước sân. Bà lão đi ra sau, thì thầm chuyện gì đó với ai, khá lâu. Một lúc sau, một người đàn ông già, nhỏ thó, chòm râu bạc trắng, dài ngang tận bụng đi lên. Ông cụ gọi chúng tôi ra sau, mời chúng tôi ngồi xuống những hòn đá được kê làm ghế, dưới một tàn cây. Tôi tháo chiếc bao, lấy hai miếng da ra. Ông cụ nhìn ngang, thất sắc. Một hồi sau, định thần, ông cụ bắt đầu kể...

*****

Tôi cũng không biết chi tiết những dòng chữ nhảy múa này. - Ông chỉ vào tấm da thứ nhất. Rồi tiếp: Nhưng ý nghĩa của nó và những hình thù trong tấm da kia, thì tôi hiểu. Bộ tộc chúng tôi khi nhìn vào hình ảnh vẽ trên miếng da đó, hiểu được người vẽ muốn nói gì. Còn tấm da có viết chữ... Ông lão như nghẹn lời. Đôi mắt buồn hiu, như muốn khóc. Trời đứng gió. Ai nấy nhễ nhại mồ hôi. Nhìn xa xa, những đồi cát như bốc lên từng đợt, từng đợt lửa, muốn thiêu đốt cả một vùng rộng lớn. Ông già đưa tay quệt mồ hôi rồi kể tiếp...

Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi sống với Thầy tôi, khi còn nhỏ lắm. Thầy tôi không dạy tôi những chữ cổ này. Ông dạy tôi, thứ chữ mới mà người ta đang dùng bây giờ. Tôi học được nhiều điều ở thầy, từ việc thờ phượng, cúng bái, đến việc ăn ở; từ chuyện lịch sử hưng thịnh đến sự suy vong của Chăm Pa nói chung và của bộ tộc tôi nói riêng. Khi tôi khôn lớn, thầy bảo: nếu một mai ông mất, hãy đem tất cả gia sản trong cái hòm gỗ mà đốt đi với ông. Tôi cúi đầu vâng dạ. Tôi cũng không hỏi Thầy là trong đó có chứa đựng những gì.

Chúng tôi ngồi im lặng, nhưng cảm nhận được dường như ông già đang nấc lên theo từng hơi thở.

Sau đó vài hôm, Thầy tôi bảo: trong cái hòm gỗ đó, không có tài sản gì quí giá về tiền bạc, nhưng nó chứa đựng mồ hôi, nước mắt và máu của dòng họ ông. Đó là những bộ da thú, ghi chép về gia phả của Thầy. Một gia phả đẫm máu. Họ muốn ông phải trả thù. Nhưng vì biết mình là hậu duệ cuối cùng và không làm được, nên ông muốn đốt đi những tấm da thú ghi lại những máu và nước mắt ấy.

Thầy tôi dạy rằng: hơn hai trăm năm mươi năm trước, giặc phương Bắc đã đánh vào tận nơi này. Vua của chúng tôi vì thế yếu, đầu hàng và đồng ý dâng đất để cầu hòa. Trước khi rút lui, nhiều phần thành quách bị đập phá. Những vị tướng lãnh và thuộc hạ của họ, dù đã qui hàng vẫn bị đưa lên ngọn đầu đài. Chỉ riêng gia tộc ông có tất cả 14 người bị chém cùng một kiểu, một dao lìa đầu. Người phương Bắc nói rằng: chém để làm gương! Ngày mà họ bị đưa lên ngọn đầu đài là một ngày đen tối trong lịch sử Chăm Pa. Sau đó, rất nhiều thanh niên bị bắt làm nô lệ. Nhiều phụ nữ bị hành hạ, bị bắt đi làm những kẻ hầu. Sử sách người Chăm Pa có ghi chép, số người bị chết trong trận chiến, bị chém sau khi qui hàng, bị bắt đi làm nô lệ, không dưới nửa vạn. Tiếng khóc than oán hờn dậy đất.

Nước mắt ông lão trào ra theo từng lời kể, cùng với mồ hôi, chảy xuống thành từng dòng. Ba chúng tôi cũng không cầm được nước mắt.

Trước khi sứ thần chính thức mang lệnh Vua dâng đất cho giặc phương Bắc, vị Vua của chúng tôi đã cho người chuẩn bị rất kỹ càng. Vua sai người viết một lời nguyền trên một tấm da thú. Tấm thứ hai vẽ lại những cảnh chém đầu mà giặc phương Bắc gây nên cùng những cảnh phụ nữ bị làm nhục, làm nô lệ. Đây chính là hai miếng da lịch sử mà thầy tôi kể lại vào những ngày cuối đời. Người viết lời nguyền này là một vị pháp sư nổi tiếng cả nước lúc bấy giờ.

Thầy đã dạy rằng: tấm da thú ghi lại lời nguyền được chôn ở một nơi hẻo lánh. Để xuôi về phương Nam, người ta phải bước qua nó. Vị Vua của chúng tôi hiểu rằng mình đang trong thế yếu. Trước sau, đất nước này, bá tánh này cũng sẽ rơi vào tay giặc. Vì thế, lời nguyền chỉ có chủ ý mong người phương Bắc đối đãi tử tế với bá tánh chúng tôi. Tôi không nhớ chính xác từng chữ. Đại ý, lời nguyền nói rằng: mai này, khi bất cứ ai vượt qua lời nguyền để xuôi về Nam, người đó phải có một tấm lòng rộng mở, phải sống tử tế với người khác. Là dân thường, sau khi bước qua lời nguyền này, mà lòng của họ còn mang những dã tâm, thì chính bản thân hay người thân sẽ bị bao nhiêu điều xấu xảy ra, có khi phải bỏ xác nơi đèo heo gió hút này. Là quan, sau khi bước qua lời nguyền, xuôi về Nam, thì phải có một tấm lòng bao dung, mới mong giữ được hòa thuận trong bá tánh, mới giảm được máu và nước mắt của dân tình. Nếu làm trái lại, dòng họ hay bá tánh dưới sự cai quản của người này phải gánh chịu những hậu quả trùng trùng. Là Vương, sau khi bước qua lời nguyền này để xuôi Nam, lòng Vương phải như trời biển, thương dân như thương con, đối với kẻ cựu thù như đối với trăm họ của chính mình, cứu vớt những người cùng khổ bất chấp họ là ai; phải mang lại cơm no áo ấm cho người người, thì mới mong xã tắc vững bền, giang san mới hưng thịnh. Ngược lại, là Vương mà lòng dạ hiểm độc, coi bá tánh như ngọn cỏ, xem kẻ cựu thù như loài thú, trong lòng chỉ nghĩ đến hận thù, thì muôn đời, lời nguyền vẫn còn đó. Máu của bá tánh không bao giờ ngưng chảy. Máu sẽ chạy dài từ nơi này đến bất cứ nơi nào mà có dấu chân của người hiểm độc đứng đầu xã tắc đã bước qua. Và chính gia đình hay hậu duệ của Vương, phải gánh lấy những điều tệ hại nhất... Trong bá tánh, ai có lỡ tay, đào thấy lời nguyền, phải chôn ngay lại tức khắc, nếu không, hậu quả sẽ không lường...

Sau đó, nhà vua cho làm một buổi lễ tế thần linh. Trong buổi lễ đó, hai tấm da được đặt vào trong cái lọ lớn. Vị Pháp sư cho rằng: phải có người theo giữ lời nguyền này, thì lời nguyền mới mãi được linh thiêng. Nhà vua nghe theo và lựa chọn 13 dũng sĩ dám hy sinh vì bá tánh, sẽ lên giàn thiêu. Nhà Vua bảo đảm bổng lộc cho gia đình họ đến suốt đời.

Hôm đó, trời nóng như thiêu đốt. Đến gần giữa ngọ, khi vị pháp sư tụng niệm những điều bí ẩn vừa chấm dứt, những hồi trống rền rã gióng lên, 13 dũng sĩ chuẩn bị bước lên giàn thiêu, thì gió ở đâu bỗng nổi lên ào ạt. Cờ, phướng bay phần phật như muôn ngàn âm binh đang lũ lượt kéo về. Những hồi trống chấm dứt, gió mới ngưng. Vạn vật như im lặng. Mười ba dũng sĩ, từng người, từng người bước lên giàn thiêu. Đó đây, tiếng thút thít của các người thân, cùng những người tham dự, nhỏ nước mắt cho những người hy sinh vì đại nghĩa. Khi họ bước lên giàn thiêu, cả 13 người cùng đứng trong thế tấn, nhìn xuống cả quảng trường rộng với một sự bình thản lạ lùng. Một viên quan đọc những lời châu ngọc của Vua, ca tụng lòng hy sinh của họ cho bá tánh. Rồi lửa bốc lên, bốc lên. Tiếng khóc đó đây trong đám đông càng lúc càng lớn. Lửa hận thù. Lửa hy sinh, Lửa cứu độ... Xác thân còn lại của họ được bỏ trong 13 cái lọ nhỏ. Lời nguyền cùng tro bụi của 13 người dũng sĩ, sau đó, được chôn tại phía bắc của một ngọn đèo. Sau đó, Vua mới sai người mang lệnh Vua đi về phương Bắc, lòng đau đớn cắt đất tiền nhân dâng cho cường địch, để nhận lấy sự an bình trong giai đoạn nhất thời...

Ông già người Chăm, nước mắt rưng rưng sau khi kể xong: Những tranh giành lịch sử, dù thành công hay thất bại, luôn luôn nhuốm máu của bá tánh.

*****

Trong lúc ông Cố tôi mải mê đi tìm ý nghĩa của hai mảnh da đó, thì viên sĩ quan người Pháp, nhận được điện tín từ Pháp quốc, cho biết vợ ông bịnh nặng. Công việc chăm coi mở đường, giao lại cho người sĩ quan mới. Khi ông Cố tôi về, trình bày tường tận chuyến đi, cùng những lời giải thích của ông già người Chăm, viên sĩ quan mới lắc đầu. Trong đầu y nối kết những tai họa vừa xảy ra, và nhanh nhẩu bảo rằng y không muốn nhìn nó nữa. Hãy chôn lại, theo như lời ông già người Chăm đã nói. Ngay sáng hôm sau, ông Cố tôi cho người chôn lời nguyền cùng 13 cái lọ nhỏ trở xuống, tại một nơi nào đó trên đỉnh đèo Rù Rì. Sau đó, ông xin được nghỉ việc, trở về nhà, cúng tạ trời đất, thần linh như đã hứa và tiếp tục công việc của ông, công việc của một thầy giáo làng cho đến cuối đời.

Sau khi biết được lời nguyền đó, tôi đi tìm những dấu tích lịch sử theo lời ông già người Chăm đã kể. Tôi tìm được một chút đầu mối liên quan. Sử sách cho biết, năm Mậu Tý (1648), khi Chúa Nguyễn Phúc Lan đột ngột qua đời, Nguyễn Phúc Tần lên ngôi ở tuổi 29, thường được gọi là Hiền vương. Năm 1653, Hiền Vương, sai quan cai cơ Hùng Lộc đem quân vượt đèo vượt núi Thạch Bi (đèo Cả), đánh Chăm Pa. Lực lượng mạnh, cộng thêm yếu tố bất ngờ, Hùng Lộc đã đánh đến tận Phan Rang. Vua Chiêm đại bại dâng thư xin hàng và cắt châu Kaut Hara của Chiêm Thành từ sông Phan Rang ra đến Đèo Cả dâng cho. Chúa Nguyễn đặt dinh Thái Khang với 2 phủ, 5 huyện. Hai phủ là Thái Khang (Ninh Hòa) và Diên Ninh (Diên Khánh). Năm huyện là Phước Điền, Hòa Châu, Vĩnh Xương thuộc phủ Diên Ninh; Tân Định, Quảng Phước thuộc phủ Thái Khang. Hùng Lộc được cử làm Thái Thú cai trị 2 phủ, dinh đóng tại Thái Khang tức Ninh Hòa bây giờ. Đây cũng là thời điểm Chăm Pa nộp cống xưng thần với các chúa Nguyễn. Tuy vậy, sự trả thù vẫn luôn luôn là một nỗi niềm thao thức của các vì vua Chăm Pa. Gần 40 năm sau, năm 1692, Chúa Chăm, tên Bà Tranh, đã tấn công vào phủ Diên Ninh và dinh Thái Khang. Cuộc tấn công này đã thất bại. Quân Chăm bị tướng Nguyễn Hữu Cảnh đánh tan tác vào năm 1693. Chúa Nguyễn đổi tên Chăm Pa thành Thuận Thành Trấn, sau đó đổi Thuận Thành Trấn thành Bình Thuận Phủ.

*****

Sau này, tôi hỏi Ba: Vậy chứ lời nguyền ấy, được ông Cố chôn tại địa điểm nào trên đèo Rù Rì? Ba bảo rằng, gia phả không ghi lại đích xác. Chỉ biết, trước khi ông Cố mất, có bảo chôn trên đỉnh đèo, ngọn núi cao nhất, ở phía tây, dưới chân cây cổ thụ già, cách đỉnh khoảng 15, 20 thước.

Thời gian đã bào mòn tất cả. Bây giờ, trên ngọn đèo Rù Rì không còn một cây cổ thụ nào cả. Tuy vậy, tôi không suy nghĩ nhiều về địa điểm chôn giấu lời nguyền, mà lại bị ám ảnh về một đoạn trong lời nguyền: “Là dân... Là Quan... Là Vương...”. Suy nghĩ lại, tôi thấy lời nguyền không cay độc như lần đầu mình được nghe. Nó chỉ cay độc, khi bất cứ ai vượt qua nó, xuôi về Nam, mà không sống tử tế với đời, với người. Và, bao nhiêu năm rồi, lời của ông già Chăm, nói với ông Cố tôi, được ghi lại trong gia phả, luôn luôn đeo đuổi tôi:

Những tranh giành lịch sử, dù thành công hay thất bại, luôn luôn nhuốm máu của bá tánh.

Hy vọng, sau khi viết ra những dòng chữ này, tôi sẽ thoát khỏi giấc mơ hãi hùng đó và máu sẽ thôi chảy trên ngọn đèo Rù Rì này.

Đoàn Nhã Văn 

 

 

 




















Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

5 cuộc Đại Tuyệt chủng đáng sợ trong lịch sử Trái đất.

 Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về 5 cuộc Đại Tuyệt chủng trên Trái đất và đi tìm lời giải cho cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6.

Tuyệt chủng hàng loạt là gì?

Mass Extinction hay còn gọi là tuyệt chủng hàng loạt là sự tiêu diệt hầu hết các thành viên của một quần thể sinh vật trong một thời gian địa chất rất ngắn.

Trong lịch sử địa chất dài 4,6 tỷ năm của Trái Đất, đã có năm sự kiện tuyệt chủng lớn, và năm sự kiện tuyệt chủng hàng loạt này đều xảy ra trong Phanerozoic - Liên đại Hiển sinh (một thời kỳ trong niên đại địa chất mà trong đó sự sống động vật phong phú đã tồn tại. Nó chiếm khoảng 545 triệu năm và bắt đầu tại khoảng thời gian khi mà các động vật vỏ cứng đa dạng lần đầu tiên xuất hiện. Liên đại Hiển Sinh hiện nay vẫn đang tiếp diễn).

Đã có lần Trái đất tưởng chừng như đã đến Ngày Tận thế khi trải qua những lần “trở mình khó chịu” của thiên nhiên. Nhưng cuối cùng, Hành tinh Xanh vẫn chứng minh được sức sống mãnh liệt của mình khi vẫn đứng vững sau 5 cuộc Đại Tuyệt chủng…

1. Tuyệt chủng Ordovic - Silur

Đây là cuộc đại tuyệt chủng đầu tiên, xảy ra cách đây 440 - 450 triệu năm. Trong giai đoạn này có nhiều cuộc tuyệt chủng liên tiếp xảy ra tiêu diệt 17% số họ, 50% số chi và được coi là cuộc tuyệt chủng lớn thứ hai trong lịch sử nếu tính theo số loài bị tiêu diệt.

Vào kỷ Ordovic, khoảng 49% các chi động vật biển đã biến mất hoàn toàn khi cuộc tuyệt chủng kết thúc, các ngành động vật khác cũng suy giảm đi nhiều. Đến nay, giả thuyết về nguyên nhân cuộc tuyệt chủng được chấp nhận nhiều hơn cả là vụ nổ tia gamma của một ngôi sao gần Trái đất làm cho carbon dioxide trong khí quyển sụt giảm mạnh. Điều này đã ảnh hưởng tới Trái đất, tạo ra một thời kỳ băng hà kéo dài 0,5 - 1,5 triệu năm.


Sự tăng giảm của mực nước biển qua các kỷ băng hà liên tiếp theo chu kì đã tạo nên nhiều “hốc sinh thái” trên lục địa. Sự đa dạng sinh học suy giảm dần, đặc biệt các loài có môi trường sống bị hạn chế ở vùng thềm lục địa và ở vùng nhiệt đới cũng chịu ảnh hưởng lớn.

Vào thời gian kết thúc, sông băng tan chảy đã làm cho mực nước biển dâng lên. Từ đây, các bộ, họ còn sống sót bắt đầu hồi phục, cùng với đó, sự đa dạng sinh học sẽ gia tăng, mở ra một kỷ mới.

2. Tuyệt chủng Devon

Đã có những bằng chứng khảo cổ cho thấy, đây là cuộc tuyệt chủng liên hoàn có thể đã kéo dài đến 20 triệu năm. Cuộc tuyệt chủng bắt đầu cách đây khoảng 360 triệu năm, ngay trước thời điểm chuyển giao giữa kỷ Devon sang kỷ Cacbon.

Trước lúc bước vào cuộc tuyệt chủng, lục địa là mảnh đất của thực vật bậc thấp và những loài côn trùng đầu tiên, còn đại dương là nơi có các rạn san hô khổng lồ chiếm ưu thế và sự tiến hóa mạnh mẽ của các loài cá đang diễn ra.

Theo nhà cổ sinh học McLaren, một thiên thạch có đường kính lớn đã va chạm với Trái đất, gây nên những đợt sóng thần, tàn phá hệ sinh thái bờ biển, đồng thời gây xáo trộn các tầng biển sâu.

Một nguyên nhân khác là sự phát triển mạnh mẽ của thực vật đã làm giảm CO2, khiến khí hậu trở nên lạnh hơn, nhiều sinh vật không thích nghi được đã bị tiêu diệt.

Các sinh vật biển là nạn nhân chủ yếu: những rạn san hô - ngôi nhà của sinh vật biển chết hàng loạt kéo theo sự tuyệt chủng của rất nhiều loài. Ước tính có khoảng 19% số họ, 50% số chi và 70% số loài đã bị tuyệt diệt trong cuộc tuyệt chủng này.

3. Tuyệt chủng Permi - Trias

Đây là sự kiện tuyệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử khi đã tuyệt diệt phần lớn sinh vật trên Trái đất, thiết lập lại gần như toàn bộ hệ thống sinh giới. Các nhà cổ sinh cho biết đã có đến hơn 90% sinh vật biển và 70% sinh vật trên cạn đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Các bằng chứng khảo cổ cho thấy, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do sự vận động kiến tạo mạnh mẽ của lớp vỏ Trái đất, gây nứt gãy, dồn nén các mảng lục địa.

Sự phun trào magma lên bề mặt Trái đất đã nhấn chìm tất cả trong biển lửa. Bên cạnh đó, bụi và khí carbonic tràn ngập không khí, gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Dưới đại dương, các dòng hải lưu thay đổi đã làm biến mất nhiều hệ sinh thái, sự sống trở nên vô cùng mong manh.

Một nguyên nhân nữa được cho là góp phần gây ra vụ đại tuyệt chủng đẫm máu này là sự va chạm của thiên thạch có bán kính 500km với Trái đất. Vết tích của vụ va chạm này được tìm thấy ở Nam Cực năm 2006 bởi các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ.

Phải mất một thời gian rất lâu sau đó, sự sống mới được khôi phục lại dần dần từ những kẻ sinh vật nhỏ may mắn sống sót trong đó có một số nhóm bò sát.

4. Tuyệt chủng Trias - Jura

Đây là cuộc tuyệt chủng đánh dấu ranh giới giữa kỷ Trias và kỷ Jura, xảy ra cách đây 199,6 triệu năm. Cuộc đại tuyệt chủng này có tác động sâu sắc đến đời sống sinh vật trên đất liền và trong lòng đại dương.

Nhiều loài động vật có xương sống trong đại dương và bò sát biển đã biến mất, ngoại trừ thằn lằn cá, thằn lằn chân chèo. Các động vật không xương như ngành tay cuốn, ngành thân mềm, lớp lưỡng cư và đặc biệt là bò sát phụ lớp thằn lằn cổ (trừ khủng long) ở đất liền cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khoảng 23% số họ, 48% số chi đã bị tuyệt chủng.

Người ta vẫn chưa chắc điều gì đã gây ra sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Tam Điệp. Các nhà khoa học dự đoán, một hiện tượng phun trào núi lửa lớn đã xảy ra. Tuy nhiên gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra khá chính xác khoảng thời gian cuộc tuyệt chủng diễn ra và vụ va chạm của sao băng tạo nên hồ Manicouagan (Canada). Bằng chứng này chứng minh, có thể chính vụ va chạm là nguyên nhân trực tiếp khơi mào cuộc tuyệt chủng này.

Sự kiện tuyệt chủng đã loại bỏ nhiều loài động vật lớn trên Trái đất, tạo điều kiện cho khủng long thống trị hành tinh suốt kỷ Jura và kỷ Phấn Trắng (Creta). Khủng long làm chủ toàn bộ mặt đất, trong khi đó các vùng nước ngọt là địa phận của tổ tiên loài cá sấu ngày nay (thuộc lớp phụ thằn lằn), nhóm thằn lằn cổ rắn và thằn lằn cá trở thành bá vương biển cả.

Cuộc tuyệt chủng mở ra thời kì cực thịnh của bò sát với sự thống trị của khủng long

Tuy nhiên, khi thời đại của bò sát đang vô cùng thịnh vượng thì Trái đất gặp thảm họa tiếp theo - cuộc đại tuyệt chủng Creta - Paleogen.

5. Tuyệt chủng Creta - Paleogen

Sự kiện tuyệt chủng này xảy ra vào cuối kỷ Creta cách đây khoảng 66,5 triệu năm, đánh dấu sự kết thúc của Đại Trung sinh và bắt đầu Đại Tân sinh bằng kỷ Paleogen. Khoảng 17% số họ, 50% số chi và 75% số loài đã bị tuyệt chủng sau biến cố này

Dựa trên các bằng chứng khảo cổ được tích lũy qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, sự kiện tuyệt chủng này là do một hoặc nhiều thảm họa đồng thời gây ra, như sự tác động mạnh mẽ của cá thiên thạch (tạo nên các hố Chicxulub ở Mexico, Boltysh ở Ukraina) hoặc do mực nước biển tụt xuống, núi lửa phun trào mạnh mẽ tạo ra hiện tượng “bẫy Deccan” tàn phá nghiêm trọng sinh quyển Trái đất.

Các sự kiện địa chất đó đã làm giảm lượng ánh sáng và mức độ quang hợp, dẫn đến sự phá hủy hệ sinh thái Trái đất trên quy mô lớn. Khí hậu khô hơn, chuỗi thức ăn cũng bị phá vỡ.

Khủng long là loài động vật có xương sống bị ảnh hưởng đầu tiên khi môi trường thay đổi, sự đa dạng loài giảm đáng kể. Cùng với đó, một số loài thực vật, động vật không xương sống cũng biến mất trên Trái đất, tạo điều kiện cho lớp thú phát triển và dần chiếm ưu thế.

Cuộc tuyệt chủng kỷ Creta - Paleogen mang tính chất không đồng đều. Có những sinh vật bị tuyệt chủng hoàn toàn, một số khác chịu ảnh hưởng nặng nề, số còn lại hầu như không chịu tác động đáng kể nào.

Tại sao sự tuyệt chủng hàng loạt lại xảy ra?

Nói chung, khi sinh quyển phải chịu những áp lực cực đoan trong thời gian dài, nó có thể dẫn đến tuyệt chủng hàng loạt. Đa dạng sinh học càng cao thì càng có nhiều khả năng gây ra tuyệt chủng hàng loạt và càng có nhiều khả năng gây ra những xáo trộn để tạo ra sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trên toàn cầu.

Năm 2006, Allens và West đã đề xuất mô hình "xung căng thẳng", trong đó các vụ tuyệt chủng hàng loạt thường bao gồm hai nguyên nhân: một là do căng thẳng - áp lực kéo dài đối với hệ sinh thái; hai là thời kỳ căng thẳng đột ngột xảy ra và kết thúc - Xung. Phân tích của họ về tỷ lệ tuyệt chủng trên khắp đại dương cho thấy rằng nếu chỉ xuất hiện áp lực kéo dài hay chỉ xuất hiện thảm họa đột ngột thì sẽ không đủ để gây ra sự gia tăng đáng kể tỷ lệ tuyệt chủng!

Mô hình chung của sự tuyệt chủng

Nhiều nhà khoa học tin rằng các cuộc tuyệt chủng hàng loạt là sự kiện diễn ra thường xuyên, tức là nó sẽ xảy ra theo chu kỳ. Ví dụ, bài báo năm 1984 của Raup và Sepkowski "Sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài trong lịch sử địa chất" đã chỉ ra rằng cứ cách 26 đến 30 triệu năm, một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt sẽ xảy ra.

Năm 2005, Rhodes và Mahler xuất bản bài báo "Chu kỳ của sự đa dạng hóa thạch" và đề xuất rằng chu kỳ của sự tuyệt chủng hàng loạt là 62 triệu năm.

Các giải thích về nguyên nhân tuần hoàn của sự tuyệt chủng hàng loạt bao gồm dao động trong mặt phẳng của Dải Ngân hà, các nhánh xoắn ốc băng qua Dải Ngân hà và biến động của các biến địa hóa. Tuy nhiên, dữ liệu về sự tuyệt chủng hàng loạt ở biển không phù hợp với tính chu kỳ này, vì vậy sự tồn tại mô hình chung của sự tuyệt chủng hàng loạt chỉ là một giả thuyết khoa học và không có bằng chứng để chứng minh điều đó.

Liệu có xuất hiện một cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6?

Tất cả các cuộc tuyệt chủng trong lịch sử đều do thiên nhiên gây ra, diễn ra có tính chu kỳ. Mỗi sự sụp đổ đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, tạo điều kiện phát triển cho nhiều sinh vật có sức sống mạnh mẽ. Câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra là, liệu cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 có xuất hiện?

Và thực tế, nó đang có dấu hiệu manh nha bắt đầu… Lần này không phải do thiên nhiên nữa, mà chính con người đang tiến hành cuộc “tự sát”. Sẽ không phải là núi lửa phun trào, thiên thạch va chạm, mực nước biển thay đổi đột ngột, mà là ô nhiễm môi trường, suy thoái sinh cảnh, mất cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu…

Tốc độ tuyệt chủng hiện nay nhanh gấp 4.000 lần thời kì khủng long, mọi tác động của con người đều để lại hậu quả nặng nề cho thiên nhiên, khó có thể phục hồi lại. Việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên mà không bảo tồn, gìn giữ đã làm mất dần đi sự sống của toàn bộ sinh giới.

Các nhà khoa học dự đoán, nếu tình hình vẫn tiếp tục tiếp diễn, chưa đầy một thế kỷ nữa, cuộc tuyệt chủng hàng loạt sẽ chính thức bắt đầu, con người rồi sẽ chịu chung số phận với những loài khủng long. Nhưng liệu, sau cuộc tuyệt chủng đó, con người có may mắn sống sót và sự sống được khôi phục lại hay không?


George Eastman (1854-1932) nhà phát minh ra phim và máy ảnh Kodak.

Lời tác giả: Ngày nay tại khắp nơi trên thế giới, nếu mọi người được xem những hình ảnh thời sự trên các mặt báo, trong các tạp chí, nếu mọi sách giáo khoa chứa đựng nhiều tấm ảnh dẫn chứng cụ thể, nếu các bác sĩ có thể xem xét người bệnh bằng phim chụp do quang tuyến X và nếu mọi người giải trí nhờ những rạp chiếu bóng... thì tất cả các phát minh này đã được khai triển nhờ đức tính tận tụy của một thiên tài siêu việt trong ngành Nhiếp Ảnh, đó là ông George Eastman.

Đặc San Lâm Viên mời quý vị đọc “George Eastman (1854 - 1932) Nhà Phát Minh ra Phim và Máy Ảnh Kodak” được biên soạn bởi tác giả Phạm Văn Tuấn về ông George Eastman, một người xứng danh là một nhà phát minh thiên tài, một kỹ nghệ gia ngoại hạng, một nhà tổ chức sáng suốt, một công dân ái quốc và một con người giàu lòng bác ái, vị tha.

Ngày nay tại khắp nơi trên thế giới, nếu mọi người được xem những hình ảnh thời sự trên các mặt báo, trong các tạp chí, nếu mọi sách giáo khoa chứa đựng nhiều tấm ảnh dẫn chứng cụ thể, nếu các bác sĩ có thể xem xét người bệnh bằng phim chụp do quang tuyến X và nếu mọi người giải trí nhờ những rạp chiếu bóng... thì tất cả các phát minh này đã được khai triển nhờ đức tính tận tụy của một thiên tài siêu việt trong ngành Nhiếp Ảnh, đó là ông George Eastman.

Nhờ thiên tài sáng tạo của ông Eastman, cách chụp ảnh trước kia là một công việc phức tạp và khó khăn, đã trở nên dễ dàng và chỉ cần một động tác đơn giản là ấn vào một cái nút trên chiếc máy ảnh cầm tay, máy sẽ cơ động trong một phần trăm giây đồng hồ và người ta sẽ lấy được các hình ảnh rất trung thực.

Phát minh của ông George Eastman đã cải tiến ngành Nhiếp Ảnh, làm dễ dàng công việc ghi rõ hình ảnh của thế giới hiện tại để truyền lại cho thế giới tương lai. Phát minh của ông George Eastman còn giúp ích vào các công cuộc khảo cứu khoa học, từ việc nghiên cứu những đối tượng cực nhỏ như các vi trùng, các nguyên tử, tới các thiên thể cực lớn chẳng hạn các tinh vân khổng lồ. Ngành Nhiếp Ảnh còn được áp dụng vào Y Khoa, Kỹ Nghệ, Khoa Học, Giáo Dục, Nghệ Thuật và cả vào ngành Giải Trí.

1/ Thời Niên Thiếu.

George Eastman là con của ông George Washington Eastman và bà Maria Kilbourn, chào đời ngày 12 tháng 7 năm 1854 tại làng Waterville, thuộc tiểu bang New York. Cha của George làm nghề ươm cây, đã bán lại cơ sở kinh doanh khi cậu bé George lên 6 tuổi, dời gia đình tới thành phố Rochester và mở một trường thương mại. Hai năm sau ông George qua đời, để lại một vợ, ba con gồm hai cô gái lớn và cậu trai út, tất cả sinh sống trong cảnh nghèo túng. Trong thời gian vất vả này, bà Eastman phải nấu cơm trọ để lấy tiên nuôi các con ăn học.

Vào thời bấy giờ, cậu George là một học sinh rất chăm chỉ nhưng lại không giỏi hẳn về một môn học nào. Cậu là tay chơi dã cầu vào hạng khá. Cậu đã sáng chế được các món đồ chơi rất tỉ mỉ bằng những cây que đan cũ. Nhiều bạn học cùng lớp hỏi xin đồ chơi nhưng cậu nhất định không chịu tặng không. Cậu bảo bạn: “Nếu bạn ưa thích thứ đó, sao không mua đi? Giá chỉ có 10 xu thôi!”. Và George đã bán được “sản phẩm” của mình. Cậu đã ghi lại số tiền kiếm được vào sổ tay, điều này chứng tỏ cậu có khuynh hướng về thương mại và suốt cuộc đời của cậu, George chỉ suy tính về các công việc chi thu mà thôi.

Khi George lên 14 tuổi, gia đình Eastman lâm vào hoàn cảnh quá nghèo túng. Biết rõ cảnh khổ của mẹ, cậu xin thôi học, trở về giúp đỡ gia đình. Cậu tự nguyện sẽ đưa gia đình ra khỏi cảnh túng bấn. Cậu vận động và xin được chân tùy phái của một văn phòng bảo hiểm với số lương 3 mỹ kim một tuần lễ. Cậu làm việc rất cẩn thận và chu đáo. Xong việc tại sở, cậu George phải đi bộ hàng cây số để trở về giúp nhà làm các công việc vặt trong 6 hay 7 giờ nữa. Công việc tùy phái này kéo dài trong một năm trường, tới khi George xin được việc làm trong văn phòng của một hãng bảo hiểm khác. Nhờ óc sáng tạo, George được giao những công việc quan trọng hơn và lương bổng của cậu cũng tăng lên tới 5 mỹ kim một tuần lễ.

Năm 1874, sau 5 năm làm việc tại hãng bảo hiểm, George Eastman được Ngân Hàng Rochester Savings nhận làm thư ký với tiền lương là 800 mỹ kim một năm. Tới lúc này, vì đời sống trở nên dễ chịu hơn, George bèn nghĩ tới việc giải trí. Cậu học tiếng Đức và tiếng Pháp, gia nhập hội thể thao và đôi khi còn mượn xe ngựa để mời vài bạn gái đi dạo chơi ngắm cảnh.

Vào năm 24 tuổi sau một thời gian làm việc cực nhọc, George quyết định đi nghỉ hè để dưỡng sức. Do đọc các sách báo nói về miền Santo Domingo, George dự tính sẽ tới nơi này. Đây là lần đầu tiên đi nghỉ mát nên George phải bàn tính kỹ lưỡng chương trình du ngoạn với các bạn đồng nghiệp. Khi nghe George nói về những nơi sẽ viếng thăm, một người bạn tỏ lộ với George lời thèm muốn như sau: “Ước gì tôi được đi với anh! Nhưng dù không được đi chăng nữa, nếu tôi được xem những hình ảnh do anh chụp và mang về thì cũng đủ vui thích rồi”. Chính lời nói bất ngờ này đã dẫn dắt George Eastman vào ngành Nhiếp Ảnh. Eastman không định mang theo máy ảnh trong chuyến du ngoạn nhưng ông cho rằng lời nói của anh bạn là một ý kiến hay. Vì vậy ông đã bỏ ra 94.36 mỹ kim để mua một máy ảnh với dụng cụ đầy đủ.

Vào thời bấy giờ, công việc chụp ảnh rất phức tạp. Nhà nhiếp ảnh phải dùng một miếng kính tráng một lớp thuốc và thứ kính này phải được chụp khi lớp thuốc còn ướt rồi rửa ngay sau đó. Vì thế khi bán máy ảnh, người ta cũng bán kèm những lọ thủy tinh đựng hóa chất, những khay, quặng (phễu), cân hóa chất và cả một chiếc lều vải dùng làm phòng tối. Khi nhớ lại các kỷ niệm xa xưa, ông George Eastman còn nói: "Nhà nhiếp ảnh tài tử không những chỉ cần một chiếc máy ảnh, mà còn cần tới cả một bộ đồ nghề trong đó chiếc máy ảnh chỉ là một phần nhỏ. Tôi cho rằng làm một anh thợ ảnh cần phải khỏe mạnh và còn phải can đảm nữa, vì mang bộ đồ nghề nhiếp ảnh chẳng khác nào mang bộ yên cương”. Vì lý do riêng, Eastman không thể đi Santo Domingo được, ông liền dùng thời giờ nhàn rỗi vào việc tìm hiểu Nhiếp Ảnh. 

Khi đã hiểu biết tạm đủ về kỹ thuật, ông Eastman liền qua đảo Mackimac để chụp hình chiếc cầu thiên tạo. Eastman chọn một ngày nhiều nắng và mang máy ảnh ra xử dụng. Nhóm du khách thấy có thợ chụp ảnh liền sắp hàng trên cầu để được chụp. Họ coi Eastman đặt máy, ngắm nghía, vặn vật kính và theo dõi nhà nhiếp ảnh chạy lăng xăng từ lều ra máy với những tấm kính ướt. Hôm đó, trời nắng gắt nhưng nhóm người ưa thích được chụp ảnh vẫn kiên tâm đứng yên để Eastman làm đủ mọi động tác phức tạp. 

Tới khi Eastman rửa ra kính ảnh rồi, một người trong bọn hỏi mua thì ông Eastman trả lời: “những kính ảnh này không bán vì tôi chỉ là một người chụp ảnh tài tử”. Tới lúc này, ông khách liền nổi nóng: “Anh điên hả? Tại sao anh bắt chúng tôi đứng hàng nửa giờ ngoài nắng trong khi anh chạy đi chạy lại lăng xăng, đáng lẽ anh phải treo tấm bảng ghi rõ anh là một người chụp ảnh tài tử chứ?”.

2/ Chế Tạo Kính Ảnh.

Các ngày nghỉ đã hết, Eastman khi trở lại ngân hàng thì đã thấu triệt được kỹ thuật của môn Nhiếp Ảnh thời bấy giờ. Do sự say mê chụp ảnh, Eastman thấy cần phải làm đơn giản các phương pháp rắc rối cũ. Ông tìm cách đọc các sách báo nói về Nhiếp Ảnh xuất bản tại nước Anh, rồi một tin tức đã khích động Eastman hơn cả là sự tìm ra kính khô. Nhờ phương pháp này người ta không cần phải chụp và rửa phim ngay tại chỗ và tốc độ thu hình trước kia từ 3 tới 4 giây, bây giờ được rút gọn còn 1 phần 25 giây.

Ông Eastman đã theo đúng các công thức cho sẵn trong tờ tạp chí Anh để tự chế tạo kính ảnh. Lúc đầu ông chỉ dự tính chế tạo kính khô cho riêng mình dùng nhưng chẳng bao lâu, ông lại nẩy ra ý kiến chế tạo thật nhiều loại kính đó để bán ra ngoài. Ông tham khảo rất nhiều sách vở để tìm hiểu các phương pháp thí nghiệm và sản xuất. Ban ngày làm việc tại ngân hàng, đến tối ông bận rộn pha trộn và nấu thuốc ảnh trong bếp. Ông thường làm việc cho tới khi nào mệt lả. Có nhiều đêm, ông để nguyên cả quần áo mà ngả lưng trên ghế rồi ngủ cho đến sáng. Lòng lo sợ cảnh nghèo túng đã ám ảnh ông, nhất là khi gia đình ông lại gồm mẹ già và một người chị bị bại liệt nửa người. Ông Eastman đã làm việc không ngừng vì hai nguyên do: lòng yêu mến mẹ già và ý chí kiếm tiền.

Vào tháng 4 năm 1880, ông Eastman thuê từng lầu thứ ba của một tòa nhà trên đường State trong thành phố Rochester, dùng làm nơi sản xuất kính ảnh sau khi đã xin bằng sáng chế để bảo đảm phương pháp chế tạo của mình. Eastman thôi việc tại ngân hàng khi Henry Strong, người khách trọ trong nhà của bà mẹ và cũng là nhà sản xuất roi đánh xe ngựa, bằng lòng bỏ ra năm ngàn mỹ kim làm vốn và hai người lập ra Công Ty Kính Khô Eastman. 

Lúc đầu, việc bán sản phẩm nhiếp ảnh chưa gặp khó khăn và mặc dù đã có 6 nhân viên, Công Ty Eastman vẫn phải mướn thêm người phụ giúp. Nhưng ít lâu sau, các người chơi ảnh phàn nàn rằng kính khô do Eastman sản xuất chưa nhạy lắm và các nhà buôn đã hoàn trả công ty một số kính ảnh bị hư hỏng vì lỗi kỹ thuật chế tạo. Trước tình thế này, vài người hùn vốn rút lui. Eastman và Strong quyết định qua nước Anh là nơi tiến bộ nhất về kỹ nghệ chế tạo dụng cụ nhiếp ảnh với hy vọng nhờ các chuyên viên tại nơi này tìm ra khuyết điểm. Sau khi trở lại Rochester, Eastman đã cải tiến phương pháp cũ và từ nay, ông đã thực hiện được các kính ảnh hoàn toàn tốt khiến cho không còn ai phải phàn nàn về sản phẩm nữa.

Vào năm 1884, công việc chế tạo kính khô phát đạt, ông Eastman phải mở rộng thêm cơ xưởng. Ông dọn trụ sở tới một tòa nhà bốn tầng mà ngày nay là nơi chiếc tháp Kodak còn đứng sừng sững. Với mục đích làm giản dị ngành Nhiếp Ảnh, ông Eastman luôn luôn nghĩ tới cách chế tạo ra một chất liệu nào thay thế kính là thứ hay bị bể vỡ và nặng nề. Ông đã dùng giấy để thay thế với hy vọng lắp được cả cuộn phim vào máy để chụp hàng loạt. 

Đồng thời với việc nghiên cứu, ông Eastman còn khuếch trương công ty. Ông hủy bỏ giao kèo cũ và thành lập Công Ty Kính và Phim Ảnh Eastman (the Eastman Dry Plate and Film Company) với 12 người cộng tác. Eastman đã quảng cáo vào năm 1885 sản phẩm của mình như sau: “Ít lâu nữa, sẽ có một loại phim chụp ảnh mới dùng vào việc thu hình ngoài trời cũng như trong nhà, loại phim này vừa rẻ tiền, vừa tiện lợi để thay thế những tấm kính ảnh khô”. 

Với sự trợ giúp của William Walker, Eastman đã tìm ra một loại giấy âm bản. Tuy sản phẩm này thành công trên thị trường nhưng phát minh của Eastman vẫn còn khuyết điểm. Vì giấy không đúng là chất làm nền hoàn hảo, nên khi in ra hình ảnh, người ta vẫn thấy rõ các sợi giấy. Eastman lại bắt tay vào việc tìm kiếm một chất mới để thay thế cho giấy. Ông đã dùng chất collodion nhưng chất này không bắt thuốc ảnh. Vì thế ông phủ một chất keo có thể tan được lên trên mặt giấy rồi tới lượt lớp keo thuốc ảnh không tan trong nước. Sau khi chụp xong, lớp keo thuốc ảnh được bóc ra khỏi giấy và dán vào một tờ keo trong khác rồi người ta mới bôi thêm một lớp collodion ra ngoài. Vào năm 1886, vì công việc tổ chức công ty quá bận rộn, ông Eastman phải thuê thêm các nhà hóa học phụ giúp việc nghiên cứu.

Bất cứ lúc nào, đầu óc của ông Eastman cũng bận rộn về cách chế tạo các máy móc mới để giảm bớt nhân công và làm hạ giá sản phẩm. Sau khi thay thế kính ảnh bằng phim, ông nhận thấy số người dùng phim ảnh chưa có nhiều. Ông muốn theo đuổi một công cuộc kinh doanh lớn lao và muốn vậy, ông phải tìm cách hấp dẫn đa số quần chúng. Ông quyết định cung cấp đầy đủ vật liệu nhiếp ảnh với giá thật rẻ để mọi người đều có thể chụp ảnh được. Ông đã quảng cáo rầm rộ sản phẩm của mình và tìm cách khai thác thị trường thương mại.
                                              Bản quyền sáng chế máy ảnh
                                            của George Eastman 4 tháng 9 năm 1888

 

 

Để đại chúng hóa ngành Nhiếp Ảnh, ông Eastman tung ra thương trường chiếc máy ảnh Kodak đầu tiên vào tháng 6 năm 1888. Đây là chiếc máy ảnh kiểu hộp, nhỏ và nhẹ, có dây đeo, bên trong có lắp một cuộn phim giấy dài, đủ chụp 100 kiểu ảnh. Khách chơi ảnh chỉ việc bỏ ra 25 mỹ kim để mua máy có lắp sẵn “Phim Hoa Kỳ” rồi khi chụp xong, gửi máy ảnh về thành phố Rochester và tại nơi này, hãng Eastman sẽ tháo phim ra, rửa và in hình, tất cả chỉ tốn thêm 10 mỹ kim.

Trong việc quảng cáo, Eastman đã nói: “Bạn chỉ cần bấm nút rồi chúng tôi sẽ lo tất cả các công việc còn lại”. Đây là một cải cách mới, làm thay đổi hoàn toàn chính sách thương mại và ông Eastman đã áp dụng các phương pháp tân kỳ vào việc sản xuất đại quy mô để làm giảm giá hàng. Do cách quảng cáo đặc biệt, máy chụp ảnh Kodak của Eastman đã nổi tiếng trên khắp thế giới và ngành Nhiếp Ảnh bình dân được khai sinh. 
Không những thành công về phương diện thương mại, ông George Eastman còn đạt được một kết quả rực rỡ về phương diện kỹ thuật, đó là sự tìm ra loại phim dẻo và trong suốt. Loại phim này là kết quả của sự pha trộn rất nhiều chất khác nhau với nitrocellulose cho tới khi dung dịch đủ đặc để thành một lớp phim mỏng, trong suốt và không có hạt, đủ sức dẻo dai, làm nền đế để bôi các lớp thuốc ảnh lên trên. 

Vào tháng 8 năm 1889, loại phim Kodak trong suốt đầu tiên được bán ra thị trường và đã được các nhà nhiếp ảnh đón tiếp nồng nhiệt. Cũng nhờ loại phim này, nhà bác học Thomas Edison đã xử dụng để làm cuộn phim chiếu bóng đầu tiên, khai sinh ra kỹ nghệ điện ảnh.

Với chủ đích làm giản dị ngành Nhiếp Ảnh, ông Eastman lúc nào cũng nghiên cứu, tìm tòi. Ông đưa ra các cải tiến liên tiếp khác nhau. Vào năm 1891, Hãng Kodak sản xuất loại phim cuộn khiến cho các người chơi ảnh có thể lắp phim vào máy ngay tại ngoài trời và từ đây, người ta không cần phải gửi máy ảnh trở lại thành phố Rochester để lắp phim nữa.
Từ khi loại phim cuộn ra đời, một tình trạng khác hẳn đã xẩy ra. Trước kia người chơi ảnh phải là một thợ ảnh, họ phải biết tráng phim và rọi hình, hai công việc này bắt buộc họ phải học thêm kỹ thuật phòng tối. Ngày nay với loại phim mới, người chơi ảnh chỉ cần chụp sao cho đẹp, theo đúng theo các điều kiện ánh sáng, còn việc tráng phim và rọi hình đã có hàng ngàn hiệu ảnh lớn nhỏ đảm nhiệm thay họ. 
Vào năm 1895, một loại máy ảnh có thể xếp lại và bỏ túi, được tung ra thị trường rồi 5 năm sau, máy ảnh Brownie dùng cho trẻ em đã được bán ra với giá một mỹ kim. Việc chế tạo phim, giấy và máy ảnh đã trở nên một loại kỹ nghệ và Công Ty Eastman Kodak trở thành một hãng sản xuất sản phẩm nhiếp ảnh lớn nhất thế giới.
 

3/ Đóng Góp Vào Cộng Đồng.

Từ xưa, ông George Eastman vẫn chỉ mong tìm ra các phương pháp làm giản dị môn Nhiếp Ảnh để đại chúng có thể hưởng lợi thì ngày nay, điều đó thành sự thật. Những đóng góp của ông Eastman vào ngành Nhiếp Ảnh thật là lớn lao. Charles Greeley Abbot đã phải nói rằng: “Đó là một cuộc cách mạng trong ngành chụp ảnh, được thực hiện nhờ lòng tận tụy của một viên thư ký ngân hàng chơi ảnh một cách tài tử”. 

Do thiên tài sáng tạo, viên thư ký ngân hàng đã trở nên một tay cự phú. Nhưng dù thành công rực rỡ, ông George Eastman vẫn giữ lòng khiêm tốn, ít khi ông xuất hiện nơi công cộng hay có hình ảnh đăng trên báo chí. Vì luôn luôn hồi tưởng những ngày còn hàn vi, phải sống chật vật để sinh tồn, ông nghĩ ra các dự án thiết lập các quỹ hưu bổng, bảo hiểm và trợ cấp cho các công nhân của công ty. 

Ông Eastman đã đi trước các chủ nhân đương thời về những đức tính dân chủ và nhân đạo trong việc xây dựng kỹ nghệ bằng cách nâng đỡ giới công nhân theo cách chia lời cho họ tỉ lệ với số lương, vì ông biết rằng người công nhân có được tưởng thưởng xứng đáng thì sản phẩm mới tốt đẹp hơn. Ông Eastman cho rằng sự thịnh vượng của một tổ chức không những chỉ nhờ vào các phát minh và các bằng sáng chế mà còn cần tới thiện chí và lòng trung thành của giới công nhân. Khi tuổi đã cao, ông Eastman đành phải mướn các chuyên viên thay thế mình trong nhiều công việc nghiên cứu, nhờ vậy ông có dư thời giờ nhàn rỗi để đi săn bắn, câu cá, du lịch hay thưởng thức âm nhạc.

Vào thời còn trẻ, ông Eastman không được học hỏi về Âm Nhạc trong khi ông rất ưa chuộng các vẻ đẹp và những âm thanh êm tai. Ông thường kể lại vào thời xa xưa, ông đã mua một cây sáo và tập thổi bài hát Annie Laurie trong hai năm trường. Dù rằng không có thiên khiếu về âm nhạc nhưng do lòng yêu thích nghệ thuật âm thanh, trong thập niên 1920 ông Eastman đã thảo ra nhiều kế hoạch thành lập tại thành phố Rochester một trường âm nhạc , một rạp hát và một ban nhạc hòa tấu, và dân chúng Rochester đã ủng hộ sáng kiến của ông. 

Ông George Eastman còn giúp đỡ các bệnh viện và trường y khoa tại Rochester, nhưng ngành chữa răng được ông chú ý tới nhất. Ông đã ủng hộ tài chính để thành lập tại thành phố của ông một bệnh viện nha khoa trị giá 2 triệu rưỡi mỹ kim. Có người hỏi tại sao ông ưu đãi các nhà thương chữa răng thì ông Eastman trả lời: “Tiền bỏ ra cho ngành này mang lại nhiều kết quả hơn bất cứ ngành nào khác. Về y học, chúng ta nhận thấy trẻ em sẽ tốt đẹp hơn, sức khỏe dồi dào hơn và năng lực tinh thần mạnh mẽ hơn nếu răng, mũi, cuống họng và miệng của chúng được chăm sóc chu đáo trong thời còn nhỏ”. Từ lý do vững vàng này, ông Eastman đã tặng nhiều tiền cho các bệnh viện nha khoa của các thành phố London, Paris, Rome, Bruxelles và Stockholm, và hàng trăm ngàn trẻ em châu Âu đã ghi ơn ông George Eastman trong cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.

Ngoài việc giúp đỡ các công cuộc chống bệnh tật, ông Eastman còn chú ý tới nền giáo dục. Khi Viện Cơ Khí Rochester (the Mechanics Institute of Rochester) được thành lập vào năm 1887 và đang phải phấn đấu, ông Eastman đã tặng tiền cho Viện rồi ông còn tự đề nghị là một trong 10 người đỡ đầu cho Viện. Ngày nay Viện này được đổi tên thành Viện Kỹ Thuật Rochester (the Rochester Institute of Technology).

Do việc thuê mướn một số kỹ sư tốt nghiệp từ Viện Kỹ Thuật Massachusetts, ông Eastman thấy được khả năng của các chuyên viên này và ông càng khâm phục Viện Kỹ Thuật đó. Rồi do lòng quý trọng, ông Eastman đã tặng cho Viện Kỹ Thuật đó một số tiền lớn tới 20 triệu mỹ kim với ẩn danh là “ông Smith”. Người ta đã bàn tán rất nhiều về ông Smith và ngày nay trong bài hát phổ thông của Viện, các sinh viên năm dự bị còn ca tụng vị ân nhân bí mật của họ như sau: “Hoan hô, hoan hô, nhân danh sinh viên trường Kỹ Thuật và trường Boston, hoan hô, hoan hô ông Smith, vị ân nhân ẩn danh”.

Vào năm 1924, ông Eastman đã tặng hơn 75 triệu mỹ kim cho Viện Kỹ Thuật Massachusetts (M.I.T.), trường Đại Học Rochester trong đó có trường Âm Nhạc Eastman, trường Y Khoa, trường Nha Khoa, Viện Hampton và Viện Tuskegee là cơ sở nâng đỡ nền giáo dục của người da đen. Ông đã cắt nghĩa lý do tặng tiền rộng rãi này như sau: 

Trước hết, sự tiến bộ của thế giới tùy thuộc vào Giáo Dục vì thế tôi đã chọn các Viện Giáo Dục. Tôi chỉ muốn đỡ đầu vài ngành mà thôi và tôi cho rằng với các Viện này, tôi có thể tìm thấy các kết quả nhanh chóng và trực tiếp hơn, hơn là để số tiền tản mát đi quá nhiều.

Ông George Eastman là một nhân vật không thích tự quảng cáo. Thật là trái ngược khi một vĩ nhân của ngành Nhiếp Ảnh lại ít chụp ảnh hơn bất cứ một danh nhân nào khác trong thời đại của ông. Do ít người biết mặt, ông Eastman có thể dạo chơi trên đại lộ chính trong thành phố mà không mấy ai nhận ra được ông. Ông Eastman rất yêu thích và am tường về Hội Họa, ông thường đi thăm các phòng triển lãm của châu Âu và ông đã có một bộ sưu tầm tranh đáng kể.

Nếu trong cuộc kinh doanh, ông Eastman là một tay cạnh tranh ráo riết và thực tế thì trong các cuộc du ngoạn, ông cũng là một người hoạt động tích cực. Ông thường tổ chức các cuộc đi săn lớn tại châu Phi, tự vẽ kiểu từng món đồ cắm trại và luôn luôn cải tiến các vật dụng sao cho nhẹ nhàng hơn, thu gọn được, và mỗi món đồ đều được dùng cho hai hay ba công việc. Ông lại là tay nấu bếp giỏi, luôn luôn nhận làm các món ăn đặc biệt cũng như món tráng miệng.

Ông Eastman là một con người can đảm và giàu lòng tin tưởng. Trong một cuộc săn thú tại châu Phi, ông đã bình tĩnh quay phim một con tê giác xông tới tấn công ông và viên thợ săn đã bắn hạ con thú chỉ cách ông 5 bước chân. Có người lo rằng chỉ sơ sót một chút, ông có thể bị thiệt mạng thì ông Eastman bình tĩnh trả lời rằng: “Dĩ nhiên là tôi phải tin vào cách tổ chức của tôi chứ !”.

Ông George Eastman qua đời tại Rochester vào ngày 14 tháng 3 năm 1932, không vợ con. Ông là một người tiền phong trong việc khai thác các thị trường ngoại quốc. Ông cũng bỏ ra rất nhiều tiền dùng vào các công cuộc khảo cứu kỹ nghệ, vào các cách quảng cáo rầm rộ cũng như nghiên cứu ngành Tiếp Thị (marketing). 

Ông George Eastman xứng danh là một nhà phát minh thiên tài, một kỹ nghệ gia ngoại hạng, một nhà tổ chức sáng suốt, một công dân ái quốc và một con người giàu lòng bác ái, vị tha.
     
Phạm Văn Tuấn

 Đồng tiền xu thời ấu thơ


Ai cũng bắt đầu đến với tiền bằng vài đồng xu, cắc bạc nhỏ nhoi được cha mẹ cho hồi con nít, dịp Tết đến trong phong bao lì xì. Có chút tiền là có đồ ăn vặt, có thể mua vài món đồ chơi, từ đó bắt đầu hiểu được giá trị đồng tiền.

Thời tôi còn nhỏ, nhớ nhất là được xài 5 đồng kim loại có khía gần như hình hoa mai và đồng bạc 10 đồng tròn. Hai đồng này có một mặt hiển thị mệnh giá và mặt kia là hình bông lúa.

Còn đồng 20 đồng lớn hơn, trông giống hình tròn nhưng chính xác là hình đa giác tới 12 cạnh. Đồng này có một mặt số và một mặt đúc nổi hình người nông dân đội nón lá trên cánh đồng.

Ngoài ra, còn có đồng tiền 10 xu, 20 xu có từ năm 1953, mỗi đồng tiền có một mặt hình ba cô gái Bắc Trung Nam nhìn về một phía và mặt kia hình bông lúa chín bên cạnh số tiền.
Cùng hai loại này có đồng 50 xu, một mặt có hình ba cô gái Bắc Trung Nam nhìn ba hướng khác nhau và mặt kia là hình hai con rồng chầu quanh số 50 xu.

Đồng này tương đương 5 cắc nên chúng tôi gọi là đồng “năm cắc ba cô”. Tiền kim loại ngày đó có các hình dạng và kích thước khác nhau để dân chúng dễ nhận diện, không bị nhầm lẫn khi dùng.

Đó cũng là cách giúp người mù chỉ cần dùng tay sờ là nhận ra giá trị của mỗi loại tiền khi mua bán hoặc khi nhận tiền thối lại từ người bán.
Thời trước năm 1975, đồng 10 đồng có thể mua được một ổ bánh mì thịt rất ngon để ăn sáng, chứng tỏ đồng tiền rất có giá trị.

Khi nào buồn không biết làm gì, con nít dùng giấy bạc trong vỏ bao thuốc lá hay ở miếng chewing gum bóc ra khỏi lớp giấy trắng rồi bọc đồng tiền lại.
Xong chà xát vào vải quần cho giấy bạc ôm sát đồng tiền, nổi rõ những hình đúc sẵn trên đó, nhìn rất đẹp như được mạ lớp bạc sáng choang. Chơi chán thì bóc ra đi mua miếng bánh tráng chiên có me ngào bên trên, hay gói đậu phộng rang.

Con nít hồi đó còn dùng tiền cắc như một thứ đồ chơi, có thể chơi bật tường, hay chơi đánh đáo.

Khi chơi bật tường, dùng phấn kẻ một đường thẳng trên mặt nền xi măng rồi dùng bàn tay gõ những đồng bạc cắc vào tường cho nó bật ra, cố gắng cho đồng tiền rớt gần lằn kẻ nhưng không được ra ngoài lằn.

Nếu tiền vượt qua khỏi lằn, người chơi mất phiên dùng tiền mình chọi vào tiền của những người khác. Đồng của ai bật ra nằm ngay trên lằn kẻ thì người đó được chọi đồng của mình vào những đồng tiền khác nằm gần đó.

Nếu chọi trúng, người bị chọi bị loại ra, phải trả cho người chọi trúng một đồng cắc như đã thoả thuận trước đó. Người chọi thắng tiếp tục chọi cho đến khi chọi hụt đồng nào đó và bị thay thế, cứ như thế đến khi không có người chọi trúng nữa.

Nếu chơi đánh đáo thì đào một lỗ nhỏ dưới đất đường kính chừng ba phân, cũng gạch một lằn kẻ cách xa lỗ khoảng hai mét. Người chơi đứng gần lỗ, thảy đồng tiền tới lằn kẻ xem đồng nào rớt gần lằn nhất.

Nếu ai thảy đồng của mình trúng ngay lằn kẻ hay gần nhất có thể thì là người đầu tiên được cầm tất cả đồng tiền của người chơi đứng ngay chỗ lằn kẻ để thảy vào lỗ.
Nếu có đồng nào lọt vào lỗ thì nó thuộc về người đã thảy nó. Đồng nào nằm ngoài lỗ sẽ được người chơi thay phiên dùng đồng của mình ném vào, trúng đồng nào thì thắng đồng đó đến khi không còn đồng nào nữa.

Nhiều đứa trẻ có khiếu và tài mọn, thảy tiền vào lỗ rất nhuyễn, chọi đồng bạc cắc rất chính xác nên những đứa xếp sau hầu như không có cơ hội để chọi tiền, thua sạch.
Vui vậy đó, con nít hồn nhiên nhưng chơi đùa cũng theo lề luật chặt chẽ!

Lúc tôi còn nhỏ, má tôi bán hàng tạp hóa ngoài chợ nên trong túi áo bà ba của bà treo đầu giường luôn có cọc tiền tròn cuộn trong đó. Thỉnh thoảng, tôi và anh em trong nhà lại lấy một ít mua đồ ăn vặt.

Biết vậy không đúng, nhưng luôn trấn an mình chỉ lấy ít tiền lẻ để mua đồ ăn rẻ tiền như trái chuối, bịch đậu phộng thôi mà. Má tôi không mấy khi la chuyện này, duy chỉ một lần phàn nàn là xấp tiền mới đó bị đứa nào lấy vài tờ. Qua độ tuổi lên mười hay hơn một chút, anh em tôi tự động bỏ dần tật xấu đó dễ dàng, để rồi sau này nhắc lại mà cười.

Lúc đó, trong mắt chúng tôi tiền là vật không quá quan trọng, trừ khi muốn mua đồ ăn vặt hay mấy thứ đồ chơi nhựa rẻ tiền từ trong Chợ Lớn bán ra ở tiệm chạp phô. Nếu có một tờ giấy bạc còn lại sau Tết, thường là lần xuống vạt áo, nhét tờ giấy bạc đã cuộc tròn vào khoảng gấp của vạt, luồn sâu vào trong và sau đó… quên luôn.

Vài người lớn thích chơi trò gấp tờ giấy bạc thành những chiếc vòng, chiếc nhẫn đeo vào ngón tay hay cổ tay, hay dùng nhất là những tờ bạc có giá trị lớn như tờ 500 đồng, hay 1.000 đồng.

Có người khéo tay dùng tiền như là giấy origami để gấp thành con chim, con công, hay con cá vàng… phải chăng đó là những cách “mân mê” giá trị đồng tiền?

Đọc đoạn văn của ông Lê Bảo Trân trong cuốn Chiều chiều lại nhớ chiều chiều xuất bản tại Mỹ năm 1992 có nhiều chi tiết mấy ai còn nhớ. Thời chiến tranh sau 1945, tiền ăn quà vặt phát cho con nít là hai xu, trong khi đó phải có năm xu mới mua được một ổ bánh mì bột bắp.
Ông kể: “Chiến tranh càng leo thang, kim loại khan hiếm nên tất cả xu hào đều phải thay thế bằng tiền nhôm, trắng toát và nhẹ. Về sau từ năm xu trở lên đều in bằng giấy. Giấy một cắc in màu đỏ bầm có người Thượng cưỡi voi.

Giấy bạc một đồng hãy còn xài tiền Đông Dương, một mặt có người con gái Bắc vấn tóc, mặt kia là thanh niên Nam cởi trần gánh dừa”. Ông kể về sau nhôm cũng khan hiếm nên một xu phải đúc bằng chì, rơi chạm đá là bể đôi.

Khi bàn về chuyện tiền bạc, Kha, anh bạn bên Mỹ kể chuyện mẹ anh nhắc hồi còn ở ngoài Bắc trước khi di cư 1954, mỗi lần đi bán vải vóc với các bà cô trong họ thì tiền bạc lúc đó là những đồng hào, đồng xu và đồng trinh, những đồng bạc có lỗ vuông ở giữa.

Mỗi khi thâu tiền từ khách hàng, các bà xâu những đồng bạc đó và đeo ở trong vành váy vì ngày đó phụ nữ không mặc quần chỉ mặc váy, nên không có túi để cho tiền vào. Vả lại, dù có túi thì túi nào đựng cho xuể nên những đồng tiền thường được xâu vào những sợi thép và đeo vào người.

Người miền Bắc hồi mới di cư vào Nam năm 1954 rất ngạc nhiên khi thấy người Nam thích xài giấy bạc xé ra phân nửa. Thói quen này với họ rất lạ, buồn cười, có phần ngô nghê… Tuy nhiên, không mấy ai biết một cách thấu đáo là nó có lý do dẫn tới thói quen rất phổ biến lúc đó.

Số là từ đầu thế kỷ 20, khi Pháp đang cai trị nước ta, đồng tiền xu rất phổ biến trong hệ thống tiền tệ xứ này. Tới năm 1942, đồng xu dần dần hết dùng và không thấy lưu hành nữa.
Người ta cho rằng đó là do giá trị kim loại đồng để đúc xu còn cao hơn giá trị ghi trên loại tiền này, nên con buôn thu hết tiền xu về đúc thành các đồ vật khác kiếm lời nhiều.

Vì thiếu tiền lẻ, tại Sài Gòn và các tỉnh đã nảy ra phong trào xé đôi giấy bạc thành phân nửa giá trị khi cần thiết. Mọi người thấy vậy cũng tiện dù không đúng luật lệ, khi cần thì ráp hai nửa giấy bạc dán lại, không cần đúng số vẫn tiêu xài như thường.

Ai cũng chấp nhận tiêu xài như vậy. Mua món gì bằng tiền xé đôi, nếu gặp khó khăn gì thì cứ dùng tiền ấy mua thịt heo của người Tàu thì họ cũng chấp nhận ngay không thắc mắc.

Thấy chuyện này không ổn, đến tháng 8-1955, Ngân hàng Quốc gia và Tổng ngân khố của miền Nam lúc đó ra một thông cáo nhắc công chúng là giấy bạc 1 đồng, 5 đồng và 10 đồng xé đôi dán lại được lưu dụng đến cuối tháng 8 là hết hạn.

Từ ngày 1-9 trở đi, giấy bạc bị xé sẽ không còn giá trị nữa. Tuy nhiên, để cho công chúng có đủ thời giờ đổi những giấy bạc xé đôi, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Quốc gia ở Sài Gòn và các tỉnh nhận đổi những giấy bạc ấy tới 15 giờ chiều ngày 2-9 năm đó. Có lẽ đây là hiện tượng sử dụng đồng tiền thuộc hàng độc đáo và tùy tiện hiếm có của thế giới!

Giá trị của đồng tiền thời xưa như thế nào? Dì tôi học trường Gia Long, sau đó học sư phạm rồi đi dạy ở trường tiểu học Võ Tánh năm 1958, lãnh lương hơn bốn ngàn đồng, ngang giá một lượng vàng và tương đương lương chuẩn úy quân đội.

Vì chồng làm ra tiền, nhà chồng khá giả nên khi tôi hỏi đùa là phụ nữ như dì ngày xưa khi Tết đến có đi mua vàng không, dì bảo sao phải đợi đến Tết, trong năm mua cũng được mà!
Đến khi đọc Hồi ký của nhà văn Bà Tùng Long, biết thêm mức lương tháng của bà (dạy trung học đệ nhất cấp, cùng thời gian với dì tôi nhưng dạy cấp cao hơn) bằng hai lượng vàng, nhờ vậy mới đủ nuôi đàn con đông đúc dù vẫn phải làm thêm.

Có những bà buôn thúng bán mẹt ở Sài Gòn – Gia Định hàng ngày bươn chải để cùng chồng nuôi sống gia đình nhưng cũng tìm cách cóp nhóp để dành một ít tiền, ráng mua cho được một chỉ vàng mỗi tháng. Đến cuối năm, các bà gom góp lại những chỉ vàng đó, đổi thành một lượng vàng lá để dành lúc cần thiết sau này.

Nhiều người lúc đó và cả bây giờ chỉ tin vào giá trị của vàng hơn bất cứ loại giấy bạc nào, chỉ muốn giữ vàng bên mình, tin rằng nó không bao giờ mất giá nó dù ở thời đại nào hay chính quyền nào.

Đến khoảng năm 1967, anh tôi học xong trường sư phạm nhận nhiệm sở ở Tây Ninh là Hiệu trưởng trường tiểu học, lương khoảng 25 ngàn đồng, lúc đó xe Honda dame của Nhật nhập qua khoảng 32 ngàn, anh mượn thêm tiền mua luôn.

Đó là khoảng thời gian có một công việc ổn định ăn lương tháng là mơ ước của nhiều người, không phải lo kiếm sống qua từng ngày. Cả nhà tôi vui vì đồng tiền anh kiếm được có giá trị cao như vậy.

Đó là vài hiểu biết tuổi nhỏ về đồng tiền. Chúng ta lớn dần lên, được dạy là tiền rất quý, rất cần cho cuộc sống nên phải biết giữ gìn, tiết kiệm và đừng để mất.

Lớn hơn nữa, bài học bổ sung là đồng tiền tuy cần thiết và quý nhưng có những thứ còn quý hơn để có lúc phải ngoảnh mặt với tiền.

Bài học với biên độ rộng đó luôn quay về tâm trí từng người trong mọi lúc. Đồng tiền theo ta từ hồi trẻ thơ, theo suốt cả đời và sướng khổ trên đời, có lẽ từ nó phần nhiều.

PHẠM CÔNG LUẬN