a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Khi tóc không còn xanh…


Tôi thu xếp ít quần áo và vài thứ lặt vặt cần thiết vào trong chiếc va ly nhỏ, sửa soạn cho một chuyến đi vài ngày. Bác ruột tôi vừa qua đời tại thành phố Wichita, tiểu bang Kansas. Gia đình bác mới từ Washington D.C. dọn về đây được mấy tháng nay. Lòng tôi buồn vời vợi đang nghĩ  nên nói cách nào cho đám anh chị em họ của tôi về chuyện của gia đình mình đang đến hồi sụp đổ khi mà bấy lâu nay họ chỉ thấy tôi khoe ra bên ngoài một màu hạnh phúc?

Chồng tôi về tới nhà, thấy tôi bên chiếc va ly anh chỉ hỏi một cách bình thường:
- Em sắp đi đâu?
- Bác Lân em vừa qua đời, em phải về tham dự tang lễ.

Anh lạnh lùng, ngắn gọn:
- Cho anh gởi lời chia buồn đến họ.

Chúng tôi đang làm đơn ly hôn. Anh, người đàn ông thành đạt của tôi cũng là một người bay bướm trăng hoa. Suốt thời gian 20 năm chung sống tôi đã cố gắng chịu đựng vì các con, vì muốn gìn giữ tài sản của gia đình không thể để mất vào tay người đàn bà khác. Nhưng cho tới hôm nay thì sức chịu đựng của tôi đã cạn kiệt, như giòng nước lũ làm vỡ bờ chảy xối xả những giận hờn và tủi nhục. Anh đã lừa dối tôi, có một tình yêu khác với một cô gái trẻ đẹp, chính anh thẳng thắn đề nghị ly hôn tôi để cưới cô gái đó làm vợ.


Sau những ngày tang lễ bác và những lần tâm sự với các anh chị họ về tình trạng gia đình của tôi hiện nay. Các anh chị đều nói hạnh phúc của tôi không thể cứu vãn được nữa, chia tay là giải thoát cho cả hai. Khi đã chia sẻ được những điều đau khổ tôi thấy nhẹ lòng.

Wichita thành phố không qúa lớn cũng không qúa nhỏ và cũng chẳng có gì hấp dẫn tôi vào lúc này, mà còn hai ngày nữa tôi mới phải trở về nhà, dù là ngôi nhà bất hạnh, có người đàn ông tôi từng yêu thương, qúy trọng, nay đã quay mặt phản bội hất hủi tôi.


Đến tiểu bang Kansas, thành phố Wichita lại không xa mấy thành phố Liberal, chỉ 4 tiếng lái xe, làm tôi bỗng dưng tha thiết nhớ đến thành phố Liberal nghèo nàn nhỏ bé với khỏang 15 ngàn dân, nơi mà ngày đầu tiên đến Mỹ gia đình chúng tôi đã ở đây và trong ký ức tôi cũng nhớ đến John, người bạn thân thuở đó. Thuở tôi mới 15 tuổi.

Gia đình chúng tôi đi vượt biển, đến trại tị nạn Bidong, Mã Lai. Sau 9 tháng gia đình chúng tôi đến Mỹ nhờ sự bảo trợ của một gia đình người Mỹ. Đó là ông bà Smith, nhà truyền giáo, họ chỉ có 1 người con trai, anh tên John, lớn hơn tôi 1 tuổi. Năm ấy anh 16 mà đã phổng phao, đẹp trai cao ráo.


Nhà chúng tôi ở không xa căn nhà của ông bà Smith, nơi hứơng Nam của thành phố Liberal. Nhà ông bà Smith đúng là một căn nhà nông thôn, mảnh sân rất to rộng phía trưóc trồng trọt dưa hấu, xung quanh nhà những cây lê, cây táo và cây đào lần lượt thi nhau nở hoa. Nhưng được trồng nhiều nhất là cây táo. Tôi không có ai để chơi ngoài John hay sang nhà trò chuyện, mấy đứa em tôi cũng thích xúm vào hóng chuyện và cũng là cách để chúng tôi tập luyện tiếng Anh. Thỉnh thoảng tôi cũng chạy sang nhà John, nhất là vào những lúc cây có trái chín trên cành. Ôi, tôi mê những cây táo vào mùa thu qúa, có loại mọc thẳng, cành vươn cao và trái cũng ở trên cao, có loại cành mềm, khi đậu trái thì chĩu cành lòa xòa sát xuống đất đến nỗi tôi chỉ việc ngồi xổm mà tha hồ hái trái.

Lại còn vườn dưa hấu trước sân tôi hay cùng John háo hức vạch tìm trong đám lá những trái dưa hấu nhỏ vừa hiện ra và thích thú theo dõi chúng cho đến khi lớn lên to tròn vươn lên khỏi đám lá. Không gì ngon ngọt bằng trái dưa hấu vừa cắt cuống trong vườn, bổ ra ăn ngay tại chỗ trong một buổi trưa hè mà John thường làm cho hai đứa cùng ăn.



John nói chuyện với tôi đủ thứ, từ những chuyện hàng ngày của anh cho đến những ước mơ mai sau, anh lấy vợ thì sẽ về sống ở một nông trại. Anh say sưa tả cái nông trại của gia đình anh trước kia ở tiểu bang Texas, có một căn nhà gỗ bề ngang dài, bên cạnh là chuồng bò bằng hàng rào gỗ sơ sài. Anh khoe biết cách vắt sữa bò. Anh đã chạy rong trên cánh đồng cỏ khô hay đi trên con đường đất mà mỗi khi gío mùa hè lồng lộng thổi làm tung bụi mịt mù và cả những khi mấy con bò đua nhau về chuồng cũng làm bụi mù tung lên như gío đã thổi.

Đất Texas có nhiều nơi khô cằn gần như sa mạc, cả mấy chục acre đất nhà anh với nhiều bụi xương rồng rải rác và những bụi cây đã là to lớn vĩ đại với thằng bé lên 10 như anh thuở đó.  Anh yêu thích ở nông trại, một trời một cõi như của riêng mình. Tôi cũng say sưa nghe John kể, như đi lạc vào một cảnh trong phim ảnh, vì nó xa lạ với tôi, chứ tôi chẳng đời nào thích sống ở những nơi khỉ ho cò gáy như thế.

Tôi luôn mơ nước Mỹ với những thành phố nhộn nhịp phồn hoa như New York mà tôi đã thấy trong phim ảnh làm tôi thích thú, tôi sẽ dạo bước trên những vỉa hè có những cửa hàng sang trọng. Cuộc sống sẽ là một chuỗi ngày vui.


Hai năm sống ở Liberal thì cha mẹ tôi quyết định sẽ dọn đi tiểu bang khác, vì tương lai của mấy chị em tôi, để chúng tôi được sống ở thành phố lớn, học ngôi trường lớn và có cộng đồng người Việt Nam đông hơn. Tôi quá chán thành phố Liberal nhỏ bé này rồi và đã đợi chờ quyết định này của cha mẹ từ lâu. Thành phố gì mà chỉ có 1 phi trường nhỏ xíu, chỉ đủ cho mấy chiếc máy bay nhỏ thỉnh thoảng đến rồi đi, lặng lẽ, buồn hiu. Muốn đầy đủ tiện nghi, người ta phải đến phi trường ở thành phố Wichita hay Amarillo.

Ngay chiều hôm đó, tôi hí hửng chạy sang nhà John để báo tin vui này. Đó là một buổi chiều mùa hè đầy nắng. Tôi quen thuộc thò tay vào trong mở chốt cánh cổng rào bằng gỗ ngoài sân, mỗi lần đến nhà John tôi đều nhanh nhẫu làm thế, tự nhiên như nhà mình, và đi bộ trên con đường dài mà hai bên là vườn dưa hấu đang độ chín, trước khi đến căn nhà nhỏ bằng gỗ khiêm nhường. May qúa John có nhà, mà mấy khi John đi vắng đâu, anh thích ở nhà giúp cha mẹ làm vườn, ngoài những khi thỉnh thoảng theo cha mẹ đi truyền đạo trong thành phố vào dịp cuối tuần.


Trời nắng nên tôi và John  không hẹn mà cùng bước về phía những cây táo trồng quanh mảnh sân trước, nơi mà chúng tôi thường đến đó tán gẫu và ngắm hoa táo nở đẹp vào tháng năm hay hái táo vào cuối tháng chín, cùng ăn, cùng chia nhau nếm thử quả táo ngọt với niềm vui thích. Tới một cây táo to lớn, cành rậm rạp, tháng này táo đang kết trái sau một mùa hoa xum xuê. John ngồi xuống trước rồi đến tôi. Tôi chẳng thèm ngắm những trái táo xanh nhỏ dễ thương trên cành mà lên tiếng hớn hở khoe ngay:

- Anh John ơi,  gia đình tôi sắp rời khỏi thành phố này rồi.

Mặt Johm hoảng hốt như vừa nghe một tin kinh khủng lắm:
- Sao? Em sẽ đi…có thật không?
- Thật đấy, bố tôi nói cuối tuần này sẽ dọn đi. Ngày mai cha mẹ tôi sẽ sang từ gĩa cha mẹ anh. Bây giờ tôi cũng sang để chào tạm biệt anh.

Giọng John vẫn bàng hoàng:
-  Em sẽ trở lại đây không?

Thấy gương mặt buồn lo của John, tôi tội nghiệp hứa liều không cần suy nghĩ:
- Chắc chắn tôi sẽ trở lại thăm John và cha mẹ của John chứ. Vì cha mẹ John là người đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều khi mới đặt chân đến Mỹ mà.

John bỗng vụt đứng dậy:
- Hãy đợi anh ở đây, anh sẽ trở lại ngay trong giây lát.

John chạy bay vào nhà và lại chạy bay ra chỗ cây táo, không để tôi phải đợi lâu, anh đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ có ghi sẵn tên John và số điện thoại nhà anh, mà chắc là anh vừa ghi vội, giọng anh tha thiết như năn nỉ:
- Em hãy giữ lấy số điện thoại này, khi nào đến nơi ở mới thì liên lạc với anh. Em hứa đi!

Tôi cảm động, một lần nữa tôi hứa liều:
- Vâng, khi có nơi ở mới tôi sẽ gọi cho anh.
- Đừng thất lạc nhau nhé. Em hứa đi!
- Vâng, không bao giờ !


Nhưng khi đến California thì tôi bận rộn với cuộc sống mới và những lời hứa vội vàng với John bỗng chỉ là một trò đùa, tôi vứt đi mảnh giấy mà anh đã kỳ vọng trao vào tay tôi, đã dặn dò tôi và chắc là đã chờ đợi mỏi mòn kể từ ngày tôi rời thành phố nhỏ. Nối lại nhịp cầu liên lạc với John làm gì trong khi ở cái tuổi 17 tôi mơ hồ hiểu John đã yêu thích tôi, mà tôi dù có cảm tình với anh thì tôi cũng không thể nào lấy anh, vì mộng ước của anh và tôi hoàn toàn trái ngược. Đành rằng gia đình anh là người ơn của gia đình tôi, họ hiền lành đạo đức, John sẽ là người chồng, người cha tốt như tấm gương của cha mẹ anh, nhưng tôi không thể lấy người chồng ít học làm nông trại và tôi chỉ quanh quẩn sống với chồng trong mấy chục acre đất hoang vu, chốn đồng khô cỏ cháy với mấy con gà, con bò như anh đã vẽ ra.

Tôi đã từng nghe chuyện nhà nông khốn khổ, trồng 1 acre bắp chỉ bán được khỏang 80 đồng theo gía sỉ, hay những vụ cam trúng mùa ở Florida, gía cam bán ra mà như cho không, chỉ 50 cent cho một thùng cam và những vụ khoai tây trúng mùa ở Idaho cũng xuống gía rẻ bèo như thế. Giấc mơ tuổi mới lớn của tôi là giàu sang phú qúy, lấy người chồng có địa vị, học cao hiểu rộng. Ở thành phố mới tôi đã miệt mài học hành, chính bản thân tôi cũng sẽ vươn cao. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đi làm và kén chọn người chồng tương lai. Tôi đã bỏ qua nhiều cơ hội lập gia đình vì chê họ không xứng đáng với tôi, cho đến khi gặp người chồng hiện tại. Năm ấy tôi đã 30 tuổi, chồng tôi là một người thành đạt trong học vấn và trong kinh doanh. Tôi đã đạt được ước mơ và vui hưởng  hạnh phúc trong những năm đầu.


Vì rảnh rỗi và tò mò tôi quyết định thuê xe để lái từ thành phố Wichita đến thăm thành phố Liberal, nói cho đúng hơn để thăm lại gia đình ông bà Smith và John của ngày xưa xem họ thế nào? Tôi hình dung ra ông bà Smith đã già, họ đã nghỉ hưu không đi truyền giáo nữa. Còn John đã có vợ con và đang sống ở một trang trại nào đó,  anh John sẽ là hình ảnh ông Smith nông dân chất phác và hiền hậu ngày xưa, anh chăm chỉ lao động nuôi bò, trồng trọt, các con anh sống và lớn lên ở nông trại, chúng biết cách vắt sữa bò và bám lấy nông trại không dám đi đâu xa giống như anh.

Sau 4 giờ lái xe, tôi đã trở về nơi chốn cũ. Thành phố nhỏ, đường kính lớn khỏang hai miles thì có gì là khó mà không tìm ra ngôi nhà của ông bà Smith nơi cuối phố, dù tôi đã xa cách  30 mấy năm rồi. Nhưng tôi vẫn hỏi thăm, có vẻ như gia đình Smith có uy tín với cư dân ở đây lắm.  Người ta nói nhà Smith vẫn ở chỗ cũ. Khi tôi xuống xe, đứng ngẩn ngơ nơi cánh cổng rào gỗ năm xưa, bỗng thấy ngậm ngùi, có thể cánh cổng gỗ đã từng hư cũ, từng được thay đổi, làm lại cái khác nhiều lần rồi, và cái chốt mở cửa không phải là miếng gỗ mà tay tôi đã từng chạm vào năm xưa, nhưng vẫn giống thế, và như thể vẫn chờ đợi tôi trở về để chạm tay vào. Tôi run run thò tay vào mở chốt cửa, lại ngậm ngùi hơn vì ngẫu nhiên bây giờ đang là mùa hè, hai bên lối đi của mảnh sân vẫn trồng dưa hấu, lá xanh rậm rạp và xung quanh vẫn là những cây đào, cây lê, cây táo…dù có thể những loại cây này năm xưa đã gìa, đã cằn cỗi, được thay thế bằng những cây trồng sau này.  Thế giới đổi thay bao nhiêu thứ mà nhà ông bà Smith dường như không hề thay đổi. Khu vườn của họ vẫn là những hình ảnh cũ.



Tôi đi vội trên con đường dài, hồi hộp nhìn chăm chăm vào ngôi nhà trước mặt đang đóng cửa, không còn tâm trí nào nhìn ngắm vườn dưa hấu xem có nhiều trái hay không. Rồi tôi gõ cửa và chờ đợi. Mãi sau mới có tiếng mở cửa, hiện ra trước mặt tôi là bà Smith, bà đã gìa đi -dĩ nhiên-  Sau vài phút ngỡ ngàng nghe tôi tự giới thiệu thì bà đã nhận ra tôi, bà mời tôi vào nhà, rưng rưng nước mắt bà trách móc:
- Thì ra là cô, tại sao mãi hôm nay cô mới trở lại đây? John đã chờ đợi cô mấy năm trời.

Tôi ngạc nhiên và xúc động, nước mắt cũng rưng rưng như bà Smith:

- Thật thế sao? Tôi xin lỗi, tôi vô cùng xin lỗi vì đã không thực hiện điều đã hứa với John
- Cô đâu có biết, ngay khi gia đình cô đi được một tuần là John đã chờ đợi cô gọi phone về từng ngày.  Nó luôn tin tưởng cô sẽ gọi phone cho nó và một ngày nào cô sẽ trở về Liberal.

Bà Smith gục đầu xuống và khóc nấc lên, kể tiếp:

- Nó đau khổ và héo hon cho đến khi hoàn toàn tuyệt vọng…
- Trời ơi, tôi không ngờ.

Tôi cố ngăn giòng nước mắt, vuốt ve cánh tay bà an ủi như an ủi cho chính mình và hỏi thăm:

- Số phận tôi và John không thể gần nhau thôi mà. Bây giờ anh ấy ra sao?
- Sau đó John lấy vợ, Christine là con gái một nhà truyền giáo bạn thân của vợ chồng tôi, cô gái hiền lành ngoan ngoãn và rất yêu John, đã làm lành vết thương lòng của John. Nhà vợ chồng nó cũng ở gần đây.
- Thế anh ấy không sống ở nông trại như anh ước mơ sao?

Bà Smith lau nước mắt, thoáng một niềm vui:

- Đó chỉ là ước mơ của một thằng bé tuổi vị thành niên, một thằng bé nhà quê mà suốt thời thơ ấu sống nơi trang trại. Khi John và Christine yêu nhau, cả hai cùng vào đại học. Họ đã tốt nghiệp y khoa và đang hành nghề bác sĩ ngay tại thành phố Liberal này.

Tôi ngạc nhiên và vui mừng reo lên:

- Không ngờ John học gỉoi và có chí đến thế!
- Tôi tin là nhờ có tình yêu của Christine.
- Với nghề nghiệp bác sĩ cả hai vợ chồng John có thể đi đến những thành phố lớn lập nghiệp dễ dàng, nhưng sao họ vẫn ở lại nơi đây?
- Chúng tôi đã quen sống ở thành phố nhỏ, từ ngày ông Smith mất đi, John càng không muốn xa mẹ. Nhưng nó dù bận hành nghề, vẫn không quên phụ giúp tôi gieo trồng và làm vườn mỗi khi mùa Xuân về. Đó là niềm yêu thích của John, của chúng tôi.


Họ thật thủy chung, bao năm qua vẫn ở nơi này, ở căn nhà này dù họ có điều kiện để thay đổi. Bao năm qua họ vẫn trồng trọt làm vườn như nhà nông khi đến mùa dù họ có là ai đi nữa. Tôi đứng dậy chào tạm biệt bà Smith. Bà bỗng nắm cánh tay tôi, lo lắng dặn dò:

- Phải đấy, cô nên về ngay đi và xin cô hãy hứa với tôi một điều.

Tôi nói với tất cả chân tình:

- Tôi xin hứa bất cứ điều gì tôi có thể.
- Cô hãy đi và đừng bào giờ trở về đây nữa, bao nhiêu năm qua, vết thương lòng của John đã lành. Tôi tin là John đã quên cô, nó đang sống yên vui hạnh phúc bên vợ con. Nhưng nếu cô xuất hiện sẽ gợi lại nỗi đau cũ.  Cô hãy hứa lại một lần nữa cho tôi yên lòng.

Tôi chậm rãi nói từng lời rõ ràng cho bà Smith nghe rõ:

- Tôi xin hứa đây là lần cuối cùng đến đây. Thôi, xin chào bà.

Tôi đi ra cửa, bước trên con đường thân quen của thuở  tôi 17 tuổi lòng đầy kiêu kỳ tham vọng và John 18 tuổi hãy còn ngây thơ ngốc nghếch, muốn tán tỉnh tôi mà đưa ra một ước mơ nghèo nàn, đơn giản. Tình yêu chân thật của anh John nhà quê chẳng mấy khi đi đâu xa khỏi cái tiểu bang Kansas với những cánh đồng lúa mì mênh mông chỉ là một trò cười đối với tôi.



Nhưng hôm nay, ở cái tuổi không còn trẻ nữa, khi mái tóc không còn xanh nữa, sau những vật chất phù hoa tôi đã nếm biết bao vị đắng, trải qua bao phũ phàng của tình nghĩa vợ chồng. Và sau cuộc trò chuyện với bà Smith, tôi chợt nhận ra một tình yêu hồn nhiên trong sáng của John dành cho tôi. Cái hạnh phúc mà bây giờ vợ của John đang hưởng tôi biết là vững chắc, đẹp đẽ biết bao nhiêu. Điều mà tôi không hề có. Tôi chợt nghĩ đến mấy câu thơ tôi đã đọc đâu đó và yêu thích:


Giờ đây không có ai, không có một tình yêu nào để cho tôi thể hiện sự thủy chung đằm thắm đơn giản như thế… Khi ra đến ngoài cổng, tôi quay lại khép cánh cổng rào bằng gỗ. Tôi biết mình vừa khép lại một qúa khứ, một bầu trời xanh và mất nó vĩnh viễn.



Nguyễn Thị Thanh Dương











MẸ HIỀN


(Viết nhân kỷ niệm 89 năm ngày sinh của mẹ)



Tôi trở về quê lần này với bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Mẹ tôi vừa thoát khỏi căn bệnh kéo dài tưởng như không thể qua khỏi sau nhiều ngày nằm điều trị ở bệnh viện trên Sài Gòn. Thật kỳ lạ, mẹ tôi phục hồi nhanh chóng trong sự ngỡ ngàng và vui mừng của những người thân.
Nhớ lại ngày trước, mẹ tôi có nhiều căn bệnh, không một ai trong gia đình nghĩ đến mẹ tôi sống đến tuổi già. Lúc mẹ được 80 tuổi, mẹ bảo với các con, “Không ngờ sống đến tuổi này. Bây giờ các con đã trưởng thành, mẹ không còn lo lắng gì nữa. Ông trời có bắt đi mẹ cũng vui vẻ ra đi!”.
Trong số bảy người con của ngoại tôi, duy nhất chỉ còn lại mẹ tôi còn sống. Mẹ tôi hay nhắc những người thân cho con cháu nghe.Thông qua câu chuyện, với những tấm gương của những người lớn trong gia tộc còn là cách giáo dục con cháu rất hiệu quả. Mẹ luôn dặn dò các con không được sống tham lam, bởi của phi nghĩa ăn không bền. Hình ảnh những người thân không phai mờ trong trí nhớ của tôi.Thương nhất cậu ba, một người con hiếu thảo mà tôi được biết. Chiều nào cũng vậy, sau khi cơm nước xong, cậu đạp xe đến nhà thăm cha mẹ. Có hôm trời mưa, cậu vẫn đến. Cậu bảo, “Hôm nào kẹt chuyện gì không đến được, tối ngủ không yên tâm”.

Nhớ những ngày cuối năm 1975, mẹ con dắt nhau về quê nội sinh sống. Năm đó, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Sáng chiều mẹ tảo tần lo làm lụng công việc đồng áng .Vào mùa mưa thì càng ảm đạm và buồn hơn. Đêm về bên ngọn đèn dầu leo lét mẹ ngồi khâu vá quần áo rách cho các con. Nghe tiêng mưa đêm hòa cùng tiếng ểnh ương ếch nhái, hình ảnh mẹ in bóng trên vách nhà ...
Đó là sự cô đơn của mẹ in vào tâm trí tôi.Tôi lại nghĩ nếu cha tôi còn sống, tình cảnh gia đình chắc sẽ khả quan hơn.
Sống gần gũi những người nông dân chân chất, tình làng nghĩa xóm lần hồi gắn bó như một thứ tình cảm thân thương rất khó tìm thấy khi sống ở thành thị. Gia đình tôi hòa nhập vào đời sống của bà con nông thôn. Mẹ tôi ở quê chồng tính ra hơn 40 năm dài. Mẹ yêu cuộc sống bình dị ở xứ vườn nên sau này không còn ý định trở về thành phố nữa.
Những ngày cuối năm, năm nào mẹ cũng tính tuổi của mình.Tôi nhớ mấy năm gần đây, tết nào mẹ cũng thanh thản bảo với các con có thể đây là cái tết cuối cùng của mẹ. Mẹ không sợ ngày ra đi vì cho rằng chuyện sinh tử của con người ai cũng phải trải qua, không muốn cũng không được. Mỗi lần mẹ nhắc đến chuyện buồn của đời người, anh chị em chúng đều lãng tránh không dám nghĩ đến dù biết rằng ngày xa mẹ không còn bao lâu nữa. Lúc cha tôi mất, anh em còn nhỏ dại, chẳng ai dám nghĩ đến một người đàn bà yếu đuối nhiều bệnh tật sẽ nuôi nấng các con ra sao. Nhưng lòng thương vô bờ bến các con đã làm mẹ tôi mạnh mẽ hơn. Chị em tôi được lớn lên trong tình thương yêu của mẹ, người phụ nữ đức hạnh và nghị lực phi thường.

Tôi nhìn chăm chú khuôn mặt của mẹ tôi, sự khắc nghiệt của thời gian quả đáng sợ. Mẹ tôi không còn linh hoạt như xưa, trí nhớ giảm sút thấy rõ. Có những chuyện mới xảy ra mẹ vẫn không nhớ. Điều kỳ lạ, có những chuyện xảy ra năm ba chục năm trước, mẹ kể ra vanh vách. Những người ở xóm ngoại tôi ngày trước bây giờ mất đã gần hết, mẹ nhắc những việc người ấy đã làm không sai chi tiết.
Mấy hôm nay trời trở lạnh. Mẹ bảo đứa cháu ngoại gom lá khô trong vườn đốt cho ấm. Nhìn những sợi khói trắng bay lên trời bao nhiêu kỷ niệm ngày cũ cứ ùa về trong trí nhớ.
" Khi bước chân đi lần trong cuộc đời.
Lời mẹ hiền ru con nhớ không nguôi .
....
Ai biểt đêm nay tôi vẫn mong chờ.
Tìm đâu những phút vui ngày ấu thơ . " ( Lam Phương)

Mẹ hy sinh cả đời cho các con, vượt qua muôn trùng khó khăn để các con được thành đạt. Mùa xuân đã gần đến, chị em chúng tôi sẽ rất vui khi biết rằng tết này chúng tôi vẫn còn có mẹ.

Tuấn Ba

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

LỜI RU CỦA MÂY VÀ NẮNG.




NHỚ VỀ THUỞ NHỎ




Người Vợ Bị Bỏ Quên



Cú điện thoại đến bất ngờ giữa lúc chị đang ngồi chờ chồng bên mâm cơm. Chị đã lưỡng lự không muốn đi bởi vì chị nghĩ làm thế chẳng khác nào bản thân mình thiếu lòng tin với chồng. Nhưng rồi chị lại thấy mình cần phải đi một lần cho rõ ràng, dù thế nào, sau lần này chị cũng không bao giờ phải hoài nghi thêm nữa. Vậy là chị vẫn đi nguyên đôi dép lê lao ra khỏi nhà… Chị đi tìm chồng. Người chồng mà theo bạn bè chị nói là “gái gú đầy bên ngoài”.
Chị đến địa chỉ như đã được thông báo, chị không mất nhiều thời gian để nhận ra xe của anh ở ngoài khách sạn đó. Chị run run, chị muốn cố gắng xóa đi cái suy nghĩ anh không phải là kẻ phản bội, có thể anh vào đó có việc gì và anh sẽ không giấu chị. Chị gọi cho anh, đầu dây bên kia bắt máy bằng giọng đầy khó chịu:
- “Có chuyện gì thế?”
- “Anh đang ở đâu đấy, bao giờ anh về ăn cơm?”
- “Đang ở công ty chứ ở đâu. Mà em ăn trước đi, anh ăn rồi. Thế nhé”.
Vậy là đã rõ tất cả. Anh đi ngoại tình, anh đi ngủ với gái và anh nói dối chị. Vậy mà bấy lâu nay chị tôn thờ anh như tôn thờ một vị thánh sống.
Chị không vào khách sạn. Chị quay về. Tối hôm đó chị không ăn cơm, chị để mâm cơm nguội ngắt rồi vào phòng nằm ngủ.
Sáng hôm sau chị dậy sớm ra khỏi nhà khi mà anh đang ngủ. Chị đi dạo phố, rồi chị ghé vào một hàng hoa, mua ít hoa hồng vàng về cắm. Khi chị đang đi đường, anh gọi qua điện thoại:
- “Sao sáng nay em không nấu đồ ăn sáng, cũng không gọi anh dậy. Em có biết là anh đi làm muộn rồi không?”
- “Em không nắm được lịch trình của anh. Sáng nay em phải đi mua hoa và làm tóc nữa. Em bận, anh tự ăn bên ngoài đi nhé”.
Rồi chị cúp máy. Lần đầu tiên sau gần 10 năm làm vợ anh, chị là người tắt điện thoại trước. Chị có thể cảm nhận được sự chưng hửng và hụt hẫng của anh đầu dây bên kia bởi vì đó là cảm giác mà chị vẫn thường trải qua khi anh đột ngột cắt điện thoại.
Chị đi sắm cho mình những chiếc váy, chị cắt tóc ngắn và nhuộm màu nâu đỏ. Chị đi làm móng, trông chị thật sành điệu. Mọi người bị sốc khi nhìn thấy ngoại hình của chị. Ngay cả anh cũng ngạc nhiên khi thấy vợ đột nhiên thay đổi. Nhưng anh cũng chẳng đoái hoài, anh không khen ngợi cũng chẳng chê bai. Vì anh có một mối quan tâm khác, mối quan tâm trẻ hơn bên ngoài.
9h tối anh không thấy vợ điện thoại. Ở trong vòng tay người tình anh bắt đầu thấy nóng ruột. Thường vào giờ này chị sẽ gọi cho anh bằng cái giọng rụt rè: “Anh ơi, sắp xong việc chưa? Bao giờ anh về, em vẫn đang đợi cơm anh”. Nhưng cả tháng trời nay, chị không bao giờ điện thoại cho anh. Thi thoảng, anh bật điện thoại lên và thấy hụt hẫng khi không có một dòng tin nhắn hay một cuộc gọi nhỡ của chị.
Anh gọi cho vợ, nhưng chị không bắt máy. Anh quyết định về nhà sớm hơn dù cô nhân tình tìm cách giữ lại. Về nhà, anh không thấy có mâm cơm trên bàn như bao lần. Căn nhà tối thui không có bóng người. Anh gọi điện cho chị, lần này chị nghe máy:
- “Đang ở đâu vậy?”
- “Em đang đi ăn tối với một người bạn. Có việc gì vậy?”
- “Mấy giờ rồi có biết không? Mà cơm nước sao không có?”
- “Hôm nay, anh lại ăn ở nhà à? Vậy anh nấu tạm đồ trong bếp nhé. Em bận rồi”
Chị lại cúp máy. Anh không thể biết chị ở đâu.
Chị đẹp lên từng ngày. Chị không còn giống là người vợ ngày ngày ở trong bếp nấu nướng và chờ anh. Chị thay đổi, chị lột xác nhưng chị quá xa xôi so với anh. Anh bắt đầu thấy nhớ… thấy thèm một sự hiền hòa và cam chịu của chị. Nhưng giờ chị dửng dưng với mọi điều. Anh say khướt về nhà chị không hề lo lắng. Anh đi tới tận khuya chị không hề điện thoại. Anh không về, điện thoại báo chị cũng nhẹ nhàng đồng ý… Sự tự do mà chị mang lại cho anh khiến anh sung sướng lúc ban đầu nhưng lại mang lại cảm giác khó chịu và tức tối về sau…
Chị đã từng là một người con gái đẹp nhưng vì yêu anh, vì muốn là hậu phương vững chắc cho anh nên sau khi cưới chị tình nguyện ở nhà chăm sóc chồng con. Chị nghĩ sự hi sinh của mình là cần thiết và chồng sẽ trân trọng. Chị đánh đổi sự nghiệp và nhưng cơ hội của mình để nhận được một lời chê bai: “Em nhạt và nhàm chán quá” của anh.
Anh ngủ dậy không thấy chị nằm bên. Anh hốt hoảng vì điều đó. Đã gần 1 tháng nữa qua đi, chị vẫn tự do và thoải mái cho anh như vậy. Nhưng anh thì đã không còn thiết đến chỗ người tình. Anh nôn nóng muốn biết xem chị đi đâu, làm gì, vì sao chị thay đổi… Những thứ đó còn khiến anh quan tâm hơn nhiều so với sự hờn dỗi của cô người tình.
Trên bàn chị để lại một mẩu giấy nhỏ: “Em đi du lịch một mình 3 ngày cho khuây khỏa. Anh tự lo cho cuộc sống của mình nhé. Con em gửi về bên ngoại”. Anh thấy tim mình đau khi chị bỏ lại anh thoải mái như vậy. Chị muốn trải nghiệm cảm giác không có anh, điều đó làm anh thấy buồn. Hình như chị đang chuẩn bị tâm lí cho việc không cần anh trong cuộc đời.
Anh muốn đợi vợ về để thú nhận với vợ rằng anh đã ngoại tình và xin chị tha thứ. Anh muốn chị đẹp như bây giờ nhưng xin chị hãy gần anh như xưa, đừng xa cách nữa. Anh nóng ruột điện thoại cho vợ nhưng chị tắt máy. Tới tận đêm, khi anh gọi điện chị mới nghe:
- “Em đang ở đâu”
Chị nói địa chỉ và rồi trong đêm ấy anh lao đến tìm chị, tìm người vợ mà bấy lâu nay anh bỏ quên. Còn chị, chị yên tâm chờ đợi vì chị tin chắc là anh sẽ đến…

Sưu Tầm



CÓ NHẤT THIẾT PHẢI TRẢ THÙ KHÔNG?

Có một người hành khất đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí, mong được đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ. Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”. Ði đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.
Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải.Tay ông không rời khỏi hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.
P/s : Sao chúng ta cứ canh cánh mang hòn đá bên lòng, những gì đã lỡ cầm lên được thì dù khó cũng vẫn có thể bỏ xuống được và cần bỏ xuống,nếu không vì người thì ít nhất cũng vì chúng ta, để được nhẹ lòng, thanh thản...

Nguồn: Rosa Cỏ Xanh

BỐ LÀ THẾ ĐẤY



1. Trên thế giới này, người khó hiểu nhất chính là bố. Bố vừa giáo dục chúng ta phải tiết kiệm, vừa lén cho chúng ta tiền tiêu vặt.
.
2. Bố trách chúng ta làm hỏng việc nhưng trong nội tâm, ông không nhẫn tâm thấy chúng ta bị trách mắng.
.
3. Bố chẳng bao giờ cất lời khen chúng ta giỏi nhưng trong lòng thì tự hào đến mức kiêu ngạo.
.
4. Có chế.t bố cũng không muốn chúng ta yêu sớm nhưng trong lòng, ông luôn nuôi một niềm hy vọng lớn rằng sau này chúng ta có một gia đình hạnh phúc.
.
5. Trên thế giới này, người yêu chúng ta nhất nhưng ít khi thể hiện ra chính là bố.
.
6. Có ai cam tâm tình nguyện làm ngựa cho chúng ta cưỡi? Có ai sẵn sàng lấy thân mình che chắn cho chúng ta khi gặp hiểm nguy? Có ai chấp nhận ra ngoài bươn chải lo cho chúng ta bữa ăn, giấc ngủ, lo cho ta học hành… mà không chút tính toán cho bản thân?
.
7. Trên thế giới này, người phải đối mặt với những áp lực lớn nhất, phải chịu đựng sự tàn khốc nhất khi cạnh tranh bên ngoài, đảm nhiệm những trọng trách nặng nề nhất chính là bố.
.
8. Cũng trên thế giới này, người cô độc nhất cũng chính là bố.
.
9. Trong những người quanh bạn, người trải qua sóng gió nhiều nhất là bố, người ít được truyền tụng nhất cũng chính là bố.
.
10. Bố, trong suốt thời gian sau này, con sẽ nhớ mãi những ngày thơ bé khi bố dắt bàn tay bé xíu của con, đôi bàn tay đã đưa con đi qua tuổi thơ cho đến khi trưởng thành bước vào đời.

Sưu Tầm



MÓN QUÀ CỦA BỐ...

Một ngày, cô bé 11 tuổi hỏi bố: "Bố sẽ tặng gì trong sinh nhật 15 tuổi của con?".
Người bố trả lời: "Ngày đó vẫn còn xa mà con gái".
Năm 14 tuổi, cô bé bị ngất và được đưa đến bệnh viện. Bác sỹ nói với người bố rằng tim của cô bé rất yếu, rằng cô bé sẽ không thể qua khỏi.
.
Nằm trên giường, cô bé yếu ớt hỏi: "Bố ơi, có phải bác sỹ nói rằng con sẽ chết không?".
Người bố quay lưng lại để giấu những giọt nước mắt: "Không, con sẽ sống".
Làm sao bố biết được? - cô con gái nhỏ cất câu hỏi yếu ớt
Rồi sau đó,Cô bé đón tuổi 15 trên giường bệnh khi đang dần hồi phục sau cuộc phẫu thuật.
Khi về nhà, cô tìm thấy một lá thư trên giường của mình:
"Gửi con gái yêu của bố, nếu con đang đọc bức thư này, điều đó có nghĩa là mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp đúng như những gì bố nói với con. Con từng hỏi bố sẽ tặng gì cho con nhân dịp sinh nhật 15 tuổi. Khi ấy bố chưa nghĩ ra nhưng giờ bố đã biết. Món quà sinh nhật cho con là TRÁI TIM của bố, hứa với bố nhé ... hãy sống tốt và cười thật tươi như con đã từng.. vì
.
.Luôn có một người yêu con hơn cả bản thân mình! 

(Nguồn: Hoà Hoà Augustino)

HƯƠNG PHẤN

Chị đã chọn cái nghề hạ lưu nhất mà người đời đều khinh bỉ: LÀM Đĩ trong một buổi chiều mưa gió, khi con Tí đang sốt cao mà chị không có nổi một đồng trong túi. Sau khi để người ta vày vò, thoã mãn, chị lao vào trong cơn mưa xối xả, chị đến tiệm thuốc Tây mua mấy liều thuốc cho con, chị ghé chợ mua một ít thịt và mớ rau. Tối nay, gia đình chị được ăn bữa cơm thịt tươm tất. Nước mưa cứ quăng táp vào mặt chị. Chị không phân biệt được đâu là nước mưa, đâu là nước mắt. Chị chỉ nghĩ đến anh bị liệt đang nằm bất động cả năm nay, nghĩ đến thằng đen ngày càng gầy gò, mới 12 tuổi đầu mà vừa đi học vừa phụ người ta khuân vác hàng ngoài chợ, nghĩ đến con Tí đang bệnh mà không đòi mẹ, không thở than. Chị nghĩ nhiều thứ và chị bắt đầu làm đĩ từ đó.
Cũng từ đó, chị đối diện với bao nhục nhã, bao ê chề. Dường như Đĩ có một sức mạnh ghê gớm. Đĩ có thể phá hoại đạo đức, đĩ phá tan hạnh phúc một gia đình, đĩ có thể làm khuynh đảo một quốc gia... đĩ là một mới hổ lốn, dơ dáy, bẩn thỉu nên người ta nghĩ đủ mọi cách để loại trừ nó. Chị nhớ như in buổi sáng hôm đó. Anh công an gọi tên chị: "Nguyễn Thị Hương Phấn, dù đã có chồng và hai con nhưng vẫn đi bán dâm...." người ta bêu tên chị ngoài đường, mọi người chỉ trỏ, chị không quan tâm, chị nghe ong ong họ nói hình như không phải tiếng người, mắt chị ráo hoẵng và nó chỉ nhoè đi khi bắt gặp ánh mắt như trời trồng của thằng đen. Rồi chị được tha về, thằng đen đi trước, chị theo sau. Hai mẹ con không ai nói, một khoảng cách rất nhỏ nhưng quá xa. Chưa bao giờ đường về nhà lại nặng với chị đến thế. Nước mắt chị bắt đầu chảy, chị muốn nói xin lỗi con mà khó quá. Chị đã làm gì cuộc đời chị và cuộc đời con chị?
Cuộc đời làm đĩ của chị cũng thay đổi trong một chiều mưa gió. Một nhóm ba người phụ nữ đã đến đánh ghen chị tại nhà. Chồng của cô ta là một khách quen, anh ta thích chị vì chị hiền lành. Anh ta bảo không có cảm xúc với vợ nên hay tìm chị. Nhưng chị nào quan tâm, chị nhận tiền và phục vụ, chỉ vậy thôi mà họ ghen. Người ta thi nhau đạp, nắm tóc, xé nát quần áo chị. Chị nằm yên chịu đựng, không rên la, không cầu xin. Chỉ đến khi con Tí ôm chị khóc thét: "Xin cô đừng đánh mẹ cháu nữa!" Nó ôm chặt chị để sẵn sàng nhận đòn thay. Người đàn bà hơi khựng lại, rồi quăng mạnh đầu chị vào giường ngay chỗ chồng chị nằm. Cô ta xỉ vả một hồi rồi bị chủ nhà trọ kéo đi.
Chị ngước mắt nhìn chồng cầu mong sự tha thứ, chị tìm ánh mắt khinh bỉ, nổi giận từ người đàn ông của mình. Nhưng không, nước mắt anh chảy dài, còn gì đau đớn hơn khi nhìn vợ mình bị người ta đánh mà không thể giúp. Anh đưa bàn tay gầy gò vuốt lại mái tóc chị, anh hiểu những gì chị đã làm, đã hi sinh vì anh, vì con. Anh cố gắng giữ giọng không run rẩy: "Đau không?". Anh lạc giọng: " Mình đi rửa mặt, thay lại cái áo rồi ra đây với anh."
Thằng đen về nãy giờ, nó nghe người ta bảo mẹ nó bị đánh ghen, nó xin chủ về, nó nhặt và xếp lại những thứ mà người ta đã quăng. Nó ôm lấy con Tí, nó thương mẹ nó, nó thương ba nó, nó thương em nó. Nhưng nó còn nhỏ quá chưa thể làm được gì. Chị đã rửa mặt, buộc lại mái tóc, thay lại cái áo cũ. Chị đến bên giường, ngồi xuống cạnh anh. Thằng Đen với con Tí cũng ngồi xuống bên cạnh. Anh nhìn gia đình mình bắt đầu nói: " Anh xin lỗi mình, anh đã để em phải cực khổ, phải vất vả để bươn chải." Chị khóc ngất.
Anh nói tiếp: "Từ mai, anh sẽ tự tập vật lí trị liệu, anh sẽ cố gắng. Em đừng làm nghề đó nữa. Anh gọi điện cho chú ba vay ít tiền mua cái máy may, em may đồ và sửa quần áo. Thằng Đen cố gắng làm thêm nhưng không được bỏ học. Con Tí thì phải chăm chỉ ngoan ngoãn, phụ mẹ việc nhà." Mọi người gật đầu. Giọng anh nghẹn lại: " Ba xin lỗi mọi người. Nhưng mọi người hãy nhớ, dù có chuyện gì xảy ra, chúng ta cũng là một gia đình. Vì là một gia đình nên chúng ta phải yêu thương và tha thứ lỗi lầm cho nhau." Bốn người rưng rưng ôm chặt lấy nhau. Một người đàn ông bại liệt nhưng tâm hồn không què quặt. Một người đàn bà làm đĩ nhưng là một người vợ, người mẹ sẵn sàng làm mọi việc vì chồng, vì con. Một đứa con trai 12 tuổi đã biết làm thêm sau giờ học để phụ cha mẹ. Một đứa con gái bé bỏng nhưng tháo vát, tự lập. Bốn con người đã gắn kết thành một khối chắc chắn mang tên Gia đình.
Ngoài kia sấm chớp, mưa gió nhưng bên trong căn phòng trọ này thật ấm áp và yêu thương.
* Trong tận cùng của xã hội luôn có những mảnh đời vất vả, nhọc nhằn mưu sinh.

 Bụi Mận Gai

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

Người ăn xin và đóa hoa hồng.



Có một cô bé bán hoa sau khi bán gần hết số hoa hồng,huyện cô bé thấy trời đã tối nên quyết định về nhà sớm một chút. Lúc này, trên tay cô bé vẫn còn một đóa hoa hồng chưa bán hết, lại thấy bên đường có một người ăn xin, cô bé bèn tặng bông hoa hồng ấy cho anh rồi vui vẻ về nhà…
Người ăn xin trước giờ chưa từng nghĩ đến lại có một việc tốt như vậy xảy ra với mình, anh không bao giờ nghĩ rằng sẽ có người tặng hoa hồng cho mình. Có lẽ người ăn xin này chưa từng yêu thương bản thân hết lòng, cũng như chưa từng nhận được tình yêu của người khác dành cho mình. Thế nên anh đã quyết định ngày hôm đó không ăn xin nữa mà về nhà.
Sau khi về đến nhà, anh tìm một cái lọ đổ nước vào để cắm đóa hoa hồng rồi để trên bàn, lặng lẽ thưởng thức vẻ đẹp của nó. Bỗng nhiên anh nghĩ đến điều gì đó, lập tức bắt đầu lấy đóa hoa ra, đi rửa sạch lọ rồi cắm hoa vào lại.
Thì ra anh bỗng cảm thấy hoa đẹp như thế này không thể tùy tiện cắm trong lọ bẩn được, vì vậy anh quyết định rửa sạch lọ, như vậy mới xứng với vẻ đẹp của hoa hồng.
Sau khi làm xong những việc này, anh lại ngồi xuống lặng lẽ thưởng thức đóa hoa tuyệt đẹp, đột nhiên cảm thấy hoa đẹp như vậy, lọ sạch như thế, sao lại có thể để trên một cái bàn vừa bẩn vừa bừa bộn được, thế nên anh bắt đầu lau sạch bàn, sắp xếp đồ đạc lại gọn gàng.
Sau khi làm xong, anh lại ngồi yên lặng ngắm nhìn mọi thứ trước mắt. Đột nhiên anh lại nghĩ, hoa hồng đẹp như vậy, bàn sạch như thế, sau lại để trong căn nhà lộn xộn thế này được? Thế là anh quyết định quét dọn căn nhà, sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, vứt tất cả rác trong nhà ra ngoài.
Sau đó, cả căn nhà đã trở nên ấm áp nhờ sức ảnh hưởng của đóa hoa hồng, lúc này dường như anh đã quên mất mình ở đâu. Khi say rượu, bỗng anh phát hiện ra trong gương phản chiếu hình ảnh một thanh niên đầu tóc rối bù, lôi thôi lếch thếch. Anh không ngờ mình lại như thế này, người như vậy có tư cách gì ở trong ngôi nhà gọn gàng bên cạnh đóa hoa hồng tuyệt đẹp như thế chứ?
Thế là anh lập tức đi tắm sau một thời gian dài không tắm rửa. Tắm xong, anh tìm được vài bộ quần áo tuy có vẻ hơi cũ, nhưng vẫn khá sạch sẽ. Anh mặc quần áo và cạo râu, xử lý một lượt từ đầu đến chân, sau đó anh soi lại gương, bỗng nhiên anh phát hiện ra một khuôn mặt đẹp trai trẻ trung mà trước nay chưa từng có xuất hiện trong gương.
Lúc này, đột nhiên anh cảm thấy bản thân cũng không tệ lắm, vì sao lại phải làm ăn xin chứ? Đây là lần đầu tiên anh tự hỏi mình như vậy từ khi đi ăn xin đến nay, trong tích tắc tâm hồn anh như tỉnh lại. Anh nghĩ, thật ra mình cũng không tệ mà! Nhìn lại một lượt mọi thứ trong nhà rồi lại ngắm nhìn đóa hoa, anh lập tức đưa ra một quyết định quan trọng nhất trong đời.
Anh quyết định ngày mai không đi ăn xin nữa mà đi tìm việc, bởi vì anh không sợ bẩn và mệt, cho nên ngày hôm sau anh đã thuận lợi tìm được một công việc. Có lẽ là bởi vì đóa hoa hồng nở rộ trong lòng đã cổ vũ anh, cùng với sự nỗ lực không ngừng của chính anh nên vài năm sau, anh đã trở thành một người vô cùng thành đạt.
Đừng chìm đắm trong thất bại, hãy mau chóng tìm thấy đóa hoa hồng tuyệt đẹp trong đời mình, lập tức thay đổi bản thân từ những điều nhỏ nhặt. Bạn thay đổi, thế giới sẽ thay đổi!

Nguồn : Quà tặng cuộc sống.



MÓN QUÀ QUÝ GIÁ NHẤT!!! 

Tôi muốn bắt đầu câu chuyện này bằng hai từ ngày xửa ngày xưa...Ngày xửa ngày xưa... có một người nhà giàu, rất giàu. Sự giàu có bắt đầu từ một cơ may - hồi đó, khi còn là cậu bé nghèo khổ chỉ mong được ăn no, ông đã được một người tốt bụng đưa về nhà nuôi nấng và cho ăn học.
Ông thường kể lại chuyện này cho con cái nghe nhưng các con ông cười cho rằng đây chỉ là một trong những bài học đạo đức của ông mà thôi.
Rất bận rộn nhưng tuần nào cũng vậy, ông dành ra một buổi tối ăn mặc như một người lao động bình thường và đi dạo. Nói là đi dạo nhưng thật ra là ông tìm gặp những ai cần giúp đỡ, ngay cả kẻ trộm cắp ông cũng không từ chối vì nghĩ rằng biết đâu sự giúp đỡ của mình sẽ là một cơ hội cho kẻ muốn hoàn lương.
Một tối mùa đông, như thường lệ ông đi trên đường. Ngang qua công viên ông dừng lại vì chợt thấy dáng vẻ của một chàng trai sao mà thiểu não quá. Cùng với bộ áo quần tỏ rõ sự nghèo nàn là nỗi tuyệt vọng lồ lộ.
- Chào cháu, có chuyện gì vậy?
Câu hỏi êm ái của ông khiến chàng trai rùng mình. Cái rùng mình trong bóng tối của đêm đông khiến trái tim nhân hậu của ông đau nhói. Ông rất biết giới hạn của mình. Tiền bạc, ông không thiếu. Một công việc, ông sẵn sàng mở rộng cửa các nhà máy của mình cho bất kỳ ai cần một công việc. Nhưng nếu là một căn bệnh hiểm nghèo thì... Ông đã từng cho người ta tiền không phải để có cuộc sống mong ước mà là để mua một cái quan tài.
- Cháu không thể nói gì với ta sao?
Giọng chàng trai đẫm nước mắt:
- Cháu yêu...
A, ông có thể hiểu được. Đôi trẻ thiết tha yêu thương nhưng mẹ cha nhất định ngăn cản bằng cách thách chàng trai một đám cưới linh đình? Ông mỉm cười:
- Ta sẽ tặng cháu tất cả những gì nhà gái muốn.
- Không... Không ai có thể - Giọng chàng trai tuyệt vọng.
- Ta có thể.
Câu trả lời tự tin và quả quyết của ông chỉ khiến chàng trai lún sâu thêm trong cay đắng:
- Ông trời cũng không thể làm được gì. Tối nay, cháu và nàng hẹn gặp nhau lần cuối tại đây. Rồi sau đó...
Giờ thì đến phiên ông rùng mình - rồi sau đó...
- Nhưng cái gì là không thể? - Ông gặng hỏi.
- Cha mẹ nàng chẳng đòi hỏi gì cả ngoài việc cháu phải đưa cha mẹ đến thăm nhà gái.
- Ơ, một thách cưới thật khắt khe. Như ta đây, nếu nhà gái đòi con trai ta phải đưa mẹ nó đến thì ta biết làm sao khi mẹ nó đã qua đời từ lâu.
- Không phải vậy - chàng trai kêu lên - cháu không biết cha mẹ mình là ai. Tự nhiên mà lớn lên... Tự nhiên mà có trên đời... Làm sao họ dám gả con gái cho một kẻ chẳng có gốc tích?
Ông đặt tay lên vai chàng trai và cảm nhận được toàn bộ sức nặng của cuộc sống trĩu trên đôi vai non tơ này. Có tiếng chân rón rén bước đến gần và một cô gái xuất hiện. Dù cô đang mặc một cái áo dày sụ của mùa đông và cái mũ len trùm xuống che khuất cả nửa khuôn mặt, ông vẫn nhận ra cô thật xinh xắn và đang đau khổ đến nhường nào. Ông nhìn thấy rõ vẻ ngạc nhiên trên mặt cô dù trời tối. Một ý nghĩ thoáng qua đầu... Ông mỉm cười:
- Chào con.
Cô gái đưa tay lên miệng để che một tiếng kêu kinh ngạc, còn chàng trai thì sửng sốt. Ông thấy mình còn xúc động hơn cả đôi trai gái:
- Nếu hai con không chê có một người cha như ta.
oOo
Đám cưới diễn ra vô cùng vui vẻ. Cha mẹ cô dâu càng lúc càng quí chú rể bởi vì cha chàng không những thật lịch sự mà còn rất hiểu biết, ông nói chuyện về công việc lao động chân tay như một người cả đời gắn bó với nó vậy.
Nhưng điều đáng nói là những chuyện sau đám cưới. Một người khách đến dự tiệc rồi về là chuyện thường, còn đây là cha của chú rể. Nhìn những điều không dám thốt thành lời trong mắt đôi trai gái đang tràn trề hạnh phúc, ông chẳng thể làm gì khác hơn là đóng trọn vai diễn của mình. Thăm họ hàng và cùng nhau ra biển lưới cá... Con trai ông không phải dân biển nên rất vụng về, nhưng điều đó không khiến niềm vui giảm đi.
Mất một tuần ông không đến văn phòng làm việc.
Rồi mọi chuyện cũng kết thúc êm đẹp. Đôi vợ chồng mới cưới lưu luyến tiễn ông từ làng chài ra đến thị trấn và từ đây ông sẽ lên tàu. Lúc này không có ai, chỉ có ba người với nhau, không cần phải đóng kịch. Nhưng làm sao có thể xưng hô khác được nữa?
- Chúng con chào cha.
- Chào hai con.
Sự trở về của ông làm cả công ty nháo nhác. Người thì tưởng ông gặp tai nạn mất xác, người tưởng ông bị bắt cóc và đang đợi cú điện thoại đòi tiền chuộc. Có người còn thì thầm rằng các con ông đang tìm kiếm di chúc...
oOo
Ông vẫn mỗi tuần một buổi đi trên đường để tìm kiếm và chia sẻ với người không may. Khi là một tấm chăn bông ấm áp cho kẻ đang run rẩy, khi thì tháo chiếc nhẫn trên tay tặng người cơ khổ...
Một năm trôi qua, mùa đông lại đến. Một tối khi ngang qua công viên, ông chợt nghe tiếng gọi vui mừng:
- Con chào cha!
Ông nhận ra ngay là chàng trai hôm nào. Dù không thể nhớ mặt tất cả những người ông đã giúp nhưng chàng trai này là một kỷ niệm đặc biệt: chưa có ai cầu xin ông một điều tương tự vậy.
- Chào con.
- Mấy hôm nay ngày nào con cũng đến đây. Con mong được gặp cha.
- Để làm gì?
- Vợ con mới sinh em bé. Ông bà ngoại mời ông nội đến ăn mừng mẹ tròn con vuông.
Giọng chàng trai đầy hi vọng đồng thời cũng rất ngập ngừng. Quả là chàng mong muốn nơi một ông già gặp gỡ tình cờ một điều hơi quá đáng! Nói xong, nhìn thấy đôi mắt nhướng lên vì kinh ngạc của ông thì chàng trai vội vàng tiếp ngay:
- Con cũng định là nếu không gặp được cha thì sẽ nói với ông bà ngoại là ông nội đang bệnh nặng.
- Chẳng ai muốn mình là người đang bị bệnh nặng cả, con trai - ông nói với một nụ cười tươi tắn trên môi - Biết tặng cháu nội món quà gì đây?
oOo
Ông bà ngoại tíu tít mừng vui khi ông đến. Còn phải nói, làng chài nhỏ bé mấy khi có khách xa về. Không phải chỉ ông bà ngoại mừng mà như là cả họ mừng vui. Hôm nay nhà này mời ông ăn một bữa, ngày mai nhà khác mời... Cứ như vậy nhà nào cũng kéo ông đến. Lần thứ nhất là sau tiệc cưới, và đây là lần thứ hai ông được bao nhiêu người mời mọc mà không phải là để nhờ cậy một điều gì. Họ nấu những con cá con tôm tươi hiếm hoi trong mùa đông và rất sung sướng khi thấy ông ngon miệng; để mừng cháu nội ông kháu khỉnh, mừng con dâu ông khỏe mạnh, mừng con trai ông đáng mặt nam nhi làng chài, vậy thôi. Họ không biết ông là ai nên không dạ thưa, không cố gắng làm ông hài lòng, không điệu bộ, không kín đáo quan sát đợi ông cau mày là vội dọn thay món khác, không chuẩn bị trước đến lúc này thì thế này và tí nữa thì thế kia... Tất cả thật giản dị như vốn là như vậy. Ông ăn và uống rượu chiết từ một cái can nhựa thật to được mua về cho tất cả mọi người cùng uống.
Ông hít thật sâu làn không khí mằn mặn của biển, thấy lòng dâng một niềm vui khó tả, và ông thấy hãnh diện khi nhìn thấy ánh mắt mọi người nhìn con trai của mình lúc nói về anh. Chỉ một năm thôi mà anh đã trở thành một trong những người đi biển giỏi nhất làng chài này. Có một đứa con trai đáng mặt nam nhi thật không dễ, ông hiểu sâu sắc điều này.
- Rảnh rỗi ông lại về thăm cháu nhé.
Câu nói và những cái vẫy tay lưu luyến khiến ông xúc động. Ông chợt thấy có lỗi khi lừa dối những con người hồn hậu chân thành như vậy. Nhưng biết làm sao đây? Nhất là khi tất cả đang rất hạnh phúc. Tất cả, đúng vậy! Đêm, nằm trong ngôi biệt thự tiện nghi của mình, ông chợt nhớ ra các món cá hơi mặn, dân chài thường ăn mặn. Bác sĩ nói quả thận của ông sẽ gặp phiền toái nếu ông ăn mặn, nhưng tại sao lúc đó ông không hề thấy đau nhức như lẽ ra? Làm sao mà ông đã ăn hết tất cả một cách ngon lành?
oOo
Cho đến một ngày... bé Bi vòng đôi tay nhỏ xíu qua cổ ông, miệng bập bẹ gọi “Ông ội ơi...” thì ông nhận ra mình đến đây không chỉ vì chàng trai, không phải vì trách nhiệm tình cờ số phận sắp đặt. Ông đến đây vì bản thân mình muốn. Mỗi lần chìa má cho bé Bi hôn, ông thấy lòng trào lên niềm xúc động lạ lùng. Bước chập chững vấp vào ngưỡng cửa, bé òa khóc giơ hai tay về phía ông tin cậy.
Ông muốn cho bé tất cả những tiện nghi mà cháu nội của ông được hưởng nhưng rồi ông không dám mang tới làng chài gì khác ngoài túi bánh qui, cái khăn len, hộp sữa...
Ông sợ. Phải, ông sợ...
Nếu biết ông là tỉ phú thì chuyện gì sẽ xảy ra? Một khoảng cách mênh mông đẩy những con người hồn hậu của làng chài ra xa tít tắp, mình ông cô đơn bên này với bao qui tắc, có qui tắc ông phải chấp nhận và có qui tắc do chính ông đề ra. Hơn vậy nữa, họ sẽ biết những đứa con của ông là như thế nào. Và... sẽ giống như những nơi ngày ngày ông đi qua, rập khuôn những lời nói, những kiểu dáng cung kính và những tính toán lợi lộc. Tệ nhất là con trai và con dâu của ông sẽ thay đổi, tiền bạc và quyền hành sẽ làm biến đổi tất cả, ông quá rõ như vậy.
Không, để có những phút giây êm đềm ở làng chài này, để có gia đình êm ấm này, ông vẫn hãy là ông nội thôi. Ông cảm thấy bứt rứt trước những món quà đẹp muốn cho bé Bi mà đành phải thôi. Nhìn bé chơi với những viên sỏi, những vỏ ốc, những cái nắp hộp bằng thiếc... ông quyết định khi bé đến tuổi đi học sẽ nói thật và đưa bé vào một trường danh tiếng nhất.
oOo
Chưa kịp thực hiện thì ông ngã bệnh. Nguy kịch đến nỗi báo chí và truyền hình ngày nào cũng đưa tin và tung ra những dự đoán cho tương lai của cơ nghiệp mà ông dày công xây đắp.
Quanh ông là những hàng rào người: bảo vệ, các cộng sự, bác sĩ, luật sư, phóng viên, những kẻ thừa kế hàng thứ nhất, họ hàng xa, họ hàng gần...
Giờ khắc tỉnh táo hiếm hoi, ông bình tĩnh truyền đạt những gì cần thiết và điều cuối cùng là gọi gia đình nhỏ của làng chài. Lệnh ban ra xong, ông cầu trời cho cuộc sống của mình đừng kết thúc trước khi kịp gặp. Nhưng ông không phải đợi một giây nào cả. Ngay lập tức họ xuất hiện trên ngưỡng cửa. Nghĩa là họ đã ở cạnh ông từ lâu lắm rồi. Làm cách nào vào được ngôi biệt thự của ông trong giờ khắc này? Không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu người ta thiết tha muốn thì luôn có một cách nào đó. Ông thấy lòng ấm áp. Nghĩa là họ đã nhận ra ông! Còn ông thì...
- Các con biết từ bao giờ? - Ông yếu ớt hỏi.
- Ngày đám cưới đã có người nhận ra... bác. Bác nổi tiếng như vậy, đặc biệt như vậy...
- Hãy gọi bằng cha như con vẫn thường.
Ông nói và cảm thấy hạnh phúc. Đúng vậy, hạnh phúc. Và tiếc nuối.
- Cha chưa làm được gì cho các con và bé Bi - giọng ông chỉ còn là tiếng thầm thì - Nhưng ta có một món quà...
- Cha đã cho con rất nhiều rồi - chàng trai nghẹn ngào.
- Ta đã làm gì đâu... - giọng ông yếu ớt và tràn đầy hối tiếc - Nếu ta biết con nhận ra ta là ai, hẳn ta đã...
- Cha đã cho con một người vợ hiền, cha đã cho con của con những kỷ niệm về ông nội, cha đã cho con một làng chài làm quê nhà... - chàng trai bật khóc - Cha đã cho con một cuộc đời.
Khuôn mặt người sắp chết ánh lên nét ngỡ ngàng. Ông muốn nói gì đó nhưng không kịp... Chàng trai áp khuôn mặt đầm đìa nước mắt vào lòng bàn tay của người đã thay đổi đời anh từ một tối mùa đông. Sau lưng anh, bé Bi trên tay mẹ mở to đôi mắt tròn xoe, kỷ niệm cuối cùng của bé về ông nội là trên khuôn mặt khép lại xanh xao hé nở nụ cười.

Sưu Tầm.