a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

GÁNH GẠO NUÔI CHỒNG


 


Cô vẫn còn nhớ lần đầu tiên gặp mặt, anh chỉ mới là cậu nhóc mười tuổi cao đến ngang vai cô. Nhà hai người có họ hàng xa với nhau, trước, bố mẹ Loan có vay nhà Định mấy đấu thóc, chịu ơn lại qua. Thấy hai đứa nhỏ mới gặp lần đầu đã vui vẻ trò chuyện, đang cuộc rượu, ông Tính bố Định gõ đũa mà phán luôn chuyện cho hai nhà kết làm thông gia. Bố mẹ Loan chỉ biết gật đầu đồng ý, mặc kệ hai đứLoan hơn Định ba tuổi. Con gái trưởng thành sớm hơn con trai. Cô vẫn còn nhớ lần đầu tiên gặp mặt, anh chỉ mới là cậu nhóc mười tuổi cao đến ngang vai cô. Nhà hai người có họ hàng xa với nhau, trước, bố mẹ Loan có vay nhà Định mấy đấu thóc, chịu ơn lại qua. Thấy hai đứa nhỏ mới gặp lần đầu đã vui vẻ trò chuyện, đang cuộc rượu, ông Tính bố Định gõ đũa mà phán luôn chuyện cho hai nhà kết làm thông gia. Bố mẹ Loan chỉ biết gật đầu đồng ý, mặc kệ hai đứa nhỏ còn đang ngơ ngác.
Định giãy đành đạch ở giữa sân.
"Con không chịu, con không chịu lấy chị Loan làm vợ đâu. Hu hu. Sao chị Loan lại biến thành vợ được."
Rồi Định quay sang hỏi Loan:
"Chị nói đi. Chị có muốn lấy chồng không?" Thấy cô mãi không trả lời, anh quát. "Chị nói đi chứ! Đúng là đồ con gái thất học chẳng biết cái gì! Chị thích ai thì mới lấy người đó làm chồng chứ. Chị nói chị không thích em đi."
Loan mở to mắt ngạc nhiên nhìn cậu nhóc đang thốt ra những lời chửi rất mượt mà, dịu dàng lắc đầu:
"Bố ơi, con chưa muốn đi lấy chồng đâu. Con muốn ở bên bố mẹ cơ."
Ông Tính dù thời nào đi chăng nữa cũng giữ quan điểm, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Họ bảo rằng đã tính toán cả rồi, hai đứa về ở chung nhà, kiểu gì cũng sẽ thân quen rồi thương lấy nhau. Mà kể cả có không thương, thì trên đời này hàng triệu cặp vợ chồng cũng không thương đấy thôi. Chí ít bên nội bên ngoại cũng là họ hàng bạn bè, sống hiểu nhau rồi, sau này sẽ thân càng thêm thân, không thiệt chỗ nào. Cứ như thế, bố Định lấy một cái roi mây thật to, quật một trận cho đến khi anh khóc oai oái.
"Con có chịu lấy nó không?"
"Con không chịu! Con không muốn lấy vợ!"
Lại vun vút mấy tiếng nữa, ông cụ hỏi lại.
"Thế giờ thì sao? Con có chịu lấy nó không?"
Anh khóc hu hu lên vì đau:
"Con chịu! Con chịu mà."
Vậy là sau một trận đòn roi của người lớn, Định và Loan trở thành vợ chồng. Cô dâu mười ba, chú rể mới có mười tuổi, gầy và thấp trong bộ quần áo tân thời rộng thùng thình. Khi trở thành con dâu nuôi từ bé của nhà Định, biết rằng mình sẽ không còn được về nhà nữa, Loan mới khóc cạn hết nước mắt nước mũi.
"Bố ơi mẹ ơi, con biết cấy lúa bẻ ngô mà. Bố đừng bán con, đừng đuổi con đi mà."
Chẳng ai nghe lời Loan, bố mắt nhìn quắc thước, phẩy tay bảo mẹ mau đưa con gái lên xe. Cứ như thế, Loan trở thành bát nước lã của bố mẹ, con dâu mới của nhà Định. Bố mẹ chồng sắp xếp cho cô ở trong căn phòng trống nhỏ nhất của gia đình, cách phòng Định rất xa. Đêm lấy chồng, mặt mũi chú rể hằm hè bước vào phòng Loan, lấy nước hắt lên mặt cô.
"Còn lâu tao mới đồng ý để mày làm vợ của tao."
Loan cũng tức mình quát lại:
"Có ch.ó mới thèm làm vợ mày đấy."
"Bố mày nhận của bố tao 80 đồng tiền sính lễ. Từ giờ mày là người ở của cái nhà này. Tao cấm mày không được gọi tao là chồng trước mặt người ngoài đấy."
"Mày nói dối! Bố tao không nhận tiền của bố mày!" Loan vừa hoang mang vừa tức tối, đè Định ra mà đánh một trận. "Mày trả tao về với bố mẹ!"
Bố mẹ chồng nghe tiếng hai đứa trẻ cãi nhau. Ông Tính cầm theo một cái thước, hầm hầm quát:
"Con Loan, ra đây."
Loan dứt tóc Định thêm một cái, len lén ra theo.
"Mày vừa làm cái gì?"
"Thôi mà mình." Bà Tư lúc ấy vẫn còn trẻ, dịu dàng nói đỡ. "Con bé nó còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, lần đầu về nhà mình nên nó sợ."
"Dạy vợ từ thuở ban sơ. Bà không dạy được thì tránh ra một bên đi."
Nói rồi, ông quất cho Loan một cái thật đau. Thước vụt lên người Loan để lại những vết hằn bầm tím, nhưng con bé không hề khóc câu nào, chỉ xin được về nhà. Ông Tính tức giận nói:
"Từ giờ con là con dâu ở nhà này. Con gái phải biết tam tòng tứ đức, kính trọng phụ mẫu, giờ hầu chồng, sau này dạy con, không có cái phép được hỗn láo như thế nghe chưa?"
"Thôi được rồi mình." Bà Tư thương xót xuýt xoa, khẽ đánh Loan thật nhẹ. "Cái con nhóc này chẳng biết điều gì cả. Lần sau nhớ đừng tái phạm nữa nghe chưa?"
Một cái đám cưới chẳng giúp Loan với Định thương nhau, chỉ làm hai bên ghét nhau thêm. Loan làm dâu, mà chẳng khác nào làm người ở đợ trong nhà. Từ giặt quần áo, cơm nước, cho gà ăn. Quanh ngày quanh tháng quần quật mà cũng không hết việc. Nhưng nhìn sang mẹ chồng, bà Tư, cô mới thấy hết được cái khổ của đàn bà trong ngôi nhà này. Bà phải làm phở từ mười hai giờ đêm, mới ba giờ sáng đã lật đật gánh nồi nước dùng to đùng ra chợ. Cứ chợ nào đến phiên, bà đi chợ đấy, đôi khi phải đi bộ hàng cây số. Bố chồng học chữ Nho, khi thì ra quán nước đầu làng bàn chuyện Khổng Tử, lúc thì ngồi lỳ trong nhà viết chữ, gặp ai cũng đem cho. Trong những năm tháng ấy, nếu như hỏi điều gì làm Loan vui vẻ nhất, thì chắc hẳn là bà Tư. Bà sẽ để lại cho cô miếng thịt to nhất trong bát phở nóng, sẽ mua giấy bút và sách giáo khoa để cô lén học chữ, và tặng cô rất nhiều món đồ chơi mới lạ mà tụi nhỏ trên thành phố thường chơi.
Mọi chuyện đáng ra vẫn sẽ diễn ra như vậy. Song, năm ấy, bố chồng đột ngột mất. Căn nhà cũ của họ bị các bác nhà nội tranh năm xẻ bảy. Bà Tư ngồi bần thần bên bàn, nháy mắt già đi vài tuổi. Khi bố chồng còn sống, dù ông lười biếng và gia trưởng, nhưng cái uy nghiêm ở đó vẫn chống đỡ được cho gia đình. Giờ ông đi mất rồi, người thân như kền kền bám vào rỉa hết số tài sản còn sót lại. Bà Tư tính toán đưa Định về quê ngoại, trước khi đi, đưa cho Loan 17 đồng bạc.
"Trước đây con còn nhỏ không hiểu chuyện, người lớn ép dầu ép mỡ ép duyên, làm lỡ dở con. Mẹ không có nhiều, con cầm lấy đi. Nếu con muốn về nhà, mẹ gọi bố mẹ đến đón con."
Loan cầm đồng tiền tần ngần không đáp, cô biết giờ chẳng còn nhà để mình về nữa rồi. Bố mẹ vừa đón thêm một cậu em trai, cưng chiều hết mực, có lẽ đã quên cô con gái này từ lâu. Có một lần Loan lén về thăm nhà, thấy mẹ đang nựng em, bèn hỏi.
"Mẹ mang con về được không? Ở đó con khổ lắm. Về nhà con có thể cấy lúa trồng ngô, có thể giúp mẹ chăm em được. Mẹ mang con về đi."
Mẹ cô vẫn dịu dàng nựng em trai:
"Mẹ không đưa con về được. Nhà mình nhận sính lễ của người ta ta rồi con à."
"Trả lại sính lễ là được mà mẹ."
"Nhà mình còn phải nuôi em trai con, còn phải tích tiền cho nó đi học. Lấy đâu ra tiền mà trả lại người ta. Con chịu khó đi, đứa con gái nào mà chẳng đi làm dâu."
"Con cũng là con của mẹ. Mẹ chưa bao giờ cho con đi học mà..." Loan tủi thân đáp.
"Con gái... Dù có học thì cũng bay đi. Con nên học làm một cô con dâu tốt, học chữ để làm gì?"
Nhớ lại những lời hôm ấy, đồng tiền trên tay nặng trịch, Loan ôm chầm lấy chân mẹ chồng:
"Mẹ cho con làm con gái của mẹ được không? Con không muốn về."
Sau hôm ấy, ba mẹ con dắt díu nhau về quê. Bà Tư cũng nói với thiên hạ hàng xóm rằng mình có hai đứa con. Loan là con gái lớn, bắt Định gọi là chị. Không còn gông cùm vợ chồng, hai đứa trẻ cũng dần thân thiết hơn xưa. Bà Tư đau ốm bệnh tật liên miên, việc đồng áng và nồi phở lúc này dồn lên vai Loan. Định muốn nghỉ học để phụ giúp mẹ, Loan la lên.
"Không được." Cô nghiêm chỉnh chống nạnh như một người lớn. "Cái gì chứ học là không thể bỏ. Cậu học giỏi như thế, càng phải học. Học thì mới kiếm được nhiều tiền, mới thành tài để chăm sóc mẹ chứ."
Định mếu máo: "Nhưng tiền ở đâu mà học? Nhà mình nghèo lắm rồi."
"Tôi nuôi cậu. Kể từ giờ tôi sẽ kiếm tiền đủ để cậu đi học. Cậu mà chểnh mảng học hành ấy hả, đừng có trách tôi đấy nhen!"
Loan nói nuôi Định là nuôi thật, một bên học hết món nghề nấu phở của mẹ chồng, một bên làm bánh đúc mang ra chợ bán. Bà Tư chân dần chậm, hay đau thắt ngực, không thức khuya dậy sớm được nữa, đành phải đi thêu quần áo thuê cho người ta. Do có duyên, gánh hàng của Loan đắt nhất các phiên chợ, tiền kiếm được giúp ba người sống không quá khó khăn. Định học rất chăm, còn rất giỏi, được thưởng nhiều nên tiền học phí không đáng là bao. Mỗi khi đi học về, Định sẽ tặng cho Loan một vài mẩu bút chì be bé, dạy cô học chữ.
“Cậu thông minh quá rồi đấy. Cậu mà được đi học, chắc giỏi nhất lớp quá.”
“Tôi đi học thì có ích gì?” Loan cười hì hì. “Tôi không có điều kiện bay xa được như cậu, chẳng bằng kiếm tiền sớm một tí, giàu nhanh hơn là đi học.”
Bảy năm trôi qua, chẳng hay tình cảm giữa hai người đã thay đổi từ bao giờ. Năm Loan hai mươi tuổi, bà Tư gọi riêng cô đến, rớm nước mắt xoa đầu con gái:
“Con lớn nhanh quá. Ra dáng thiếu nữ rồi.”
Loan cười thẹn thùng…
“Bao năm qua thiệt cho con. Mẹ… mang đang tính nhờ bà mối, giới thiệu cho con mấy chàng trai tốt tính. Tuổi con không còn nhỏ, bắt đầu tính đến chuyện dựng vợ gả chồng được rồi.”
Loan nhảy dựng: “Mẹ! Mẹ không cần con nữa sao?”
“Không phải! Mẹ thương con còn chẳng hết nữa mà. Vì thương con, mới không muốn con vì gia đình mà bươn chải mãi thế này. Nhà cửa này ông bà ngoại để lại, bao năm qua nếu không có con, thằng Định đã chẳng được đi học. Mẹ để lại 2 phần 3 mảnh đất này cho con làm sính lễ.” Bà sụt sùi. “Mẹ bất tài, không có nhiều hơn.”
Bà Tư nói đến đây, chợt, Định đẩy cửa xông vào, hai mắt đỏ hoe.
“Mẹ muốn đưa Loan đi đâu.?”
Bà Tư khó nhọc hé miệng, đang định giải thích thì Định vùng vằng nói:
“Mẹ định đưa vợ con đi đâu. Loan là vợ con, bố mẹ cưới cô ấy về cho con cơ mà. Giờ mẹ lại bắt cô ấy cưới chồng là sao?”
Định nắm chặt tay Loan:
“Con không đồng ý, Loan là vợ con, mẹ đừng có nhờ ai mai mối hết, cô ấy không đi cả.”
Loan mở to mắt nhìn Định dắt mình đi. Triền đê xanh rì cỏ, ánh trăng phủ xuống một màu bàng bạc. Khi hai người dừng lại, Định đã thở hổn hển.
“Cậu đừng lấy chồng mà.”
Loan chợt nhận ra cậu nhóc năm xưa đã cao hơn cô một cái đầu.
“Chờ tôi học thành tài, chờ tôi có nhiều tiền, tôi cưới cậu.”

Từ FB Bùi Mạnh Toàn


NGHI NGỜ NHÂN SINH

“Em ơi! Cho chị thêm phần nữa đi”. Vừa ăn những sợi bún cuối cùng, người vợ khoảng độ tuổi trung niên vừa tranh thủ gọi thêm tô mới. Anh chồng mặt nhăn nhó, lắc đầu, xua tay, bảo với cô nhân viên: “ Không, được rồi! Đừng lấy thêm nữa…”.
Gương mặt người vợ rầu rĩ, giọng năn nỉ: “Cho tô nhỏ hơn cũng được!”.
Anh chồng vẫn lắc đầu, tay mở ví, lấy tiền ra trả. Trông vẻ nghiêm nghị, dứt khoát của anh, chị vợ đành lặng thinh.
Khi hai vợ chồng họ ra về, cô nhân viên trẻ vội tía lia với bà chủ quán:
- Ông chồng này kẹo kéo thiệt á cô! Vợ thèm muốn ăn thêm tô nữa mà ông tiếc tiền, nhất định không cho ăn. Con mà lấy phải loại chồng đó hả, lên đường ngay…
Bà chủ quán nở nụ cười hiền hậu, bảo:
- Cũng chưa chắc mọi chuyện như con nghĩ… . Biết đâu, người vợ đó bị bệnh gì, phải kiêng ăn, chẳng hạn như tiểu đường, không được ăn nhiều nên ông chồng mới cư xử như vậy!
Cô bé nhân viên ngớ người ra, kiểu bán tín, bán nghi. Bà chủ quán liền kể lại, ngày trước cha bà còn sống cũng bị bệnh tiểu đường. Một lần ở trong nhà bếp, bà phát hiện ông lén xúc cả tô cơm ăn. Trong phút nóng giận, bà đã lớn tiếng: “Cha không được ăn nữa! Con đã bảo bao nhiêu lần là không được ăn nhiều…”.
Hôm ấy, có một cô người làm mới đến nhận việc, không biết đầu cua tai nheo bệnh tình của ông cụ ra sao đã tung tin khắp quán là bà chủ này sống quá cay nghiệt, đến cha ruột của mình còn tủn mủn, tính toán, ăn một bữa cũng cân, đo, đong, đếm…
Hiểu rõ căn bệnh của ông cụ, nhiều nhân viên cũ ân cần giải thích cho cô giúp việc mới hiểu: Bà chủ quan tâm sức khỏe của cha nên nghiêm khắc canh chừng bữa ăn. Bà lo ngại ông bị tăng đường huyết. Bởi ông luôn thèm ăn, không thể kiềm chế cơn đói và sẵn sàng ăn liên tục nhưng miệng luôn lẩm bẩm "chưa ăn".
Khi nghe đến đây, gương mặt cô bé đăm đăm suy nghĩ. Bà chủ quán mong rằng, sau câu chuyện của mình, cô nhân viên trẻ sẽ hiểu được rằng: Đằng sau những hành động tưởng chừng như vô lý của con người, luôn có những lý do thầm kín mà ta không thể nào thấu hiểu hết.
Trong đời, gặp một sự việc nào đó, mỗi chúng ta hãy nên học cách nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, bằng ánh mắt sáng suốt và một trái tim rộng lượng, thay vì, vội vàng phán xét họ phải không!?

Tác giả: Nguyễn Nga
(Trích từ tập truyện ngắn những câu chuyện giúp nuôi dưỡng tâm hồn chưa xuất bản)




Hai Người Mẹ

​Về đến nhà, thay vì lên tiếng như mọi ngày, hôm nay Toàn buồn xo, áo quần xộc xệch, mồ hôi ướt đầm lưng và tóc trán. Cậu cúi đầu, hai chân nặng nề bước đi như trong vô thức. Đôi mắt nặng trĩu mệt mỏi.
Chị Thơm, người giúp việc đang lúi húi ở nhà dưới thấy Toàn về bèn bước lên. Nhận ra vẻ mặt thằng bé như đang có tâm sự, chị định gặng hỏi nhưng nó lủi thủi bước vội vào phòng rồi đóng kín cửa nên chị đành thôi.
​- Lạ thật! Thằng bé có chuyện gì mà mặt buồn thế nhỉ? Chuyện học hành? Chuyện bạn bè? Chị Thơm khựng lại, băn khoăn cho những đáp án mình đưa ra. Hai tay còn rung rúng nước xà phòng, chị vội xoa xoa vào hai vạt áo ướt nhẹp. Chị nghe tim mình đập thình thịch. Chị đâm ra lo lắng.
​Tiếng xe hơi đã dừng đầu cổng. Biết bà chủ đã về, chị Thơm vội ra mở cửa. Gọi là bà chủ vì đứng ở vị trí người ở như chị với chủ nhà, chứ thực ra chị Bền với chị ngang tuổi nhau. Cả hai đều trên 40 tuổi cả. Chị Thơm tươi cười chào hỏi rồi nhanh nhẹn kéo rộng cánh cửa cổng. Dẫu chị Bền đã bao lần bảo chị không cần phải tỏ ra phép tắc, không cần phải đích thân ra mở cửa mỗi khi tôi về nhưng chị Thơm chỉ cười trừ rồi lại đon đả làm mọi việc đâu ra đấy.
Đợi cho bà chủ xuống xe, chị Thơm nói về chuyện của thằng cu Toàn. Chị Bền thấy lạ, vội bước lên phòng con trai. Nghe tiếng gõ cửa hai, ba lần, Toàn mới lí nhí trả lời rồi bước ra mở cửa. Chị Bền đến bên giường, ngồi cạnh con trai đang nằm và tò mò:
​- Con trai mẹ có chuyện gì buồn, nói mẹ nghe! Im lặng một lúc, Toàn chống tay ngồi dậy. Cậu nhìn vào đôi mắt mẹ bằng vẻ mặt nghiêm túc của một chàng thanh niên đã đến tuổi trưởng thành.
​- Mẹ!... Con… con không phải do mẹ sinh ra phải không mẹ? Con là ai? Ba mẹ con là ai?... Sao mẹ lại giấu con suốt mười mấy năm qua? Mẹ nói cho con biết đi mẹ! Chị Bền nhìn con trai, giọng ngập ngừng:
- Mẹ…! Chị biết sẽ có ngày này, rằng con trai sẽ hỏi chị những câu hỏi ấy. Và chị cũng không muốn giấu con sự thực. Chị đã hứa với lòng mình đến khi nào con đủ lớn khôn, chị sẽ cho con biết.
Nhận Toàn làm con nuôi đã 15 năm là cả 15 năm, chị tự vấn lòng mình. Chị biết, niềm vui của chị sẽ là bất hạnh, là nỗi buồn của một người mẹ khác. Khi chị đang vui vẻ bên thằng Toàn cũng là khi mẹ thằng bé vẫn đang từng ngày ngược xuôi, rong ruổi tìm kiếm nó. Thời gian thấm thoát. Giờ con trai đã tròn 18 tuổi. Cũng đã đến lúc con cần biết sự thật.
Chị Bền lập gia đình ở tuổi 25. Sự nghiệp và hạnh phúc đang viên mãn thì chồng bị tai nạn đột ngột qua đời. Cú sốc quá lớn ảnh hưởng đến tâm lí khiến chị suy sụp, nằm viện suốt cả tháng trời và rồi giọt máu đỏ hỏn chị đang mang trong bụng cũng không thể giữ được. Bác sĩ còn thông báo cái tin sét đánh, rằng chị không còn khả năng làm mẹ được nữa. Chị tuyệt vọng, chán chường. Nhưng rồi chính chị lại tự mình gắng gượng với suy nghĩ, bao nhiêu người khác quanh mình còn đau khổ, bất hạnh hơn, thế mà họ vẫn sống đó thôi.
Một lần rong ruổi khắp thành phố, đoạn đi ngang qua cổng bến xe, chị ngạc nhiên khi thấy một thằng bé khoảng 3 tuổi, đầu tóc bù xù, quần áo nhầu bẩn đang tấp tễnh vừa đi vừa khóc, vừa gọi mẹ. Hỏi tên gì thì thằng bé chỉ biết lắc đầu ngắc ngứ. Nghĩ rằng trẻ con của gia đình ai đó bị lạc, chị dừng lại đưa cậu bé đến đồn công an gần nhất. Cả tuần liên tiếp sau đó vẫn không ai đến nhận thằng bé. Thế là người ta đưa nó tới trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi của thành phố. Ngắm nhìn gương mặt hồn nhiên, thơ ngây, ánh mắt đau đáu như muốn tìm về với mẹ của nó, chị Bền bỗng thấy động lòng. Một tháng sau đó, chị quyết định nhận nó về làm con nuôi.
Mọi thứ ban đầu đều xa lạ với cả chị và thằng bé. Từ việc ăn uống, sinh hoạt; từ việc sắp xếp công việc công ty đến việc đưa đón con đến trường,… đều một tay chị Bền làm. Chị xem đó là cách để rút dần khoảng cách giữa chị và con trai. Chị làm giấy khai sinh cho con theo họ Lê của chị. Thằng bé càng lớn lên càng kháu khỉnh, lanh lẹ và thông minh. Chị quyết gửi con ở một ngôi trường tốt nhất ngay từ khi con còn nhỏ để con có được một nền giáo dục vững chắc. Chị chăm sóc, yêu thương nó như con ruột đẻ ra. Nó cũng vậy, nó gọi chị là mẹ, rồi mẹ Bền. Nó ríu rít mỗi khi ở bên chị. Nó kể cho chị nghe về trường lớp, bạn bè, thầy cô mỗi khi đi học về. Nó thủ thỉ với chị như chú chim non mới xa mẹ chưa đầy một ngày mà nhớ thương đã dâng trào lên khóe mắt. Nó đặt những cái hôn chút chít lên trán, lên má chị đầy yêu thương mỗi tối trước khi đi ngủ. Cứ thế, mẹ con chị đã sống những ngày tháng thật ấm áp và hạnh phúc. Thằng bé trở thành nguồn vui, nguồn sống cho chị. Cuộc sống như thế, với chị đã là mãn nguyện. Chị tâm niệm thế.
Thằng Toàn khóe mắt lưng tròng. Nghe chị kể, nó nhìn chị bằng tất cả sự trân trọng:
- Sao mẹ không nói cho con biết sớm? Tại sao mẹ lại giấu con đến tận bây giờ? Nó khóc. Chị cũng khóc.
- Mẹ không muốn giấu con. Chỉ là… mẹ chưa nói cho con biết. Sà vào lòng mẹ, Toàn thấy yêu thương mẹ vô cùng. Trong giây phút ấy, cậu hiểu sự đau khổ của mẹ đã hi sinh cả tuổi thanh xuân tươi đẹp để yêu thương cậu. Và rằng tình yêu thương mà mẹ dành cho cậu là không thể đo đếm hết. Trong suy nghĩ của mẹ, cậu là duy nhất, là tất cả. Vậy mà cậu đã vội lên tiếng trách mẹ khi biết mình không phải do mẹ sinh ra. Cậu thấy mình thật tệ. Chị Bền xoa đầu con trai, hiền từ đáp:
- Mẹ hiểu tâm trạng của con. Giờ con đã biết về bản thân mình. Con cũng đã lớn. Mẹ sẽ tìm mọi cách để tìm lại ba mẹ ruột cho con. Dẫu khó khăn, dẫu thời gian có dài bao lâu chăng nữa, mẹ tin, nếu quyết tâm, chúng ta sẽ tìm được.
Chị Thơm đứng ngoài cửa từ lúc nào. Âm thanh của hai cốc nước trên tay chị đổ ập xuống nền nhà vỡ nát. Giật mình vì mẹ con chị Bền bước ra, chị Thơm cuống quýt:
- Tôi vụng về quá! Tôi xin lỗi!
- Không sao đâu chị. Từ lần sau chị làm cẩn thận hơn là được. Chị Bền nhẹ nhàng. Chị Thơm cảm ơn rối rít rồi ngồi xuống thu dọn từng miếng thủy tinh vỡ vụn. Chẳng may sơ ý, chị dẫm phải miếng thủy tinh khiến máu ở chân loang lổ. Thằng cu Toàn thấy thế liền đỡ chị vào phòng băng bó. Khuôn mặt chị nhìn chằm chằm vào thằng Toàn không chớp. Chị nhận ra khuôn mặt của thằng bé hao hao giống với đứa con đã bị thất lạc của mình, đứa con mà suốt 15 năm qua, chị vẫn không ngừng tìm kiếm. Chị chưa bao giờ hết tự dằn vặt mình vì mải mê mua đồ để thằng bé leo lên xe khách dừng bên đường chơi rồi theo xe đi tuốt luốt khi nào chẳng biết. Chồng giận nên đánh đập rồi bỏ chị. Buồn chán, nhớ con, và thế là chị quyết định đi tìm con. Rồi thì cái duyên đưa chị gặp được chị Bền.
Mười năm sống chung nhà, lo cho cu Toàn từng bữa ăn, trò chuyện, chăm sóc nó lúc ốm đau,… đôi lúc chị cứ tự vấn lòng mình, sao nó giống thằng cu Tí hồi ba tuổi đến thế. Nhưng nghĩ xong, chị lại trách mình. Con người ta, sao có thể… Giờ vô tình nghe được câu chuyện giữa chị Bền với thằng bé, biết được sự thật thằng cu Toàn chỉ là con nuôi của chị Bền, chị Thơm càng tin rằng, thằng Tí ngày xưa của chị chính là cu Toàn bây giờ. Một ngày, chị Bền nhận ra điều kì lạ chứa trong ánh mắt của chị Thơm dành cho thằng Toàn. Dẫu sống chung một nhà với nhau đã lâu nhưng nỗi lòng của hai người phụ nữ trạc tuổi nhau ấy lại là hai khoảng trời riêng biệt, kín kẽ. Chị Bền không bao giờ kể về chuyện thằng cu Toàn. Chị Thơm cũng không hề nói ra bí mật về đứa con trai mình đang tìm kiếm. Tâm hồn của những người phụ nữ đôi khi cũng thật kì lạ. Giống nhau đấy mà lại khác nhau đến vô cùng.
Năm năm sau khi nhận cu Toàn về nuôi, chị Bền gặp chị Thơm cũng thật tình cờ khi ngang qua bến xe thành phố. Chị Thơm ôm cái túi vải đứng khép nép dưới một gốc cây lớn bên vệ đường. Nhận ra người đàn bà quê kiểng chân chất, mộc mạc, chị Bền nhận chị Thơm về nhà mình làm người giúp việc. Mười năm qua, chị Thơm sống hòa thuận, vui vẻ, chẳng để mất lòng mẹ con chị Bền bao giờ.
Chị Bền được thằng cu Toàn báo tin chị Thơm đi chợ, bị hai thanh niên đi xe lạng lách tông vào người, bị thương nặng mới đưa vào bệnh viện. Chị Thơm mất máu khá nhiều, cần có người cùng nhóm máu mới có thể cứu sống. Chị Bền nhờ mấy người bạn và cả chị nữa kiểm tra máu để cho nhưng đều không hợp. Thằng cu Toàn ở đâu chạy đến cũng xin được kiểm tra. Không ngờ, nó lại cùng nhóm máu với chị Thơm. Cả ngày hôn mê, chị Thơm cũng qua cơn nguy kịch. Đó cũng là lúc chị Bền nhận được kết quả xét nghiệm AND của chị Thơm và thằng cu Toàn. Vì nghi ngờ, chị đã lấy một cọng tóc của chị Thơm và thằng Toàn đi kiểm tra. Chị ngỡ ngàng và không thể tin được kết quả xét nghiệm AND giữa hai người trùng khớp đến 99.9%. Chị Bền đứng dậy, bước vội ra khỏi phòng. Thì ra, bấy lâu nay, chị Thơm, người đàn bà giúp việc trong nhà lại chính là mẹ ruột của thằng cu Toàn. Mình vô tâm quá. Giá như mình tinh tế hơn. Giá như mình gần gũi, mở lòng thì thằng Toàn đã tìm được mẹ nó sớm hơn rồi…
Trong phòng hồi sức, chị Bền cầm lấy tay con trai nhẹ nhàng đặt vào bàn tay của chị Thơm đang nằm trên giường bệnh rồi mỉm cười nhìn Toàn:
- Đây chính là mẹ ruột của con. Người đã mang nặng đẻ đau, đã đau khổ và âm thầm tìm con suốt mười mấy năm nay. Toàn nắm chặt lấy tay chị Thơm rồi tủi hờn, khóc như một đứa trẻ. Chị Bền nhìn người đàn bà giúp việc, dẫu lúc này chưa thể nói gì, thế nhưng đôi mắt chị đã rưng rưng một niềm xúc động. Nhìn chị Bền,Toàn nhẹ nhàng đưa bàn tay còn lại của mình nắm lấy tay chị, miệng nở nụ cười ấm áp:
- Con thật hạnh phúc vì có đến hai người mẹ!

Lê Thị Xuyên


GÓC BÌNH YÊN

Tôi vẫn nhớ như in ngày mẹ giao cho tôi chiếc xe gắn máy mẹ nói với tôi :
" Mẹ chỉ lo cho hai anh em con được vậy thôi. Hai đứa học xong Đại Học và với chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại. Mẹ không thể có nhiều hơn được ..! " .
Tôi đã rất xúc động, ôm chầm lấy mẹ và nói với mẹ rằng : không chỉ là chiếc xe hay bất kỳ thứ vật chất nào đâu mẹ ạ, mẹ đã cho con thật nhiều, cho con cả một tâm hồn đầy đặn từ chính những gì mẹ đã làm .
Mẹ kể :
Ngày mẹ đám cưới, bà Ngoại khóc nhiều. Mà không lo lắng sao được, khi cô nữ sinh trường Gia Long " danh giá " ngày nào, vừa tốt nghiệp sư phạm và cũng là " tiểu thư " của một gia đình tương đối khá giả ở Sài Gòn, mẹ chấp nhận về quê chồng làm dâu, làm cô giáo nhỏ tại một vùng biển, đất đai khô cằn xa tận miền Trung.
Cuộc sống không đẹp như mẹ mong muốn .
Ba tôi, sao khi được cử vào Sài Gòn học lớp nghiệp vụ, đã bị choáng ngợp bởi một cô gái thành thị, để rồi quên đi cô vợ quê đang ở vùng biển mỗi ngày trông ngóng ba về.
Và chuyện gì đến rồi cũng đến ....
Khi tôi tròn ba tuổi, mẹ mang thai em tôi trong bụng, đó là lúc tôi không còn nghe được tiếng cười nói của ba tôi nữa và căn nhà không còn hơi ấm của trụ cột gia đình....
Rồi mẹ tôi gạt nước mắt, đưa hai anh em tôi vào Sài Gòn chỉ với hai bàn tay trắng.
Ký ức về ba, qua người thân và hàng xóm là những lời trách móc về một người đàn ông" thật tệ ".
Nhưng mẹ tôi nói :
"Cuộc sống luôn có những điều vừa lòng và không vừa lòng tồn tại, hãy biết cách tha thứ để cho tâm hồn mình luôn có những ngày vui ..."
Và mẹ đặt ra những quy tắc trong gia đình là :
-- Hãy cứ xem như ba đi công tác xa, không có mặt ở nhà, cả nhà không được nói xấu ba.(vì càng nói thì càng nhớ, càng nhớ thì càng buồn mà thôi). Xem như ba vắng nhà.
-- Mẹ lo kiếm tiền cho tụi con ăn học, lo chuyện bếp núc .
-- Anh lớn, thay ba xem máy móc, xe cộ trong nhà có hư thì sửa " giùm ba " .
-- Con út, coi bàn ghế có hư hỏng thì đóng lại !!.
-- Mẹ tự đi học thêm cách sửa chữa điện nước, lo liệu cho gia đình mình, lại cũng vừa thay mặt ba để dạy hai con .
Những khó khăn lẩn khuất luôn có trong căn nhà mà một người phụ nữ trẻ và hai đứa con nhỏ phải gánh chịu, tuy vậy, mỗi chiều về, vẫn luôn rộn vang tiếng cười .
Bà Nội sống ở miền quê, lúc nào cũng nhớ thương con trai mình, thương con dâu và hai cháu. Cứ mỗi kỳ nghĩ hè, mẹ đưa hai anh em tôi về quê ở cùng bà. Mẹ cứ dặn :
"Nhà mình không giận ba thì cũng không được giận bà Nội."
Ngày bà Nội đột ngột ra đi. Mẹ thuê xe đi trong đêm để hai cháu kịp nhìn bà lần cuối. Tôi cảm nhận thật rõ, mẹ đã gieo vào tâm hồn tôi những hạt giống thật đẹp của cây yêu thương và lòng vị tha như thế nào .
Trong căn nhà nhỏ của tôi, ở góc này, góc kia vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng của sự thù hận.
Mẹ vẫn nói:
" Điều đầu tiên con cần phải học không phải là cách chống đỡ với cuộc sống này, mà là học cách yêu thương và tha thứ ".
Và cũng ở trong căn nhà nhỏ ấy, tôi biết..
CÓ BA TÂM HỒN THẬT BÌNH YÊN ..

Minh Đăng
Bài & ảnh sưu tầm



Không có nhận xét nào: