a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

Thật may mắn cho ai đó sống qua 65 tuổi


Cảm ơn ai đã tổng hợp số liệu thống kê này! Đọc để hiểu chúng ta may mắn như thế nào nếu đã lên tuổi 65 và có nhà, có đủ ăn và đủ mặc.

Dân số hiện tại của Trái đất là khoảng 7,8 tỷ người. Tuy nhiên, ai đó đã cô đọng 7,8 tỷ trên thế giới thành 100 người, và sau đó thành các thống kê tỷ lệ phần trăm khác nhau. Kết quả phân tích tương đối dễ hiểu hơn nhiều.

* Trong số 100 người có: 11 ở Châu Âu, 5 ở Bắc Mỹ, 9 ở Nam Mỹ, 15 người ở Châu Phi và khủng khiếp khi có tới 60 người ở Châu Á.

* Trong số 100 người: 49 sống ở nông thôn và 51 sống ở các thị trấn / thành phố

* Trong số 100 người: 77 có nhà riêng và 23 không có nơi ở.

* Trong số 100 người: 21 người được nuôi dưỡng quá mức; 64 có thể ăn no; 15 người thiếu dinh dưỡng.

* Trong số 100 người: Chi phí sinh hoạt hàng ngày cho 48 người là dưới US $ 2.

* Trong số 100 người: 87 có nước uống sạch, 13 hoặc thiếu nước uống sạch hoặc tiếp cận với nguồn nước bị ô nhiễm.

* Trong số 100 người: 75 có điện thoại di động và 25 không có.

* Trong số 100 người: 30 người có quyền truy cập internet, 70 không có điều kiện lên mạng.

* Trong số 100 người: 7 nhận được giáo dục đại học và 93 đã không được học đến bậc đại học.

* Trong số 100 người: 83 người có thể đọc còn lại 17 người mù chữ.

* Trong số 100 người: 33 người theo đạo Thiên chúa, 22 người theo đạo Hồi, 14 người theo đạo Hindu, 7 là Phật tử, 12 là các tôn giáo khác và 12 người không có tín ngưỡng tôn giáo. Như vậy Phật tử chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ và tỷ lệ này ngày càng giảm. Ngạc nhiên chưa!

* Trong số 100 người: 26 sống dưới 14 năm, 66 người chết từ 15 đến 64 tuổi, 8 người trên 65 tuổi. Bạn thật may mắn khi đã sống trên 65 tuổi.

KẾT LUẬN:

Nếu bạn có nhà riêng của mình,

Ăn đầy đủ các bữa và uống nước sạch,

Có điện thoại di động,

Có thể lướt internet,

Bạn đang ở trong một lô đặc quyền nhỏ (trong danh mục chỉ dưới 7% nhân loại được hưởng.)

Trong số 100 người trên thế giới, chỉ 8 người có thể sống hoặc vượt quá 65 tuổi. Nếu bạn trên 65 tuổi, Hãy bằng lòng và biết ơn. Bạn đã là người có phúc giữa nhân loại.

Hãy chăm sóc sức khỏe của chính mình thật tốt vì không ai quan tâm tới bạn hơn chính bạn. 

Kaycee

(Sưu tầm)


Ăn Cơm Mới, Nói Chuyện Cũ - Vương Hồng Sển (1902-1996)




Học giả Vương Hồng Sển với sách của ông

Người Tàu sống chung với dân ta từ nhiều thế kỷ, nhưng các bạn có biết người Triều Châu sống ra sao? Người Quảng Đông sống thế nào? Và người Phước Kiến làm ăn cách nào? Muốn biết hãy chịu khó theo tôi tìm hiểu. Từ ngàn xưa phương pháp vẫn không đổi. Có đổi là đổi danh từ, thay vì gọi Tàu, Chệt, Khách, thì gọi thanh bai hơn là "người Việt gốc Hoa". Chớ làm sao đổi được lòng người? 

Phương pháp ấy là nuôi mộng: ban đầu là một cái lều con ở tận mũi Cà Mau xa mú tí tè, mặc cho đỉa đeo muỗi đốt, tụ tiểu thành đa, cách vài chục năm sau dời cái lều lên Chợ Lớn biến thành một cái lầu chọc trời có máy lạnh và có nhạc lùm tùm xùm. 


1. Người Phước Kiến: có vẻ thanh bai nhứt. Uống trà quạu, mà hút nha phiến cũng đậm. Hòn Vũ Di Sơn (ở Nam Bình, phía bắc tỉnh Phúc Kiến bên Tàu) là của họ, mà giao thiệp đầu tiên với bọn nha phiến Ăng-lê bên Tàu cũng là họ.  

Ở đây họ chuyên nghề mua lúa chà ra gạo. Ở tỉnh thì làm chủ chành lúa, ở Chợ Lớn - Bình Tây thì nhà máy xay của họ là phần nhiều. Người họ mảnh mai, vóc cao mà ốm. Gần hết đều sói đầu, không sói thì đầu phải có chốc. Xưa họ dám tự hào: "Không chốc trên đầu, chưa phải là người tỉnh Phước, chưa phải con cháu dòng Minh Thái Tổ, lên ngôi xưng hiệu là "Hồng Võ" (1368-1398). Nhưng ngày nay tắm gội mỗi ngày có mỹ nhơn xức nước hoa đắt tiền, làm gì còn các quốc túy "xái thạo Hồng Bú" (xài dầu Hồng Võ)?

Tôi là con cháu người tỉnh Phước, tôi nói ra đây xin ai đừng vội giận. Những tánh tốt của người đất Mân (閩 Mân vào thế kỷ thứ 10 là một nước nhỏ, xa xưa nữa thời Chiến Quốc là Mân Việt 閩越, nay là địa bàn tỉnh Phúc Kiến) dư che tiểu tật, tánh tôi ưa nói pha lửng, giận thì để bụng.  

Vả lại đây là tranh chấm phá, việc khen "phò mã tốt áo" tôi cho rằng thừa. Món ăn của người Phước Kiến gồm hải vị nhiều hơn là sơn trân, vì ta chớ quên xứ của họ ở gần duyên hải. Ai có nếm "tàu hủ thúi như phổ mác" (phổ mác "fromage" tức là phô mai) chưa? Ngon vô cùng, ăn rồi nhớ mãi. Nhưng thiện nghệ nhứt là thuật nấu đồ chay theo phái minh sư. Thiếu Lâm tự và môn võ thuật tuyệt luân "võ Thiếu Lâm" cũng ở trong vùng Phước Kiến. Thêm giỏi nghề vẽ vời, viết chữ đại tự. Các tiệm bán trà trong Chợ Lớn, hộp nào cũng có phóng bút đỏ xanh, hỏi ra đều gốc Phước Kiến.


Nói nhỏ: bán ve chai làm giàu cũng họ. Quách Đàm ngày xưa là ông vua. Nói luôn: vì họ ham gần cô Nha phiến, hễ khá thì hút, nên dân Việt ngày xưa ít gả con cho họ, duy người Miên lại thích, khen mặc dầu ghiền nhưng biết trọng chữ tín hơn ai. Có con gả cho bọn Phù dung, không bị bỏ xó, thì cũng chẳng nên cơm cháo gì. Có câu ví, nhưng hơi tục: "Địt như chệc".


2. Người Quảng: Xin đừng lầm với dân Ngũ Quảng ở miền Trung. Quảng ở đây là Quảng Đông, xứ của ông Triệu Đà. Người Quảng phần đông làm chủ các hiệu cao lâu lớn, ăn mỡ thật nhiều, đa số bụng phệ, ngày xưa đại đa số rất thích ở trần phơi rún sâu và đặc biệt nếu đi dép thì quét sạch sân nhà, còn khi đi guốc hoặc giày đế cứng thì họ kéo họ lê họ khua cho thật kêu họ mới bằng lòng. 


Không tin cứ vô Chợ Lớn giờ tan ciné và hãy xem thềm lát gạch bông đã mòn thế nào thì biết. Hình như bài matjong (mã chược), bài thín cẩu (thiên cửu) đều là của dân Quảng sáng chế; muốn chơi nó, không phương nào lọt khỏi tai thính của cảnh sát và đối với dân Quảng, cái gì không rầy rà không điếc tai là họ không ưa.


Nhạc Quảng nội một cái phèng la cũng đủ bịt lỗ tai, tà ma phải vắt giò bỏ chạy. Còn cái trống bắc cấu (bác cổ), không biết họ dùng thứ da gì, luôn cả cây đờn tam huyền (đờn tam), mỗi lần trống xổ đàn khua, thì ông cha mồ tổ luôn con ráy cũng muốn rời lỗ tai để tản cư nơi khác. Người Quảng Đông là dân tỉnh thành (xẻn xèn) nên thiện nghệ về ăn.  

Mì, hủ tiếu, bò vò viên, hà hứ, ầm cối quảy (Tần Cối quỷ) kêu trại ra dầu cha quảy (油炸鬼 du tạc quỷ tức quỷ bị thiêu ám chỉ Tần Cối), đều của họ. Đồ vàng nữ trang, vải lụa, đồ gỗ đồ mộc đắt tiền đều bởi họ làm. Họ giỏi chịu đựng, khó nhọc khổ tâm cách mấy cũng không nệ hà. Bán ra một cái tủ sắt chẳng hạn, nếu lao công cu li hè hụi khiêng không nổi, thì a-lê-húp, xì thẩu chủ tiệm cởi áo ra tiếp sức, không như đồng bào ta vừa da mắt bớt tái, làm ăn vừa khá, thì lên chưn lo sắm ô tô hay cô vợ bé. Người mình làm chủ tiệm mà khách lầm (gọi) "Ê mầy! Ê kia!" thì "Mầy sẽ biết tay tao!".


3. Người Tiều: Trong tập tôi không nói đến người Bắc Kinh, người Tô Châu, vì họ qua đây rất ít, tôi không dám nói càn. Tôi xin nêu ra một sắc dân điển hình dễ chung đụng và dễ dung hoà với chúng ta, đó là người Tiều. Tiều đây xin chớ nhầm lẫn với tiều phu đốn củi. 

Đây là một cách gọi tắt, vì làm biếng, của dân miền Nam, nhứt là giọng dân Chợ Lớn, để chỉ định người Triều Châu (潮州 Teochew, nay là một thành phố nằm phía đông của tỉnh Quảng Đông, cách ranh giới tỉnh Phúc Kiến khoảng 60 km về hướng đông bắc), bởi tiếng phát âm cho đủ chữ và gọi như thế cho khỏi đánh vần chữ "r", khỏi líu lưỡi đỡ ê răng. Và tôi xin thuật một chuyện đã xảy ra cho tôi, tuy mới đây nhưng dung tả được người Tiều xưa nay không thay đổi. 


Năm ấy, 1946, tôi chạy tản cư xuống Hoà Tú (Sóc Trăng) rồi xuống Bạc liêu và đi lạc vào vùng ruộng muối, đóng dàn theo bờ biển, ngó xa mú tí tè toàn là một màu trắng phếu như ai lấy bông gòn trải đầy mặt đất, và không có một bóng cây che nắng. 

Mà phải biết vào mùa hạn khô như vầy, cứ đếm mỗi một ngày nắng ráo như thế nầy, muối trên ruộng lọt vô túi các chủ sở bạc ức bạc triệu chớ không chơi. Và hễ trời âm u không nắng thì họ rầu thúi ruột non ruột già, vì thiếu nắng thì muối không thành muối. 

Và lạ thay cái xứ giàu muối ấy lại khan hiếm nước mưa để uống và nước mưa ở đây quý giá hơn bạc hơn vàng. Nhắc lại lần nữa, tôi đã nói mùa khô ráo vô bạc triệu cho chủ kho muối, vì hễ nắng càng gắt thì càng làm cho nước mặn trên ruộng mau bay hơi, mau khô và trở thành muối hột. Trái lại nếu trời chuyển mưa hay âm u vần vũ thì nước lâu bốc hơi, muối tự nhiên lâu thành hình. 

Người phu làm muối ở Bạc Liêu chuyên đi gánh muối ngoài ruộng phần đông là người Tiều tức là người Tàu ở phủ Triều Châu, quen nghề rẫy bái, qua đây vì ít vốn nên buổi đầu không làm nghề buôn bán như dân Quảng Đông, dân Phước Kiến, và họ lựa nghề làm rẫy trồng rau tưới cải, v.v... không cần có vốn nhiều.  

Họ chịu khó, xuống tận Cà Mau ra đến hải đảo cù lao trồng khoai lang rồi sắm ghe cà vom chở khoai bán khắp vùng Hậu Giang, hốc kẹt nào cũng tới. Họ trồng dưa nơi mé biển, phơi tôm khô, trồng nhãn, và nếu nghèo lắm thì nhào vô ruộng muối gánh muối cho Hội đồng Trạch (Trần Trinh Trạch), Hoàng Dù Kia (Huỳnh Như Gia), công tử Dù Hột (Huỳnh Như Phước) vân vân. Ở ruộng muối vì ít người lai vãng, họ đóng khố, tối ngày "lù coi", hoặc vận quàn xà lỏn (tà lỏn, tiếng Pháp pantalon) , luôn luôn họ để mình trần như nhộng, vì bận áo quần vào hơi muối bám rít làm sao chịu nổi thêm áo quần mau mục rách. 

Người Tiều có tính hiếu khách. Khi nào gặp họ, xin họ một bữa cơm, họ sẵn lòng không tiếc. Nếu muốn ăn dưa tại chỗ, ăn mấy trái họ cũng vui lòng và không tính tiền, ta vào vườn nhãn hái trái ăn no bụng họ cũng không hề cự nự, duy phải nhớ trái nào món nào mình xách trên tay đem về thì họ tính tiền rắc rắc.


Tánh họ hào hiệp làm vậy, nhưng đến khi mình vào ruộng muối thử thời xin họ một gáo nước uống giải khát, chính tôi bữa ấy gặp một thằng tửng con, nó trả lời làm vầy: "Lứ (ông) xin mí cái? Lứ xin nước mưa để uống hả? Ở đây hóa (tôi) không có nước mưa để rửa dái (ngoại thận), làm sao có nước mưa cho lứ uống?". Nghe vậy giận quá, ước sức muốn tát cho nó một bốp tai thật đau để sau chừa tật ăn nói không lựa lời, nhưng khi chủ nhà cắt nghĩa lại thì thương chú tửng con nầy quá, vì nước mưa đối với họ là thuốc tiên chớ không vừa.


Mùa mưa cũng như mọi nơi, ở đây họ hứng để dành dùng qua tới mùa hạn. Kẻ giàu thì xây hồ xi măng cốt sắt thật lớn để chứa bộn bề, nhưng nước chứa hồ xi-tẹt họ không thích mấy, chê không ngon ngọt bằng nước mái nước lu không có mùi xi măng cưng cứng và uống vào mát lạnh, nước tới đâu mát tới đó, đã khát còn hơn uống nước dừa xiêm. 

Gặp mùa hạn kéo dài, nước chứa đã cạn, khi ấy dẫu bốn năm đồng bạc (bằng cả ngàn đồng ngày nay (thập niên 60)) giá mỗi thùng thiếc đựng mười tám lít, họ cũng không tiếc tiền và cố mua cho được để mà dùng. Hiện thời đã có người thấy xa biết dùng ghe lớn chở nước ngọt sông Cái Cồn, Cái Cau miệt Kế Sách đem xuống đây bán, gọi "đổi nước" (vì tránh chữ "bán nước" nghe trái tai). Nhưng cho đến bao giờ, người phu làm muối vẫn đổi nước sông để uống để ăn và luôn luôn họ để dành nước mưa để "làm thuốc", và bởi thế mới có câu trả lời cộc lốc của chú tửng con bên Tàu mới qua nầy.


Số là khi ban ngày phơi lưng kệch ra gánh muối ngoài nắng, hơi nước mặn bốc lên vùn vụt gặp da thịt chỗ nào có mồ hôi ướt ướt thì bám vào khiến nên những nơi lắt léo, như nách non, khoé mắt, khớp cùi chỏ, khớp đầu gối, kẹt háng, kẽ bẹn, đều có muối bám vào, nếu không tẩy sớm thì muối ăn nứt da thấu thịt, đau nhức lắm, và cái vị thuốc trừ muối ăn không gì khác hơn là nước mưa vậy. 


Mỗi trưa giờ nghỉ hay chiều giờ về nhà thì phải có một chút nước mưa thấm bông gòn lau nhẹ những nơi muối đóng, lau cho sạch rồi thoa dầu dừa vào là êm mát như xưa, mà ác nghiệt thay phải đúng nước mưa rửa mới hiệu nghiệm. Không có nước mưa không lấy gì thay thế được, dẫu thuốc dán mát hay vaseline, pommade gì bôi vào cũng không linh ứng bằng. Cho nên khi chú tửng nói: "không có để rửa dái (ngoại thận)" là lời nói chơn thật chớ không phải nói đánh đầu.

 

Mà ngộ: người Tiều xấu xí ấy, là chỉ xấu xí bề ngoài, chớ bề trong họ có nhiều đức tánh để trở nên một người chồng tốt nhứt thế gian nầy. Họ hiền từ, giỏi giắn, biết nhịn nhục nhứt là có nước giỏi chịu cực hơn bất cứ ai. 


Nhờ vậy mà người dân bản xứ, nhứt là người Miên lai và người Việt quê mùa củi lụt rất ưng ý có thằng rể Tiều và hễ có con gái giỏi thì dành gả cho họ, vì như đã nói hắn giỏi chịu đựng, dầu vợ có ăn hiếp họ vẫn cười hề hề, thêm họ có tánh biết cưng đàn bà, không cho vợ làm lụng nhiều sợ sẽ xấu xí đi, và bao nhiêu công việc đồng áng, gánh phân bón rẫy, cày cuốc, đổ thùng xí ban đêm, giặt rửa cho con, thảy thảy họ đều "bao sổ" cho nên con gái miền Tây có chút nhan sắc, tuy không nói ra, chớ gả cho Tiều là họ ưng liền, các con trai trong làng làm không lại Chệt.


Mà trời sanh điểm nầy mới lạ cho chớ. Bố là cha Tiều nước da vàng, hình thù lớn xương gần như thô, thế mà khi pha với máu mẹ là Thổ lai, vốn vóc dáng nhỏ con hơn Tàu, nhưng chắc da chắc thịt, chắc như cua biển Bạc Liêu đêm tối trời, tuy đen đúa nhưng duyên dáng, ngực phồng lưng eo, nên khi hai người ráp nhau, hễ sanh trai thì tuấn tú đẹp trai, bằng sanh gái, thứ gái "đầu gà đít vịt" ấy, thế mà chu choa, mũi nó cao và ngay như treo trái mật (nhại văn truyện Tàu), nước da vàng dợt và mịn màng như ngà lâu năm lên nước.  

Ngực nở lưng ong, người thon thon dong dảy, cái đẹp lạ mắt nầy có phần lấn áp các cô gái vườn của đồng bào ta tuy vẫn đẹp không kém chút nào. Nhưng các trai làng không thích bằng vì thuộc thành phần đa số, không như cô gái "đầu gà đít vịt", không tốn tiền thuốc, gặp mưa gặp gió không bao giờ hề hấn, đẻ cả bầy mà thịt da săn cón như gái một con.


Gái Tàu lai có tánh thùy mị khả ái, giỏi nhịn chồng và không biết ghen xằng. Cô có cặp mắt phụng xiên xiên, quả là phụng nhãn của Hán Chiêu Quân, cặp phụng nhãn ấy lại đóng dưới đôi chân mày đều đặn như lá dừa mới trổ và mỗi lần rớm lệ, đôi má bỗng đỏ hây hây và đỏ tự nhiên chớ không phải vì năng lai vãng các lò "sát nhân" sửa sắc đẹp.

 

Đúng là tuyệt thế giai nhân, đẹp tự nhiên chớ không phải nhờ son phấn giả tạo. Đoá hoa lạ miền Tây ấy, khi cất tiếng lên hát, tượng trưng là cô Bảy Phùng Há, là những giọng oanh vàng của các ban hát Tiều nghe từ lúc nhỏ khi còn ở Sốc Trăng, vừa trong như ngọc vừa nhẹ nhàng như tiếng hạc trên mây, mới chết anh hùng cho chớ. 


Nhưng nay đã khác. Những nhân vật tôi kể nãy giờ đã thuộc thế hệ ông bà chúng tôi lớp trước, chớ người Trung Hoa ở miền Nam ngày nay, cả nam lẫn nữ đã Việt hóa rất nhiều và đáng với dân ta bắt tay làm bạn đời đời.


Vương Hồng Sển


CHƯNG HOA hay TRƯNG HOA
*
1. 🌸Chưng hoa, trưng hoa là tiếng Hán-Việt?
Ở đây tôi sử dụng 5 cuốn từ điển của Đào Duy Anh, Nguyễn Tôn Nhan, Võ Phá, Thiều Chửu, Lôi Hàng (người Trung Quốc) và cuốn Học chữ Hán của Lưu Khôn (có dẫn giải đầy đủ các bộ chữ Hán).
CHƯNG (bộ hỏa) có nghĩa là: Làm cho khí lửa bốc lên, chưng thử (nắng chang chang), chưng lưu, chưng cất, chưng tuất (cứu viện), chưng uất (khí uất bốc lên)… Hoàn toàn không có nghĩa “chưng hoa” ở đây. Hình 2.
TRƯNG (bộ xích) có nghĩa là: Vời đến, chứng cứ, thu thuế - như trưng binh, trưng cầu, trưng chứng, trưng dẫn (đem ra làm chứng), trưng thuế, trưng dụng (mời đến mà dùng), trưng thư (giấy giao cho người đi mời), trưng tập (mời và gom nhóm lại), trưng văn (mời người ra làm văn), trưng thi (mời người làm thơ hay họa thơ)… Hình 3, 4, 5. Ở đây, chữ TRƯNG có nhiều nghĩa nhưng không có nghĩa “trưng hoa”.
Riêng trong từ điển Trần Văn Chánh, chữ TRƯNG còn có thêm nghĩa: Điềm, chứng cớ, triệu chứng, dấu hiệu. Cuốn này tôi không có bản in, phải tra trên mạng. Hình 6.
Như vậy, chưng hoa hay trưng hoa đều không là tiếng Hán-Việt.
2. 🌸Chưng hoa, trưng hoa là tiếng Nôm?
Tiếng Quốc Ngữ còn được gọi là Quốc Âm. Từ thời tiền Lê đến thời Pháp thuộc, chữ Quốc Ngữ được phát triển và viết bằng chữ Nôm (mẫu tự Hán). Ở thời Pháp thuộc chữ Quốc Ngữ được latin hóa sang mẫu tự alphabet. Về sau này, chúng ta bỏ chữ Nôm, chỉ còn chữ Quốc Ngữ với mẫu tự alphabet.
Tác phẩm Quốc Ngữ đầu tiên bằng chữ Nôm là Quốc Âm Thi Tập do Nguyễn Trãi viết vào thế kỷ 15, được vua Lê Thánh Tông sưu tầm và biên soạn lại. Sau này được hai ông Phạm Trọng Điềm và Trần Văn Giáp phiên dịch ra chữ Quốc Ngữ với mẫu tự alphabet.
Đến thế kỷ 16, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm viết tác phẩm Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập bằng chữ Nôm, khẳng định chữ Nôm là Quốc Ngữ.
Tôi tham khảo 254 bài thơ trong bộ Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi thì tôi tìm được hàng loạt những chữ CHƯNG sau đây (với nhiều nghĩa khác nhau):
- Vì chưng đời có chúa Đường Ngu.
- Cật chưng hồ hải đặt chưa an.
- Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa,
- Ngầm hay mùi đạo cực chưng ngon,
- Phần ấy chưng ta đã có thừa.
- Nghĩa ấy bền chưng đá vàng.
- Thêu cùng gấm mặc chưng đời.
- Lòng người một sự yêm chưng một,
- Xanh bạc dầu chưng mặt chúng ngươi.
- Sự thế chưng ta dầu đạm bạc,
- Được dưỡng vì chưng có thửa dùng.
- Hiềm kẻ say chưng bề tửu sắc,
- Ở chưng trần thế mấy phen cười.
- Than lửa hoài chưng, thương vật nấu,
- Đã ngoài chưng thế dầu hơn thiệt,
- Khỏi quyền đã kẻo luỵ chưng danh.
- Bởi chưng hệ chúa Đông quân.
- Kham cười anh vũ mắc chưng lồng.
- Nhân chưng giận chuột phải nuôi mày.
*
Lạ lùng thay, tôi chỉ tìm được hai chữ TRƯNG, nhưng đều là tên riêng. Đó là bà Trưng và Ngụy Trưng.
Riêng câu thơ:
“Muối liễn dưa dầu đủ bữa,
Thêu cùng gấm mặc chưng đời.” (Tự thán bài 34, Quốc Âm Thi Tập)
Cho thấy chữ “chưng đời” đã có từ rất xưa. Nó có nghĩa là cho đời hay mang ra với đời.
Tìm thêm trong một số bài thơ Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập (vua Lê Thánh Tông), tôi có được các chữ CHƯNG như sau:
- Nết na nhận khẩn khác chưng loài
- Quá Lỗ, vì chưng chút đãi buôi
- Hơn chưng bạn khải hoa vương
Nhưng tôi KHÔNG tìm thấy chữ TRƯNG. Ai có nguyên bộ gốc Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, xin tìm và kiểm tra giúp.
Chữ TRƯNG không hề có mặt trong các bài thơ bằng chữ Nôm cổ xưa nhất của Quốc Âm Thi Tập! Có thể hiểu rằng: chữ chưng theo thời gian đã bị viết thành chữ trưng, do cách nói hai âm CH và TR giống nhau của người miền Bắc?
3. 🌸Chưng hoa, trưng hoa là tiếng thuần Việt?
Nhiều người cho rằng chưng hoa hay trưng hoa có nghĩa từ chữ chưng bày hay trưng bày. Nhưng tôi nghi ngờ quan điểm này.
Trong chữ TRƯNG BÀY thì chữ “bày” là tiếng thuần Việt nên khó có thể khẳng định là nó được ghép với chữ “trưng” tiếng Hán-Việt. Cho nên “trưng bày” (theo nghi vấn trong tiếng Nôm cổ không hề có chữ trưng) chỉ có thể hiểu là một cách ghép chữ tùy tiện của người bình dân sau này.
Ở đây ta nên xác định đang nói chữ chưng nào và trưng nào? Tiếng Hán Việt hay tiếng Nôm.
Khi cho rằng TRƯNG mang hàm ý "bày ra" thì đó là tiếng Trưng của tiếng Hán Việt. Nó có nghĩa là "mời mọc". Trưng dụng (mời đến mà dùng), trưng tập (mời và họp nhóm lại), trưng văn (mời người ra làm văn), trưng thi (mời người làm thơ hay họa thơ).
Khi ghép vào tiếng Việt (dù là ghép không đúng quy tắc) thì TRƯNG BÀY mang nghĩa bày ra, phơi ra chỗ công khai, chỗ công cộng cho mọi người xem, như: Nhà Trưng Bày Hoàng Sa, Nhà Trưng Bày Bát Tràng... Người ta không gọi là “nhà chưng bày” là vì vậy. Vì trưng có nghĩa gốc là “mời” nên trong kinh doanh, phô diễn, “trưng bày” thường được dùng hơn là “chưng bày”.
Nhưng CHƯNG BÀY thì sao? Theo tôi, về ngữ pháp thì chữ “chưng bày” chuẩn hơn, vì cả chữ “chưng” và “bày” đều thuần Việt nên có thể ghép chung với nhau. Nhưng theo ý nghĩa của chữ chưng và theo cách dùng trong xã hội thì “chưng bày” mang tính cá nhân hay riêng tư. Người ta chưng diện cho chính mình, chưng bày vật dụng trong phòng khách.
4. 🌸Như vậy, chưng hoa hay trưng hoa?
Theo tôi, viết đúng Quốc Ngữ phải là CHƯNG HOA.
Người miền Nam xưa nay đều viết chưng hoa. Bạn bè và người thân của tôi, những người miền Bắc chính gốc, những người trân trọng và kỹ lưỡng với chữ nghĩa cũng cho rằng: họ viết chưng hoa - Chưng hoa đào.
5. ☘️Nên khảo sát lại vấn đề.
Tôi sống ở nước ngoài, sách vở tài liệu rất hạn chế, thời gian cũng eo hẹp. Cho nên tôi hy vọng những người có khả năng, có tâm với tiếng Việt xem xét lại hai chữ “chưng hoa” và “trưng hoa” để có một cách viết thống nhất và bảo tồn (cũng như trân trọng) tài sản văn hóa của cha ông.








Không có nhận xét nào: