a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.
Hiển thị các bài đăng có nhãn LOI HAY Y DEP. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn LOI HAY Y DEP. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

TÔI ĐANG THAY ĐỔI

 



Tôi hỏi anh bạn già của tôi có gì mới không, anh ấy cho biết:
1. Tôi đang thay đổi. Trước đây tôi yêu bố mẹ, anh em, bà xã, con cái, bạn bè, giờ tôi bắt đầu yêu chính mình.
2. Tôi đang thay đổi. Tôi đã hiểu ra mình không phải Thượng đế, mình không thể gánh nổi cả thế gian.
3. Tôi đang thay đổi. Không mặc cả với những người bán rau bán cá nữa, trả thêm cho họ ít tiền không làm tôi nghèo túng, biết đâu số tiền đó lại góp phần nhỏ bé trong học phí của con cái của họ.
4. Tôi đang thay đổi. Tôi không chờ lấy tiền thối lại khi đi taxi, tiền boa đó biết đâu đổi lại được một nụ cười, dù sao anh ta cũng sống vất vả hơn mình mà.
5. Tôi đang thay đổi. Tôi không nói với các cụ rằng “câu chuyện này đã nghe nhiều lần rồi, biết rồi, nói mãi.” Hãy để các cụ thoải mái ôn lại kỷ niệm xưa và cảm thấy hạnh phúc.
6. Tôi đang thay đổi. Tôi thôi không bắt lỗi khi người khác sai, bởi vì mình không có trách nhiệm làm cho họ trở nên hoàn hảo.
7. Tôi đang thay đổi. Tôi luôn miệng khen tặng người khác, khiến người ta vui mình cũng được vui lây.
8. Tôi đang thay đổi. Thôi không bận tâm những vết bẩn trên áo quần, dù sao nhân cách vẫn quan trọng hơn vẻ bên ngoài.
9. Tôi đang thay đổi. Ngày càng xa lánh những kẻ xem thường mình, bởi vì họ chẳng hiểu được giá trị thực của tôi.
10. Tôi đang thay đổi. Không vì bảo vệ quan điểm của mình mà đánh mất tình bạn, hãy để mọi người cùng vui hơn là thỏa mãn một mình.
11. Tôi đang thay đổi. Tôi sẽ xem mỗi ngày là ngày cuối cùng của đời mình, trước sau gì ngày ấy cũng sẽ đến.
12. Tôi đang thay đổi. Tôi luôn làm những gì mình yêu thích để tận hưởng cuộc sống, đó chính là trách nhiệm lớn nhất dành cho chính mình.
Sưu tầm
My Lan Phạm


Hôm nay tôi đọc được một câu nói rất hay:
"Phụ nữ có 3 việc không thể ngừng được, đó là: Học hành, xinh đẹp và kiếm tiền. Tuổi tác không phải cái cớ, cho dù bạn đang ở độ tuổi nào thì cũng phải đặt ra cho bản thân một yêu cầu. Ra đường phải ăn mặc như công chúa, làm việc thì hãy giống đàn ông, và sống như một nữ thần"
Nhiều người trong chúng ta luôn bị ám ảnh bởi việc phải tìm được cho mình một người đàn ông để yêu và dựa dẫm. Nhưng sự thực là, phụ nữ có thể thiếu đàn ông, nhưng nhất định không bao giờ được để cho bản thân mình thiếu tri thức và nhan sắc. Đàn ông không phải là tất cả, đừng vì một vài lần tình cảm không suôn sẻ như ý muốn mà đâm ra chán nản, hận thù cuộc đời. Phụ nữ thông minh là người biết yêu thương và coi trọng bản thân mình trước tiên, rồi sau mới đến người khác. Đừng nghĩ rằng thế là ích kỷ. Nếu như ngay cả bạn còn không biết yêu thương chính mình, thì đừng bao giờ mong nhận được tình cảm từ người khác.
Vẻ đẹp bên ngoài có thể bị mài mòn dần theo năm tháng nhưng tri thức thì lại dày lên. Không ai thích một người phụ nữ vừa già, vừa xấu, lại còn kém hiểu biết. Thế nên hãy tranh thủ khi còn trẻ, bộ não vẫn còn minh mẫn mà chăm chỉ học hành, trau dồi kiến thức thật nhiều. Hãy để những hiểu biết của bản thân nói lên con người mình là ai, chứ đừng cho phép một khuôn mặt xinh làm điều đó.
Xinh đẹp không có lỗi, lỗi là ở việc nghĩ mình đẹp rồi, mình không cần học nữa. Đàn ông có thể thích những cô gái đẹp, nhưng không ai muốn sống cả đời với một người có cái đầu rỗng tuếch. Nhan sắc cũng quan trọng đấy, nhưng thiếu đi tri thức thì cô gái ấy cũng thật đáng thương.
Phụ nữ hiện đại có thể có tình yêu, nhưng cũng có thể không. Không ai nói rằng mọi cô gái đều phải yêu và dựa dẫm vào đàn ông cả. Việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được, đôi khi còn làm tốt hơn. Phụ nữ khôn ngoan là phải học cách làm việc của đàn ông. Cứng rắn, quyết đoán, dứt khoát và mạnh mẽ. Một người phụ nữ độc lập, không bao giờ phải nhờ vả ai làm hộ mình bất cứ điều gì mới là người phụ nữ hạnh phúc.
Người khác có thể giúp mình 1 lần, 2 lần, nhưng không ai giúp mình được mãi, thế nên hãy học cách tự đứng trên đôi chân của mình. Chỉ những người kém cỏi mới có cái suy nghĩ dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác. Cố gắng kiếm tiền, có một khoản tiết kiệm cho bản thân, đấy mới là điều phụ nữ nên quan tâm hơn là đàn ông.
Khi có tiền rồi thì hãy sống như một nữ thần. Cuộc sống của mình, mình phải biết tận hưởng. Ra đường hãy ăn vận như một công chúa, gương mặt tươi tắn, rạng ngời. Dù trang điểm hay không trang điểm cũng phải có khí chất riêng. Cái đấy mới là cái thu hút người khác chứ không phải lớp phấn son dày cộp.
Có nhiều người mặc cùng một chiếc váy, nhưng cảm giác mỗi người mang lại lại khác nhau. Mình không cần phải biến bản thân trở thành một con người khác, gượng gạo và nhạt nhòa giữa một rừng các cô gái chẳng khác gì nhau. Phụ nữ đẹp nhất là khi tự tin là chính mình. Hãy cứ ngẩng cao đầu, thẳng lưng và vững bước, dù cho có đang đi một đôi giày cao gót 15 cm. Hãy cứ làm những gì mình thích, ăn những gì mình muốn, đi đến bất cứ đâu mình đang mong chờ được khám phá mà không phải phụ thuộc vào bất cứ người đàn ông nào.
Là phụ nữ, dù đêm hôm trước có khóc sưng mắt, đầu tóc rối bù, thì sáng hôm sau vẫn phải xinh đẹp đứng giữa đời. Bất kỳ người phụ nữ nào cũng xứng đáng được sống như một nữ thần, và cuộc đời họ chính là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất."
Sưu tầm


Một chuyện tình yêu 80 niên .
Chàng 16 tuổi, còn nàng 12. Nàng về nhà người dì ở cùng quê chàng và đi học ở tiểu học nữ Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Chàng khi đó yêu nhạc đàn, chỉ 10 tuổi đã rất giỏi các nhạc cụ. Một lần, ôm cây măng cầm (mandoline) đến nhà người dì đàn cho vợ chồng họ nghe, chàng gặp nàng và "say nắng". Nhưng chỉ là thầm yêu trộm nhớ vậy, vì 1 năm sau nàng đã từ giã người dì để về ở với cha mẹ tại Sóc Trăng.
Chàng chính là nhạc sư Vĩnh Bảo sau này nổi danh còn nàng là hoa khôi Trâm Anh nổi tiếng.
Từ Sa Đéc khi đó tới Sóc Trăng là cả 1 quãng đường. Có lần, nhớ người trong mộng đến quay quắt, chàng đón xe đò xuống quê nàng. Đứng ở cầu quay Sóc Trăng, chàng chờ hàng giờ, nhìn học sinh lần lượt đi qua mà không thấy bóng dáng nàng đâu, đành thất thểu quay về.
Năm 1946 - 12 năm sau, Vĩnh Bảo - lúc này đã là một tay đàn lẫy lừng - từ Sài Gòn về thăm quê cha ở Sa Đéc. Vẫn ôm mối tình vô vọng, khi gặp người quen, ông bâng quơ hỏi thăm về Trâm Anh, được cho biết nàng vẫn còn độc thân ở quê nhà.
Chàng trai năm ấy quyết liều một phen, về nhà nhờ gia đình mang trầu cau sang dạm hỏi. Phút giây cha mẹ bà gật đầu đồng ý, ông miệng cười mà nước mắt tuôn rơi.
Nhạc sư không dám tin từ nay sẽ sống bên người con gái ông ngỡ đã mãi đánh mất. Một đám cưới nhỏ được tổ chức ngay trong năm. Và họ nên duyên cầm sắt.
Yêu vợ, 7 người con ra đời đều ông đặt theo tên vợ: Thu Anh, Trung Anh, Tam Anh, Tùng Anh, Tú Anh, Tiến Anh, Tường Anh.
Ông từng tâm niệm vợ chồng gắn bó cả đời là ở sự kính nể nhau. Học trò về Đồng Tháp thăm nhà ông, thường ngưỡng mộ tình cảm ông dành cho vợ. Trong gian nhà chỉ khoảng hơn 40 m2, ông bày khắp tường khung ảnh của vợ, từ khoảnh khắc vợ chồng thuở thanh niên đến lúc bạc đầu.
Bà làm vợ 1 nhạc sư, gia cảnh nghèo, rất tần tảo lo tề gia nội trợ, yêu chồng thương con, quý học trò của chồng.
Những năm cuối đời của bà Trâm Anh, ông không rời bà nửa bước. Lúc ấy, bà bị suy thận, phải nhập viện điều trị. Ông thường nằm bên bà để vợ bớt lẻ loi, hai cái giường chỉ cách nhau nửa gang tay. Đến khuya, bà than lạnh, ông liền leo qua nằm chung. Chứng thận yếu khiến người bà hay ngứa ngáy, phải nhờ ông gãi suốt đêm, bà mới êm giấc. Những tháng cuối cùng, biết mình khó qua khỏi, bà mới chủ động ôm chồng dù thường ngày, tính bà hay ngại. Mỗi lần muốn hôn, bà cố gượng dậy nhưng lực bất tòng tâm. Thấy cảnh đó, lòng ông đau như cắt.
Bà mất trong một chiều mùa thu năm 2014. Trong đám tang bà, ông không còn nước mắt để khóc. Nhạc sư chỉ kịp viết bài thơ tiễn biệt vợ sau 68 năm chung sống:
"Chiều nay em vĩnh viễn ra đi
Tim anh rỉ máu phút biệt ly
Sáu tám năm, nặng nghĩa sâu
Đơn phương cởi áo qua cầu mình em
(...) Từ nay lạnh lẽo kiếp phù sinh
Biết nói gì đây hết ý tình
Chuyến xe định mạng, đành an phận
Bấm ruột, lệ rơi chỉ riêng mình".
6 năm sau khi người vợ ra đi, nay nhạc sư Vĩnh Bảo thọ 104 tuổi đã về trùng phùng cùng vợ.
Chuyện tình của ông bà thật bình dị, nhưng thật đẹp, như cuộc đời của ông, bảo vật quý báu của đờn ca tài tử Nam Bộ, và của bà, một phụ nữ cả đời hy sinh nhất mực vì chồng con.
Theo VN Express, Truyền hình Đồng Tháp
Hình tư liệu
NbNguyễn Thị Bích Hậu

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Tình Anh Em



“Một giọt máu đào hơn ao nước lã” vì tận mắt chứng kiến tình cảnh trong chính gia đình mình, khi bố tôi và em trai, mà tôi gọi là chú, cãi nhau đến mức từ nhau luôn....!
Họ đã hai năm đằng đẵng không nhìn mặt nhau và cứ mỗi lần mẹ tôi nhắc đến ông chú là bố tôi bực bội bỏ đi. Thực ra chuyện không phải vì lý do kinh tế, vì chia đôi tài sản thừa kế như trong nhiều gia đình khác. Chuyện là có cái nhà hương hỏa bán đi, bố quyết chia 7-3, bố nhận 3 phần, chú nhận 7 phần, vì nói như bố “mẹ sống chủ yếu với chú, chú chăm mẹ nhiều hơn nên xứng đáng phần nhiều hơn”. Không những vậy, sau khi bán nhà, chuyển tiền cho bố, chú tôi còn âm thầm mua cho tôi con xe máy SH…
Thế mà “sông có khúc, đời có lúc”, họ dứt tình vì câu nói đùa của bố tôi để chú hiểu lầm rằng bạn gái của chú thay lòng đổi dạ, chạy theo bố - một người đàn ông đúng nghĩa vừa đẹp trai, cao ráo, vừa ăn nói khéo léo và rất biết cách lấy lòng chị em. Chú đang sống chung với gia đình tôi liền bỏ đi, thuê riêng cho mình một căn hộ chung cư ở ngoại thành.
Và gần 2 năm sau, một lần bỗng nhiên bố tôi nhận được cú điện thoại từ chính cô bạn gái oan nghiệt, báo tin là chú tôi bị ung thư dạ dày và theo lời bác sĩ tiên đoán chỉ còn sống được tối đa 2 tháng. Dĩ nhiên, bố nhảy bổ gọi điện liền cho chú. Nhưng chú không nghe máy. Lần 1, lần 2 và suốt ngày không lần nào chú bốc máy. Có lẽ nỗi giận dữ vẫn âm ỉ cháy dù mầm sống đang dần dà rời xa chú. Bố xin địa chỉ nơi chú nằm, đến nơi nhưng chú tôi nhất quyết: Anh đi đi, tôi không muốn nhìn mặt anh. Bố giận tím mặt vì thằng em cố chấp. Nó vẫn sống chung với con bé ngày xưa mà giờ không muốn nhìn mặt anh mình? Nhưng rồi tình thương, tình anh em máu mủ đã chiến thắng. Bố lại đến bệnh viện và nói chuyện với bác sĩ điều trị. Vị bác sĩ buồn bã nói rằng, tình hình bệnh của chú trở nặng, đã di căn, không thể mổ cắt khối u và chắc là chỉ sống được không quá 2 tuần.
Vài ngày sau, bạn gái của chú nhân lúc chú tỉnh lại đã nói:
“Anh có biết là anh của anh đã 3 ngày đêm ở cùng anh, mong anh khỏe lại”. Và chú tôi khóc, những giọt nước mắt chảy thành hàng trên khuôn mặt đã teo tóp, nhợt nhạt vì hóa trị. Chú kêu bạn gái ra hành lang kêu bố vào. Hai anh em ôm chầm lấy nhau, bố khóc, chú khóc và dường như cả thế gian này chỉ còn 2 sinh vật bé nhỏ yêu thương nhau, quấn quít với nhau. Bố nói:
“Anh chỉ sợ một điều duy nhất là không kịp làm hòa với em. Tất cả là lỗi của anh”.
Và chú tôi thều thào, rõ là trong người đau đớn lắm: “Anh à, em đang chết nhưng em thấy mình là người hạnh phúc nhất. Vì rằng có anh bên cạnh, như ngày nào mình còn bé… Anh có nhớ những ngày sơ tán ở sông Nhuệ, mình trốn học đi câu cá, về nhà anh nhận hết lỗi về mình… Ôi, em ra đi được rồi!”.
Vài ngày sau chú tôi mất. Bố đưa thi hài chú về quê, thuê thợ khắc tên, tuổi lên tấm đá hoa cương và trồng bên cạnh những cây hồng mua từ Sa Pa, loại hoa mà chú tôi thích nhất. Thắp nén nhang cho chú, bố nói với tôi và thằng em: “Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi tình yêu thắng hận thù. Nếu không phải vậy thì không còn là cuộc sống. Các con nhớ mình mãi mãi là anh em với nhau....!
Hãy nhớ để sống không hối tiếc”....!
Sưu tầm / Internet

Một hôm, người chồng trở về nhà. Lúc đó trời đã khuya lắm rồi, nhưng chiếc đèn bên hiên nhà vẫn sáng rực, chiếu rọi một đoạn đường phía ngoài ngôi nhà. Anh cho rằng vợ mình ngủ quên, định bụng vào trong nhà tắt đèn, nhưng không ngờ lại bị vợ cản lại. Anh chưa kịp hỏi nguyên do thì chị vợ đã chỉ tay ra ngoài cửa sổ cho chồng nhìn.
Ven đường bên ngoài cửa sổ là một chiếc xe ba bánh chở đầy rác. Ngay cạnh đó, một cặp vợ chồng đang ngồi nghỉ dưới ánh đèn ấm áp bên hiên nhà. Họ vừa nói vừa cười, và cùng nhau ăn chút gì đó để lót dạ đêm khuya.
Nhìn thấy cặp vợ chồng ấy đang chuyện trò vui vẻ dưới ánh đèn, cả anh và vợ đưa mắt nhìn nhau rồi nhẹ nhàng rút lui. Có lẽ hai vợ chồng người thu gom rác ấy sẽ vĩnh viễn không biết rằng, ở đâu đó trong thành phố này, có một ngọn đèn vẫn hàng đêm vì họ mà thắp sáng.
Và bạn thấy đấy, có những sự giúp đỡ diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ. Vậy cớ sao cứ phải đợi đến khi mắt thấy, tai nghe rồi chúng ta mới biết ơn trong lòng?
Bởi vì, có những “cho đi” không bao giờ mong chờ bạn đền đáp. Có những “giúp đỡ” không bao giờ chờ bạn nói “Cảm ơn!”
Vì vậy, hãy cứ biết ơn cuộc đời này và hãy dùng lòng cảm ơn để đối đãi với tất cả mọi người xung quanh bạn.
Nguồn : Sưu Tầm


10 "KHÔNG" ĐỂ TÍCH ĐỨC CHO ĐỜI

 1. Không nên đánh giá đức hạnh của người khác, bởi vì có thể có những khía cạnh họ còn cao quý hơn bạn.

2. Không nên đánh giá học vấn của người khác, bởi vì trên đời này kiến thức là mênh mông. 3. Không nên đánh giá bất kỳ người nào, vì bạn không sống trong hoàn cảnh của người đó.

4. Không nên lãng phí tiền bạc, bởi vì ngày mai bạn có thể thất nghiệp.

5. Không nên vênh váo, tự đắc, bởi vì có thể ngày mai bạn thất thế.

6. Không nên nói quá phô trương, phải biết rằng bạn cũng chỉ là một người nhỏ bé.

7. Không nên dựa vào người khác, bởi vì cuộc sống nhiều gánh nặng, ai cũng muốn sống nhẹ nhõm.

8. Không nên làm tổn thương người khác, nhân quả sớm muộn đều sẽ đến.

9. Không nên tự nhiên nổi giận, vì không phải ai cũng là “con nợ” bạn. Có thể hiện tại bạn đang rất thống khổ, nhưng khi vượt qua khoảng thời gian ấy, nhìn lại bạn sẽ phát hiện kỳ thực điều đó cũng chẳng là gì.

10. Không nên nói rằng ai tu luyện tốt hay không tốt. Tu hành là việc cá nhân, người khác chính là một cái gương phản chiếu chính cái thiếu sót trong tu luyện của bản thân mình.

Sưu tầm



Tại một ngôi chùa cổ ở Nhật Bản, có một cậu bé mới 9 tuổi tên là Thân Loan (sau này là người sáng lập Chân Tông tịnh độ), quyết định xuất gia đi tìm thiền sư để xuống tóc, khi gặp được, thiền sư đã hỏi ông rằng:
“Con còn nhỏ thế này tại sao đã muốn xuất gia?”.
Lúc đó Thân Loan trả lời:
“Năm nay mặc dù cháu mới 9 tuổi nhưng bố cháu đã qua đời, cháu không biết vì sao con người phải chết, vì sao cháu và bố cháu phải rời xa nhau. Vì thế để hiểu được đạo lý này, cháu nhất định phải xuất gia”.
Vị thiền sư nói:
“Được! Ta hiểu rồi. Ta đồng ý nhận con làm đồ đệ, nhưng hôm nay muộn rồi, chờ đến sáng sớm mai ta sẽ xuống tóc cho con!”.
Thân Loan nghe xong liền nói:
“Thưa sư phụ, mặc dù sư phụ nói là chờ đến sáng sớm mai sẽ cắt tóc cho con, nhưng con còn nhỏ, con không dám chắc quyết tâm đi tu của con có còn giữ được đến sáng mai không. Mà sư phụ thì đã nhiều tuổi thế này rồi,sư phụ có dám chắc sáng mai tỉnh dậy sư phụ vẫn khỏe mạnh không?”.
Vị thiền sư nghe xong liền nói:
“Tốt, tốt! Con nói rất hay! Những gì con nói đều đúng, ta sẽ xuống tóc cho con ngay bây giờ”.
Vạn vật của thế giới luôn nằm trong sự biến đổi không ngừng nghỉ, con người cũng vậy, không ai biết được tương lai sẽ ra sao? Ngày mai cũng không chắc chuyện gì sẽ đến, có những biến cố bất ngờ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn cũng có thể khiến ta mất đi ngày mai vĩnh viễn. Vì vậy ngày hôm nay, khi ta muốn làm một điều gì đó hãy bắt tay làm, đừng chờ đợi. Xưa nay, có biết bao nhiêu người thua bởi một chữ “đợi”:
Đợi đến một ngày nào đó, đợi tương lai, đợi đến khi hết bận, đợi lần sau, đợi khi có thời gian, đợi khi có điều kiện, đợi khi có đủ tiền, đợi cho đến khi không còn duyên phận, đợi đến khi thời thanh xuân trôi qua, đợi đến khi không còn cơ hội, đến khi không còn lựa chọn. Chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, có nhiều việc đợi sẽ thành mãi mãi không bao giờ thực hiện được nữa… đừng để bản thân có quá nhiều nuối tiếc.
Nhân sinh 5 điều không thể chờ đợi:
1 - Nghèo khó không thể đợi, bởi vì thời gian lâu rồi, bạn sẽ chết vì đói.
2 - Khỏe mạnh không thể đợi, bởi vì thân thể một khi suy kiệt rồi, hết thảy mọi thứ đều vô nghĩa.
3 - Giáo dục không thể đợi, bởi vì cây non mà xiêu vẹo, thì khi trưởng thành rất khó để uốn nắn.
4 - Hiếu kính không thể đợi, bởi vì cha mẹ mất rồi, muốn hiếu kính cũng chẳng còn cơ hội nữa .
5 - Thanh xuân không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có nhiều tiền nữa cũng không mua lại được tuổi trẻ .
Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà bạn khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là sinh mệnh đã trở về với cát bụi. Cuộc sống này quá ngắn ngủi là vậy!
Cho nên, cần tận dụng thời gian, làm những việc có ý nghĩa mới là điều quan trọng nhất. Quý trọng thời gian, chính là quý trọng tính mạng của chính mình.
ĐỪNG ĐỢI
Đừng đợi đến khi có thật nhiều tiền , rồi mới dám chia xẻ.
Đừng đợi đến khi có thật nhiều thời gian, rồi mới bắt đầu làm việc.
Đừng đợi đến khi đau bệnh, rồi mới quý trọng sức khỏe.
Đừng đợi đến khi con cái hư hỏng, rồi mới dạy dỗ.
Đừng đợi đến khi cha mẹ không còn, rồi mới hối hận và khóc thương.
Đừng đợi đến khi gia đình tan nát, rồi mới biết trân trọng hạnh phúc đang có.
Đừng đợi đến khi về già, rồi mới sám hối những sai lầm
Đừng đợi đến khi nằm trong quan tài, rồi mới nghĩ đến những việc thiện trước đây mình nên làm để chia xẻ với người khốn khó
Đừng đợi đến khi đứng trước cánh cửa sinh tử rồi mới ân hận vì những điều sai trái mình phạm phải trước đây rồi mới nghĩ : “giá mà ta biết trước thì ...”
Lê Văn Quý sưu tầm

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

Đừng giỡn mặt với người già



Bà cụ khoảng 80 tuổi bước vào một ngân hàng, đưa thẻ cho cô nhân viên:
- Cô làm ơn cho tôi rút 10 đô la.
Cô nhân viên trả lời:
- Nếu muốn rút dưới 100 đô la, xin bà vui lòng sử dụng máy ATM.
Bà cụ thắc mắc:
- Tại sao tôi không thể rút chỉ 10 đô la nhỉ ?
Cô nhân viên tỏ vẻ khó chịu. Cô đưa thẻ lại cho bà cụ và nói: “Đây là quy luật của ngân hàng. Mời bà bước ra ngoài nếu không còn vấn đề gì khác, vì phía sau bà đang có nhiều người xếp hàng chờ đến lượt.”
Bà cụ im lặng vài giây, đoạn đưa thẻ lại cho cô nhân viên và nói:
- Thế thì cô hãy giúp tôi rút ra hết toàn bộ số tiền mà tôi có trong tài khoản.
Cô nhân viên trố mắt ngạc nhiên khi kiểm tra số dư trong tài khoản của bà cụ. Cô lắc đầu, nghiêng người về phía bà, chậm rãi nói từng tiếng:
- Thưa bà, trong tài khoản của bà có tất cả 1 triệu đô la, và ngân hàng chúng tôi hiện không có đủ số tiền mặt đó. Bà có thể vui lòng đặt hẹn và ngày mai trở lại không ?
- Thế ngay bây giờ thì tôi có thể rút được bao nhiêu ?
- Tối đa 5.000 đô la thưa bà.
- Tốt. Vậy cho tôi rút 5.000 đô la.
Cô nhân viên tức tối bước đến két tiền, chọn toàn những xấp bạc 20 đô và 10 đô, kéo dài cả 10 phút để đếm cho đủ số tiền 5.000 đô la, xong quay lại trao cho bà cụ, hằn học:
- Hôm nay tôi còn phải làm gì để phục vụ bà nữa không ?
Bà cụ thong thả lấy tờ 10 đô la bỏ vô ví, chậm rãi đáp:
- Vâng. Tôi muốn gởi lại vào tài khoản của tôi 4.990 đô la.
Bài học rút ra từ câu chuyện:
Đừng kiếm chuyện với thế hệ già, bởi họ đã trải cả đời dài để học cách đối phó với con người.
Sưu tầm
My Lan Phạm




SỰ THẬT MỘT KIẾP NGƯỜI

Một ngày rất ngắn, ngắn đến mức chưa nắm được cái sáng sớm thì đã tới hoàng hôn.
Một năm thật ngắn, ngắn đến mức chưa kịp thưởng thức sắc màu đ.ầu xuân thì đã tới mùa đông giá lạnh.
Một cuộc đời rất ngắn, ngắn tới mức chưa kịp hưởng thụ những năm tháng đẹp thì người đã gi.à đi tự lúc nào.
Sự việc luôn luôn đến quá nhanh mà hiểu ra thì quá muộn, cho nên chúng ta phải học cách trân trọng: Trân trọng tình thân, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình yêu, tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình đồng loại...
Vì một khi đã lướt qua, thì khó có thể gặp lại.
Sau 20 tuổi thì đất khách và quê nhà giống nhau vì đi đến đâu cũng có thể thích ứng.
Sau 30 tuổi thì ban ngày và ban đêm giống nhau vì mấy ngày m.ấ.t ngủ cũng không sao.
Sau 40 tuổi thì trình độ học vấn cao thấp giống nhau, học vấn thấp có khi kiếm tiền nhiều hơn.
Sau 50 tuổi thì đẹp và x.ấu giống nhau vì lúc này có đẹp đến mấy cũng xuất hiện nếp nhăn và t.àn nh.ang.
Sau 60 tuổi thì làm quan lớn và quan bé giống nhau vì nghỉ hưu rồi cấp bậc giống nhau.
Sau 70 tuổi thì nhà to và nhà nhỏ giống nhau vì x.ư.ơng kh.ớ.p th.oái h.óa không thể đi được hết những nơi muốn đi.
Sau 80 tuổi thì tiền nhiều và tiền ít giống nhau vì có tiêu cũng chẳng tiêu được bao nhiêu tiền.
Sau 90 tuổi thì nam và nữ giống nhau vì không thể làm nổi chuyện gì nữa.
Sau 100 tuổi thì nằm và đứng giống nhau vì đứng dậy cũng chẳng biết làm gì.
Vậy nên: Trước hay sau, trẻ hay gi.à, gi.à.u hay ngh.è.o, s.ang hay h.è.n, quan hay dân dù là bất cứ ai đều giống nhau.
Hãy sống và giữ cho mình thứ tồn tại bất biến, đó là niềm tin, tình yêu và nhân nghĩa ở đời.

Nguồn: Sưu tầm
Theo: Tony Dzung
Một Sài Gòn.. . cao thượng.
Tôi, một nữ sinh dưới quê lên theo một trường đại học ở Sài Gòn, ở trọ nhà anh họ tiết kiệm chi phí. Ngoài thời gian học trên giảng đường, lúc rảnh tôi phụ một tay ở quán hủ tiếu mì của anh ấy mở tại nhà, vừa đỡ một phần tiền học, vừa có thêm chút thu nhập.
Một lần, lúc quán không đông khách lắm, có hai cha con bán vé số dạo bước vô quán. Người cha bị mù. Người con dắt tay cha và cậu bé chỉ chừng bảy tám tuổi.
Vừa bước vô quán, cậu bé vui vẻ nói:
- Cha ơi, quán này hôm nay cho ăn từ thiện. Mình có thể ăn miễn phí đấy. Để con đi xếp hàng.
Rồi cậu dắt người cha mù lòa ngồi trên ghế.
Tôi chưa kịp lại gần thì cậu bé đã chạy lại bên tôi, chỉ tay lên bảng giá, ghé tai tôi thì thầm:
- Cô ơi, cô cho cháu hai tô hủ tíu mì thịt loại 30.000 đồng. Cháu có tiền và lát nữa cháu sẽ trả tiền. Cha cháu thèm ăn hủ tíu mì thịt từ lâu lắm mà không dám ăn. Vì cha tiếc tiền. Lát nữa cô cứ bảo quán hôm nay từ thiện miễn phí nhé.
Tôi nhìn cha con cậu bé quần áo thô ráp lam lũ bụi đường, nhìn đôi mắt mù lòa người cha, lại nhìn đôi mắt trong trẻo của cậu bé, trong lòng rưng rưng xúc động.
Tôi bảo cậu:
- Hai cha con cứ ăn mì đi. Không cần trả tiền đâu. Hôm nay chị đãi.
Cậu bé quay lại chỗ ngồi. Tôi vô quầy nơi anh họ đang băm băm chặt chặt, kể vắn tắt lại câu chuyện và bảo 60.000 đồng tiền mì ấy, để lát nữa tôi trả. Anh họ bảo không cần đâu, anh mời họ cũng được mà.
Rồi anh họ làm hai tô hủ tíu mì thịt. Anh không làm hai tô thường loại 30.000 đồng mà làm hai tô đặc biệt.
Quán anh họ tôi, tô đặc biệt chỉ nghĩa là mỗi thứ nhiều hơn một chút. Rồi tôi bưng ra cho hai cha con người mù bán vé số ấy.
Quán không đông khách lắm. Trong lúc hai cha con họ ăn, anh em tôi lẳng lặng quan sát. Tôi thấy người cha mù thỉnh thoảng lại lần lần sờ tô của cậu bé rồi gắp thịt sang tô cho cậu bé. Rồi cậu bé lại rình rình lúc người cha không để ý lại gắp thịt bỏ ngược lại tô của người cha mà không để người cha biết. Họ cứ vừa ăn vừa gắp qua gắp lại cho nhau như thế, một lúc khá lâu mới ăn hết tô hủ tíu mì thịt.
Ăn xong, cậu bé đỡ người cha mù đứng lên. Cậu lớn tiếng bảo:
- Cám ơn cô chú cho ăn từ thiện. Người cha mù cũng lập cập nói:
- Cám ơn cô chú!
Tôi cười đáp:
- Không có chi! rồi vẫy tay chào họ.
Thế rồi, hai cha con mù bán vé số dạo ấy dắt nhau rời đi. Tôi bảo anh họ:
- Thằng bé có hiếu quá!
Anh họ nhún vai, đùa:
- Người khổ đầy thiên hạ, làm sao mình giúp được hết? Lâu lâu làm phước thôi nhé, đừng làm phước hoài, có ngày anh dẹp quán.
Tôi cười không đáp, bụng thấy vui vui.
Tôi bưng hủ tíu cho một vài thực khách khác mới vô.
Lúc này cha con người bán vé số mù dắt nhau đi đã khuất. Rồi tôi bắt đầu dọn dẹp bàn ăn chưa kịp dọn.
Dọn tới bàn ăn hai cha con mù nọ, tôi chợt sững lại.
Tôi gọi anh họ tôi. Hai chúng tôi ngẩn ngơ bùi ngùi nhìn bàn ăn. Nơi đó, dưới một trong hai cái tô, kẹp lại một xấp tiền lẻ vuốt phẳng phiu ngay ngắn. Sau tôi đếm lại, đúng 60.000 tiền lẻ.
Là số tiền cậu bé bán vé số kẹp lại để thanh toán hai tô hủ tíu mì thịt.
Bài và ảnh sưu tầm

Share từ FB Võ Hữu Nhậm


Một cử chỉ đẹp
Bà Foreman dừng chiếc xe hơi của mình ngay ở một trạm thu phí giao thông trên xa lộ cao tốc. Liếc mắt qua kính chiếu hậu, bà thấy cả một dãy dài xe hơi sau mình. Bà chợt nẩy ra một ý vui vui, bà quay kính xe xuống, đưa ra cho người bán vé một tờ 5 đô-la và bảo: “Bác ơi, tôi mua một vé cho tôi, còn lại tôi mua thêm 5 vé nữa cho 5 chiếc xe sau tôi, chỗ tiền dư tôi xin biếu hết cho bác nhé !”
Không kịp để cho người bán vé thắc mắc vì quá sức ngạc nhiên, bà Foreman quay kính xe, đạp ga và lái xe đi ngay. Bà hình dung ra trong đầu cũng sự ngạc nhiên đầy thú vị ấy nơi 5 người lái xe theo sau mà bà không hề quen biết. Bà không cần những lời cám ơn, chỉ là một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ thôi mà, có đáng gì đâu !
Về đến nhà, bà Foreman vừa làm bếp vừa tủm tỉm cười một mình vì nhớ lại chuyện sáng nay trên đường. Ông chồng già để ý thấy, lấy làm lạ, đến bữa ăn trưa ông lựa lời hỏi, bà mới kể lại đầu đuôi. Đến phiên ông cũng cảm thấy vui lây niềm vui nho nhỏ ấy...
Buổi chiều, đến trường dạy môn Giáo Dục Công Dân, ông Foreman quyết định làm một “cử chỉ đẹp” bằng cách dùng chính câu chuyện về “cử chỉ đẹp” của bà vợ để dẫn nhập vào bài học. Các học sinh trung học của ông lặng đi một thoáng rồi đồng loạt vỗ tay hoan hô sau lời kết thúc của thầy giáo: “Các em hãy nhớ niềm vui sống khởi đi từ những chuyện bình thường nho nhỏ như thế, mỗi ngày ước gì mỗi người trong chúng ta đều làm được ít nhất một “cử chỉ đẹp” tương tự, các em nhé !”
Ở lớp hôm ấy, có cô bé Mary, vốn là một học sinh cá biệt, luôn bướng bỉnh lì lợm, cũng như là một đứa bé lười biếng trong gia đình. Cô về nhà trong tâm trạng hết sức hân hoan phấn khởi và quyết định sẽ làm một “cử chỉ đẹp” với cha mẹ. Cô lặng lẽ thu dọn, lau chùi, quét tước nấu nướng và giặt giũ xong xuôi mọi việc trước khi mẹ cô ở xưởng thợ và cha cô ở tòa báo trở về. Xập tối, hai ông bà bước vào nhà và hiểu ra ngay đã có một sự đổi thay kỳ lạ nơi đứa cô con gái đang tuổi dậy thì ! Hỏi mãi cô bé mới kể lại câu chuyện về “cử chỉ đẹp” cô đã nghe thầy giáo Foreman kể ở lớp. Cô hứa với bố mẹ tất cả mọi chuyện hôm nay cô đã làm ở nhà sẽ không phải là một “cử chỉ đẹp” duy nhất cô sẽ cố gắng thực hiện.
Sau bữa cơm chiều thật vui và đầm ấm, ông Alfonse, cha của Mary, vốn là một phóng viên của tờ báo địa phương, khoan khoái ngồi vào bàn làm việc. Ông quyết định phải viết ngay một bài báo về câu chuyện “cử chỉ đẹp”... Chỉ đến chiều ngày hôm sau thôi, cả miền đều xôn xao rộn rã khi đọc được bài báo. Người ta bảo nhau, ít nhất mỗi ngày, hãy nhớ làm một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ cho nhau, cho cuộc sống...
Cha xứ đưa câu chuyện vào bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật kế đó. Một diễn giả chọn câu chuyện làm chủ đề chính cho một buổi mạn đàm ở hội trường lớn của thị trấn. Một bà mẹ kể lại cho đứa con như một truyện cổ tích để ru nó vào giấc ngủ ngon. Một đôi bạn trẻ đang yêu nhau cùng thỏa thuận từ nay sẽ dành cho nhau những “cử chỉ đẹp” thay vì những trò giận dỗi nhau vô bổ. Ngoài đường phố, người ta thôi không vứt bã kẹo cao-su bừa bãi.
Những người lái xe cố gắng tránh không làm tạt những vũng nước trên đường lên khách bộ hành. Một cậu Sói Con bước ra khỏi nhà, thắt một chiếc nút nhỏ ở chéo đuôi khăn quàng trên ngực, tự nhủ sẽ làm một “cử chỉ đẹp” trên đường đến công viên họp bạn Hướng Đạo. Trong nhà giam, viên cai ngục bẳn tính quyết định sẽ có những “cử chỉ đẹp” đối với các tù nhân. Người đi mua hàng ở tiệm tạp hóa nói một lời cám ơn lịch sự, còn cô bán hàng thường hay cau có thì đã biết mỉm một nụ cười khả ái để đáp lại. Một cầu thủ bóng đá vốn nổi tiếng là chơi xấu, giờ đây, trong trận đấu cuối tuần, đã chạy lại đỡ một cầu thủ đội bạn bị ngã với một lời xin lỗi...
❤ Một “cử chỉ đẹp”, vâng, chỉ một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ mỗi ngày thôi, cũng đủ để làm cho cuộc sống thêm ý nhị đậm đà, và niềm vui bởi sự quan tâm đến nhau trong yêu thương được nhen nhúm, rồi bừng cháy, lan tỏa đến tất cả mọi người...
Sưu tầm