a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

TÔI ĐI THI TIỂU HỌC - VƯƠNG VIỆT HOA HD65.

 



Hồi tôi học Tiểu Học, lối đầu thập niên 1960, trường Tư thục và trường Công lập cũng có phân biệt đối xử nghen! Trường Công thì được miễn thi Tiểu Học từ niên khóa 1962-1963, học sinh chỉ phải thi tuyển vô lớp Đệ thất thôi, nếu muốn vô học trường Trung Học Công lập. Trong khi đó, học sinh trường Tư vẫn phải thi lấy bằng Tiểu Học, rồi mới được dự tuyển thi vô trường Trung Học Công Lập, nghĩa là phải trải qua 2 đợt thi. Niên khóa 1964-1965, tôi học lớp Nhất trường Providence- Sóc trăng ( còn gọi trường Bà Phước). Vì vậy tôi phải bị thi Tiểu Học khi kết thúc năm lớp Nhất. Tôi cũng chỉ thi một đợt thôi! Tôi không muốn dự thi tuyển vô trường Công nếu có đậu Tiểu Học. Tôi không hạp với trường Công lập. Học trường Công, tôi bị ở lại lớp Năm hai năm và lớp Tư cũng đúp-lê. Nên tôi sợ trường Công lắm!

Tôi cũng phát mệt vì kỳ thi Tiểu Học này nữa! mặc dù Ma sơ lúc nào cũng động viên: "Các con đừng sợ ! các con học đàng hoàng thì có kỳ thi nầy mới chứng tỏ trường mình dạy học sinh học tốt". Kỳ thi Tiểu Học ở quê tôi được tổ chức rất là nghiêm túc không khác chi kỳ thi Tú tài. Thí sinh phải thi hai phần : thi viết và thi vấn đáp . Khổ ghê! con nít có 11, 12 tuổi mà phải bị tra tấn thi hai phần như các anh chị 17, 18 tuổi thi Tú tài 1, Tú Tài 2. Nghiệt ngã là trong kỳ thi vấn đáp có kèm thi môn tự do. Có thể thi đọc Thơ hay thi Hát . Lớp tụi tôi, đứa nào cũng chọn môn thi Hát. Thi đọc Thơ thì con nít lứa tuổi tôi đâu có thuộc bài thơ nào đâu ! Còn thi Hát thì tương đối dễ. Chỉ cần thuộc ba bài hát, chép cẩn thận vô quyển vở để nộp khi thi. Thuở ấy, nhạc vàng thịnh hành lắm. Ngày nào nhà nào mà chẳng có nghe nhạc vàng! Nhà tôi nằm ngay đường Giữa của khu thị tứ. Đối diện nhà tôi là tiệm bán radio, máy hát dĩa, loa ampli... Ngày nào cứ 6 giờ sáng, tiệm bán radio mở cửa, là họ mở loa nhạc sến in ỏi, khiến ai trong khu phố cũng đều tỉnh giấc ngủ. Trưa thì có cái rạp hát kế bên mở dĩa hát nhạc Tây nghe điếc óc. Cả ngày sáng trưa chiều tối ...tôi bị tra tấn bởi mấy bài ca từ máy hát dĩa. Nên tôi thuộc lòng nhiều bài lắm! Mắc cười là ở tuổi 12, tui chọn thi ba bản nhạc tình phổ biến nhất thời đó.

- Đồi thông hai mộ.

- Những đồi hoa sim.

- Nỗi buồn gác trọ.

 Thuở đó tôi cũng khờ lắm, đâu có biết bài nào là nhạc thiếu nhi, bài nào là nhạc tình của người lớn. Tôi chọn ba bài nầy vì đã nghe hoài từ năm nầy sang tháng nọ. Ngày nào cũng nghe, nên tôi thuộc nhừ tử rồi. Tôi chép ba bài ca vô quyển vở. Tôi gắng nắn nót nét chữ cho thiệt đẹp, lại còn trang trí vẽ thêm vài nhánh bông ở mỗi bài hát. Cho thêm hoa hòe để lấy điểm của giám khảo. Đến kỳ thi, tôi thi xong môn thi Viết, tiếp theo ngày sau là thi Vấn đáp ( thi oral) Buổi thi vấn đáp, tôi căng thẳng hơn buổi thi Viết nhiều lắm.Thí sinh được đọc tên cho vô phòng thi ngồi theo số báo danh. Đầu lớp có đặt một cái bàn dài, có hai thầy giám khảo ngồi. Thầy gọi tên thí sinh theo danh sách, thí sinh lên ngồi ghế đối diện thầy, trả lời vấn đáp. Ngồi dưới lớp, tôi hồi hộp quan sát mấy bạn được gọi lên thi trước tôi. Tôi thấy các thầy hỏi câu gì đó, thí sinh trả lời xong. Thầy lấy cuốn vở chép bài hát của thí sinh nộp, thầy chọn bài, rồi thí sinh hát. Tôi thấy hơi lạ vì có đứa chỉ cất giọng hát hai ba câu là thầy bảo thôi, trả tập cho về. Có đứa hát được nửa bài, thì thầy khoát tay ngừng hát, cho đi ra. Có đứa hát tới hết bài, thầy mới cho ra! Ngồi ở bàn dưới, tôi đoán có lẽ là: - Đứa nào hát dỡ quá, thầy chỉ nghe hai ba câu. - Đứa hát dỡ vừa vừa thầy nghe nửa bài. - Đứa nào hát hay, thầy mới nghe hết bài. 

Tới phiên thầy gọi tên tôi lên thi. Tôi ôm cuốn tập giấy chép bài ca lên nộp. Đầu tiên mỗi thầy giám khảo chỉ hỏi tôi một câu trong chương trình lớp Nhất. Tôi trả lời xong, mà chẳng biết đúng sai! Sang phần thi hát, thầy cầm cuốn vở tôi chép 3 bài ca, lật qua lật lại. Thầy chọn bài "Những Đồi Hoa Sim". Đầu tiên thầy hỏi tôi: tên tác giả? Tôi ú ớ, tôi đâu biết trả lời thế nào! Vì tôi chỉ nghe ca sĩ hát trong dĩa hát rồi chép lại vô vở thôi! Có nghe tên tác giả trong dĩa hát đâu! Phải chi thầy hỏi ca sĩ nào hát bài nầy, thì tôi trả lời được liền. Đằng nầy lại hỏi tên tác giả, tôi làm sao biết là ai! Thấy tôi ấp úng không trả lời được, thầy bảo tôi hát bài đó. 

Tôi đã mất bình tỉnh vì không trả lời câu hỏi của thầy, nên lúc đó run dữ lắm. Tôi cất tiếng hát mới có ba câu, thầy khoát tay, trả quyển vở, ghi điểm vào bảng danh sách, và cho tôi ra ngoài. Ra khỏi phòng thi, tôi nghĩ chắc tiêu rồi, vậy là rớt cái chắc! Bởi thầy hỏi tên tác giả, tôi đã bí. Còn hát, thì mới hát có ba câu đã bị cho về . Ai dè sau nầy hỏi lại, thì biết là các bạn tôi khi chép bài hát vô vở, đều có ghi tên tác giả đầy đủ, nên thầy chỉ kêu hát thôi, không có hỏi tên tác giả. Chỉ có tôi ngu quá! chép lời bài hát mà còn bài đặt vẻ bông vẻ hoa , hổng chịu tìm hiểu tác giả là ai để ghi vào mỗi bài hát, nên tôi mới bị thầy hỏi khó vậy! Và còn được biết là đứa nào hát bị lạc nhịp, sai lời thầy mới bắt nó hát tới nguyên bài, để tìm chỗ đúng của nó mà cho điểm đậu. Kết quả cuộc thi vấn đáp, thí sinh nào cũng được đậu cả, không có đứa nào rớt hết. Coi như phần thi vấn đáp của kỳ thi Tiểu Học mở ra rất nghiêm trọng, thấy phát sợ như vậy đó, nhưng các giám khảo đều cho điểm đậu 100% Vậy mà cũng hành tội con nít làm chi ! bắt thi nầy thi nọ đủ thứ!

Sau năm đó, kỳ thi Tiểu Học được bãi bỏ trên tất cả các trường ở toàn miền Nam Việt Nam.


9/12/2023

Vương Việt Hoa HD65

 

 

Không có nhận xét nào: