a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2024

Những điều ít biết về Lũy Thầy


 

 


Trong lịch sử quân sự Việt Nam có một hệ thống thành lũy khá lợi hại. Dân gian vẫn gọi là Lũy Thầy. Nhờ có Lũy Thầy mà nhà Nguyễn mới tồn tại chín chúa, mười ba vua. Nhưng tại sao lại có tên là Lũy Thầy?

Sở dĩ thành lũy trên vùng đất Quảng Bình có tên Lũy Thầy là do sự tôn kính của các chúa Nguyễn và người dân địa phương đặt tên công trình phòng thủ này mà  “Thầy” Đào Duy Từ, một nhà chiến lược thiên tài giúp chúa Nguyễn và cũng là tổng công trình sư tạo ra ở nơi đây.

Trong bối cảnh cuộc chiến Trịnh Nguyễn phân tranh đầu thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn có công mở cõi về phương Nam và đương đầu với quân Trịnh nên Đào Duy Từ đã thành lập hệ thống thành lũy dựa vào địa thế hiểm trở để ngăn chặn. Đôi bờ sông Gianh vì thế đã trở thành ranh giới đàng Trong-đàng Ngoài nhiều năm, trước khi giang sơn thu về một mối ở thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Tìm hiểu về hệ thống thành lũy này để có thể hiểu được tri thức quân sự thời cổ của cha ông ta.

Lũy Thầy được Đào Duy Từ khởi công đắp vào năm Tân Hợi (1631), ở Đồng Hới, Quảng Bình. Lũy cao 12 thước, dài 10 dặm, trải dài từ núi Đầu Màu đến cửa sông Nhật Lệ đổ ra biển, có hình cong như hình cầu vồng. Mặt lũy khá rộng, có thể đi lại được. Cứ mỗi đoạn 40 thước lại xây một pháo đài, đặt súng Thần công án ngự. Từ đó, chiến tranh Trịnh-Nguyễn thực sự xảy ra. Sông Gianh (còn gọi là Linh Giang) là giới hạn. Khi Đào Duy Từ qua đời, chúa Nguyễn truy tặng ông là Trụ Quốc Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu Lộc Khê Hầu.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1841), Lũy Thầy được sắc phong làm “Định Bắc Trường Thành” và Đào Duy Từ được truy phong làm Khai Quốc Công Thần.

Mặc dù Lũy Thầy được đắp bằng đất, nhưng là một công trình phòng thủ khá bề thế, kết hợp với con hào tự nhiên là con sông Gianh, vì thế nơi đây trở thành một phòng tuyến quân sự lợi hại. Ngay từ thời các chúa Nguyễn đã có câu ca về thành cao, hào sâu này:

“Lũy Thầy ai đắp mà cao

Sông Gianh ai bới, ai đào mà sâu”.

Chính cái vị trí đắc địa của phòng tuyến kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo này đã phát huy tác dụng triệt để. Mảnh đất phía Bắc Quảng Bình hẹp, một bên dựa vào dãy Trường Sơn hiểm trở, một bên là Biển Đông, chỉ còn một lối tiến công là dải đồng bằng. Vì thế phòng tuyến giăng ngang giữa hai đầu núi biển đã như một cánh cửa đóng chặt con đường vào Nam giống như cái thế đất eo “cổ chai”, bảo vệ vùng đất có dinh các chúa Nguyễn ở Quảng Trị. Công trình thành lũy phòng thủ này lợi hại đến nỗi mà:

“Khôn ngoan qua được Thanh Hà

Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy”.

Thực ra, Lũy Thầy là một hệ thống lũy, có thể kể ra như sau:

Lũy Trường Dục dài 2.500 trượng, tức khoảng 10km, chạy từ chân núi Thần Đinh dọc theo hữu ngạn sông Rào Đá (Long Đại) đến ngã ba sông Nhật Lệ, men theo bờ Nam qua các làng Xuân Dục, Cổ Hiền, Trường Dục, Quảng Xá đến vùng động cát của phá Hạc Hải. Lũy Trường Dục được đắp bằng đất sét cao 3m, chân lũy rộng 6m. Bên trong lũy có doanh trại, công sự, kho lương thực.

Sau đó, một lũy khác được đắp bổ sung ở vùng Động Hải (Quảng Bình), được gọi là lũy Đầu Mâu, cách lũy Trường Dục gần 20km về phía Bắc. Lũy này được đắp cao khoảng 6m, cao gấp đôi lũy Trường Dục; phía ngoài lũy đóng cọc gỗ lim, phía trong đóng cọc tre, đổ đất lên 5 tầng cấp, voi và ngựa có thể đi trên thành lũy. Trên lũy cứ cách 12m đến 20m lại xây một pháo đài đặt súng thần công, cách 4m đặt 1 súng phóng đá. Chiều dài của lũy khoảng 12km từ động Ông Hồi dưới chân núi Đầu Mâu chạy men bờ Nam sông Lệ Kỳ đến cầu Dài ở phía Nam Đồng Hới.

Tiếp theo, lũy Trấn Ninh cũng được xây dựng. Lũy này tiếp nối với lũy Đầu Mâu, chạy từ Cầu Dài, vòng sang phía Tây thành Đồng Hới, bọc lấy làng Đồng Phú, qua Hải Thành ra đến cửa sông Nhật Lệ. Phía ngoài lũy còn được đào hào vây quanh. Lũy Đầu Mâu hợp với lũy Nhật Lệ được gọi là lũy Động Hải (Đồng Hới) hay Trấn Ninh. Kiến trúc của lũy đã lợi dụng địa thế các bãi lầy và kinh rạch để ngăn các cuộc tấn công của đối phương rất hiệu quả.

Trên chiều dài khoảng 17km từ Đầu Mâu đến Nhật Lệ lũy Động Hải còn lại 3 cửa, trong đó có cửa vào dinh Quảng Bình, còn gọi là Quảng Bình Quan nay vẫn đứng sừng sững bên đường Quốc lộ 1A, vốn xưa là con đường Thiên Lý xuyên Việt, như chứng nhân của lịch sử Quảng Bình suốt hàng trăm năm.

Lịch sử đã ghi lại hệ thống Lũy Thầy là một tuyến phòng thủ kiên cố. Năm 1633, Trịnh Tráng khởi binh đánh chúa Nguyễn đã phải dừng bước ở cửa sông Nhật Lệ, bị quân Nguyễn phục kích đánh úp, quân tướng hoang mang rệu rã phải lui về bờ Bắc sông Gianh. Năm 1634, chúa Nguyễn lại cho đắp thêm lũy Trường Sa, dài 7km chạy từ Sa Động đến Huân Cát, hữu ngạn sông Nhật Lệ. Năm 1648, quân Trịnh tấn công lũy Trường Dục nhưng không phá được đoạn thành này, lại bị đẩy lui xuống vùng đầm lầy Võ Xá và bị sa lầy tại đấy nên phải rút quân về Bắc, để lại 3 tướng và 3.000 quân bị bắt làm tù binh.

Trận đánh ác liệt nhất trong cuộc chiến Trịnh – Nguyễn vào năm 1672 đã chứng tỏ sự lợi hại của hệ thống thành lũy. Quân Trịnh liên tục tấn công mặt lũy Trấn Ninh nhưng không hạ được thành, phải rút lui, chấm dứt cuộc chiến gần 50 năm và mở ra hơn một thế kỷ hòa hoãn.

Có thể nói, góc độ quân sự, hệ thống Lũy Thầy đã phát huy sức mạnh tối đa. Với nhiều lớp thành đất phòng thủ liên hoàn, tổng cộng 34km kết hợp với địa thế thiên nhiên đã đứng vững qua 7 cuộc tấn công của quân chúa Trịnh. Có lẽ trong lịch sử cổ đại nước ta, Lũy Thầy là một hệ thống thành lũy đơn giản, dễ thi công, nhưng lại phát huy tốt nhất chức năng phòng thủ. Đội quân của chúa Trịnh với nhiều binh hùng tướng mạnh cũng đã phải dừng bước trước hệ thống Lũy Thầy lợi hại.

Dạo bước giữa phố phường của thành phố Đồng Hới ngày nay, du khách không khỏi bâng khuâng khi tìm dấu tích xưa của Lũy Thầy quanh cửa sông Nhật Lệ. Đây đó vẫn còn một vài gò đất cao hay đoạn thành thấp ở phường Phú Hải hay tấm bia đá ven đường còn ghi sự tích Lũy Thầy. Ngày nay, Lũy Thầy đã được xếp hạng là Di tích quốc gia. Nơi Lũy Thầy ngày xưa nay đã là phố xá, dọc ven sông Nhật Lệ đã sừng sững tượng đài “Mẹ Suốt anh hùng” chèo đò qua sông Nhật Lệ thời chống Mỹ. Lũy Thầy bây giờ chỉ còn một chút di tích, thư tịch ghi lại và những câu ca dao truyền đời.

Thêm nữa, Lũy Thầy lại càng nổi tiếng bởi đi vào bài hát quen thuộc “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với đoạn ca: “Ai đã qua đèo Ngang, đã sang Ba Rền. Mến dòng sông Gianh, biết danh Lũy Thầy”.

Không những nổi tiếng, Lũy Thầy còn là di sản văn hóa vật thể chứng minh cho sự sáng tạo trong lịch sử quân sự Việt Nam.

Theo các nhà khảo cổ học, đến nay dấu tích Lũy Thầy chỉ còn lại vài đoạn thành đất cao khoảng 1m và dài khoảng 1km, bên trên còn một số cây to ở khu vực xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Đến thời Nguyễn, giang sơn đã thống nhất, hệ thống Lũy Thầy đã không còn tác dụng. Mảnh đất xưa của lũy Trấn Ninh được xây thành Đồng Hới vào năm 1812 cũng là thành đất. Sau đó, dưới thời Minh Mạng, thành Đồng Hới mới được quy hoạch lại và xây bằng gạch theo kiến trúc Vô băng, thành có hình múi khế, nay vẫn còn nhiều đoạn rêu phong và là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước của tỉnh Quảng Bình.

Tác giả: PGS.TS Trịnh Sinh


Người phụ nữ trong hình chính là mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk. Bà là người mẫu 72 tuổi Maye Musk, cho tới nay vẫn rất đắt giá vì các chương trình biểu diễn và chụp hình.
Bà vốn là mẹ đơn thân có 3 con, ngoài tỷ phú còn có đạo diễn phim Tosca Musk và chủ nhà hàng doanh nhân Kimbal Musk. 3 con của bà rất thành công.
Maye Musk, sinh năm 1948, là người gốc Canada nhưng di cư sang Nam Phi cùng cha mẹ bằng một chiếc máy bay cá nhân. Theo New York Times, vào năm 1952, khi mới chỉ 4 tuổi, bà đã cùng cha mẹ bay 22.000 dặm vòng quanh thế giới. Lớn lên, Maye và gia đình đã đi lang thang trên sa mạc Kalahari để tìm kiếm "Thành phố đã mất". Cũng chính nhờ những bậc cha mẹ thích phiêu lưu mạo hiểm này, bà đã tìm thấy sự tự tin của mình để theo đuổi sự nghiệp trong thế giới thời trang.
15 tuổi, bà trở thành người mẫu, thi Hoa hậu Nam Phi và lọt vào vòng chung kết. 6 năm sau, 21 tuổi, bà rơi vào tiếng sét ái tình với kỹ sư Errol Musk và từ bỏ tất cả để trở thành vợ của ông. Trong vòng 10 năm, bà sinh 3 con. Nhưng hôn nhân tan vỡ khi bà mới 31 tuổi. Bà trắng tay mặc dù gia đình chồng rất giàu có.
Từ giã Nam Phi, bà một thân một mình đưa ba con về Toronto, Canada. Đây cũng chính là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời của Maye. Đã có khi bà phải làm cùng một lúc 5 công việc để kiếm tiền nuôi dạy các con: từ làm thêm tại tiệm tạp hóa và giặt ủi, nhân viên nghiên cứu cho Đại học Toronto, dạy học tại trường dinh dưỡng cho đến làm người mẫu. Maye từng nói với Huffington Post rằng: "Sau khi ly hôn, tôi phải vật lộn để kiếm sống và nuôi 3 đứa trẻ. Nghèo đói khiến bạn làm việc chăm chỉ."
Khi Maye 41 tuổi, nghề người mẫu lúc ấy không còn "hot" nữa, bà phải vất vả kiếm tiền thuê nhà và học phí cho các con bằng nhiều cách khác nhau. Quãng thời gian này, gia đình bà thậm chí còn chẳng có tiền để mua thịt cho bữa cơm tối.
Khi đó, một người khách hàng của Maye, chủ một lò mổ gia súc đã thương cảm cho hoàn cảnh của bà và quyết định cung cấp cho gia đình bà một khoanh thịt khổng lồ vào mỗi tháng. Bà Maye sẽ cắt khoanh thịt thành 4 miếng để ăn trong 4 tuần.
Trong khi đó, các con của bà cũng làm một phần để hỗ trợ gia đình. Tosca làm việc tại một cửa hàng tạp hóa cao cấp khi còn đi học và Maye Musk đã giúp Elon có một công việc tại Microsoft.
Dù vậy, bà vẫn rất kiên nhẫn dạy con nên người. Cùng lúc, bà đi học . Bà theo học ngành dinh dưỡng tại Đại học Pretoria ở Nam Phi và được trao hai bằng thạc sĩ, một từ Đại học Orange State, Nam Phi và một của Đại học Toronto, Canada.
Kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của bà, 3 con bà rất thành đạt, trong đó có tỷ phú giàu nhất thế giới. Và dù già, ở tuổi 72 bà vẫn tiếp tục hành nghề người mẫu vì yêu thích và muốn được trẻ trung.
Người phụ nữ này luôn thử thách những điều mới mẻ và không bao giờ bị tuổi tác cản trở. Chính tinh thần đó không chỉ làm nên cuộc đời Meyer mà còn trở thành ánh sáng của 3 đứa con. "Hãy để trẻ đủ can đảm khám phá cuộc sống của chúng". Người phụ nữ này cũng cho rằng cách giáo dục hữu ích nhất cho trẻ là để chúng thấy rằng bố mẹ đang nỗ lực để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. "Đó là cách tốt nhất để giáo dục con cái"
Một người mẹ xứng đáng của những đứa con xứng đáng
Sưu tầm



Cô gái Chùa Hương sống mãi tuổi 15

Những người yêu nhạc hẳn nhiều người sẽ biết đến bài hát “Em Đi Chùa Hương” của nhạc sĩ Trung Đức, phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp với những câu hát quen thuộc: 
    Hôm nay em đi chùa Hương, hoa cỏ còn mờ hơi sương…

Bài thơ “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp cũng đã được giáo sư Trần Văn Khê phổ thành một bài hát dài mang tên Đi Chơi Chùa Hương từ thập niên 1940.

Thi phẩm “Chùa Hương” ra đời trong hoàn cảnh rất kỳ thú. Hội Chùa Hương năm 1934, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp cùng nhà văn Nguyễn Vỹ và hai người bạn nữ sinh Hà thành đi trẩy hội. Đến rừng mơ, hai văn nhân gặp một bà mẹ cùng cô gái độ tuổi trăng rằm vừa bước lên những bậc đá vừa niệm phật “Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát”.

Vẻ đẹp thánh thiện mang nét chân quê của cô gái đã hớp hồn hai chàng thi sĩ khiến họ trân trân nhìn quên cả hai bạn gái cùng đi.

Nguyễn Nhược Pháp lại gần hỏi:

“Tại sao trông thấy chúng tôi cô lại không niệm phật nữa?”

Cô gái bối rối, thẹn thùng như muốn khóc. Nguyễn Nhược Pháp thấy vậy liền cố bắt chuyện để an ủi cô gái. Câu chuyện vẩn vơ đã diễn ra cùng họ cho đến chùa Ngoài. Mải chuyện với người đẹp, Nguyễn Nhược Pháp và Nguyễn Vỹ bị hai cô bạn gái đi cùng bỏ rơi lúc nào không hay.

Không tìm được hai cô bạn trong đám đông trẩy hội, đêm ấy hai chàng bèn ngủ lại trong chùa Hương cùng hai mẹ con cô bé quê.

Sáng hôm sau gặp lại hai cô bạn, Nguyễn Vỹ phải xin lỗi mãi, còn Nguyễn Nhược Pháp chỉ tủm tỉm cười. Về đến Hà Nội được mấy hôm, Nguyễn Nhược Pháp sáng tác nên bài thơ “Chùa Hương”.

Trong bản chép tay đầu tiên, bài thơ có tên là “Cô Gái Chùa Hương”.

Bài thơ dài 34 khổ 136 dòng, lấy cuộc gặp gỡ lý thú của tác giả với cô gái quê ở Chùa Hương làm đề tài và tưởng tượng thêm.

Điều đặc biệt là dưới tên bài thơ, Nguyễn Nhược Pháp mở ngoặc đơn dòng chữ “Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”.

Cuối bài thơ còn ghi thêm: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người sẽ lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô gái còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện”.

Trong bài thơ Chùa Hương, chàng thi sĩ 20 tuổi đã thể hiện tình cảm của mình với cô bé 15 tuổi thanh tao đến thánh thiện, đằm thắm mà không ủy mị, nồng cháy mà vẫn thanh lịch, trữ tình mà tinh tế, cả tâm hồn và hiện thực hòa quyện vào nhau hài hòa khiến Chùa Hương có vị trí xứng đáng trong thi đàn.

Trước năm 1945, bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc thành bài hát “Đi Chơi Chùa Hương”, bài hát này khá dài, chỉ có ca sĩ Mộc Lan ở Huế hát tthành công nhất, được nhiều người hâm mộ nhất.

Giữa những năm 1980, nhạc sĩ Trung Đức phỏng theo mấy đoạn thơ phổ thành bài hát “Em Đi Chùa Hương” và được phổ biến rộng rãi hơn vì nó mộc mạc chân thành, đậm chất dân ca xứ Nghệ, dễ hát và dễ nhớ.

Nhưng nếu Nguyễn Nhược Pháp sống lại để nghe bài hát này, chắc ông sẽ lại tủm tỉm cười khi thấy câu thơ “Chân đi đôi dép cong” của ông đã bị đổi thành “Chân em đi đôi guốc cao cao” bởi vì đi Chùa Hương phải leo dốc, xuống hang rất ghập ghềnh, đi guốc cao thì làm sao mà đi nổi.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là một trí thức con nhà dòng dõi. Cha ông là nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, từng dịch tập thơ “Ngụ ngôn” của La Fontaine ra tiếng Việt rất đặc sắc.

Nguyễn Nhược Pháp sinh năm 1914 tại Hà Nội, đỗ bằng Tú tài Tây, làm thơ từ năm 16 tuổi. Ngoài ra, ông còn sáng tác kịch, truyện ngắn và viết báo. Ông viết báo tiếng Pháp khá nhiều, năm 1935 xuất bản tập thơ “Ngày xưa”, trong đó có bài thơ “Chùa Hương” rất nổi tiếng. Nhưng tiếc thay, thi sĩ tài danh Nguyễn Nhược Pháp mất đột ngột khi mới 24 tuổi, vào năm 1938.

Đến nay, bài thơ Chùa Hương đã tròn hơn 70 tuổi, Nguyễn Nhược Pháp đã qua đời được 70 năm, song Chùa Hương cùng tên tuổi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp vẫn sống mãi với thời gian.

Mời bạn đọc lại bài thơ này:

Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: “Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?”

Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai.)

Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.
Thầy me ra đi đò,

Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô.
Mơ xa lại nghĩ gần,

Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.
Người đâu thanh lạ thường!

Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?
Chàng ngồi bên me em,

Me hỏi chuyện làm quen:
“Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, trời ôi, chen!”
Chàng thưa: “Vâng thuyền đông!”

Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.
Dòng sông nước đục lờ.

Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: “Hay! Hay quá!”
Em nghe rồi ngẩn ngơ.
Thuyền đi, Bến Đục qua.

Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
“Nam Mô A Di Đà!”
Réo rắt suối đưa quanh.

Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.
Sau núi Oản, Gà, Xôi,

Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.
Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày.)

Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.
Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,

Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.
Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.

Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.
Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,

Quay về nhà ngang bảo:
“Mai mới vào chùa trong.”
Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng

Mang túi thơ bầu rượu:
“Mai ta vào chùa trong!”
Đêm hôm ấy em mừng.
Mùi trầm hương bay lừng.

Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.
Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều… Viết thế thôi!

Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!
Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.

Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.
Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.

Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.
Me bảo: “Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu

Quán Thế Âm Bồ Tát
Là tha hồ đi mau!”
Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.

Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu.)
Khi qua chùa Giải Oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút

Thảo bài thơ liên hoàn.
Tấm tắc thầy khen: “Hay!
Chữ đẹp như rồng bay.”
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây.)
Ô! Chùa trong đây rồi!

Động thắm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.
Me vui mừng hả hê:

“Tặc! Con đường mà ghê!”
Thầy kêu: “Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về.”
Em nghe bỗng rụng rời

Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!
Làn gió thổi hây hây,

Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở.
Chàng ôi, chàng có hay?
Đường đây kia lên trời,

Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!
Ngun ngút khói hương vàng,

Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời Phật
Sao cho em lấy chàng…

( Sưu tầm )

Thân mến
TQĐ



Không có nhận xét nào: