a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRUYEN NGAN SUU TAM. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRUYEN NGAN SUU TAM. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

ĐIỀU ĐỜI NGƯỜI HỐI TIẾC…



Cứ đến bữa cơm là cặp vợ chồng trẻ ở đối diện nhà cô lại cãi vã om sòm. Có hôm, chị vợ khóc tức tưởi, ẵm con, dọn đồ đi đâu mấy ngày mới về lại.
- Bà chia sẻ giúp cháu, bí quyết để đời sống vợ chồng hạnh phúc như ông bà được không?
Cô hay có thói quen học hỏi kinh nghiệm sống từ những người lớn tuổi. Một sáng, cô tình cờ gặp ông bà ở quán cơm chay. Cô ấn tượng bởi hai vợ chồng già lụ khụ mà tay vẫn trong tay, tình ơi là tình!
Hôm thì ông dìu bà. Hôm thì bà lại dắt ông. Họ vừa ăn, vừa cười nói với nhau nhỏ nhẹ, ánh mắt lấp lánh hạnh phúc.
- Ôi dào! Ngày trẻ ông bà cũng choảng nhau suốt ngày cháu ơi! Làm gì yêu thương nhau như bây giờ!
Đôi mắt đầy vết chân chim của bà nheo lại, khi cố nhớ về những ngày tháng sóng gió tuổi trẻ đã xa.
Bà kể, có dạo, bà còn đi đánh ghen, khi ông ngoại tình. Thủa trai tráng, ông đẹp trai, hào hoa phong nhã nên cũng bay bướm cô nọ, cô kia.
Dù ông đã nhiều lần tỏ ra ăn năn, hối hận, vì chuyện vụng trộm nhưng bà vẫn luôn kiếm chuyện giày vò ông suốt một thời gian dài đằng đẵng.
Hết tình lại đến tiền, khiến vợ chồng ông bà lục đục chẳng yên. Nào sách vở, quần áo, gạo cơm…cho các con. Tiền bạc hút cạn niềm vui. Ông bà cũng từng ném vào nhau những lời lẽ cay đắng, xát muối nhau bao vết thương lòng.
- Bà có bao giờ hối tiếc, vì điều gì chưa làm được trong đời không?
Câu hỏi bất ngờ của cô khiến gương mặt bà chùng xuống.
- Điều bà hối tiếc nhất là…đến trạm cuối cùng của cuộc đời, ông bà mới biết…thương nhau!
Bỗng hai giọt nước mắt bà rơi xuống đất. Bà lấy tay chùi vội, giọng nghèn nghẹt bảo, ông mới mất hơn một tháng nay!
Cô gái trẻ lặng đi. Thảo nào dạo gần đây, cô hay thấy bà đi ăn sáng một mình. Gương mặt bà không còn nét vui tươi như thủa sóng bước bên ông nữa.
Cô gái trẻ chưa mấy hiểu sự đời, cứ mãi lởn vởn trong đầu câu hỏi: Đời người ngẫm nhiều khi thật phi lý. Vì sao, khi con người ta có tuổi trẻ rực rỡ, còn sức khỏe cuồn cuộn, họ lại không thể đối xử tử tế, nhẫn nhịn, thương yêu nhau mà chờ đến khi như ngọn đèn hiu hắt trước gió, như chiếc xe sắp cạn bình xăng “sự sống” mới có thể dịu dàng với nhau!?
Tác giả: Nguyễn Nga
Trích từ tập truyện ngắn tự cổ chí kim chưa xuất bản!




Những bóng người trên sân ga - Bài thơ chia ly hay nhất của Nguyễn Bính 


Nói đến Nguyễn Bính, nhà thơ hương đồng gió nội, dường như người Việt Nam thuộc thế hệ chúng tôi trở về trước, không ai là không thuộc dăm ba câu thơ của ông. Nhiều câu thơ của ông đã ru vào lòng người, làm cho nhiều người tưởng đó là ca dao. Cuộc đời của ông cùng khổ, phiêu bạt giang hồ. Có thể nói, đời ông là một tấn bi kịch gắn liền với xã hội đương thời.

Nguyễn Bính sinh năm 1918 tại Nam Định, mất năm 1966 tại quê nhà. Ông chỉ thọ có 48 tuổi, nhưng ông đã để lại cho đời hàng ngàn bài thơ, hầu như bài nào cũng hay, cũng rung động lòng người. Ông viết rất nhiều thể loại, từ kịch, truyện ký, truyện thơ. Song có lẽ hay nhất là những bài thơ ông viết về nông thôn, về đồng quê.

Năm tháng tuổi trẻ của ông gắn liền với Nam Bộ với Hà Tiên, nơi có những nhà thơ Kiên Giang, Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết. Họ là những người bạn thân tình, giúp đỡ ông từ vật chất cho đến tình cảm trong những năm tháng phiêu bạt giang hồ. Những ngày lang bạt, giang hồ ấy, đã gây cho ông nhiều cảm hứng viết nhiều bài thơ thật cảm động và đau thương.

Tiêu biểu cho những cuộc chia ly đứt ruột xé lòng này, tôi cho rằng “Những bóng người trên sân ga“ là một trong những bài thơ hay nhất nói về sự chia ly của thi ca Việt Nam, kể từ khi xuất hiện thơ mới đến nay.

Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.
Có lần tôi thấy hai cô bé
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.
Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở sân toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

Không có gì đau khổ day dứt bằng sự chia ly. Sự chia ly của tình yêu, chia ly của tình mẹ con, chia ly của tình chị em cho đến sự chia ly của tình bạn. Đôi khi là sự chia ly của chính bản thân mình. Nguyễn Bính đã lấy sân ga, con tầu để diễn tả những cuộc chia ly. Những sân ga, con tầu ấy là thực và có khi là sân ga trong lòng ông, trong lòng người đọc. Mở đầu bài thơ bằng vài nét chấm phá, nhà thơ cho chúng ta thấy những cuộc chia ly đau đớn đến xé lòng.

Ông đã dùng hình tượng đàn đứt dây để nói lên những cuộc chia ly này (đàn đứt dây thì làm sao nối lại được, có khác chi sự chia ly đau đớn này, còn có gì bù đắp nổi). Bắt đầu từ sân ga này (là thực) hay sâu thẳm của những trái tim (nghĩa bóng). Những cuộc chia ly đã và đang diễn ra dường như bất tận…

“Những cuộc chia lìa khởi từ đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày…”

Vào bài, ta bắt gặp hình ảnh hai cô bé tiễn biệt nhau ở sân ga. Hai cô bé, chắc chắn nhỏ tuổi hơn nhà thơ. Bài thơ này, Nguyễn Bính viết năm 1937, khi ông 19 tuổi. Hai cô bé còn tuổi học trò. Nhưng tại sao họ phải xa nhau? Có người cho rằng, họ còn rất trẻ với tình cảm thơ ngây, còn non nớt, có thể phải bỏ trường học để đến trường đời, chưa biết nơi nào sắp phải đến… Nhưng tôi nghĩ, phải chăng họ là hai chị em? Cô em tiễn cô chị đi làm ăn xa hoặc về nhà chồng? (năm 1937, ngày đó còn tảo hôn quả thật là những lời ru buồn).

“Có lần tôi thấy hai cô bé
Áp má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
Đường về nhà chị chắc xa xôi?”

Hình ảnh áp má, chung lưng gợi lên một cảm giác vô cùng lưu luyến, day dứt thơ ngây khi họ phải tiễn đưa nhau. Tình cảm ấy, tuy là hai nhưng đã quyện thành một. Sự giằng xé đó, làm cho cả hai trái tim non nớt phải chơi vơi, khi con tầu kia sẽ đưa một trong hai cô về đâu, về đâu?

Rồi đây nữa, với phép điệp ngữ, từ “Một“ được lặp lại tới ba lần, lời thơ trầm buồn, đâu đây mang hơi hưởng của âm nhạc, Nguyễn Bính đã dựng lại toàn bộ một cuộc chia ly của một người tình với một người tình. Với nỗi buồn man mác, bùi ngùi đơn lẻ đó, chúng ta thử đọc lại đoạn thơ trên:

“Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một sân ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu…”

Buổi chiều là sự báo hiệu sắp kết thúc một ngày, cũng như cuộc tình của họ sắp đi qua chăng? Họ có những chuỗi ngày sống bên nhau thật êm đềm, hạnh phúc, có lẽ nào ngày vui đã hết, giờ chia ly đã đến. Hình ảnh chiều tà, là thời gian, không gian như nghẹt lại, gợi cho ta cuộc chia ly thật nặng nề. Lại một đại từ (phản thân) được lấy lại (nhấn mạnh) “Họ cầm tay họ“ trong cái bóng liêu xiêu ấy, sao mà thấy mong manh đến vậy. Và dường như tình yêu đã vuột ra khỏi tầm tay họ chăng?.

Cũng trên sân ga ấy, Nguyễn Bính cũng bắt gặp đôi bạn thân tiễn đưa nhau. Họ quyến luyến như không muốn rời xa nhau. Người đi đã yên vị trên tầu, người tiễn muốn kéo thời gian lại (chắc nhà người tiễn cũng cách xa sân ga và có thể tầu chạy muộn giờ?). Người đi lo lắng cho bạn, nên giục bạn về ba bốn lần. Nhưng người tiễn đưa lo lắng, lưu luyến cũng không kém. Để rồi trời đã tối, bóng nhòa trong bóng, nhùng nhằng chưa chịu cất bước:

“Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tầu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu…”

Hình ảnh họ nhòa trong bóng tối như hòa quyện trong chung rượu đầy để cùng nhau uống cạn. Ôi! Tình bạn rất đời thường, nhưng có gì đẹp hơn thế không nhỉ?

Một lần khác, trên nẻo đường giang hồ của mình, nhà thơ đã bắt gặp một cặp vợ chồng, tiễn biệt nhau trên sân ga. Họ thẹn thùng, không dám cùng nhau sánh bước. Dường như họ sợ ai nhìn thấy, kể cả người lạ. Do vậy người chồng đi trước người vợ bẽn lẽn theo sau, “Thẹn thùng đưa nhau bóng chạy dài“. Người vợ cởi khăn trầu, lấy tiền đưa cho chồng, người chồng thắt khăn lại không lấy. Họ cứ đùn đẩy cho nhau. Hình ảnh đó, bật lên cái tình yêu, tình vợ chồng, rất dân dã, đời thường.

Trong cuộc tiễn đưa còn có một người thứ ba, đó là người mẹ, nhưng bà không xuất hiện trên sân ga này. Đưa tiền lại cho vợ người chồng nói: “Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi…“ Một sự lo lắng hiếu thảo, đầy tính nhân văn của người nông dân Việt Nam, dưới ngòi bút của Nguyễn Bính:

“Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn đưa nhau bóng chạy dài
Chị cởi khăn trầu anh thắt lại
Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi…”

Một buổi chiều tà với đôi guốc mộc, bộ quần áo nâu nhàu nát, chếnh choáng men say, Nguyễn Bính khật khưỡng trên sân ga. Trước mắt ông một cuộc chia ly thật cảm động, xót xa. Bức tranh đó đã được ông chép lại:

“Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tầu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ xuống bóng sân ga…”

Có lẽ không có hình ảnh nào từ xưa đến nay làm xúc động chúng ta bằng hình ảnh người mẹ già tiễn con ra trận. Trấn ải xa, là nơi biên thùy xa xôi, đầy nguy hiểm. Tầu đã đưa người con trai đi rồi, nhưng bà cứ đứng như trời trồng. Bà nhìn theo mãi con tầu đầy quyến luyến. Sự đau khổ tột cùng đã làm bà gục ngã xuống sân ga.

Hình tượng ấy, vừa thực lại vừa như ảo. Lưng còng đổ xuống bóng sân ga. Lưng bà còng xuống, hay bà cứ đứng từ lúc bóng ban trưa cho đến xế chiều tối, khi ánh nắng làm bóng bà đổ xuống. Dưới cái nhìn, quan sát tài tình, nhà thơ cho ta thấy rõ tình cảnh đau khổ của người mẹ, khi người con phải đi xa.

Có sự cô đơn, lẻ loi nào hơn, khi mình phải đưa tiễn chính bản thân mình. Đã lâu lắm rồi, chúng tôi có được nghe nữ sĩ Anh Thơ nói chuyện về bài thơ này. Tôi nghĩ, có lẽ nữ sĩ đã nói về cuộc chia ly của bản thân và Nguyễn Bính, khi ông đến thăm bà tại Bắc Giang chăng? Rồi ông cô đơn, lặng lẽ ra sân ga, không người đưa tiễn:

“Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng hiểu về đâu nghĩ ngợi gì?
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly…”

Thi sĩ thấy chính mình lẻ loi với cõi đời này, khi xung quanh trống vắng, với đường đi vô định. Những từ bóng lẻ, hững hờ, tôi cho rằng là những từ đắt, hay khi miêu tả tâm trạng trong cái tận cùng của sự cô đơn. Và đâu đây, dường như có lời ca vọng về: “Còi tầu xé nát trái tim…“ Con tầu lăn bánh báo hiệu một sự chia cắt, phân ly. Có những cuộc chia ly có ngày gặp lại và những cuộc chia ly không bao giờ gặp lại. Phải chăng con tầu lăn bánh, như đang lăn chính trong lòng người thi sĩ. Và nhà thơ đang thả hồn vào từng câu thơ đó:

“Những chiếc khăn mầu, thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở nơi đâu hơn chốn này…”

Trước đây có một số đánh giá, phê bình, khen chê ở mức độ khác nhau, nhưng không ai có thể phủ nhận cái mới và sự trong sáng của từ ngữ trong thơ, dù nó được Nguyễn Bính viết cách nay đã trên bảy mươi năm. Bài thơ không được viết theo thể lục bát, loại sở trường của Nguyễn Bính và nó như là những thước phim lặp lại nhiều lần, nhưng người đọc, người xem, vẫn cảm thấy hay và đầy cảm xúc.

Do vậy, tôi hoàn toàn đồng ý với nhà thơ Vũ Quần Phương, khi ông cho rằng: “Thơ tả tới 6 cảnh, hầu hết đều mở đầu bằng bốn từ: “Có lần tôi thấy”… dễ đơn điệu lắm. Nhưng đọc xong bài thơ không hề cảm thấy điều đó, bởi mỗi cảnh ngộ tác giả lại phát hiện một trạng thái tâm lý mới…”

 Đỗ Trường


Hắn bỏ hai chiếc vali to đùng lên xe rồi kêu cậu Tuấn lái xe kiểm tra xe một lần cuối trước khi khởi hành. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng bảy âm lịch là cả nhà hắn lại về quê để giỗ Mẹ. Năm nay, hắn quyết định về sớm hơn mọi lần hai ngày.
Cậu tài xế và vợ hắn có vẻ thắc mắc nhưng không dám hỏi. Chiếc ô tô chạy chậm chậm trên con đường ngoằn ngoèo, băng qua những quả đồi nhấp nhô đang mùa thu hoạch gỗ tràm. Xe đang lăn bánh bất ngờ hắn bảo dừng…..dừng lại. Cậu lái xe tên Tuấn vội đạp thắng cho xe dừng lại nhưng chưa kịp hiểu chuyện gì. Hắn mở cửa bước xuống, ngước mặt nhìn lên trời xanh một thoáng rồi bước về phía sau nơi có một người phự nữ đang lui cui gom nhặt những cây củi bên đường. Nghe tiếng chân, người phụ nữ ngước lên, chị ta tầm ngoài 40 tuổi, nước da sạm nắng. Phía xa hơn một chút có hai đứa trẻ, đứa lớn khoảng 10 – 12 tuổi, đứa kia nhỏ hơn. Hắn nở một nụ cười nhìn chị rồi tiến lại gần nhỏ nhẹ hỏi: “Chị ơi, củi này thì mình bán bao nhiều tiền một bó?” Đang làm mệt nhưng có một người lạ hoắc hỏi nên chị miễn cưỡng trả lời: “Tùy lúc chú ơi, mà chú hỏi để mua hay làm gì vậy?” Hắn lắc đầu không nói mà cúi xuống giúp chị sắp xếp lại những cây củi cong queo rồi phụ chị bó lại, dựng sát vào vệ đường.
Hắn quay lại xe lấy ra mấy lon nước ngọt giơ tay vẫy hai đứa trẻ lại để đưa cho tụi nó. Hai đứa nhỏ mắt tròn xoe ngạc nhiên vì được cho quà, nhưng cái nhìn nghiêm khắc của mẹ làm chúng khựng lại. Có lẽ bản năng người mẹ đã buộc chị phải làm thế để bảo vệ con mình trước sự đường đột của một người khách lạ. Như hiểu được suy nghĩ của người phụ nữ, hắn nhỏ nhẹ nói; em cũng là người ở đây nhưng em đi làm xa mới về, nhà em ở thôn Hạ đó chị. Đến lúc này thì gương mặt người phụ nữ mới giãn ra kèm theo cái gật đầu và nụ cười thân thiện. Ngồi trên xe vợ hắn hơi thắc mắc và có chút bực mình vì hành động của hắn có vẻ kì lạ nên chị ta mở cửa cùng hai đứa con bước xuống. Hắn giới thiệu với người phụ nữ đó đây là vợ và con em, tiện thể hắn buột miệng hỏi thế anh làm việc gì mà không phụ giúp chị? Chị lắc nhẹ đầu, bất chợt hai giọt nước mắt rớt ra giọng chị nhỏ lại; anh ấy mất rồi, hắn xin lỗi vì thấy mình hỏi một câu quá ngốc! Hắn nhỏ nhẹ hỏi mình chị nuôi hai đưa chắc vất vả lắm chị ha? Như được trút cõi lòng người phụ nữ nói tiếp: “Anh ấy đi để lại hai đứa nhỏ mình chị lo cho chúng ăn học. Nhà có hai sào ruộng mỗi khi gieo sạ xong là chị rảnh rỗi, những lúc như vậy hễ ai kêu gì chị làm nấy để kiếm tiền, không có ai kêu làm thì ba mẹ con đi mót củi để bán. Sắp tới khai giảng rồi mà...” Nói đến đó, giọng chị ta nghẹn lại những giọt nước mắt lại rơi xuống đất.
Sau một khoảng lặng thinh, hắn quay lại xe mở túi xách lấy ra một xấp tiền, cẩn thận cho vào một chiếc phong bì rồi quay lại chỗ người phụ nữ. Cái này em cho hai cháu để chị mua sách vở và vài bộ đồ, chị cầm đi đừng ngại. Quá bất ngờ, người phụ nữ cương quyết không nhận. Chị không nhận một phần vì lòng tự trọng và một phần nữa, đó là sự nghi ngờ vì chẳng có ai lại tốt bụng đến thế! Hắn đưa mắt cầu cứu vợ, như hiểu ý, vợ hắn bước tới đặt tay lên vai người phụ nữ, giọng thân thiết: “Cái này là tụi em thấy thương hai đứa nhỏ, năm học mới sắp đến rồi chị cầm lấy đi tụi em không có ý gì đâu.” Vừa nói, vợ hắn ý tứ luồn chiếc phong bì qua tay bỏ vào chiếc túi áo đã cũ, người phụ nữ đẩy ra nhưng bàn tay chị đã bị giữ lại. Sau vài câu trò chuyện, vợ chồng hắn chào người phụ nữ và hai đứa nhỏ rồi lên xe, còn người phụ nữ kia không quên cúi đầu và liên tục cảm ơn trong nước mắt.
Xe chạy, cô vợ hỏi hắn anh quen chị ấy hả? Không, hắn trả lời kèm theo cái lắc đầu. Không khí trên xe trở nên nặng nề, vì vợ hắn và cả cậu lái xe có quá nhiều thắc mắc nhưng nhìn gương mặt lạnh tanh của hắn chẳng ai dám hỏi gì thêm. Về đến nhà, hắn được vợ chồng cậu hắn cùng mấy đứa em ra tận ngõ đón. Vừa xách vali, cậu hắn vừa bảo: “Cậu dọn sạch sẽ hết rồi, chỉ còn mấy cây cỏ trên mộ mẹ con cậu để cho con về nhổ thôi.” Hắn cảm ơn cậu và theo bước vào nhà. Sau bữa cơm tối, vợ hắn lấy quà ra phân phát cho mọi người trong gia đình và một số người bà con xa. Ngoài ra vợ hắn cũng không quên những phần quà cho những nhà láng giềng, vì mỗi khi vợ chồng về họ đều tới thăm.
Mới hơn 9 giờ tối nhưng ở vùng quê tưởng chừng như khuya lắm, khách đã ra về hết, cậu mợ chuẩn bị đi ngủ, hắn pha ấm trà mới rồi rủ cậu lái xe cùng ngồi uống. Như để giải đáp cho hành động ban chiều nhằm giải tỏa cho cậu ta và cũng là một cách để chia sẻ nổi lòng, hắn chậm rải kể: Ngày đó nhà hắn nghèo lắm, bố hắn là một gã đàn ông chỉ có công duy nhất là tạo ra hắn trên cõi đời này, còn sau đó là mất hút. Hắn được một tay mẹ hắn tần tảo nuôi lớn với sự giúp đỡ lúc có, lúc không của những người cậu và bà con bên ngoại. Hắn khá thông minh, học giỏi và năng động nên dễ hòa đồng và luôn được Thầy yêu, bạn mến.
Ngày hắn đỗ đại học, mẹ hắn làm hẳn một mâm cơm to mời bà con đến chia vui và mọi người đều có một chút quà dành cho hắn. Món quà không to nhưng chứa đựng tất cả những chân tình cũng như nổi vất vả của người dân nơi vùng quê nghèo ấy. Hôm đó mẹ hắn rất vui, nhưng đằng sau niềm vui ấy là một nỗi lo toan đang lớn dần, phải làm thế nào để có tiền lo cho 5 năm đại học của hắn? Nhưng lúc đó hắn đang sung sướng với niềm vui dâng trào, nên đâu thấy những giọt nước mắt của mẹ.
Ngày hắn nhập học, mẹ hắn bảo: ”Con nhớ ăn uống đầy đủ để có sức mà học, cố gắng học cho giỏi để sau này không phải khổ như mẹ nghe con.” Nói đến đó, mẹ hắn lặng im vì tiếng nấc đã chặn lại tất cả. Trong những năm hắn học đại học, mẹ hắn làm mọi việc để có tiền nuôi hắn. Từ rửa chén bát thuê đến đi phụ giúp việc nhà. Lúc lên rừng kiếm củi, khi xuống ruộng gặt thuê v.v.v.. Thậm chí vay mượn nhiều nơi để cho hắn kịp đóng tiền học phí, để không phải chịu kêu tên mà xấu hổ với bạn bè.
Năm thứ tư, hắn được đi thi cùng đội tuyển của trường, may mắn hắn giành được giải nhất. Để thể hiện một chút với bạn bè, hắn lấy số tiền thưởng cùng với ba triệu đồng mà mẹ mới gửi ra mời bạn bè một bữa thịnh soạn. Sau khi gọi bia kèm theo các món ăn hải sản, cả đám cùng nâng li với những tiếng dô dô ầm ĩ. Bữa tiệc đang cao trào thì hắn ra chỗ dựng xe để lấy món quà vào tặng cô bạn gái. Đúng lúc chiếc tivi đặt bên ngoài đang phát lại chương trình “NHỮNG CÁNH CÒ ĐI QUA GIÔNG BÃO”, hắn nhìn lên hình ảnh người phụ nữ gầy gò, đen nhẻm đang ngồi tựa vào ghế vừa nói vừa thở không nổi kia không ai khác hơn chính là mẹ hắn. Mẹ hắn đang run run nhận lấy một số thuốc và số tiền 3.000.000đ của những nhà hảo tâm, lúc đó hắn mới biết lâu nay mẹ hắn bị bệnh lao phổi nhưng giấu không cho hắn biết. Phải chăng số tiền ấy là số tiền hắn mới nhận chiều nay, để giờ đây hắn đang ung dung cùng bạn bè nâng những cốc bia và nhấm nháp những con tôm càng béo ngậy. Nghĩ đến đó, tai hắn như ù đi, mắt hoa lên và bất chợt những tiếng nấc tuôn ra khỏi cổ. Vội vàng thanh toán bữa tiệc, hắn xin phép đi về, trước cái nhìn ngơ ngác của nhóm bạn.
Ào vào kí túc xá, hắn gom vội mấy bộ đồ, tài liệu và chiếc máy tính rồi leo lên xe phóng vội trong đêm vì linh tính có một điều gì đó khủng khiếp đang chờ hắn. Gần sáng, hắn cũng về tới nhà. Thấy mọi người lao nhao, hắn chột dạ. Vừa nhìn thấy hắn, Dì hắn đã khóc và nói với ai đó: “Hắn về đây rồi, đừng gọi điện nữa.” Hắn lao vào nhà. Mẹ hắn nằm trên giường, thở dốc, cố ngước đôi mắt lên nhìn nó và nói: “Mẹ thương cho con quá, còn một năm nữa mà mẹ đi như vầy không biết ai lo cho con, con ơi...!” Tiếng mẹ hắn nấc nghẹn theo từng cơn ho sặc sụa, hắn bật khóc òa như một đứa trẻ, hắn khóc như chưa từng được khóc.
Như cố lấy chút sức lực cuối cùng, mẹ hắn kề tai nói nhỏ: “Chương trình “NHỮNG CÁNH CÒ ĐI QUA GIÔNG BÃO” họ mới cho mẹ năm triệu nữa, mẹ cất dưới gối đó. Con nhớ cất rồi ráng tiện tặn xin thêm ai đó, không thì mượn đỡ sau này đi làm rồi trả để mà ráng học cho đến tốt nghiệp nghe con.” Nói đến đó, mẹ hắn lặng im, nước mắt ứa ra nhìn hắn lần cuối, cổ họng nấc lên vài tiếng rồi hai tay buông thõng. Hắn rống lên: “Mẹ…ơ……i”, rồi chết lặng! Dãi nắng dầm mưa lên rừng xuống biển làm kiếm tiền nuôi hắn, lại không dám ăn uống đủ chất để bồi dưỡng cơ thể nên căn bệnh lao lực đã cướp đi mẹ hắn khi mùa lễ Vu Lan đã gần kề. Mẹ hắn ra đi khi ánh bình minh vừa ló rạng và một ngày mới đang về. Đó cũng là ngày bắt đầu hắn chịu cảnh mồ côi!
Sau khi mẹ mất, hắn tưởng như ngã quị, nhưng nhờ sự động viên của người thân và bè bạn, hắn đủ sức tiếp tục học. Cũng từ đó hắn trở nên ít nói, hay suy tư và thơ thẩn mỗi chiều. Hắn hối hận vì giá như hắn biết quan tâm đến mẹ hơn, biết chăm sóc và tằn tiện, có lẽ mẹ hắn không ra đi sớm như vậy.
Để rồi chiều nay trên đường về giỗ mẹ, hắn bắt gặp lại hình ảnh ngày nào. Cái hình ảnh đã cho hắn sự lớn khôn và có được ngày nay trên đôi cánh cò run run của mẹ hắn. Chính vì cái hình ảnh ấy nên hắn muốn được chia sẻ với người phụ nữ đó như một cách tạ lỗi với Mẹ, một sự sẻ chia mà lẽ ra hắn đã phải làm từ lâu lắm!
Có tiếng nấc nhẹ phát ra từ sau lưng. Thì ra nãy giờ vợ hắn đã nghe hết câu chuyện, những suy nghĩ vu vơ bao thắc mắc khi chiều đã bay đi hết. Choàng tay qua ôm vợ, hắn nghe môi mình mặn chát. Cậu tài xế cúi đầu như cố giấu một điều gì đó. Có tiếng chó sủa vu vơ ngoài đầu xóm. Đêm miền quê tĩnh mịch đến lạ thường. Những giọt sương đêm rơi lộp độp. Có tiếng trẻ con khóc thét bên nhà hàng xóm. Rồi tất cả rơi vào im lặng. Tiếng gió lào xào. Đêm chầm chậm trôi...!

Truyện ngắn của Nguyễn Đặng Hà Anh

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

“MÀY NGHỈ HỌC ĐI…”




Tôi có một cô bạn, có tuổi thơ tận cùng bất hạnh nhưng bạn đã vượt qua nghịch cảnh, khi tự rút ra cho mình một bài học quý giá, từ một công việc rất đỗi bình thường.

Bố bạn nghiện rượu, từ khi bạn vừa chào đời. Gia cảnh bạn ngày càng túng quẫn, mẹ bạn đành phải bỏ lên thành phố mưu sinh, buôn thúng bán bưng. Mỗi tháng, mẹ đều đặn gửi tiền về nuôi bạn ăn học.

Khốn khổ thay, cô bạn lại còn có một cậu em trai bị thiểu năng. Ở tuổi lên 10, bạn vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ, chăm sóc cho em trai. Nhưng chưa bao giờ, bạn quên dồi mài đèn sách.

Tuổi thơ của bạn chẳng bao giờ có được một ngày yên ổn. Mỗi ngày, bạn đều nghe ông bố nghiện rượu chửi rủa, bắt ép bạn phải nghỉ học. Người bố dùng mọi lời tục tĩu nhất trên đời để sỉ vả bạn.

Ngày ấy, ở quê tôi, nhà nào cũng nấu cơm bằng bếp củi. Có những buổi chiều, khi bạn lúi húi dưới bếp nấu cơm, vừa lấy than vẽ ra đất để học bài. Bố bạn bất ngờ chạy vào, quơ củi than trong bếp, phóng vào người bạn. Lần nào, bạn cũng chạy trối chết sang vườn nhà tôi và ngồi khóc thút thít dưới những gốc cây cam.

Vô số những lần, khi bạn đang bưng chén cơm ăn để chuẩn bị đi học thì bố bạn hất cả mâm cơm ra ngoài sân. Bạn thường xuyên nhịn đói đến trường. Nhưng tôi chưa một lần nghe cô bạn ấy than thở với tôi về hoàn cảnh đáng thương của mình. Tất cả, đều là vì tôi gần nhà nên âm thầm chứng kiến.

Bạn vẫn chăm chỉ đến trường và miệt mài theo đuổi việc học đến hết cấp ba rồi đến hết đại học. Bạn học trong niềm yêu thích, tự giác, say mê, bất chấp hàng ngàn, hàng vạn lần nghe mãi câu nói của bố: “Mày nghỉ học đi”.

Có một lần, tôi hỏi bạn.

- Vì sao cậu có thể mạnh mẽ, kiên trì vượt qua tất cả những khó khăn ấy?

Bạn tôi thật thà kể lại. Ngày mẹ còn ở nhà, bạn thường lẽo đẽo theo mẹ đi gánh nước thuê. Mỗi khi lên một con dốc cao, bạn hay hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Gánh nước nặng thế. Mẹ có mệt không?”.

Đợi đến khi về đến nơi, đặt gánh nước xuống đất, khi ấy, mẹ bạn mới trả lời: “Khi con càng than thì gánh nước trên vai con sẽ càng nặng. Đó là lý do, khi gánh nước, người ta không bao giờ than vãn mà chỉ im lặng để tập trung gánh cho xong”.

Từ đó, mỗi khi làm bất kỳ công việc gì nặng nhọc, bạn tôi thường chọn im lặng và tập trung cố gắng hết sức để hoàn thành.

Sau này, khi đã trưởng thành mỗi lần gặp công việc gì khó khăn, bạn luôn nhớ về câu chuyện gánh nước của mẹ và không bao giờ buông lời than thở. Vì bạn nhận ra, khi càng than thì mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn.

Trong cuộc sống cũng vậy, bạn hãy nghĩ mọi thứ thật đơn giản và nhẹ nhàng và rồi mọi thứ sẽ luôn dễ dàng với bạn!

Tác giả: Nguyễn Nga
Trích từ tập truyện ngắn chưa xuất bản!



HẠNH PHÚC
Trong một Hội thảo về Hôn nhân gia đình, người ta phỏng vấn một người phụ nữ:
- Chồng chị có làm cho chị hạnh phúc không?
Lúc đó, anh chồng ngẩng cao đầu kiêu hãnh vì anh ta tin rằng cô vợ sẽ trả lời: "Có!" Bởi vì cô ấy chưa bao giờ ca thán điều gì trong suốt ngần ấy năm chung sống.
- "Không! Anh ấy không làm tôi hạnh phúc"
Anh chồng tròn mắt nhìn vợ mình, quá đỗi ngạc nhiên. Người vợ tiếp tục:
- "Chồng tôi không làm cho tôi hạnh phúc. Mà tôi hạnh phúc.
Tôi có hạnh phúc hay không, không phụ thuộc vào anh ấy, mà vào chính bản thân tôi.
Tôi là người duy nhất có thể quyết định được sự hạnh phúc của tôi.
Tôi cảm thấy mình hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh, mọi thời khắc. Nếu hạnh phúc của tôi phụ thuộc vào ai đó, hay vào cái gì đó thì thật sự là khó khăn.
Tất cả những gì tồn tại trên mặt đất này đều thay đổi liên tục: Con người, tiền bạc, khí hậu... và ngay cả cơ thể của tôi nữa. Tôi đã học được nhiều điều trong cuộc sống.
Tôi quyết định niềm hạnh phúc của tôi, và những điều khác tôi gọi nó là kinh nghiệm:
Yêu thương
Tha thứ
Giúp đỡ
Thấu hiểu
Lắng nghe
An ủi..
Có những người nghĩ rằng 'tôi ko thể hạnh phúc vì tôi ốm đau bệnh tật, bởi vì tôi ko có tiền, bởi vì tôi bị đồng nghiệp nói xấu sau lưng, bởi vì người ấy không yêu tôi nữa...' Những người này không biết rằng họ vẫn có thể hạnh phúc khi sức khoẻ họ không tốt, khi họ ko có tiền, khi họ bị đồng nghiệp nói xấu sau lưng...
Cuộc sống giống như khi bạn đi xe đạp, nếu bạn ngừng đạp thì xe sẽ đổ"
Hãy bắt đầu một ngày mới bằng một nụ cười và đừng để bất cứ điều gì dập tắt nụ cười ấy
Sưu tầm

Cô giáo trẻ mới về trường chỉ hỏi đúng 1 câu, đám học sinh hư hỏng chết lặng…
Đây là một câu chuyện có thật trong lịch sử. Tại một trường trung học ở Mỹ, có một lớp học nọ với 26 em học sinh cá biệt. Những em học sinh trong lớp học này đều có tiểu sử không mấy hay ho: em từng tiêm chích ma túy, em từng vào trại cải tạo, thậm chí có một học sinh nữ mà trong một năm đã phá thai tới 3 lần.
Gia đình đều chán nản và đã buông bỏ chúng, các thầy cô giáo trong trường thậm chí cũng coi chúng là đồ bỏ đi. Tưởng chừng cuộc sống đã hết hi vọng thì một ngày kia, Phila, một cô giáo mới về trường đã tình nguyện làm chủ nhiệm của những đứa trẻ hư hỏng này.Khác với suy đoán của bọn trẻ, trong ngày đầu tiên nhận lớp, Phila đã không hề quát nạt hay ra oai với chúng. Trong chiếc đầm lụa màu xanh nhạt, mái tóc màu nâu hạt dẻ búi cao, Phila bước nhẹ lên bục giảng. Cô dịu dàng nhìn xuống lũ trẻ một lượt rồi cất tiếng với vẻ trầm ngâm:“Cô sẽ kể cho các em nghe về quá khứ của 3 người đàn ông khác nhau:Người thứ nhất đã từng có những vụ bê bối về chính trị, rất tin vào y thuật của thầy cúng, ông ta từng có tới 2 tình nhân, hút thuốc nhiều và uống 8-10 ly rượu mạnh mỗi ngày.Người thứ hai đã 2 lần bị đuổi việc, hôm nào cũng ngủ tới trưa mới dậy và tối nào cũng uống 1 lít rượu brandy. Ông ta từng hít thuốc phiện khi còn là sinh viên…Người thứ ba là anh hùng chiến tranh của một đất nước. Ông ta ăn chay trường, không bao giờ hút thuốc và thỉnh thoảng mới uống rượu, có uống bia nhưng uống không nhiều. Thời thanh niên chưa từng làm gì phạm pháp và chưa từng có một vụ bê bối tình ái nào.Cô hỏi cả lớp, trong 3 người, ai sau này sẽ có cống hiến nhiều nhất cho nhân loại?”
Những đứa trẻ đồng thanh chọn người thứ ba sau khi nghe xong câu chuyện, nhưng câu trả lời của Phila đã khiến lũ trẻ chết lặng.“Các em thân mến! Cô biết chắc là các em sẽ chọn người thứ 3 và cho rằng chỉ ông ta mới có thể cống hiến được nhiều cho nhân loại. Nhưng các em đã sai rồi đấy. Ba người này đều là những nhân vật nổi tiếng trong thế chiến thứ 2.Người thứ nhất là Franklin Roosevelt, tuy tàn tật nhưng ý chí kiên cường. Ông ta đã đảm nhận chức vụ Tổng thống Mỹ trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp.Người thứ hai là Winston Churchill, vị Thủ tướng nổi tiếng và tài ba nhất trong lịch sử nước Anh.Còn người thứ ba là Adolf Hitler, con ác quỷ phát xít Đức đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân vô tội”.Cô giáo trẻ mới về trường chỉ hỏi đúng 1 câu, đám học sinh hư hỏng chết lặng…Người thứ nhất – Roosevelt, người thứ 2 – Churchill, và người thứ 3 là Adolf Hitler, thật không thể ngờ… Những đứa trẻ như ngây người trước câu trả lời của Phila và dường như không thể tin nổi vào những gì chúng vừa nghe thấy.“Các em có biết không, những điều mà cô vừa nói là quá khứ của họ, còn sự nghiệp sau này của họ, là những việc mà họ đã làm sau khi đã thoát ra khỏi cái quá khứ đó. Các em ạ, cuộc sống của các em chỉ mới bắt đầu. Vinh quang và tủi nhục trong quá khứ chỉ đại diện cho quá khứ, còn cái thực sự đại diện cho cuộc đời một con người chính là những việc làm ở hiện tại và tương lai. Hãy bước ra từ bóng tối của quá khứ, bắt đầu làm lại từ hôm nay, cố gắng làm những việc mà các em muốn làm, và cô tin các em sẽ trở thành những người xuất chúng…” – Phila vừa nói vừa nhìn chúng với ánh mắt đầy hi vọng.Và bạn biết không, sau này khi trưởng thành, rất nhiều học sinh trong số họ đã trở thành những người thành đạt trong cuộc sống. Có người trở thành bác sĩ tâm lý, có người trở thành quan tòa, có người lại trở thành nhà du hành vũ trụ. Và trong số đó phải kể đến Robert Harrison, cậu học sinh thấp nhất và quậy phá nhất lớp, nay đã trở thành Robert Harrison – Giám đốc tài chính phố Wall.
Ý nghĩa của câu chuyện ở đây là bạn hãy đừng bao giờ ngừng hi vọng, ngừng yêu thương, ngừng cố gắng bởi hôm qua chỉ là quá khứ, ngày mai là một điều bí mật, còn ngày hôm nay là một món quà. Và đó là lý sao nó được gọi là “The Present” (hiện tại/món quà).Trong cuộc đời của con người, mỗi ngày đều có thể là một sự bắt đầu mới mẻ còn những vinh quang và tủi nhục của ngày hôm qua đều chỉ là dĩ vãng. Những việc trong quá khứ nói cho người khác biết bạn đã từng là người như thế nào, nhưng chính những việc làm ở hiện tại và tương lai mới nói lên bạn là ai.Cô giáo trẻ mới về trường chỉ hỏi đúng 1 câu, đám học sinh hư hỏng chết lặng…Thế nên:
Đừng bao giờ hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh với người khác.Đừng bao giờ đặt mục tiêu của mình dựa vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ bạn mới biết được những gì tốt nhất đối với chính mình.Đừng bao giờ để cuộc sống vuột khỏi tầm tay bằng cách sống khép mình vào trong quá khứ, hay uốn mình vào trong tương lai. Hãy sống cho hiện tại, lúc này và ở đây.Hãy hướng về phía mặt trời và bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy bóng tối.Và cuối cùng, hãy nhớ rằng, dù người khác có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy tin rằng cuộc sống này là kỳ diệu và đẹp đẽ.

Sưu tầm



CHUYỆN NHÀ TÔI...
Chuyện ông bà nội cắt cho mẹ tôi đất hương hoả làm nhà, để mẹ tôi lấy chồng làm náo động cả một vùng quê. Trong làng ngoài ngõ khen, chê. Người nhà thì xôn xao tỵ nạnh
Nhà tôi chưa bao giờ đông đủ đến thế, chẳng biết ai bắn tin, cho dù chẳng phải ngày giỗ tết mà các bác, các chú rồi cả các cô về tụ họp rất đông đủ. Họ còn về rất sớm chứ không như bao năm nay, cúng giỗ gần đến giờ ăn họ mới mò về.
Nhà cha tôi rõ đông anh em, nhưng khi tôi lớn lên và nhận biết đầy đủ thì các chú, các bác, các cô tôi đã ăn ở riêng tây hết cả. Nhà còn lại hai ông bà nội già cả nghễnh ngãng. Mọi việc một tay mẹ tôi cáng đáng trông nom. Cha tôi gần áp út, nhưng mẹ tôi đầu đội vai gánh như dâu trưởng trong nhà, cho dù cha tôi không còn nữa. Một năm nhà tôi có tới mười lăm cái giỗ lớn nhỏ. Đám cười, đám khóc người làng, họ tộc đều trông cả vào mẹ tôi.
Ông bác trưởng tôi giàu có lắm. Bác ở bên phố nhưng vợ chồng bác chả mấy khi về, nếu có giỗ chạp đích thân ông tôi phải điện cho bác từ mấy hôm trước. Ông bà vẫn kể cả nhà mỗi bác được học cao nhất. Bác thoát ly rồi bỏ bẵng bố mẹ và đàn em. Bác giàu nhưng chỉ thu vén cho gia đình riêng, mặc cho bố mẹ vất vả lam lũ. Mấy nay vợ chồng bác ngày nào cũng về từ sáng sớm. Bác gái đi ra đi vào, mặt khó đăm đăm khi ông tôi ngồi nói chuyện rổn rảng với cánh thợ xây nhà riêng cho mẹ con tôi ngoài ngõ.
Ngày mai nhà tôi có giỗ, Mỗi lần giỗ chạp, mẹ tôi sắp sanh mấy ngày trước đó. Người dọn nhà, rửa trước bát đũa. Đong gạo sắp đỗ, gà qué nuôi sẵn trong vườn. Đến ngày là tôi cứ việc ngâm gạo, đãi đỗ rồi cùng bà nội thổi xôi, ông nội cắt tiết làm gà đâu đấy chờ mẹ tôi qua chợ mua thêm đồ về tự nấu nướng bày biện rồi chờ các chú các bác ở xa về.
Lần này khác mọi lần giỗ trước, trình tự thì vẫn thế nhưng các bác các chú xa gần mượn cớ nhà có giỗ về nháp mấy hôm rồi. Họ nói ráo với nhau ngày mai nhân dịp giỗ cụ sẽ họp gia đình.
Ngay buổi chiều trước hôm giỗ cụ. Ông bà tôi chỉn chu khăn đống, áo the. Bà tôi ngồi bên ông nội trên sập gụ. Chẳng đợi mời nhưng có mặt cả ông bà nội trong nhà là các chú các bác túa đến để ghanh ghé kiện tụng nhau. Ông tôi hắng giọng bắt cả nhà trật tự. Sắc mặt ông không buồn, không vui, rất lãnh đạm và lạnh lùng. Ông bảo giá như bao nhiêu năm nay, việc chăm sóc cha mẹ mà các anh chị săm sắn như việc tranh chia đất lần này thì quí hoá quá. Ông còn nói thêm, đúng là người ta chỉ tranh nhau chia tiền chia bạc chứ chẳng ai tranh nuôi bố mẹ già bao giờ..
Đất làng Hoàng quê tôi xưa kia rộng rãi lắm. Vườn nhà ông nội tôi rộng cả ngàn m2. Nay ông tuyên bố cho bác trưởng và các chú mỗi người 200m2. Riêng bác trưởng được thêm cái nhà thờ gỗ. Hai cô mỗi cô 100m. Còn lại phần hơn 300m thuộc về mẹ con tôi...
Bác dâu trưởng gào lên: Bố chia thế là không công bằng! Chồng con là trưởng, thím ấy chồng đã chết từ lâu, lại không có con trai. Giờ thím ấy lấy chồng, mẹ xuất giá, con tá hơm, ông bà còn chia đất cho thím ấy làm gì…
Cha tôi mất khi tôi mới vừa tròn ba tuổi. Mẹ tôi ở vậy nuôi tôi và chăm sóc bố mẹ chồng. Mẹ tôi cấy cả mẫu ruộng, chăn lợn, chăn gà, buôn thóc gạo hàng xáo, tần tảo tích cóp để có tiền chi dùng việc nhà. Ông bà tôi đau yếu luôn, mọi việc bên đây bề nọ đối nội đối ngoại mẹ tôi gánh vác hết vì các chú các bác ở xa, viện cớ rất ít về.
Ông bà nội tôi thương yêu và biết ơn mẹ tôi nhiều lắm, ông vẫn bảo với bà, nếu không có đứa con dâu này( ý nói mẹ tôi), tôi và bà trông chờ vào lũ con đẻ thì lẽ chưa ra đồng nhưng cũng cơ đơn và mệt mỏi rất nhiều. Vì cả tháng, cả năm, trừ ngày giỗ chạp, gọi mãi các cô, các chú mới về, mà về thì chỉ ăn rồi bòn mót mang đi.
Bác dâu trưởng vừa dứt lời thì chú út dưới cha tôi đã lên tiếng, chú cho rằng ông bà tôi cháu trai đầy ra không thương đi thương đứa con dâu với cháu gái . Rồi thì mẹ tôi và tôi đều lấy chồng, đất hương hoả sẽ sang tay người khác. Nào là ông bà lắm bạc nhiều tiền xây nhà cho thiên hạ ở.
Bà nội tôi nãy giờ im lặng, bỗng bà lên tiếng. Bà nói rằng bao năm nay hai thân già là ông bà làm gì ra mà có đồng nào. Vườn tuy rộng nhưng cả năm chỉ vài buồng chuối còi với dăm ba buồng cau điếc. Tất tật mấy chục năm nay ông bà nhờ cả vào mẹ tôi nuôi. Bà còn bảo, mẹ tôi tuy là dâu nhưng mẹ tôi thương ông bà thật dạ. Làng trên xóm dưới ông bà chả thua kém ai. Hai thân già đau ốm, con đẻ chưa mấy đứa mua thuốc thang tẩm bổ, nhưng mình mẹ tôi lo ông bà không thiếu thứ gì. Bà kể trật trước bà ốm rồi ngã nằm liệt giường nửa tháng. Ông cũng đau lưng, chỉ mẹ tôi đêm hôm nâng giấc chăm bẵm đút cho bà từng thìa cháo, từng hớp nước. Mẹ tôi tắm đẵm gội đầu cho bà lúc nào cũng sạch sẽ thơm tho. Khi bà ngã bệnh, ông điện thoại cho bác cả, bác kêu bác đang du lịch mãi Phú quốc. Gọi cho các chú chẳng một chú nào về. Giỗ chạp thì chỉ vác mồm về ăn. Ông còn bảo thóc gạo không tự mọc ở ruộng, gà qué, hoa quả không tự lớn ở vườn mà cho lũ các người ăn bóong.
Rồi ông tôi kể, lần ông ngã bất tỉnh ngoài sân, cũng may mà có mẹ tôi cõng đưa ông ra trạm y tế rồi thuốc thang chăm bẵm ngày đêm. Từng bước ông tập đi, từng thìa cháo bón cho ông lúc ông bên giường bệnh là đứa cháu gái này chứ đâu có thấy thằng con trai hay đứa cháu trai nào..
........
Ngày mai mẹ tôi lấy chồng. Mẹ tôi lấy bác hàng xóm sát nhà tôi. Ông bà tôi bảo bác ấy nhân hậu và tử tế, mẹ tôi đúng là có phúc có phần.
Ông bà tôi sớm thông báo về ngày cưới của mẹ. Ông bà đứng ra làm dăm mâm gọi là vừa lễ vấn danh vừa cưới luôn, các chú bác tôi không một ai đồng ý về. Ông bà bảo chả cần thiết sự có mặt của lũ con ghét người yêu của ấy. Đời này gặp được con dâu như mẹ tôi là phúc phận của ông bà. Cả thanh xuân mẹ tôi tần tảo dành cho nhà chồng trong khi chồng chết quá lâu rồi. Giờ ông bà đứng ra gả chồng cho mẹ cũng chỉ là đáp đền lại tý chút công lao của mẹ. Ông tôi còn bảo, mẹ tôi từ khi mới đôi mưoi, bước chân về nhà chồng đến giờ lúc nào cũng sống đúng đạo làm con, thì chả lẽ ông bà từng này tuổi đầu lại không một lần sống đúng đạo làm cha mẹ.
TG: Loan Ngẫn
Ảnh minh họa

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

CÂU CHUYỆN CÓ THẬT VÀ ĐÁNG SUY NGẪM VỀ TÌNH NGƯỜI!




Một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Giữa đường, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô lái xe kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng.
Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay; nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường.
Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe tơi tả trở về xe và cô sẵn sàng cầm lái tiếp tục lên đường…
– Này ông kia, ông xuống xe đi! Cô lái xe la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.
Người đàn ông sững sờ, nói:
– Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?
– Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để cứu tôi chứ? Cô lái xe vặn lại, và vài hành khách bình thản cười. Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng ông không nên bị đối xử như thế chứ.
Ông từ chối xuống xe, và nói:
– Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền ở lại xe.
Cô lái xe nhăn mặt nói:
– Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.
Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe, họ nói:
- Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công chuyện đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa!
Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông xuống xe.
Ba tên du côn mỉm cười với nhau một cách ranh mãnh và bình luận:
- Chắc tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ!
Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe. Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ.
Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô.
Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô lái xe:
- Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?
Cô gái không nói gì và chiếc bus ngày càng lao nhanh hơn. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài vực như mũi tên bật khỏi cây cung.
Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”. Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng. Người đàn ông đã bị đuổi xuống xe đọc tờ báo và khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao mà khóc!

Sưu tầm


CHỈ CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG LÀ MÃI MÃI..!!

Mọi thứ trên đời đều có thể mất đi, duy chỉ có tình yêu thương là mãi mãi!
Tôi sinh ra tại một vùng quê hẻo lánh. Ngày qua ngày, cha mẹ tôi phải ra sức cày cấy trên mảnh ruộng khô cằn để nuôi hai chị em tôi ăn học.
Một ngày kia tôi lén ăn cắp mười lăm đồng trong ngăn kéo của cha để mua một chiếc khăn tay mà những đứa con gái trong làng đều có. Cha tôi phát hiện, ông lấy chiếc roi tre treo trên vách xuống, bắt hai chị em tôi quỳ trước mặt và hỏi rằng ai đã lấy cắp. Vì sợ hãi, tôi đã không dám dứng lên nhận lỗi. Cha tức giận định đánh cả hai chị em, ông đưa chiếc roi lên. Em níu tay cha lại và nói:
- Thưa cha, con trót dại…
Em nói loanh quanh, không giải thích được đã dùng số tiền ấy vào việc gì. Cha giận đến tái mặt nghĩ rằng em đã ăn chơi lêu lổng và quất liên hồi chiếc roi dài vào lưng em cho đến khi cha gần như ko thở được nũa.
Đêm ấy, mẹ và tôi đã dỗ dành em. Nhìn thân hình đầy những lằn roi của em, tôi oà khóc. Em vội vàng nói:
- Chị ơi đừng khóc, kẻo cha nghe thấy cha sẽ đánh đòn chị đấy!
Năm ấy em vừa lên 8 và tôi 11 tuổi.
Năm em tôi được tuyển thẳng vào trường trung học thì tôi cũng trúng tuyển vào đại học. Chưa kịp vui với niềm mơ ước được chạm vào cánh cửa đại học thì tôi đã đối diện với nỗi lo lắng về học phí. Cha mẹ tôi không đủ tiền để cho hai chị em ăn học cùng một lúc.
Em tôi quyết định bỏ học nhưng cha mẹ và cả tôi đều không đồng ý. Tôi nói:
- Em cần phải tiếp tục đi học để tìm cách thoát ra khỏi cảnh nghèo khó sau này. Chính chị mới là người không nên tiếp tục vào đại học.
Nhưng em đã bỏ nhà ra đi với vài bộ quần áo cũ và một ít muối mè trong chiếc túi sách nhỏ. Em đã lén đến bên giường tôi và để lại một mảnh giấy nhỏ bên gối tôi với lời nhắn nhủ: “Chị ơi, được vào đại học không phải là điều dễ dàng. Em sẽ tìm việc làm để gởi tiền về cho chị.”.
Tôi trào nước mắt, chẳng nói lên lời.
Năm ấy em mới 17 và tôi tròn 20.
Với số tiền ba tôi vay được trong làng cộng với số iền gởi về của em, cuối cùng tôi cũng học xong năm thứ 3 đại học.
Một hôm đang ngồi học trong phòng, Một đứa bạn chạy vào gọi tôi và nói:
- Có người cùng làng đợi cậu ngoài kia.
Tôi chạy ra và thấy em đứng từ xa, quần áo lấm lem dầu nhớt. Tôi hỏi em:
- Sao em không nói với bạn của chị, em là em trai chị chứ?
Em cười đáp lại:
- Em sợ mọi người sẽ cười chị khi nhìn thấy bộ dạng nhếch nhác của em.
Tôi lặng người, nước mắt tuôn trào.
Em mỉm cười, đôi mắt ánh lên lấp lánh. Em đưa tay vào túi áo lấy ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm và nói:
- Em thấy mọi cô gái đều cài nó trên tóc, vì thế em mua tặng chị!
Tôi không kìm được niềm xúc động, ôm chầm lấy em nức nở.
Năm ấy tôi đã 23 và em mới 20.
Khi lần đầu tôi đưa bạn trai về nhà ra mắt cha mẹ, mọi thứ trong nhà đều rất sạch sẽ và ngăn nắp, ngay cả miếng cửa sổ bị bể cũng đã được lắp lại. Mẹ cho tôi biết trong khi dọn dẹp và thay khung cửa sổ, em đã bị miếng kính đâm vào tay chay máu.
Tôi chạy vào tìm em. Nhìn vết thương trên tay em, tôi cảm thấy như có hàng ngàn mũi kim đâm vào tim mình. Tôi lấy thuốc và bông băng để băng lại vết thương cho em. Em cười:
- Em không muốn anh ấy chê nhà mình nghèo khổ!
Năm ấy em 23 và tôi 26.
Sau khi lập gia đình, tôi về sống với chồng ở thành phố. Vài năm sau, chồng tôi trở thành giám đốc của một xí nghiệp. Vợ chồng tôi muốn đưa em vào làm nhưng em từ chối vì sợ mọi người sẽ xì xầm bàn tán những lời không hay về chồng tôi.
30 tuổi, em lập gia đình với một cô gái trong thôn.
Năm tôi 40, cuộc hôn nhân tưởng chừng như mĩ mãn của tôi bị đỏ vỡ vì sự xuất hiện của một người đàn bà khác. Em vứt hết chuyện gia đình đến chăm lo cho các con tôi, vực tôi dậy sau những đắng cay nghiệt ngã.
Rồi một ngày cả hai chúng tôi đều già nua, tóc bạc gần hết mái đầu. Em ngồi bên tôi nhắc lại chuyện xưa. Ngày ấy, chị em tôi mỗi ngày phải lội bộ hơn hai tiếng mới có thể đến trường. Một hôm, em làm mất chiếc giày. Một phần sợ cha đánh em, một phần biết mẹ không có tiền mua giày mới, tôi đã nhường cho em đôi giày của mình. Và cứ thế, mỗi ngày hơn bốn tiếng đi-về, chân tôi phồng rộp lên và rướm máu vì những viên đá nhọn trên mặt đường nóng bỏng. Từ đó em hứa với lòng phải chăm sóc và đối xử với tôi thật tốt.
Nước mắt tôi chợt ứa ra vì hạnh phúc.
Năm ấy em chỉ vừa lên 5 !
Sưu tầm.




ĐẺ THUÊ
Con bé xinh đáo để nhá, bầu bì đến tháng thứ 6 rồi mà da dẻ vẫn mướt mát tươi rói. Thi thoảng nó ới bảo chị đi chợ mua em cái này, cái kia.
Cứ sâm sẩm tối là con bé lại tót sang nhà mình chơi, nó bảo chị kỳ lạ thật, làm quần quật cả ngày, rảnh là lại viết với lách chị không thấy mệt sao?
Những ngày đầu nó đến ở một mình trong căn nhà ba tầng thuê đến gần chục triệu một tháng mình tưởng nó là bồ nhí của một đại gia nào đó cơ, nhưng sau này nó bảo em không phải bồ nhí, em đẻ thuê chị ạ. Mình tròn mắt ngạc nhiên, cứ nghĩ những người đẻ thuê họ cứng cáp khoẻ khoắn chứ ai lại một cô gái xinh xắn, mảnh dẻ như chiếc lông chim nhạn lại đẻ thuê bao giờ.
Nó bảo do dòng đời đưa đẩy thôi chị, em cũng là đứa được học hành đến nơi đến chốn. Trước đây em làm văn phòng đại diện của một hãng thời trang khá tên tuổi. Không biết có phải giàu tại phận, trắng tại da không, em làm công ăn lương khá ổn, thế rồi em yêu một thằng công tử nhà giàu. Ban đầu yêu nhau si mê, mọi thứ đều đẹp đẽ, sau em cũ đi, em phát hiện nó còn chăn dắt vài ba cô gái khác ngoài em. Em dứt khoát chia tay, một cuộc chia tay chóng vánh, nó thì chẳng sao cả, còn em thì chao đảo biết bao ngày tháng sau đó. Em chán đời rồi bập vào cờ bạc và các trò kiếm tiền trên mạng. Tỉnh ra được là lúc em nợ nần chất chồng. Thân một mình giữa cái thành phố rộng lớn này, cả tình và tiền đều thất bát, trái tim bầm dập mệt mỏi đớn đau. Em đã từng liều lĩnh nghĩ đến nhảy cầu, em đã đứng trên đỉnh cầu Kiền vào một đêm mưa gió rồi đấy chị. Đời đúng không như là mơ, sống không dễ nhưng chết cũng chẳng hề dễ tẹo nào. Em kể chuyện chắc chị không tin, lúc em dựng xe, đứng dựa vào thành cầu nhìn xuống sông, em nhìn về phía xa kia, phía những ánh đèn trong làng xóm, em như thấy lại ngày xưa, nhà em với bố mẹ và các anh chị em. Những bữa cơm tối giản đơn nhưng ấm cúng vô cùng. Cũng tháng mười này, sân ngập rơm phơi, trong nhà ngoài sân ngập mùi thơm cơm gạo mới, ánh đèn dầu nhập nhoà bóng những cột hiên, những góc khuất cánh tủ cạnh giường. Lúc ấy em như chìm vào sự ấm áp ngày xưa và em nức nở khóc. Dưới sông kia chắc lạnh lẽo lắm, và tích tắc thôi em thấy rất sợ chị à, nhưng sợ hơn vẫn là bọn chủ nợ, những lời đe doạ mắng mỏ nhiếc nác. Đúng là ở đời nhất nợ nhì tội. Bỗng một cánh tay vạn vỡ giằng em ra khỏi ý nghĩ nhảy xuống sông kia. Một người đàn bà, chị ấy mặc quần áo công nhân nhưng sau xe là chiếc lồng buôn gà. Chị ấy thẳng tay tát em một cái, chị ấy bảo tát cho mày một cái cho mày tỉnh ra. Mày lao xuống sông kia chết kệ mẹ mày, nhưng mày có biết bố mẹ và người thân của mày khốn khổ khốn nạn thế nào khi biết tin mày nhảy cầu rồi thời buổi khó khăn thế này vẫn phải vay nợ nếu nhà nghèo để vớt xác mày không… chị ấy mắng chửi rồi phân tích cho em nghe nhiều lắm. Đêm ấy em về ngủ nhà chị ấy, nghe chị ấy kể về cuộc đời chị ấy, thì ra còn có người là chị ấy khổ nhục hơn em rất nhiều mà vẫn kiên cường sống. Thế rồi dòng đời đẩy đưa, em quen và được mối đẻ thuê này. Thực ra trên danh nghĩa là cấy phôi thai, nhưng thực sự là nào thì chắc chị cũng hiểu. Bên môi giới họ sắp xếp cho ông chồng và em gặp riêng hai ba ngày trước khi đến hẹn lịch ở bệnh viện. Em đến viện chỉ là động tác giả che mắt cho chị vợ yên tâm. Cơ mà thôi, sau này em sinh, em sẽ đúng theo hợp đồng biến mất ngay cho gia đình kia được ấm êm hạnh phúc. Họ đã cho em tiền, trả cho em hết nợ nan để em được sống những chuỗi ngày bình yên không bị cào cấu lo lắng. Ơn họ lớn lắm, em sinh con cho họ rồi đi ngay cũng là lẽ nên làm…
Cô bé ấy sinh con xong rồi đi ngay, nhà kia cũng trả nhà và họ mang theo hai đứa trẻ.
Cuộc sống này chẳng có gì là bất ngờ và không thể. Lâu lâu có dịp đi qua Cầu Kiền, tôi lại chợt nhớ đến cô bé đẻ thuê. Cứ thầm tự nghĩ, phận người chìm nổi, chỉ mong sao chìm đến tận cùng thì may mắn gặp đúng người nói cho nghe những câu cần nghe để rồi mà tự đứng lên.
TG: Loan Ngẫn