a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.
Hiển thị các bài đăng có nhãn LOI HAY Y DEP. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn LOI HAY Y DEP. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

Những truyện thật ngắn... đọc sao thấy cay mắt quá…


Đọc đi rồi đọc lại vẫn thấy buồn buồn...
1- Ước mơ
Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:
- Nếu cô trúng số con muốn cô mua cho con cái gì?
Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:
- Cho con xin một chiếc xe đạp. Nếu có xe đi bán xong con chạy tới trường liền, không bị trễ học nữa.
Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:
- Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.
Dĩ nhiên là chị không trúng số…
Tôi vẫn thấy nó mỗi ngày đi ngang qua nhà tôi với chân trần, đầu không nón...
2- Nghỉ lễ
Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn:
- “Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ.”
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó:
- “Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nữa lựng…!”
3- Ngày cưới của cha
Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn 200 cây số đường, quành quả các thứ lo đám cưới cho anh.
Anh kế, rồi đến tôi đám cưới ba lo lắng đến từng chi tiết, cả đến cách lạy, cách đi đứng như thế nào cho phải đạo...
Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn hàng chục năm. Khi các con đã yên bề cả, ba đi thêm bước nữa, ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng mặt...
4- Lòng tin
Xe ngừng…
- Mận ngọt đây..!
- Bao nhiêu tiền bịch mận đó?
- Dạ 2000.
- Hổng có tiền lẻ!
- Để con đổi cho!
Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…
- Trời! Đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!
- Ai mà tin cái lũ đó chứ!
- Bà tin người quá! ...
Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:
- Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho.
5- Lời hứa
Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó:
- “Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi.”
Mắt thằng Linh sáng rỡ.
Ngày lại ngày. Cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian. Thoắt mà đã hết năm.
Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn thì thằng Linh cứ thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn trong tiếng nấc:
- “Chú hứa chở con đi chơi… cả năm qua con ngoan… không hư một lần nào…”
6- Ba
Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học.
Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo:
- “Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghỉ cho khỏe.”
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà bây giờ, sao nghe chát cả bờ môi.
7- Khoe
Ngày xưa, khi có ai hỏi con: "Bố làm nghề gì?" Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học và mong sau này con có được một nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội.
Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là;
- "Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận."
Bố buồn, chỉ ao ước được một lần nghe con khoe về nghề của bố ...
8- Nhạt
Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã.
Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm.
Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn.
... Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta bảo kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá nhạt.
Nhạt nên người ta không ăn của ông nữa...
9- Anh Hai
Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố Mẹ giận dữ, mắng:
- “Sanh ra.. Giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…”
Anh lặng thinh không nói năng gì. Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế!
Ngày bé Út vào Đại Học, phải xa nhà, lên thành phố ở trọ. Anh tự ý bán đi con bò sữa, gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út.
Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “Út ráng học ngoan nghen…”
Miệt mài 4 năm đại học, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê… Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh trên bàn thờ nghi ngút khói… Mẹ khóc:
- “Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ… lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…”
10- Đưa đón
Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô.
Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố:
- “Sao bố không đi đón nội.”
Bố bảo:
- “Bận quá.”
Ngoại từ nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ô-tô đi đón. Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố bảo:
- “Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách.”
11- Đợi
“Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá mẹ nhỉ! ” Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ.
Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩng lên nhìn bà, mắt mẹ thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu…
Sau đó nó biết ông nó khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi.
Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông không về đâu, ông chết rồi!” Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong.
Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: Bà muốn đợi ông về, dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành xa lạ.
Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn…
Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà, đợi bà đi ngang qua…
12- Xa xứ
Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu viết:
"Ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…"
Cuối năm viết:
"Mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…"
Mùa đông sau viết:
"Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ bến chợ xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…"
13- Bàn tay
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... Mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... Chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu nay sao mình quá vô tình.
14- Ăn cơm (Nguyễn Thanh Bình)
Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.
Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.
Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng:
- “Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!”
Đến đây, vì cái bao tử thúc giục, thằng Tèo tham chiến:
- “Con không thèm ăn mấy thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!”
15- Cha tôi (Nguyễn Minh Hiếu)
Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn.
Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận.
Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói:
- "Ba sợ các con còn giận mẹ..."
16- Mồ côi (Nguyễn Văn Hùng)
Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
- “Giá như mẹ đừng ‘đi xa,’ thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.”
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
- “Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.”
Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
“Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình cũng đỡ lạnh một bên...”
17- Lát nữa về (Phạm Thu Hiền)
Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào.
Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị. Chị dỗ dành :
- “Nín đi con! Lát mẹ về.”
Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nó khóc. Nó nhìn chị, ngây thơ :
- “Nín đi mẹ! Con đi chơi với ba. Lát con về...”
18- Cần thiết
Ngày cô theo gia đình định cư ở nước ngoài, Thầy buồn nhiều vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón Thầy sang, nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời thầy gắn bó với trường lớp đã bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ.
Một lần gọi điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi:
- "Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền."
Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp:
- "Anh chỉ cần em."
19- Xót xa
Tần tảo dành dụm những đồng tiền lẻ từ mớ rau, củ khoai, con cá con tôm bắt được để gởi lên cho chị Hai ăn học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch, chị Hai ở luôn trên thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay, dễ chừng gần ba năm, chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:
- “Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?”
Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra:
- “Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!”
Nói xong, chị Hai đứng dậy, nhanh chân bước lên nhà trên.
Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu:
- Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi!...
20- Đau Lòng (Chơn Phát)
Mẹ làm gần nhà, về nhà ăn, nghỉ trưa. Me dấu Ba, thường đem ông Gia Nã Đại về mẹ hầu cơm trưa. Ba biết được; Cảnh cáo Mẹ.
Một hôm Mẹ bảo Ba rằng Mẹ đã mua vé máy bay đưa các con đi Gia Nã Đại thăm ông bà ngoại.
Quả thực Mẹ đưa các con về nhà ông bà ngoại ở, còn Mẹ đi đến nhà ông Gia Nã Đại đó (ông ta đã về nuớc).
Môt hôm, quá nửa đêm, 3 giờ sáng cả gia nhà đang ngủ ngon, bỗng chuông điện thoại reo lên, Mẹ tung mền vội chạy tranh “phone” với con gái. Mẹ bảo “Phone” của Mẹ, của bạn mẹ ở sở.
Người đàn ông nào ở sở gọi mẹ 3 giờ sáng?
Ba không làm ồn ào.
Mẹ năn nỉ Ba:
- “Đừng gọi cho ông bà ngoại. Ông ngoại sẽ bị đứng tim khi nghe tin này.”
Ba không gọi ông bà ngoại. Ba cũng không gọi cảnh sát, sợ ồn ào thì láng giềng coi nhà ta ra gì! Nếu gọi đến sở thì cả hai, mẹ và ông Gia Nã Đại, đều bị đuổi việc. Ba đành nín thinh vì danh giá của gia đình, và vì các con còn đang đi học.
Ba bị bịnh tim mạch, cao máu, tiểu đường chểnh mảng công việc nhà… Mẹ đi rêu rao với anh chị em, bà con.
Rồi Mẹ bỏ đi. Mẹ gọi về đòi ly dị vì lý do Ba không còn dọn dẹp nhà cửa tốt như xưa…
21- Nó (Thanh Hải)
Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành:
"Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!"
Vậy là nó nín. Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo:
"Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!"
Rồi lấy tay đặt trên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.
22- Vòng cẩm thạch (st)
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười:
"Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui."
Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.
23- Quà sinh nhật (st)
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má:
"Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?"
Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi:
"Sao má chẳng ăn gì?"
Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến...
24- Khóc (st)
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa. Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ. Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:
"Tội nghiệp mẹ. 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh."
25- Cua rang muối (st)
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo:
"Răng yếu."
Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
"Cua rang muối thật đó mẹ."
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
"Còn răng đâu mà ăn?!"
26- Người yêu và mẹ
(Nguyễn Hồng Ân)
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm.Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen:
“Bạn gái con xinh.”
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo:
“Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…”
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì...


NHẬN RA…!
…Khi chúng ta già đi, cũng là lúc chúng ta trở nên khôn ngoan hơn với cuộc đời, từ đó mà dễ dàng nhận ra:
Một chiếc đồng hồ mệnh giá 300 USD hay 30 USD thì suy cho cùng, kim giờ kim phút cũng chỉ cùng một thời gian.
Một chiếc túi xách mệnh giá 300 USD hay 30 USD thì suy cho cùng, số tiền bên trong đều có cùng giá trị như nhau.
Một chiếc xe ô tô mệnh giá 150.000 USD hay 30.000 USD thì suy cho cùng, con đường, khoảng cách và địa điểm cuối cùng chúng ta đi đều giống nhau.
Một chai rượu vang mệnh giá 300 USD hay 10 USD thì suy cho cùng, say rượu vẫn chỉ là đau đầu và nôn mửa.
Một ngôi nhà rộng 30 hay 300 mét vuông thì suy cho cùng, nỗi cô đơn có thế nào vẫn cứ tồn tại.
Một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra hạnh phúc thực sự không đến từ vật chất.
Cho dù bạn chọn ghế hạng nhất hay hạng phổ thông thì khi máy bay hạ cánh, bạn cũng phải bước xuống.
Vì vậy, tôi hi vọng bạn nhận ra khi nào bạn còn có bạn bè, người thân bên cạnh để cùng trò chuyện, nói cười, vui vẻ đàn hát với nhau, tám đủ thứ trên trời dưới biển… thì lúc ấy là lúc hạnh phúc thực sự./.
Sưu tầm




Đọc bài thơ trên mạng mà rùng mình.
Tác giả là một thầy giáo ở Nha Trang.
Bài thơ được viết trong những ngày mẹ anh bệnh nằm một chỗ, và anh là người tự tay tắm rửa cho mẹ sau những giờ đi dạy về.
Trân trọng cảm ơn Thầy CONG KHANH PHAN đã lan tỏa bài thơ rất xúc động ạ!!!!
MÙI CỦA MẸ
Thơ: Nguyễn Văn Anh
Thời son trẻ
Mẹ thơm mùi con gái
Mùi tằm dâu rơm rạ quê nhà
Mùi bồ kết hương cau thơm lắm
Mùi thanh xuân đồng nội
Mẹ trao cho cha
Ngày vỡ ối con ra
Mẹ còn thơm mùi chăn gối
Mùi tro than hột muối củ gừng
Con bú mớm
Mẹ thơm mùi vú mọng
Con đi lẫm chẫm
Mẹ thơm mùi cơm nhão, cháo hoa
Con đến trường làng
Mẹ thơm mùi lúa rơm gạo mới
Con lên trường huyện
Mẹ thơm mùi cơm bới mo cau
Khi con ốm đau
Mẹ thơm mùi của Phật
À ơi…
Ôm con mùi Mẹ tỏa ra
Bệnh hoạn tiêu tán, tà ma phải lùi
Ngày nắng hạn
Mẹ thơm mùi me đất
Tháng mưa dầm
Mẹ thơm mùi con cá chột nưa
Con xa nhà mang theo mùi của Mẹ
Đi đông đoài nam bắc
Là con đi đất bằng biển lặng
Là con đi chân cứng đá mềm
Ơi những kẻ đi xa
Có nghe thơm mùi của Mẹ
Mẹ thơm mùi bếp lửa quê nhà
Mùi của Mẹ là mùi rất thật
Ngày con thành gia thất
Mẹ thơm mùi treo cưới
Mùi áo khăn đèn rượu trầu cau
Ngày tháng qua mau
Thoảng chút hương đời con hể hả
Mẹ còn giữ một mùi dân dã như rơm
Đời con lận đận áo cơm
Mẹ là áo gấm, tám thơm, nồi đồng
Đời con mỏi gối chồn chân
Lạ thay Mẹ vẫn thơm mầm lộc non
Con mấy mặt con
Vẫn ngỡ mình bé dại
Vì nhà ta còn mùi Mẹ, mùi Bà
Mùi Bà – mùi cái vú da
Mùi cau trầu với mùi hoa mẹ trồng
Mẹ ơi
Mẹ mới đó
Bốn mùa mặc áo the thâm
Sao nỡ vội già không trẻ mãi
Để vãn buổi chợ chiều tất bật đi mau
Vì biết cháu chờ gói kẹo cau đùm trong lá chuối
Ôi cục kẹo cau có hương bưởi hương ngâu
Có con cu kêu đầu hồi để thời gian qua chi vội
Bây giờ tội nghiệp Mẹ tôi
Tám mươi ba tuổi xếp đôi cánh cò
Mùi của Mẹ quanh co giường chiếu
Mùi trần ai khô kiệt xác thân
Mùi da xương bên ướt Mẹ nằm
Để cả đời bên ráo con lăn
Khuya nay quỳ xuống ôm chân
Mẹ ơi đã lạnh toàn thân...Mất rồi!
Cây cau già ngoài sân chết đứng
Ngọn trầu không héo úng rụng rời
Gió khóc ngoài giậu mồng tơi
Tre trúc quờ quạng tìm hơi Mẹ già
Mẹ hiền đi chuyến chợ xa
Mùi Mẹ cánh Hạc bay ra cõi Trời
Con thành đứa trẻ mồ côi
Lặng chiều nhang khói tìm hơi Mẹ hiền!
Mẹ ơi


CẢM ƠN NHỮNG LỜI CÀU NHÀU CỦA MẸ...

Chàng trai trẻ hôm nay đi phỏng vấn tìm việc. Đó là một công ty có tiếng và có vị trí việc làm phù hợp với năng lực của anh. Anh rất háo hức với viễn cảnh nhận được công việc chính thức đầu tiên của của đời. Có việc, có thu nhập anh sẽ ngay lập tức rời khỏi nhà của bố mẹ, lên thành phố này thuê trọ và tận hưởng cuộc sống của tự do. Nghĩ đến cuộc sống tại gia đình với hàng nghìn công việc lặt vặt, vô nghĩa, chẳng tạo ra thu nhập, chẳng xứng đáng với năng lực của mình làm anh phát ngán. Không những thế, bố mẹ anh còn phàn nàn liên tục, nhức nhở liên tục, nhận xét liên tục về những công việc vô ngĩa đó. Nào là phải dậy đúng giờ dù là ngày nghỉ, là phòng phải gọn gàng trước khi bức chân ra khỏi nó, để đồ vật vào đúng vị trí sau khi sử dụng, tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi phòng, kiểm tra vòi nước, dọn sạch sàn và đóng cửa phòng tắm trước khi rời khỏi nó vân vân và mây mây. Ôi những lời nhắc nhở, những điều tủn mủn khiến anh phát điên… Anh đã là một thanh niên, anh có học thức, anh không muốn bị nhắc nhở những điều tầm thường như thế, nếu có những lời nhắc nhở, anh muốn nó phải là những điều gì đó lớn lao, về khởi nghiệp, về khát vọng, về thành công…
Phải quyết tâm, phải tỉnh táo, phải tự tin, mình phải thắng trong buổi phỏng vấn này: “Chỉ khi mình thành công trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay thì mình mới có thể thoát khỏi ngôi nhà tù túng với những lời càu nhàu không ngớt ấy. Mình sẽ được hít thở bầu không khí tự do. Mỗi lần về thăm nhà bố mẹ sẽ phải ứng xử với mình theo cách khác, như một vị khách, như một người trưởng thành…”. Chàng trai vừa tự trấn an mình, lên dây cót cho mình vừa ôn lại trong đầu những bí quyết vượt qua phỏng vấn tuyển dụng mà cậu đã đọc trong cả chục cuốn sách…
Công ty lớn, vị trí việc là tốt và mức lương hấp dẫn nên ứng viên rất nhiều. Chàng trai vẫn phải ngồi đợi đến lượt mình dưới phòng chờ của công ty. Nhìn quanh, chàng trai thấy có rất nhiều ứng viên đang ngồi trong văn phòng đó. Họ sốt ruột, họ bồn chồn, họ lặng im hoặc họ đang giở những cuốn bí kíp của mình ra đọc lại một lần nữa…
Chàng trai nhìn thấy đèn hiên trong văn phòng vẫn sáng và đã mười giờ sáng. Nhớ lời cha dặn, anh đứng dậy tắt đèn.
Sau đó anh nhìn thấy cây lọc nước hai vòi nóng lạnh đặt ở góc phòng chờ, vòi nước nóng đang rỉ nước tí tách. Anh đi đến và gạt cần gạt nước về đúng vị trí của nó. Nước nóng đã thôi chảy tí tách ra ngoài. Anh lấy khăn giấy khô ở đó lau những giọt nước bắt ra xung quanh để máy ước trông khô ráo và sạch sẽ.
Buổi phỏng vấn thực hiện trên phòng nhân sự, tầng 2 của tòa nhà.
Đã đến lượt mình, anh rời phòng đợi để lên tầng 2, khi đi lên lầu, anh nhìn thấy có một chiếc ghế ở ngay lối đi, anh ta đã dọn nó ra và để sang một bên rồi đi lên tầng hai.
Hành lang đợi ngoài phòng phỏng vấn cũng khá đông những người đã được gọi lên trước anh ngồi chờ. Vài chiếc ghế lộn xộn giữa đường, anh xếp lại nó vào đúng chõ, những mẩu giấy ướt, vỏ bánh trên ghế, anh nhặt cho nó vào thùng rác.. và ngồi vào vị trí đợi của mình.
Lúc này, chàng trai quan sát thấy các ứng viên phỏng vấn trước anh bước vào phòng phỏng vấn và lập tức bước ra sau khoảng 1 phút. Người nào cũng vậy.
Anh giữ một ứng viên lại và hỏi thăm thì biết, người phỏng vấn cũng không hỏi gì cả. Họ chỉ nhận hồ sơ từ ứng viên, nhìn họ vài giây và để họ ra về với câu nói: Chúng tôi sẽ liên lạc lại khi có nhu cầu.
Số chàng trai trẻ đã đến. Anh ta đi vào trong và đưa hồ sơ của mình cho người phỏng vấn. Sau khi xem hồ sơ của anh, người phỏng vấn nói: “Khi nào cậu có thể bắt đầu đi làm?”
Chàng trai trẻ đớ người vì ngạc nhiên. Anh đã được nhận???
Nhìn mặt anh, người phỏng vấn nói: “Hôm nay phỏng vấn không có ai hỏi gì cả. Chúng tôi nhận thấy hành vi của mọi người trên màn hình thông qua camera trong phòng đây. Mọi hành vi của các bạn từ lúc bước vào tòa nhà, bạn chào người mở cửa ra sao, làm gì khi ngồi phòng đợi, lên cầu thang và vào đây đều được ghi lại. Mọi người đến nhưng không ai chào cảm ơn người bảo vệ già mở cửa, không ai tắt vòi máy nước nóng, không ai tắt đèn. Khi lên cầu thang, chiếc ghế chắn đường cũng không có ai dọn nó. Không ai thấy những mẩu rác trên ghế ngồi. Bạn có những giá trị và thói quen tốt.
Người không có kỷ luật tự giác thì dù thông minh, thông minh đến đâu cũng không thể thành công trong quản lý và cuộc sống”.
Sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc. Chàng trai về đến nhà và ôm lấy bố mẹ.
Anh ấy xin lỗi bố mẹ, cảm ơn họ và nói: “Trong cuộc đời con, bằng cấp của con không có giá trị gì so với những bài học con học được từ cha mẹ, từ những lời cằn nhằn của cha mẹ trong những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt.
Hôm nay, con biết rằng không chỉ trình độ học vấn mà cả những thói quen và giá trị tốt cũng có tầm quan trọng riêng nếu con muốn thành công trong cuộc sống.”
Để sống trên thế giới, thiết lập và giữ vững các giá trị tốt đẹp là cần thiết. Tôn trọng cha mẹ một trong những thành phần quan trọng nhất của các giá trị đó.

NVH- từ thitham.blog




Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

BIẾT ĐỦ LÀ ĐỦ

Tượng hai bàn tay tại Khackiv, Ukraine

Bạn tôi có đứa cháu ở quê. Nhà cháu rất nghèo. Khi hỏi "Kinh tế thế nào?", cháu nói: "Ổn chú ạ. Ruộng cấy đủ thóc ăn quanh năm, mảnh vườn sau nhà, mùa nào có rau đó. Chả thiếu thứ gì. À, mà tháng chín này, cu Tý nhà cháu đến trường, cháu đang thiếu tiền để mua cho nó một đôi dép". Số tiền, mà cô cháu này thiếu, chỉ là mấy chục nghìn.
Tôi nhớ tới một người bạn cùng quê, hiện sống ở Hà Nội. Gia đình anh khá giả hơn. Vợ chồng anh có hai cậu con trai. Họ đã lo được cho đứa lớn du học ở Mỹ. Giờ họ phải lo cho đứa nhỏ cũng được du học như anh nó. Số tiền họ thiếu mỗi năm là... hàng tỷ đồng.
Có cái gì đó như là nghịch lý: người nghèo thiếu ít hơn, người khá giả thiếu nhiều hơn!
Khi đi bộ, bạn thiếu xe đạp. Khi có xe đạp, bạn thiếu xe máy. Khi có xe máy, bạn thiếu ô tô. Khi chưa có nhà, bạn chỉ thiếu tiền mua căn hộ. Khi có căn hộ, bạn sẽ thiếu tiền mua biệt thự...
Càng giàu, cái thiếu càng lớn hơn, cho tới khi... bạn ngộ ra đạo lý: biết đủ là đủ.
Tuy nhiên, không dễ ngộ ra đạo lý này. Chính lòng tham vô đáy của con người là trở ngại lớn nhất, như câu chuyện ngụ ngôn dưới đây.
Một vị tướng quân có công lớn, được vua ban thưởng theo cách sau: cho phép tướng quân, một người một ngựa, phi liên tục không nghỉ; ngựa phi tới đâu thì đất Vua ban tới đó. Và thế là vị tướng quân này đã lên ngựa, phi liên tục trong nhiều ngày không nghỉ. Ngựa của ông đã đi qua những vùng đất bao la rộng lớn. Ông thấy đất vẫn chưa đủ rộng. Phi tiếp. Khi người và ngựa đã rất mệt, ông vẫn cố gắng. Ông muốn lãnh địa của mình phải rộng lớn hơn nữa. Cuối cùng sức lực cũng cạn kiệt, cả người và ngựa đã gục ngã xuống đất. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông mới hiểu rằng, thực ra mình chỉ cần có sáu tấc* đất.
Người không biết đủ, dù giàu mà vẫn nghèo. Họ luôn nhìn lên những thứ người khác có, mà mình không có. Họ chẳng bao giờ hài lòng với những gì mình đang có.
Người biết đủ, dù nghèo mà không nghèo. Họ không dằn vặt vì những thứ mình không có. Thay vào đó, họ trân trọng và hạnh phúc với những gì mình đang có.
“Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc”
Biết đủ là đủ, đợi cho đủ, thì bao giờ mới đủ.
DieuLe__Sưu tầm




DÙ BẠN LÀ AI CŨNG ĐỪNG BỎ QUA BÀI VIẾT NÀY

(Hãy đọc để thức tỉnh)
1. Lòng tin là thứ mà một khi ta đã mất thì khó có thể trở lại như ban đầu. Vì vậy, hãy sống đúng ngay từ đầu bởi trường học có bút xóa nhưng trường đời thì không.
2. Đừng nghĩ mãi về quá khứ nếu nó chỉ mang tới những giọt nước mắt. Đừng nghĩ nhiều về tương lai, nó chỉ mang lại sự lo sợ. Sống ở hiện tại với nụ cười trên môi như trẻ thơ. Nó sẽ mang lại niềm vui cho bạn.
3. Cuộc đời vốn chẳng có thứ gì hoàn hảo nhưng mỗi người đều có nét đẹp riêng, thiên tài ở chỗ là mỗi người tìm ra được nét đẹp của chính mình và hoàn thiện nó.
4. Cuộc sống có 3 cái đừng:
– Đừng hiền quá để người ta bắt nạt
– Đừng ngốc quá để người ta đùa giỡn
– Đừng tin tưởng quá để người ta lừa dối.
5. Cuộc đời ngắn lắm nên đừng lãng phí thời gian của mình với những người không có thời gian dành cho bạn.
6. Con người tạo ra để được yêu thương . Vật chất tạo ra là để sử dụng. Nhưng vì một lí do nào đó, vật chất lại được yêu thương. Còn con người thì lại bị lợi dụng.
7. Đá còn có thể mòn huống chi là lòng người. Thay đổi trước sau âu cũng là chuyện thường tình. Duyên là do người giữ. Hết thương rồi có cố mãi cũng bằng không.
8. Đồng xu tuy có 2 mặt nhưng chỉ có 1 mệnh giá. Con người chỉ có 1 mặt cớ sao lại sống 2 lòng.
9. Làm người nhất định phải có lương tâm! Nhất định không được quên người đã từng giúp đỡ bạn, nếu không bạn sẽ ngày càng ít bạn bè, đường đi sẽ ngày càng hẹp.
10. Ngay cả ngõ cụt cũng là điểm xuất phát, nếu bạn biết quay lưng.
11. Có những người họ quên những lần ta giúp đỡ họ, nhưng sẽ nhớ mãi một lần ta từ chối họ.
12. Quan tâm nhiều quá đồng nghĩa với làm phiền. Yêu thương nhiều quá, người ta lại không biết trân trọng!
13. Dựa núi, núi hóa thành vôi,
Dựa nước, nước chảy ra ngoài biển Đông.
Dựa người, người đổi thay lòng,
Chỗ dựa chắc chắn chỉ trong chính mình.
(Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh)
14. Có hai sai lầm lớn trong cuộc sống. Một là sống cho người khác coi. Hai là coi người khác mà sống. Thật ra chỉ cần bản thân cảm thấy hạnh phúc là được. Đừng mãi nhìn vào người khác mà đi sai con đường dưới chân mình.
15. Bạn có tốt bao nhiêu thì vẫn có người ghét bạn. Đó là điều không thể tránh khỏi.
16. Có lẽ cần phải trải qua tuổi thanh xuân mới có thể hiểu được tuổi xuân là khoảng thời gian ta sống ích kỷ biết chừng nào. Có lúc nghĩ, sở dĩ tình yêu cần phải đi một vòng tròn lớn như vậy, phải trả một cái giá quá đắt như thế, là bởi vì nó đến không đúng thời điểm. Khi có được tình yêu, chúng ta thiếu đi trí tuệ. Đợi đến khi có đủ trí tuệ, chúng ta đã không còn sức lực để yêu một tình yêu thuần khiết nữa.
17. Bất kỳ một sự đả kích nào cũng không nên trở thành cái cớ cho bạn sa ngã. Bạn không thể thay đổi thế giới nhưng bạn có thể thay đổi bản thân mình. Việc cần làm là chọn lựa một con đường đúng đắn và kiên trì bước tiếp.
18. Ai không giả dối, ai không dễ thay đổi, không ai là ai của ai hết. Hà tất phải coi một số người, một số chuyện quan trọng đến thế.
19. Tình yêu, tình bạn, không phải là cả đời không cãi nhau, mà là cãi nhau rồi vẫn có thể bên nhau cả đời.
20. Người quan tâm đến tôi, tôi sẽ quan tâm lại gấp bội!
Người không quan tâm đến tôi, bạn dựa vào cái gì mà bảo tôi phải tiếp tục?


Theo: Quà tặng cuộc sống

 





Ở ĐỜI, ĐỐI VỚI NGƯỜI GHÉT BẠN, SỰ TRẢ THÙ KHÔN NGOAN NHẤT, CHÍNH LÀ 2 CHỮ NÀY.
Sống trên đời, ai cũng phải đối mặt với những người ganh ghét và đố kỵ với bạn, đó là điều không tránh khỏi. Vậy bạn nên làm gì với những người này, hãy ghi nhớ những điều sau đây:
* Đừng nghe, hãy phớt lờ những lời vu khống:
Một người nói xấu người khác, về bản chất là đang cố gắng đề cao bản thân mình. Từ quan điểm tâm lý học mà nói, một người như vậy thực ra có một lòng tự trọng rất thấp, họ không thể nhận được phản hồi tích cực từ những nơi khác, và chỉ có thể vu khống người khác để đạt được sự hài lòng về giá trị của mình.
Không còn nghi ngờ gì nữa, cách tiếp cận này thực sự hèn nhát. Vu khống, đặt điều, dìm người khác xuống để thấy bản thân mình cao hơn, thực sự là cách làm vô nghĩa. Loại khẳng định này chỉ dựa trên sự tưởng tượng rằng, đối phương tệ hơn, còn mình bay cao như một quả bóng mà không biết rằng, rồi nó sẽ nổ tung.
Mỗi người lại có nhận thức, quan điểm sống khác nhau, và chúng ta không thể ép ai đó, theo hay hiểu mình. Đối diện với những lời đồn thổi, mình chỉ chọn một cách duy nhất là: Phớt Lờ.
Nếu bạn không đưa chúng vào đầu, chúng sẽ không ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Cho dù người khác có nói xấu bạn bao nhiêu, thêu dệt chuyện về bạn như thế nào, cuối cùng cũng chỉ như gió thoảng qua, không chút sức lực và càng chẳng hề hấn đến bạn. Theo thời gian, những kẻ vu khống đó sẽ không còn thấy niềm vui từ việc mình làm, và những lời nói ác ý kia sẽ tự nhiên biến mất. Khi bạn không cho phép, không ai có thể làm tổn thương bạn.
Không nghe không hỏi, dù thế nào cũng không liên quan đến bạn.
Bản chất của sự đối đầu đều tiềm ẩn trong mỗi chúng ta. Khi bạn có thể bỏ qua những lời gièm pha của người khác, bạn sẽ thấy mọi chuyện không hề đáng quan tâm như mình vẫn tưởng. Khi người ngoài không thể làm tổn thương bạn và không nhận được phản hồi, họ sẽ thua và bạn sẽ thắng trận mà không cần đánh.
Mỗi trải nghiệm trong đời đều là những trải nghiệm hiếm có đối với chúng ta. Dù là thất bại hay thành công, dù là vui sướng hay tủi hổ, từ đó chúng ta đều có được sức mạnh nội tại để tu thân, để mạnh mẽ hơn mà tiến bước về phía trước.
Ai nói thì người ấy nghe, bạn không thể cản người khác nói, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát những gì mình đưa vào đầu. Những người vu khống đó thực sự mong chờ, khao khát sự phản ứng lại của bạn, họ muốn thấy bạn phát điên, nổi giận và chống trả những lời của họ. Và nếu bạn nổi nóng, bạn đã thua. Họ sẽ hả hê với những gì mình đạt được, tiếp thêm niềm vui cho những lời châm chọc sau này.
Vậy mới nói, phớt lờ chính là cách "trả thù" khôn ngoan nhất. Khi bạn không nghe, không hỏi, như chuyện không liên quan đến mình, đối phương sẽ từ tức giận mà chuyển sang xấu hổ. Cách phản ứng của bạn thực sự nằm ngoài phán đoán của họ.
Không làm gì cả là cách "trả thù" tốt nhất cho những kẻ vu khống và làm tổn thương bạn.
Đến rồi đi, những kẻ vu khống bạn sẽ nhanh chóng nhận ra, với bạn, họ chẳng có nghĩa lý gì, và càng không thể làm gì tổn hại đến con người thực sự của bạn. Vì vậy, họ sẽ tự nhiên từ bỏ và không tiếp tục vu khống, cũng như làm tổn thương bạn nữa. Rèn luyện nội lực của chính mình mạnh hơn bất kỳ cách đối đầu nào.

Sưu tầm


TÔN GIÁO VÀ TỰ DO ...

Đây là một mẩu đối thoại ngắn giữa Thần học gia người Brazil, Leonardo Boff, và Đức Đạt Lai Lạt Ma…
Tại một cuộc hội thảo bàn tròn về “Tôn giáo và tự do” có Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi cùng tham dự. Lúc tạm nghỉ, tôi vừa tinh nghịch vừa tò mò hỏi Ngài:
-“Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”
Tôi nghĩ ngài sẽ nói:
- “Phật giáo Tây tạng” hoặc “Các tôn giáo phương Đông, lâu đời hơn Ki-tô "giáo nhiều”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi…Điều này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.
Ngài trả lời:
- “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng tối cao nhất. "Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”.Để giấu sự bối rối của tôi trước 1 câu trả lời đầy khôn ngoan như thế, tôi hỏi:
- “Cái gì làm tôi tốt hơn? ”
Ngài trả lời:
- “Tất cả cái gì làm anh:
-"Biết thương cảm hơn,
-"Biết theo lẽ phải hơn,
-"Biết từ bỏ hơn,
-"Dịu dàng hơn,
-"Nhân hậu hơn,
-"Có trách nhiệm hơn,
-"Có đạo đức hơn”.
- “Tôn giáo nào biến anh thành "như vậy là tôn giáo tốt nhất”.
Tôi thinh lặng giây lát, lòng đầy thán phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả lời đầy khôn ngoan và khó phản bác:
-“Anh bạn tôi ơi! Tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh. Điều thật sự quan trọng đối với tôi là cách cư xử của anh đối với người đồng đẳng, gia đình, công việc, cộng đồng và đối với thế giới”
-“Hãy nhớ rằng vũ trụ dội lại hành động và tư tưởng của chúng ta. Quy luật của hành động và phản ứng không chỉ dành riêng cho vật lý.Nó cũng được áp dụng cho tương quan con người.
-“"Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành,
-"Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão.
-"Những gì ông bà nói với chúng ta là sự thật thuần túy.
-"Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta mong muốn cho người khác
-"Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh. Đó là vấn đề lựa chọn”
Cuối cùng ngài nói:
-“Hãy suy tư cẩn thận vì Tư tưởng sẽ biến thành Lời nói,
-"Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời nói sẽ biến thành Hành động,
-“.Hãy hành xử cẩn thận vì Hành động sẽ biến thành Thói quen,
-"Hãy chú trọng Thói quen vì chúng hình thành Nhân cách,
-“Hãy chú trọng Nhân cách vì nó biến thành Số mệnh,
-“Và Số mệnh của anh sẽ là Cuộc đời của anh.
-"Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự thật."

Sưu tầm

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

Bù vào chỗ thiếu




1. Lớn lên từ văn hoá lúa nước cổ truyền với tâm lý sợ ma và cúng kính rất nhiều, mình đã quá quen với việc cúng. Làm cái gì cũng cúng cũng xin. Nhưng cũng có cái thành, nhiều cái không thành. Sau này mình chuyển qua làm từ thiện, giúp đời, và thấy mọi thứ đều tốt đẹp. Từ đó, đổi nhận thức, thấy việc cúng kính kiểu cũ không phù hợp với cá nhân mình. Ngoại trừ đám giỗ với ý nghĩa là một buổi gặp mặt quây quần của người thân, cúng không quan trọng bằng gặp, chủ yếu để hàn huyên ôn lại sinh thời của cha mẹ ông bà, thường sắp xếp vào ngày phù hợp gần ngày mất nhất của họ chứ không cần phải chính xác 100% vào ngày đó. Còn lại các hình thức cúng kính khác, mình đã bỏ.
Ngẫm thử xem. Bạn nghĩ là thần thánh sẽ đi ăn mấy con vịt quay heo quay còn nguyên đầu nguyên đuôi rồi mấy lon bia nước ngọt của mình không? Giả sử những người khuất mặt đó là có thật, thì họ cũng cao quý thanh thoát, đâu thể phàm phu tục tử mà xúm xít ngồi ăn những vật chất có thật của mình bày ra rồi "phải trả", đại loại "ăn rồi thì phải giúp tôi", tư duy trả giá đổi chác rất chợ trời. Nếu cúng kính mà văn minh phồn thịnh thì các bộ lạc ở châu Phi hay trong rừng rậm Amazon đã dẫn đầu thế giới. Các nước Bắc Âu không có cúng kính gì mà vẫn như thiên đường đấy thôi. Họ tin nhau, tin vào có sự sắp đặt của vũ trụ, tin vào nhân-quả. Mọi thứ đều bắt đầu từ những suy nghĩ thiện lành về người khác, những cầu mong thật sự cho người khác được tốt đẹp, những gì mình bỏ ra (tiền bạc, công sức...) để giúp người. Và tự dưng, may mắn!
Thay vì đốt nhang quá nhiều tạo khói độc hại ra môi trường, chen lấn để cầu xin nguy cơ lây lan bệnh tật, hãy tự mình làm những việc thiện, giúp người. Đó là cách cầu xin may mắn một cách chân thành nhất. Ngày vía thần tài cũng chỉ là do những người bán vàng từ thời kinh thành Thăng Long xưa nghĩ ra, và họ đã cho người nhà làm chim mồi xếp hàng tranh nhau mua, để dụ đám đông thấy ham lợi và lao vào. Ngàn năm vẫn 1 bài đó, nhiều người biết nhưng thấy người ta mua thì cũng mua theo, và chẳng ai thấy may mắn tài lộc gì ngoài việc lỗ ngay sau đó. Nhắc lại, thánh thần, nếu có, cũng không thể ăn những thứ mình cho là ngon, mình cúng thật ra là cho mình ăn mà lại được suy nghĩ là "cho hối lộ thánh thần". Đã là bậc siêu hình rồi mà còn phàm tục ăn ăn uống uống sao đặng, đó chỉ là nhận thức nhất thời thôi. Mà nhận thức thì có thể thay đổi theo hướng tiến bộ, hôm nay mình bỏ ý nghĩ và cách làm, quan niệm của hôm qua.
Cho đi, đúng người hay không đúng người không quan trọng, vì ranh giới mong manh, nay đúng mai sai, quan trọng là mình đã cho đi. Chẳng cần phải cúng sao giải hạn, những vị tinh tú trên trời chẳng thể xuống ăn mấy cái thực phẩm và cho mình thoát hạn. Vận mệnh mỗi người là do người đó tự tạo ra. Nghĩ thiện, làm thiện thì may mắn, hạnh phúc, phồn thịnh, văn minh, sang trọng.
2. Mọi tôn giáo, cuối cùng cũng giống nhau. Đó là chỗ dựa cho đức tin vào chính thiện lương của lòng mình. Mình lương thiện, và người khác cũng thế. Có thể có lúc họ vì cám dỗ vì tiền hay quyền lực hay tình cảm mà cư xử chưa phải, nhưng rồi họ vẫn sẽ nhận ra và thiện lương về sau.
Khoan nói người đời, bàn về người khác. Giả sử họ xấu thì họ cũng đã chấp nhận đánh đổi trả giá vận mệnh của họ rồi. Còn họ tốt, thiện thì họ hưởng. Cho đi, đúng người hay không đúng người không quan trọng, quan trọng là mình đã cho đi. Họ nhận xong rồi vứt, hoặc xài hoang phí hay chửi mình thậm tệ cũng được, đã cho là chuyển quyền sở hữu rồi, không quan tâm nữa. Việc "đúng người đúng chỗ" là cái vô chừng, mình nghĩ đúng thì chưa chắc đã đúng và ngược lại. Cứ mạnh dạn rút bớt sự sở hữu cá nhân của mình cho người khác, để bản thân mình có 1 thói quen CHO ĐI.
Mình tự sửa mình trước. Đừng sợ ma nữa, đó là những tâm lý rất cũ kỹ khiến mình không dám đi đâu xa, không hội nhập được, không làm ăn được, cứ sợ sợ riết cái gan mình nó teo lại, uổng phí 1 đời. Giả sử có ma thật, thì họ cũng chẳng giết mình (ma giết người là chưa có tiền lệ, chỉ có người hại người), mình có đóng kín cửa thì con ma vẫn bay vào được, mình trùm chăn trùm mền thì nó vẫn mò tới nằm cạnh. Mình tắt nước thì nó bật, mình bật đèn thì nó tắt, nó vô hình mà, chặn thế nào được? Nên cứ giúp người, có khi ma nó còn quay lại giúp mình, vô nhà tắm chưa kịp bật nước nó đã bật giúp cho! Kệ nó, enjoy thôi! Oai phong lẫm liệt dũng cảm can trường cho ma nó sợ mình đi.
Năm nay, thay vì bỏ tiền ra cúng sao giải hạn, hãy ghé bệnh viện gửi số tiền đó cho bếp ăn từ thiện.Đừng có sợ người ta ăn chặn, cứ nghĩ tiêu cực vậy rồi nó chặn đứng mọi ý nghĩ thiện trong lòng mình. Chưa gì đã nghĩ ác về người khác sao được. Cứ cho đi. Còn họ nếu sai thì họ tự nhận hậu quả. Mình cho, là quên.
Không cần cúng kính cầu xin ông thần ông Bụt nào giúp mình, mình hoàn toàn có thể trở thành những ông Bụt giữa đời thường nếu mạnh dạn DÁM MẤT, tức bớt cái mình sở hữu. Không dám cho đi là do mình còn quá THAM đấy thôi. Mình không may mắn, có cuộc sống như ý là do mình ích kỷ đấy thôi!
CÁC BẠN NÊN NHỚ, ĐẠO TRỜI LÀ BÙ VÔ CHỖ THIẾU (GIÚP NGƯỜI CÓ ÍT CƠ HỘI, ÍT TIỀN, ÍT SỨC HAY ÍT TRÍ). NÊN MÌNH CHỌN CÁCH SỐNG SAO ĐÓ MÀ BÙ VÔ CHỖ THIẾU TỨC ĐÃ THUẬN THIÊN, TỰ KHẮC MÌNH SẼ ĐƯỢC MỌI THỨ.
Sưu tầm
P/s Nhân ngày vía thần tài mình mua quả đủ đủ mong sao cả năm no đủ



LÒNG THAM
Một vị thiền sư đi ngao du thiên hạ, khi đến một vùng núi nọ thì chẳng may bị ốm nặng . Ông được một bà lão là chủ quán trà cứu và đưa về nhà chăm sóc .
Mặc dù không biết tung tích vị thiền sư, quán nghèo thưa thớt khách, không có tiền nhưng bà lão vẫn tận tình chăm sóc và cứu chữa cho ông …
Hơn ba tháng ròng vị thiền sư mới bình phục. Cảm động trước lòng tốt của bà chủ quán, vị thiền sư trước khi rời đi, đã dành một tuần lễ để đào một cái giếng cạnh quán cho bà lão tiện dùng nước, không phải ra tận suối gánh nữa.
Không ngờ, từ khi dùng nước giếng mà vị thiền sư đã đào để pha bán trà. Trà của bà lão có vị thơm thật đặc biệt và vị trà cũng rất ngon, ai uống một lần cũng phải quay lại. Tiếng lành đồn xa, quán trà của bà lão khách đến đông nườm nượp. Bà lão bán nước bỗng chốc trở nên giàu có từ đó ….
Vài năm sau, vị thiền sư có dịp ghé qua quán để thăm lại ân nhân của mình. Thấy cơ ngơi khang trang, vị thiền sư rất mừng cho bà lão. Khi hỏi về nước giếng, bà lão than phiền với thiền sư:
“Nước giếng này tốt lắm, có điều nước không có đủ cho tôi dùng, vì lượng khách càng ngày càng nhiều, nên tôi càng ngày càng bị thiếu nước để bán cho khách. Ông có thể đào thêm cho tôi cái giếng khác có thật nhiều nước được không?
Vị thiền sư nghe xong lắc đầu nói: Không tốn kém gì cả, từ nguồn nước trời cho, rồi kiếm ra nhiều tiền như vậy mà bà vẫn không thấy hài lòng ư?
Bà lão thản nhiên trả lời: Nước không mất tiền để mua thì chẳng phải càng có nhiều càng tốt hay sao?
Thiền sư không biết nói gì chỉ lẳng lặng viết lên tường một câu:
-“Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế,” …. Rồi lẳng lặng quay đi, không bao giờ quay trở lại quán nữa. Giếng nước từ ấy cũng cạn dần ….
Chúng ta có giống như bà lão kia? từ một người tốt đã trở thành người xấu chỉ vì lòng tham vô đáy của chính mình, lúc nghèo khó thì sống rất ân tình tử tế không tính toán đến tiền bạc. Nhưng khi giàu có thì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến kiếm tiền.... trong đầu lúc nào cũng chỉ có tiền....
Biết đủ là đủ, cầu cho đủ thì bao giờ mới đủ?
Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn …

Vạn Điều Hay ST


“ BỐ CHO CON CÁI GÌ?"

"Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ mua xe ga con mới đi….”
Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước.
"Bố cho con cái gì?" - Nhớ một thời trẻ trâu, tôi đã có đủ "dũng cảm" hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông.
Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn "Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình. Con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết"
Tôi, hơi sốc, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói "lên dây cót" cho chàng sinh viên mới. Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300 nghìn/ tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là cắt tiền.
6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào. Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của riêng mình.
Bố tôi rất hay, luôn phân định rất rõ ràng: "Đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé. Và con đang... ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi bộ... luôn thuộc về con".
Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính. Không tự ái, không phiền lòng, tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình: tự mua. Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy: "Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế...". Và bố tôi chỉnh ngay: "Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện".
Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật.
Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác.
Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn, gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo. Hay câu chuyện về loài đại bàng: Đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống.
Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ. Mùi răn đe trong những câu chuyện thơm nức suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.
Sự hào phóng không đúng chỗ của bố mẹ khiến con trở thành đứa trẻ yếu ớt, ỷ lại
Những điều tôi kể trên đây với nhiều người, nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là những điều ngược đời, tuy nhiên, bước một bước ra bên ngoài thế giới, tôi thấy mình hóa ra không phải ngoại lệ. Phần đông các gia đình phương Tây đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở phương Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm, tình thương, và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.
Bạn không có tiền học đại học? Được thôi, hãy vay đi rồi sau này tự trả. Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù rất nhiều bạn có bố mẹ trên cả giàu và luôn sẵn sàng tài trợ.
Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt, không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người thân của mình.
Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ……và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ.
Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ.
Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình “Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì nhỉ?”
Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà Bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.
Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi.

Nguồn và ảnh: Sưu tầm