a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

BA CHỒNG


Số ông chẳng những sướng vì Mạ ông giàu, cha ông là Đốc Học, mà thiệt ra do phần lớn tính tình ông mà ra. 

Tính ông hiền lành, đằm thắm lại hay cười. Người ta không ưa ông vì người ta ghét Mạ ông. Mạ ông nghiệt. Có người kêu là bà ác. Thêm nữa, người ta không ưa ông vì người ganh với ông, vì ông sướng.


Tính tình ông phóng khoáng, ham chơi, không thích làm, lại vô tâm vô tích. Nghĩ gì trong đầu thì nói liền chứ không rào trước đón sau. Nên thiệt ra ông rất ít nói, vì mỗi lần nói ra, vợ ông mắng ông là đồ vô duyên.



Lúc sang Mỹ, ông đã gần 50 tuổi, nên khó kiếm việc làm. Một lần, ông tập tễnh theo bạn bè đi nhổ cỏ, làm vườn, tỉa
hoa lá cho người ta. Làm được một tuần, ông đen thui, người quắt lại, cặp mắt đẹp buồn thiu như cơm nguội để ngoài mưa. Ông cũng không than thở chi hết. Vợ nhìn xót chồng quá, không cho đi làm nữa. Biểu ở nhà giữ bốn đứa nhỏ, để bà đi làm nails cho khỏe.

Ông ở nhà, chỉ có việc là đưa đón ba đứa lớn đi học và giữ thằng út lúc đó hai, ba tuổi. Sáng sáng, lúc con đi học, thì ông cắp nách thằng út ra mấy tiệm Việt Nam kiếm báo đọc, rồi đi ăn phở, cafe cà pháo với bạn, rồi đi đón con. Có lúc đón, lúc không vì có khi xe bus của trường chở tụi nó về rồi.

Ông coi con ở nhà cũng đơn giản lắm. Chỉ coi, chứ không dạy chi hết. Tụi nó muốn làm chi thì làm. Ông không la mắng om sòm. La hét chỉ tổ làm ông nhức đầu thôi. Ông cứ ngồi thế, vừa coi con, vừa đọc báo. Tụi nó đói, thì ông ra ngoài tiệm mua hamburger, loại một đô một cái. Thế là xong.

Nhưng đã nói rồi, số ông sướng, nên bốn đứa con ông ngoan, không phá, không đứa nào du đãng. Tốt nghiệp ra toàn trường tốt. Nhưng sống ở Mỹ, tụi nó lây nhiễm cái thói hỗn hào với cha mẹ. Lâu lâu cũng nạt lại ông. Ông không hề bực mình, mà lặng lẽ giải thích. Ừa, thì hồi đó Mạ không cho tiền, thì mình đập bàn ghế, la hét chửi rủa như rứa. Giờ thì coi như trời trả báo, con cái nó hỗn lại. Chịu thôi, có chi đâu mà than.

Vợ ông đi làm về vừa cực, vừa mệt, lại thấy ông không chăm nhà cửa, con cái thì leo nhéo rủa ông. Ông im lặng. Đợi bà chửi xong, thì ông nhỏ nhẹ hỏi, “Bi chừ bà muốn tôi làm gì thì bà nói đi, tôi làm hết cho.”


Nhưng lắm lúc, nghe vợ nặng nhẹ, tức nước vỡ bờ thì ông cũng nạt lại, như vầy, “Bà tưởng tôi ở nhà sướng lắm hả. Nhìn hai bàn tay tôi nè, rửa chén cho bà chai hết cả tay nè.”

Ở nhà riết, ông biết nấu ăn rất ngon. Ông nấu phở gà thì tuyệt. Có lần, con dâu sang chơi, xin một chút súp gà cho em bé. Ông mời, “Lấy hết đi con. Ba để phần trong tủ lạnh đó. Mấy bữa nay, ba ăn ngán quá rồi, mới để phần cho con đó.” Vợ ông quay sang mắng ông, “Vô duyên. Ăn với nói.”

Ông nhìn con dâu, phân trần, “Có sao thì ba nói vậy. Ăn ngán thì nói ăn ngán để cho con ăn hết chứ có sao đâu.”

Mạ ông mất ở Việt Nam. Trời xui sao mà lúc đó vợ ông cũng đang ở Việt Nam. Vợ ông lo đám ma cho Mạ ông rất chu toàn. Ông ngồi ở Mỹ, chờ vợ về. Người quen hỏi ông có để tang không. Ông trả lời, “Không biết nữa. Đợi bà nhà tôi về rồi tính.”

Vợ ông quay lại Mỹ, tổ chức cúng kiếng tại gia cho Mạ ông. Lúc kêu xuống thắp nhang, thì ông ung dung thong thả trần trùng trục, miệng còn xỉa xỉa cây tăm, xuống phòng khách. Vợ ông thét lanh lảnh, “Ông lên vận quần áo đàng hoàng dùm tôi một cái được không.”

Vợ ông biểu gì, ông làm nấy. Chẳng cần suy nghĩ chi cho mệt óc.

Ở nhà hoài thì chán. Sau này con cái lớn hết rồi, ông chỉ còn mỗi cái phận sự đưa đón vợ đi đi làm làm về thôi. Nên ông ưa đi chơi xa. Ai rủ đâu ông hưởng ứng nấy. Lâu lâu, vợ thương tình cho chút tiền đi chơi. Ít tiền, nên ông chịu khó xe bus. Ông đường hoàng đi một mình. Sang Hồng Kông, ông đi xe bus khắp nơi mà không có lạc. Chẳng cần ai hướng dẫn, chỉ bảo chi hết. Đi mệt, ông kiếm đường về khách sạn ăn, ngủ. Hôm sau, khỏe, lại đi tiếp. 

Có lần, ông và vợ sang Pháp chơi. Vợ ông người mảnh khảnh, yếu đuối, đi


xa thì mệt. Đang đi điện ngầm ở Paris thì lăn ra xỉu, phải vô bệnh viện cấp cứu. Lúc bà tỉnh lại, ông dịu dàng nói bà nằm đây cho khỏe hỉ. Còn ông đánh bộ qua cái bảo tàng bên đường, tranh thủ vào tham quan chút. Vợ ông chỉ biết lắc đầu, mắt thiếp lại, xua ông đi cho rảnh việc. 

Vợ ông hay khóc thầm vì cái tính vô tích sự, vô tâm của chồng. Có lần, lúc bà đang nằm trong bệnh viện, bà tâm sự với con dâu về ông. Rồi bà khóc. Cô con dâu chịu không nổi. Móc điện thoại cho bà, “Me gọi về cho ba đi. Có gì từ trước tới giờ thì me cứ chửi một trận cho hả đi. Chứ me khóc kiểu này, phí sức quá.” Bà nghe, gọi cho chồng.

Ông bắt điện thoại, vui như sáo, “Bà đó hả? Bà khỏe không? Hôm nọ tôi gửi mấy tờ báo lên cho bà, bà đọc hết chưa, rồi tôi gửi tiếp nhá. Tôi ở nhà, lau nhà rửa chén dọn dẹp nhà cửa sạch lắm, mùng mền tôi cũng giặt hết rồi. Tui còn mua phở cho thằng cu ở nhà nữa. Mà tôi mua phở 54 chứ không phải phở Số Một đâu. Bà yên tâm, đừng có lo chi hết.”

Nghe ông nói líu lo như thế, bà nguôi ngoai trong lòng, cũng chẳng biết phải chửi mắng làm sao. Chỉ nhỏ nhẹ dặn dò vài ba chuyện như nhớ cho hai con mèo ăn, nhớ đổ xăng cho hai đứa nhỏ, nhớ tưới cây, nhớ thắp nhang bàn thờ Mạ ông và bàn thờ Phật. Rồi cúp máy. Thở dài thườn thượt.

Vợ ông không qua được căn bệnh ung thư quái ác. Bà lịm đi sau một lần y tá chích một mũi thuốc mê giảm đau. Từ đó, bà thở oxy, không biết chi hết. Ông vô bệnh viện, nhìn vợ rồi im lặng. Bác sĩ trao đổi với các con ông là mẹ chúng chắc không qua khỏi. Ông không nghe được tiếng Anh, thấy lùng bùng lỗ tai. Thấy các con khóc, ông lặng lẽ ngồi nép hẳn vào bên vợ, vuốt vuốt bàn tay nhỏ nhắn chai sạn vì làm nails của bà, mà không biết nói chi hết.

Cả đời, ông nghe theo Mạ ông, rồi vợ ông. Giá mà có vợ bên cạnh, thì chắc chắn vợ sẽ chỉ bảo ông phải ứng xử như thế nào trong trường hợp này. Ông cảm thấy mình vô duyên thật. Ông thấy mình lóng nga lóng ngóng. Trong lòng ông thấy cô đơn lắm.

Hai ngày sau, vợ ông vẫn còn trong tình trạng hấp hối. Ông em ruột dưới L.A lên thăm. Ôm chị mà khóc ròng. Ông ngẩn ngơ hỏi, “Liệu chị có qua được không?” Ông em cay đắng trả lời, “Anh không thấy chị đang hấp hối sao?”

Ông choáng váng rớt bịch xuống ghế. Rồi thui thủi khóc ngon lành, như một đứa bé. Có lẽ đó là lần đầu tiên ông khóc vì đau lòng. Có lẽ đó là lần đầu tiên ông thấy mình khổ.

Hôm đưa tiễn vợ đi thì cũng trùng với ngày lễ Tình Nhân. Hoa hồng người ta bán đầy đường. Ông biểu con gái đang lái xe, ngưng lại cho ông mua mấy bông hồng tặng vợ. Đợi lâu thật lâu, ông mới từ tiệm bán bông ra, tay cầm không phải là một hai bông mà là một bó hoa hồng thật lộng lẫy. Ông leo lên xe, giục con đi cho nhanh kẻo mấy thầy trong chùa chờ. Rồi ông phân trần, “Ba cứ lựa hoài mới được bó này. Loại nào ba cũng lấy hết. Vì ba không biết chắc là me con thích loại hồng nào.”

Ông lặng lẽ để đóa hoa lên ngực vợ. Thì thầm, “Ừa, thôi bà an tâm đi trước. Để mấy đứa nhỏ tôi lo cho. Vài bữa nữa tôi cũng đi gặp bà.”

Đây là lần đầu tiên sau 35 năm chung sống, ông biết tự mình đi mua hoa tặng bà. Nhân ngày lễ tình yêu. 

Chắc ở suối vàng, bà cũng thấy ấm long.


Nếu một ngày tôi mất đi, người yêu tôi và người ghét tôi sẽ như thế nào?

Giả sử một ngày tôi không còn trên đời này nữa, những người yêu tôi và ghét tôi sẽ thay đổi như thế nào?

yêu và ghét, sống trên đời, giàu nghèo, Bài chọn lọc,
(Ảnh minh họa)
Giả sử có một ngày, khi tôi chết đi…
 
Người ghét tôi, họ sẽ nhảy múa…
Người yêu tôi, họ sẽ khóc như mưa…
Ngày thứ 2 qua đi…
Thân xác tôi sẽ được chôn dưới lòng đất…
Người ghét tôi, nhìn thấy mộ tôi, họ chỉ mỉm cười và bước đi…
Người yêu tôi, không dám quay đầu nhìn lại, dù chỉ một lần.
yêu và ghét, sống trên đời, giàu nghèo, Bài chọn lọc,
1 năm sau…
Thân xác thịt của tôi đã trở nên mục nát.
Ngôi mộ của tôi, cỏ mọc um tùm trong sương gió.
Người ghét tôi, sau khi ăn uống no say, đôi khi vẫn rất khó chịu khi nhắc đến tên tôi.
Người yêu tôi, trong đêm khuya vắng vẻ, vẫn khóc thầm gọi tên tôi.
Mười năm sau…
Thân xác tôi không còn nữa, chỉ còn lại bộ xương cốt.
Người ghét tôi, không còn nhớ mặt tôi nữa, mà chỉ còn nhớ tên tôi một cách mơ hồ.
Người yêu tôi, đôi khi trầm lắng trong giây lát khi nhớ đến tôi. Cuộc sống khiến cho mọi thứ dần dần trở nên phai nhạt…
yêu và ghét, sống trên đời, giàu nghèo, Bài chọn lọc,
Mấy chục năm sau…
Ngôi mộ của tôi, trải qua bao mùa mưa gió, chỉ còn lại một bãi đất hoang vu.
Người ghét tôi… không còn nhớ tôi nữa.
Người yêu tôi, cũng đã nằm xuống đất.
Đối với thế giới này, tôi đã trở thành hư vô.
Những phấn đấu một đời của tôi, với bao của cải vật chất… không thể mang đi thậm chí là một cọng cỏ…
Nhưng ham muốn, theo đuổi một đời của tôi, không thể mang đi một chút hư danh.
yêu và ghét, sống trên đời, giàu nghèo, Bài chọn lọc,
Kiếp này…
Cho dù là giàu sang hay nghèo hèn, rốt cuộc cũng phải đi đến bước cuối cùng.
Đến khi nhìn lại, mới thấy uổng phí một đời, tôi muốn khóc, nhưng không thể khóc thành tiếng. Tôi hối hận, nhưng tất cả đã quá muộn.
Hãy sống một cách thiết thực, đừng vì ánh mắt của người đời, hay tiêu chuẩn đánh giá của bất kỳ ai.
Yêu, hận, tình, thù chỉ tồn tại khi chúng ta còn sống.
Trăm năm qua đi chỉ trong một nháy mắt. Cuối cùng cũng chỉ còn lại nắm tro tàn…
Theo Daikynguyenvn

Không có nhận xét nào: