a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

CHUYỆN TÌNH CỦA CHÚ NĂM.

 Chú Năm bước đến hàng bán cá mua hai con cá rô phi, nhờ người bán làm sạch và chiên dòn.

Có một người đàn bà cũng đang đứng chờ chiên cá như chú, chị nói:
– Bữa nay thứ Tư họ thay dầu mới, cá chiên nóng về ăn với nước mắm tỏi ớt ngon lắm.
Chú Năm mỉm cười không nói gì, chú đâu biết pha nước mắm tỏi ớt, hồi trước lúc vợ chú còn sống chuyện bếp núc một tay bà lo.
Vợ chú chết hai năm nay, chú không biết nấu ăn lại không thích vô bếp, cứ ra tiệm mua thức ăn người ta làm sẵn mang về, ở thành phố này thì có rất nhiều tiệm bán thức ăn Việt, rất tiện.
Chú có hai đứa con, một trai một gái. Đứa con gái lớn vừa lấy chồng, theo chồng sống ở tiểu bang khác. Thằng con trai mới học xong mùa hè vừa rồi, xin được chỗ làm lương cũng khá, nhưng hơi cực, ngày làm mười tiếng lâu lâu phải đi công tác xa cả tuần mới về. Hai cha con chú ăn uống cũng dễ, nhà có gì ăn đó, nếu không thì luộc mì gói cũng xong.
Thằng con chú đi làm bận bịu cả ngày, nó thường ăn ở ngoài, thỉnh thoảng mua đồ ăn đem về cho chú.
Từ ngày bà xã thình lình bỏ chú ra đi, chú cảm thấy căn nhà sao mà trống vắng buồn tênh. Chú tìm việc gì làm cho khuây khỏa, chú ra sau vườn nhổ cỏ trồng rau, nếu không thì thả bộ lang thang mấy khu mua bán của người Việt, nghe người ta nói tiếng Việt lao xao cũng thấy đỡ buồn.
Sáng nay thứ Tư, nhớ lời người đàn bà chú gặp tuần trước, thứ Tư người ta thay dầu mới, chú đến chợ mua cá rô phi chiên dòn.
Chú định bụng nếu gặp người đàn bà đó, chú sẽ nhờ chị ta chỉ cách pha nước mắm tỏi ớt.
Đến nơi, có lẽ còn hơi sớm, chợ ít người, hàng bán cá chẳng thấy ai mua, chú không phải chờ lâu xách hai con cá vừa chiên xong nóng hôi hổi ra về.
Ra cửa chú thấy người đàn bà đó đang đứng chờ người nhà đến đón, chú xáp lại nói chuyện.
– Dễ lắm, anh rót nước mắm sống vô chén, pha chút nước lạnh, bỏ đường, nặn chanh, cho vô ớt bằm, tỏi bằm. Nếm vừa ăn là được, tùy người thích ăn ngọt thì thêm chút đường.
– Pha nước mắm mà nhiều công đoạn quá vậy?
Chị cười xoà. “Bả đâu?”
– Bả bỏ đi hai năm rồi. Chị im lặng mím môi, chắc là chị nghĩ ông này bị vợ bỏ. Chú Năm không buồn đính chánh câu nói lấp lửng của mình.
– Cô chờ người đến đón?
– Dạ, chờ thằng cháu.
– Có phải cô tên Sáu? Hôm trước tôi nghe người nhà cô kêu chị Sáu.
– Tôi tên Nguyệt, thứ sáu nên người trong nhà kêu theo thứ chớ không kêu tên.
– Tôi cũng vậy, tôi tên Minh nhưng người quen đều kêu theo thứ, nhiều người tưởng tôi tên Năm.
– Anh đã nghỉ hưu?
Chú Năm cười xoà chỉ mái tóc của mình, tóc bạc hết cô không thấy sao, vài tháng nữa là bảy chục rồi.
– Thấy anh cũng còn trẻ, về Việt Nam người ta tưởng chừng sáu chục. Chú Năm cười hề hề, lúc này xuống dốc thấy mau già chớ lúc trước tôi trông trẻ lắm, ai thấy cũng khen.
– Cô chắc còn đi làm?
– Dạ, tôi còn trẻ mà, anh thấy tôi chừng bao nhiêu tuổi? – Sáu chục. – Sáu mươi hai rồi đó.
– Chắc cô mới qua?
– Dạ cũng được ba năm rồi, lúc tôi qua má tôi yếu nhiều, bệnh già thôi, tôi qua kịp lúc săn sóc bà già trong những ngày cuối đời của bà. Chớ lúc trước bà ở nhà lủi thủi một mình tội lắm, ai cũng đi làm. Má tôi chết hơn sáu tháng rồi, nhiều người quen thấy tôi săn sóc người già tốt, họ kêu tôi giúp. Tôi hiện đi làm hai chỗ, tôi có bằng lái xe nhưng còn hơi nhát không dám lái, đi đâu cũng nhờ đưa đón nhiều lúc cũng bất tiện.
Chị cười hì hì… Thằng cháu chị đến đón, chú Năm trở vô chợ mua ớt, tỏi, đường, nước mắm, nhà chú lâu nay chẳng ai nấu nướng nên trong bếp trống lỏng chẳng có gì. Tự nhiên chú thấy vui vui yêu đời, chú tập tành làm bếp.
Sáng thứ tư là chú Năm thấy rộn ràng muốn đi chợ, chú thấy nhớ cô Sáu, chú muốn gặp cô nói ba điều bốn chuyện.
Mới gặp nhau sao thấy hạp, nói chuyện hoài không muốn dứt. Hình như cô không có chồng, cái kiểu cô nói chuyện có thể đoán cô là người có một mình ên.
Đến nơi chú Năm đến hàng bán cá trước, không thấy “người ta” chú đi lòng vòng gian hàng bán đồ khô, nhưng chú không mua thứ gì rồi bước qua khu bán rau cải.
Chú mua mấy trái dưa leo cùng một bó rau muống. Rau muống luộc thì chú biết cách làm không cần ai chỉ.
Đảo quanh mấy vòng cũng không thấy “người ta”, chú đến quầy trả tiền rồi bước ra.
Hôm nay chú không mua cá, thằng con chú không thích ăn cá, hồi nhỏ nó ăn cá he mắc xương giờ thấy cá nó sợ. Chú vô tiệm bán thức ăn làm sẵn gần bên mua một phần canh chua tôm và một phần thịt sườn ram mang về.
Chú Năm chợt thấy “người ta” bước vô chợ, chú đã đề máy xe nhưng lưỡng lự chưa muốn đi, chú tắt máy xe bước vô chợ.
Chú đi qua hàng đồ khô mua lung tung, đến hàng rau cải mua lung tung mặc dầu không biết mua về để làm gì.
“Người ta” gặp chú mừng rỡ vui ra mặt, chú thì mừng trong bụng kiếm chuyện đi theo “người ta” hỏi nầy hỏi nọ hỏi kia. Chú nói hồi nãy chú qua tiệm “Food Togo” mua thịt sườn ram, thằng con tôi rất thích ăn món này.
Cô Sáu nói dễ làm lắm để tôi chỉ anh làm. Chú Năm liền mua mấy pound thịt sườn non, “để tôi làm thử, làm không xong hôm nào cô đến nhà tôi chỉ tôi làm nhe”.
Bước ra ngoài cô Sáu nói anh về trước, hôm nay tôi đi xe bus, không ai đưa đón.
– Nếu cô không ngại để tôi đưa cô về, nhà cô ở đâu?
Cô Sáu nhìn người đàn ông mới vừa quen, “thấy” ông ta có vẻ là người đàng hoàng tử tế.
– Tôi thì không ngại, chỉ sợ vợ ông ghen. – Vợ tôi không ghen, nhưng con nhỏ con gái tôi ưa “ghen” dùm cho má nó.
Tôi mà quen bà nào, nó theo dòm ngó, nhưng bữa nay nó có chồng đi ở xa rồi, mà giờ chắc lo giữ chồng không còn lo giữ ông già nữa.
Cô Sáu cười khúc khích đi theo chú Năm ra xe. Lúc đến ngã tư đèn đỏ, chú Năm chỉ căn nhà mái ngói đỏ xéo bên kia đường, “nhà có cây chanh phía trước là nhà tôi đó”.
Cô Sáu nói ở đây chanh sai trái thấy ham, giờ thấy cây chanh mới nhớ hồi nãy quên mua. Chú Năm nghe vậy quay đầu xe lại, nói vậy vô nhà tôi hái về ăn, khỏi mua.
Cô Sáu nhìn căn nhà to lớn nghĩ bụng vậy mà ở có hai cha con. Nhà em mình chút xíu ở bảy tám người lớn. Hái chanh xong chú Năm mời cô vô nhà chơi cho biết.
Cô Sáu sẵn dịp chỉ chú Năm làm món sườn ram. Hai người vô bếp, cô Sáu để chú tự làm, cô đứng gần bên chỉ cách.
Làm xong chú hâm cơm nguội mời cô sẵn dịp dùng bữa. Cô Sáu tự nhiên không khách sáo, hai người tâm đắc như là quen nhau từ thuở nào.
Trong phòng ăn có treo tấm hình gia đình chụp hai vợ chồng cùng hai đứa con. Cô Sáu khen vợ anh đẹp quá. Chú Năm buồn bã nói vậy mà bả đành đoạn bỏ tôi đi. Chú chỉ về phía bàn thờ gần đó, bả ngồi đó hai năm rồi, phát bịnh có sáu tháng thì mất.
Lúc đưa cô Sáu về chú Năm hỏi xin số phone, để khi nấu nướng có cần gì gọi nhờ cô chỉ, hoặc là đi chợ chú qua nhà chở cô đi chung để cô “cố vấn” chú mua thứ gì, nấu món gì vừa nhanh vừa dễ nấu.
Mỗi cuối tuần cô Sáu hay đi chợ trời, cô rủ chú Năm đi theo chơi cho biết. Cô thích vô đó mua trái cây và rau cải, vừa ngon lại vừa rẻ.
Chú Năm đi theo coi người ta mua bán đồ cũ thấy cũng vui. Cô Sáu là người dưới quê miền Tây, hồi nào tới giờ không có chồng sống với cha mẹ anh em. Cô mới vừa qua Mỹ, ở vào cái tuổi người ta chuẩn bị nghỉ hưu thì mình mọi việc chỉ ở mức khởi đầu.
Nhưng cô không buồn, bằng lòng với cái “trời đã định” cho mình.
Chú Năm goá vợ, mấy năm nay chú thình lình bị rơi vào một cơn hụt hẫng buồn hiu.
Nhiều lúc ở nhà một mình chú chợt thèm có ai đó đi ra đi vào lảng vảng gần bên. Đi đó đi đây với người đàn bà vừa quen, chị này có gì cũng nói chú nghe, về nhà thấy nhớ thấy trống trãi chỉ mong tới lúc được gặp.
Chú Năm tập cô Sáu lái xe cho quen đường và không còn sợ. Mỗi ngày chú đến nhà cô đậu xe bên lề đường, vô ngồi trong xe của cô. Khi cô lái, có người ngồi kề bên cô thấy tự tin hơn và không sợ.
Chừng một tuần thì cô tự lái đi một mình, cô cám ơn chú Năm rối rít. Rồi thì qua lại tới lui, mỗi khi đi chợ cô gọi chú Năm. Một tuần cô đi chợ ba lần, chợ trời mua rau cải trái cây, chợ thực phẩm Á Đông và Costco mua đồ linh tinh xài trong nhà.
Chú Năm nhiều thì giờ rãnh rỗi, tình nguyện đưa đón cô đi đây đi đó chớ ở nhà một mình buồn thúi ruột. Cô Sáu trả công đến nhà chú tập chú nấu nướng, cô vui mà chú cũng vui, nấu xong hai người ngồi ăn như hai vợ chồng.
Thằng con chú Năm thỉnh thoảng gặp ba nó dẫn đàn bà về nhà, nó nói với chị nó cở này ba có bồ.
Có lần cô Sáu kể chú Năm nghe, hồi lúc cô còn ở Việt Nam, lúc gần đi Mỹ có xuống Bạc Liêu chỗ ông cha Diệp cầu nguyện.
– Em cầu nguyện điều gì? (lúc này hai người xưng anh em).
Cô Sáu cười không nói nhưng cô kể:
– Bận về ghé vô chợ Cần Thơ nghỉ ăn trưa. Em đi vô chợ tính kiếm mua một ít trái cây, có một ông già ngồi coi bói, em đi ngang ổng nói cô ơi coi bói không cô, tôi thấy đường hậu vận cô tốt lắm. Em đi vô quán ăn suy nghĩ thấy ông tội nghiệp, trở ra cho ông một ít tiền. Ông cầm tay em nói cuối đời em sẽ gặp người tốt thương yêu lo cho em, em sẽ không còn cô đơn cô độc một thân một mình nữa.
– Em có tin không?
Cô Sáu nhìn xa xăm đôi mắt mơ màng. – Từng tuổi này mình đâu có mong gì nữa, nhưng chuyện tình cảm nhiều khi tránh cũng không được.
Chú Năm trằn trọc không ngủ được, cứ nhớ đến lời cô Sáu nói ban chiều. Thấy thương cô quá! Nhiều lúc thấy tội nghiệp. Nhưng chú chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bước thêm bước nữa.
Cuộc đời giờ chỉ lấy niềm vui bên con cháu. Thằng con trai chú hơi khó tánh, trong nhà nó giữ ngăn nắp sạch sẽ. Nó là thằng con ngoan thương cha thương mẹ.
Chú Năm hơi ngán nó, không hiểu sao chú cứ ngài ngại nó không đồng ý chú đi thêm bước nữa. Chú không dám dẫn cô Sáu về khi nào có nó ở nhà. Hồi còn trẻ đi chơi với bồ sợ cha mẹ la, giờ bảy chục tuổi không dám dẫn đàn bà về nhà… sợ con la.
Một buổi chiều lúc hai cha con ngồi ăn cơm, chú nói với nó:
– Con cũng biết hồi nào tới giờ ba rất thương cái gia đình này. Má con không may mất sớm, giờ ba chỉ còn hai con, ba cũng đã lớn tuổi không còn sống bao lâu, ba không muốn làm bất cứ điều gì khiến cho gia đình mình không vui, nếu hai con không thích ba sẽ ở vậy cho đến hết cuộc đời còn lại.
Thằng con nghe cha nói như vậy nó ứa nước mắt, tội nghiệp cha nó quá, thương cha nó quá.
– Con và chị con rất thương ba, hồi nhỏ con hay đòi mua cái này cái nọ mà không biết gia đình mình không khá giả gì. Lớn lên con hiểu chuyện thấy ngày đó mình thật là có lỗi.
Giờ ba đã già, con không muốn đòi hỏi ở ba điều gì cả. Từ lúc má chết, đôi lúc thấy ba cô đơn buồn bả con thương ba lắm mà không biết làm sao.
Giờ nếu ba gặp được người nào vừa ý, con và chị con rất mừng, chúng con mong ba luôn vui và hạnh phúc trong những ngày cuối đời.
Thằng con trai khóc, ba nó cũng khóc.

Truyện ngắn: Ý Ngôn
Sưu tầm.

GIÀ RỒI ĐÓ MÀ !
(Sưu tầm từ email anh Huỳnh Lập Quốc gởi)
Có một ngày nào đó, bạn bỗng nhận ra mình đã già!
Đó là khi bạn không còn hứng thú với những thứ lòe loẹt, những cảnh sắc rực rỡ, những nơi náo nhiệt và ồn ào thanh âm.
Già, là khi bạn thức dậy lúc 4 giờ sáng, chỉ để nghe tiếng gà gáy ban mai và nằm đợi ánh bình minh lóe sáng sau rèm cửa…
Già, là tối tối pha một ấm trà vừa đủ đặc, bật đài nghe những bài hát xưa cũ, đọc những cuốn sách cũ, chiêm nghiệm về cuộc đời, nửa gần nửa xa.
Già, là khi bạn thích lang thang trên đường phố một mình, thích nhìn những bức tường loang lổ, những gốc cây rêu phong, những mái nhà cũ kỹ, thích những quán cổ, bàn ghế phủ bụi, không gian mốc thếch và mặt người trầm tư sau lớp sương thời gian.
Già, là khi bạn thích cảm giác được yên tĩnh một mình, chỉ một mình chìm trong những hoài niệm. Dạo này, thường nhắc đến những chuyện cũ. Có lẽ bởi thời gian đã gấp quá rồi!
Già, là khi bạn thấy mình ngày càng kiệm lời. Kiệm lời với chính bản thân, nhiều khi nghe tiếng nói của mình vang lên cũng giật mình.
Già, là khi bạn bắt đầu tìm kiếm một nơi thật sự để đến, để sống và cất giữ tuổi già. Không phải để an dưỡng mà là để tách khỏi những ồn ào, thị phi.
Già, là khi bạn thôi không bận tâm những yêu thương, ghét bỏ, để lòng mình tha thứ cho qua hết giận hờn, buông bỏ bớt những nhạt nhòa, nghi kị. Chỉ giữ lại cho mình những niềm tin và đích đến, sống lặng lẽ và nhẹ nhàng, tự do trong khoảng trời riêng của chính mình.
Già, là sống chỉ đủ cho mình, cho những người mình yêu, thế thôi…
Còn lại thì cứ như mây trời, lang bạt qua đời nhau, đã từng vui, đã từng buồn rồi mỗi người đôi ngả. Năm tháng đã qua ấy, tôi gọi tên là thanh xuân.
Sưu tầm

Nỗi Buồn Mùa Tạ Ơn


Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày lễ Tạ Ơn, sau khi đi nhà thờ, tôi liền phóng xe một hơi đến đường 50, ở tận East-San Diego. Tới căn nhà nhỏ cổ kính, có đám bìm bịp xác xơ thả ngọn phủ kín mái sau, tôi mới tấp vào lề, tắt máy xe, rồi buồn bã ngó vào căn nhà mà trầm ngâm nhớ đến những người ơn, bây giờ đã biệt tăm, không biết chừng nào mới gặp lại.

Tháng Chín năm 1993, gia đình tôi qua Mỹ theo diện HO. Những ngày đầu tiên ở San Diego, trong căn apartment rộng rãi đầy đủ tiện nghi, gia đình tôi có cảm giác như vừa đến một xứ sở thần tiên nào đó. Vài ngày sau, một bà Mỹ già đến gõ cửa. Bà tự nhiên tiến đến bắt tay chúng tôi và ôm từng người một vào lòng.

- Sao? Các con thế nào? Có khỏe không?

Tôi ngơ ngáo như người từ cung trăng vừa rớt xuống. Bà già Mỹ nào đây? Bà đi lộn nhà? Bà nhìn lầm người chăng? Tại sao bà tự nhiên quá cỡ thợ mộc, và thân thiết với mình quá đột ngột như đã từng quen biết với nhau từ lúc nào? Vợ tôi cũng hoảng lên, chạy vội đến bên tôi, nói nhỏ:

- Ông ơi! Ông phải cảnh giác nha! Không chừng ở đây cũng giống như ở Sài Gòn. Người ta lường gạt nhau ghê lắm!

Bà Mỹ già vẫn nhoẻn miệng cười với chúng tôi. Bà âu yếm xoa đầu thằng con tôi, và chầm chậm nói:

- Sao? Các con thế nào? Các con không biết nói tiếng Anh à? Good or no good?

Tôi lạnh nhạt nhìn Bà:

- Bà có lầm ai với chúng tôi không? Chúng tôi vừa mới đến đây, từ Việt Nam.

- Đúng rồi. Các con gồm ba người. Có phải các con tên này không?

Bà móc trong túi ra tờ giấy, lật lên, đưa tôi coi:

- Tên các con này! Đây, đúng không?

Tên của chúng tôi thật rồi. Trong giấy, người ta còn ghi rõ địa chỉ và số phòng apartment của chúng tôi nữa. Tôi chưa kịp rõ nguồn cơn, bà già Mỹ đã tiếp lời:

- Mẹ ở cơ quan thiện nguyện, có nhiệm vụ giúp đỡ các con . Mẹ tên là Maurice. Còn con, tên là “en” phải không?

Mẹ Maurice tự nhiên quá, thân mật quá, khiến tôi gọi trả lại bà la “mom” chẳng chút ngượng ngùng.

- Con xin lỗi Mẹ. Mẹ tới thăm chúng con, vậy mà chúng con vô tình không biết. Tên con là AN, không phải đọc là EN, Mẹ ạ!

Bà xuýt xoa quay qua vợ và thằng con tôi:

- Còn cô này và thằng này? Cái tên cũng khó kêu quá!

- Vợ con tên là T…U…Y…E…T…Còn thằng con tên là C…U…O…N…G…

Mẹ Maurice vừa cười vừa lắc đầu. Bà đọc tới đọc lui, vẫn lọng cọng, vẫn không thể gọi tên vợ và thằng con tôi một cách chính xác. Cuối cùng, Mẹ dắt tôi ra xe, mang vào nhà lỉnh kỉnh những túi xách. Mẹ vui vẻ bày từng món lên chiếc thảm màu vàng rực.

- Đây là bình trà và sáu cái tách dễ thương. Đây là lô dĩa chén cho các con dùng bữa. đây là chậu rửa rau, bình pha cà phê, máy xay sinh tố, máy xay thịt. Còn cái này là nồi nấu cơm, nồi hầm thịt, chảo chiên trứng…

Vợ tôi trố mắt nhìn từng cái. Nàng rất đỗi vui mừng vì được làm chủ những vật dụng mà từ trước tới giờ nàng chưa bao giờ chạm tay tới.

- Con rất cám ơn Mẹ. Mẹ đã tặng các con những vật dụng quí giá. Khi xài chúng, chắc con sẽ luôn nhớ đến Mẹ.

- M không cn cn các con nh M đâu. M mun phn nào hàn gn li vết thương mà thi gian qua chính ph M đã bđãi các con trong chiến tranh Vit Nam.
Tôi cảm động đến rưng rưng nước mắt. Mẹ Maurice đã làm tôi nhớ lại chiến trường, nhớ đến đồng đội. Tội nghiệp cho tuổi trẻ chúng tôi, vừa lớn lên, xếp bỏ bút nghiên để hiến thân bảo vệ đất nước. Và đau đớn thay, chúng tôi bị bức tử, bị lùa vào ngục tù một cách tức tưởi.

- Bây giờ Mẹ có việc phải đi ngay. Ngày mai hai đứa con của Mẹ: thằng David và con Ann sẽ đến đây dẫn các con đi chợ. Chào các con nha! Chúc các con một ngày tốt đẹp.

Tôi đưa Mẹ Maurice ra cổng. Nhìn dáng Mẹ tất bật, vội vã – tôi chợt nhớ đến Mẹ tôi ở Việt Nam. Ôi! Những bà Mẹ, dù khác giống nòi, khác màu da…đều có chung một tấm lòng giống nhau – một tấm lòng bao dung, độ lượng… cao như núi non, rộng như biển cả.

Đúng như lời Mẹ Maurice hứa, trưa hôm sau, có hai vợ chồng trẻ người Mỹ đến gõ cửa phòng tôi.

- Chào ông bà. Xin giới thiệu tôi là David, còn vợ tôi là Ann. Chúng tôi đến đây để đưa ông bà đi chợ. Mời ông bà ra xe.

Ann đưa vợ tôi vào một ngôi chợ Mỹ. Còn David chở tôi đi lòng vòng. Hắn tắp xe vào những khu có cộng đồng người Việt sinh hoạt, giới thiệu với tôi từng chi tiết. Trò chuyện một lát, hắn và tôi thân thiện nhau ngay.

- Mày có thích ra biên giới Mễ nhìn cho biết không?

Tôi ngập ngừng, ngần ngại:

- Ở gần đây không? Xa thì thôi. Sợ làm phiền mày.

- Gần đây. San Diego sát với biên giới Mễ mà. Mày chưa coi bản đồ sao?

David chạy một hơi đến biên giới. Hắn lái xe giỏi thật! Hắn xàng qua lách lại điêu luyện như tên nài chơi ngựa trong trường đua. Cuối cùng, hắn dừng lại trên một đỉnh cao.

- Nhìn kìa! Mày có thấy border/biên giới phía tay phải không? Bên kia là Mễ. Mày sẽ có dịp qua đó du lịch, khi mày cầm thẻ xanh trong tay.

Tôi nhìn border phía trước. Border chỉ là một cánh cổng rộng cho sự ra vào hợp pháp giữa hai bên. Mù mờ tít xa là nước Mễ bao la. Cũng những cụm mây xám sà xuống với hàng loạt dãy núi kéo dài.

David đưa tôi về Apartment cũng vừa lúc Ann và vợ tôi xách lỉnh kỉnh những túi thức ăn vào nhà. Vợ tôi không giấu được nỗi vui mừng, cứ cười toe toét:

- Gần năm chục đồng thức ăn đó anh ạ! Mình không dám mua nhiều, nhưng chị Ann cứ bảo: lấy đi, lấy đi! Chị sẽ trả tiền cho. Mình ngại quá anh à!

Từ đấy, gia đình tôi và gia đình Mẹ Maurice gắn liền với nhau như bóng với hình. Cuối tuần, David lái chiếc truck đến nhà gọi tôi đi làm công tác thiện nguyện. Công tác chỉ vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ.Chúng tôi thường đến giúp đỡ những người già neo đơn. Đôi khi giúp họ ăn uống. Đôi khi dọn dẹp rác rến trong garage. Đôi khi cắt cỏ xung quanh nhà. Đôi khi di chuyển một món đồ nào đó qua nơi khác… Lần đi nào, Mẹ Maurice cũng dành cho tôi một phần ăn to tổ bố.

Và sau chuyến công tác, Mẹ luôn thân thiện đặt vào túi tôi những tờ giấy bạc mười đồng.

Mt hôm, David lù lù ti, trao tn tay tôi mt chiếc xe đp mi toanh, và mt tm giy ca M Maurice:
“Certificate chứng nhận
chiếc xe đạp này của AN
do Mẹ Maurice thân tặng.”

Trước khi về, David còn nhấn mạnh:

- Mẹ có dặn, mày nhớ đạp xe đến thăm Mẹ vào mỗi ngày cuối tuần.

Nghe lời Mẹ, cứ mỗi cuối tuần, tôi đạp xe từ đường 43 đến đường 50 thăm Mẹ. Mẹ ở với vợ chồng David trong một ngôi nhà nhỏ nhắn, nhưng rất xinh xắn. Tôi thích những hàng cây xung quanh nhà, David trồng đủ loại, từ cam, quít, chanh… đến nho, lê, táo.

Buổi sáng, Mẹ Maurice thường ngồi uống cà phê với Ann nơi chiếc bàn bằng đá, dưới bóng mát của tàng cam xum xuê trái. Lúc nào Mẹ cũng để dành cho tôi một phần hot dog với tách cà phê sóng sánh hương vị. Mẹ luôn xem tôi như một người con trong gia đình. Tôi cũng vậy. Tôi tự nhiên như anh em với David từ lâu, tôi cần cù bầu từng nhánh cam, chiết từ cành quít cho David trồng thêm trên phần đất trống xung quanh nhà. Nhìn những nhánh cây mọc rễ trắng xóa trong bầu, Mẹ Maurice thích chí cười ha hả:

- Thằng này giỏi thật! Vậy mà thằng David không biết cứ xách tiền đi mua từng cây về trồng. Nhờ con, bây giờ Mẹ chỉ cần chiết nhánh, rồi chờ ngày bén rễ đem xuống đất vun phân tưới nước. Vừa tiết kiệm tiền, vừa tiết kiệm công. Hay quá!

Ngày qua ngày, tám tháng trợ cấp của chính phủ Mỹ vùn vụt trôi qua. Tôi chưa kịp có ý định tìm việc làm thì Mẹ Maurice đã nhắc David:

- Thằng An sắp hết trợ cấp. Ngày mai con dắt nó xin việc làm đi!

David nheo mắt, ngó tôi từ đầu tới chân:

- Ê, ở Việt Nam mày làm nghề gì?

Tôi cười hề hề, rồi đưa ngón tay trỏ lên, cong lại:

- Bóp cò.

- Trời đất! Mày đùa hay nói thật, thằng quỷ?

Mẹ Maurice chêm vào:

- Thì nó đi lính, ngày xưa…

David nhảy chồm lên, hớn hở:

- Vậy, tao có job cho mày rồi.

- Job gì?

- Security.

Ngày mai, sáng sớm, chưa kịp nhâm nhi ly cà phê đầu ngày, tôi đã thấy chiếc truck của David sà ngay cổng apartment. Hắn tức tốc bốc tôi lên xe, chạy một mạch đến các hãng security nằm trong vùng San Diego. Đi tới đâu, khi nhìn bộ vó chưa đầy 48kg của tôi, ai ai cũng lắc đầu từ chối. Tức quá, David nổi khí xung thiên, vừa chỉ vào người tôi, vừa lớn tiếng với ông Mỹ, chỉ huy toán security:

- Ê! Mấy ông đừng coi thường thằng này nha! Nó chuyên môn bóp cò ở xứ nó đó. Ê! Nó là sĩ quan chỉ huy, thâm niên công vụ… Mấy ông biết không?

Toán security lao nhao, tên chỉ huy phải chạy đến gần David, xuống nước nhỏ:

- Khi nào opening job, tôi hứa, tôi sẽ gọi điện thoại cho ông.

David lôi tôi phóng lên xe, trước khi rồ máy chạy, hắn còn nói vói theo tên chỉ huy:

- Ê! Hứa giữ lời nha! Tao chờ điện thoại tụi bây đó.

Mẹ Maurice buồn rầu khi nghe David kể lại chuyện tìm job của tôi. Mẹ cũng rưng rưng nước mắt khi nhìn lại thân thể gầy gò ốm nhách ốm nhom của tôi.

- Con phải uống sữa, ăn thịt bò hàng ngày… để có da có thịt một chút. Có sức khoẻ, con mới làm việc được.

Nghe lời Mẹ dặn, sau vài tuần tẩm bổ, tôi đã lên cân vù vù. Và kế đó, tôi cũng đã tìm được việc làm ở một hãng golf. Mặc dù đồng lương giới hạn, nhưng công việc bận rộn liên miên. Tôi làm overtime lu bù. Có khi làm luôn cả ngày chủ nhật.

Lần đầu tiên là nhân viên một hãng xưởng, nên tôi rất thích thú và đam mê công việc, vì vậy một thời gian dài tôi đã không đến viếng thăm Mẹ Maurice. Có lẽ vì bặt tin tôi, nên ngày chủ nhật hôm đó, Mẹ Maurice lọ mọ đến tìm tôi. Trời ơi! Mẹ Maurice đây sao? Một bà già Mỹ yếu ớt, chống gậy liêu xiêu gõ cửa apartment.

- Mẹ ơi! Làm sao Mẹ ra nông nỗi này hỡi Mẹ?

- Mẹ bị stroke con ạ! Mẹ đến thăm con lần này, rồi Mẹ sẽ về New York, gần gũi với đứa con gái của Mẹ.

- Chuyện gì đã xảy ra cho Mẹ?

- Không. Chẳng có chuyện gì hết. Mẹ muốn đi thăm con gái.

Tôi ôm Mẹ Maurice vào lòng, và chợt nghĩ đến những nỗi đau âm thầm mà những người Mẹ đã một mình gánh chịu. Sự hy sinh vô bờ bến đó chỉ có trong trái tim, trong tấm lòng người Mẹ. Mẹ Maurice và Mẹ ruột của tôi giống nhau ở điểm này.

Thời gian dài sau nữa, tôi hoàn toàn mất liên lạc với Mẹ Maurice, David và cả Ann. Rồi một hôm, trong lòng tôi bỗng xốn xang bức rức, như có linh tính báo về điềm xấu nào đó, tôi vội xách xe chạy lên đường 50. Căn nhà xinh xắn vẫn còn đây. Những hàng cây xum xuê trái vẫn dày đặc bóng mát. Cái bàn đá vẫn ở chỗ cũ. Những nhánh cây do bàn tay tôi chiết cho David giờ đã mơn mởn xanh, phơi phới đón gió chiều. Chỉ có căn nhà là đổi chủ.

Người ra tiếp tôi là một ông Mễ bụng phệ. Ông ta cho tôi biết David và Ann đã ly dị nhau, và họ đồng ý bán căn nhà này lại cho ông. Còn bà Maurice mất rồi, hình như bà mất lúc đang ở New York thăm con gái. Tôi xin phép hỏi thêm vài câu nữa, nhưng ông ta lắc đầu và khép cánh cửa lại.

Như có ai cầm dao đâm thấu tim gan mình, tôi lảo đảo ra xe, gục mặt vào tay lái, thổn thức từng cơn. Trời ơi! Tôi đã vô ơn với Mẹ Maurice. Tôi đã bội nghĩa với David và Ann. Niềm hối hận này, không biết bao giờ mới xoa dịu được.

Thưa M Maurice,
Hôm nay, con viết bài này như nén nhang kính dâng lên Mẹ, như ngàn lời tạ lỗi cùng Mẹ, và rất mong Mẹ rộng lượng thứ tha cho đứa con nuôi vô ơn và bạc nghĩa này.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa gặp lại David và Ann. Chẳng biết họ đã nối lại tình xưa hay mỗi người mỗi nơi với cảnh ngộ khác nhau?

Và mùa lễ Tạ Ơn nào cũng vậy, tôi luôn phóng xe đến đây với chai rượu trong tay, cố gắng xóa đi nỗi buồn khi tưởng nhớ.


Phm Hng Ân





Không có nhận xét nào: