a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

HỌC SINH HOÀNG DIỆU

                                                     
                         

Anh bạn thân, thành viên Ban liên lạc cựu học sinh Hoàng Diệu (1966 – 1973) gọi điện thoại và yêu cầu “chuẩn bị một bài viết để đưa vào kỷ yếu lớp nhân kỷ niệm 50 năm ngày vào học ở trường”, không cho phân bua, chỉ ngắn gọn thời hạn 01 tháng nộp bài!
Không thuộc loại giỏi thơ văn như Lệ Bất Sa - Nguyễn Văn Cư (cầu cho linh hồn bạn phiêu diêu miền như ý) lúc nào cũng có văn , thơ đăng trên báo tường, điểm Việt văn thì làng nhàng, trong học bạ ghi lại nhiều nhất là 15/20 nhưng rất hiếm. Cái gì xui anh bạn nhớ tới mình? Trong đầu thầm nghĩ, có lẽ hắn ta nhớ tới mình do cái thành tích “đệ tử Ba Gà” (chắc chú Ba cũng đã bình yên ở cõi vĩnh hằng !).
Phải chịu! Vì không có cái áng văn chương nào nảy sinh, nên cố vận dụng cái trí nhớ,cũng đã muốn cùn mòn, kể lại chút ít quá khứ học trò!
Học tiểu học ở xã Vĩnh Quới, quận Ngã Năm; một vùng đất mà sau ngày Miền nam giải phóng mới biết là nằm rất gần (5 – 10km) với những khu căn cứ Cách mạng, chiến tranh trực tiếp đe doạ cuộc sống (gia đình mình cũng có những mất mát đau thương từ cuộc chiến với lý do rất trời ơi!); cái nơi và cái thời mà có lẽ mọi người không quá quan trọng đến con chữ, nên học tà tà không phải vất vả làm bài, học bài ở nhà, nếu nhớ không lầm, cũng thường thường đứng trong mấy hạng đầu. Năm 1966, sau lớp nhất (lớp 5 bây giờ) không còn chỗ học (không như bây giờ xã nào cũng có trường) bị cho đi thi vào trường Hoàng Diệu và may mắn bài thi cũng không khác gì với lúc đi học. Một hôm đang tắm sông, bà chị đi chợ Sóc Trăng về ngang nhìn thấy cho hay: Mày thi đậu!
Rời nhà quê lên tỉnh, may mắn có nhà người chú ruột để ở nhờ (chú đã mất, mà mình cũng không trả ơn được bao nhiêu!). Không nhớ lắm cái ngày đầu tiên bước vào trường như thế nào nữa, nhưng chắc chắn không phải cái không khí “hằng năm cứ vào cuối thu…” của Thanh Tịnh và cũng không phải như bài hát thiếu nhi bây giờ “…ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay …” có chăng chỉ là hình ảnh một thằng hơi ngố được mặc áo bỏ vào quần, không rõ mang giầy bata hay dép lê, hoà mình vào đám đông (chắc cũng có những bạn ngố như mình) xôn xao, háo hức, bỡ ngỡ bước vào trường Hoàng Diệu, bước vào một bậc học mới – trung học.
Đệ thất A3, không rõ cách sắp xếp thế nào mà được vào lớp có những bạn học siêu giỏi như Trần Văn On (6 năm liền danh dự toàn trường), Nguyễn Đức Thắng (chẳng thua On bao nhiêu)… Với mình việc học trở nên khó khăn, do không ai nhắc nhở (biện hộ một chút cho đỡ thẹn), nhưng có lẽ mình bị bệnh ghiền tiểu thuyết kiếm hiệp chi phối (như các bạn trẻ nghiện game hiện nay) - ở đây xin kể một điều về việc này, từ chỗ phải đặt tiền cọc thuê sách ở cửa hàng chú Ba Gà, mình đã đạt tiêu chí khách VIP muốn sử dụng quyển nào chỉ cần thông báo và tiền thuê hàng ngày thì tuỳ ý. Năm 1973 khi đi Sài Gòn thi đại học (rớt ) rảnh rang đến một hiệu sách định thuê đọc, xem danh mục truyện kiếm hiệp gần như đã đọc - và phải rất may mắn học tệ như thế hàng năm vẫn được lên lớp, không biết ngày xưa có bệnh thành tích hay không mà Thầy Cô cho qua? Sau này xem học bạ và nhớ lại, phải từ năm Đệ Tứ mới có được một chút tiến bộ khi có tin đồn phải thi tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp, từ đó mới có những lời phê (khá, chăm ngoan; giỏi, có tiến bộ) giảm đi những từ thường, yếu, trung bình. Và dù đã cố gắng nhưng do cái nền cơ bản không ổn định, tốt nghiệp tú tài I, II chỉ với hạng “thứ”. Không sao, khỏi phải “rớt tú tài anh đi trung sĩ” đã là may mắn rồi.

Thời gian 6 năm học ở trường, nhớ cái gì nhỉ?

Bạn bè! Là dân nhà quê, không giàu có, yếu đuối (rất ư là nhỏ con, nhiều bạn bè gọi mình là Nhí), nên một cách chọn lọc tình cờ nào đó, mình chơi và thân với một nhóm bạn sàn sàn như nhau (về mọi mặt): Khắc Điền, La Hào, Vi Quới, Đức Thắng, Trần Xẹn…riêng Trần Văn On chỉ thân từ năm 1973 và cũng đã gây phiền cho xếp bót không ít, nhất là với câu: Thương Trăng đứt ruột cũng đành bỏ đi. Một vài năm sau có nhóm bạn từ Mỹ Xuyên qua học: Trần Khoa, Minh Báu, Nguyên Hưng… Tình bạn đó có thể nói là bền vững với thời gian, đến nay vẫn xưng tao, gọi mày và khi có việc vẫn sốt sắng (trừ Hưng sang Pháp du học, nghe nói có về Việt Nam nhưng không rõ lý do, không có liên hệ - mong bạn và gia đình bình an). Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình không hề nhắc tới chuyện “bóng hồng” trong ký ức? Thực ra có lẽ do phát triển chậm, mình chỉ có hơi thần tượng một vài người nào đó còn thứ tình cảm trai gái gần như là số 0, khác với La Hào (rất xin lỗi bạn) khá giỏi về vấn đề này.
Dĩ nhiên, vẫn còn những người bạn khác .Và kể cả có những người bạn mình nghe tin đã vĩnh viễn bỏ trường mà đi: Cư, Kiệt, Hiệp, Anh,v…v, các bạn đó có lẽ đã hạnh phúc ở một nơi nào đó!
Thầy, Cô. Rất nhiều Thầy, Cô đã tham gia giảng dạy từ lớp đệ thất đến đệ nhất: nhạc, hoạ Thầy Thiên, Thầy Thế; văn: Cô Phụng, Thầy Tâm, Thầy Vịnh; ngoại ngữ: Thầy Sanh, Thầy Sơn, Cô Dung, Thầy Lộc; công dân: Thầy Khoa; toán: Thầy Nhiều, Thầy Hưởng; sử, địa: Thầy Hòang, Thầy Phước; lý hoá: Thầy Linh, Cô Mười, Thầy Minh; triết học: Thầy Thắng; thể dục: Thầy Kim.v..v.
Thầy Cô, ngày xưa đối với mình như là cái gì đó ở trên cao, chỉ biết kính trọng dù có khi không hài lòng. Chỉ tiếc sau này chỉ gặp lại được một ít, khi trường tổ chức họp mặt. Và quy luật có lẽ cũng đã khiến một số người không còn ở thế gian!

Kỷ niệm sinh hoạt, học hành.

Tham dự loại hình sinh hoạt tập thể “cắm trại”, ngoài việc lần đầu tiên biết đến “lửa trại” với các trò chơi mới lạ thì cái đáng nhớ nhất đến giờ là việc có một bạn đã làm đầu một thầy rướm máu thay vì đập bể cái nồi đất.
Tham gia đóng kịch cho một buổi lễ bế giảng cuối năm, đã bị thầy hướng dẫn cắt bỏ câu thoại: “… quan lớn bao giờ cũng đến trễ…”. Hình như có bạn còn giữ được ảnh của buổi diễn này?
Tập hát quốc ca (chế độ cũ Sài Gòn) chuẩn bị cho việc đón tiếp một quan lớn nào đó, đã bị ăn một tát tay của thầy giám thị vì treo lên cổ áo bạn đứng trước tờ giấy viết lời quốc ca, vậy mà không hề dám giận.
Học giờ toán đầu tiên với Thầy Nhiều, lắm bạn đã bở hơi tai với cách ôn kiến thức số 2 chẳn hay lẻ!
Làm bài kiểm tra môn triết, bên cạnh điểm khá tốt 16/20 là lời phê: “chữ nhỏ như người” những anh bạn thân đến giờ vẫn nhắc. Nhưng mình tự hào thông báo đến  các bạn , nhờ thể thao, nay đã thuộc tuýp trung bình của người Việt Nam: 1,65m.
Thi tốt nghiệp tú tài II, lần đầu tiên nhìn thấy Trần Văn On không giải được bài toán, bỏ ý định chờ copy để nộp bài sớm. Và với một độ khó nhất định của kỳ thi đã có anh bạn sau đợt thi đã mếu máo “chắc tao rớt” . May mắn điều đó không xảy ra!  Ngược lại có anh bạn chuyên gia giải những bài toán khó lại rơi đài. Không sao, do được miễn dịch, năm sau anh bạn ấy cũng tốt nghiệp và hiện nay trở thành một giáo viên nổi tiếng giỏi.
Thời gian gần 50 năm đã làm những kỷ niệm tuổi học trò phai mờ dần, những năm gần đây việc tổ chức họp mặt định kỳ của toàn khoá (1966 – 1973), chứ không chỉ đệ thất A3, tạo cơ hội cho việc gặp gỡ, ôn lại chuyện ngày xưa, tiếc rằng có quá nhiều sự vắng mặt.
Chỉ là một học sinh có năng lực trung bình, nhưng những kiến thức cơ bản của thời học Trung học Hoàng Diệu cũng là nền tảng cho bản thân sau này vận dụng vào cuộc sống, dù không phải là trên cao , nhưng vẫn có thể nói “biết đủ là đủ” và đặc biệt là có một nửa tìm được, cùng mình thành một “tốt”.
Trường Hoàng Diệu hình như không còn giữ vị trí số một của Sóc Trăng, hy vọng thế hệ lãnh đạo kế tiếp và học sinh phấn đấu để điều đó quay lại, nhưng quan trọng nhất là thực chất và giá trị đích thực của việc học – làm người!
Tản mạn đôi điều, mong không làm phiền! Không vừa ý, cho qua./.
                                                            
Phạm văn Nhứt

                                                            
CHSHD K66-73

Không có nhận xét nào: