a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Tình THẦY Nghĩa TRÒ.



















Là một giáo viên về hưu đã hơn 10 năm và từng dạy vài trường Trung học phổ thông nhưng đến giờ tôi vẫn luôn nhớ và dành tình cảm nhiều nhất cho mái trường Hoàng Diệu thân yêu - nơi tôi chập chững những bước đầu tiên vào nghiệp giáo và dù không gắn bó cho đến lúc nghỉ hưu nhưng lại luôn được nhận sự ân cần quan tâm, chăm lo của những học trò mà tôi từng dạy tại mái trường này.
Có gần 40 năm đứng trên bục giảng (tôi nghỉ hưu trễ hơn so với tuổi quy định), đôi khi tôi suy ngẫm về cái nghề của mình: Nghề dạy học có thật sự bạc bẽo? Ví như người chèo thuyền đưa khách sang được sông thì mấy ai còn nghĩ đến ông lái đò?… Để rồi sau đó tự rút ra lời giải: Giáo viên có suy nghĩ như thế chắc chỉ đứng lớp để trông tới tháng lãnh lương mà thôi!

Với tôi, “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Cứ đứng lớp với niềm tự hào làm người Thầy, đem hết nhiệt tình giảng dạy, yêu thương học trò như con em mình, chắc chắn sẽ được đền bù xứng đáng, nhất là khi đã về hưu. Có biết bao nhiêu Thầy Cô vùng sâu, vùng xa, đã nêu gương sáng về lòng thương yêu học trò, họ đâu mong chờ sự trả ơn nhưng xã hội vẫn luôn ca ngợi và biết ơn sâu sắc. Chính sự tận tụy của Thầy Cô là động lực thúc đẩy học sinh cố gắng trong học tập, thành đạt trong cuộc sống và vẫn mãi nhớ về những người đã truyền đạt kiến thức, giáo dục đạo đức bằng sự gương mẫu của chính bản thân để làm nền tảng cho học sinh trưởng thành. Tôi dám khẳng định điều này vì luôn được chứng kiến những việc làm từ tấm lòng thấm đậm “tình Thầy nghĩa Trò” của Ban Liên lạc cựu học sinh và học sinh trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu - Sóc Trăng.

Còn gì sung sướng hạnh phúc khi về hưu vẫn được học sinh đến viếng thăm và luôn có lời cầu chúc thân tình mong Thầy Cô sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Đó là điều mà chưa chắc các nghề khác có được.
Có những gia đình con cháu ở nước ngoài nhưng mấy ai được đi tham quan xứ người! Vậy mà cựu giáo viên Hoàng Diệu đã từng được cựu học sinh của mình bảo lãnh xuất ngoại du lịch để có dịp gặp lại đồng nghiệp và học sinh cũng đã nghỉ hưu.
Gia đình Thầy Cô giáo về hưu gặp khó khăn, bệnh hoạn là có cựu học sinh đến tận nhà chia sẻ, giúp đỡ nhiệt tình. Tôi rất cảm động và không quên được khi chứng kiến trường hợp một cô giáo về hưu ốm yếu, sụt cân, được cả nhóm học sinh mình đến nhà động viên đi thành phố HCM khám bệnh; các em lo từ tiền xe, tiền thuốc, từng miếng ăn giấc ngủ, kể cả dọn dẹp vệ sinh cho cô mà không ngại dơ dáy.
Nghĩa tử là nghĩa tận, chưa thấy cựu giáo viên (kể cả vợ, chồng) nào qua đời mà không có sự chia sẻ và nguyện cầu của học sinh, cho dù Thầy Cô đó chưa từng dạy lớp các em mà chỉ cần biết là có dạy trường Hoàng Diệu. Gần đây, một nhóm khá đông cựu học sinh mặc đồng phục viếng đám tang, đứng xếp hàng trước quan tài Thầy chủ nhiệm lớp mình khi xưa, các em đọc điếu văn nước mắt giọt vắn giọt dài không hơn gì người thân trong gia đình. Chứng kiến cảnh này tôi phải khóc luôn vì mình cũng là cựu giáo viên Hoàng Diệu. Hương hồn các giáo viên đã khuất sẽ không tủi buồn và sớm siêu thoát nơi miền cực lạc.




Rất nhiều và rất nhiều câu chuyện cảm động về “tình Thầy nghĩa Trò” mà không bút mực nào viết hết được nhưng khi tôi ca ngợi thì luôn nhận được câu trả lời: Đó là bổn phận và cũng là tinh thần Tôn sư trọng đạo mà các cựu học sinh cố gìn giữ để các thế hệ đồng môn đàn em noi theo!

Vinh hạnh thay cho những ai từng dạy trường Hoàng Diệu và cũng tự hào thay cho những ai từng học trường Hoàng Diệu. Nếu kiếp sau được làm người, tôi sẽ ước mong sao được tiếp tục là giáo viên trường Hoàng Diệu Sóc Trăng.

 Trần Nữ 
CHS. Hoàng Diệu NK 59
Giáo Viên Trường Hoàng Diệu ST

Không có nhận xét nào: