Nhiều người rất coi thường các triệu chứng như đau ngực, khó thở, choáng váng ... Nhưng chỉ khoảng 30 ngày sau, họ có thể sẽ phải chịu đựng một cơn đau tim.
Chúng ta thường nghĩ các căn bệnh liên quan đến tim thường xảy ra một cách lén lút và đầy bất ngờ. Chúng dường như không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào trước cả.
Nhưng đôi khi tim vẫn có những dấu hiệu “xi nhan” nhưng không phải ai cũng để ý và thường bỏ qua những dấu hiệu này.
“Đặc biệt với phụ nữ, các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh tim thường không theo một mô típ điển hình”, Kerry Hildreth, phó giáo sư về lão hóa và sức khỏe tim mạch tại Trường Đại học Y Colorado (Mỹ) cho biết.
Theo các chuyên gia tim mạch, bất kể là nguyên nhân gì, trong vòng 30 ngày hoặc ít hơn trước khi xảy ra một cơn đau tim , người bệnh thường xuất hiện những triệu chứng cảnh báo.
Với những người mới chớm bị bệnh, theo dõi chặt chẽ huyết áp và cholesterol. Sau đó, hãy đừng quên đi khám bác sĩ nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu tiềm ẩn khác dưới đây.
1. Đau ngực hoặc đau nhức
Đau ngực là một dấu hiệu thường gặp ở bệnh tim mạch nhưng cũng có thể gặp ở nhiều bệnh khác không thuộc tim mạch.
“Lúc đó, bạn có cảm giác như có một con voi đang đứng lên ngực của mình”, Ashley Simmons, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Đại học Kansas (Mỹ) cho biết.
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy đau ngực thì nên tới bác sĩ khám ngay để sớm phát hiện ra bệnh.
“Đây không phải là một cơn đau nhói. Cơn đau này có thể lan tỏa ra bả vai, cánh tay, cổ hoặc hàm. Phải cẩn thận nếu bị đau ngực thường xuyên hoặc sau khi tập thể dục, bị căng thẳng. Có thể là do việc lưu thông máu có vấn đề”, Simmons nói.
2. Khó thở
Nếu hoạt động nhẹ nhàng mà cũng khiến bạn khó thở thì có thể tim đang gặp "rắc rối". Chưa hết, gặp triệu chứng này khi gắng sức, khi nằm, đặc biệt vào ban đêm khiến bạn tỉnh ngủ và ngồi dậy, bạn hãy nghĩ đến bệnh tim.
“Tôi luôn hỏi bệnh nhân về các hoạt động của họ trong mấy ngày vừa qua và yêu cầu họ so sánh với hoạt động của họ cách đây 1 hoặc 2 năm.
Nếu có sự những thay đổi lớn trong hơi thở, đó là một dấu hiệu báo sắp có chuyện xảy ra”, bà Simmons nhận định.
3. Các triệu chứng giống như cúm
Cảm giác buồn nôn hoặc mệt mỏi, hoặc bị cảm lạnh có thể là báo hiệu dòng máu đến não không được cung cấp đầy đủ.
Khi không vận động và không khí xung quanh không quá nóng, mà bạn vẫn bị đổ mồ hôi quá nhiều, điều này báo hiệu một cơn đau tim sắp đến.
Rối loạn tiêu hóa cũng là một dấu hiệu không thể bỏ qua. Các nhà nghiên cứu phát hiện một số phụ nữ bị chứng khó tiêu vài ngày trước khi xảy ra một cơn đau tim. Nhưng họ không liên hệ sự việc này với bệnh tim.
4. Choáng váng
Cảm giác đầu lúc nào cũng lâng lâng hoặc chóng mặt có thể là một dấu hiệu tắc nghẽn dòng máu tới cơ tim. Càng chính xác hơn khi kèm theo đó là tim đập mạnh (hay đánh trống ngực).
Một nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Bắc Carolina (Mỹ) cho thấy cảm giác choáng váng khi đứng dậy nhanh cũng có thể là một dấu hiệu báo bệnh tim sắp đến.
5. Mệt mỏi hoặc mất ngủ
Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Arkansas, nhiều phụ nữ cảm thấy mệt mỏi trong suốt một tuần, nhưng họ cứ nghĩ đó là do làm việc quá sức hoặc do thời tiết. Sau đó, họ đã bị lên cơn đau tim.
Không những thế, trước đó họ cũng bị “rối loạn giấc ngủ”.
* Theo Prevention
Theo Trí Thức Trẻ
Những thực phẩm có thể gây mất nước cơ thể
Cơ thể mất nước là tình trạng nguy hiểm - đặc biệt trong mùa hè - vì nó có thể khiến nhiều người phải nhập viện hoặc nằm liệt giường. Dưới đây là những loại thực phẩm và thói quen có thể gây ra tình trạng mất nước trầm trọng của cơ thể.
Nước tăng lực
Nhiều người tập gym dùng các loại nước tăng lực đắt tiền vì tin rằng nó sẽ giúp cải thiện khả năng tập luyện trong khi vẫn duy trì được độ ẩm.
Tuy nhiên, nước tăng lực thực sự có thể khiến bạn bị mất nước. Nước tăng lực chứa nhiều đường, tạo ra áp suất thẩm thấu cao trong đường ruột và tăng mất nước.
Trong một số trường hợp, nó có thể cũng gây tiêu chảy thẩm thấu.
Chế độ ăn ít carbohydrat
Chế độ ăn ít carbohydrate thường được dùng để giảm cân. Tuy nhiên, chế độ ăn “lành mạnh” này thực sự có thể gây ra tình trạng mất nước.
Nếu chế độ ăn của bạn chủ yếu gồm những thực phẩm chứa ít carbohydrate và rau, nó thực sự có thể thúc đẩy tình trạng mất nước của cơ thể vì những thực phẩm ít carb thường chứa nhiều kali.
Nhớ là cần tăng lượng nước uống hàng này nếu bạn giảm hấp thụ carbohydrate.
Chế độ ăn giàu protein
Một nguyên nhân phổ biến gây mất nước là chế độ ăn nhiều protein. Việc hấp thu protein của bạn nên được tăng với tỷ lệ carb/protein thích hợp. Cần tránh hoàn toàn đồ uống protein đặc.
Khoai tây chiên là một trong những thực phẩm gây mất nước cơ thể
Nước chanh
Nước chanh có nhiều lợi ích sức khỏe, tuy nhiên, nếu hàng ngày bạn uống quá nhiều, nó có thể có tác dụng lợi tiểu đồng nghĩa với việc bạn sẽ đi tiểu thường xuyên và cơ thể có thể bị mất nước.
Bạn có thể uống nước chanh ấm hoặc cho pha với trà xanh, nhưng nhớ là nên dùng vừa phải.
Cà phê
Cà phê là loại đồ uống khác chúng ta thường dùng và cũng có tác dụng lợi tiểu. Sử dụng quá nhiều cà phê gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, đau đầu và các triệu chứng khác.
Tốt nhất là bạn không nên sử dụng quá 110mg caffeine/ngày.
Thực phẩm nhiều muối
Hấp thu nhiều muối có thể làm xáo trộn cân bằng nước của cơ thể và cũng có thể dẫn tới mất nước. Đó là do muối hút ẩm và nói một cách đơn giản, hấp thu nước trong cơ thể và cũng có thể dẫn đến giữ nước và phù.
Thực phẩm chiên
Bạn có thể thấy cổ họng khô và cảm thấy rất khát sau khi ăn thực phẩm chiên. Điều này không gây ngạc nhiên vì ăn quá nhiều thực phẩm chiên có thể gây mất nước.
Theo Sức khỏe Đời sống
Những điều nên và không nên khi sử dụng lò vi sóng
Hãy lưu ý những điểm sau đây để duy trì được độ bền cho lò vi sóng nhà bạn nhé!
Lò vi sóng (lò viba) đã trở thành đồ gia dụng thiết yếu trong mỗi gia đình bởi tính tiện dụng của nó trong cuộc sống hiện đại bận rộn ngày nay. Tuy nhiên, việc sử dụng sao cho hiệu quả và để lò vi sóng có tuổi thọ bền lâu không phải ai cũng biết. Hãy lưu ý những điểm sau đây để duy trì được độ bền cho lò vi sóng nhà bạn nhé!
Nên:
Chia thức ăn thành kích cỡ đều nhau và xếp thành vòng khi nấu, nếu thức ăn có kích cỡ khác nhau thì nên đặt miếng dày hơn ở phía ngoài còn những miếng nhỏ hơn ở trung tâm.
Khi thực phẩm có bì hoặc vỏ hoặc lớp vỏ ngoài bạn cần chọc thủng lớp ngoài trước khi cho vào lò vi sóng quay.
Chọn một dụng cụ chứa thức ăn lớn hơn một chút so với yêu cầu để nấu món ăn trong lò vi sóng. Hãy chắc chắn rằng dụng cụ của bạn có thể dùng được với lò vi sóng.
Sử dụng dụng cụ chứa thức ăn trong lò vi sóng tròn hay hình bầu dục có thể giúp làm nóng thực phẩm đồng đều hơn. Với dụng cụ chứa hình vuông hoặc hình chữ nhật, các góc có xu hướng nhận được nhiều năng lượng hơn, có thể khiến thực phẩm ở vị trí này bị nấu quá chín.
Nhiều món ăn cần thời gian nấu nướng ở một khoảng nhất định hơn là một khoảng thời gian chính xác. Để tránh việc nấu chín quá bạn hãy kiểm tra bằng cách nấu món ăn ở thời gian ngắn khoảng 3 phút.
Nhớ sử dụng nắp đậy bằng nhựa an toàn với lò vi sóng để đậy thức ăn khi nấu nếu trong công thức món ăn yêu cầu. Để hở một góc giúp hơi nước bay lên, không tích áp suất gây nguy hiểm.
Không nên:
Thời gian gia nhiệt không được quá lâu. Thực phẩm đưa vào lò vi sóng để gia nhiệt hoặc rã đông, nếu để quá hai tiếng không lấy ra thì phải vứt bỏ, kẻo ăn vào sẽ bị ngộ độc thực phẩm.
Không đưa đồ nhựa thông thường vào lò vi sóng để gia nhiệt. Làm như vậy sẽ gây biến dạng đồ nhựa, mặt khác dùng đồ nhựa thông thường sẽ sinh ra các chất độc hại làm ô nhiễm thức ăn, có hại cho sức khỏe.
Không được đưa thịt gần chín vào gia nhiệt tiếp. Bởi lẽ thịt gần chín (thịt tái) vẫn còn vi khuẩn gây bệnh, cho dù có bảo quản trong tủ lạnh vi khuẩn vẫn sinh sôi, dẫu có gia nhiệt bằng lò vi sóng cũng không diệt hết được vi khuẩn. Vì vậy, thực phẩm đông lạnh cần đưa vào lò vi sóng rã đông trước, sau đó mới gia nhiệt nấu chín.
Không đưa vào lò vi sóng những đồ đựng bằng kim loại như sắt, nhôm, dụng cụ inox, sắt tráng men… vì khi gia nhiệt sẽ sinh ra tia lửa điện và gây phản xạ vi sóng, vừa gây hư hại cho lò vừa không nấu chín được thức ăn.
Thịt cá rã đông bằng lò vi sóng không được đưa lại vào tủ lạnh bảo quản. Vì trên thực tế khi rã đông trong lò vi sóng, lớp bên ngoài thực phẩm được gia nhiệt bằng nhiệt độ thấp, ở nhiệt độ này, vi khuẩn vẫn có thể phát triển. Nếu đưa lại vào tủ lạnh chỉ làm ngừng sự phát triển chứ không thể tiêu diệt được số vi khuẩn đó. Cách tốt nhất là làm chín thực phẩm đã rã đông rồi hãy đưa vào tủ lạnh.
Không dùng đồ đựng đậy nắp kín để gia nhiệt thực phẩm lỏng như canh, sữa… mà phải để trong đồ đựng rộng miệng. Vì khi đun nấu, chất lỏng nóng lên, khiến áp suất bên trong và ngoài đồ đựng chênh lệch cao, dễ bị nứt vỡ. Ngay cả khi đun nấu thức ăn có hộp sẵn, trước tiên cần dùng kim hoặc đũa chọc thủng màng ngoài để tránh gây nứt vỡ hộp, thức ăn bắn ra làm bẩn thành lò.
Tránh dùng túi ni-lông trực tiếp bao gói thực phẩm. Trong quá trình gia nhiệt, tốt nhất là không để túi ni-lông dính trực tiếp vào thực phẩm mà phải để thực phẩm vào bát sau đó bọc kín bằng túi ni-lông hoặc đậy bằng đồ thủy tinh hoặc sành sứ lên miệng bát. Làm như vậy sẽ giữ kín được hơi, khiến việc gia nhiệt tản đều. Trước khi lấy thức ăn ra hãy chọc rách màng ni-lông bảo quản để khỏi dính vào thức ăn.
Không nên quay, rán thức ăn trong lò vi sóng. Vì ở nhiệt độ cao, dầu mỡ bị bắn ra ngoài, dễ gây ra lửa. Trường hợp không may xảy ra cháy trong lò, tuyệt đối không mở cửa lò vi sóng, mà phải ngắt nguồn điện trước, sau đó mới mở cửa.
Không được đặt lò vi sóng trong phòng ngủ, đồng thời phải chú ý giữ cho lưới tản nhiệt trên thành lò luôn thông thoáng, không để vật khác che lấp.
Tránh thao tác lâu trước lò vi sóng. Sau khi mở lò vi sóng, nên đứng cách xa ít nhất là 1 mét.