a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.
Hiển thị các bài đăng có nhãn TUY BUT. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TUY BUT. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

BẾP LẠNH (VÕ KỲ ĐIỀN )




Một sáng Chúa Nhựt vào khoảng mười giờ, Hoàng đi tới đi lui trong nhà bếp, mắt ngó dáo dác như muốn tìm vật gì. Chàng mở tủ ngăn trên, không có, mở ngăn dưới, cũng không có, ngăn bên giửa, cũng không có luôn. Chàng cũng đã mở hết các hộc kệ bên bồn rửa chén, trên tường, miệng lẩm bẩm - thiệt là kỳ cục, có cái chảo, cất ở đâu kỹ quá, kiếm không ra...
Căn bếp khá rộng, chén dĩa nồi nêu soon chảo, tất cả được để ở đây, ngoài ra đâu còn chỗ nào. Lục lọi hồi lâu không được, tức mình, chàng đi xuống tầng hầm. Căn hầm đã được hoàn tất đẹp đẽ, phòng ốc khang trang, đồ đạc được sắp xếp vén khéo. Phòng làm việc của chàng có tủ sách và bàn viết thật lớn, lò sưởi bằng đồng sáng loáng, cạnh bên là phòng ngủ và phòng chơi đùa của thằng Bi, cùng phòng tập thể dục. Phía sau cùng là một kho đựng những vật liệu sửa chữa nhà cửa, cùng đồ đạt ít dùng. Cũng còn vài thùng cạc tông của chuyến dọn nhà lúc trước, còn nguyên băng keo chưa mở. Cái chảo, cái chảo, hổng lẽ được cất trong mấy cái thùng nầy. Vô lý, ai lại đem giấu cái chảo vô mấy cái thùng cạc tông. Tuy nghĩ như vậy nhưng chàng cũng kiên nhẫn đi kiếm con dao nhỏ, khiêng ra từng thùng và rọc lớp băng keo dán bên ngoài, gia công lục lọi. Toàn là sách vở với báo chí, thư từ cũ...
Buổi sáng trời nắng trong, cả nhà yên tĩnh, không một tiếng động nào ngoài tiếng dép kéo lê trên sàn gỗ của Hoàng, tiếng thùng cạc tông được mở, tiếng sách vở va chạm nhau sột soạt,... tiếng động tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm thằng Bi tỉnh giấc. Bi năm nay cũng đã mười lăm, tuổi nhổ giò nên cao lỏng khỏng. Tánh tình thiệt thà, hiền lành, an phận nhưng dễ đổ cộc, y như Hoàng. Nó cằn nhằn :
- ba làm cái gì dưới nầy rầm rầm, con ngủ không được.
Nghe tiếng con, chàng mừng lắm. Cái nhà lớn rộng thinh thinh, đi tới nhà trước, đi lui nhà sau cũng chỉ có một cha, một con, buồn và hiu quạnh quá. Trên tường bức tranh sơn mài vẽ hình cô thiếu nữ mặc áo tứ thân, ôm đàn tỳ bà che nghiêng nửa mặt như nhìn chàng mà cười. Chàng ôn tồn trả lời con :
- ba kiếm cái chảo, nó đâu mất tiêu rồi. Rồi nói tiếp - mười giờ sáng rồi đó, con thức dậy là vừa hổng có sớm đâu.
Bi mặc bộ đồ ngủ nhàu nhò bước xuống giường, đứng nhìn chàng và hỏi :
- mà ba kiếm cái chảo làm chi ?
- cái thằng, ba kiếm chảo để nấu đồ ăn, chớ con tưởng ba kiếm chảo để đội à...
Thằng Bi cười - mấy tháng nay mình ăn bánh mì thịt, cá hộp, với mì gói, cũng được vậy ba. Lâu lâu đi phố Tàu mua vịt quay, gà quay, thịt xá xíu, ở tiệm Thái Sơn hay Hồng Kông được rồi... ba nấu nướng làm chi cho mắc công.
Chàng nghe con nói, đau nhói trong lòng, thấy thương và tội nghiệp con, gượng cười :
- đâu được nè, cha con mình phải ăn uống đàng hoàng. Lúc trước nhiều công việc bận bịu quá, hết chuyện nầy đến việc kia, ba không rảnh để lo cơm nước, nay thì rảnh rồi. Để con coi, ba làm bếp ngon lắm.
Thằng nhỏ tròn xoe mắt ngó chàng, cặp mắt to đen và đẹp giống hệch má nó :
- bộ ba biết nấu đồ ăn hả ba?
Hoàng bật cười : sao không biết con, ba nấu giỏi lắm, con biết không, hồi đó ba đi học ở Sài Gòn tự nấu ăn đó...
Thằng nhỏ không hề thắc mắc chuyện ba nó lúc nhỏ còn đi học, tự nấu nướng ra sao, đi kiếm cái chảo phụ chàng. Nó chạy lên nhà bếp cũng kéo các ngăn kệ, các ngăn tủ như chàng đã làm, hồi lâu không được. Nóng ruột, nó đề nghị - hay là ba ra tiệm mua cái chảo mới cho rồi, kiếm hoài cũng không ra.
- Ừ ừ, chắc là phải mua cái mới.
Vừa nói vừa thuận tay chàng vô tình kéo cánh cửa lò nướng của bếp điện, cửa vừa mở chàng thấy bên trong có cái chảo lớn, vài ba cái nồi được xếp kỹ trong đó. Hoàng rất mừng và Bi lẩm bẩm :
- mấy tháng nay ba có nấu nướng gì đâu nên không biết nồi với chảo để trong nầy...
Chàng vói lấy cái chảo đem lại vòi nước để rửa, miệng nói :
- để ba làm món cải làn xào thịt bò cho con ăn, ba mua được cải tươi với thịt bò mềm lắm.
Bi thích chí - dạ dạ, mà ba có dầu hào để xào giống như ở phố Tàu không?
- cái thằng, ba làm theo kiểu Tây, dầu hào nhiều chất béo, nghe nói ăn nhiều bị ung thư không tốt đâu.
Thằng nhỏ biết gì đâu nghe hứa hẹn có thịt bò thì mừng lắm. Mấy tháng nay chỉ có hột vịt luộc chấm nước mắm, hoặc chả lụa xắc khúc chấm nước tương là xong buổi cơm. Đến bửa, cha xúc một tô, con xúc một tô để hột vịt hoặc miếng thịt lên trên cơm trắng, rồi kéo nhau ra ngồi trước máy tuyền hình, vừa ăn vừa coi Vi Tiểu Bảo với Trương Vô Kỵ hoặc Lịnh Hồ Công Tử,... cũng xong bửa. Thiệt là gọn.
Hoàng nhớ lại những dĩa thịt bò xào cải làn đã ăn qua, dễ làm quá mà. Chàng lấy tấm thớt ra rửa sạch, đặt miếng thịt lên ngay ngắn và bắt đầu xắt từng lát mỏng. Làm món ăn thiệt là dễ, có gì khó khăn đâu. Cái gì mấy bà nội trợ làm được thì đàn ông cũng làm được, nhiều khi còn hay hơn nữa. Miếng thịt được xắt mỏng xong, chàng bỏ vào chảo mở. Thịt gặp mở nóng, cháy xèo xèo, mở và nước thịt văng tứ tung. Hoàng hấp tấp lấy kiếng ra đeo vào mắt, cẩn thận vẫn hơn, mở nóng văng vô mắt dám đui lắm à... Không lẽ vì ham ăn ngon mà phải bị đui con mắt !.
Chàng cầm lấy cái hộp đựng muối, nhớ tới ngày nào má thằng Bi lúc làm bếp, nàng thường nhắc đi nhắc lại - muốn nấu ăn ngon là phải có gia vị ngon, chàng cũng bắt chước lẩm bẩm - một chút xiú muối, một chút xíu đường, một chút xíu tiêu... Cầm hộp muối trên tay chàng để trên miệng chảo - một chút xíu muối- và trút nhè nhẹ xuống. Nào ngờ, nắp hộp lỏng le và rơi tuột xuống đống thịt phía dưới, muối bọt trắng xoá tuôn theo. Trời đất, ai mà chơi cắc cớ, không vặn kín nấp. Hoàng phản ứng không kịp nên cả hộp muối bọt nằm ướp trắng xoá trên đống thịt, thấy mà ứa gan ! Hoàng quính quắng lấy cái muỗng hớt gạt lớp muối trắng dư thừa phía trên, cố gắng, cố gắng, nếu để quá nhiều như vậy là mặn lắm, tội nghiệp thằng Bi, phải rán hớt lớp muối dư, mặn quá ăn làm sao được, hớt được nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Mà phải tắt lửa, nếu không lửa phừng nóng quá làm không kịp. Nóng quá, nóng quá, thịt phía dưới miếng nào miếng nấy xăn tròn lại, xám đen.
Lửa đã tắt rồi, muối cũng đã hớt hết trơn rồi, không cách gì hớt thêm được nữa, Hoàng lấy đũa gắp thử một miếng và nếm. Trời đất ơi, miếng thịt bây giờ như miếng khô cá mặn chát. Chàng nghe đầu lưỡi như quíu lại. Chết rồi, làm sao bây giờ. Hổng lẽ đem mấy miếng thịt đi rửa dưới vòi nước lạnh, thịt sẽ xác xơ...
Hoàng suy nghĩ, suy nghĩ - ừ, ừ, bây giờ mình có thể đổi lại, thay vì làm món thịt bò xào thì làm món canh thịt bò. Có khác gì đâu. Thêm nước vô nhiều thịt sẽ hết mặn và đỡ phải nêm nếm, chỉ cần một chút đường cho dịu và một chút tiêu nữa là thơm. Chàng nhớ rõ ràng câu ca dao - bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm. Bỏ tiêu thì cay chớ sao lại ngọt, thiệt tình không hiểu ! Thôi kệ canh thịt bò cũng y như cải xào thịt bò, chỉ khác một chút là món khô với món nước. Được rồi, Hoàng lấy cái nồi nhỏ đặt trên bếp kế bên, tay cầm cái chảo, trút hết thịt qua nồi rồi thêm nước lạnh. Mở lửa thật lớn để cho nước mau sôi. Cái bếp điện nầy tốt thiệt, vặn số cao có vài phút thì nước đã sôi ùn ụt, cái nồi cở một lít nước như vậy thì chắc một muỗng đường là vừa. Mở cái nắp hộp đường chàng xúc đúng một muỗng, được rồi vặn kỹ nắp hộp lại. Nêm xong chàng nếm thử, thịt không còn mặn nữa, mừng quá. Nhưng sao nước hơi ngọt. Nếm thử lại thì ngọt thiệt. Chắc tại cái muỗng canh hơi lớn, nhiều đường.
- Bi ơi, lại nếm thử dùm ba coi ra sao, cái miệng ba sớm mơi tới giờ sao mà đắng nghét, không biết được ngọt mặn gì hết trơn !
Thằng Bi nghe chàng kêu chạy lại, nhìn nồi canh đang sôi, ngạc nhiên kêu lên :
- ủa ba nói làm món thịt bò xào cải làn mà, bây giờ ba lại nấu canh.
Hoàng chống chế - món canh có nước dễ ăn, bổ và tốt cho sức khoẻ hơn con. Mấy món xào dầu mở nhiều, có hại.
Thằng nhỏ cười :
- ba hổng biết nấu, rồi nói gạt con.
Nói xong nó lấy muỗng nếm thử nước canh rồi ngó Hoàng mà cười :
- canh nầy ngọt lờ lợ, ba bỏ thêm chút đường nữa thì thành chè. Phải chi có má thì mình có cải xào thịt bò ngon lành rồi...
Từ lâu hai cha con chàng cố tránh không nhắc tới Liên, má thằng Bi, vì mỗi lần nhắc tới, Bi buồn bã và Hoàng thì cay đắng. Cái cảnh hai cha con lủi thủi, hiu quạnh trong căn nhà lớn mênh mông không có bàn tay người đàn bà chăm sóc, buồn bã và thê lương lắm. Phải chi có má... câu buột miệng đơn giản vô tình của con, phá toang cái vết thương tình cảm trong tim chàng chưa kịp lành miệng. Thằng nhỏ nói lỡ lời, nó chớp chớp mắt như muốn khóc, mặt đỏ ửng, đứng xuội lơ. Chắc bây giờ nó đương nhớ tới người mẹ đã ra đi, thiệt xa, thiệt xa ngoài tầm mắt nhưng không phải trong lòng...
Nắng ngoài trời thiệt sáng và thiệt đẹp. Cây liễu bên bờ rào đong đưa những cành lá xanh biếc. Vạn vật thiệt là vô tình. Hoàng chua xót, sững sờ và cảm thấy mình bất lực, có lỗi với con. Chàng cố gượng buồn, ôm lấy vai Bi, nói vội vã để che lấp nỗi trống vắng:
- thôi sửa soạn lẹ lên, ba đói bụng rồi, cha con mình đi ăn phố Tàu, món cải làn tiệm Hồng Kông xào dầu hào ngon lắm.
VÕ KỲ ĐIỀN
(trích trong CÂU HỎI KIẾP NGƯỜI. Nhân Ảnh 2018)

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

TÔI THI RỚT TÚ TÀI 1 - VƯƠNG VIỆT HOA HD65.

 

Chứng chỉ Tú Tài phần 2 , khóa ngày 5/7/1972


Lớp 11A2 với thầy Chủ Nhiệm Lê Công Hoàng.


Hôm nay, soạn trong tủ hồ sơ, tìm thấy những mảnh văn bằng cũ kỷ và những lá đơn ngã màu thời gian đã vàng úa của Ba và Bác Hai viết để khiếu nại trường hợp tôi bị đánh rớt kỳ thi Tú Tài I trong năm 1971.

Những ký ức cách đây hơn 50 năm lại trở về, khiến tôi phải viết bài nầy.

Năm ấy, vào 1971 tôi thi Tú tài I. Các thí sinh khắp các xã, huyện tập trung lên tỉnh Sóc trăng thi. Phòng tôi thi toàn là các thí sinh lạ hoắc. Khi thi, tôi rất căng thẳng, chỉ chú tâm làm bài thi, không chú ý đến xung quanh. May mắn tôi làm bài thi cũng tốt lắm.

Thi xong tôi rất vui và chắc mẻm đậu. Tôi thoải mái theo bạn bè đi chơi biển Mỏ Ó, ăn liên hoan, đọc tiểu thuyết kiếm hiệp thả ga!.

Cả tháng hè vui vẻ chờ kết quả thi. Bạn bè và tôi, đứa nào cũng hy vọng tràn trề.

Trước đó, tôi còn vui vẻ nhờ anh Ba tôi coi chỉ tay cho tôi, xem hậu vận tôi có tốt không nữa! Anh tôi xem chỉ tay tôi, rồi nói :

-Nhỏ nầy sẽ nổi tiếng!

Tôi nghe thấy mắc cười quá!

Ai dè đến khi có kết quả thi. Dò hoài mà không thấy số báo danh của tôi.Tôi tá hoả! Tôi nổi tiếng với bạn bè bị thi rớt, mà không hiểu lý do vì sao nên nỗi!

Khi các thầy Hoàng Diệu đi chấm thi ở Sài gòn về. Nói cho ba tôi biết trường hợp của tôi rất đặc biệt! Hội Đồng Giám Khảo đã xem xét trường hợp của số báo danh VTVH. Đã quyết định cho đậu rồi! Thầy phụ tá Giám Hiệu vừa chấm thi về cũng kể cho ba tôi nghe như vầy:

Giám khảo chấm bài thi Vật lý của số báo danh VTVH, bài làm được 18/20 điểm, nhưng phải cho 0 điểm, vì thấy ba bài thi số báo danh liền kề giống y chang nhau. Sau đó ban giám khảo có một cuộc họp Hội Đồng Giám Khảo, xét các bài bị 0 điểm. Khi xem các bài làm của số báo danh VTVH, thì thấy bài thi các môn khác đều tốt cả. Nên Hội Đồng Giám Khảo thống nhất ghi vô bảng điểm ở cột ghi chú là:"0 loại". Do cột ghi chú rất hẹp, nên viết " 0 loại" thay vì viết đầy đủ chữ "không loại", dưới số 0 có gạch đít để phân biệt với số zero.

Khi đưa qua văn thư để đánh máy danh sách đậu, thì sbd VTVH cũng lọt sổ vì rỏ ràng họ thấy có ghi chữ chú thích "0 loại". Họ tưởng nhầm là "0 điểm bị loại".

Trong lúc nầy, Hội đồng Giám khảo thì đã giải tán hết. Do vậy không ai có thẩm quyền để điều chỉnh lại danh sách thí sinh đậu hết.

Tôi rớt là nguyên do như vậy! Tôi nhớ lại, đúng là khi tôi làm bài thi, hai con nhỏ kế bên tôi cứ quấy rầy tôi miết. Nó không biết làm nên cứ thấy tôi viết câu gì thì nó chép y xì câu đó. Tôi cũng thây kệ nó. Tôi cứ lo làm bài của mình cho kịp giờ nộp bài.

Không ngờ tai họa giáng xuống tôi dữ quá!

Các thầy của tôi và ban Giám Hiệu trường Hoàng Diệu nói với Ba tôi lên Sài Gòn làm đơn khiếu nại. Thầy Hiệu Trưởng Lê Xuân Vịnh có viết một lá thư tay đưa cho ba tôi, để đưa cho Chánh Sự Vụ Nha Khảo Thí Sai gòn, nhắc lại trường hợp đã xét không loại bài bị điểm 0 của sbd VTVH. Nhưng khi ba tôi và bác Hai tôi đến Nha Khảo Thí, thì Ban giám khảo đã giải tán. Ông Chánh Sự Vụ Nha Khảo Thí nói phải chờ làm công văn mời ông giám khảo ở tỉnh lên Sài Gòn để ổng xác nhận lại chữ viết "0 loại" là nghĩa "không loại", chứ không phải "zero loại"

Đơn khiếu nại của Bác Hai tôi gởi đến Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục và Giám Đốc Nha Khảo Thí Sài gòn ngày 26/71971, có kèm lá thư xác nhận của Ban Giám Hiệu trường Hoàng Diệu, tôi là học sinh giỏi lớp 11.

Phải chờ họ phúc đáp thôi! Chờ hoài đến khi nhập học mà cũng không thấy tâm hơi thơ trả lời trả vốn của Nha Khảo Thí. Vậy rớt thiệt rồi còn gì!

Bị rớt, tôi xấu hổ dữ lắm. Bởi cuối năm Lớp 11, tôi được lảnh thưởng ngon lành. Giờ kết quả thi Tú tài, rớt cái ạch! Ai cũng xầm xì bàn tán trường hợp của tôi. Tự dưng họ hàng bà con, cả xóm tôi ở, lớp tôi học, và ban giám hiệu trường cũng biết tôi thi rớt Tú Tài 1. Trong khi cuối năm học lớp 11, tôi đường đường được lảnh phần thưởng hạng Nhất.

Đúng là anh tôi phán một câu đúng ghê! Tôi thấy ứng nghiệm vì tên tôi được nổi như cồn do thi rớt oái oăm. Tôi thật quê quá mạng!

Niên khoá mới nhập học, bạn tôi lên lớp 12. Còn tôi thì ngồi lại lớp 11. Tôi buồn tình rồi tự ta thán cái Số của tôi, nó không hạp với trường Công sao ấy !

Hồi nhỏ tôi học Tiểu Học Công Nữ tỉnh lỵ, tôi bị ngồi lớp Năm(lớp 1) 2 năm, rồi lên lớp Tư (lớp 2) cũng bị ở lại lớp nữa. Ba tôi hoảng hồn, vội chuyển tôi qua trường Bà Phước học lại lớp Tư để lấy lại căn bản. May hồn! qua tay mấy Ma sơ, tôi được xoá dốt từ từ và học có tiến bộ.

Bây giờ qua học trường Trung Học Công Lập, tôi lại phải gặp cảnh ở lại lớp 11 nữa rồi! Mặc dù lần nầy khác hẳn lúc tôi ngồi lớp Năm 2 năm.

May phước tôi không phải là con trai. Nếu mà là con trai, tôi khỏi còn cơ hội đến trường học luôn rồi. Năm 1972 đã có lệnh Tổng Động Viên mùa hè đỏ lửa, dành cho thanh niên bị rớt Tú Tài.

Sau 7 tháng dài ròng rã chờ đợi tuyệt vọng, đến ngày 27/2/1972 mới có công văn hồi đáp của Nha Khảo Thí , cho tôi đậu Tú Tài 1. Đầu tháng 3/1972 tôi mới được xét cho lên lớp12. Tôi mất trọn một học kỳ 1 của lớp 12. Nhưng nhà trường cũng du di xét cho tôi dự thi Tú Tài II.

Chỉ còn 4 tháng nữa là thi Tú Tài 2. Tôi tuy hết buồn nhưng lại lo sốt vó. Tôi vắt chân chạy nước rút trong vòng 4 tháng học cho kịp chương trình lớp 12, để mà thi Tú Tài 2 sắp tổ chức vào đầu tháng 7/1972.

Tôi học ngày học đêm. Sáng học ở trường, tối phải đi học Trung tâm luyện thi cấp tốc 3 tháng. Tôi chỉ học môn chánh thôi! Các môn phụ Sử, Đia, Công Dân thi trắc nghiệm tôi nghĩ cũng không đáng lo lắm!

Ngày 5/7/1972 tôi lên thi tập trung ở Cần Thơ.

Lần nầy tôi hên! Tôi đậu Tú Tài II, hạng Bình Thứ.

Tôi được ba má thưởng cho một chuyến đi Sai gòn chơi suốt tháng hè. Sau đó tôi ghi danh học Đại Học Khoa Học Sài Gòn niên khoá 1972-1973. Bởi Ba má tôi rất muốn tôi học Y Khoa lắm! Nên tôi ghi danh học Đại Học Khoa Học - Sài gòn để lấy chứng chỉ SCPN, mới đủ điều kiện dự tuyển vô trường ĐH Y Khoa Sài Gòn.Vì trường Y thuở đó chỉ nhận đơn dự thi của những ai đã đậu chứng chỉ SCPN ( Science Chemystry Physics Natural)

Nhưng số tôi vẫn cứ xui! Đậu SCPN xong, tôi nộp đơn thi tuyển vô trường Y Khoa. Đúng ngay ngày thi tuyển, tôi bị một trận cúm rất nặng nên cũng đành phải bỏ thi vô trường Y. Tôi lại làm ba má tôi thất vọng nữa.

Tôi tiếp tục học ở ĐH Khoa Học Sài Gòn, đến khi ra trường, và làm cô giáo dạy môn Vi Sinh ở Đại Học Nông Nghiệp 4 -Thủ Đức

Nhớ lại việc học của tôi sao lận đận quá và cứ phải làm phiền bá má và bác Hai tôi miết.

Tôi hình dung những lần ba tôi đi lên Sài Gòn, rồi Bác Hai tôi, tuổi đã cao mà còn phải mang lá đơn đến Nha Khảo Thí để khiếu nại cho tôi bị rớt oan Tú Tài I. Chắc ba và Bác Hai đã rất nhọc công, nhọc sức lắm! Phải lo lắng, phải trông chờ đơn có được hồi đáp hay không?

Ai chờ đợi mà không sốt ruột, không khổ tâm?

Giờ nhìn những giấy tờ, thư từ, những lá đơn, công văn đã cũ kỷ vàng úa, các mảnh Văn Bằng đã rách nát. Trong đó chứa đựng biết bao kỷ niệm, bao công lao của cha mẹ, người thân của tôi đã đổ vào, để lo cho tôi có được cái học và kiến thức như ngày nay .

Thâm ân nầy tôi mang nặng và không thể nào trả hết. Vì những người ân của tôi đã mất rồi!


 





Công văn phúc đáp đơn khiếu nai của Giám Đốc Nha Khảo thí Sài Gòn ngày 23/2/1972
Chấp thuận cho tôi đậu, sau khi chờ đợi 7 tháng.

Đơn khiếu nại của bác và ba tôi gởi Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục có chữ ký của ba tôi và bác Hai.

Thơ Bác tôi gởi cho ba tôi giải thích vụ rắc rối của tôi.

11/12/2023

Vương Việt Hoa HD65

(viết để nhớ đến ngày giỗ của bác Hai tôi)

 

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

TRƯỜNG HỌC NGÀY XƯA. - VƯƠNG VIỆT HOA HD65

 


Thuở đó quê nhà tôi, tỉnh Ba Xuyên, thị xã Sóc Trăng có các ngôi trường Tiểu học, với các lớp Năm,Tư, Ba, Nhì, Nhất ( tương đương bây giờ là Lớp Một, Hai, Ba, Bốn, Năm). Học sinh học hết bậc Tiểu Học thì phải trải qua kỳ thi Tiểu Học để lên bậc Trung Học.

Thuở ấy, bậc Trung Học có hai cấp:

- Trung Học Đệ Nhất Cấp gồm lớp Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ, (tương đương với lớp 6, 7, 8, 9 ngày nay).

- Trung Học Đệ Nhị Cấp gồm lớp Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất (tương đương với lớp 10, 11, 12 ngày nay)

Học xong Đệ Tứ (lớp 9) có kỳ thi Trung Học. Học xong lớp Đệ Nhị (lớp 11) có kỳ thi Tú Tài 1. Học xong lớp Đệ Nhất (lớp 12) có kỳ thi Tú Tài 2. Tỉnh có hai hệ thống trường Công và trường Tư. Hồi tôi đi học, ngôi trường nổi tiếng nhất trong tỉnh Sóc Trăng không phải là trường Công mà lại là hai ngôi trường Tư cổ kính của dòng tu Công Giáo. - Một ngôi trường dành cho con trai là Lasan Taberd. Thầy giáo là các Frères rất đạo mạo với chiếc áo dòng màu đen, trên cổ áo có miếng vải trắng nhỏ ở giữa (phân biệt với Cha nhà thờ thì không có) -Một trường dành cho con gái là trường Providence, gọi là trường Bà Phước vì đứng lớp dạy là các Ma soeur, đầu chít khăn trắng toát, có vành lưỡi trai phía trước. Áo tu của Ma soeur trắng tinh, trông nặng nề vì áo có nhiều lớp và còn đính thêm hàng chuỗi hạt đeo bên hông.

Nhìn mặt các Ma soeur thấy ai cũng có vẻ thánh thiện, rất có cảm tình. Bởi vậy mới có bài ca "Em hiền như ma sơ", quả thực không sai! Cả hai trường Lasan Taberd và Providence đều có hai bậc Tiểu Học và Trung Học. Trường có nội trú. Kỷ luật trường rất nghiêm. Các tu sĩ lại dạy học trò rất tận tâm và rất tốt. Trường có xe đưa rước học sinh, ngày hai buổi. Đặc biệt không gian sân trường rộng mát với nhiều cây xanh cổ thụ. Trường được xây từ thời Pháp, các lớp học đều có cửa sổ rộng mở đón ánh sáng tự nhiên, mát mẻ vô cùng! Bàn ghế học sinh nặng trịch, gỗ lên nước bóng mượt. Vì trường danh tiếng như vậy mà có nhiều gia đình trong tỉnh Sóc Trăng và ngay cả gia đình công chức, quân nhân sống miệt Lục Tỉnh miền Nam cũng đem con cái đến xứ Sóc Trăng, gởi cho học nội trú tại trường. Học phí của ngôi trường Tư thế nầy không hề rẻ chút nào!

Trường Tiểu học Công thì có hai ngôi trường của tỉnh lỵ. Đây là trường Nhà Nước nên khá khiêm tốn, còn nghèo cơ sở vật chất lắm. Đó là trường Nam Tiểu Học Tỉnh lỵ và trường Nữ Tiểu Học Tỉnh lỵ. Ưu thế trường công là hoàn toàn không có thu học phí. Tỉnh Sóc Trăng còn có ngôi trường Trung Học công lập bề thế, xây dựng qui mô hơn trường Tiểu Học, đó là trường Trung Học Hoàng Diệu. Trường có đội ngũ thầy cô giáo rất giỏi, được đào tạo chuẩn mực từ Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Vì tỉnh lỵ chỉ duy nhất có một trường Trung Học Công Lập như thế này. Muốn được nhận vào học, học sinh phải có bằng Tiểu Học và phải dự kỳ thi tuyển để được chấp thuận vô học lớp Đệ Thất của Trung Học Hoàng Diệu. Học sinh khỏi phải đóng học phí đồng nào. Ai không thi đậu vô được trường Công lập, thì có những ngôi trường Trung Học Tư Thục cũng khá tiếng tăm như Trường Trung Học Trần Văn, trường Lam Sơn, trường Bồ Đề của Phật Giáo, trường Lasan, trường Providence.

Thuở xưa thầy cô dạy bậc Trung học đều được xã hội rất tôn quí với danh xưng Giáo Sư Đệ Nhất Cấp, Giáo Sư Đệ Nhị Cấp. Còn thầy cô dạy Tiểu Học thì gọi là giáo viên. Ai mà đậu được Tú Tài 1, Tú tài 2 đều phải trải qua các kỳ thi trầy vi, tróc vẩy. Nhưng cũng an ủi là khi ấy được hân hạnh gọi là cô Tú, cậu Tú. Nghe cũng oai phết! Thuở ấy bằng Tú Tài rất có giá trị. Ai học giỏi có bằng Tú Tài là có thể xin dạy hợp đồng cho các trường Tư Thục Trung Học Đệ Nhất Cấp, và cũng đường hoàng làm Giáo Sư.

Tôi nói dài dòng hệ thống trường học thuở xưa để cho thấy ngày xưa, làm học sinh rất ư là gian truân khổ ải với nhiều kỳ thi chuyển cấp mệt mỏi. Ít có ai đi được hết con đường học đến Tú Tài 2, trừ phi phải học thật giỏi. Vì đời nam sinh ở lại lớp hay thi rớt hai lần, là bị bắt đi quân dịch rồi! Con gái thời đó cũng lo lấy chồng sớm, ít chịu học cao!

(Còn tiếp kỳ sau)














TRƯỜNG HỌC NGÀY XƯA

(tiếp theo)

Lớp Vỡ Lòng- Cô Giáo Lùn. Thật ra thâm tâm tôi khi viết bài nầy là muốn nhắc đến giai đoạn đầu đời của một học trò mới tập làm quen với sách đèn. Đó là lớp Vỡ lòng mà tôi đã trải qua 3 tháng đầu tiên trong đời học sinh. Thuở ấy, con nít nhỏ trước khi làm học sinh học lớp Năm, lớp đầu tiên của bậc Tiểu học thì các bậc phụ huynh thường cho con trẻ trải qua một năm q học lớp Mẫu giáo. Nhưng ở Sóc trăng, các cha mẹ chỉ cần cho con vô học lớp Vỡ lòng 3 tháng hè, trước ngày khai trường nhập học Tiểu học. Ở thị xã Sóc trăng, những ai sinh vào những thập niên 195s, 196s, phần lớn đều biết đến lớp học của Cô giáo Lùn. Cô giáo chuyên dạy Vỡ lòng cho các bé cỡ 5,6 tuổi. Có khi còn có cả người lớn cũng đến học để xóa dốt! Lớp cô khá đông vì giá học phí rất bình dân. Nhà dầu nghèo hay khá giả cũng đều gởi con cháu đến học vì cô dạy giỏi. Chỉ cần 3 tháng cho cô rèn luyện là trẻ biết đánh vần, đọc chữ để sẵn sàng vô lớp Năm, trẻ sẽ không bị bỡ ngỡ.

Tôi nhớ Cô Giáo Lùn của tôi. Tôi không biết cô tên họ là gì! Cả thị xã Sóc Trăng đều quen gọi là lớp học cô Giáo Lùn, coi như biệt danh của cô. Cô bị tật bẩm sinh, chỉ cao có 1.1m. Cô có dáng dấp đặc trưng của người có tật lùn. Cái cổ và tay chân của cô ngắn ngủn. Đầu và mặt cô thì to. Phần ngực và lưng của cô nhô lên rất bất thường, vì có cục bướu rất lớn ở trước ngực và gù ở sau lưng. Trông cô rất nghiêm nghị, nhưng cô phúc hậu lắm và dạy học rất tận tình. Cha mẹ khi gởi con đến học lớp của cô dạy, đều tin tưởng vào sự tận tâm của cô giáo Cô giáo Lùn rất có uy. Con nít ở nhà cứ khóc nhèo nhẹo khi biết mẹ chuẩn bị đưa đi học. Có đứa còn giãy giụa, luôn miệng rên: "con hổng đi học đâu! hổng đi học đâu! hu..hu..!" Nhưng khi bị đưa đến cửa lớp học, vừa thấy mặt cô giáo là nín khe, tắt tiếng khóc ngay và vâng lời cô riu ríu. Con nít như tụi tui chỉ qua ba tháng học ở lớp Vỡ lòng của cô giáo đều biết thế ngồi học ngay ngắn, tay cầm bút chì đúng cách, biết viết chữ thẳng hàng, đúng nét cơ bản. Sách học vỡ lòng là quyển sách mỏng dính ! Bìa sách in hình con gà trống gáy ó o, nên được gọi là sách Vỡ lòng Con Gà. Sách Con Gà coi vậy mà hay lắm a! mỗi một chữ nguyên âm đều có hình minh hoạ rất dễ thương, giúp cho con nít dễ nhớ, ví dụ: a - có hình con gà gáy e- có trái me hấp dẫn ơ- hình cái nơ rất đẹp u- có hình cái lu. i - có cậu bé ôm cặp đi học Sách không có màu mè gì cả, chỉ trắng đen thôi, vậy mà rất dễ học. Ngay cả người già, người lớn tuổi mà chưa biết chữ, chỉ cần chịu khó học hết cuốn Vỡ lòng con Gà nầy, cũng tạm gọi là được xoá mù chữ, vì đã biết đánh vần và đọc được chữ trên mặt nhật báo rồi. Vì vậy sách rất phổ biến, nhà nào cũng có cuốn sách vỡ lòng nầy. Sách rẻ rề dễ mua lắm! Trong buổi học cô giáo tôi viết chữ lên bảng đen các mẫu tự chữ cái thiệt to, nét chữ rất đẹp. Giờ tập đọc, cô nhịp cây thước gỗ lên bảng, là đám con nít đồng thanh đọc a con gà, e trái me ,ê con dê, u cái lu, o trái nho ... Cứ đọc ê a như đọc thần chú một thời gian ngắn là nhớ nằm lòng mặt chữ. Sau đó là cô dạy ráp vần, rồi tập đánh vần .

Buổi trưa hè, từ lớp cô Giáo Lùn vang lên tiếng đánh vần của bọn trẻ. Nghe rất nhịp nhàng, rộn ràng như tiếng ve ve gọi hè. Đến nay đã già, mà sao lạ quá! mỗi khi nghe xa xa văng vẳng tiếng trẻ đọc đánh vần lúc trưa hè, là tôi lại nhớ về lớp học Vỡ lòng của cô Giáo Lùn của tôi thuở xưa. Cô tôi đã dạy cho chúng tôi 3 tháng Vỡ lòng đầu đời, cũng xem như là người thầy đã khai trí cho lứa học trò nhỏ chúng tôi biết cầm cây bút chì viết nét chữ đầu tiên. Sách có câu "Nhất Tự Vi Sư Bán Tự Vi Sư", một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy, huống chi cô tôi đã dạy biết bao lứa học trò nhỏ như chúng tôi thuộc nằm lòng 24 chữ cái của Quốc Ngữ.

Phải công nhận rằng các thầy cô giáo dạy lớp Vỡ lòng cho ta. Người đã nhẫn nại cầm tay chỉ dẫn ta cách cầm cây bút, giúp ta nắn nót viết nét chữ đầu đời. Người đã dạy ta cách phát âm tròn vành rỏ chữ tiếng Việt, đó chính là vị ân sư đầu tiên của đời ta.

5/12/2023

Vương Việt Hoa HD65

 


 

TÔI ĐI THI TIỂU HỌC - VƯƠNG VIỆT HOA HD65.

 



Hồi tôi học Tiểu Học, lối đầu thập niên 1960, trường Tư thục và trường Công lập cũng có phân biệt đối xử nghen! Trường Công thì được miễn thi Tiểu Học từ niên khóa 1962-1963, học sinh chỉ phải thi tuyển vô lớp Đệ thất thôi, nếu muốn vô học trường Trung Học Công lập. Trong khi đó, học sinh trường Tư vẫn phải thi lấy bằng Tiểu Học, rồi mới được dự tuyển thi vô trường Trung Học Công Lập, nghĩa là phải trải qua 2 đợt thi. Niên khóa 1964-1965, tôi học lớp Nhất trường Providence- Sóc trăng ( còn gọi trường Bà Phước). Vì vậy tôi phải bị thi Tiểu Học khi kết thúc năm lớp Nhất. Tôi cũng chỉ thi một đợt thôi! Tôi không muốn dự thi tuyển vô trường Công nếu có đậu Tiểu Học. Tôi không hạp với trường Công lập. Học trường Công, tôi bị ở lại lớp Năm hai năm và lớp Tư cũng đúp-lê. Nên tôi sợ trường Công lắm!

Tôi cũng phát mệt vì kỳ thi Tiểu Học này nữa! mặc dù Ma sơ lúc nào cũng động viên: "Các con đừng sợ ! các con học đàng hoàng thì có kỳ thi nầy mới chứng tỏ trường mình dạy học sinh học tốt". Kỳ thi Tiểu Học ở quê tôi được tổ chức rất là nghiêm túc không khác chi kỳ thi Tú tài. Thí sinh phải thi hai phần : thi viết và thi vấn đáp . Khổ ghê! con nít có 11, 12 tuổi mà phải bị tra tấn thi hai phần như các anh chị 17, 18 tuổi thi Tú tài 1, Tú Tài 2. Nghiệt ngã là trong kỳ thi vấn đáp có kèm thi môn tự do. Có thể thi đọc Thơ hay thi Hát . Lớp tụi tôi, đứa nào cũng chọn môn thi Hát. Thi đọc Thơ thì con nít lứa tuổi tôi đâu có thuộc bài thơ nào đâu ! Còn thi Hát thì tương đối dễ. Chỉ cần thuộc ba bài hát, chép cẩn thận vô quyển vở để nộp khi thi. Thuở ấy, nhạc vàng thịnh hành lắm. Ngày nào nhà nào mà chẳng có nghe nhạc vàng! Nhà tôi nằm ngay đường Giữa của khu thị tứ. Đối diện nhà tôi là tiệm bán radio, máy hát dĩa, loa ampli... Ngày nào cứ 6 giờ sáng, tiệm bán radio mở cửa, là họ mở loa nhạc sến in ỏi, khiến ai trong khu phố cũng đều tỉnh giấc ngủ. Trưa thì có cái rạp hát kế bên mở dĩa hát nhạc Tây nghe điếc óc. Cả ngày sáng trưa chiều tối ...tôi bị tra tấn bởi mấy bài ca từ máy hát dĩa. Nên tôi thuộc lòng nhiều bài lắm! Mắc cười là ở tuổi 12, tui chọn thi ba bản nhạc tình phổ biến nhất thời đó.

- Đồi thông hai mộ.

- Những đồi hoa sim.

- Nỗi buồn gác trọ.

 Thuở đó tôi cũng khờ lắm, đâu có biết bài nào là nhạc thiếu nhi, bài nào là nhạc tình của người lớn. Tôi chọn ba bài nầy vì đã nghe hoài từ năm nầy sang tháng nọ. Ngày nào cũng nghe, nên tôi thuộc nhừ tử rồi. Tôi chép ba bài ca vô quyển vở. Tôi gắng nắn nót nét chữ cho thiệt đẹp, lại còn trang trí vẽ thêm vài nhánh bông ở mỗi bài hát. Cho thêm hoa hòe để lấy điểm của giám khảo. Đến kỳ thi, tôi thi xong môn thi Viết, tiếp theo ngày sau là thi Vấn đáp ( thi oral) Buổi thi vấn đáp, tôi căng thẳng hơn buổi thi Viết nhiều lắm.Thí sinh được đọc tên cho vô phòng thi ngồi theo số báo danh. Đầu lớp có đặt một cái bàn dài, có hai thầy giám khảo ngồi. Thầy gọi tên thí sinh theo danh sách, thí sinh lên ngồi ghế đối diện thầy, trả lời vấn đáp. Ngồi dưới lớp, tôi hồi hộp quan sát mấy bạn được gọi lên thi trước tôi. Tôi thấy các thầy hỏi câu gì đó, thí sinh trả lời xong. Thầy lấy cuốn vở chép bài hát của thí sinh nộp, thầy chọn bài, rồi thí sinh hát. Tôi thấy hơi lạ vì có đứa chỉ cất giọng hát hai ba câu là thầy bảo thôi, trả tập cho về. Có đứa hát được nửa bài, thì thầy khoát tay ngừng hát, cho đi ra. Có đứa hát tới hết bài, thầy mới cho ra! Ngồi ở bàn dưới, tôi đoán có lẽ là: - Đứa nào hát dỡ quá, thầy chỉ nghe hai ba câu. - Đứa hát dỡ vừa vừa thầy nghe nửa bài. - Đứa nào hát hay, thầy mới nghe hết bài. 

Tới phiên thầy gọi tên tôi lên thi. Tôi ôm cuốn tập giấy chép bài ca lên nộp. Đầu tiên mỗi thầy giám khảo chỉ hỏi tôi một câu trong chương trình lớp Nhất. Tôi trả lời xong, mà chẳng biết đúng sai! Sang phần thi hát, thầy cầm cuốn vở tôi chép 3 bài ca, lật qua lật lại. Thầy chọn bài "Những Đồi Hoa Sim". Đầu tiên thầy hỏi tôi: tên tác giả? Tôi ú ớ, tôi đâu biết trả lời thế nào! Vì tôi chỉ nghe ca sĩ hát trong dĩa hát rồi chép lại vô vở thôi! Có nghe tên tác giả trong dĩa hát đâu! Phải chi thầy hỏi ca sĩ nào hát bài nầy, thì tôi trả lời được liền. Đằng nầy lại hỏi tên tác giả, tôi làm sao biết là ai! Thấy tôi ấp úng không trả lời được, thầy bảo tôi hát bài đó. 

Tôi đã mất bình tỉnh vì không trả lời câu hỏi của thầy, nên lúc đó run dữ lắm. Tôi cất tiếng hát mới có ba câu, thầy khoát tay, trả quyển vở, ghi điểm vào bảng danh sách, và cho tôi ra ngoài. Ra khỏi phòng thi, tôi nghĩ chắc tiêu rồi, vậy là rớt cái chắc! Bởi thầy hỏi tên tác giả, tôi đã bí. Còn hát, thì mới hát có ba câu đã bị cho về . Ai dè sau nầy hỏi lại, thì biết là các bạn tôi khi chép bài hát vô vở, đều có ghi tên tác giả đầy đủ, nên thầy chỉ kêu hát thôi, không có hỏi tên tác giả. Chỉ có tôi ngu quá! chép lời bài hát mà còn bài đặt vẻ bông vẻ hoa , hổng chịu tìm hiểu tác giả là ai để ghi vào mỗi bài hát, nên tôi mới bị thầy hỏi khó vậy! Và còn được biết là đứa nào hát bị lạc nhịp, sai lời thầy mới bắt nó hát tới nguyên bài, để tìm chỗ đúng của nó mà cho điểm đậu. Kết quả cuộc thi vấn đáp, thí sinh nào cũng được đậu cả, không có đứa nào rớt hết. Coi như phần thi vấn đáp của kỳ thi Tiểu Học mở ra rất nghiêm trọng, thấy phát sợ như vậy đó, nhưng các giám khảo đều cho điểm đậu 100% Vậy mà cũng hành tội con nít làm chi ! bắt thi nầy thi nọ đủ thứ!

Sau năm đó, kỳ thi Tiểu Học được bãi bỏ trên tất cả các trường ở toàn miền Nam Việt Nam.


9/12/2023

Vương Việt Hoa HD65

 

 

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

QUẺ DỊCH – Cách lập & Giải đoán - NGUYÊN LẠC HD 61-68


[TRÍCH ĐOẠN]

MỤC LỤC
Lời nói đầu
Phần thứ nhất: NHẬP MÔN KINH DỊCH/ ĐẠI CƯƠNG VỀ QUẺ DỊCH
I. Kinh Dịch
II. Thuật ngữ cần nhớ
III. Ý nghĩa các hào
IV. Quy tắc cần nhớ
Phần thứ hai: BÓI QUẺ DỊCH
I. Nghi thức bói và luật cảm ứng
II. Các phương pháp lập quẻ Dịch
III. Giải đoán quẻ
Phần thứ ba: PHỤ CHÚ
I. Phương pháp lập quẻ bằng thẻ tre
II. Bấm độn
Phần thứ tư: ÔN TẬP
I. Nước Việt của Câu Tiễn
II. Lập quẻ Dịch
III. Giải quẻ
IV. Chuyển đổi quẻ
LỜI KẾT

***

Lời nói đầu:

Bói Dịch không phải là mê tín, nó là khoa học. Có thể gọi là khoa học huyền bí. Vì vậy, Tiến sĩ Phân tâm học C.G. Jung (ông cùng với S. Freud là một trong những thủy tổ của khoa Phân Tâm Học, nghiên cứu về tiềm thức của loài người) năm 1949 đã dùng bói Dịch để biết việc quảng bá và giới thiệu Dịch (I Ching) từ tiếng Đức sang tiếng Anh có được thuận lợi hay không?. Bói được rất tốt, ông tiến hành và Dịch đã trở thành kinh điển cho các học giả và các trường đại học Tây Phương học hỏi!
Có 2 lý do để tôi viết tiểu luận này:
1/ Chúng ta chỉ sợ những gì mình không hiểu: Thí dụ như sợ Ma, vì chúng ta không biết rõ Ma là gì?. Nếu biết thì sẽ không sợ. Cũng vậy, chúng ta sợ chết, vì không biết chết ra sao, sau khi chết như thế nào?. Nếu chúng ta biết rõ thì chắc chúng ta cũng sẽ không sợ. Đó là lý do Phật giáo khuyên chúng ta nên tìm hiểu về sự chết (Tử)
Tôi viết tiểu luận này mong độc giả tìm hiểu rõ về Bói Dịch, không sợ nó nữa, để các ông thầy Bói toán, Phong thủy (giả), vì tư lợi, không còn “hù” ta được nữa. Bói Dịch mà vì tư lợi sẽ không bao giờ linh ứng.
2/ Kinh Dịch là 1 trong 5 Kinh chính của triết lý Đông Phương. Các nhà trí thức (Nho gia) xưa phải lào thông nó mới có thể đi thi. Điều đó chứng tỏ nó rất quan trọng. Bói Dịch rất khó hiểu đối với các người trẻ, người mới bắt đầu. Ngay cả sách được cho là kinh điển của cụ Ngô Tất Tố, phần giải thích về bói cũng rất khó hiểu. Tôi mong làm nó đơn giản hơn, dễ hiểu hơn để giúp các bạn trẻ, ai muốn tìm hiểu sẽ dễ dàng hơn, hầu mong giữ gìn những quý giá của ông cha không bị mai một!
Lại nữa, ý của Dịch cho rằng: con người tự mình vẫn có thể sửa đổi được số mạng của mình một phần nào; thế thì tại sao chúng ta không tự tìm hiểu, tự bói quẻ tìm phương thức đối ứng, mà phải nhờ người khác làm thay cho mình? Biết chắc họ thật sự là bậc thức giả không? Ở đời, biết đâu hư biết đâu thực, biết đâu chân biết đâu giả.

.

PHẦN THỨ NHẤT

NHẬP MÔN KINH DỊCH
ĐẠI CƯƠNG VỀ QUẺ DỊCH

 

I. KINH DỊCH

Kinh Dịch là một trong ba bộ kinh cổ nhất của Trung quốc, sau Kinh Thi và Kinh Thư, nhưng nguồn gốc của nó (tức bát quái) thì có thể sớm hơn, vào cuối đời Ân, khoảng 1.200 năm trước Tây Lịch.
Nó không do một người viết, mà do nhiều người góp sức trong một ngàn năm, từ Văn Vương nhà Chu mãi đến đầu đời Tây Hán.
Điều kỳ dị nhất của Dịch là nó chỉ dựng trên thuyết âm dương, trên một vạch liền ____ tượng trưng cho dương, một vạch đứt __ __ tượng trưng cho âm. Hai vạch đó chồng lên nhau, đổi lẫn cho nhau nhiều lần thành ra tám hình bát quái, rồi tám hình bát quái này lại chồng lẫn lên nhau thành sáu mươi bốn hình mới: Lục thập tứ quái.
Dùng sáu mươi bốn hình này người ta sẽ diễn giải được tất cả các quan niệm về vũ trụ, nhân sinh. Từ những hiện tượng trên trời dưới đất, những luật thiên nhiên cho tới những công việc thường ngày như trị nước, ra quân, trị nhà, cưới hỏi, ăn uống, xử thế…
— Mới đầu chỉ có lưỡng nghi: dương (vạch liền: ___ ) và âm (vạch đứt: _ _ )
— Bên dương, nếu lấy dương chồng lên dương, rồi lấy âm chồng lên dương, chúng ta sẽ được hai hình tượng:
– (vạch dương/ vạch dương): thái dương
– (vạch âm/ vạch dương): thiếu dương
Bên âm cũng vậy, nếu lấy âm chồng lên âm, rồi lấy dương chồng lên âm, chúng ta sẽ được hai hình tượng nữa:
– (vạch âm/ vạch âm): thái âm
– (vạch dương/ vạch âm): thiếu âm
Như vậy được bốn hình tượng, gọi là tứ tượng.
Tứ tượng có tên: Thái dương, thiếu dương, thái âm, thiếu âm
— Sau cùng, lấy dương lần lượt chồng lên cả bốn hình trên, chúng ta sẽ được 4 hình:
Ly (Li), Càn (Kiền), Tốn, Cấn.
Rồi lấy âm lần lượt chồng lên cũng cả bốn hình đó, chúng ta sẽ được thêm 4 hình nữa:
Chấn, Ðoài (Đoái), Khảm, Khôn.

Sự hình thành bát quái
Sự hình thành bát quái

Như vậy được hết thảy 8 hình gọi là bát quái (tám quẻ). Mỗi quẻ có 3 vạch (gọi là 3 hào), xuất hiện lần lần từ dưới lên trên. Cho nên khi gọi tên hào, khi đóan quẻ, phải đếm và xét từ dưới lên trên: Hào dưới (cũng là hào 1), rồi lên hào 2, hào 3…

[HẾT TRÍCH]

Quẻ Dịch F1

Đọc toàn bộ sách hoặc Download xin theo links dẫn dưới đây:

Hoặc:

QUẺ DỊCH-Cách lập và Giải đoán

______________________

Phụ lục:

@ Về Bác sĩ Nhân Tử NGUYỄN VĂN THỌ (1921-2014)

Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ sinh ngày 15 tháng 12 năm 1921 tại Chi Long, Hà Nam, Bắc Việt. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1952. Phục vụ ngành Quân Y từ năm 1952 đến năm 1965 với cấp bậc Thiếu Tá và giữ chức vụ Chỉ huy Tổng Y Viện Duy Tân (Đà Nẵng) từ năm 1956 đến 1963. Từ năm 1967 cho đến 1975, Bác sĩ là Giáo sư trường Đại học Saigon và Minh Đức (Saigon), phân khoa Văn Khoa: dạy Triết Học Đông Phương, đặc biệt có giảng dạy thêm về Kinh Dịch. Năm 1960 tác giả được trao giải thưởng văn chương Tinh Việt Văn Đoàn qua tác phẩm Trung Dung Tân Khảo.
Năm 1982 Bác sĩ cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ và lấy bằng Bác Sĩ Y Khoa tương đương tại Hoa Kỳ vào năm 1983. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ từng là cộng tác viên của nhiều nguyệt san tại Việt Nam, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Úc và đã hoàn tất 18 tác phẩm với khoảng 7000 trang về hai đề tài chính là Triết Học Đông Phương và Tôn Giáo Đối Chiếu (Khổng Học Tinh Hoa, Chân Dung Khổng Tử, Dịch Kinh Đại Toàn, Phật Học Chỉ Nam, Lão Trang Giản Lược, Đạo Đức Kinh Đường Vào Triết Học Và Đạo Học v.v…)
Lúc ở California thập niên 1980, bác sĩ Thọ có mở lớp dạy Kinh Dịch miễn phí vào cuối tuần tại chùa Việt Nam (12292 Magnolia St, Garden Grove, CA 92641). Lớp dạy phải giải tán vì bác sĩ Thọ bị tai biến mạch máu não năm 1989.
Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ tạ thế ngày 07 tháng 01 năm 2014 tại Issaquah, WA, USA, hưởng thọ 93 tuổi.
Link trang web BS Nhân tử Nguyễn Văn Thọ
– Văn hóa Đông phương (Có bộ sách Dịch Kinh đại toàn E – Book)
http://nhantu.net/

.

Nguyên Lạc  HD 61-68


 

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

TẢN MẠN VỀ TRÀ (Khảo Luận) – E Book. NGUYÊN LẠC


[TRÍCH ĐOẠN]
.
Giới thiệu:

Ông bà ta có câu “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Với nhiều người, uống trà không chỉ đơn thuần là giải khát, mà còn là thú vui tao nhã thưởng thức hương vị thơm, ngọt, chát, nồng của ” Dịch thể ngạnh ngọc bào” – bọt của chất lỏng màu ngọc bích (Tên người xưa gọi nước trà). Trà, rượu và cà-phê là 3 thức uống hầu như hiện nay ai cũng yêu thích. Đối với cụ Trần Tế Xương thì: “Một trà, một rượu, một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó quấy ta”. Về “yêu trà”, tôi xin dẫn ra đây vài lời của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, trong chương sách Nghệ Thuật Yêu Trà của bà, đại khái:

   – “Yêu là cả một nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì cần phải có sự nghiên cứu kỹ càng, và sự hướng dẫn chu đáo. Muốn yêu ai thì cần phải tìm hiểu tính tình, biết cả từ tính tốt đến tính xấu, những ưu khuyết điểm, xét xem có thích hợp với mình không. Khi đã biết rõ rồi mới yêu thì tình mới bền. Trà cũng như người, cổ nhân gọi trà là Tình Nhân, và ngày xưa cũng như bây giờ có những người yêu trà, chờ đợi giờ phút được ngồi cạnh ấm trà như chờ đợi giờ phút hò hẹn với người yêu”- (Minh Đức Hoài Trinh)

Ngồi cạnh ấm trà một mình vào buổi sáng tinh sương hay với tri kỷ trong đêm khuya, thì không cần phải dùng đến lời nói; đọc cho nhau nghe một câu thơ, hay mỗi người nói một mẩu chuyện rồi thả tâm tư suy nghĩ; chẳng cần bàn cãi nhiều lời, khói trà và hương trà sẽ đưa hai tâm tư đến cùng một điểm. Hai người tri âm tri kỷ đã trở thành một.

Chúng ta hãy cùng nhau nhắp một chén trà. Ánh sáng xế trưa đương chiếu vào bụi trúc, dòng suối đương róc rách vui tai, và tiếng ngàn thông đương rì rào trong ấm trà của chúng ta. Hãy thả hồn mơ vào chỗ vô thường, tha thẩn trong cái vẻ cuồng dại mỹ miều của vạn vật.

Lý Chi Lai, (Lichilai) một kẻ yêu trà,  một thi sĩ đời Tống đã cho rằng, đời có 3 mối hận nhất là: “Những thanh niên ưu tú bị hư hỏng vì một chế độ giáo dục sai lầm; những bức danh họa bị mất giá trị vì những kẻ phàm phu tục tử tán thưởng; và những cánh trà ngon bị hao phí quá nhiều vì những bàn tay bất tài vầy vò”.

Trà không có cái tính chất tự tôn xằng như của rượu, tự ý thức như của cà phê, hay ngây thơ khờ khạo như của ca cao – (Bảo Sơn – Trà Đạo, dịch từ cuốn The Book of Tea của Okakura Kakuzo)
….
[NGƯNG TRÍCH]
.
Các bạn có nhã hứng đọc toàn bộ sách hoặc Download, xin theo link dưới đây:
https://t-van.net/nguyen-lac-tan-man-ve-tra-khao-luan/?fbclid=IwAR2J5zD-28ESCJssym7WKIwdvuk971WJrCyKKriupQhfTSSpp-5WELizPXA
hoặc:
https://nguyenlac.wordpress.com/2022/10/29/nguyen-lac-tan-man-ve-tra-khao-luan-e-book/
.
Nguyên Lạc 
CHS. Hoàng Diệu 61-68


 

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

CHUYỆN HỌC HÀNH CÙNG KÝ ỨC TUỔI THƠ

 

Ảnh Võ Kỳ Điền chụp bên tượng danh y Lý Thời Trân, Vũ Hán 2009

Sáng nay thức dậy chợt nhớ tới ba tôi và thấy thương ông hết sức Trời đất, mới sáng sớm mà nỡ đành nói một câu khá huề vốn như vầy nè trời, ai mới nghe qua cũng muốn chạy mất dép. Trong cái cõi đời nầy, có đứa con nào mà không thương cha, thương mẹ mình.
Khoan khoan cười chê tôi, bạn ơi. Ba tôi đã mất cách đây trên hai mươi mấy năm rồi. Chuyện thương cha, thương mẹ thì cả đời tôi thương không hết. Nhiều lắm, bạn nào cũng vậy mà. Nhưng tại sao hôm nay, tôi bất chợt lại thương ba tôi thêm một lần nữa.
Số là như vầy. Năm nay tôi cũng đã trên tám mươi, chừng độ tuổi ba tôi thời đó. Cái tuổi già thiệt là già, già ngắc già ngơ, già khú đế, không còn chuyện gì để làm, mà thiệt ra nếu có thì làm... cũng không nổi! Cũng may trời đất cho đầu óc còn minh mẫn y nguyên, chưa sứt mẻ chút nào. Nhờ nó chưa sứt mẻ nên bất cứ chuyện lớn, chuyện nhỏ nào trong đời, thỉnh thoảng được nhớ lại như phim bộ nhiều tập được coi đi coi lại. Có nhiều chuyện nhỏ như con kiến, nhớ tới nhớ lui nó thành con bò, rồi nhớ nữa nó biến thành con voi hồi nào không hay không biết. Vui thiệt là vui. Cái đầu tôi bây giờ như vậy đó. Cũng y như chuyện ba tôi sáng nay được nhớ nhớ lại vây.
Số là như vầy. Khi còn sanh tiền, khi sai tôi là cái gì đó, không nhớ, ba tôi đã nói bâng quơ một câu như vầy: -mầy làm cái gì cũng có chơi trong đó! Rồi ông lẩm bẩm : -cả đời mầy tao chắc, chỉ có chơi mà không có làm. Lúc nghe cha nói, tôi không biết nên buồn hay nên vui và cũng không dám cãi lại. Các bạn cũng biết, ba tôi là một ông già nhà nho, kỹ lưỡng, nghiêm khắc, khó tánh, cả tỉnh nầy nhiều người nghĩ như vậy. Ba đã nói câu gì thì con cái phải nghe câu đó, Anh tôi tuy đã có danh phận rồi mà còn phải sợ ba, còn tôi sức mấy mà dám cãi lai, dù chỉ một lời...
Trở lai câu chuyện sáng nay, ba đã nói đời tôi chỉ có chơi chớ không có làm. Hồi tưởng lại ông già thương yêu nhứt đời tôi đã nói không trật điểm nào. Cũng không biết làm sao mà ổng thấy được rõ ràng như vậy. Từ chuyện học, đến chuyện làm, từ chuyện tình duyên gia đạo tới chuyện giao tiếp bạn bè ngoài xã hội... nhiều lắm, kể sao cho xiết. Tôi xin kể cho các bạn nghe một chuyện nhỏ, rất nhỏ thôi về đời tôi... cho vui.
Có lần, một bạn thân đã hởi tôi : anh học cái học khoa học Tây phương cũng khá, tại sao lại học chi ba cái thứ chữ nho rắc rối mà lại không thực dụng... Không phải một bạn mà rất nhiều, ai thấy tôi học chữ nho cũng đều cười. Có người nói ra và cũng có nhiều người không nói, họ chỉ cười trong bụng. Tôi đoán vậy nhưng không biết tả lời như thế nào.
Vậy đây là câu tôi trả lời sau cả một cuộc đời dài, tổng kết lại và đúng y câu mà ba tôi đã có lần nói. Quả nhiên, lời của ông không trật điểm nào trong cái vụ học hành cửa tôi. Tôi đâu có học chữ nho hồi nào. Nhiều bạn thấy tôi tốt nghiệp ban Việt Hán, học vài chứng chỉ bên Văn Khoa cứ tưởng là tôi biết chữ nho từ các trường đó. Không đúng các bạn ơi, nói cho rõ hơn là có chuyện đúng và có chuyện không đúng.
Sự thiệt là như vầy nè. Tôi biết lỏm bỏm chữ nho từ hồi nhỏ xíu. Ba tôi là một đông y sĩ nên trong nhà tòan là thuốc bắc gồm có các loại củ, rể, lá cây thuốc, các loai đá, (Luu Huỳnh, Thạch Cao, Hoạt Thạch, Hùng Hoàng, Châu Sa, Thần Sa, vv...) cùng các loại xương (Long Cốt, Xuyên Sơn Giáp vv....) được để trong các hộc tủ, trên các kệ, cùng chứa đầy trong nhà kho. Trên các bao bì, hộc tủ có viết các tên thuốc bằng chữ Tàu, rất to và rõ cho dễ đọc. Tôi là phụ tá cho ba tôi lúc con nhỏ xíu. Hằng ngày ông thường sai tôi chạy đi lấy món nầy món kia. Nếu lấy trật thì bị rầy, mắc công phải đi đổi và lấy lại cho đúng. Tôi nhớ rõ là ba tôi không có dạy chữ nào, tự nhiên hằng trăm món chứa đầy trong nhà, tôi chưa hề lấy trật món nào. Chắc do trời sanh.
Không những vây, các bộ sách thuốc của ông như Thương Hàn Luận, Kim Quỷ Yếu Lược của Trương Trọng Cảnh, Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân, để đầy trên bàn viết, tôi lau dọn mỗi ngày. Bộ nào mấy cuốn, phải sắp xếp cho ngay ngắn và theo thứ tự giáp, ất, bính, đinh, cùng quyển thượng quyển hạ.., không được bừa bãi lộn xộn. Rồi tới các đơn hàng mua bán thuốc men với các đại lý ở Chợ Lơn, các giao dịch với xe chở hàng nghĩa là các toa thuốc, toa mua hàng... đều bằng chữ Tàu. Tôi không bao giờ học loại chữ khó khăn nầy, mà không biết tại sao tự nhiên đều biết hết trơn và biết rất rõ. Thấy cười nhứt là đọc trên các bao bố chỉ xanh thuốc xe hàng giao tới nhà với địa chỉ là Thổ Long Mộc Tỉnh. Tôi biết ngay liền danh xưng nầy là tỉnh Thủ Dầu Một yêu quí của tôi, người Tàu họ đã viết như vậy. (bây giờ Cô Bích Tỉnh là Québec tôi đang sống gần nưa đời người)
Nhưng biết nhiều nhứt là do đọc các nhãn hiệu cao đơn huờn tán trong tủ kiếng. Hàng mấy trăm món lớn nhỏ được sắp theo thứ tự trên kệ dài. Vừa có chữ Việt vừa có chữ Tàu, mỗi ngày cứ nhìn qua nhìn lại Tiêu Ban Lộ, Nhị Thiên Đường, Ngoại Cảm Tán, Lục Vị Địa Hoàng Hoàn, Tam Tinh Hải Cẩu Bổ Thận Hoàn, rồi tên các nhà thuốc Đại Quang, Hồi Xuân Đường, Sanh Ký... Vui nhất là hiểu được cách đặt tên thuốc của các đông y sĩ để chọc phá nhau. Vì các nhà thuốc lớn trong cùng một nghề nên có sự cạnh tranh, chắc là khốc liệt lắm.
Ban đầu là do Cụ Võ Đình Dần đặt tên món thuốc của nhà thuốc Nhành Mai là Cửu Long Hoàn, thuốc đại bổ. Tôi thấy không có gì đặc biêt, đúng mà, thưốc đại bổ nầy uống vô mạnh như chín con rồng. Nhưng riêng cụ Võ Vân Vân thì hiểu xa xôi hơn và cảm thấy khó chịu. Vì thành ngữ Trung Hoa thường nói : “Vân tòng long, phong tòng hổ”. Có nghĩa là mây thì theo rồng còn gió thì theo cọp. Câu nầy ai cũng biết. Cụ tên là Vân (mây) còn ông Võ Đình Dần là cọp. Vân tại sao lại theo phò tá cho Long (rồng), cho Dần (cọp) được. Cụ Võ Vân Vân bèn đặt tên thuốc mới sản xuất trị đau nhức, phong thấp là Bá Đả Sơn Quân Tán, có nghĩa là thuốc tán “đấm con cọp môt trăm cái”. Tôi không biết cụ Võ Đình Dần có đau không nhưng riêng tôi thì vui ơi, thiệt là vui. Mỗi lần cầm hộp thuốc lên bán cho khách, tôi đều cười khoái chí.
Cứ như vậy mà tôi biết chữ nho hồi nào không hay. Mỗi lần vô Chợ Lớn mua hàng, tôi đọc tên các bảng hiệu tiệm ngon lành. Vậy tại sao tôi không học ban Việt Hán ở Đại Học Sư Phạm và bên Văn Khoa, bỡi vì chỉ cần học thêm chút xíu nữa với các cụ thì chuyện thi cử cũng dễ dàng mà. Có lần tôi vui miệng nói với bạn - tôi học ở Sư Phạm có sáu tháng thì đọc được Tam Quốc Chí ngon lành. Bạn cho là tôi nói láo vì chữ nho đâu phải chuyện giỡn chơi.
Tôi cũng không biết làm sao trả lời và cứ tưởng mình nói láo thiệt. Sau nầy có lần đọc bài viết của giáo sư Đào Mộng Nam, giáo sư Nguyễn Tôn Nhan, các chuyên viên Hán Học... các vị đó cũng có nói là học sáu tháng đọc được Tam Quốc Chí. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ừ mình không đến nỗi nói bậy để lấy le hàng xóm. Các bạn trong ngành sẽ biết rõ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa được La Quán Trung viết bằng lối văn bạch thoại, rất dễ dàng để đọc và để hiểu. Không khó khăn như Liêu Trai Chí Dị viết bằng cổ thư.
Từ đó cứ mỗi chiều Thứ Sáu tôi vô Chợ Lớn mua báo để coi Anh Hùng Xạ Điêu, Lộc Đỉnh Ký, Ỷ Thiên Đồ Long Ký... bên Hồng Kông qua, sớm hơn báo Việt. Có một chuyện tức mình mà nói hoài không ai nghe. Trương Vô Kỵ thương cô Triệu Mẫn, báo Tàu viết rõ ràng như vậy, vậy mà các dịch giả Viêt Nam mình cứ cho là Triệu Minh, rồi có việc ông tướng Râu Kẽm ước ao sáng nào cũng được vẽ lông mày cho người yêu Triệu Minh của ổng. Triệu Mẫn ông ơi, coi chừng vẽ lộn. Tức hết biết!
Một kỷ niệm không bao giờ quên là cho đến giờ nầy tôi không biết bịnh Phòng Tích là bịnh gì. Buổi trưa đó là giờ dạy của cụ cử Thẩm Quỳnh. Chứng Chỉ Văn Chương Trung Hoa. Trong phòng le que chừng độ một hai chục sinh viên gì đó. Trường ở trên đường Nguyễn Trung Trực Sài Gòn. Giờ trưa dễ buồn ngủ lắm. Bổng dưng trên bục giảng cụ chợt hỏi, giọng sang sảng quen thuộc: -các ông có biết bịnh Phòng Tích là bịnh gì hay không? Cả lớp ngơ ngác, im lặng. Tôi không biết bịnh Phòng Tích có giống bịnh Cam Tích không, ở thôn quê mình con nít thiếu dinh dưỡng, dễ bị bịnh Cam Tích nên cái bụng chang bang. Cụ nhìn cả lớp thấy không sinh viên nào biết, bèn giải thích: -bịnh Phòng Tích là bịnh ăn nằm không coi ngày.
Nghe cụ giải thích xong thì tôi hiểu được liền nhờ hai chữ “ăn nằm”. Nhưng có một bạn nữ vẫn thắc mắc không hiểu. Tôi còn nhớ rất rõ, chị tên là Khưu Liên C.... gốc người Tàu Chợ Lớn, người khá đẹp và xinh xắn dễ thương. Chị khều tôi hỏi nhỏ: -anh, anh ăn nằm là gì? Tôi thấy cười trong bụng và làm bộ ngây thơ không biết, chỉ anh bạn đại đức đầu trọc mặc áo nâu sòng ngồi bàn trên : -chị hỏi đại đức đi, đại đức rành mấy cái vụ nầy lắm, tôi cũng không hiểu... y như chị vậy!
Lớp tôi lúc đó chừng ba bốn bạn đai đức, ba bốn bạn Tàu gốc ở Chợ Lớn, còn lại đa số là ban D cổ ngữ, hình như chỉ có tôi là đi lạc mà thôi. Tôi đi chơi chớ đâu có đi học. Thiệt tình rất nhớ thuơng ba tôi. Cho tới giờ chưa thấy ba nói trật câu nào.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nói lời thương yêu ba tôi.
VÕ KỲ ĐIỀN Brossard QC 13- sep 2022

Võ Kỳ Điền chụp trước nhà Thân Phu ở Laval. QC cùng năm cha 80 tuổi 11-7-1987