a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

Những truyện thật ngắn... đọc sao thấy cay mắt quá…


Đọc đi rồi đọc lại vẫn thấy buồn buồn...
1- Ước mơ
Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:
- Nếu cô trúng số con muốn cô mua cho con cái gì?
Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:
- Cho con xin một chiếc xe đạp. Nếu có xe đi bán xong con chạy tới trường liền, không bị trễ học nữa.
Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:
- Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.
Dĩ nhiên là chị không trúng số…
Tôi vẫn thấy nó mỗi ngày đi ngang qua nhà tôi với chân trần, đầu không nón...
2- Nghỉ lễ
Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn:
- “Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ.”
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó:
- “Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nữa lựng…!”
3- Ngày cưới của cha
Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn 200 cây số đường, quành quả các thứ lo đám cưới cho anh.
Anh kế, rồi đến tôi đám cưới ba lo lắng đến từng chi tiết, cả đến cách lạy, cách đi đứng như thế nào cho phải đạo...
Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn hàng chục năm. Khi các con đã yên bề cả, ba đi thêm bước nữa, ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng mặt...
4- Lòng tin
Xe ngừng…
- Mận ngọt đây..!
- Bao nhiêu tiền bịch mận đó?
- Dạ 2000.
- Hổng có tiền lẻ!
- Để con đổi cho!
Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…
- Trời! Đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!
- Ai mà tin cái lũ đó chứ!
- Bà tin người quá! ...
Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:
- Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho.
5- Lời hứa
Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó:
- “Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi.”
Mắt thằng Linh sáng rỡ.
Ngày lại ngày. Cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian. Thoắt mà đã hết năm.
Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn thì thằng Linh cứ thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn trong tiếng nấc:
- “Chú hứa chở con đi chơi… cả năm qua con ngoan… không hư một lần nào…”
6- Ba
Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học.
Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo:
- “Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghỉ cho khỏe.”
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà bây giờ, sao nghe chát cả bờ môi.
7- Khoe
Ngày xưa, khi có ai hỏi con: "Bố làm nghề gì?" Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học và mong sau này con có được một nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội.
Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là;
- "Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận."
Bố buồn, chỉ ao ước được một lần nghe con khoe về nghề của bố ...
8- Nhạt
Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã.
Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm.
Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn.
... Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta bảo kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá nhạt.
Nhạt nên người ta không ăn của ông nữa...
9- Anh Hai
Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố Mẹ giận dữ, mắng:
- “Sanh ra.. Giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…”
Anh lặng thinh không nói năng gì. Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế!
Ngày bé Út vào Đại Học, phải xa nhà, lên thành phố ở trọ. Anh tự ý bán đi con bò sữa, gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út.
Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “Út ráng học ngoan nghen…”
Miệt mài 4 năm đại học, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê… Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh trên bàn thờ nghi ngút khói… Mẹ khóc:
- “Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ… lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…”
10- Đưa đón
Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô.
Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố:
- “Sao bố không đi đón nội.”
Bố bảo:
- “Bận quá.”
Ngoại từ nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ô-tô đi đón. Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố bảo:
- “Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách.”
11- Đợi
“Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá mẹ nhỉ! ” Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ.
Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩng lên nhìn bà, mắt mẹ thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu…
Sau đó nó biết ông nó khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi.
Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông không về đâu, ông chết rồi!” Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong.
Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: Bà muốn đợi ông về, dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành xa lạ.
Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn…
Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà, đợi bà đi ngang qua…
12- Xa xứ
Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu viết:
"Ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…"
Cuối năm viết:
"Mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…"
Mùa đông sau viết:
"Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ bến chợ xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…"
13- Bàn tay
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... Mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... Chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu nay sao mình quá vô tình.
14- Ăn cơm (Nguyễn Thanh Bình)
Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.
Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.
Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng:
- “Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!”
Đến đây, vì cái bao tử thúc giục, thằng Tèo tham chiến:
- “Con không thèm ăn mấy thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!”
15- Cha tôi (Nguyễn Minh Hiếu)
Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn.
Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận.
Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói:
- "Ba sợ các con còn giận mẹ..."
16- Mồ côi (Nguyễn Văn Hùng)
Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
- “Giá như mẹ đừng ‘đi xa,’ thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.”
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
- “Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.”
Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
“Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình cũng đỡ lạnh một bên...”
17- Lát nữa về (Phạm Thu Hiền)
Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào.
Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị. Chị dỗ dành :
- “Nín đi con! Lát mẹ về.”
Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nó khóc. Nó nhìn chị, ngây thơ :
- “Nín đi mẹ! Con đi chơi với ba. Lát con về...”
18- Cần thiết
Ngày cô theo gia đình định cư ở nước ngoài, Thầy buồn nhiều vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón Thầy sang, nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời thầy gắn bó với trường lớp đã bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ.
Một lần gọi điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi:
- "Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền."
Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp:
- "Anh chỉ cần em."
19- Xót xa
Tần tảo dành dụm những đồng tiền lẻ từ mớ rau, củ khoai, con cá con tôm bắt được để gởi lên cho chị Hai ăn học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch, chị Hai ở luôn trên thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay, dễ chừng gần ba năm, chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:
- “Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?”
Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra:
- “Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!”
Nói xong, chị Hai đứng dậy, nhanh chân bước lên nhà trên.
Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu:
- Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi!...
20- Đau Lòng (Chơn Phát)
Mẹ làm gần nhà, về nhà ăn, nghỉ trưa. Me dấu Ba, thường đem ông Gia Nã Đại về mẹ hầu cơm trưa. Ba biết được; Cảnh cáo Mẹ.
Một hôm Mẹ bảo Ba rằng Mẹ đã mua vé máy bay đưa các con đi Gia Nã Đại thăm ông bà ngoại.
Quả thực Mẹ đưa các con về nhà ông bà ngoại ở, còn Mẹ đi đến nhà ông Gia Nã Đại đó (ông ta đã về nuớc).
Môt hôm, quá nửa đêm, 3 giờ sáng cả gia nhà đang ngủ ngon, bỗng chuông điện thoại reo lên, Mẹ tung mền vội chạy tranh “phone” với con gái. Mẹ bảo “Phone” của Mẹ, của bạn mẹ ở sở.
Người đàn ông nào ở sở gọi mẹ 3 giờ sáng?
Ba không làm ồn ào.
Mẹ năn nỉ Ba:
- “Đừng gọi cho ông bà ngoại. Ông ngoại sẽ bị đứng tim khi nghe tin này.”
Ba không gọi ông bà ngoại. Ba cũng không gọi cảnh sát, sợ ồn ào thì láng giềng coi nhà ta ra gì! Nếu gọi đến sở thì cả hai, mẹ và ông Gia Nã Đại, đều bị đuổi việc. Ba đành nín thinh vì danh giá của gia đình, và vì các con còn đang đi học.
Ba bị bịnh tim mạch, cao máu, tiểu đường chểnh mảng công việc nhà… Mẹ đi rêu rao với anh chị em, bà con.
Rồi Mẹ bỏ đi. Mẹ gọi về đòi ly dị vì lý do Ba không còn dọn dẹp nhà cửa tốt như xưa…
21- Nó (Thanh Hải)
Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành:
"Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!"
Vậy là nó nín. Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo:
"Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!"
Rồi lấy tay đặt trên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.
22- Vòng cẩm thạch (st)
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười:
"Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui."
Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.
23- Quà sinh nhật (st)
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má:
"Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?"
Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi:
"Sao má chẳng ăn gì?"
Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến...
24- Khóc (st)
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa. Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ. Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:
"Tội nghiệp mẹ. 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh."
25- Cua rang muối (st)
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo:
"Răng yếu."
Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
"Cua rang muối thật đó mẹ."
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
"Còn răng đâu mà ăn?!"
26- Người yêu và mẹ
(Nguyễn Hồng Ân)
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm.Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen:
“Bạn gái con xinh.”
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo:
“Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…”
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì...


NHẬN RA…!
…Khi chúng ta già đi, cũng là lúc chúng ta trở nên khôn ngoan hơn với cuộc đời, từ đó mà dễ dàng nhận ra:
Một chiếc đồng hồ mệnh giá 300 USD hay 30 USD thì suy cho cùng, kim giờ kim phút cũng chỉ cùng một thời gian.
Một chiếc túi xách mệnh giá 300 USD hay 30 USD thì suy cho cùng, số tiền bên trong đều có cùng giá trị như nhau.
Một chiếc xe ô tô mệnh giá 150.000 USD hay 30.000 USD thì suy cho cùng, con đường, khoảng cách và địa điểm cuối cùng chúng ta đi đều giống nhau.
Một chai rượu vang mệnh giá 300 USD hay 10 USD thì suy cho cùng, say rượu vẫn chỉ là đau đầu và nôn mửa.
Một ngôi nhà rộng 30 hay 300 mét vuông thì suy cho cùng, nỗi cô đơn có thế nào vẫn cứ tồn tại.
Một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra hạnh phúc thực sự không đến từ vật chất.
Cho dù bạn chọn ghế hạng nhất hay hạng phổ thông thì khi máy bay hạ cánh, bạn cũng phải bước xuống.
Vì vậy, tôi hi vọng bạn nhận ra khi nào bạn còn có bạn bè, người thân bên cạnh để cùng trò chuyện, nói cười, vui vẻ đàn hát với nhau, tám đủ thứ trên trời dưới biển… thì lúc ấy là lúc hạnh phúc thực sự./.
Sưu tầm




Đọc bài thơ trên mạng mà rùng mình.
Tác giả là một thầy giáo ở Nha Trang.
Bài thơ được viết trong những ngày mẹ anh bệnh nằm một chỗ, và anh là người tự tay tắm rửa cho mẹ sau những giờ đi dạy về.
Trân trọng cảm ơn Thầy CONG KHANH PHAN đã lan tỏa bài thơ rất xúc động ạ!!!!
MÙI CỦA MẸ
Thơ: Nguyễn Văn Anh
Thời son trẻ
Mẹ thơm mùi con gái
Mùi tằm dâu rơm rạ quê nhà
Mùi bồ kết hương cau thơm lắm
Mùi thanh xuân đồng nội
Mẹ trao cho cha
Ngày vỡ ối con ra
Mẹ còn thơm mùi chăn gối
Mùi tro than hột muối củ gừng
Con bú mớm
Mẹ thơm mùi vú mọng
Con đi lẫm chẫm
Mẹ thơm mùi cơm nhão, cháo hoa
Con đến trường làng
Mẹ thơm mùi lúa rơm gạo mới
Con lên trường huyện
Mẹ thơm mùi cơm bới mo cau
Khi con ốm đau
Mẹ thơm mùi của Phật
À ơi…
Ôm con mùi Mẹ tỏa ra
Bệnh hoạn tiêu tán, tà ma phải lùi
Ngày nắng hạn
Mẹ thơm mùi me đất
Tháng mưa dầm
Mẹ thơm mùi con cá chột nưa
Con xa nhà mang theo mùi của Mẹ
Đi đông đoài nam bắc
Là con đi đất bằng biển lặng
Là con đi chân cứng đá mềm
Ơi những kẻ đi xa
Có nghe thơm mùi của Mẹ
Mẹ thơm mùi bếp lửa quê nhà
Mùi của Mẹ là mùi rất thật
Ngày con thành gia thất
Mẹ thơm mùi treo cưới
Mùi áo khăn đèn rượu trầu cau
Ngày tháng qua mau
Thoảng chút hương đời con hể hả
Mẹ còn giữ một mùi dân dã như rơm
Đời con lận đận áo cơm
Mẹ là áo gấm, tám thơm, nồi đồng
Đời con mỏi gối chồn chân
Lạ thay Mẹ vẫn thơm mầm lộc non
Con mấy mặt con
Vẫn ngỡ mình bé dại
Vì nhà ta còn mùi Mẹ, mùi Bà
Mùi Bà – mùi cái vú da
Mùi cau trầu với mùi hoa mẹ trồng
Mẹ ơi
Mẹ mới đó
Bốn mùa mặc áo the thâm
Sao nỡ vội già không trẻ mãi
Để vãn buổi chợ chiều tất bật đi mau
Vì biết cháu chờ gói kẹo cau đùm trong lá chuối
Ôi cục kẹo cau có hương bưởi hương ngâu
Có con cu kêu đầu hồi để thời gian qua chi vội
Bây giờ tội nghiệp Mẹ tôi
Tám mươi ba tuổi xếp đôi cánh cò
Mùi của Mẹ quanh co giường chiếu
Mùi trần ai khô kiệt xác thân
Mùi da xương bên ướt Mẹ nằm
Để cả đời bên ráo con lăn
Khuya nay quỳ xuống ôm chân
Mẹ ơi đã lạnh toàn thân...Mất rồi!
Cây cau già ngoài sân chết đứng
Ngọn trầu không héo úng rụng rời
Gió khóc ngoài giậu mồng tơi
Tre trúc quờ quạng tìm hơi Mẹ già
Mẹ hiền đi chuyến chợ xa
Mùi Mẹ cánh Hạc bay ra cõi Trời
Con thành đứa trẻ mồ côi
Lặng chiều nhang khói tìm hơi Mẹ hiền!
Mẹ ơi


CẢM ƠN NHỮNG LỜI CÀU NHÀU CỦA MẸ...

Chàng trai trẻ hôm nay đi phỏng vấn tìm việc. Đó là một công ty có tiếng và có vị trí việc làm phù hợp với năng lực của anh. Anh rất háo hức với viễn cảnh nhận được công việc chính thức đầu tiên của của đời. Có việc, có thu nhập anh sẽ ngay lập tức rời khỏi nhà của bố mẹ, lên thành phố này thuê trọ và tận hưởng cuộc sống của tự do. Nghĩ đến cuộc sống tại gia đình với hàng nghìn công việc lặt vặt, vô nghĩa, chẳng tạo ra thu nhập, chẳng xứng đáng với năng lực của mình làm anh phát ngán. Không những thế, bố mẹ anh còn phàn nàn liên tục, nhức nhở liên tục, nhận xét liên tục về những công việc vô ngĩa đó. Nào là phải dậy đúng giờ dù là ngày nghỉ, là phòng phải gọn gàng trước khi bức chân ra khỏi nó, để đồ vật vào đúng vị trí sau khi sử dụng, tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi phòng, kiểm tra vòi nước, dọn sạch sàn và đóng cửa phòng tắm trước khi rời khỏi nó vân vân và mây mây. Ôi những lời nhắc nhở, những điều tủn mủn khiến anh phát điên… Anh đã là một thanh niên, anh có học thức, anh không muốn bị nhắc nhở những điều tầm thường như thế, nếu có những lời nhắc nhở, anh muốn nó phải là những điều gì đó lớn lao, về khởi nghiệp, về khát vọng, về thành công…
Phải quyết tâm, phải tỉnh táo, phải tự tin, mình phải thắng trong buổi phỏng vấn này: “Chỉ khi mình thành công trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay thì mình mới có thể thoát khỏi ngôi nhà tù túng với những lời càu nhàu không ngớt ấy. Mình sẽ được hít thở bầu không khí tự do. Mỗi lần về thăm nhà bố mẹ sẽ phải ứng xử với mình theo cách khác, như một vị khách, như một người trưởng thành…”. Chàng trai vừa tự trấn an mình, lên dây cót cho mình vừa ôn lại trong đầu những bí quyết vượt qua phỏng vấn tuyển dụng mà cậu đã đọc trong cả chục cuốn sách…
Công ty lớn, vị trí việc là tốt và mức lương hấp dẫn nên ứng viên rất nhiều. Chàng trai vẫn phải ngồi đợi đến lượt mình dưới phòng chờ của công ty. Nhìn quanh, chàng trai thấy có rất nhiều ứng viên đang ngồi trong văn phòng đó. Họ sốt ruột, họ bồn chồn, họ lặng im hoặc họ đang giở những cuốn bí kíp của mình ra đọc lại một lần nữa…
Chàng trai nhìn thấy đèn hiên trong văn phòng vẫn sáng và đã mười giờ sáng. Nhớ lời cha dặn, anh đứng dậy tắt đèn.
Sau đó anh nhìn thấy cây lọc nước hai vòi nóng lạnh đặt ở góc phòng chờ, vòi nước nóng đang rỉ nước tí tách. Anh đi đến và gạt cần gạt nước về đúng vị trí của nó. Nước nóng đã thôi chảy tí tách ra ngoài. Anh lấy khăn giấy khô ở đó lau những giọt nước bắt ra xung quanh để máy ước trông khô ráo và sạch sẽ.
Buổi phỏng vấn thực hiện trên phòng nhân sự, tầng 2 của tòa nhà.
Đã đến lượt mình, anh rời phòng đợi để lên tầng 2, khi đi lên lầu, anh nhìn thấy có một chiếc ghế ở ngay lối đi, anh ta đã dọn nó ra và để sang một bên rồi đi lên tầng hai.
Hành lang đợi ngoài phòng phỏng vấn cũng khá đông những người đã được gọi lên trước anh ngồi chờ. Vài chiếc ghế lộn xộn giữa đường, anh xếp lại nó vào đúng chõ, những mẩu giấy ướt, vỏ bánh trên ghế, anh nhặt cho nó vào thùng rác.. và ngồi vào vị trí đợi của mình.
Lúc này, chàng trai quan sát thấy các ứng viên phỏng vấn trước anh bước vào phòng phỏng vấn và lập tức bước ra sau khoảng 1 phút. Người nào cũng vậy.
Anh giữ một ứng viên lại và hỏi thăm thì biết, người phỏng vấn cũng không hỏi gì cả. Họ chỉ nhận hồ sơ từ ứng viên, nhìn họ vài giây và để họ ra về với câu nói: Chúng tôi sẽ liên lạc lại khi có nhu cầu.
Số chàng trai trẻ đã đến. Anh ta đi vào trong và đưa hồ sơ của mình cho người phỏng vấn. Sau khi xem hồ sơ của anh, người phỏng vấn nói: “Khi nào cậu có thể bắt đầu đi làm?”
Chàng trai trẻ đớ người vì ngạc nhiên. Anh đã được nhận???
Nhìn mặt anh, người phỏng vấn nói: “Hôm nay phỏng vấn không có ai hỏi gì cả. Chúng tôi nhận thấy hành vi của mọi người trên màn hình thông qua camera trong phòng đây. Mọi hành vi của các bạn từ lúc bước vào tòa nhà, bạn chào người mở cửa ra sao, làm gì khi ngồi phòng đợi, lên cầu thang và vào đây đều được ghi lại. Mọi người đến nhưng không ai chào cảm ơn người bảo vệ già mở cửa, không ai tắt vòi máy nước nóng, không ai tắt đèn. Khi lên cầu thang, chiếc ghế chắn đường cũng không có ai dọn nó. Không ai thấy những mẩu rác trên ghế ngồi. Bạn có những giá trị và thói quen tốt.
Người không có kỷ luật tự giác thì dù thông minh, thông minh đến đâu cũng không thể thành công trong quản lý và cuộc sống”.
Sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc. Chàng trai về đến nhà và ôm lấy bố mẹ.
Anh ấy xin lỗi bố mẹ, cảm ơn họ và nói: “Trong cuộc đời con, bằng cấp của con không có giá trị gì so với những bài học con học được từ cha mẹ, từ những lời cằn nhằn của cha mẹ trong những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt.
Hôm nay, con biết rằng không chỉ trình độ học vấn mà cả những thói quen và giá trị tốt cũng có tầm quan trọng riêng nếu con muốn thành công trong cuộc sống.”
Để sống trên thế giới, thiết lập và giữ vững các giá trị tốt đẹp là cần thiết. Tôn trọng cha mẹ một trong những thành phần quan trọng nhất của các giá trị đó.

NVH- từ thitham.blog




Không có nhận xét nào: