Cách nấu xôi lá nếp hạt sen không hề phức tạp, nguyên liệu cũng dễ kiếm, chờ gì nữa mà không làm cho các bé nào.
Cách nấu xôi lá nếp hạt sen thơm ngon
Món xôi lá nếp hạt sen có màu xanh thật bắt mắt, lại thơm nức mũi bởi mùi thơm của lá nếp và hạt sen. Bạn có thể nấu món xôi này để dâng cúng ông bà tổ tiên vào những ngày lễ tết hoặc nấu món xôi này để cả nhà ăn sáng, vừa ngon lại vừa chắc bụng.
Nguyên liệu nấu xôi lá nếp:
- Gạo nếp: 300gr
- Hạt sen tươi: 100gr (hoặc 50gr hạt sen khô)
- Lá nếp: 50gr
- Dừa nạo sợi: 50gr
- Hạt nêm, đường
- Mỡ gà
- Tinh chất lá dứa
Cách làm xôi lá nếp
- Bước 1: Lá nếp rửa sạch, cắt khúc ngắn, cho vào máy xay sinh tố, thêm nước rồi xay thật nhuyễn. Lọc bỏ bã qua rây.
- Bước 2: Đổ nước lá nếp vào gạo nếp ngâm khoảng 5-6 tiếng cho gạo mềm.
- Bước 3: Cho hạt sen vào nồi, thêm nước rồi đem luộc cho hạt sen chín mềm (nhưng không để bị nát). Nếu dùng hạt sen khô thì ngâm hạt sen trong nước cũng khoảng 5-6 tiếng cho mềm rồi mới đem luộc chín.
- Bước 4: Gạo nếp sau khi ngâm đem đãi sạch. Trộn đều với 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê đường. Vì lá nếp đem ngâm gạo và đồ thành xôi thường bị xỉn màu nhìn không xanh như lúc đầu, nên muốn màu xôi đẹp các bạn trộn gạo nếp với 1 chút xíu tinh chất lá nếp để có được màu xôi có màu xanh bắt mắt hơn.
- Bước 5: Trộn hạt sen chung với gạo nếp, rải lên trên một ít lá nếp thái khúc ngắn, cho vào nồi hấp, hấp chín thành xôi.
- Bước 6: Trộn đều xôi với 1 thìa canh mỡ gà. Cho xôi đi hấp lần 2 trong khoảng 10 phút. Sau đó bới xôi ra đĩa, rắc lên trên dừa tươi nạo sợi (nếu thích).
Từng hạt xôi mềm dẻo quyện cùng hạt sen bở bùi, thơm thật thơm, thực sự hấp dẫn người ăn ngay từ miếng đầu tiên.
Chúc các bạn thành công với món xôi lá nếp hạt sen.
Mẹ Kem
Cách làm mứt quất thơm ngon, dẻo ngọt cho ngày Tết
Mứt quất (tắc) là món ăn khá phổ biến trong dịp tết nguyên đán. Cùng học cách chế biến để đãi bạn bè và người thân nhé.
Cách 1
Nguyên liệu:
Mứt quất rất ngon, ngọt và dễ chế biến.
Quất chín vàng
Đường kính trắng
Phèn chua, vôi khô
Muối tinh
Cách làm :
Quất rửa sạch để ráo nước.
Khứa quả quất thành 5-6 múi rồi ấn cho ra bớt nước và hạt. Rửa quất xong để héo chừng 1 hôm rồi mới làm thì múi quất sẽ không bị vỡ.
Sau khi thu được nước bạn gạn bỏ hết hạt, để nước riêng sang 1 bên nhé.
Cho quất vào nồi ngâm ngập với nước vôi trong 4-5 giờ. Cứ 1 lít nước thì hòa 4-5g vôi khô, để thật lắng cặn lấy phần nước trong ngâm quất (thường thì hòa vôi từ hôm trước để 1 ngày, hôm sau thu nước trong bên trên). Nếu dùng vôi đã tôi mua ngoài hàng trầu cau thì tỷ lệ gấp 1,5 lần so với vôi khô. Ngâm vôi trong giúp cho miếng quất cứng hơn, khi xào sẽ không bị nát.
Sau khi ngâm xong với nước vôi thì đổ ra rổ, rửa lại 2-3 lần bằng nước sạch.
Đun nước sôi, cứ 1 lít nước dùng 5g phèn chua giã nhỏ hòa vào. Khi nước sôi thì cho quất vào, tắt bếp và đậy vung chừng 5-7 phút.
Rồi đổ ra xả dưới vòi nước lạnh rửa thêm lần nữa, sau khi rửa xong bạn ấn dẹp lại lần nữa cho quất ra bớt nước.
Lấy phần quất bạn có được đem cân, 1kg quất dùng 600g đường thì có vị ngọt vừa phải, nếu ăn ngọt hơn bạn có thể tăng thêm thành 700g. Cho đường vào chảo cùng vài thìa nước đun đến khi đường sôi thì không khuấy nữa, tiếp tục đun nhỏ lửa đến khi đường có thể kéo sợi thì cho quất vào xào 2-3 phút. Khi cho quất vào thì thêm 10 thìa canh nước cốt quất và 1 nhúm muối tinh.
Đun xong bạn vớt quất ra bát để riêng.
Sau đó tiếp tục đun đường.
Đến khi nhỏ giọt đường vào bát nước lạnh không thấy tan thì cho quất vào xào tiếp.
Xào đến khi quất lên màu trong và đẹp thì tắt bếp.
Để nguội, sau khi xào xong nếu trong chảo vẫn còn nước thì bạn vớt quất ra, dàn đều ra đĩa cho đến khi nguội hẳn rồi cất vào hộp dùng dần.
Cách 2
Nguyên liệu:
Mứt quất không chỉ có màu sắc đẹp mắt mà con rất ngon nữa.
- Quất: 1 kg
- Đường cát 700g - 800g
- Vôi ăn trầu loại trắng (7g-8g)
- Phèn chua (5g) Muối
Cách làm:
1. Để làm mứt quất được thơm ngon, bạn cần có nước vôi trong để ngâm quất khi làm mứt. Bạn cho vôi vào nước để vôi tan và lắng lại, gạn lấy nước vôi trong phía bên trên.
2. Quả quất rửa sạch, mỗi quả bạn khứa đều chia quả thành 5-6 múi, không khứa đứt quả. Sau đó bạn ấn dẹt bớt quả quất để ra bớt nước chua.
3. Ngâm quất trong nước vôi trong khoảng nửa ngày, sau đó vớt ra xả lại với nước lạnh cho thật sạch. Nước vôi sẽ giúp cho quất khi làm mứt được cứng lại, không bị nát.
Sau khi ngâm nước vôi và rửa sạch, bạn đun sôi 1 lít nước cho phèn chua giã nhỏ hòa vào. Khi nước sôi thì cho tắc vào, tắt bếp và đậy vung chừng 5-7 phút rồi xả toàn bộ quất một lần nữa với nước sạch.
4. Uớp quất với đường và thêm vào 1 xíu muối, ướp đến cho đến khi đường tan hết.
5. Và đến công đoạn sên mứt quất nhé! Quất sau khi được ngâm nước vôi trong sẽ cứng hơn, tuy nhiên không phải vì thế mà bạn có thể đảo liên tục quất khi sên mứt đâu nha. Bạn để lửa vừa khi quất sôi, sau đó vặn nhỏ lửa và đun quất cho sôi thật nhẹ. Thỉnh thoảng đảo đều quất để đỡ bị cháy. Sên cho tới khi đường dẻo bạn vớt tắc ra.
6. Rồi bạn mang mứt quất còn ướt đem phơi chừng 2 – 3 nắng hoặc cho vào sấy khô thì món mứt quất sẽ rất dẻo và thơm ngon. Sau đó cho vào lọ thủy tinh để bảo quản.
Mứt quất không chỉ có màu sắc đẹp mắt mà con rất ngon nữa.
Chúc các bạn thành công!
Những món ăn ngon được làm từ đậu phụ
Đậu phụ là một món ăn dân dã của nhiều dân tộc ở các nước khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản,... Đậu phụ là món ăn đơn giản nhưng nếu biết cách chế biến chị em sẽ đem lại cảm giác ngon miệng cho cả nhà!. Dưới đây là danh sách 10 món ăn phổ biến được chế biến từ đậu phụ.
Đậu phụ non sốt thịt bằm: Một biến tấu nữa của món ăn khi đậu phụ non được xào chung với nấm, cà rốt đem lại cảm giác lạ miệng cho bữa cơm gia đình.
Đậu phụ sốt chua ngọt tẩm vừng: Những hạt vừng được rang chín tẩm bên ngoài làm tăng thêm hương vị cho món ăn.
Đậu phụ xào măng: Măng tươi được tước sợi, xào chung với măng cho bữa cơm ngon miệng và không ngấy
Đậu phụ nấu bún chay: Tô bún chay hấp dẫn với những miếng đậu phụ được chiên vàng óng, bên cạnh là nấm xào, lạc rang làm cho món ăn thêm ngon miệng.
Đậu phụ nhồi thịt hấp: Đậu phụ nhồi thịt hấp là món dễ làm, bạn có thể ăn với cơm, miến hay mì đều được .
Canh đậu phụ lá hẹ: Món canh đơn giản với lá hẹ và đậu phụ nhưng rất thích hợp trong thời tiết oi bức của ngày hè.
Đậu phụ xốt tỏi ớt: Món đậu cay nóng thơm lừng mùi tỏi cộng thêm chút giòn giòn của mộc nhĩ rất thích hợp để thưởng thức cùng cơm nóng trong những ngày đông giá rét
Đậu phụ kho trứng cút: Trứng cút và đậu phụ rất giàu chất dinh dưỡng, rất dễ chế biến món và dễ dùng, người lớn hay trẻ con đều thích
Chả cá đậu phụ rán giòn: Là sự kết hợp giữa chả cá và đậu phụ beo béo, thêm cà rốt, hành tây và hành lá được rán giòn thơm ngon, món ăn dùng với cơm trắng rất tuyệt
Cách ướp và quay chim câu vị mật ong mềm ngon nhất
Với cách ướp rất đặc biệt và cách làm chín món chim câu quay mình chia sẻ dưới đây, các bạn sẽ có được những bí kíp giữ thịt chim quay chín mềm và béo ngậy đậm đà hơn cả nhà hàng. Lưu giữ để thêm vào danh sách những món ngon ngày Tết mà bạn đang dự kiến cho dịp năm mới sắp tới nhé.
Cách ướp và quay chim câu vị mật ong mềm ngon nhất
Nguyên liệu làm chim quay mật ong:
+ Chim bồ câu non đã sơ chế sạch: 5 con
+ Mật ong: 30ml
+ Ngũ vị hương: 1 gói
+ Tỏi, hành khô, sả
+ Gia vị, hạt nêm, đường, dầu ăn.
Cách làm chim bồ câu quay mật ong:
Hành khô, tỏi, sả sơ chế sạch, băm nhỏ. Cho hành khô, tỏi, sả, ngũ bị hương, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê gia vị và mật ong vào bát.
Trộn đều thành hỗn hợp sốt sánh dùng để ướp chim bồ câu quay. Với cách trộn gia vị như vậy, các bạn có thể áp dụng khi ướp chim cút, thịt gà, thịt vịt, ngan.. để chiên, quay sẽ rất ngon, gia vị thấm đều, khi chín thành phẩm lên màu đỏ nâu rất đẹp, liều lượng gia vị đủ ướp cho khoảng 1kg nguyên liệu.
Chim bồ câu đã sơ chế sạch, để thật ráo nước, đổ hỗn hợp sốt vừa trộn vào, dùng đũa đảo kỹ vài lượt cho sốt bao kín toàn bộ thân và ngấm vào phần bụng chim.
Bọc kín bát ướp chim bằng màng bọc thực phẩm, cất vào ngăn mát tủ lạnh để chim câu ngấm gia vị ít nhất 4h. Trong trường hợp các bạn ướp gà, vịt nguyên con nên ướp để qua đêm trong ngăn mát tủ lạnh mới đủ ngấm gia vị.
Sau khi đã đủ thời gian ướp cho thịt chim ngấm gia vị, các bạn bỏ bát chim ra ngoài khoảng 30 phút để chim trở về nhiệt độ phòng. Để nguyên bát chim, cho vào lò vi sóng quay ở mức nhiệt cao nhất 5 phút. Để bát chim nghỉ 10 phút, tiếp tục quay trong lò vi sóng thêm 5 phút nữa để chim chín tái khoảng 8 phần.
Bỏ bát chim bồ câu ra khỏi lò, để yên cho đến khi sờ vào chỉ còn hơi ấm ấm, lúc này các bạn sẽ thấy chim đã chín sơ và chuẩn bị mang đi chiên hoặc nướng đều rất ngon. Nếu không dùng lò vi sóng, các bạn có thể cho chim đã ướp vào nồi, đun chín tái trên bếp cũng rất nhanh. Lưu ý trong khi đun: không dùng đũa để đảo chim do khi nấu bằng nồi, chim sẽ chín từ ngoài vào trong (khi dùng lò vi sóng, chim chín từ trong ra ngoài) lên khi dùng đũa đảo sẽ làm nát, xước phần da, khi chiên lên sẽ bị ngấm dầu mỡ gây ngán khi dùng, da nổ vỡ không đẹp mắt. Nên cầm 2 tai nồi xóc nhẹ khi cần đảo mặt để chim chín đều.
Chuẩn bị sẵn chảo dầu nóng, cho chim vào chiên vàng đến khi chín, xoay đều các phía để chim chín mềm, da vàng bóng.
Vớt chim câu quay ra đĩa cho thấm bớt dầu ăn.
Chặt chim câu quay mật ong ra thành miếng vừa ăn, xếp lên đĩa và thưởng thức nóng.
Thịt chim câu chín đều, mềm ngọt và mọng nước, phần da vàng đều lên màu nâu đỏ hấp dẫn và thơm mùi gia vị, mật ong rất ngon miệng. Khi dùng tùy khẩu vị các bạn chuẩn bị thêm đĩa muối chanh ớt hoặc tương ớt để chấm kèm rất ngon. Món chim câu quay đặc biệt được các bé ưa thích vì vừa bổ vừa ngon, các mẹ hãy tự làm theo cách trên để các bé thưởng thức. Đây cũng là một món ăn rất đặc biệt ngon và đẹp trong các mâm cỗ Tết truyền thống hay cỗ cúng Ông Công Ông Táo, vừa mang tính sang trọng mà lại có thể chuẩn bị trước, khi cần chỉ mang chiên chín lên rất nhanh gọn, thuận tiện cho chị em trong những ngày giáp Tết bận rộn.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với món chim câu quay mật ong rất hấp dẫn này.
Kiều Giang