a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT MÙA GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2025 AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM MỚI 2025 VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

CHUYỆN MỘT CON CHÓ CON - Võ Kỳ Điền

 






Một buổi sáng có cặp vợ chồng bạn từ phương xa đến thăm chúng tôi. Tôi đang chờ và khi nghe tiếng chuông cửa reo vang tôi vội vàng bước ra tiếp bạn. Hai ông bà Mai -Cồ (Michael) đã xuất hiện trước mặt dáng vẻ tươi tắn khỏe mạnh. Tôi và nhà tôi vui vẻ chào hỏi cặp đôi bạn thân tình nầy. Con chó nhỏ Mi Sa không cần biết ai là ai, cũng tuôn ra cửa, chạy lăng quăng sủa inh ỏi không ngừng. Vì ông bà nầy đến từ thành phố Calgary thuộc vùng nói tiếng Anh nên tôi theo thói quen vọt miệng la rầy con chó con lông xoắn như tuyết trắng bong nầy: -Mi Sa im cái miệng lại (Mi Sa, shut up!). Con chó nhỏ nầy đã được nhà tôi đặt tên ngay là Mi Sa từ lúc mới mua về.
Câu nói vừa thốt ra khỏi miệng chợt thấy ông khách đứng chựng lại, tôi sực nhớ lại một chuyện quan trọng, mặt mày đỏ bừng bừng, làm sao bây giờ, làm sao xin lỗi bây giờ, quê ơi là quê! Nhà tôi cũng lỡ khóc lỡ cười, đỡ lời với khách: chồng tôi ảnh không biết chuyện nầy, xin ông bà thứ lỗi. Hai ông bà bình thản trở lại, ha hả cười lớn ôm vai tôi và nói -đừng bận tâm không có gì đâu. Đâu có gì quan trọng đâu. Cả buổi sáng hôm đó tôi mỗi lần thấy con Mi Sa chạy chơi quanh quẩn là nhớ tới câu -Mi Sa câm miệng lại. Trời ơi, cái câu nói thiệt là kỳ cục, tại sao tôi lại ăn nói sỗ sàng tới như vậy.
Câu chuyện là như vầy, phải nói ra các bạn mới rõ dầu đuôi. Cặp vợ chồng nầy gốc là người Nga vì tỵ nạn chánh trị nên qua Canada xin định cư ở vùng Calgary thuộc tỉnh bang Alberta. Ông vốn là kỹ sư và bà là dược sĩ, khi chưn ướt chưn ráo qua xứ mới nên phải học lại lấy bằng chuyên môn tương đương để hành nghề sinh sống. Việc nầy cũng giống y hệch như người tỵ nạn Việt Nam chúng ta vậy. Nhờ đó mà bà vợ ông quen với nhà tôi vì đồng hoàn cảnh nên trở nên thân tình và hai bà khá hạp tánh nhau. Bà Melina rất điềm đạm, hiền lành và sống đầy tình nghĩa. Như vậy tên ông là Mai Cồ, tên bà là Melina, đó là những gì tôi biết được và khi chào hỏi hay trong các câu chuyện giao tiếp, tôi thường dùng hai tên nầy.
Nhà tôi rất thích nuôi chó nên có lần mua được một con chó con lông trắng như tuyết, hai con mắt tròn đen thui như hai hột nhãn, thân hình nhỏ xíu nặng cở chừng ba bốn kí lô, trông thật dễ thương, thuộc giống chó Maltese (Maltais) thì mừng lắm ôm ấp nựng nịu suốt ngày. Nhà tôi biết được giống chó khôn ngoan dễ thương nầy là nhờ ông Mai Cồ cố vấn cho. Nên khi đặt tên thì lấy ngay tên ông mà đặt. Cũng cùng môt tên nhưng ở Canada thì là Michael nhưng lúc bên Nga gọi ông là Misa. Vậy kể từ đó con chó nhỏ trắng bong nầy có tên là Mi Sa. Con Mi Sa rất thông minh, thường đi quanh quẩn trong nhà, lại ưa sủa. Hể có ai đi gần nhà là nó sủa inh ỏi. Nhà rộng lớn nhiều phòng lại ít người, nhờ có nó mà tôi khá yên tâm, đỡ lo chuyện trộm cắp. Có lần cả nhà đi chơi vắng có kẻ xấu lén cạy cửa sau để vô ăn trộm. Khi vợ chồng tôi đi về tới nhà thì thấy cửa có dấu bị cạy xeo trầy xước lổ chổ. Không biết con Mi Sa sủa thế nào mà anh ăn trộm sợ hãi đã bỏ chạy để lại toàn bộ đồ hành nghề kềm, búa, xà ben.
Con Mi Sa nó dễ thương và khôn ngoan giúp đỡ tôi tốt đến vậy, nào ngờ sáng nay nó lại khiến tôi thê thảm. Có một sự lầm lẫn trầm trọng. Ai đời, có bao giờ khách đến nhà thăm vừa mở miệng chào hỏi thì bị ông chủ nhà kêu tên khách to lên và ra lịnh oang oang -Mi Sa câm cái miệng lại. Chủ nhà gì mà đón khách kỳ cục vậy! Ông chủ nhà kỳ cục nầy là tôi đó. Tự nhiên tôi bị lâm vào cái cảnh dở khóc dở cười. Và trên cái cõi đời gặp cảnh trớ trêu nầy chắc chỉ có mình tôi thôi.
Cách đây vài tháng chúng tôi cũng có đến Calgary thăm ông bà Mai Cồ và được ông bà dẫn tham quan các cảnh đẹp của rặng Rocky Mountain hùng vĩ nơi đây. Tôi choáng ngộp trước những núi non xanh đen cao chớn chở chạy dài đến tận chưn trời. Trên các đỉnh núi có nhiều hồ nước ngọt và hồ nước Louise trong xanh màu ngọc bích đẹp nổi tiếng đến khó quên. Rồi đến thăm phố núi Banff đầy màu sắc quyến rủ đông nghẹt du khách vãng lai. Nào là đường mòn, nào là thác nước, nào thung lũng sông sâu suối rộng, nào là hang động thiên nhiên với lô nhô thạch nhũ ngàn năm... Bao nhiêu là cảnh đẹp trời đất gom lại nơi đây. Làm sao tôi quên được trong đời có lần mình được tắm trong dòng suối nước nóng mà trên đầu tuyết lông ngỗng bay phơi phới đầy trời vào mùa đông xứ lạnh Calgary.
Ông Mai Cồ cũng là tay thích đi săn. Ông thường săn nai tuần lộc (Reindeer - caribou) và thuê trực thăng đi câu cá bơn (halibut fish) ở miệt Vancouver. Sau nhà ông có một cái tủ đá đông lạnh (freezer) rất lớn chứa đầy thịt cá săn được, để dành ăn cả năm. Có bận nhà tôi ghé qua chợ mua một bộ đồ nấu lẫu Nhựt Bổn, cùng thịt bò, tôm, mực và rất nhiều rau cải Việt Nam mình. Bà Melina lấy ra trong tủ đá một tảng cá halibut to cở hai kí lô. Khối thịt cá trắng bong và sau khi rả đông thì tươi rói. Buổi ăn chiều đó vợ chồng tôi lần đầu được biết mùi vị thơm ngon của cá halibut. Ở Québec tôi cho rằng cá tầm (esturgeon) là ngon số một, đến khi được ăn cá halibut thì tôi không biết con nào ngon hơn. Chúng giống nhau ở chỗ hương vị cá mà thơm ngon như thịt, cũng giống nhau ở chỗ các xương không cứng mà lại mềm như sụn, khi ăn mình nhai sừng sực rồi nuốt luôn. Tất cả ngon ngọt trộn lẫn nhau trong miệng rồi tuôn xuống bao tử hồi nào không hay biết.
Ông Mai Cồ sức ăn rất là mạnh vì người rất cao lớn to con và hoạt động thường xuyên. Ông rất thích đồ ăn và cách nêm nếm nhiều gia vị của Việt Nam mình. Khi ăn chả giò, ông húp luôn chén nước mắm pha chế để kèm bên. Sáng nào cũng rủ nhau đi ăn phở ở ngoài phố Calgary và lúc nào ông cũng ăn hai tô đặc biệt bỏ vô đầy rau, giá. Khi ăn xong dưới đáy tô không còn một giọt nước nào. Hình như ông vẫn còn muốn ăn thêm nữa...
Tôi rất quí mến hai ông bà nầy. Tánh tình hiền lành, không khách sáo, hoa mỹ, dễ gần, thân thiện, sống thành thật, giản dị, hồn nhiên. Có được bạn tốt như vậy, tôi còn muốn gì hơn nữa!
Rồi vào một mùa hè, trời Canada nóng như đổ lửa. Vậy mà thiên hạ cứ nói Canada lạnh, qua đây sống thử đi rồi biết liền. Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao dân ở đây thích đi du lịch. Phải trốn cái nóng như thiêu như đốt nầy. Có lúc không việc gì làm, hai vợ chồng ngồi nhìn những ngày thừa thãi thoáng qua nhanh. Tôi vọt miệng -mùa hè nóng bức như vầy mà năm nay chưa biết đi đâu. Được vợ trả lời : vậy thì mình đành phải ra mấy đảo ở Caribbean (Caraibes) như mấy năm trước. Tôi chưa kịp trả lời thì lúc đó con Mi Sa bỗng kêu lên ăng ẳng, chắc có ai đó đi ngang qua nhà. Nghe chó kêu, nhà tôi liền nảy sanh ra một ý, vọt miệng: -hay là mình đi ra đảo Malta, để coi quê hương con Mi Sa ra sao, gốc gác nó ở đảo nầy mà. Nghe vợ đề nghị đi chơi Địa Trung Hải, tôi mừng vui quá, thiệt là vừa ý hết sức đồng ý liền: Ừa ừa...
Chiếc du thuyền cao 9 tầng có hai cái piscine rộng lớn trên boong với trên hàng ngàn du khách, lặng lẽ êm đềm lướt sóng trong đêm đen. Tôi ngủ say mê mệt không còn biết trăng sao gì nữa hết. Bất ngờ tiếng loa phát thanh trên thuyền vang lên nghe lồng lộng giữa đêm khuya:
-“Đây là thuyền trưởng du thuyền MSC Croisière số 12 thông báo cùng quý khách, xin mời quý khách lên boong tàu để đón bình minh lúc 5 giờ sáng, du thuyền sẽ vào hải cảng đảo Malta”
Vừa nghe xong, tôi nhìn ra khung kiếng cửa sổ thấy trời đã sáng trắng, hai vợ chồng vội vàng đánh răng rửa mặt, cùng nhau ba chưn bốn cẳng leo tuốt lên boong tàu. Lúc nầy trên boong cũng đã đông nghẹt người ta, kiếm một chỗ trống để chen chưn không phải là chuyện dễ. Mặt biển xanh gờn gợn, trời sáng trong tinh khôi, ánh nắng vàng chanh chan hòa cả một vùng trời đất rộng mênh mông bát ngát. Những cơn gió mát thổi nhẹ mơn man ruời ruợi. Chiếc du thuyền lừng lững nguy nga thận trọng từ từ tiến vào hải cảng, tiếng còi tàu rú lên từng nhịp, từng nhịp rền vang. Mọi người chen nhau đông nghẹt trên boong, trên tay nào là máy ảnh, máy quay phim được tận dụng hết tần số. Tôi nhìn mải mê phong cảnh xung quanh bên nầy lẫn bên kia, không gian rạng rỡ đẹp đến độ sững sờ. Thiên đường là đây nè chớ còn ở đâu nữa. Trước mắt tôi bây giờ là vách núi cao chập chùng sừng sửng, xen vào đó là những lâu đài bằng đá kiểu những thế kỷ trước, được xây cất đẹp đẽ, khéo léo, bề thế nương tựa nhau, chen chúc nhau, vươn lên cao ngất như muốn giành hứng hết những tia nắng đẹp đẽ của vùng biển ngọc trong xanh biêng biếc Địa Trung Hải mà tạo hóa ban cho...
Đây không phải là lần đầu tiên tôi đi du thuyền. Tôi cũng đã có đi nhiều chuyến trên biển hoặc trên sông, chỗ nầy chỗ kia. Có chiếc tệ hơn, có chiếc khá hơn. Cành xứ nầy nhớ lộn qua xứ kia, chuyến nầy lộn qua chuyến kia, làm sao mà nhớ hết cho được. Duy có lần đi nầy, buổi sáng nầy, ghi lại trong tôi dấu ấn đặc biệt quang cảnh hừng đông ở đảo Malta trên vùng trời Địa Trung Hải là đẹp dẽ nhứt, là đáng nhớ nhứt trong đời. Đối với tôi là vậy đó. À, chút nữa thì quên, đảo nầy là quê hương gốc gác của con Mi Sa, chuyến đi nầy đẹp nhứt có lẽ là vì nó mà đi.
Mùa Giáng Sinh năm ấy sắp tới. Bà xã đi làm từ sáng, chỉ có tôi ở nhà một mình với con Mi Sa làm bạn. Ở nhà tôi phải lo chuẩn bị dây chạc để treo đèn kết hoa trước cửa để mừng chúa Giáng Sinh ra đời. Lối xóm nhiều nhà đã thực hiện xong cả tuần trước, đêm đêm đèn đuốc cháy sáng rực rỡ, xen vào dó có nhiều tiếng nhạc thánh thót reo vui. Nhà mình cũng phải bắt chước mà làm, nếu không vậy thì mang tiềng lười biếng, mắc cở lắm. Tụi Tây tuy là nhà nào cũng cửa đóng then gài nhưng tôi biết rõ tụi nó kín đáo để ý từng chút coi một người ngoại quốc như mình sinh sống ra sao. Như mùa hè vừa qua, tôi vì bận chưa kịp cắt cỏ sân vườn, đám cỏ hơi cao rậm rạp một chút, bà đầm nhà cạnh bên gặp tôi ngoài đường sau khi chào hỏi có khen vói một câu -hoa dendelion vườn nhà ông năm nay mùa nầy thật đẹp!
Trời ơi! rõ ràng là bả đã chê tôi thẳng thừng như tạt nước vào mặt vậy, không kiêng dè gì hết. Ai cũng biết sân cỏ xanh mướt mà để hoa bồ công anh mọc lốm đốm vàng là coi không được rồi, y như tấm vải lót giường bị con nít đái dầm, rồi những cánh hoa tàn kia sẽ bay lây lan qua hàng xóm. Để cỏ mọc cao quá, sẽ bị cảnh sát thành phố phạt tiền. Hèn chi hoa nầy, Tây nó đặt tên là Pissenlit (piss -en -lit = hoa Đái Dầm) Vậy thì hoa nầy đẹp hay xấu. Tôi xin tạm trả lời cho các bạn nghen -Xấu đẹp tùy người đối diện. Mấy người làm biếng như tôi thì thấy đẹp. Còn bà đầm hàng xóm thì cho là xấu hoắc hà.
Tôi đã lấy ra mấy thùng to dây điện màu xanh có gắn chi chít những bóng đèn màu xanh đỏ nhỏ xíu. Rồi trở vô sau nhà kho vác ra một cái thang xếp để gắn đèn lên nóc nhà xe và trước cửa. Còn dọc theo hai bên sân đã có hàng dâu tằm đầu cành mọc ngược (mûrier pleureur -ulmus pendula), thì không cần thang đứng dưới đất được rồi. Tối hôm qua, trời có đổ một cơn tuyết không lớn lắm, rơi cao chỉ chừng ba, bốn phân thôi. Nhiệt độ sáng nay tương đối dễ chịu, chừng độ âm bốn, âm năm độ không lạnh lắm, làm việc sẽ thoải mái. Mọi thứ chuẩn bị đã xong xuôi, tôi mở cửa, vác cái thang nhôm lạnh ngắt ra ngoài, trở vô lấy thêm kềm búa, tu vít, rồi trở ra sân, từ từ leo lên thang để gắn dây đèn...
Từ trên cao tôi nhìn thấy một bà đầm già dáng vẻ sang trong mặc áo lông mùa đông tay cầm xâu chìa khoá xe, từ từ bước vào sân vẻ mặt nghiêm trọng buồn bã. Bà nầy lạ quá, là ai vậy, tôi không quen biết, có việc gì mà đi vô sân vườn nhà mình. Tôi ngạc nhiên và bước xuống thang. Tôi chưa kịp hỏi thì bà đã nói: -tôi xin lỗi ông, tôi đã lỡ đụng phải con chó nhỏ của ông. Tuyết trắng quá mà nó cũng trắng nữa, nên tôi nhìn không thấy...
Vừa nghe xong tôi há hốc miệng, xửng vửng- Trời, con Mi Sa, nó chạy ra đường hồi nào, tôi hoàn toàn không biết Tôi nhìn trở vô cửa, thấy cánh cửa nhà mở hé, à thì nó len cửa mà chạy ra. Tôi thiệt là vô ý. Con Mi Sa đáng thương của tôi. Tôi đi ra đường và thấy con chó nhỏ nằm còng queo trên đám tuyết nhòe nhoẹt bùn đất, cạnh bên là chiếc xe đen hiệu mắc tiền. Tôi vội ôm nó lên trên đôi tay, thân mình nó tuy còn ấm nhưng bất động. Nó đã chết thiệt rồi, không có một chút xíu hy vọng nào nữa. Từ nay tôi không còn thấy được cặp mắt đen ánh tròn vo dễ thương như hai hột nhãn, tôi cũng không còn nghe được tiếng sủa hằng ngày quen thuộc. Tôi bước đi những bước chưn vô hồn. Tôi không khóc, mà sao hai hàng nước mắt cứ tuôn ra ràn rụa chảy tràn trên má...
Ôi, con Mi Sa nhỏ thương yêu đời tôi!
Võ Kỳ Điền, Brossard. Quebec. le 1er Avril 2023

Không có nhận xét nào: