a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Nhắc chuyện xưa : Dầu gió - Dầu cù là, ......

 Tại kênh Đôi thuộc quận 8 Sài Gòn có một cây cầu mang tên cầu Nhị Thiên Đường. Vượt qua cầu là đường đi Long An. Cầu nay đã cũ, được xây từ năm 1925 lận, nhưng có nét kiến trúc đẹp, đặc biệt là phần balcon thép và các trụ đèn rất đặc biệt chỉ có ở cầu này. Tôi chưa bao giờ vượt qua cây cầu này nhưng vẫn thắc mắc về cái tên. Đó là tên chính thức hay tên do dân gian đặt cho. Vì Nhị Thiên Đường thì ai cũng biết đó là một loại dầu. Dầu sao ra cầu? Có ba giai thoại về cái tên…lạc lõng này.

 
Giai thoại thứ nhất: hồi đó nhà máy sản xuất dầu Nhị Thiên Đường ở bên phía đường Trần Hưng Đạo trong khi phần lớn công nhân lại ngụ tại bên kia kênh Đôi. Hàng ngày công nhân phải đi đò tới nơi làm việc. Nhận thấy sự bất tiện này, ông chủ hãng dầu Nhị Thiên Đường cùng chính phủ bỏ tiền ra mướn nhà thầu Vallois-Perret xây cầu cho dân, nhất là cho công nhân của hãng, qua lại cho tiện. 
 
Giai thoại thứ hai : chính phủ quyết định xây cầu và vận động ông chủ Nhị Thiên Đường góp một số tiền lớn. Bù lại, cây cầu sẽ được đặt tên là Nhị Thiên Đường.
 
Giai thoại thứ ba : kinh phí xây cầu nhà nước bao trọn nhưng nhà máy của Nhị Thiên Đường thật lớn nằm ngay ở chân cầu nên lấy luôn tên này cho tiện.
Thấy cái cầu gần trăm năm tuổi còn nằm đó nên nói chuyện cầu. Nhưng thứ tôi khoái cái tên Nhị Thiên Đường không phải là cái cầu mà là chuyện…văn chương. Chủ nhân của dầu Nhị Thiên Đường không quảng cáo trên báo mà chỉ phát những tờ rơi. Những tờ rơi này cũng đặc biệt, không chỉ có quảng cáo mà còn có những bài chỉ dẫn vệ sinh thường thức. Ông có công thuê những trí thức viết sách “ Vệ Sinh Chỉ Nam “ bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp và Hán rồi in dần trong các tờ quảng cáo. Tiến hơn một bước, ông thành “nhà xuất bản” văn học. Đầu tiên trên các tờ quảng cáo dầu Nhị Thiên Đường có in các trích đoạn Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó, vào năm 1919, là truyện “Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên” của Nguyễn Chánh Sắt, một tiểu thuyết ngôn tình rất ăn khách. Rồi tiểu thuyết “Hậu Chàng Lía” của Hồ Biểu Chánh. Tuy xuất hiện bên cạnh những quảng cáo sặc mùi dầu nhưng đây là cách phổ biến truyện hữu hiệu nhất thời đó. Tờ quảng cáo này được phát không tại các nhà bán thuốc, các chợ đông người tụ tập hay cho khách qua đường. Dân chúng quá hưởng ứng nên dể có thể phát hành sâu rộng hơn, nhà thuốc phải in với số lượng lớn và bán với giá chỉ vài cắc. Quảng cáo này  không bán ở các nhà sách mà chí bán dạo tại các bến xe và các chợ. Độc giả là dân lao động và giới bình dân. Ngày đó chuyện in sách khá vất vả. Thường các nhà văn không đủ khả năng in sách đàng hoàng nên đây là cách phổ biến tác phẩm dễ dàng nhất.
 
Trong cuốn “Phê Bình và Cảo Luận”, nhà phê bình Thiếu Sơn đã viết: “Lần đầu tiên tôi được đọc cụ Hồ Biểu Chánh trong một cuốn sách quảng cáo của nhà thuốc Nhị Thiên Đường. Tôi để ý tới tiểu thuyết của cụ rồi kiếm coi ở loại sách như những truyện Tàu in xấu, để giá 4 cắc mà luôn bán dưới giá đó. Khi tôi gặp cụ, tôi thường khuyên cụ soạn lại tất cả tiểu thuyết của cụ cho in lại, trình bày như loại sách của Tự Lực Văn Đoàn, của Tao Đàn hay Tân Dân. Cụ nghe ý kiến của tôi một cách chăm chú và có vẻ tán thành nhưng rồi lại bỏ qua cho đến nỗi tới nay muốn đọc lại những tác phẩm của cụ cũng không biết kiếm đâu có mà đọc”.
 
Tại sao cụ Hồ Biều Chánh làm lơ như vậy? Vì sách in đẹp phải bán mắc, ít phổ biến hơn. Chính nhờ những cuốn quảng cáo in xấu, giá rẻ của Nhị Thiên Đường mà văn chương chữ quốc ngữ bình dân đã được phổ biến rộng trong các tầng lớp dân chúng.Trong một cuốn tự truyện, nhà văn Tô Hoài xác nhận đã đọc “Gương Vỡ Lại Lành” và vở cải lương “Kiều Đi Thanh Minh” trong tờ quảng cáo của Nhị Thiên Đường. Không biết đây có phải là hình thức mở đầu cho các tập truyện kiếm hiệp và truyện đường rừng 16 trang được in hàng ngày hoặc hàng tuần mà thế hệ tôi say mê đón đọc trong cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950 chăng?
 
Dầu là một dược phẩm chẳng ăn nhập chi tới văn học nhưng tôi lại chú ý tới chi tiết văn học nhiều hơn. Đó là thời kỳ phôi thai của văn học miền Namnước ta. Ngộ một điều là những tác phẩm văn học ăn theo dầu Nhị Thiên Đường nhưng chủ nhân của Nhị Thiên Đường lại là một ông Tàu chính tông. Ông họ Vi, người Quảng Đông, có cơ sở sản xuất tại Chợ Lớn, Mã LaiSingapore. Trụ sở tại Chợ Lớn được đặt tại nhà số 47 Canton, sau đổi thành đường Triệu Quang Phục. Dầu gió là vật bất ly thân của các ông già bà cả và giới bình dân ít dùng tây dược. Chỉ với vài đồng bạc, người ta đã có một ve dầu Nhị Thiên Đường trị bá bệnh. Một tác giả vô danh đã nhớ lại chai dầu Nhị Thiên Đường trong một bài viết phổ biến trên mạng: “Tôi hồi nhỏ vẫn được bà thỉnh thoảng bảo ra tiệm tạp hóa mua dầu Nhị Thiên Đường mỗi khi hết. Rất khó quên cái cảm giác cầm về hộp giấy vuông vức, lấy chai dầu đưa cho bà, còn hộp giấy và tờ hướng dẫn sử dụng chữ nhỏ li ti thì gỡ ra liệng vô sọt rác. Hãng sản xuất luôn kèm tờ hướng dẫn gấp nhỏ cuộn sẵn trong khi người dùng chẳng mấy khi xem vì đều biết rõ cách dùng từ lâu.Dầu Nhị Thiên Đường lúc đó được bà con lao động gọi là “dầu trị bá bệnh” vì hễ khó ở là người ta lấy ra xài. Đau đầu lấy ra thoa hai thái dương, ho thoa cổ, đau bụng thoa chỗ bao tử, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió thì thoa lưng, đau cơ đâu thoa đó. Cần xông hơi khỏi cần kiếm lá xông chi mắc công, nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là xong, chẳng may trúng thực cũng cho vài giọt vào ly nước nóng uống. Thậm chí côn trùng cắn, dị ứng cũng thoa, rồi mèo cào, gai xước, chảy máu thì dầu xài như thuốc sát trùng hay cồn y tế. Đến mức sâu răng cũng lấy cây tăm, quấn miếng bông gòn thấm dầu chấm vào chỗ đau nhức, thì đúng là xài dầu đã thành...nghiện. Nhiều người miền Bắc rất ngạc nhiên khi thấy người miền Nam, kể cả nam giới, thường hay bỏ trong túi một lọ dầu nước như  mộtthứ bửu bối phòng thân khi ra đường. Đó là thói quen dùng dầu gió rất khó bỏ một thời”.
 
Dầu gió chẳng bao giờ bị phụ bạc chẳng kể thời.Hầu như ngày nay, dù sinh sống ở hải ngoại, trong ngăn kéo tủ hay trong ví xách tay, hộp dầu gió vẫn nằm khuất đâu đó. Thường thì chẳng ai nhớ tới nhưng khi hữu sự mọi người đều vớ ngay chai dầu gió. Nhiều người, nhất là thế hệ cha ông chúng tôi, ghiền dầu gió. Khi còn ở Sài Gòn, bước chân lên xelam, xe đò hay xe lửa, ít khi chúng ta không ngửi thấy mùi dầu. Không quen thì thấy nồng nhưng hầu như mọi người đều thấy dễ chịu. Tại hải ngoại, nếu chúng ta thoa dầu, lên xe buýt hay metro, thường bị mấy người ngoại quốc tránh xa. Tuy nhiên, lục lọi trong nhà thế hệ chúng ta, nửa đời người sống trong nước, thường vẫn thấy hộp dầu gió. Dầu Nhị Thiên Đường, thứ dầu mà chúng ta đi trên đường phố Sài Gòn xưa thường bắt gặp trong những tấm bảng quảng cáo la liệt khắp nơi, nay đã mất tích. Thứ dầu phổ biến ngày nay là dầu cù là.
 
“Cù là”, nghe riết thành quen nhưng ít người biết nó là cái chi. Nhà văn Sơn Nam, trong truyện ngắn “Xóm Cù Là”, mách nước cho chúng ta hiểu hai chữ quen mà lạ này. “Xin tạm giải thích cái địa danh ấy.Dân trong xóm sống vui vẻ tập trung tại Ngã Tư, nơi gặp gỡ tự nhiên của hai con rạch cong queo và dùng đến ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Triều Châu.
 
Các vị bô lão cho biết: xưa kia, vài người mộ đạo đã cất ngôi chùa tại Ngã Tư. Một vị tướng nhà Nguyễn có tá túc tại chùa, dâng cho chùa một tượng Phật nhỏ mà ông đã thỉnh tại xứ Cù Là, lúc bôn ba hải ngoại. Các vị bô lão còn nói rõ: gọi là Cồ Là mới đúng sách vở, Cồ Là tức là xứ Miến Ðiện giáp ranh Xiêm La”. Truyện của Sơn Nam sau đó xoay quanh chuyện gia đình nhà ông cai tổng giầu có Trần Hanh, không mắc mớ chi tới…cù là nữa. Vậy Cù Là là tên gọi xưa kia của Miến Điện, nay là Myanmar, xứ mới có cuộc đảo chánh của quân đội lật đổ chính phủ dân chủ của phe bà Aung San Suu Kyl. 
 
Nói dầu cù là không, nhiều người có thể không biết.Nhưng nói dầu cù là Mac Phsu thì ai cũng biết ngay.Khoảng năm 1930, gia đình ông Thong Ong Zan tá túc ở Nam Vang. Vợ ông , bà Mac Phsu là người Miến Điện. Gia đình ông biết cách nấu dầu của hoàng gia Miến Điện nhưng ông vẫn khăn gói quả mướp qua Singapore để học thêm cách nấu dầu. Tại đây, ông cùng một người Singapore lai Miến Điện thọ giáo một bác sĩ người Anh tên Basythin. Sau khi học được công thức nấu dầu của ông bác sĩ này, hai người ngoéo tay nhau trở về xứ, sản xuất cùng một thứ dầu nhưng lấy hai tên khác nhau. Ông Thong Ong Zan về Miến Điện chế dầu lấy tên là “dầu cù là” và dùng màu xanh lục. Ông người Singapore đặt tên là Tiger Balm, có hình con cọp, với màu nâu đỏ.Vậy là hai thứ dầu cù là Mac Phsu và  dầu Tiger Balm, dân ta thường gọi là “dầu cù là Con Cọp”, tuy khác màu nhưng cùng chung  một gốc. Dầu thì phải nóng khi được xức trên da. Thường thì chất làm nóng này là chất salisylate khá độc nếu uống hay xức trong miệng nhưng dầu cù là Mac Phsu không dùng salisylate mà chỉ dùng tinh dầu khuynh diệp nhập về từ Bồ Đào Nha nên có thể xức vào răng đau hay uống để chữa bệnh đau bụng.
 
Bà Mac Phsu là công chúa Miến Điện, con gái của Hoàng Tử Myngoon Min. Ông sống lưu vong 32 năm tại Sài Gòn vì lý do chính trị từ cuối thế kỷ 19 sau khi có chính biến tại hoàng gia. Ông có ba người vợ trong đó có một bà người Việt.
 
Dầu cù là Mac Phsu của ông Thong Ong Zan có thêm một tá dược riêng mà ông giữ tuyệt mật, chỉ truyền nghề cho con gái chứ không cho mấy anh con trai biết. Lý do là vì mấy anh con trai khó giữ được bí mật với các bà vợ. Ông này tâm lý gớm.Đúng phóc! Ông truyền nghề cho hai cô con gái là bà Ong Zanno và bà Phonlouvemak. Bà Ong Zanno sau đó lấy chồng người Việt Nam. Hai vợ chồng sanh được 5 cô con gái nhưng chỉ truyền nghề cho hai cô là Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng. Hai bà này vẫn sống độc thân tại Sài Gòn. Năm 2013, hai bà này đã cùng nhau tái sản xuất dầu cù là Mac Phsu dưới cái tên mới là “cao xoa con công”.
 
Ngày xưa, dầu cù là Mac Phsu thường dắt một con voi đi quảng cáo. Tên con voi này là Xà Kum. Khi voi già được giao cho sở thú Sài Gòn nuôi. Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín chơi oách hơn. Ông mua một chiếc xe tải lớn, dài tới 8 thước, trên có để một chiếc xe hơi Austin. Một tấm bảng gắn trên xe ghi rõ chiếc Austin là giải thưởng xổ số của dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín. Mỗi chai dầu bán ra có một con số kèm theo để tham dự. Chưa hết. Bên cạnh xe tải là đoàn múa lân lùng tùng xòe tiếng trống kêu gọi mọi người ra coi. Xe chạy từ Nghệ An, Hà Tĩnh tới Cà Mau.  Cuộc xổ số được tổ chức rất bài bản và nghiêm túc. Ngoài giải độc đắc là chiếc xe hơi, còn có vài chục giải phụ, mỗi giải một chiếc xe đạp. Thời đó, chiếc xe đạp là thứ gia bảo, vậy mà ông chơi tới xe hơi Austin, kể là chịu chơi!
 
Bác sĩ Bùi Kiến Tín du học bên Pháp nên ông biết cách tiếp cận thị trường. Dầu khuynh diệp bán chạy như tôm tươi. Có năm bán tới 25 triệu chai dầu trong khi dân số chỉ có 20 triệu người! Bác sĩ Tín tốt nghiệp y khoa bên Pháp. Luận án ra trường của ông đề cập tới ước muốn được góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng mạnh với dân số phải tăng tới 50 triệu người có sức khỏe dồi dào. Khi đó tây dược khá đắt, ngoài tầm tay của phần lớn dân chúng, đông dược sản xuất tùy tiện, chưa đúng với phương pháp khoa học. Ông muốn thay đổi tình trạng này bằng cách sản xuất những loại thuốc có giá bán mà ai cũng có thể mua được. Các loại thuốc ho, dầu gió, dầu nóng đểu có logo là một nam lực sĩ nâng bản đồ Việt Nam lên. Bên dưới logo là ba chữ “Đại Cường Việt”. Tiến sĩ Bùi Kiến Thành, con trai của Bác sĩ Tín cho biết: “Kinh doanh trước tiên là để làm giầu, hẳn nhiên. Nhưng với ông papa tôi.Làm giầu không chỉ cho cá nhân ông mà còn cho đất nước, cho ích nước lợi dân. Thí dụ, khi ông papa làm thuốc ho Bác sĩ Tín, ông đã có ý thức về chủ quyền với câu khẩu hiệu trên ve thuốc: “Uống thuốc ho Bác sĩ Tín thở không khí tự do”. Nổi tiếng về dầu khuynh diệp nhưng Bác sĩ Tín khởi nghiệp ở Quy Nhơn với các loại thuốc ho, thuốc bổ huyết, thuốc trị táo bón. Ông chế thuốc một cách rất thủ công. Có lúc ông cần một cái nồi đồng thật lớn để chế thuốc, bà vợ vội đi kiếm. Bà về quê, thấy gia đình ông Bùi Thuyên có đám giỗ có chiếc nồi đồng khá lớn. Gia đình ông Bùi Thuyên vốn nghèo, nghèo nhất tộc, nhưng khi nghe ông Bác sĩ Tín cần chiếc nồi đồng, ông sẵn sàng cho mượn. Ông Bùi Thuyên này là cha của nhà thơ Bùi Giáng
 
Dầu gió của Bác sĩ Tín có công thức đặc biệt bao gồm các loại dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu và dầu khuynh diệp. Dầu khuynh diệp có mùi rất đặc trưng, là nguyên liệu chính, được nhập cảng từ Bồ Đào Nha với giá rất đắt, đắt gấp chục lần dầu địa phương. Ông Lê Hữu Sanh, người đặt hàng nhập cảng, tiết lộ: “Hồi đó dầu khuynh diệp nhập về bằng đường thủy, đựng trong các thùng phuy. Mỗi lần nhập khoảng từ 30 đến 40 tấn, chiếm hai container.Mỗi năm tôi nhập dầu về cho ông ấy khoảng bốn, năm lần. Tốn kém phải nói là khủng khiếp”.
 
Để đỡ tốn kém và thêm tiện lợi, năm 1954, Bác sĩ Tín mua một miếng đất rộng 30 mẫu nằm bên xa lộ Biên Hòa, đối diện với Nghĩa Trang Quân Đội, để trồng cây khuynh diệp. Nơi đây được gọi là đồi Bác sĩ Tín và là bãi tập chiến thuật trong di hành dã trại của sinh viên sĩ quan quân trường Võ Khoa Thủ Đức. Năm 1960, lứa khuynh diệp đầu tiên từ Pháp đưa về được trồng tại đây. Sau đó, ông dùng hạt giống của cây khuynh diệp đã trồng, ươm thành cây con để trồng trên hai trang trại mới mua rộng 40 mẫu tại xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
 
Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín ngày càng phổ biến rộng. Các bà bầu thường dùng trong những ngày đập bầu nên còn được gọi là “dầu bà đẻ”. Một tác giả vô danh trên mạng nhớ lại: “Tôi chỉ mới biết “dầu bà đẻ” khi đem chuyện dầu gió ngày xưa ra trò chuyện với mấy ông bạn già. Những câu chuyện góp nhặt đây đó đánh thức ký ức của tôi thời còn bé. Nhớ lại, có lần ba tôi dẫn tôi đến nhà bảo sanh Hòa Hưng thăm má tôi sanh thằng em út. Vừa bước vào cửa chính đã ngửi thấy nồng nực mùi dầu. Mùi khuynh diệp càng lúc càng nồng khi đi ngang qua các buồng sản phụ dọc theo hai bên”.
 
Tôi nghĩ chắc ai trong chúng ta, khi làm bố, cũng có những kinh nghiệm như vị tác giả này. Có điều những giờ phút chộn rộn, lo lắng, mừng vui lẫn lộn đó đã làm trí nhớ chúng ta nhạt đi mùi “dầu  bà đẻ”. 
 
Song Thao. 2021

8 cơn sóng thần kinh hoàng nhất trong lịch sử

 

Sóng thần gây ra các thảm hoạ rất tàn khốc.

Sóng thần được định nghĩa như một làn sóng gây ra sự xáo trộn do các thảm họa động đất, lở đất hoặc núi lửa. Sóng thần thường chỉ cao vài chục mét nhưng đôi khi có những cơn sóng rất hung dữ và hậu quả của nó là rất thảm khốc. Những con sóng thần mạnh nhất di chuyển nhanh như máy bay phản lực băng qua đại dương rộng lớn và cao như những tòa nhà chọc trời. Khi đến đất liền, chúng có thể tàn phá toàn bộ thị trấn trong vài phút.

Những cơn sóng thần trong danh sách này không nhất thiết là nguy hiểm nhất hoặc tàn phá nhất, nhưng chúng cùng giống nhau ở một điểm là sức tàn phá rất lớn. Dưới đây là một trong những cơn sóng thần cao nhất từng được ghi nhận.

Sóng thần ở KARRAT FJORD, GREENLAND cao 90m


Trận lở đất ở Karrat Fjord đã gây ra một “bức tường” nước cao 90m vào làng chài Nuugaatsiaq trong ngày 17 tháng 6 năm 2017.

Mặc dù sóng thần rất hiếm khi xảy ra ở Greenland nhưng vào năm 2017, một cơn sóng thần cao kỷ lục đã xuất hiện tại đây. Trận lở đất ở Karrat Fjord đã gây ra một “bức tường” nước cao 90m vào làng chài Nuugaatsiaq trong ngày 17 tháng 6. Cơn sóng thần cao kỷ lục này đã giết chết bốn người và cuốn 11 tòa nhà xuống đại dương. Các chuyên gia tin rằng nguyên nhân của thảm họa này là do khí hậu đang nóng lên khiến băng tan chảy ở hai cực. Những ngọn núi xung quanh vịnh Karrat nhỏ này vẫn chưa ổn định và một trận sóng thần đã gây ra lở đất thậm chí là còn tệ hơn nữa trong tương lai ở Greenland.

Sóng thần ở ĐẢO AMBON, INDONESIA cao 90m

Trận siêu sóng thần đầu tiên được ghi lại chi tiết ở Indonesia vẫn là một trong những trận sóng thần lớn nhất từ trước tới nay ở đây. Vào ngày 17 tháng 2 năm 1674, một trận động đất xảy ra ở quần đảo Maluku ở biển Banda. Sự kiện địa chấn đã gây ra một cơn sóng lớn ập vào đảo Ambon, giết chết hơn 2000 người. Nước lên đến đỉnh các ngọn đồi ven biển trên bán đảo Hitu, do đó đỉnh của sóng thần cao khoảng 90m.

Sóng thần ở LITUYA BAY, ALASKA cao 120m

 

Vịnh Lituya là địa điểm xuất hiện nhiều cơn sóng thần cao kỷ lục trong suốt lịch sử. (Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Trận siêu sóng dữ dội này ập vào vịnh hẹp hình chữ T ở rìa đông nam của Alaska có khả năng là do lở đất. Dừa vào số vòng cây người ta dự đoán nó xảy ra vào cuối năm 1853 hoặc đầu năm 1854 và dấu vết các đường viền (điểm trong thung lũng nơi cây cối bị quét sạch), chiều cao tối đa là 0.12km. Vịnh Lituya là địa điểm xuất hiện nhiều cơn sóng thần cao kỷ lục trong suốt lịch sử. Những bức tường dốc và vị trí gần đường đứt gãy của dãy núi Fairweather là nguyên nhân tạo ra những đợt sóng hủy diệt.

LITUYA BAY, ALASKA cao 130m

Trận sóng thần lớn thứ hai trong kỷ lục của Vịnh Lituya xảy ra vào ngày 27 tháng 10 năm 1936. Những người chứng kiến đã mô tả ba con sóng khổng lồ lần lượt ập đến từ Crillon Inlet với tốc độ khoảng 35km / h . Con sóng lớn nhất đứng đầu ở độ cao khoảng 130m. Các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn điều gì đã gây ra trận sóng thần năm 1936, nhưng nguyên nhân có thể là do vụ trượt lở đất đá dưới nước gây ra.

ICY BAY, ALASKA cao 200m

 

Một trận siêu sóng thần lịch sử vào ngày 17 tháng 10 năm 2015. 

Vịnh Icy xa xôi, Alaska, đã chứng kiến một trận siêu sóng thần lịch sử vào ngày 17 tháng 10 năm 2015. Sau một trận lở đất, cơn sóng cao 200m đã quét sạch khu rừng từ Khu bảo tồn và Công viên Quốc gia Wrangell St.-Elias. May mắn thay, không có ai ở gần đó nên không bị nguy hiểm gì. Giống như Vịnh Lituya, Vịnh Icy có những bức tường dốc được chạm khắc bởi một sông băng đang rút lui, góp phần vào cường độ của sóng thần.

VAJONT DAM, ITALY cao 230m

Không giống như những cơn sóng thần khác trong danh sách này, thảm họa này là do con người gây ra. Việc xây dựng con đập cao nhất có tên là Vajont ở miền Bắc nước Ý, hoàn thành năm 1960 - đã làm xáo trộn cảnh quan xung quanh. Mặt của núi Tốc gần đó có dấu hiệu nứt nẻ từ rất sớm, đến ngày 9 tháng 10 năm 1963, toàn bộ mái dốc đổ xuống hồ chứa bên dưới. Trận lở đất gây ra sóng thần quét sạch một số ngôi làng ở thung lũng Piave trong vòng 15 phút. Hơn 2000 sinh mạng đã bị cướp đi trong thảm kịch. Cao tới 230m, sóng thần ở đập Vajont là một trong những trận sóng thần lớn nhất trong lịch sử, ngoài ra còn là một trong những thảm họa môi trường nhân tạo chết người nhất từ trước đến nay.

NÚI ST. HELENS, WASHINGTON cao 240m

Trận động đất gây ra ở ngọn núi khét tiếng: Vụ phun trào núi lửa St. Helens ở Washington vào ngày 18 tháng 5 năm 1980, cũng dẫn đến một trận sóng thần. Khi trận động đất xảy ra, mặt phía Bắc của núi lửa bị vỡ ra và rơi xuống Hồ Thần. Trận lở đất được ghi nhận là lớn nhất từ trước tới nay, và trận sóng thần cao 240m sau đó là trận lớn thứ ba trong lịch sử. Nó đâm vào sườn núi Margaret trước khi văng ngược xuống vực bên dưới.

LITUYA BAY, ALASKA cao 500m

 

Bức tường nước được tạo ra này cao gần 500m trong không khí - cao hơn cả Tháp Willis ở Chicago. 

Vào ngày 9 tháng 7 năm 1958, Vịnh Lituya của Alaska bị tấn công bởi trận động đất lớn nhất từ trước tới nay. Nó xảy ra khi một trận động đất mạnh 7,8 độ richter làm đứt gãy núi Fairweather, làm trôi 90 triệu tấn đá xuống vịnh. Bức tường nước được tạo ra này cao gần 500m trong không khí - cao hơn cả Tháp Willis ở Chicago. Năm người đã thiệt mạng do sóng biển, bao gồm ba người trên bờ của đảo Khantaak ở lối vào của Vịnh Yakutat và hai người trên một chiếc thuyền ở Vịnh Lituya.

Ngọc Mai

Phát hiện nhà máy nấu rượu vang cổ đại ở Israel.

Một nhà máy nấu rượu vang ước tính có niên đại lên tới 1.500 năm với quy mô tương đương với một sân vận động ngày nay vừa được khai quật tại Israel. Kết quả khai quật này cho thấy cách những người trồng nho đáp ứng được yêu cầu cao về rượu vang trắng phổ biến như thế nào trong thế giới cổ đại.

Khu vực khai quật. (Ảnh: Reuters)

Cơ quan quản lý cổ vật Israel cho biết, khu vực nhà máy cổ này được khai quật tại thành phố Yavne, cách Tel Aviv 30km về phía nam. Hiện trạng gồm 5 cây ép rượu cổ, ước tính mỗi cây ép được khoảng 2 triệu lít rượu mỗi năm.

Các cây ép rượu với cấu trúc bằng đá này được bảo tồn tốt đến nỗi có thể dễ dàng hình dung ra quá trình làm rượu: Từ trên mặt sàn, nơi những đống nho được ép dưới sức nặng của cây ép rượu, giải phóng phần nước ép ngon nhất, đến tầng ngâm nho và các bể thu gom rượu.

Các bình rượu phát hiện tại khu vực khai quật.

Các nhà khảo cổ còn phát hiện hàng chục bình rượu với hình dáng cao và mỏng, được làm trong các lò lớn tại chỗ và có thể chứa tới 25 lít rượu mỗi chiếc. Nhóm khai quật cho biết, những chiếc bình này được biết đến với cái tên "Gaza jars" (những chiếc bình Gaza) theo tên cảng gần đó, nơi chúng được xuất cảng, bán ra nước ngoài. Những chiếc bình này đã được tìm thấy ở nhiều nơi tại châu Âu, chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng rượu rất cao thời đó.

Jon Seligman, một trong những người phụ trách nhóm khảo cổ cho biết, rượu là thức uống phổ biến thời cổ đại, thậm chí còn dành cho cả trẻ em chứ không chỉ người lớn. Rượu thường được dùng gần như thay thế cho nước, hoặc để bổ sung hương vị hoặc giá trị dinh dưỡng.

Jon Seligman cho biết, năm cây ép rượu ngay cạnh nhau như vậy có thể cho thấy dấu hiệu về ngành công nghiệp sản xuất rượu tại đây. Đỉnh cao của rượu vang gắn liền với loại rượu vang Gaza. Được biết, chính quyền đang có kế hoạch mở cửa khu vực này cho công chúng tham quan.

Tuy nhiên, một câu hỏi mà ai cũng thắc mắc là liệu mùi vị của rượu vang cổ đại đó như thế nào, liệu có giống ngày nay không. Jon Seligman trả lời, gợi ý về những văn bản cổ đã từng đề cập đến một loại đồ uống nhẹ như rượu vang trắng và “dễ uống”.











Không có nhận xét nào: