a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

THỨC TỈNH

 Không ngày nào anh không bị vợ chửi. 


Sáng ra, cầm cái ca múc nước và chụp lấy cái khăn lau mặt là bị trận mở màn:
– Bộ đui sao không thấy ca nước ấm của con nhỏ. Khăn đó của mấy người sao? Mình mẩy đầy lang ben, đụng khăn ai cũng chụp đặng lây cho cả nhà à!
Anh vờ như không nghe. Mới bắt đầu một ngày mà cãi vã thì không nên.

Anh mặc đồ. Thằng con trai lớn thò đầu ra khỏi mùng:
– Ba đừng mặc lộn quần con nữa nghe! Với lại, bữa nay cho con tiền thay ruột xe đạp.
Anh nhìn xuống và thấy mình không mặc quần của con. Móc trong túi ra còn mấy tờ giấy bạc, anh lấy đủ số mua cái ruột xe, bỏ vào túi áo sơ-mi của nó treo gần đó. 
Chị vợ liếc một cái:
– Sao hôm qua nói không còn một đồng, bữa nay lại có, tiền giựt của ai?
Anh lấy mười ngàn từ mấy tờ còn lại cho vào túi quần để đi đường, số còn lại, anh đưa vợ:
– Tui gom ba cái phế liệu bán được mấy chục, hồi tối tính đưa mình mà quên.
Anh ôm hôn đứa con gái lên ba một cái rồi dắt cái xe cà tàng ra ngõ. Chị vợ lầm bầm mấy câu trong miệng rồi nhìn lại mấy tờ giấy bạc anh đưa. Ra tới đường lớn, anh ghé quán cà phê bình dân kêu một cái đen, trả bù hôm qua thiếu ruột ly, vậy là hết bốn ngàn. Anh nghe đói. 
Hôm qua, ông thầu mời ăn giỗ và đám thợ thầy cứ chén chú chén anh, anh không ăn được gì lại bị uống. Bình sinh, anh không thích rượu nhưng không dám từ chối sợ mất lòng người trên. 
Rốt cuộc, chiều về với cái mặt đỏ lừng, anh nằm lăn ra ngủ. 
Bây giờ thì đói, thôi kệ, gói xôi một ngàn đỡ bụng.
Anh vừa đạp xe vừa ăn. Nghĩ tới thằng con trai mới mười lăm đã lớn ngồn ngộn bằng ba, năm nay bước vào lớp tám, không biết học hành ra sao. Anh chỉ biết đọc, biết viết. Con mồ côi mà! 
Ở với bà ngoại tới mười tuổi thì ngoại qua đời. Ăn chực ăn nhờ nhà dì nhà cậu thì phải làm, ai đâu có tiền lo cho đi học. 

Từ mười ba tuổi, anh đã làm quen với cái thùng hồ. Bắt đầu làm hồ, làm chỉ để ăn ba bữa. Nhưng anh siêng năng lại hiền. Ai kêu gì cũng làm, ai sai gì cũng được. Miệt mài được bảy năm, anh đã làm thợ. Trong đám con gái xách hồ, anh chấm đứa coi được nhất, cho dù nó là đứa dữ dằn có tiếng. 
Con nhỏ thấy anh hiền lại siêng năng và không biết nhậu nhẹt bê tha như những người thợ khác, nó chịu. Đám cưới đãi được bốn mâm: hai mâm nhà trai nhà gái và hai mâm bạn bè. 
Thôi thì, giàu cũng cưới, nghèo cũng cưới. Cho dầu xe hoa, cho dầu kèn trống, cho dầu đãi ở nhà hàng, cho dầu cô dâu có thay bao nhiêu lần áo đi nữa thì hạnh phúc vẫn là điều quan trọng. Đám cưới không rước dâu. Cái nhà lá nhỏ của vợ anh đang ở trở thành tổ ấm. 
Anh không nhà nên ở luôn bên vợ... ông già vợ anh ngày xưa cũng là thợ hồ.
Thời trẻ làm lụng quá sức tới già sanh đủ thứ bịnh. Thằng con trai lớn của anh vừa được năm tuổi, ông ngoại ra đi. Từ lúc vợ có thai thằng con lớn, anh đã không cho làm hồ nữa. Anh ráng làm để vợ được yên ổn đẻ con và nuôi con. 

Anh vui mỗi khi về nhà nhìn thấy vợ, thấy con. Anh không biết nói lời hoa mỹ, anh chỉ nói thật lòng. Anh làm lụng vất vả để vợ con được cái ăn, cái mặc. Anh không dám ăn ngon, không đàn đúm bạn bè. Cuối tuần, lãnh tiền xong, đám bạn kéo nhau đi làm một chầu bồi dưỡng. Anh ra chợ mua chút bánh cho con, cục xà bông thơm cho vợ. 
Tiền lãnh bao nhiêu anh đưa hết cho chị cất giữ. Thấy nhà hàng xóm có cái ti-vi, anh ao ước sao mua được một cái để vợ con không phải đi coi ké nhà người ta. Nhưng như vậy chừng như cũng chưa vừa lòng chị. 
Chị bực tức cái nghèo của anh. 
Chị bực tức cái khờ khạo của anh. 
Chị muốn được chở đi chơi vào mỗi chiều. 
Còn anh về tới nhà, cơm nước xong đã nằm lăn ra ngủ. 
Cả ngày phải vật lộn với công việc, buổi trưa, anh thường lãnh làm thêm công chuyện để có thêm tiền. Anh không dám than thở. Mình là đàn ông, làm không nuôi nổi vợ con thì để mặt mũi đâu.

Từ lúc thằng con lên cấp II, anh thường lén vợ cho tiền nó. 
Tội nghiệp, lớn rồi mà cứ ăn cơm nguội đi học, cũng phải có tiền uống nước chớ. Chị cằn nhằn những tuần anh đưa tiền ít: "Ăn xài cho dữ, mai mốt vợ con đi ăn mày cho vừa bụng mấy người nghe!". 
Anh chỉ cười. Những lần đó, anh cho tiền con mua thêm tập sách. Thằng bé thương ba, nhưng lại sợ người mẹ dữ dằn. Nó ráng lắm mà không học giỏi được có lẽ cái gien di truyền? Nó muốn nghỉ học đi làm hồ nhưng anh không chịu: 
"Con cứ ráng học hết cấp III đi, ba ráng làm nuôi con nổi mà!".
Anh vừa về tới nhà đã thấy đứa con nhỏ mếu máo khóc. 
Nhìn thấy vợ ăn mặc như chuẩn bị đi đâu, anh ngạc nhiên:
– Giờ nầy mà mình sửa soạn đi đâu?
– Tôi đi kiếm việc làm. Ở nhà trông vô mấy đồng lương chết đói của anh, tôi chịu hết nổi rồi!
– Mình... mình đi làm việc gì? Anh ngạc nhiên há hốc miệng...
– Chị Sáu giới thiệu tôi làm ở một quán nhậu. Chỉ làm mấy tiếng ban đêm thôi mà bằng lương cả ngày của anh đó! Được chưa? 
Bây giờ ăn cơm rồi coi con nhỏ giùm tôi. Tôi đi làm mới có thêm cái ăn cái mặc. Con cái ngày một lớn mà trong nhà trống hoác như vầy, ai chịu nổi!
– Nhưng sao mình không bàn với tôi. Con còn nhỏ, mình bỏ nó ở nhà tội nghiệp lắm!
– Bởi vậy tôi mới đi buổi tối. Anh về giữ con. Anh giữ con không được sao?
Chị nói rồi, quơ cái túi xách bước ra cửa. Con bé khóc thét lên. Anh ẵm xốc con lên dỗ dành: "Nín đi con! Ba ẵm con đi chơi nghe! Đừng khóc!". 
Thằng con trai vừa về tới cửa, vẻ mặt buồn hiu, nó đã biết chuyện:
– Con thấy mấy bữa nay dì Sáu qua nói gì với má. Con không dè má đi làm ở quán nhậu. Con đã nói ba cho con nghỉ học theo ba đi làm hồ mà ba không chịu.
Mấy cái quán đó phức tạp lắm. Con không muốn má đi làm ở đó đâu!
– Con còn ở tuổi đi học thì cứ ráng học. Biết chữ rồi làm được công chuyện nhẹ nhàng hơn, chứ như đời ba thì cực khổ lắm.
Thằng con buồn ra mặt. Nó nhìn ba bằng ánh mắt cảm thông. Con nhỏ đã nín khóc. Anh ẵm con đi dài theo con hẻm. Một vài người nhìn anh ái ngại.

Chị đi làm được một tuần. Đêm nào về cũng đầy mùi bia, rượu. Chị có vẻ ngượng ngùng với anh: "Khách ép thì mình phải chiều! Đi làm thì phải được lòng khách, chủ người ta mới mướn mình". 
Anh buồn bã không nói gì. Anh không lạ gì cái cảnh trong các quán rượu nhưng anh không quen cãi lẫy với vợ. Và anh cũng hiểu chị muốn chia sẻ cái gánh nặng gia đình với anh. 
Anh tuy không vừa ý công việc chị đang làm mà lại không có giải pháp nào tốt hơn. Hôm kia, chị đã mua cho anh bộ đồ, thằng lớn bộ đồng phục. Anh không vui gì khi nhận quà từ những đồng tiền của chị làm ra. 

Đêm nay, con bé bị sốt, nó không ngủ mà cứ vật vã khóc. 
Biểu thằng lớn giữ em, anh chạy ra hiệu thuốc đầu hẻm mua cho con một liều. Đã chín giờ rồi. Anh độ chừng chắc một tiếng đồng hồ nữa chị về. Anh cho con uống thuốc và thắc thỏm ngồi chờ.
Đồng hồ nhà bên gõ đều mười hai tiếng, anh giựt mình ngơ ngác. Mòn mỏi quá nên anh đã ngủ quên trên ghế. Chị vẫn chưa về. 
Anh giở mùng con, con bé chừng chịu thuốc đã ngủ say. Anh bỗng lo sợ, không biết có chuyện gì mà tới giờ này chị vẫn chưa về. 
Anh khép cửa, đi ra đường. Trời dường như sắp mưa. Hơi nước lành lạnh trong không gian tĩnh mịch làm anh dứt cơn buồn ngủ. Anh ra tới đường lớn. Có bóng một người đàn bà bước chếnh choáng như một người đang say rượu. 
Anh ngờ ngợ rồi đi nhanh tới. Người đàn bà quỵ xuống đường. 
Anh tới gần, sao giống vợ mình quá, nhưng quần áo thì không giống. Anh cúi sát xuống thì chị đã ngã vật ra đường. 
Ánh đèn đường vừa sáng trên gương mặt người đàn bà ấy. 
Anh thảng thốt: "Trời ơi! Đúng là mình rồi!". Bằng tất cả sức lực đàn ông, anh ẵm xốc chị như ẵm một đứa bé rồi bước nhanh về nhà.
Khi đã được lau mặt bằng nước ấm, đã được uống chút nước trà gừng, chị tỉnh lại và thút thít khóc. Thằng con trai đã thức dậy từ lúc ba nó ẵm má vô nhà. Nó lăng xăng nấu nước giúp ba và bây giờ ngồi bó gối. Anh ngồi kế bên và cứ để yên cho chị khóc. 

Anh chưa biết chuyện gì xảy ra. Nhưng thấy chị như vầy, anh không nỡ hỏi. Chị vẫn khóc, tiếng khóc phát ra từ cái miệng lúc nào cũng la cũng chửi, bây giờ sao cam chịu quá, tội nghiệp quá! Mãi một lúc, chị đã bớt xúc động, anh khẽ khàng:
– Chuyện gì vậy? Mình nói tôi nghe coi!
Chị nhìn anh như nhìn một người mới gặp. Anh ngồi đó, tay nắm lấy bàn tay chị, chị cảm nhận được những vết chai trong lòng bàn tay anh. Bàn tay đã làm biết bao việc để vợ con đỡ nhọc nhằn vất vả. Bàn tay đã đem cơm, đem áo về nhà dù chỉ là những bữa cơm đạm bạc, những chiếc áo rẻ tiền. 
Chị ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn anh. Tại sao anh không mắng chửi chị, tại sao anh không bỏ mặc chị – con đàn bà hư hỏng, con đàn bà chưa từng ngọt ngào với chồng. Cứ mở miệng là chị mắng chửi anh. Sống với nhau bao nhiêu năm, anh chưa từng la rầy chị. Lẽ ra, chị phải biết thương anh, phải thấy mình có phước hơn biết bao người đàn bà khác. 
Từ khi cưới nhau, tuy nghèo nhưng chị cũng chưa thiếu ăn thiếu mặc. Có một năm, anh đã làm tới gần giao thừa mới bước thấp bước cao về nhà vì đã gần kiệt sức. Anh đã lãnh quét vôi gấp cho một căn nhà. Anh đã đứng suốt mười hai tiếng đồng hồ để nhận số tiền công hậu hĩ của chủ với đôi chân sưng vù vì tụ máu. 
Bây giờ nghĩ lại, nước mắt chị lại chảy dài trên má.

Chị đi làm trong quán nhậu mới ba ngày đã có người để ý. 
Đó là một tay chủ tiệm buôn hàng điện tử. Cái nhan sắc mặn mòi của chị, của người đàn bà vừa bước qua tuổi ba mươi đã làm gã động lòng. Biết chị không phải gái làng chơi mà chỉ vì hoàn cảnh mới đi làm việc này, gã quăng lưới. Mấy lần mời chị ăn khuya. 
Mấy lần đưa về để tạo thiện cảm, chị đã xiêu lòng. Chị cứ nghĩ gã tốt, thấy hoàn cảnh nghèo của chị mà thương. Và đêm nào chị cũng đi ăn với gã. Đêm nay, gã đem đến một gói quà gồm mấy bộ đồ đắt tiền và một số mỹ phẩm. Gã xin cho chị nghỉ sớm và cũng đi ăn. Xong, gã đưa chị tới một nhà nghỉ ở ngoại ô. 
Lẽ ra chị phải từ chối. Lẽ ra câu chuyện phải dừng lại ở đây. 
Anh chưa bao giờ có lỗi với chị ngoài chuyện anh nghèo. 
Chị đi làm cũng vì muốn kiếm tiền thôi. Chị vẫn chưa là người xấu mà! Nhưng điều gì đã khiến chị bước vào nhà nghỉ với gã. 
Nhìn căn phòng sạch sẽ với chiếc giường nệm trắng tinh, cặp gối, cái mền... mọi thứ đều đẹp, đều hơn hẳn cái giường ngủ tồi tàn của vợ chồng chị, chị thấy xót xa cho mình nhưng cũng gờn gợn một cảm giác lo sợ phập phồng.

Gã chủ tiệm mở bọc đồ ra để chị no mắt với những bộ quần áo đắt tiền mà chị chỉ thấy trong mơ. Gã biểu chị đi tắm. Chị nghe lời gã như một người máy. Chị không còn là chị nữa.
Đúng lúc chị vừa bước ra khỏi phòng tắm với bộ đồ ngủ tuyệt đẹp thì có tiếng đập cửa, tiếng một người đàn bà nào đó la ó khóc lóc và còn tiếng nhiều người nữa. 
Gã chủ tiệm không còn hồn vía gì khi nghe tiếng vợ. 
Gã mở cửa và cả đám người ùa vào. Chị bị người đàn bà với thân hình hộ pháp túm lấy trước tiên: "Đồ giựt chồng người ta nè! Mầy ăn gan trời rồi!". 
Ả vừa chửi vừa đấm túi bụi vô người chị. Chị đưa tay chống đỡ và nước mắt trào ra. Người ta cố can ngăn, cố ôm ghì lấy người đàn bà đang trong cơn ghen hừng hực. Gã đàn ông đứng như trời trồng không dám xông vô. Người chủ nhà nghỉ phải dùng hết sức mới kéo được người đàn bà đó ra. 
Y cũng tìm cách đẩy chị ra cửa rồi biểu: "Về mau đi! Còn ở đó làm gì!", rồi y xởi lởi phân bua: "Chị bớt giận! Làm ầm lên mọi người biết chỉ thêm mất mặt chồng rồi còn làm ăn gì được. Đàn ông ai mà không tằng tịu bên ngoài đôi chút, miễn là biết lo cho gia đình thì tốt rồi! Chị nghe tôi đi!".

Chị đi như chạy ra khỏi nhà nghỉ, mãi một lúc mới định được hướng về nhà. Chị đi như sợ người ta đuổi theo. Nỗi đau thân xác đâu sánh bằng nỗi đau đang giày vò lương tâm chị. Chị bỗng thấy thương anh, bỗng thấy cuộc đời này anh mới là người chồng xứng đáng nhất. Chị chắc chắn anh sẽ không làm cái việc có lỗi với chị và chị nhớ lại những gì mình đã cư xử với anh. 
Chị mường tượng giờ này chắc anh đang lo lắng, nước mắt chị lại trào ra. Dường như có một vết thương trên môi. Chị đưa tay sờ và thấy máu. Chị bật khóc thành tiếng và lủi thủi bước đi trong nỗi đau đớn ê chề. Chị chỉ mong có anh bên cạnh lúc này để chị được chở che. Cái ý nghĩ về anh đã giúp chị có thêm sức mạnh. Bước ngã bước xiêu, cuối cùng chị cũng về được để gặp anh.

Trời mưa giông rồi cũng dứt. Những hục hặc trong căn nhà ọp ẹp của anh chị cũng không còn nữa từ sau cái đêm kinh hoàng đó. Chị nghỉ làm và mua một chút bánh kẹo bán cho đám con nít trong xóm. Người trong xóm cũng không còn nghe tiếng chị chửi chồng chan chát từ lúc vừa thức dậy. 
Chị đã thay đổi, thay đổi đến thằng con trai cũng ngạc nhiên. Chị thấy thương chồng biết bao khi so sánh anh với những người đàn ông chị đã gặp. Chị muốn bù đắp lại những tổn thương mà chị đã gây ra cho anh. Còn anh, khỏi phải nói cũng biết anh hạnh phúc đến dường nào. Trời đã thương và đền trả cho anh. Anh đã không trách cái việc làm nông nổi của chị. Anh biết chị không là người xấu, chị cũng vì gia đình mà phải dấn thân. 
Trái tim biết yêu thương và biết tha thứ của anh đã thức tỉnh con người chị. Chị đã cảm nhận được thế nào là hạnh phúc và chị sẽ gìn giữ nó. Thằng con trai bỗng dưng học khá lên. Chính tình thương yêu của ba má và không khí vui vẻ, ấm cúng của gia đình đã tiếp thêm lòng tin và sức mạnh cho nó. 

Chỉ còn một nguyện vọng vô cùng chính đáng của chị mà anh phải thực hiện cho bằng được: "Em thích được anh chở đi chơi vào mỗi chiều, cho dù là trên chiếc xe đạp chẳng mới mẻ gì của anh!".
Và dĩ nhiên là anh đồng ý.

Đào Đức

Đoạn cuối một chuyện tình

Hòa sống trong một căn nhà ở ngoại ô thành phố. Nói là nhà thực chất đó là túp lều chỉ đủ che mưa tránh nắng. Không gian bên trong chật hẹp. Vài cái bát, vài chiếc tách đựng trà được làm bằng sành không còn nguyên vẹn. Chiếc giường xập xệ kê sát cửa sổ bị gãy mất hai song sắt. Nến chất đầy trên đầu tủ. Hòa đốt nến vào ban đêm thay cho ánh đèn neon rực rỡ nơi chốn đô thành. Sáp nến nhỏ thành giọt đông cứng như những tảng băng màu đỏ. Mùa hè quá nóng còn mùa đông thì lại quá lạnh.

Cạnh bên túp lều rách nát của Hòa là những ngôi nhà tranh nhỏ bé nằm rải rác của những người thợ đóng giày, thợ mộc rồi các cửa tiệm: tiệm đồng hồ và tiệm thuốc lá. Phía sau lều là một bức tường thành bằng đất cũ kỹ. Dưới chân tường, những bụi hoa dại cùng sơn trà mọc lấm tấm. Vào mùa đông, từ bên trong lùm cây um tùm, côn trùng kêu hoài không nghỉ khiến Hòa chẳng ngủ được. Những lúc như vậy, anh thường đốt đèn cầy lên, thức trắng đêm và suy nghĩ. Anh tự hỏi mình là con người, họ cũng là con người nhưng tại sao anh cứ mãi nghèo đói quanh năm đến cả tiền để mua một cốc rượu uống cho ấm bụng vào ngày đông giá rét cũng chẳng có.

Hòa kiếm sống bằng nghề quét dọn trong xưởng kim hoàn cách nơi anh ở mấy trăm dặm. Anh đi làm từ sáng sớm khi ánh dương còn chưa ló rạng đến tối mịt khi cả trăng và sao đều đã yên ngủ trong các vầng mây, mà lương cũng chỉ dăm ba đồng. Những buổi tối rảnh rỗi, anh đi trên vỉa hè bước dưới những toà cao ốc thắp điện sáng choang. Anh ngước nhìn và thầm ao ước giá như mình được một lần sống trong những căn biệt thự đó.

Hòa gầy gò, người đen nhẻm, mái tóc lúc nào cũng rối xù như tổ quạ. Dù chỉ hai mươi mấy tuổi nhưng với bộ áo quần luộm thuộm cùng mớ râu chưa kịp cạo, trông anh già đi rất nhiều so với tuổi thật. Trước đây, Hòa từng được sống trong những ngày sung sướng được ba mẹ yêu thương, không cần phải lo đến chuyện cơm áo gạo tiền. Rồi quãng thời niên thiếu êm đềm ấy vụt qua rất nhanh như sao băng trên trời, chưa kịp ước nguyện đã vội lụi tàn. Mẹ Hòa mất bởi một cơn bạo bệnh, ba anh đi thêm bước nữa. Chính người mẹ kế đã đẩy anh vào những ngày tháng khốn khó. Còn ba anh, một người đàn ông nhu nhược, chỉ biết nghe theo vợ. Không chịu nổi sự ngược đãi của người mẹ kế, Hòa bỏ nhà đi khi chưa đầy mười tám.

Công việc hằng ngày của Hòa là quét dọn trong xưởng kim hoàn. Có lẽ anh là người tốt bụng duy nhất còn sót lại trên thế gian khi nhìn những món đồ trang sức bằng vàng lấp lánh mà không nổi lòng ham muốn. Tất nhiên anh cũng muốn có nó. Nếu đánh cắp một món đồ trong xưởng và bán đi, anh sẽ có cả khối tiền, cuộc sống sẽ thôi chật vật nhưng anh không làm vậy, đơn giản rằng vì anh không có lòng tham.

Chủ xưởng là một người đàn ông đã li dị vợ từ hai năm trước. Kẻ Nam người Bắc. Cô con gái duy nhất của họ tên Thanh Nguyên sống với mẹ tận phương Bắc xa xôi đã nhiều năm không hiểu sao hôm nay lại đòi vào trong Nam, nói thế nào cũng không nghe. Thanh Nguyên chỉ mới mười ba tuổi, một mình đi tàu lửa, ông không yên tâm nên đã nhờ Hòa ra Bắc đón con bé. Thấy Hòa chăm chỉ lại thật thà nên ông tin tưởng anh hơn nữa ông bận một số việc không đi được, dĩ nhiên lộ phí đường đi, ông lo tất cả.

Khí hậu phương Bắc lạnh thấu xương. Vừa bước xuống tàu, Hòa chợt rùng mình vì lạnh. Cơn gió ập đến cuốn phăng chiếc mũ len anh đội trên đầu. Anh phải dành dụm rất lâu mới mua được nó vì thế anh đã đuổi theo lấy lại. Chiếc mũ nằm ngay dưới chân của một chiếc ghế đá. Trên ghế có một cô gái nhỏ nhắn đang ngồi. Cô gái lọt thỏm trong chiếc áo ấm dày cộm. Anh ngờ ngợ, cho tay vào túi lấy ra một bức ảnh rồi nhìn cô gái. Anh khẳng định cô bé ấy chắc chắn là Thanh Nguyên. Chủ xưởng cũng đã kể cho anh nghe nhiều về cô con gái của ông. Nhưng Thanh Nguyên có vẻ khó tiếp xúc. Anh chào hỏi, tự giới thiệu về mình bằng giọng điệu vui tươi, con bé vẫn im thin thít. Nét mặt lạnh như băng.

Trên đường về, Thanh Nguyên suốt buổi im lặng, thậm chí nhìn cảnh vật bên ngoài cửa sổ trong làn gió se sắt, Thanh Nguyên cũng không nở nụ cười nào. Hòa chiều chuộng cô bé hết mực. Anh hiểu rằng sở dĩ Thanh Nguyên cứ lầm lì là vì anh quá nhàm chán. Mà một người khô khan, làm việc quần quật như anh thì lấy đâu ra sự lãng mạn hay tạo tiếng cười cho Thanh Nguyên? Ngay cả khi anh kể chuyện cười anh cũng thấy những câu chuyện đó sao mà tẻ nhạt và buồn chán. Anh khiến con bé vui bằng cách nào đây? Đọc sách hay hát cho nó nghe những câu hát anh tự biến tấu?

Đoàn tàu vừa chạy ngang qua một con sông. Bóng hoàng hôn đỏ sẫm in xuống dòng nước trong vắt. Những gợn sóng nhỏ lăn tăn, những nhánh lá lay động bởi ngọn gió thổi tới từ đằng đông. Những hành khách trên toa tàu của Hòa đều đã ngủ say. Thanh Nguyên như pho tượng hoàn mỹ thời cổ đại, ngồi im mà không hé môi. Anh đoán con bé trầm ngâm suy tư về một vấn đề nào đấy, ở lứa tuổi này sao? Thật nực cười. Càng lúc anh càng thấy vẻ băn khoăn trên gương mặt Thanh Nguyên. Không thể cứ mãi im lặng như vậy, anh bèn kể về cuộc đời mình cho nó nghe. Những câu từ đứt quãng. Những lời văn không mạch lạc. Anh nhớ rõ từng chi tiết về quãng đời thơ ấu, ngôi nhà nhỏ bên cạnh tháp chuông cũ kỹ dẫn ra biển, những buổi chiều tan học rong ruổi trên triền dốc. Anh kể những câu chuyện ly kỳ về chú mèo máy Doraemon, và ao ước có được cỗ máy thời gian để quay lại những ngày xa xưa ấy... Anh cứ kể mãi, mặc cho Thanh Nguyên có nghe không, mặc cho con bé có hiểu không, anh vẫn cứ kể.

Hòa không tìm thấy bất cứ niềm vui nào trong những ký ức buồn bã đó để mang đến tiếng cười cho Thanh Nguyên. Nhưng khi bất chợt quay qua, anh chạm phải ánh mắt sáng rực của nó cùng vẻ mặt hào hứng. Thanh Nguyên bảo anh hãy kế tiếp đi, anh mừng thầm vì cuối cùng con bé cũng chịu mở lời. Nhưng câu chuyện của chính anh đã kết thúc. Không muốn Thanh Nguyên thất vọng, anh cố nặn óc nghĩ xem còn tình tiết nào chưa kể. Đã có lúc anh quên hết những ký ức đó rồi, có giữ lại cũng vô ích, mẹ anh đã không còn nữa, gia đình hạnh phúc anh từng có được giờ đã chia hai. Không ngờ rằng hôm nay anh lại khôi phục trí nhớ của mình và nhớ rõ đến vậy.

Thanh Nguyên lắc lắc cánh tay Hòa giục anh kể tiếp sau một khoảng lặng khá lâu. Hòa vắt óc suy nghĩ rồi anh khẽ kêu lên. Câu chuyện anh sắp sửa kể không phải do anh tận mắt chứng kiến mà anh nghe được từ một người hàng xóm kể lại. Trong thôn của Hòa có một bà lão làm nghề đan lát. Ngôi nhà của bà lúc nào cũng run run trước gió, chừng như muốn ngã sập. Buổi tối, bên trong không có lấy một ngọn đèn.

Người nọ kể luôn nhìn thấy bà ngồi bên hiên ngóng mắt về phương xa, bàn tay phải nắm chặt. Hẳn trong lòng bàn tay bà phải là một vật quý giá nên bà mới giữ chặt như thế nhưng thực chất đó chỉ là một chiếc nhẫn đã bạc màu. Lớp mạ vàng bên ngoài bị tróc ra một mảng. Trông nó thô kệch và xấu xí. Có lần bà đánh rơi chiếc nhẫn, bà gần như phát điên lên khi làm mất nó. Và khi tìm lại được bà nâng niu chiếc nhẫn cũ kỹ ấy như một báu vật. Mọi người trong thôn ngạc nhiên khi thấy bà không vứt chiếc nhẫn đi mà trái lại giữ gìn thật cẩn thận. Bà nói đó là kỷ vật của người chồng quá cố của bà để lại.

Thời còn con gái tuổi mơn mởn, bà tình cờ gặp một vị công chức giàu có. Tình yêu đến rất nhanh, bất chấp sang hèn. Chiếc nhẫn mà bà hiện đang nắm giữ chính là lời cầu hôn của chồng bà, minh chứng cho một tình yêu sắt son, bền vững. Thật vậy, từ khi lấy nhau, cuộc sống của hai vợ chồng chưa từng xảy ra một lần cãi vã nhưng không kéo dài bao lâu. Viên chức bị ám sát khi ông tố cáo lên ban lãnh đạo việc làm xấu xa của một nhân viên cấp dưới. Sau khi ông mất, bà quyết không lấy ai cả, ở vậy thờ chồng cho đến lúc bà nhắm mắt xuôi tay theo ông. Chiếc nhẫn tuy cũ nhưng chứa chan tình cảm. Trên đời này thứ quý nhất chẳng phải là tình yêu hay sao! 

Kể xong, Hòa kết luận: 

“Em có hiểu gì không?”

Thanh Nguyên giương mắt nhìn anh, không tỏ thái độ gì.

Nắng tắt nhường chỗ cho bóng đêm. Bên ngoài khung cửa kính vài con đom đóm bay lập loè song song cùng với đoàn tàu. Ánh sáng của chúng yếu ớt chỉ đủ để nhìn thấy một vạt cây dao động trong gió.

“Anh Hòa ơi, em cũng muốn có một chiếc nhẫn.” 

Thanh Nguyên cất giọng. 

Gió lùa vào làm cho mái tóc nó bay bay.

“Dĩ nhiên rồi. Hòa trả lời. Sau này khi em lớn lên, gặp được tình yêu của mình, chàng trai đó sẽ đeo nhẫn vào ngón áp út cho em.”

“Còn câu chuyện nào nữa không anh?”

“Hết rồi.” 

Hòa chưa từng bịa đặt bao giờ. Không phải anh không biết nói dối chỉ là anh thấy không cần phải làm vậy. Với lại giờ đây anh coi việc tạo niềm vui cho Thanh Nguyên là bổn phận cao cả.

Hòa dẫn Thanh Nguyên về nhà, trao tận tay cho ba của cô bé. Ông cảm ơn anh rối rít, còn thưởng anh một món tiền khá lớn nhưng anh lắc đầu từ chối. Anh giúp đỡ người khác không phải vì tiền.

Hòa bỏ đi. Được nửa đoạn thì ngoảnh đầu lại nhìn lên ô cửa sổ tầng hai, là phòng của Thanh Nguyên. Rèm cửa bay theo từng nhịp gió. Anh đi vào phố nhỏ rồi lại đi ra phố lớn, đi qua những con đường nhỏ hẹp và những giao lộ rộng thênh thang. Trong túi áo của anh là chiếc kẹp tóc màu xanh nhạt mà anh mua trước khi đón Thanh Nguyên định tặng cho con bé mà quên mất hoặc cũng có thể anh không đủ can đảm để làm điều đó.

Kể từ ngày rời khỏi quê nhà, Hòa nếm trải đủ mọi thống khổ này đến cay đắng khác. Nghề nào anh cũng làm nhiều nhất là vài ba tháng, ít nhất là một tuần và cuối cùng anh trở thành người quét rác cho xưởng kim hoàn. Bụi bẩn bám đầy người. Anh nhìn thấy bụi còn nhiều hơn các món ăn ngon trong nhà hàng, thậm chí trong từng cơn gió luồn vào thành phố, anh chỉ nghe thấy mỗi âm thanh lạo xạo của bụi bay mịt trời.

Mùa nối mùa trôi đi. Đông tàn rồi đông lại đến. Những đêm giá buốt, anh cuộn mình trong tấm chăn mỏng nghĩ về con đường tương lai phía trước. Anh thấy bất an khi không tìm thấy một tia nắng nào trên con đường đó dù là tia nắng mỏng manh còn sót lại giữa mùa đông rét mướt. Nhưng đôi khi trong những ngày khốn khổ ấy, Hòa lại thấy hiện lên trong đầu mình một áng mây trắng bồng bềnh cứu rỗi anh khỏi những ý nghĩ tiêu cực: đó là gương mặt xinh xắn của Thanh Nguyên. Anh không biết mình nghĩ về cô bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng sau mỗi giờ làm, anh hay đi ngang qua nhà cô, ngó lên khung cửa sổ tầng hai có bức rèm phất phơ theo những khúc ca của gió và thấy ấm lòng đôi chút.

 

*******

Thanh Nguyên bây giờ đã là một thiếu nữ hai mươi xinh đẹp rạng ngời. Cô hiện đang theo học tại một trường đại học danh tiếng trong thành phố. Anh tự hỏi cô còn nhớ anh không. Kể từ cái ngày ở sân ga hôm ấy tính đến nay cũng đã bảy năm. Thời gian trôi qua quá nhanh, phủ bụi mờ lên tất cả mọi thứ. Anh ở gần bên cô nhưng chưa một lần chủ động tiến đến bắt chuyện. Sở dĩ ngày ấy anh dễ dàng nói chuyện bởi vì Thanh Nguyên khi đó chỉ là một cô bé mười ba tuổi, giờ đây cô đã hai mươi xuân xanh, dĩ nhiên là rất khó để mở lời. Công việc quét rác về đêm của Hòa khiến cả người anh đầy hôi hám, tiếp xúc với bụi bẩn và lũ chuột cống, anh sợ nếu lại gần Thanh Nguyên, cô sẽ không chịu được mùi hôi ấy.

Có hôm xong việc, Hòa không về túp lều của mình mà lang thang suốt đêm. Đường phố yên ắng. Nhà nhà đều đóng cửa. Chỉ có những vì tinh tú trên trời cao là thức cùng anh. Đây là khoảng thời gian anh thấy thảnh thơi nhất cũng là khoảnh khắc anh nghĩ đến cuộc đời mình nhiều nhất.

Bình minh xua tan bóng tối mang nắng chiếu rọi thành phố. Sớm tinh mơ, ở một số nơi, sương mù giăng phủ nhưng không quá dày. Hòa chậm rãi bước xuống dốc đầy hoa dại. Con đường không có ai ngoại trừ một người con gái khoác áo măng tô đứng kế bên bốt điện thoại, vẻ mặt ưu tư. Khi chỉ còn cách cô gái vài ba bước chân, anh nhận ra người đó chính là Thanh Nguyên. Một thoáng hương xuân phảng phất qua tâm trí anh giữa những cơn gió bấc lạnh lẽo.

Hòa tiến lại gần, cất giọng niềm nở: “Em còn nhận ra anh chứ? Anh là Hòa, người đã từng đón em ở sân ga bảy năm về trước.”

Thanh Nguyên ngước lên nhìn anh một giây, thờ ơ đáp: 

“Thì ra là anh, em nhớ rồi.”

Đây là cơ hội để Hòa chiêm ngưỡng nhan sắc thuần khiết của Thanh Nguyên. Môi cô như cánh đào đỏ thắm. Đôi mắt như hai viên pha lê đen trong suốt. Họ bước cạnh nhau nhưng vẫn giữ một khoảng cách vừa phải.

Hòa chưa bao giờ nghĩ điều khiến Thanh Nguyên u sầu là vì một người khác. Anh ngước mặt lên trời nén tiếng thở dài. Cuối cùng cô gái bé nhỏ mà anh thương yêu đã rơi vào lưới tình với anh chàng họa sĩ điển trai, con nhà quý tộc. Vì một lý do nào đấy mà họ giận nhau nhưng chẳng bên nào chịu lên tiếng xin lỗi trước. Vì đây là mối tình đầu nên Thanh Nguyên không muốn chia tay sớm như vậy hơn nữa quan trọng là tình cảm trong cô vẫn còn đầy. Giờ cô không biết phải làm sao?

Thấy Thanh Nguyên ôm mặt khóc rưng rức, Hòa không kìm được, bèn nói:

“Anh hứa sẽ giúp hai em giảng hòa.” 

“Thật sao?” 

Thanh Nguyên nhìn anh bằng cặp mắt đỏ hoe.

Nhìn cái gật đầu quả quyết của Hòa, Thanh Nguyên đưa cho anh một lá thư nhờ anh mang đến cho người yêu cô. Ban đầu chàng họa sĩ nghi ngờ mối quan hệ giữa Hoà và Thanh Nguyên, sau đó còn nói những lời khó nghe. Anh không kiềm chế được cơn tức giận và đã cho tên khốn - khiến Thanh Nguyên mất ăn mất ngủ - một bài học và còn dạy anh ta về lòng chân thành. May một điều chàng ha sĩ kia không phải là kẻ vô học, anh ta trầm ngâm suy nghĩ, nhận ra lỗi lầm và còn cảm ơn Hòa vì đã giúp mình nghĩ thông suốt.

Ngày hôm sau, chàng họa sĩ tìm gặp Thanh Nguyên. Một bó hoa, một lời xin lỗi và một cái ôm thắm thiết. Hòa thấy vui vì nụ cười của Thanh Nguyên và giấu đi buồn đau vào tim.

Một hôm trong lúc hốt rác cho xưởng, Hòa vô tình xem lỏm cách mà thợ kim hoàn đánh thành những chiếc nhẫn, còng tay hay hoa tai xinh xắn. Đột nhiên một sáng kiến loé lên trong đầu anh. Nếu như mình có thể tận tay đúc thành một chiếc nhẫn làm quà tặng sinh nhật tuổi hai mươi cho Thanh Nguyên thì ý nghĩa biết mấy. Tuy chỉ là thoáng qua nhưng sáng kiến đó khiến anh suy nghĩ mãi và anh quyết định sẽ làm.

Hòa nói với chủ xưởng, xin học việc. Ông chỉ ngạc nhiên rồi nhận anh làm học trò. Anh không kể cho ai nghe về chuyện đó, chỉ âm thầm học hỏi, chăm chỉ đến mức quên ăn. Anh cũng biết để đúc thành một món trang sức cần rất nhiều thời gian. Hết mùa đông là tới sinh nhật Thanh Nguyên, anh hy vọng sẽ kịp. Anh không đòi hỏi gì cả cũng chẳng trông mong Thanh Nguyên sẽ biết tình cảm của anh. Chỉ là một món quà nho nhỏ bằng tất cả tình thương mến dồn nén bao nhiêu năm qua trong tận đáy lòng anh dành cho Thanh Nguyên vào ngày sinh nhật thôi. Nhưng trớ trêu thay, đổi lại sự chăm chỉ của anh là những cuộc hẹn vui vẻ của Thanh Nguyên với chàng hoạ sĩ kia. Anh từ lâu đã biết Thanh Nguyên không hề có ý gì với mình. Với cô, anh có lẽ giống như một người quen biết trên chuyến tàu thiếu niên năm ấy. Phải rồi, ai mà cần đến tấm lòng của một gã hôi hám và bẩn thỉu như anh. Trao đi chân tình có bao giờ được đáp trả bằng chân tình đâu chứ.

Ngày Hòa đánh xong chiếc nhẫn, Thanh Nguyên đã đi du học cùng vị hôn phu của cô. Nghe nói họ không về nữa, họ sẽ sinh sống và lập nghiệp ở cái đất nước mà anh không thể đặt chân tới được. Anh ngước nhìn bầu trời và thấy một mảnh trời xanh bé xíu lấp ló ở một góc xa xa rồi nhanh chóng bị mây mù che khuất. Bầu trời trong anh chỉ còn lại một màu xám xịt. Những ký ức về Thanh Nguyên nhạt dần và biến thành một mảnh sắt hoen ố.

Vào mùa đông, côn trùng và muỗi nhiều vô kể. Chúng bay thành từng đàn xung quanh bụi cỏ rậm rạp, bay hẳn vào phòng Hòa qua ô cửa để mở. Tiếng vo ve của chúng làm anh không tài nào ngủ được. Trong căn lều rách bươm không có dụng cụ đuổi muỗi, anh bị chúng chích nhiều đến nỗi cả tay chân anh xuất hiện những vệt đỏ thẫm như máu. Anh ho liên tục và anh ngã bệnh. Căn bệnh sốt rét ấy đã rút mòn sức lực của anh.

Không một ai đến thăm Hòa cũng chẳng có tiền để đi trạm xá. Ngoại trừ ông thầy bói hay lảng vảng ngoài cổng, lúc nào cũng bắt anh để ông bói cho một quẻ nhưng anh từ chối. Không ai hiểu mình bằng chính bản thân mình. Cuộc đời anh từ lúc trẻ cho đến tận hôm nay có bao nhiêu ngày vui. Anh nghĩ mình sắp chết nên chẳng cần phải bói.

Căn bệnh càng lúc càng nặng. Hòa xin nghỉ việc ở xưởng kim hoàn. Suốt ngày anh chỉ nằm co ro trong túp lều của mình. Mắt nhắm nghiền. Có lúc anh cười, có lúc anh khóc. Ban đầu hơi thở còn nhè nhẹ sau dần trái tim anh ngừng đập hẳn. Giờ thì anh đã đoàn tụ cùng với mẹ của mình cũng là lúc anh không còn phải chịu đau đớn và bị hành hạ bởi cơn đói nữa. Đôi khi chỉ có cái chết mới khiến con người có được những giây phút yên bình.

Lúc ấy là vào cuối đông. Đợt gió cuối cùng thổi mạnh hơn bao giờ hết, thổi cho rèm cửa bay phần phật, thổi tắt hết những đốm lửa nhấp nháy trong lò sưởi. Lo hậu sự cho Hòa vẫn là ông thầy bói hôm nào. Chiếc nhẫn rơi ra từ lòng bàn tay anh. Trên bề mặt nhẫn có khắc một dòng chữ be bé. Ông đoán đó là tên của người mà anh từng rất thương. Săm soi chiếc nhẫn, ông lẩm bẩm: “Chiếc nhẫn này không có chủ nhân nhưng lại đong đầy tình cảm của người làm ra nó.”


Quách Thái Di


Má tôi.


Bằng một giọng nhỏ nhẹ tôi hỏi dò chồng tôi:

- Vợ chồng con Tâm chúng nó lỡ mua vé đi đảo nghỉ hè, còn thằng Tiến đang dẫn phái đoàn đi du lịch hai tuần nữa mới về, chúng nhờ mình giữ bà già trong thời gian chúng vắng mặt, anh thấy có được không?
Bình thường Thiện, chồng tôi, chẳng bao giờ có ý kiến gì về những bàn luận gì giữa năm anh chị em chúng tôi. Trong mấy đứa con, tôi là chị cả, nhưng má tôi có vẻ không ưa tôi. Má tôi không thích ai cãi bà, bà thích ai nói ngọt với bà thôi. Tôi có cái tật ai nói sai thì tôi sửa, ai nói thách là tôi chỉnh. Cho nên sau khi ba tôi mất, dù tôi là con cả, má tôi không muốn về ở chung với vợ chồng chúng tôi. Tôi cũng có đề nghị bà về ở chung nhưng với hai điều kiện rất rõ ràng là bà phải có điện thoại riêng của bà và bà không được nằm dài ở xa lông nói chuyện hàng giờ với bạn của bà trong khi vợ chồng chúng tôi đang có khách. Má tôi chọn về ở với thằng Tiến mặc dù tôi biết má tôi không ưa gì Hương, con dâu của bà.

Hôm nay tôi ngập ngừng hỏi ý kiến Thiện việc nhận giữ má tôi trong một tuần vì tôi biết Thiện không thân tình lắm với mấy đứa em tôi và ngược lại nên sợ khi rước má tôi về nhà chúng nó đến thăm có làm anh bực mình không. Gia đình chúng tôi rặc là dân ăn nói rổn rảng, nhất là con em thứ tư Nga quen cái lối nói xốc óc. Nó từng phang vào mặt tôi bà lấy chi anh chàng trung kỳ cái mặt lầm lì thấy ghét. Con em tôi không phân biệt được ít nói với lầm lì. Nó đâu biết cái ít nói của chồng tôi cân bằng một cách tuyệt diệu cái đốp chác của tôi.

Nhưng tôi lầm. Nghe tôi ngỏ lời Thiện hưởng ứng ngay:

- Rước má về cho vui nhà, có sao đâu. Nghe nói má thích đọc sách lắm, anh sẽ kiếm sách cho má đọc.

Má tôi năm nay 91 tuổi. Nghe mấy đứa em học lại bà nói chuyện khi thì minh mẫn khi thì một chuyện cứ cách nửa giờ, một tiếng bà lại kể lại chuyện đó y như mới kể lần đầu. Nhưng cái mà mấy đứa em tôi sợ nhất là đêm hôm má tôi hay đi lục lọi đồ trong bếp để nấu nước pha trà.

Chúng nó sợ má tôi làm cháy nhà La, dặn bà mấy rồi đâu cũng vào đó. Cuối cùng mỗi đêm trước khi đi ngủ chúng nó rút giây tắt hết các lò điện. Một cái lo khác của đám em tôi là má tôi cứ te te đi một mình, mà đi rất nhanh. Đã hai lần bà té úp mặt xuống đất, một lần dập môi, một lần gãy hai cái răng. Có gậy nhưng má tôi không chịu dùng. Đưa marchette có ba bánh xe lăn thì bà khăng khăng từ chối:

- Tao đi một mình được. Đi một mình dễ đi hơn với ba cái đồ quỷ kia.

Chúng tôi chuẩn bị phòng để đón má tôi. Tôi tính mua một cái giường đơn nhưng Thiện cản:

- Giường đơn nhỏ sợ má ngủ lăn té, nên mua một cái giường đôi cho an toàn. Hơn nữa sau này lỡ mình có khách ngủ lại nhà thì tiện cho hai người nằm.

Nghe Thiện nói có lý tôi mua một chiếc giường đôi. Tôi đặt một cái TV trên một kệ vuông kê sát vách tường ở cuối chân giường cùng với mấy video phim bộ và vài băng nhạc của con em gái đưa lại. Điều tôi lo hơn hết là phòng ngủ dành cho má tôi nằm ở lầu trên. Ở nhà thằng em trai má tôi ở tầng dưới nên không sợ bà té cầu thang. Thêm một chút lo nữa là toa lét nằm ngoài phòng ngủ dành cho má tôi.

Thằng em trai út đưa má tôi đến vào một buổi trưa chủ nhật. Nó xách theo một cái va li nhỏ và một cái túi. Nó nói:

- Va li đựng quần áo của má; trong cái túi là đồ đánh răng, gương lược, khăn tay, con tu tu và kẹo. Má thích ngậm kẹo lắm. Bà già bây giờ trở về con nít rồi phải có con tu tu cho bà ôm.

Thằng em út tôi về rồi tôi dẫn má tôi lên lầu xem phòng ngủ của bà. Thiện xách va li và cái túi đi theo sau.Tôi đi cạnh má tôi, cầm cánh tay bà nhấc bước lên từng cấp cầu thang. Má tôi bỗng hất mạnh tay tôi ra, giọng gắt:
- Tao đi được một mình.

Tôi ngạc nhiên trước hành động bất ngờ của má tôi, thôi không nắm cánh tay bà nữa, chỉ vòng cánh tay mình xa xa sau lưng bà phòng khi bà vấp ngã thì chụp đỡ. Đưa má tôi vào xem phòng ngủ của bà xong tôi dẫn bà ra khỏi phòng, rẽ trái chỉ phòng toa lét nằm bên cạnh và hỏi:

- Mỗi đêm má dậy đi tiểu mấy lần?
- Một lần.
- Tuổi của má sao đi tiểu đêm ít vậy?
- Tại tao không uống nước.
Tôi dặn lần nữa:

- Má nhớ ra khỏi phòng là rẽ trái liền để vào toa lét nghe. Má quên mà đi thẳng là đi xuống cầu thang đó. Đêm hôm không thấy đường ngã cầu thang nguy hiểm lắm.

- Tao nhớ rồi.

Và muốn tôi được yên tâm, Thiện xuống kho đem lên hai cái va li lớn chắn ngang đầu cầu thang phòng hờ má tôi đêm tối đi lạc hướng. Tuy thế hôm đó tôi vẫn thao thức không ngủ được. Và tôi đã nghe thấy gì? Tôi nghe thấy má tôi lục đục lần mò ra phòng toa lét đi tiểu không phải một lần như bà nói mà đến ba lần!

Sáng hôm sau tôi vào phòng định thức má tôi dậy để sau khi đánh răng rửa mặt đưa bà xuống ăn sáng. Bước vào phòng tôi sửng sờ thấy má tôi đã chỉnh tề quần áo ngồi chờ trên giường.

Dưới chân bà là chiếc va li và cái túi.Tôi tròn mắt hỏi:

- Má làm gì vậy?

- Thì tao chờ thằng Tiến lại đưa tao vô nhà già. Nó sắp đi du lịch, nó đem bỏ tao vào nhà già.

Tôi la lên:

- Má đang ở nhà con chứ đâu có ở nhà thằng Tiến. Mà má đâu có vô nhà già.

- Ủa, má đang ở nhà con Thu à. Vậy mà má cứ tưởng đang ở nhà thằng Tiến.

- Đúng rồi má đang ở nhà con. Con giữ má cho đến khi thằng Tiến đi du lịch về. Nó về thì má về ở lại nhà nó chứ không vô nhà già nào hết.

Trước đây có lần Tiến dẫn phái đoàn đi du lịch mà tụi em không đứa nào rảnh để giữ má tôi nên Tiến liên lạc xin được một chỗ trong một nhà dưỡng lão cho má tôi ở hai tuần. Lạ chỗ, lạ người, trở ngại ngôn ngữ, má tôi bỏ ăn, nằm lì suốt ngày trên giường, người gầy xọp, tinh thần sa sút hẳn ra. Đám em sợ quá, thoả thuận với nhau mỗi khi Tiến vắng nhà chúng nó sẽ chia ngày giữ má tôi. Thấy vậy tôi cũng xung phong nhận giữ bà một tuần.

Thiện xen vào góp ý:

- Để má biết là má đang ở nhà mình, em nên treo hình em trong phòng ngủ của má.

Tôi cười:

- Treo hình anh em nghĩ má sẽ dễ nhận ra hơn là treo hình em. Má có vẻ thương anh hơn thương em.

Thiện chỉ cười không nói gì. Mà thật vậy, mỗi lần hai đứa gặp bà, người mà má tôi chào hỏi đầu tiên bao giờ cũng là chồng tôi: ”Thiện đó à”. Còn tôi lần nào tôi cũng phải hỏi:

- Còn ai đây má có biết không?

- Con Thu chứ ai, má nhớ mà.

Tôi nói lẩy đùa:

- Nhớ mà lúc nào cũng nhớ sau thằng rể của má.

Mỗi lần như thế má tôi còn biết nói lấp:

- Mắt má già thấy ai trước thì chào.

Tối hôm sau Thiện nói với tôi:

- Để anh đưa má lên cầu thang.

Nói xong anh đến sau lưng má tôi và nói:

- Má lên cầu thang một mình nghe, con đi sau lưng má, có gì con đỡ má.

Và từng bước, tay không vịn thành cầu thang, má tôi vui vẻ bước lên hết mười sáu bậc thang với Thiện đi đàng sau. Những ngày kế tiếp, chiều chiều Thiện mở cây đàn keyboard và nói với má tôi:

- Để con đàn và hát cho má nghe. Để mở đầu con hát bài má thích: ”Mộng dưới hoa”: “ Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng, có nàng thiếu nữ đẹp như trăng...”.

Những lúc đó tôi thường đứng ở bếp lo bửa ăn tối. Tôi cười thầm vì người biết đàn keyboard là tôi chứ không phải Thiện. Anh chẳng biết nốt nhạc nào hết chỉ hát thuộc lòng bài hát và đàn thì chỉ việc bấm nút cho máy chạy. Nhưng tôi cảm động được Thiện đóng vai nhạc sĩ kiêm ca sĩ để giúp vui má tôi.Ngoài chuyện đàn hát, Thiện còn mang sách cho má tôi đọc. Tôi thấy má tôi nằm trên sofa chăm chú đọc, hết trang này sang trang khác. Một lần tôi thấy Thiện đưa một cuốn sách khác cho má tôi, lấy cuốn trước lại và hỏi:

- Má đọc thấy truyện ra sao?

- Ừ, má thấy trong truyện có người đàn bà...

Thiện reo lên:

- Hay quá! Má đọc mà thấy trong sách có nhân vật nữ là giỏi quá rồi! Trí nhớ má còn tốt lắm!

Tôi muốn phì cười trước lời khen của Thiện. Nhưng bổng nhiên tôi nhận ra một điều: Thiện dễ thương hoá má tôi về mọi mặt. Những cái lẩm cẩm, những cái chướng của bà anh không bận tâm hay khó chịu.Thiện ân cần với má tôi không hẳn để làm vui lòng tôi mà tôi tin anh coi má tôi như mẹ anh. Thiện mồ côi mẹ lúc anh 10 tuổi. Tôi nghĩ những người đàn ông mồ côi mẹ sớm suốt đời họ luôn luôn cất giữ hình ảnh một bà mẹ trong tim họ. Thiện đang cần một bà mẹ dù là một bà mẹ đang đứng ở cuối đường dẫn vào lú lẩn. Những gì anh đang làm không phải để cho ai khác mà để cho lòng anh ấm lại.Thiện đã vô tình cho tôi một cái nhìn khác về má tôi. Và bây giờ tôi hiểu vì sao má tôi lại chào Thiện trước khi nhận ra tôi. Đó là về phía má tôi. Còn về phía Thiện, tôi thấy để đi thật hạnh phúc hết con đường còn lại bên anh, có lúc ngoài vai người tình, người vợ tôi sẽ phải kiêm thêm hình ảnh người mẹ trong tim anh.

TRANG CHÂU








Không có nhận xét nào: