a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

TRƯỜNG HỌC NGÀY XƯA. - VƯƠNG VIỆT HOA HD65

 


Thuở đó quê nhà tôi, tỉnh Ba Xuyên, thị xã Sóc Trăng có các ngôi trường Tiểu học, với các lớp Năm,Tư, Ba, Nhì, Nhất ( tương đương bây giờ là Lớp Một, Hai, Ba, Bốn, Năm). Học sinh học hết bậc Tiểu Học thì phải trải qua kỳ thi Tiểu Học để lên bậc Trung Học.

Thuở ấy, bậc Trung Học có hai cấp:

- Trung Học Đệ Nhất Cấp gồm lớp Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ, (tương đương với lớp 6, 7, 8, 9 ngày nay).

- Trung Học Đệ Nhị Cấp gồm lớp Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất (tương đương với lớp 10, 11, 12 ngày nay)

Học xong Đệ Tứ (lớp 9) có kỳ thi Trung Học. Học xong lớp Đệ Nhị (lớp 11) có kỳ thi Tú Tài 1. Học xong lớp Đệ Nhất (lớp 12) có kỳ thi Tú Tài 2. Tỉnh có hai hệ thống trường Công và trường Tư. Hồi tôi đi học, ngôi trường nổi tiếng nhất trong tỉnh Sóc Trăng không phải là trường Công mà lại là hai ngôi trường Tư cổ kính của dòng tu Công Giáo. - Một ngôi trường dành cho con trai là Lasan Taberd. Thầy giáo là các Frères rất đạo mạo với chiếc áo dòng màu đen, trên cổ áo có miếng vải trắng nhỏ ở giữa (phân biệt với Cha nhà thờ thì không có) -Một trường dành cho con gái là trường Providence, gọi là trường Bà Phước vì đứng lớp dạy là các Ma soeur, đầu chít khăn trắng toát, có vành lưỡi trai phía trước. Áo tu của Ma soeur trắng tinh, trông nặng nề vì áo có nhiều lớp và còn đính thêm hàng chuỗi hạt đeo bên hông.

Nhìn mặt các Ma soeur thấy ai cũng có vẻ thánh thiện, rất có cảm tình. Bởi vậy mới có bài ca "Em hiền như ma sơ", quả thực không sai! Cả hai trường Lasan Taberd và Providence đều có hai bậc Tiểu Học và Trung Học. Trường có nội trú. Kỷ luật trường rất nghiêm. Các tu sĩ lại dạy học trò rất tận tâm và rất tốt. Trường có xe đưa rước học sinh, ngày hai buổi. Đặc biệt không gian sân trường rộng mát với nhiều cây xanh cổ thụ. Trường được xây từ thời Pháp, các lớp học đều có cửa sổ rộng mở đón ánh sáng tự nhiên, mát mẻ vô cùng! Bàn ghế học sinh nặng trịch, gỗ lên nước bóng mượt. Vì trường danh tiếng như vậy mà có nhiều gia đình trong tỉnh Sóc Trăng và ngay cả gia đình công chức, quân nhân sống miệt Lục Tỉnh miền Nam cũng đem con cái đến xứ Sóc Trăng, gởi cho học nội trú tại trường. Học phí của ngôi trường Tư thế nầy không hề rẻ chút nào!

Trường Tiểu học Công thì có hai ngôi trường của tỉnh lỵ. Đây là trường Nhà Nước nên khá khiêm tốn, còn nghèo cơ sở vật chất lắm. Đó là trường Nam Tiểu Học Tỉnh lỵ và trường Nữ Tiểu Học Tỉnh lỵ. Ưu thế trường công là hoàn toàn không có thu học phí. Tỉnh Sóc Trăng còn có ngôi trường Trung Học công lập bề thế, xây dựng qui mô hơn trường Tiểu Học, đó là trường Trung Học Hoàng Diệu. Trường có đội ngũ thầy cô giáo rất giỏi, được đào tạo chuẩn mực từ Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Vì tỉnh lỵ chỉ duy nhất có một trường Trung Học Công Lập như thế này. Muốn được nhận vào học, học sinh phải có bằng Tiểu Học và phải dự kỳ thi tuyển để được chấp thuận vô học lớp Đệ Thất của Trung Học Hoàng Diệu. Học sinh khỏi phải đóng học phí đồng nào. Ai không thi đậu vô được trường Công lập, thì có những ngôi trường Trung Học Tư Thục cũng khá tiếng tăm như Trường Trung Học Trần Văn, trường Lam Sơn, trường Bồ Đề của Phật Giáo, trường Lasan, trường Providence.

Thuở xưa thầy cô dạy bậc Trung học đều được xã hội rất tôn quí với danh xưng Giáo Sư Đệ Nhất Cấp, Giáo Sư Đệ Nhị Cấp. Còn thầy cô dạy Tiểu Học thì gọi là giáo viên. Ai mà đậu được Tú Tài 1, Tú tài 2 đều phải trải qua các kỳ thi trầy vi, tróc vẩy. Nhưng cũng an ủi là khi ấy được hân hạnh gọi là cô Tú, cậu Tú. Nghe cũng oai phết! Thuở ấy bằng Tú Tài rất có giá trị. Ai học giỏi có bằng Tú Tài là có thể xin dạy hợp đồng cho các trường Tư Thục Trung Học Đệ Nhất Cấp, và cũng đường hoàng làm Giáo Sư.

Tôi nói dài dòng hệ thống trường học thuở xưa để cho thấy ngày xưa, làm học sinh rất ư là gian truân khổ ải với nhiều kỳ thi chuyển cấp mệt mỏi. Ít có ai đi được hết con đường học đến Tú Tài 2, trừ phi phải học thật giỏi. Vì đời nam sinh ở lại lớp hay thi rớt hai lần, là bị bắt đi quân dịch rồi! Con gái thời đó cũng lo lấy chồng sớm, ít chịu học cao!

(Còn tiếp kỳ sau)














TRƯỜNG HỌC NGÀY XƯA

(tiếp theo)

Lớp Vỡ Lòng- Cô Giáo Lùn. Thật ra thâm tâm tôi khi viết bài nầy là muốn nhắc đến giai đoạn đầu đời của một học trò mới tập làm quen với sách đèn. Đó là lớp Vỡ lòng mà tôi đã trải qua 3 tháng đầu tiên trong đời học sinh. Thuở ấy, con nít nhỏ trước khi làm học sinh học lớp Năm, lớp đầu tiên của bậc Tiểu học thì các bậc phụ huynh thường cho con trẻ trải qua một năm q học lớp Mẫu giáo. Nhưng ở Sóc trăng, các cha mẹ chỉ cần cho con vô học lớp Vỡ lòng 3 tháng hè, trước ngày khai trường nhập học Tiểu học. Ở thị xã Sóc trăng, những ai sinh vào những thập niên 195s, 196s, phần lớn đều biết đến lớp học của Cô giáo Lùn. Cô giáo chuyên dạy Vỡ lòng cho các bé cỡ 5,6 tuổi. Có khi còn có cả người lớn cũng đến học để xóa dốt! Lớp cô khá đông vì giá học phí rất bình dân. Nhà dầu nghèo hay khá giả cũng đều gởi con cháu đến học vì cô dạy giỏi. Chỉ cần 3 tháng cho cô rèn luyện là trẻ biết đánh vần, đọc chữ để sẵn sàng vô lớp Năm, trẻ sẽ không bị bỡ ngỡ.

Tôi nhớ Cô Giáo Lùn của tôi. Tôi không biết cô tên họ là gì! Cả thị xã Sóc Trăng đều quen gọi là lớp học cô Giáo Lùn, coi như biệt danh của cô. Cô bị tật bẩm sinh, chỉ cao có 1.1m. Cô có dáng dấp đặc trưng của người có tật lùn. Cái cổ và tay chân của cô ngắn ngủn. Đầu và mặt cô thì to. Phần ngực và lưng của cô nhô lên rất bất thường, vì có cục bướu rất lớn ở trước ngực và gù ở sau lưng. Trông cô rất nghiêm nghị, nhưng cô phúc hậu lắm và dạy học rất tận tình. Cha mẹ khi gởi con đến học lớp của cô dạy, đều tin tưởng vào sự tận tâm của cô giáo Cô giáo Lùn rất có uy. Con nít ở nhà cứ khóc nhèo nhẹo khi biết mẹ chuẩn bị đưa đi học. Có đứa còn giãy giụa, luôn miệng rên: "con hổng đi học đâu! hổng đi học đâu! hu..hu..!" Nhưng khi bị đưa đến cửa lớp học, vừa thấy mặt cô giáo là nín khe, tắt tiếng khóc ngay và vâng lời cô riu ríu. Con nít như tụi tui chỉ qua ba tháng học ở lớp Vỡ lòng của cô giáo đều biết thế ngồi học ngay ngắn, tay cầm bút chì đúng cách, biết viết chữ thẳng hàng, đúng nét cơ bản. Sách học vỡ lòng là quyển sách mỏng dính ! Bìa sách in hình con gà trống gáy ó o, nên được gọi là sách Vỡ lòng Con Gà. Sách Con Gà coi vậy mà hay lắm a! mỗi một chữ nguyên âm đều có hình minh hoạ rất dễ thương, giúp cho con nít dễ nhớ, ví dụ: a - có hình con gà gáy e- có trái me hấp dẫn ơ- hình cái nơ rất đẹp u- có hình cái lu. i - có cậu bé ôm cặp đi học Sách không có màu mè gì cả, chỉ trắng đen thôi, vậy mà rất dễ học. Ngay cả người già, người lớn tuổi mà chưa biết chữ, chỉ cần chịu khó học hết cuốn Vỡ lòng con Gà nầy, cũng tạm gọi là được xoá mù chữ, vì đã biết đánh vần và đọc được chữ trên mặt nhật báo rồi. Vì vậy sách rất phổ biến, nhà nào cũng có cuốn sách vỡ lòng nầy. Sách rẻ rề dễ mua lắm! Trong buổi học cô giáo tôi viết chữ lên bảng đen các mẫu tự chữ cái thiệt to, nét chữ rất đẹp. Giờ tập đọc, cô nhịp cây thước gỗ lên bảng, là đám con nít đồng thanh đọc a con gà, e trái me ,ê con dê, u cái lu, o trái nho ... Cứ đọc ê a như đọc thần chú một thời gian ngắn là nhớ nằm lòng mặt chữ. Sau đó là cô dạy ráp vần, rồi tập đánh vần .

Buổi trưa hè, từ lớp cô Giáo Lùn vang lên tiếng đánh vần của bọn trẻ. Nghe rất nhịp nhàng, rộn ràng như tiếng ve ve gọi hè. Đến nay đã già, mà sao lạ quá! mỗi khi nghe xa xa văng vẳng tiếng trẻ đọc đánh vần lúc trưa hè, là tôi lại nhớ về lớp học Vỡ lòng của cô Giáo Lùn của tôi thuở xưa. Cô tôi đã dạy cho chúng tôi 3 tháng Vỡ lòng đầu đời, cũng xem như là người thầy đã khai trí cho lứa học trò nhỏ chúng tôi biết cầm cây bút chì viết nét chữ đầu tiên. Sách có câu "Nhất Tự Vi Sư Bán Tự Vi Sư", một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy, huống chi cô tôi đã dạy biết bao lứa học trò nhỏ như chúng tôi thuộc nằm lòng 24 chữ cái của Quốc Ngữ.

Phải công nhận rằng các thầy cô giáo dạy lớp Vỡ lòng cho ta. Người đã nhẫn nại cầm tay chỉ dẫn ta cách cầm cây bút, giúp ta nắn nót viết nét chữ đầu đời. Người đã dạy ta cách phát âm tròn vành rỏ chữ tiếng Việt, đó chính là vị ân sư đầu tiên của đời ta.

5/12/2023

Vương Việt Hoa HD65

 


 

Không có nhận xét nào: