a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

CHỊ SUI


Tình không đẹp như thơ

Chị đến Mỹ muộn màng và yêu cũng muộn màng. Các anh chị của chị đến Mỹ từ lâu, họ làm bảo lãnh cha mẹ, rồi đến chị, diện anh chị em không được ưu tiên cao, nên lá đơn bảo lãnh nộp sở di trú khi chị 25 tuổi, đến 37 tuổi, chị mới được đặt chân đến Mỹ.

Mười hai năm chờ đợi ấy, chị đã phải hi sinh rất nhiều, không dám yêu ai và chẳng dám đáp lại tình ai. Bố mẹ chị đã răn đe “
 Bất cứ giá nào cũng phải đợi đi Mỹ để đoàn tụ với gia đình, con nhé! không được yêu thương thằng nào hết”.

Chị vừa vâng lời cha mẹ, vừa mộng mơ, tưởng tượng: “Thôi thì ráng hi sinh những tình cảm bên này, qua bên ấy, tha hồ lựa chọn một tấm chồng, cỡ bác sĩ, kỹ sư… trở lên, thà muộn mà ngon lành, còn hơn sớm, phải ở lại Việt Nam, tình yêu nào cũng sẽ lụi tàn, mà chuyện áo cơm thì vất vả cả đời”. Và chị hớn hở chờ đợi.
Qua Mỹ, đến nay đã 3 năm, chị đã sốt cả ruột mà chưa tìm đâu ra một ông bác sĩ, hay kỹ sư. Vậy mà, ở Việt Nam, người ta cứ đồn rằng qua Mỹ lấy chồng dễ ợt, bạn bè, hàng xóm khoe con em họ lấy chồng có đủ loại bằng cấp nọ kia, dù những cô gái may phước đó chẳng đẹp hơn chị là bao ! Thì chị cũng có quyền hi vọng như thế lắm chứ.

Bây giờ chị mới hiểu rằng, người Việt Nam ở Mỹ, học hành,thành đạt thật đấy, nhưng con gái Việt Nam ở đây không còn khan hiếm nữa, những thế hệ sau này đã lớn lên, đủ “cung cấp” nhu cầu tại chỗ, chưa kể “thị trường” trong nước Việt Nam thì vô tận, các cô gái trẻ đẹp luôn khao khát, chờ mong được Việt Kiều về cưới và mang họ qua Mỹ.
Thế nên, chị lạc lỏng giữa dòng đời, giữa xứ Mỹ và giữa cái tuổi không còn trẻ và chưa đủ già của chị..

Nước Mỹ, sau vụ 9-11 kinh tế khó khăn, công ăn việc làm bị hạn chế, chị không có tay nghề, kinh nghiệm. Vốn liến tiếng Anh chỉ lưu loát được 3 chữ: “ No, Yes, Thank you”, nên chị xin việc hãng nào là cầm chắc bị hãng đó từ chối. Cuối cùng, chị cũng được một chỗ làm để kiếm ra tiền, khỏi sống nhờ vào các anh chị, là làm may cho một shop của người Việt Nam, họ chỉ cần chị biết may, thế là đủ! Nên khả năng nói lưu loát 3 chữ “ No, Yes, Thank you” của chị vẫn dư thừa, để dành đó, không cần đụng tới.

Cả ngày chị cặm cụi vào cái máy may, vào những miếng vải cắt sẵn, và dăm ba câu chuyện vặt với người bạn may bên cạnh, dần dần cũng thành tẻ nhạt, người ta có chồng có con, nên cứ nói đến đề tài này là chị “né”, vì sợ động vào nỗi đau âm thầm của chị. Chị chỉ còn một niềm vui duy nhất đó là cuối tuần đi chợ, nhìn đủ các gương mặt lạ, những hàng hoá, thực phẩm, để nghĩ đến những món ăn ngon sẽ nấu. Và nhất là xin được mấy tờ báo, về nhà nằm khểnh đọc chơi!

Ở thành phố này, có bao nhiêu tờ báo phát hành, chị đều xăng xái xin đủ cho bằng được, thiếu một tờ là chị áy náy. Báo free mà, không mất tiền thì cứ hưởng tối đa, không đọc được mục này thì cũng đọc mục nọ, mà nếu không đọc gì hết cũng… chẳng sao, tờ báo sẽ đem ra lót bàn, đựng rác. Khi gọt trái cây, dùng để đựng vỏ, đựng hột, và túm lại dễ dàng trước khi nhét vào thùng rác.Tiện lợi mọi bề!

Thường thì chị hay đọc mục “Tìm bạn bốn phương”, thấy người ta đăng báo tìm bạn, chị cũng ham quá, nhưng vẫn thấy ngần ngại, sợ cha mẹ, anh chị biết rõ “tâm địa” chị đang muốn lấy chồng, nên chị chưa bao giờ có ý định đăng lên những lời khao khát của chính mình.

Một hôm, chị ngồi buồn, chẳng biết làm gì, bèn gọt một trái xoài ăn chơi. Trải tờ báo ra bàn, chị vừa gọt vỏ xoài vừa lơ đãng đọc một bài thơ nằm chình ình trên trang báo trước mặt chị. Bài thơ than thân, trách phận và oán đời, nghe mà não nề của tác giả Phong Trần.

Bài thơ đã làm chị xúc động, cái bút hiệu Phong Trần càng làm chị xúc động hơn, chị tưởng tượng nhà thơ Phong Trần dày dạn gió sương, cũng đang là một kẻ cô đơn, mòn mỏi như chị, chị muốn cắt bài thơ ra để dành, nhưng những vỏ xoài đã dính lên bài thơ làm ướt nhẹp. Nghĩ mà tội nghiệp cho nhà thơ, có biết đâu tác phẩm tim óc của mình bị ngược đãi, ơ hờ như thế. Nếu chị không vừa gọt trái xoài vừa liếc mắt đọc bài thơ cho đỡ sốt ruột thì có lẽ chẳng bao giờ chị biết đến nhà thơ Phong Trần cả.

Từ hôm ấy trở đi, mỗi tuần chị đều chăm chú giở từng trang, tờ báo mà chị đã “gặp” nhà thơ Phong Trần trong lúc gọt xoài, để tìm thơ anh. Chị đọc từng chữ, từng dòng và ghiền thơ anh hồi nào không hay. Chị liền bạo gan, gọi phone tới toà soạn báo để hỏi thăm và xin số điện thoại của nhà thơ Phong Trần với tấm lòng ái mộ. Chị không ngờ, cú phone đầu tiên chị gọi nhà thơ Phong Trần được hân hoan đón nhận đến thế, nghe chị nói rất thích thơ anh, nhà thơ Phong Trần đã kiên nhẫn chép tay cả chục bài thơ và gởi bằng bưu điện cho chị.

Từ đấy, ngành bưu điện đang hồi ế ẩm, bỗng nhiên vớ được hai khách hàng chăm chỉ viết thư cho nhau, nhờ bưu điện chuyển giùm, và cũng từ đấy, mỗi lần thơ anh đăng lên báo, đều ghi tặng tên chị phía dưới, những bài thơ anh dịu dàng hơn, tình tứ hơn, làm chị cảm động.
Chị mang đến shop may một trái tim vui đang yêu, chị dò dẫm để khoe khéo với bà thợ may bên cạnh, mà chị từng trò chuyện mỗi ngày:
- Nhà chị có hay đọc báo chí Việt Nam không?
- Có chứ, cả nhà cùng đọc, ở xứ Mỹ buồn thấy bà. Cuối tuần có báo “chùa” đọc cũng vui.
- Thế chị có đọc tờ báo…

Bà kia cướp lời, nhanh nhẩu:
- Đã nói là báo nào cũng đọc hết trơn, báo cuốn, báo tờ có đủ cả. Một mặt ông xã đi lấy, một mặt tôi đi chợ xin thêm, nên không sót tờ nào. Có khi còn lấy dư, ê hề chật cả nhà..

Chị vừa trách vừa thấp thỏm vui mừng:
- Lần sau lấy báo vừa đủ coi thôi, lấy dư người khác không có đọc, tội người ta. Thế chị có đọc thơ của nhà thơ Phong Trần không?
Bà bạn may khựng lại:
- Ủa!...thằng đó là thằng nào?
- Sao chị bảo báo nào cũng đọc hết? Phong Trần là một nhà thơ…
Bà kia lại nhanh nhẩu:
- Ôi, ai hơi đâu để ý tới mục thơ thẩn, tôi chỉ khoái coi mục tử vi hàng tuần thôi hà. Thơ của thằng Phong Trần hay của bất cứ ai cũng không nhằm nhò gì với tôi hết.

Chị bực mình, nghĩ thầm “ Con mẹ này trước ở Việt Nam, chuyên mua bán ve chai, lông vịt, trình độ đâu mà đọc văn thơ?”.

Chị lại gói niềm riêng, đợi khi nào gặp được người “cao cấp” hơn sẽ hỏi. Một hôm, có cặp vợ chồng, bạn của người anh, đến nhà chị chơi, cả hai đều là kỹ sư điện, họ rất thân với gia đình chị, chị liền lân la đến gần người vợ để chuyện trò:
- Chị ơi, chị có thích đọc thơ của nhà thơ Phong Trần, đăng trên báo Việt Nam ở đây không?

Bà kỹ sư điện trả lời nhanh như điện:
- Chị không có thì giờ đọc mấy bài thơ đăng trên báo chợ đâu em ạ, thơ chẳng ra thơ, vần một nơi, ý một nẻo, có đọc chỉ thêm bực mình !
Chị cố gỡ gạc, giải thích:
- Cũng tuỳ chứ chị. Em thấy thơ của nhà thơ Phong Trần có hồn lắm…
Bà kỹ sư vẫn chua ngoa:
- Ở Mỹ người ta ai cũng lo đi cày để kiếm tiền, đa số những đứa dở hơi mới rảnh để làm thơ đăng báo.

Rồi bà hùng hồn chỉ trích:
- Báo chí ở Mỹ ai làm chả được! Trước kia ở Việt nam, là một anh thợ mổ thịt heo hay đạp xe 3 bánh, sang đây cũng có thể làm chủ báo ngon lành, bài vở lên internet lấy xuống, hay dịch vớ vẩn từ báo Mỹ. Lại thêm có những đứa dở hơi như nhà thơ Phong Trần nào đó, cặm cụi, bỏ thì giờ, sáng tác thơ văn, gởi về đóng góp cho tờ báo.

Chắc bà kỹ sư ngày xưa thất tình một anh nhà báo, nên mới cay cú thậm tệ giới này? Làm một tờ báo ít nhiều cũng phải có kiến thức hay năng khiếu về báo chí, văn thơ, và nhất là lòng yêu nghề thì tờ báo mới sống còn. Chị chẳng hơi đâu tranh luận vấn đề này làm gì!

Chị buồn quá, thế là từ thành phần lao động đến trí thức, không ai biết đến nhà thơ Phong Trần của chị cả, nói gì đến tên chị, đứng khiêm nhường, bé nhỏ dưới mỗi bài thơ của anh? Thì thôi, mình chị đọc thơ anh, mình chị hãnh diện vậy.

Mối tình thơ của hai người kéo dài được hơn hai chục số báo, và mấy chục lá thư qua đường bưu điện, thì họ bắt đầu hẹn để nhìn mặt nhau cho thoả lòng thương trộm nhớ thầm. Chị đã e ấp nhìn anh:
- Anh ơi,tại sao anh lấy bút hiệu Phong Trần, nghe lãng mạn và bụi đời thế?

Anh trả lời thản nhiên:
- Có gì đâu, tên anh là Trần văn Phong!

Thì ra thế! tên anh Trần văn Phong viết ngược theo kiểu Mỹ thành Phong Trần, vô tình trở nên lãng mạn, rất thích hợp cho một người làm thơ như anh. Chứ anh có phải cất công suy nghĩ cho cái bút hiệu của mình đâu!

Chị không đẹp lắm, độc thân và trinh nguyên nhưng hơi cứng tuổi, còn anh, hơn chị đúng 10 tuổi, đã một đời vợ, li dị, hai con theo mẹ, cho nên mấy năm nay anh trở thành người đàn ông độc thân, đi về một bóng, anh mong có một người đàn bà cho căn nhà ấm lên, cho lòng anh đỡ trống trải.

Thế là họ không có gì để chê nhau cả, mối tình thơ đã đi đến đoạn kết mong muốn: Họ cưới nhau.

Chị lấy anh vì sau 3 năm sống ở Mỹ, chị biết rằng khó có thể kiếm một tấm chồng bằng cấp Bác sĩ, kỹ sư, khi tuổi chị đã xế chiều và nhan sắc chẳng có gì đáng nhớ. Như món hàng ế ẩm, muốn bán được, cần phải hạ giá đến đại hạ giá. Chị đã “on sale” cuộc đời chị, lấy một người chồng chẳng những đã không bằng cấp mà còn có một quá khứ lòng thòng vợ con, dù anh hết tình hết nghĩa với người vợ, nhưng hai đứa con, chắc vẫn đậu lại trong lòng anh nỗi thương nhớ xót xa? Trái tim anh có yêu chị cách mấy, đôi khi cũng tạm ngừng nghỉ để quay về với hai con. Chị cũng đành thôi, ở đời có gì tuyệt đối đâu?

Khi đọc một bài thơ, không nhìn thấy tác giả, bài thơ hay sẽ làm rung cảm lòng người, nhưng khi nhìn thấy tác giả thì những rung cảm ấy sẽ giảm đi một ít, và nếu sống cùng một nhà với tác giả, thì bài thơ bỗng trần trụi như đời thường của người đã sáng tác ra nó.

Những ngày, những tháng trôi qua, chị không còn thấy thơ anh hay nữa, dù mỗi khi đăng báo, anh vẫn đề tặng tên chị, và chị đã ngạc nhiên, không hiểu sao chị lại thay đổi nhanh chóng thế?

Nhà thơ Phong Trần mà chị ngưỡng mộ và yêu mến ngày nào, bây giờ là một thằng đàn ông suốt ngày cởi trần trùng trục vào mùa Hè, anh mặc duy nhất cái quần đùi, đôi vai anh gầy, nhô lên, tưởng gío cũng có thể lung lay, vậy mà trước kia anh đã làm bài thơ với câu: 
“Đôi vai anh sẽ là nơi em tựa”. Thơ chỉ là bịa đặt, chẳng thực tế với người.
Anh thường ngồi ở ghế, hai chân thô lỗ gác lên bàn, vừa nhâm nhi ly trà nóng vừa sáng tác thơ, trong khi ngoài bếp, chị đang nấu nướng, dao thớt khua lên, chảo mỡ kêu ì xèo. Và trong phòng thì thằng cu Tí bé bỏng của hai người đang nằm o oe chơi một mình, nhưng khi nó khóc ré lên, chính anh là người phải vội vàng hạ chân xuống bàn, cắt đứt dòng tư tưởng đang tuôn ra, để chạy lại tủ lạnh lấy bình sữa, nhét vô miệng thằng con, hoặc tệ hại hơn, anh phải thay diaper cho nó, mất nhiều thời gian hơn, xong việc thì ý thơ cũng bay xa. Tác phẩm bằng xương bằng thịt, đã hại tác phẩm tinh thần của anh.

Có lần, anh ngồi lì để viết cho xong một ý thơ, không chạy ra đáp ứng ngay tiếng khóc của thằng Cu Tí, thì vợ anh đã lớn tiếng:
- Không ra mà lo cho nó đi! Thơ với thẩn, để thằng nhỏ… chết đói bây giờ.

Anh tức giận nhìn “nàng thơ” của anh, người đã từng dịu dàng, âu yếm đi vào những bài thơ của anh, bây giờ hiện nguyên hình là một con mẹ khô cằn sỏi đá, đầu óc lúc nào cũng toan tính đến chuyện thực tế, đói no, bạc tiền. Trước chị ngưỡng mộ anh, coi thơ anh là hương hoa trong cuộc sống, bây giờ những hương hoa ấy đã bay đi, đã trở thành những món phụ tùng không cần thiết.

Một buổi sáng thức dậy, trời chuyển gió lạnh, lòng anh bỗng vu vơ cảm xúc yêu thương khi nhìn ra ngoài trời những chùm lá cây đẩy đưa trong gió. Anh thèm được rủ chị cùng anh đi sóng đôi trong cái không gian lạnh lẽo ấy để tìm hơi ấm của lòng nhau. Anh phấn khởi hỏi chị:
- Em ơi, ngoài kia đang gió lạnh. Em có biết anh đang mơ ước gì không?

Chị đáp sỗ sàng:
- Mơ ước có một tô phở nóng hổi với đầy đủ tương ớt, ngò gai, húng quế ngay trước mặt để ăn cho ấm người chứ gì? Hôm nay tôi không có rảnh mà hầm xương nấu phở cho anh đâu!

Trời ơi! Khi không mà anh thấy lạnh cả lòng, lạnh hơn cả những chùm lá trên cây đang run lên vì gió lạnh ngoài kia.

Nhưng cũng chưa lạnh, chưa đau bằng những bài thơ anh đang viết dở dang, những ý thơ chợt đến, anh đã ghi vội trên tờ giấy để trên bàn đã bị chị “clean up” vứt vô thùng rác thẳng tay, không một thắc mắc. Anh tiếc đứt ruột, trách chị, thì chị nghênh mặt lên, đe doạ:
- Quý hoá gì? Thơ với thẩn viết lung tung rác cả nhà. Lần sau anh còn để bừa bộn tôi giục thùng rác nữa đó.

Anh đành ngậm ngùi ra… moi thùng rác tìm lại mảnh giấy thơ lẫn lộn với những tã dơ của Cu Tí, và những thứ rác rưới khác. Chị đâu biết rằng một cảm xúc nào đó đã qua rồi đâu dễ gì tìm lại được nếu không ghi vội trên những mảnh giấy kia.

Thỉnh thoảng anh gọi phone thăm hai đứa con của đời vợ trước, một đứa đã lớn, một đứa còn đang học high school, thương con, anh muốn gởi cho nó một hai trăm làm quà, “Nàng thơ” của anh đã trề môi mai mỉa:
- Lương công nhân có là bao, mà hứa hẹn cho nó tiền? Hãy làm bài thơ tặng nó cho có tình nghĩa… Thế mới là vô giá.

Anh đau xót và tủi quá, chẳng lẽ lại cãi nhau, lại li dị? Cuộc đời đâu có đủ dài cho con người, để họ thử thách lấy nhau, bỏ nhau, như trò chơi trẻ con, thích đó, rồi lại chán chê, muốn bỏ?

Anh vẫn đi làm công nhân và vợ anh đi làm ở shop may, thằng Cu Tí đem gởi bà ngoại chiều tối mới mang về. Vợ anh đang chạy đua với thời gian, chị sang Mỹ muộn, lấy chồng muộn, và có con muộn, nên muốn làm gấp rút, kiếm nhiều tiền để mua nhà như người ta, ở nhà thuê, trả tiền tháng nào là mất luôn tháng đó. Ước mơ bình thường thế mà trời cũng không để yên. Anh bị lay off, anh không có tội gì cả, hãng không có việc nên phải giảm bớt nhân viên. Vậy mà chị đổ tội cho anh:
- Sao bao nhiêu người, hãng không lay off mà lại là anh? Chắc tại anh mải nghĩ thơ nghĩ thẩn, làm không được việc, nên họ đuổi cho bõ ghét chứ gì?

Anh làm ngơ, chấp chi con đàn bà nông cạn! Anh lo đi làm giấy tờ xin hưởng tiền thất nghiệp, rồi thủng thỉnh xin việc làm sau, nhân lúc rảnh rỗi bất đắc dĩ này, anh nghỉ ngơi và làm thơ. Cuộc đời là thế, ngay cả khi hoạn nạn, cay đắng cũng có thể thành thơ. Nhưng con vợ, không để anh yên, chị đi ra, đi vào, lườm nguýt, thấy anh vẫn cầm bút, vùi đầu vào trang giấy, chị chịu không nổi, ghé mắt vào sinh sự:
- Anh đang làm gì đó?

Anh cười dù thật lòng chẳng muốn cười:
- Làm thơ!

Chị kêu lên, như chưa từng thấy anh làm thơ bao giờ:
- Trời ơi, không lo viết đơn xin việc mà còn ngồi làm thơ? Thơ có ăn được không? Có đổi ra tiền để đi chợ hay trả bill được không?

Anh kiên nhẫn:
- Tất nhiên là không! Nhưng nó cho anh một niềm vui…

“ Nàng thơ” ngày nào của anh lồng lộn lên:
- Anh sống không có… lập trường như thế à?, phải đối diện với thực tế, phải đi tìm việc làm chứ.

Rồi chị nghẹn ngào như một người vợ đau khổ khi bị chồng phụ rẫy:
- Bây giờ tôi mới hiểu lời của chị kỹ sư, bạn của anh tôi, chị ấy nói 
“Mấy đứa làm thơ toàn là mấy đứa dở hơi, sống trên mây…”
- Em cứ làm như nếu anh không đi làm thì vợ con chết đói ngay ấy. Ở Mỹ, chuyện lay off thất nghiệp, đến với tất cả mọi người, bất cứ lúc nào, việc gì em phải đau khổ thế? rồi anh cũng sẽ xin được việc làm khác thôi, nhưng trong lúc rảnh rỗi, anh vẫn có quyền mơ mộng, làm thơ. Thơ đến với anh những lúc hạnh phúc và cả khi thất vọng, khổ đau…

Nhìn vẻ mặt nghiêm trang của anh, nhìn đôi mắt anh ngời sáng long lanh đang nhìn thẳng vào mắt chị với sự phản kháng âm thầm, chị bỗng thấy… khớp không dám làm ầm ĩ thêm nữa. Chị chợt nhớ đã mấy lần mẹ chị khuyên chị rằng: “
 Mày có thằng chồng hiền lành, thương vợ thương con là tốt phước rồi, đừng hiếp đáp nó, con chó bị dồn đến nước cùng cũng quay đầu lại cắn chủ. Nó mà tức giận quá, mất khôn, nó li dị, thì mày chỉ có nước ôm con nuôi tới già. Còn nó, nếu ham vui như người ta, về Việt Nam lấy vợ trẻ, vợ đẹp thiếu gì”.

Cho nên chị không dám quát tháo thêm nữa, chị đành bỏ đi làm việc khác sau khi đã quẳng lại cho nhà thơ một cái nguýt mắt đầy đanh đá.
Một mình anh ngồi lại, giận vợ nhưng cũng thương vợ, đàn bà thường thực tế và nông cạn như thế. Anh hiểu, cái tình yêu thơ mộng mới ngày nào, đã thay thế bằng những lo âu, toan tính trong cuộc sống, chị quá lo cho gia đình, cho tương lai của con, chị sợ tuổi đời của cả hai người không đủ dài để làm nên cơ nghiệp như chị mong muốn.

Trên tờ báo hàng tuần vẫn tiếp tục đăng thơ anh, thơ anh vẫn tình tứ, vẫn ướt át, nhưng nếu người ta để ý, thì dưới mỗi bài thơ, anh không còn ghi lời tặng cho chị nữa.

Mục tiêu của đời chị là có tiền để mua nhà, để dành lo cho tương lai thằng Cu Tí, làm đến cả đời chưa chắc xong. Nên chị cần quái gì điều đó, cái tên chị có dính trên báo cũng chả làm túi tiền chị tăng thêm một xu nào!

Những bài thơ của anh đã trở thành vô nghĩa, và mối tình thơ của chị đã chết tự lúc nào.
Nguyễn thị Thanh Dương

Chị Sui!
Nguyễn Viết Tân và Thanh Mai

Chưa tới sáu mươi mà tôi hên quá, có tới những hai chị sui nhỏ tuổi hơn tôi nhiều. Còn hên hơn nữa là cả hai anh sui đều đã đi bán muối mấy năm nay rồi, để lại hai chị phòng không chích bóng, ngó thấy muốn ứa nước mắt, thiệt tội nghiệp vô cùng. Có những lúc phởn chí, tôi ngâm lên bài thơ Chị Sui, giọng ngâm trầm ấm rỉ rả trong canh vắng, nghe hay hơn ông Nguyễn Ngọc Ngạn trong Thúy Nga Paris rất nhiều:

- Đêm nằm bên vợ nhớ chị sui

Thấy tình cảnh chị luống ngậm ngùi

Ước ngày nào đó tôi góa vợ

Ghé thăm nhà chị chắc là dzui...

 Bà vợ nhỏ của tôi ban đầu nghe tức lắm, nhưng cũng nhờ như thế mà bà ấy biết chìu chuộng, đối xử vời chồng đàng hoàng hơn xưa, chứ cà chớn cà cháo là tôi... ghé thăm chị sui liền một khi.. thì mất cả chì lẫn chài. Bây giờ bả nghe ngâm thơ riết đã lờn rồi, nên tuyên bố thẳng thừng: Đi đâu thì đi, càng đỡ mòn của nhà. Xin quí cụ cao niên đừng hiểu lầm là tôi có vợ nhỏ rồi hừng chí bắt chước. Bởi vì bà xã tôi hơi nhỏ con (nhưng rất mắn đẻ) nên hồi tôi mới quen bả thì gọi là người em gái nhỏ, bây giờ bả đã đến tuổi "mày thuôn lá ổi, vú thõng dưa gang" rồi thì tôi kêu là vợ nhỏ, chứ chính thực bả là vợ lớn. Hai chị sui tôi hồi còn con gái chắc là đẹp lắm, bởi vì theo lời hai chị mô tả thì đồ đạc còn nguyên si, không có bơm hút, cắt chích gì hết mà trông vẫn còn phông, nói theo kiểu bình dân là "cứng cạy" lắm. Chắc nhiều người không biết cứng cạy là cái gì. Đó là trái dừa vỏ hết còn là màu xanh, nó đã biến qua màu xám vàng, cơm ở trong không còn mềm èo, mà cùi dừa cũng chưa khô khốc như dừa khô, làm mứt thì ăn vừa miệng vô cùng. Nói tóm lại thì dừa cứng cạy vừa dòn, vừa mềm mà còn nước nôi lắm lắm.

Bây giờ nói về chuyện chị sui thứ nhứt:

Con trai tôi quen con gái chị được chừng một năm thì cưới nhau. Ngày thằng Cậu Cả dẫn tôi đến nhà vợ tương lai của nó, tôi đi cắt tóc, nhuộm đen, mặc bộ đồ lớn, đeo kiếng trắng gọng vàng coi cũng oách như ông này ông nọ chớ chẳng phải chơi. Thấy ánh mắt là tôi biết chị cũng "chịu đèn" tôi rồi, nhưng cả hai còn thẹn thò đâu dám nói ra. Hôm đám cưới, chị mặc một chiếc váy đen. Chị nhảy đầm tốc cả váy lên coi rất điệu nghệ, tiếc rằng tôi là người chân quê, hồi nhỏ chỉ biết nhảy cò cò, sau lớn lên đi lính thì biết thêm nhảy xổm với nhảy dù, chớ có biết nhảy đầm nhảy đìa chi đâu, bởi vậy cứ ngồi trơ mắt ếch ra xem chị nhảy mà nuốt nước miếng ừng ực. Ngày tôi có đứa cháu nội đầu tiên thì chị dọn về ở chung với con, để săn sóc cháu ngoại cho tụi nó đi làm. Mỗi lần phải đi lên City làm giấy tờ gì đó, là tôi lại kiếm cớ tạt ngang thăm cháu nội. Nhấn chuông xong thì thấy chị vội vàng chạy ra mở cửa, tay bế đứa bé mũm mĩm đang chu mỏ ra phun mưa, chân tay chòi chòi đạp đạp. Chị đưa đứa nhỏ cho tôi bồng, miệng nói: Dễ thương lắm đó. Tôi nhìn vào tay đứa nhỏ đang níu cổ áo bà ngoại nó mà kéo doãng ra, thấy rõ hai trái ổi xá lị không có gì che đậy nên tôi nói nhỏ: Ừ, dễ thương quá à! Chị ngước lên nhìn tôi, màu hồng đỏ bừng lên tới tận tai, miệng cười mủm mỉm coi dễ thương hết sức. Chị sui nhỏ nhẻ hỏi: Bữa nay anh có rảnh không, mời anh vô nhà chờ chút tui nấu chè anh ăn. Tôi là tay hảo ngọt có tiếng, nghe chị mời chè thì khoái chí tử, bồng thằng nhỏ xà vào cái ghế bành. Thấy chị sui lấy ra một rổ hột me, tôi quăng thằng cháu nội vô cái lồng con nít rồi ngồi bệt với chị. Chị sui nói với anh sui:

Giờ nầy còn sớm ở chơi khoan về

Vô đây phụ lột hột me

Để tui chuẩn bị nấu chè mình ăn.

Hôm nay mồng mấy vậy anh?

Nhìn ra ngoài ngõ ánh trăng đã tròn

Hồi xưa ông xã tui còn

Ảnh phụ tui nấu thường hơn anh à

Tụi tui ngồi dưới trăng ngà

Ăn chè, tán dóc thật là vui tươi

Thắm thoát gần chục năm trời

Ảnh chết, tui bỏ cả xôi lẫn chè

Hôm nay làm lại đó nhe

Bảo đảm, anh thử sẽ mê tới già

Tối đó về nhà, vợ tôi thấy tôi bần thần đầu óc mơ màng cứ tưởng tôi bịnh nên giã chén muối ớt, cắt mấy trái khế để tôi ăn chua vào cho giải cảm. Nào ngờ nhìn chén muối ớt mà tôi lại nhớ đến hai trái ổi xá lị, nước miếng cứ dâng lên miệng, cục Adam thì cứ chạy lên chạy xuống. Tôi nuốt nước miếng ừng ực, hít một hơi để dồn chân khí chạy xuống... phía dưới, vừa ăn khế vừa tưởng tượng đến ổi xá lị. Ăn xong, tôi vội chạy ngay lên giường trùm mền, mơ màng rồi ngủ quên hồi nào không biết.

Có ai ngờ là tôi bị bịnh mộng du, thế mới có chuyện xảy ra....Có trời biết, đất biết, Chúa biết, chị sui biết...mà tôi hổng biết. Hèn chi sáng hôm sau tôi ghé qua thăm thằng cháu nội lần nữa thì chị sui ra mở cửa, mặt ửng hồng, thẹn thùng hỏi:

-Tối qua ...anh đến nhà tui?
Sao không gọi cửa ...mà...chui hàng rào?

Tôi thộn mặt ra chắc chắn là …rất ngố. Tại sao mình lại phải chui hàng rào mà không…vượt rào? Nhưng tôi nhanh trí mạnh miệng chối phăng còn ngố hơn:

Đêm khuya chị ngáy ào ào,
Tui chun dzô đó khác nào tui điên?

Than ôi, nhưng đó chỉ là giấc mơ, cơn mộng du thôi, chớ có bóng đèn làm chứng cho tôi, mối tình anh sui chị sui vẫn còn ngây thơ trong trắng không vướng chút bụi trần. Ai không tin thây kệ.

Bây giờ kể đến chị Sui thứ hai:

Thằng con trai kế của tôi ra trường đi làm việc đã lâu. Thành phố nó ở lại không có mấy người Việt, mà từ hồi các con còn nhỏ, chúng tôi thường khuyên nhủ là nên lấy người Việt Nam, kẹt lắm thì lấy Tàu, Thái, Phi cũng còn đỡ, chứ lấy Mỹ hay Mễ thì ba má không phản đối nhưng cũng không thích đâu. Mấy đứa nhỏ nghe lời, nên bạn bè cặp xách thì cũng có lai rai, nhưng khi lấy vợ thì tuân theo ý cha mẹ, là cô dâu phải biết húp nước mắm.

Nhân dịp về Việt Nam thăm bà nội, nó được giới thiệu với một cô gái đẹp lắm, lại con nhà giàu. Nghe người ta đồn là con gái bây giờ ma mãnh lắm, nó lợi dụng qua đây được rồi là đá liền mà theo thằng khác, nên tôi phải thân chinh về tận bên đó coi lại cho chắc, chứ thằng con tuy gần 30 tuổi rồi mà còn ngây ngô như đá. Gia đình chị Sui ra rước tận phi trường. Đứa con dâu tương lai ôm bó hoa lớn tặng cho tôi ngay khi gặp mặt tại cổng. Dĩ nhiên tôi để ý theo dõi nét mặt, tướng đi, lời nói của con nhỏ thì thấy được quá. Con nhà giàu mà không chưng diện, mặc chiếc áo đầm trắng đơn giản, giống như thiên thần. Còn chị Sui tương lai của tôi thì khỏi nói, mới chừng bốn mươi thôi và nhan sắc thì ôi thôi.. chậc chậc.. giới địa ốc bên Việt Nam gọi là "điện nước đầy đủ cả".

Anh Sui đã cất bước theo ông bà khoảng chừng năm năm nay, để lại cho chị một gia sản kếch sù, gồm nhiều căn nhà ở thành phố và các tỉnh miền tây, với một đoàn xe tải ba bốn chục chiếc, chuyên chở hàng từ những cửa khẩu về SG hay các tỉnh. Tôi choáng ngợp trước sự giàu có của họ, cho dù ở bên Mỹ tôi cũng chẳng nghèo hèn gì. Nhà đàng gái có nhiều xe, nhiều tài xế, nhiều người làm, nên nếu sau này con nhỏ đó có về làm vợ thằng con tôi, chắc nó cũng không biết nấu ăn, giặt quần áo gì đâu, chỉ tội cho thằng con lo hầu vợ mà thôi.

Nhưng ngẫm đi nghĩ lại, bà xã tôi ngày xưa có là tiểu thư khuê các con nhà giàu gì đâu, mà bây giờ tôi cũng vẫn phải nai lưng ra hầu việc bả vậy. Thôi cũng đành phó thác cho mệnh trời. Giấy tờ làm hôn thú, bảo lãnh cũng còn khá lâu, nên chị Sui muốn nhờ tôi làm một thư mời bả qua Mỹ, thực tế là đi chơi, nhưng giấy tờ là mời một "đối tác" từ bên VN qua để làm ăn.

Chắc bả muốn coi gia đình tôi có môn đăng hộ đối không, thằng con tôi là kỹ sư thiệt hay dỏm, nó đang làm ông Sếp hay đang cong đít lau sàn nhà. Thư mời, tôi có bấm con dấu nổi của công ty, bả dòm thấy nổi cộm lên một cục chắc lé con mắt, vì mộc bên VN đóng đỏ toè loe, nhưng làm sao oai bằng con dấu của tôi được.
Mấy tháng nay, kinh tế Mỹ lao xuống vùn vụt, thằng Cậu Cả nhà tôi bị lay off, nó đành dọn về nhà cha mẹ ở chứ không còn đủ khả năng ở nhà lớn nữa, mà nhà tôi thì các con dần dần như con chim mọc đủ lông cánh, bay đi khắp bốn phương trời. Chị Sui ở một mình cô quạnh nên tôi phải thường xuyên ghé thăm thay thế cho đám nhỏ. Một bữa tôi nghe chỉ than mà thấy thương quá.

Cám ơn anh đã ghé qua...

Con gả đi hết cửa nhà quạnh hiu!

Làm tui cảm thấy buồn thiu

Riết rồi sanh bệnh ít nhiều anh ơi!

Thế rồi tôi và mấy đứa con thuyết phục bà vợ nhỏ của tôi nên rốt cuộc mời được chị Sui về ở chung với gia đình tôi. Sắp tới chị Sui thứ Hai qua đây chơi, tôi cũng không đành để chỉ ngụ tại Khách sạn, nó lạnh lẽo và bất tiện lắm, tôi sẽ đem về ở chung nhà. Tưởng tượng đến cảnh mấy người đề huề "chung một mái nhà" mà tôi thấy mình như sắp lên thiên đường.

Chị Sui hai chưa qua mà tôi bây giờ đã biết thế nào là cảnh 1 ông nhiều bà. Trời ơi là sướng như tiên mặc dù hơi...điên cái đầu. Trước hết nói về cái Sướng là bởi mấy bà trong nhà lúc nào cũng chìu chuộng, trổ tài chinh phục trái tim mong manh của tôi. Bà xã tôi hồi giờ ăn hiếp bắt tôi nội trợ lo cơm nước thì nay lại chịu khó lăng xăng lí xí nấu nướng bưng cơm dâng tận tay tôi, lại còn bưng nước, xĩa răng cho tôi nữa. Tôi mới ưỡn lưng than mỏi là bả xà vào đấm bóp, massage cho tôi ra cái điều tôi là sở hữu của bả. Còn chị Sui thì tự nhiên đòi dạy tôi nhảy đầm. Chỉ bảo là hôm đám cưới thấy tôi ngồi thộn mặt ra ngó thiên hạ nhảy nhót giống y mặt con cóc tía mà tiếc cho tôi và...chỉ hết sức nên phải kiếm dịp mà luyện võ nghệ cho tôi. Chỉ bảo điệu sì lô cóc khô gì gì đó là dễ nhất và hợp với cái tướng to con của tôi. Ừ, nhảy thì nhảy, tôi sợ gì mà không tập.

Sẵn bà vợ nhỏ của tôi mắc đi đánh tứ sắc ở nhà bạn, vợ chồng thằng Cậu Cả được dịp xúi vào, hổng hiểu tụi nó có dụng ý gì:

- Má đi rồi, Ba tới đi Ba.
- Ừ, tới thì tới. Nhảy đầm là một môn nghệ thuật mà.

Thế là thằng con mang đờn ra, còn tui thì diện bộ đồ vía vào. Chị Sui vào trong thay đồ thật lâu làm tui sốt ruột quá xá, không tranh thủ mà làm phí thì giờ vàng ngọc thật là uổng. Nhưng úi trời, lúc chị Sui ỏn ẻn từ trong phòng bước ra hai con mắt tui muốn nổ đom đóm, máu cam từ từ ứa ra từ mũi y hệt trong phim Tàu. Chỉ mặc bộ đồ kiểu gì mà cứ y như không mặc. Hai trái ổi giờ được che bởi những bông hoa vải đỏ nho nhỏ được đính trên cái áo voan màu da mỏng dính. Còn thêm những cái tua đỏ dài dài như tấm màn mỏng nửa che nửa hở. Kiểu này mà nhảy nhót sao được, chưa chi tui đã cứng cả cẳng, run cả đầu gối. Nhưng phải công nhận chị Sui thật là tài, chỉ dìu tôi đi tới đi lui theo tiếng nhạc dìu dặt mê ly. Biết nhảy đầm mà hấp dẫn như vầy là tôi đã xin đi học nhảy từ hồi mới chui ra khỏi bụng mẹ.

Ô, mê lý, mê ly đời ta!

Hai trái ổi của chị sui lâu lâu chạm nhẹ vào tôi làm tôi nỗi cả da gà da rắn...Mà đâu cần chị sui chạm, chỉ cần nhìn bộ đồ chỉ mặc kiểu “có mà như không” là trái tim tôi cứ thắt lại, mắt nổ hào quang.

Ấy chỉ là mấy điều sung sướng của tôi, kể nhiều lộ hết bí mật. Còn nổi khổ thì trời ơi là khủng khiếp. Cái thằng cậu Cả của tôi thật là ngu đại ngu. Cái ngu thứ nhất là nó đem ông Sui bà Sui ghép với nhau. Cái ngu thứ hai là nó thấy hai sui nhảy đầm hết xảy nên biểu con vợ vào lấy máy chụp hình chụp vài “bô” làm kỷ niệm. Thế mới có cái hình đẹp ác chiến và cũng là nguyên cớ cho cái trận ghen ác liệt xảy ra.

Anh sui cùng với chị sui,

Đôi ta say đắm mùi ơi là mùi.

Cái hình này tôi đã nhét dưới mấy cục tạ mà hổng hiểu sao nó lại lọt vào tay vợ tôi. Sau này mới biết hóa ra thằng con nó thấy đẹp rửa ra và gởi cho Paris by night xin ghi tên cho 2 đứa tôi dự thi khiêu vũ. Lại thêm một cái ngu của nó là xớn xác ghi địa chỉ không đúng nên thơ được châu về hợp phố và lọt vào tay con vợ chằn lửa của tôi. Ngu gì mà ngu truyền kiếp! Đúng là con hơn cha nhà mất nóc. Trước con sư tử dơ nanh vuốt, tôi quỳ thụp xuống xin tha mạng và mếu máo ngâm bài thơ:

Trên đời quý nhất là CON

Cho nhau chẳng tiếc, mình còn dùng chung.

Tiếc chi cái tấm ... thân còng

Còn "ngon" mà chẳng ai dùng, phí đi!!!

Dĩ nhiên là nghe tôi ngâm xong, bả gầm lên và nhào vô cấu xé “tấm thân còng” và xé tan nát luôn cái hình làm tôi tiếc đứt ruột. Nhưng nghĩ cho cùng, cái hình đã được save trong computer thì mắc mớ gì mà tiếc. Chỉ tiếc có một điều là con vợ của tôi nó ra tối hậu thư: Một chị Sui chung nhà là đủ. Còn chị Sui hai thì ông lo mà đem chỉ đi đâu thì đi. Tui không cho phép rước thêm vô căn nhà này.

                                   NHẬN TỪ THU HƯƠNG HD 67-74

Không có nhận xét nào: